Chương IX

     ụ Chánh vấn thêm điếu thuốc rê khác. Cụ phì phà, đoạn lựa con bọ màu lam, đặt kế con bọ đỏ, cam, vàng, xanh, đoạn vào truyện:
- Tề Hi Công có hai người con gái tuyệt đẹp. Tuyên Khương đã gả cho nước Vệ. Văn Khương là trang quốc sắc tài cao, học rộng.
Thế tử Chư Nhi là con khác mẹ, nhưng Văn Khương quyến luyến từ thuở thiếu thời.
Thế tử Hốt giúp Tề dẹp Bắc Nhung. Tề Hi Công mến mộ nên thường ngỏ ý với Trịnh Hốt sẽ gả Văn Khương cho. Văn Khương biết được nên đem lòng yêu.
Sau đó Thế tử Hốt chối hôn. Văn Khương ốm tương tư. Chư Nhi vịn cớ thăm bệnh và bạ chung giường. Tề Hi Công bắt gặp, trách mắng. Chư Nhi cáo lui. Văn Khương lâm trọng bệnh.
Lúc ấy Công tử Huy mối mai Văn Khương cho Lỗ Hoàn Công. Chư Nhi hay được, trao cho Văn Khương một cành hoa, kèm theo bài thơ trêu ghẹo. Văn Khương làm bài họa để tỏ tình quyến luyến.
Lỗ Hoàn Công đến Hoan Ấp để rước dâu.
Tề, Lỗ giao tranh sau đó. Tề thua liên quân Lỗ, Trịnh. Tề Hi Công uất hận, sinh bệnh mà thác, quyền truyền cho Chư Nhi tức Tề Tương Công.
Tề Tương Công muốn gây thế lực nên cầu hôn với nhà Chu. Vua Chu truyền Lỗ Hoàn Công đích thân sang Tề chu toàn hôn ước. Tề Tương Công cho sứ sang Lỗ để đưa đón.
Văn Khương được tin, chạnh lòng nhớ người xưa, mới đánh tiếng xin theo chồng sang Tề.
Đại phu Thân Nhu can rằng:
- Cứ theo lễ, con gái khi đã lấy chồng, nếu cha mẹ hãy còn, mỗi năm được về thăm nhà một lần. Bây giờ phu nhân đã mất cha mẹ, chả lẽ em lại về thăm anh? Vã lại nước Lỗ của ta vốn là một nước biết giữ lễ. Tôi thiết tưởng không nên làm việc ấy.
Vốn là người hay chiều vợ, Lỗ Hoàn Công bất đắc dĩ trái lời Thân Nhu. Tề Tương Công đón vợ chồng vua Lỗ tại Lạc Thủy rồi đưa về Lâm Chi.
Lỗ Hoàn Công trình mệnh bàn hôn sự. Tề Tương Công thết tiệc. Tiệc tan, Tề Tương Công giả cách đưa Văn Khương thăm các cung tần ngày xưa. Cả hai đem nhau vào phòng kín soạn sẵn để trà rượu, mây mưa.
Sáng hôm sau, mặt trời đã lên cao mà Văn Khương vẫn còn say ngủ. Lỗ Hoàn Công thẩm tra, vua Tề chưa có chính phi, chỉ có Liên Thị, em của Liên Xương, là thứ phi mà thôi!
Lỗ Hoàn Công sau đó hạch hỏi Văn Khương. Nàng nói dối là ngủ lại với Liên Thị. Vợ chồng cãi nhau, thấu tai Thạch Chi Phân Như. Tề Tương Công nghe phi báo nên kinh sợ. Tiếp theo là tin vua Lỗ xin cáo lui. Biết chuyện đã lộ, vua Tề bày tiệc đãi vua Lỗ tại Ngưu Sơn. Khi Lỗ Hoàn Công say túy luý, Tề Tương Công sai Công tử Bành Sinh, vốn là cựu thù với nước Lỗ, đưa Lỗ Hoàn Công về công quán. Giữa đường, Bành Sinh đã bóp nát xương sườn của Lỗ Hoàn Công cho đến chết.
Tề Tương Công giả thương xót, đoạn thông báo nước Lỗ mang xác về quê.
Quân hầu thuật lại sự ám toán của Bành Sinh. Công tử Khánh Phủ đòi xua quân đánh Tề. Thi Bá ngăn vì Tề mạnh và chuyện ám muội không nên để các nước khác rõ. Cách hay nhất là nên đặt nghi vấn trong xe, để Tề dụng Bành Sinh làm vật hi sinh!
Khi nước Lỗ đặt nghi vấn, Tề Tương Công trút hết tội lỗi lên đầu Bành Sinh. Bành Sinh mắng:
- Đứa hôn quân vô đạo kia! Mày bày mưu lập kế để gian dâm với em gái. Bây giờ lại đổ tội hại người cho ta. Ta chết đi, sẽ làm ma quái báo cừu!
Sau khi Vương Cơ và Tề Tương Công thành hôn, Tề Tương Công là hạng dâm đãng, Vương Cơ là người nhu hòa nên không tương đắc. Vương Cơ rõ chuyện vua tư thông với em gái, buồn chán, sinh bạo bệnh mà thác.
Để lấy uy dọa Lỗ Trang Công báo thù cha, Tề Tương Công đánh nước Kỷ. Muốn cứu nước Kỷ, Lỗ xin Trịnh giúp. Trịnh từ nan, vì nội bộ có vấn đề. Lỗ lui binh, Kỷ xin đầu Tề.
Lúc ấy Vệ Sóc xin Tề giúp đánh Vệ Kiềm Mâu, kẻ do vua Chu lập nên. Tề Tương Công không còn nể Chu vì nàng Vương Cơ đã thác. Tề hợp Tống, Vệ, Trần, Sái đánh Vệ Kiềm Mâu. Tề truyền Liên Xưng, Quản Chí Phủ trấn Qui Khâu để ngăn Chu. Tề Tương Công ước hẹn mùa dưa sau sẽ cho người thay thế hai tướng Liên, Quản.
Mùa dưa đến, Tề Vương bội ước. Liên Xưng dùng em gái là Liên Thị làm nội ứng, đồng thời hắn lập Công tôn Vô Tri, con của Công tử Di Trọng Niên, cháu của Tề Hi Công, là anh em họ của Tề Tương Công, để mưu loạn.
Nhân Tề Tương Công đi săn ở Cô Phần, Liên Xưng đem quân mai phục. Sáng hôm sau, Tề Tương Công lên núi Bối Khâu, truyền phóng hỏa, vây rừng để săn muông thú. Một con lợn to, đầu trâu không sừng, mình hổ không vằn, từ trong lửa phóng ra. Tề Tương Công truyền Mạnh Dương xạ tiễn. Mạnh Dương bảo, đấy là Công tử Bành Sinh chứ nào phải lợn! Tề Tương Công cho rằng Bành Sinh đã chết, nên đoạt cung tên của Mạnh Dương, bắn luôn ba phát nhưng vô hiệu. Lợn đưa hai chân trước lên cao, đứng thẳng như người, vừa đi vừa khóc. Tề Tương Công cả kinh, ngã xuống xe, chấn thương chân trái, đánh rơi chiếc giày thêu. Lợn tinh cướp giày, biến dạng.
Đêm về, Tề Tương Công đau chân, truyền Mạnh Dương kèm tay rảo bước, mới hay mất giày. Tề hỏi căn, đoạn hành hạ Đồ Nhân Phí đến đổ máu, vì tội hộ giá không tròn. Đồ Nhân Phí mang thương ra ngoài, gặp phải Liên Xưng đang truy Tề Tương Công, gã trình thương tích và xin tiếp tay. Liên Xưng tin dùng, gã vào trong cắt đặt, Mạnh Dương mặc long bào, giả Tề Tương Công đang say giấc; Thạch Chi Phân Như chặn Liên Xưng; Tề Tương Công nấp sau cửa khép; đoạn gã trở ra, đâm nhầu Liên Xưng. Liên Xưng nhờ giáp trụ nên thoát chết, trở tay lia kiếm giết Đồ Nhân Phí, xông vào trong diệt luôn Thạch Chí Phân Như và trảm thủ kẻ mặc long bào mới hay mình lầm đòn thù.
Khi Liên Xưng đến khung cửa khép hờ, thấy có chiếc giày thêu bên ngoài. Hắn mở cửa, bắt gặp Tề Tương Công đang run rẩy. Gã hài tội:
- Ngươi gây chinh chiến khiến lê dân đồ thán, ấy là bất nhân; phế bỏ công tôn, trái lời cha dặn, ấy là bất hiếu; gian dâm cùng em gái, ấy là bất lễ; bắt tướng trấn đồn, bội ước, ấy là bất tín. Nhân, hiếu, lễ, tín ngươi đều phạm, nào xứng làm người! Ta vì Lỗ Hoàn Công lấy mạng ngươi rửa thù!
Nói xong, phân thây Tề Tương Công ra làm nhiều mảnh.
Cụ Chánh tựa vào lưng ghế, phì phò điếu thuốc, mắt nhìn Tân dò xét. Tân nhíu mày:
- Đúng là gieo gió thì gặt bão! Oan oan tương báo! Công tử Bành Sinh thù vặt nên giết Lỗ Hoàn Công hộ Tề Tương Công. Tề Tương Công sợ nhục nên phụ nghĩa chúa tôi, ra tay giết Bành Sinh. Bành Sinh uẩn thác hứa làm quỷ báo cừu, hắn đã dùng chiếc giày thêu để mượn tay Liên Xưng phục hận. Liên Xưng oán Tề Vương bội ước nhưng mượn tích Tề Tương Công tư thông với em gái đến sinh tâm ám hại chồng người. Liên Xưng đã lấy danh nghĩa báo cừu cho Lỗ Hoàn Công, để phân thây vua nhà làm nhiều mảnh!
Nhưng vấn đề hôm nay là cha muốn dạy con về tình yêu nam nữ, nên con xin nói về hành vi của Văn Khương.
Đối tượng tình yêu của Văn Khương là món quà thay thế. Tề Hi Công có cái lỗi là giáo dục con cái quá hời hợt. Hai anh em cùng cha khác mẹ, đứng trên phương diện đạo lý là huynh muội như nhứt, nhưng yếu tố khác mẹ là cửa ngõ để nam và nữ cùng bước vào. Nam và nữ không thể là bằng hữu mà là bạn tình, tình đạt mức đậm đà là chiếm hữu toàn diện nội tâm và ngoại thể. Tề Tương Công và Văn Khương quyến luyến nhau từ nhỏ, lớn lên trong nhung lụa, chia xớt buồn vui, nửa bước không rời. Bằng hữu còn khó chia, huống chi trai gái. Do đó, Lỗ Hoàn Công chỉ có nghĩa, nhưng Tề Tương Công mới có tình. Vì vậy, Văn Khương đã vật vã trước dục vọng thấp hèn, như kẻ thèm trái cấm, nhưng biếng trèo cao, đành quơ quào cành hạ.
Tình yêu của Văn Khương là loại tình bệnh hoạn. Sự thiếu chín chắn chẳng những làm điếm nhục bản thân nàng, mà còn gây tai ương cho kẻ khác. Nàng xin theo chồng cho có đôi, lại hoang dâm cùng anh một cha khác mẹ. Sự mê muội khiến tình lang giết chồng nàng, hại tôi lương đống của mình, làm đảo lộn nghĩa chúa tôi, cuối cùng chết nhục nhã dưới tay một thuộc hạ vô danh.
Nàng là đóa hồng đầy gai!
Cụ Chánh mỉm cười hài hòa, cụ chọn bọ màu chàm, đặt cạnh con bọ màu đỏ, cam, vàng, xanh, lam. Cụ vào truyện:
- Hoa Đốc bày mưa giết Khổng Phủ Gia xong, thừa cơ giết luôn Tống Thương Công, đoạn sang Trịnh rước Công tử Phùng về nối nghiệp. Trước khi qui cố hương, Công tử Phùng sụp lạy Trịnh Trang Công và cung hứa:
- Tôi sống được là nhờ chúa công. Về nước, may được lên ngôi, tôi xin một lòng thần phục, không bao giờ dám sai.
Trịnh Trang Công truyền ngôi cho Công tử Hốt, tức Trịnh Chiêu Công và đưa Công tử Đột sang Tống để tránh tranh vị. Công tử Đột cùng mẹ là Ung Thị bàn bạc cùng Công tử Phùng, tức Tống Trang Công để cướp ngôi Trịnh Chiêu Công. Thừa cơ, Sái Túc vâng lệnh Trịnh Chiêu Công đi sứ sang Tống. Tống Trang Công làm áp lực buộc Sái Túc thề độc, rồi lập Công tử Đột. Mặt khác, gài Công tử Đột rằng:
- Ta cùng Ung Thị muốn cho Công tử về nối ngôi. Nay, Trịnh đã lập Công tử Hốt, hắn có đưa mật thư bảo ta giết Công tử thì hiến ba thành để tạ ơn. Ta không nỡ, nên nói riêng cho Công tử rõ!
Công tử Đột tin thật, nên khấu đầu thưa:
- Tôi nhờ uy của chúa công mà được về nước, chúa công dạy thế nào tôi cũng xin vâng, cứ gì ba thành!
Tống Trang Công bắt Công tử Đột làm tờ thệ ước hiến ba thành cùng vàng bạc và thóc. Quyền bính phải giao cho Sái Túc. Sái Túc phải gả con gái cho Ung Củ và phong làm đại phu.
Khi Sái Túc về nước, không vào chầu. Các quan đến thăm. Sái Túc phao tin Nam Cung Trường Vạn vâng lệnh Tống sẽ chinh phạt Trịnh, muốn yên thì phải phế Hốt lập Đột. Cao Cừ Di vốn có tư thù với Trịnh Chiêu Công, nay nghe phù Đột, vội tán đồng. Các quan ngỡ hắn có mưu với Sái Túc, lại thấy quân mai phục, nên đành sụp lạy tôn vinh Công tử Đột, tức Trịnh Lệ Công. Công tử Vĩ trốn sang Sái. Công tử Nghi trốn sang Trần.
Tống Trang Công cho người mang thư chúc mừng Trịnh Lệ Công và đòi ba thành cùng vàng, bạc, thóc. Sái Túc nghị nên nộp một phần vàng, bạc, thóc; còn thành xin hoãn lại vì sợ dân loạn.
Tống Trang Công nổi giận. Trịnh Lệ Công phải nhờ Lỗ Hoàn Công đem trả cái Thương Di mà Tống đã lễ Trịnh ngày xưa, để xin tha cho việc nộp thành. Tống Trang Công nghe nói tới việc cũ, đỏ mặt bảo: “Việc này đã lâu, tôi quên mất, để tra cứu lại!”, đoạn tiếp tục đòi ba thành. Trịnh Lệ Công làm phiền Lỗ Hoàn Công lần nữa. Lỗ Hoàn Công bất đắc dĩ xin hẹn Tống tại Hư Qui. Tống Trang Công không đi phó hội, chỉ sai sứ, nhắn Lỗ Hoàn Công đừng chen vào việc riêng giữa Tống, Trịnh. Lỗ Hoàn Công cả giận, mắng rằng: “Dẫu thường dân tham lam mà bội tín cũng chẳng ra gì, nữa là ông vua của một nước lớn!”
Lỗ, Trịnh hội ở Vũ Phủ để nghị sự đánh Tống. Tống Trang Công thay vì nghe lời Công tử Ngự Thuyết xin cầu hòa, lại nghe lời Nam Cung Trường Vạn đem quân đánh Lỗ, Trịnh. Hai bên giao chiến, Lỗ - Trịnh bắt được Mạnh Hoạch, Tống bắt được tướng Trịnh. Trong lúc trao đổi tù binh, Lỗ - Trịnh được tin Tề đánh Kỷ nên liên quân kéo đến giúp Kỷ. Tống đem quân giúp Tề và lôi cuốn thêm Vệ. Lỗ - Trịnh thắng Tề. Tề Hi Công thua buồn đến thác. Thế tử Chư Nhi lên thay, tức Tề Tương Công, vội hợp cùng Tống, Vệ, Sái để đánh Trịnh. Trịnh Lệ Công toan chống trả. Sái Túc chỉnh: “Ai xin đánh sẽ bị trị tội!”. Nói đoạn treo miễn chiến bài. Liên quân Tề, Tống, Vệ, Sái đến cửa thành đốt phá, lấy cột thái miếu của Trịnh đem về Tống làm cửa thành để gây điếm nhục.
Trịnh Lệ Công thấy thế uất ức, có ý muốn giết Sái Túc. Vả lại Hoàn Vương, vua nhà Chu, băng hà, Trịnh Lệ Công toan sai người chịu tang. Sái Túc đem chuyện Chúc Đam bắn vua Chu ngày xưa để ngăn. Mối thù Sái Túc càng đậm trong lòng Trịnh Lệ Công.
Một hôm Trịnh Lệ Công dạo chơi ngoài vườn, thấy đàn chim bay qua, Lệ Công thở dài. Ung Củ thưa:
- Tiết xuân đầm ấm, chim muông vui hót, chúa công được tôn hầu, sao lại u sầu?
Trịnh Lệ Công đáp:
- Chim tự do bay nhảy, ta thua chúng nên chạnh buồn.
Ung Củ chân thành bày giải:
- Chúa công nói thế, làm tôi liên tưởng đến kẻ soán quyền. Vua như cha, tôi như con. Con không lo cho cha là kẻ bất hiếu. Bề tôi không giúp được vua là bất trung. Nếu chúa công cho Củ này là người không đến nỗi hèn mạt mà giao bất cứ việc gì, Củ này cũng xin tận lực.
Trịnh Lệ Công vấn:
- Ngươi đối với Sái Túc như thế nào?
Ung Củ bày nỗi lòng:
- Cam phận rể thì có, tình yêu thì không! Sái Túc gả con cho tôi chẳng qua do nhà Tống ép buộc. Sái Túc còn mến Trịnh Chiêu Công, vì sợ uy Tống nên chưa dám thay lòng.
Trịnh Lệ Công treo giải:
- Ngươi giết được Sái Túc, ta sẽ cho người chức ấy.
Ung Củ dựng mưu:
- Xứ Đông Giao bị Tống phá, dân tình phiêu bạt, khốn đốn. Thiết tưởng chúa công truyền Sái Túc đem lụa, thóc cứu trợ. Tôi sẽ bày tiệc rượu, rồi đánh thuốc độc giết hắn.
Trịnh Lệ Công căn dặn Ung Củ nên thận trọng. Khi về thấy Sái Thị, Ung Củ chột dạ. Tinh ý, Sái Thị cật vấn:
- Trông nét mặt phu quân, thiếp đoán trong triều có chuyện lạ. Vợ chồng với nhau, dù việc to hay nhỏ, cũng nên thông đạt, chớ ngại!
Ung Củ vẽ duyên:
- Chúa công sai thân phụ ra Đông Giao cứu trợ dân. Ta nhân đấy muốn bày tiệc đãi người!
Sái Thị đấu lý:
- Phu quân muốn chúc thọ, cứ gì phải ra Đông Giao?
Ung Củ vụng về:
- Đó là lệnh của chúa công, phu nhân hỏi làm gì!
Sái Thị sinh nghi, ép rượu Ung Củ. Nhân lúc gã ngủ mê, Thị giả cách hỏi:
- Chúa công sai mày giết Sái Túc, mày quên rồi à?
Ung Củ ú ớ trong cơn mê:
- Việc đó tôi nào dám quên!
Sáng hôm sau, Sái Thị dọa:
- Đêm qua phu quân say rượu, đã nói ý định giết thân phụ!
Ung Củ ngớ ngẩn:
- Nếu việc ấy là thật thì phu nhân nghĩ sao?
Sái Thị giục hoãn cầu mưu:
- Có chồng thì phải theo chồng chứ sao!
Ung Củ khờ khạo thuật rõ mọi việc. Sái Thị mưu toan:
- Tôi e thân phụ lưỡng lự, chưa chắc đã đi. Gần đến hôm ấy, tôi sẽ về trước mà xúi giục mới được!
Ung Củ cả tin:
- Nếu xong việc, ta đạt chức phận của thân phụ thì phu nhân cũng được hiển vinh.
Gần đến ngày, Sái Thị về hỏi mẹ:
- Cha và chồng, đàng nào thân?
Mẹ bảo:
- Hai đàng đều thân cả.
Sái Thị so sánh:
- Hai đàng, đàng nào thân hơn?
Mẹ lượng:
- Cha thân hơn.
Sái Thị muốn rõ nguồn cơn:
- Tại sao thế?
Mẹ giải:
- Con gái lúc chưa chồng, chỉ biết có cha. Có chồng, có thể đổi chồng khác chứ không thể đổi cha khác. Chồng định tự người, cha định bởi trời. Chồng ví với cha thế nào được!
Nghe thế, Sái Thị rơi lệ, buông lời dứt tình:
- Nay con vì cha, không nghĩ tới chồng nữa!
Nói đoạn, y thị thuật âm mưu của chồng cho mẹ. Mẹ nàng thông báo cho cha.
Đến ngày hẹn, Sái Túc sai Cường Thư, bảo hộ vệ giấu kín vũ khí trong người, đồng thời truyền Công tử Át đem quân mai phục ở Đông Giao.
Khi nhập tiệc, Sái Túc vờ thân mật:
- Ta vì việc nước mà làm, ngươi bày vẽ mà chi!
Ung Củ lý sự:
- Nhân tiết xuân trầm ấm, con dâng ly rượu chúc thọ cha!
Nói xong, Ung Củ rót chén rượu đầy, quỳ xuống chúc thọ. Sái Túc vừa đỡ chung rượu, vừa túm lấy Ung Củ, quát:
- Thất phu, mày dám láo với ta à!
Cường Thư và thủ hạ trói Ung Củ, chém đầu, quăng xuống dòng Chu Trì.
Cụ Chánh dùng lời của Trịnh Lệ Công để chấm dứt cốt truyện:
- Đem quốc sự để bàn với đàn bà, tránh sao cho khỏi vong mạng!
Tân tiếp lời cha:
- Thiên hạ thường khuyên “thà làm tớ người khôn, hơn làm thày kẻ dại”, người đáng trách là Trịnh Lệ Công chứ không phải Ung Củ.
Công Tử cưỡng ý cha, rời Tống qui Trịnh để gây rối là bất hiếu; nghe lời Tống Thương Công để gây loạn nước là bất trung; cãi lời cha, nghe lời giặc để soán ngôi anh là bất nghĩa; tham ngôi báu, hứa dâng đất là bất tri; sợ dân loạn, giữ lại ba thành là bất tín; ham làm vua, nhận áp lực của Tống, hạ mình làm bù nhìn là bất mục. Con người bất hiếu, bất trung, bất nghĩa, bất tri, bất tín, bất mục thì chọn người hời hợt là phải. Cả thầy lẫn tớ đã thua trí một người đàn bà, đến kẻ vong mạng, người mất ngôi là chuyện hiếm hoi.
Dân gian cũng có câu “huynh đệ như thủ túc, vợ chồng như y phục”, nên Sái mẫu đã dạy Sái thị “chồng định tự người, cha định bởi trời”!
Sái mẫu đã khéo trao quyền quyết định từ hoặc giữ cho Sái Thị. Một ngày cũng là tình, hai ngày cũng là nghĩa, đành rằng chồng gieo gió thì phải gặt bão, nhưng không hẳn mỗi khi chồng có lỗi, vợ nhà lại thừa thắng ly hôn. Trên đời cũng có lắm người đàn bà trinh liệt, lấy lý xây dựng chồng, chồng khờ thì dạy khôn, chồng giỏi thì góp công đưa chồng lên thang danh vọng, bởi thế cổ nhân có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Thế mới thấy rằng, Sái Thị vô tình và hẹp lượng.
Sái Thị là người mưu lược, nhìn sắc mặt của chồng, biết chồng sanh tâm; nghe lý luận của chồng, biết chồng gian dối; khai thác mật truyện bằng lấy giấc ngủ, giả cách vua để biết sự thật. Một người như thế, nếu thương chồng thật sự, có đủ năng trí để cứu chồng khỏi sa đoạ, cứu cha thoát lâm nguy, đâu cần phải hỏi ý mẹ, dùng quyền cha. Người có trí mà ác tâm thì gây họa cho thiên hạ là ở chỗ đó. Y thị đã chọn “thà rằng tử biệt”, một người đàn bà trung thành với chủ trương “vợ chồng như y phục” nên nhẹ chữ ân tình.
Về cá nhân Ung Củ thì không còn lời nào để bôi bác cho vừa. Con người nhiều khuyết điểm mà giữ trật phẩm, quyền uy tạo nên hoạ, cái họa trong giang hồ: “khôn sống mống chết”. Quan đại phu chết một mình là cái phước cho thiên hạ!
Cụ Chánh hài lòng, cụ cười khà, bảo:
- Con có tiến bộ, cha hy vọng con sẽ nhìn thấy một phần lỗi lầm của chính con và hiểu được phần nào chân dung cuộc tình mình.
Nói đoạn, cụ lựa con bọ màu tím, đặt cạnh các con bọ sắc đỏ, cam, vàng, xanh, lam và chàm, cụ vào truyện:
- Sau khi Tuyên Vương qua đời, Thái tử Cung Nát lên ngôi, lấy hiệu là U Vương. Ngài là kẻ bạo ngược, dù mang tang vẫn đam mê tửu sắc, chẳng thiết chính sự. Các hiền thần Thiệu Hổ, Doãn Cát Phủ đã qua đời, vua lại dùng Quắc Công, Sái Công và Doãn Cầu, đều là phường xu nịnh.
Kỳ Sơn bị thiên tai, Đại phu Triệu Thúc Đái khuyên vua lánh tửu sắc, lo chiêu hiền đãi sĩ để thiên thuận, nhân hòa. Vua nghe lời đàm tiếu của Quắc Công, đuổi Triệu Thúc Đái, hạ ngục Bao Quýnh vì dám biện hộ cho bạn đồng liêu.
Kẻ bán cung tên tiên triều, sau khi vớt trẻ trôi sông, trốn sang Bao Thành, đem bán cho nhà Đại Tự, bé con nêu danh là Bao Tự. Năm mười bốn tuổi, cô bé quê là trang quốc sắc. Một hôm Hồng Đức mua Bao Tự, đem dâng cho U Vương để cứu cha là Đại phu Bao Quýnh thoát cảnh lao tù.
Được Bao Tự, U Vương chìm đắm chốn Quỳnh Đài, phó mặc việc triều chính. Thân Hậu, nhân vắng vua, đến hạch tội Bao Tự. Sau đó, Thái tử Nghi Cữu lại nặng tay hành hạ quý thiếp của vua cha, nên bọn xu nịnh thúc vua đày Thái tử sang Thân quốc.
Thân Hậu bị thất sủng, thương nhớ con nên mượn tay nữ y Ôn Uẩn mang thư, giục Nghi Cữu dâng sớ hồi quê để lo chính sự. Mật thư bị Bao Tự bắt được, Tam Công hùa theo Bao tự gây áp lực khiến Nghi Cữu bị phế, Thân Hậu bị đưa vào lãnh cung.
Bao Tự tuy nên chánh cung, nhưng sắc diện mãi u sầu, vũ nhạc vẫn không làm nàng vui. U Vương động lòng dò căn, y thị thẫn thờ đáp:
- Thiếp chẳng thích thứ gì cả, chỉ còn nhớ năm xưa, tiếng xé lụa nghe khá vui tai!
U Vương truyền cung nữ, mỗi ngày xé một trăm tấm lụa để mua vui Bao hậu. Thế nhưng quí phi vẫn tắt nụ cười. Quắc Công hiến kế:
- Trên đỉnh Ly Sơn, tiên vương đã lập hai mươi chòi canh, có trang bị trống chầu. Khi quốc biến, chỉ cần phóng hỏa chòi canh, gióng trống, là chư hầu đem quân tiếp trợ. Nay tuy bình, lửa dậy trống khua, giục chư hầu đến mua vui cho mẹ nước, cha dân cũng nên!
U Vương khen phải. Trịnh Bá Hữu khuyên:
- Tín hiệu ấy là để cứu nước. Nay, vô cớ đem lý mua vui. Chữ tín không thủ, họa đến thiếu trợ, quân không viện, nước tắc vong!
U Vương không nghe. Vua và hoàng hậu ngự Ly Sơn, truyền đốt chòi, gióng trống. Chư hầu kéo đến đủ mặt, nhìn nhau ngơ ngác! Bao Tự cười vang! U Vương vẽ lý trấn hầu, đem nghìn vàng ban thưởng.
Cụ Chánh kết luận:
- Sự thể phi lý đến nhân gian bảo “nghìn vàng mua lấy trận cười” hoặc “nụ cười xé lụa” là tiền tích!
Cụ hớp hụm trà, đoạn tiếp:
- Để thay lời bình, ta nên đem hậu lai để đánh giá duyên khởi bằng lý của Thân Hầu: “Xưa, Kiệt yêu Muội Hỉ khiến Hạ mất. Trụ Vương mê Đắc Kỷ làm Thương tan. Nay bệ hạ bỏ chánh, lập thứ, xin gẫm lại để tránh họa mới!”
U Vương mặc Thân Hầu, chuộng Quắc Công nên truyền Quắc Công lãnh chỉ đánh Thân quốc. Tiên hạ thủ vi cường, Thân Hầu đem lợi lộc khiển Khuyển Nhung đánh Kiểu Kinh. U Vương đốt lửa, gióng trống trên đỉnh Ly Sơn để cầu viện. Nhưng viện chẳng thấy mà giặc đã hiện, Quắc Công phải lãnh ấn tiên phuông và bị Bột Đinh chém chết. Trịnh Bá Hữu giết Cổ Lý Xích phù vệ hoàng gia, nhưng bị thọ tiễn mà thác. Khuyển Nhung giết U Vương, Bá phục Thái tử và đưa Bao Tự vào nội trướng.
Tân nhớ lại những tiền tích cha đã lược qua, cậu luận:
- Truyện Tàu hay thần thánh hóa cốt truyện, huyền hoặc hóa cá nhân để khởi duyên và kết hậu, hầu gây tác dụng sâu đậm vào tâm khảm quần chúng. Để xây dựng nhân vật, Bao Tự đầy ác tật, sử gia nhấn mạnh, tiền thân của y thị là linh khí của Long thần, được mang từ thị nữ mới mười hai tuổi và sanh ra lúc ả được năm mươi hai tuổi. Mạng của nàng cao số đến chim muông phải hộ giá, khỏi chết về nạn trôi sông. Để gây hậu thuẫn cho trang quốc sắc thiên hương đã thế thiên hành quả một liệt quốc, mà nguyên thủ là vua của các vua, phải trang bị cho nàng cái kiêu tính thích nghe xé lụa, chỉ cười khi gạt hầu, hai thứ triệt, tuần cho một vương quốc có một quá trình oanh liệt, đang trên đà xuống dốc qua sấm truyền.
Cụ Chánh vội ngăn lời Tân, cụ phát biểu:
- Con đã dựa thời vận, lấy lý trời để bàn, thì bao nhiêu tội lỗi đều trút cho thiên cơ hết, khiến ta không tìm thấy manh tâm của Bao Tự.
Đứng trên phương diện nhân tâm để phân tích, thì ta thấy rằng: Bao Tự mẹ là cung nữ, dưỡng mẫu là dân giả, sống trong vùng hẻo lánh, nàng lớn lên chỉ trông cậy vào sắc đẹp mà thôi. Thời cơ đưa nàng bất chợt lên tuyệt đỉnh danh vọng, nàng vội xem thường Thân Hậu, đó là bất nhường; nàng thiếu tính từ tốn nên cố tình hạ bệ chánh cung, đày ải thái tử, đó là bất nhân; thiếu dạ thương người lại kiêu kỳ chấp nhận nghe xé lụa làm vui, phung phí tài sản dân quốc, đó là bất kiệm; không màng công sản, gây dân khốn khó còn có cơ cày sâu cuốc bẫm mà bù đắp, nhưng nàng lấy quốc sự gạt hầu làm thích, đó là bất trí. Mẫu nghi thiên hạ mà bất nhường, bất nhân, bất kiệm, bất trí thì thu phục lòng dân đã khó, huống hồ chư hầu đa mưu túc trí, cường thịnh một phương thì là vạn nan!
Con dân có câu “đồng vợ đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Thế nên Bao Tự và U Vương đều bất nhường, bất nhân, bất kiệm và bất trí, khiến sự suy sụp của đại Chu cực nhanh, cực mạnh và nghiệp bá bị chôn vùi dưới tay của Khuyển Nhung, một nước chưa đáng cấp hầu. Vua Khuyển giết U Vương, Nghi Cữu Thái Tử như trở bàn tay, dụng Bao Tử như món quà giải trí và bỏ rơi nàng khi bị chư hầu giải giới, khiến nàng dùng giải lụa để kết liễu một đời hữu sắc, vô tâm, vô trí và vô tài!
Cụ Chánh đứng dậy, cụ rảo bước, tiếp lời:
- Tình yêu thực là đa diện, đa sắc, cha chỉ đơn cử chừng ấy câu chuyện, hy vọng con mau tỉnh ngộ!
Tân thích thú nhìn bộ côn trùng bảy màu, khen ngợi:
- May mà bộ sưu tập về côn trùng của cha để dạy Vạn Vật, đã giúp con hiểu biểu tượng của tình yêu.
Cụ Chánh phì cười, cụ đính chính:
- Con đừng nghĩ đây là biểu tượng tình yêu qua màu sắc cha dùng là sai lệch. Người Âu đã dùng sắc hoa để làm biểu tượng cho tình yêu. Còn cha dùng màu sắc của mống trời để làm cho lối kể chuyện có phần đỡ chán. Tuy nhiên, tình yêu vốn vô sắc, vô hình, nhiều cường độ khác nhau, nhẹ nhất là vương vấn, nặng nhất là sầu tương tư đến thác, “mối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!”
Từ ý nghĩ đó, cha đem tình yêu tán sắc ra đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím để đơn cử cho bảy thể cách tình yêu.
Mống trời, tức arc en ciel, là sự khúc xạ ánh sáng của mặt trời qua môi trường nước trên biển cả, trong không khí, in thất sắc lên nền trời. Nếu bảy sắc này, con cho nó xoay quanh một trục đồng tâm thì nó hòa thành vô sắc, như sự vô hình của tình yêu. Khi ánh sáng bị khúc xạ, tán sắc ta mới biết nó có bảy màu, cũng như kẻ bị sét ái tình đánh trúng, mới biết mình đau, mình lụy tình!
Cụ Chánh dụi tắt điếu thuốc, cụ hớp ngụm trà cuối cùng, cụ thu mấy con bọ cho vào lọ, cất vào phòng thí nghiệm tí hon của cụ, đoạn cụ bảo:
- Con hãy đi tắm rửa, lo ăn uống cho khỏe mạnh. Nếu thấy còn hứng thú thì tiếp tục rong chơi.
Cụ bước ra khỏi phòng, ngồi vào án thư, toan đọc nốt cuốn truyện đangdở dang, thì Thà, người mõ làng, bước vào.
Cụ Chánh gỡ cặp kính, săn đón:
- Cháu Thà đấy à? Lại vấn chuyện ruộng nương phải không? Ông Hội Đồng có giảm tô cho cháu không?
Thà hỏi vặn:
- Bác giáo đã nói giúp luôn cho cháu như đã hứa nữa à?
Cụ Chánh thân thiện:
- Ờ! Con cháu đã nhờ thì bác phải lo ưu tiên.
Thà gãi đầu, tỏ thắc mắc:
- Nhưng ông Hội Đồng chỉ giảm tô cho kẻ khác mà làm ngơ phần cháu. Ông ấy khinh cháu chăng?
Cụ Chánh cười:
- Đừng nghĩ thế! Nên nghĩ ngược lại thì hợp lý hơn! Theo bác, ông ấy quí cháu, không liệt cháu thuộc hạng cá mè một lứa. Dù sao cháu cũng là hương chức kia mà! Cháu có bần hàn như họ đâu! Phải thế không? Mình tuy về vườn cả, nhưng tình vẫn giữ!
Thà phật ý:
- Chủ, Cả khác, mõ khác bác giáo à!
Cụ Chánh ôn tồn:
- Không có quân, sao có tướng? Quân giỏi tướng mới thành danh; quan tài vua mới nên bá. Theo quan niệm của bác, nếu một mình ngón cái thì bàn tay sẽ vô dụng. Vai trò của cháu rất quan trọng, cháu là gạch nối giữa công quyền và dân. Cháu trực tiếp với dân, là tiếng nói thiết thực. Cháu nói hay, nói đúng, công bộc dân mới làm tròn việc nước. Kẻ nào thiếu hiểu biết mới đánh giá thấp mõ làng mà thôi. Bác nói thật, đừng nghĩ đấy là ngoa ngôn, ngụy biện!
Thà trở chứng:
- Hôm nay, tất cả tá điền không chịu góp lúa ruộng cho ông Hội Đồng nữa!
Cụ Chánh tròn xoe đôi mắt:
- Xưa nay vẫn đóng góp đều đặn cho ông ta mà? Tại sao lại trở chứng?
Thà chẳng cần giấu giếm:
- Cán bộ Thanh niên bảo là ông Hội Đồng bóc lột sức lao động.
Cụ Chánh gật gù, đoạn cụ vấn:
- Lúc trước, ai đề nghị lấy đất của ông Hội Đồng để sản xuất? Nếu bác không lầm là do tá điền? Ông Hội Đồng có của, bỏ đất hoang, ông ấy không đói. Tá điền không đất cày, sẽ đói vì không có lúa để nuôi gia đình. Vay đất người để kiếm sống, thuận nhau mới hợp tác sinh lợi. Lợi có thì chia nhau hưởng cho đúng luật công bình.
Thà phản đối:
- Nhưng đất là của trời, của nước!
Cụ Chánh ôn tồn:
- Thà à! Bác muốn làm Hội Đồng lắm. Bác muốn có nhà cao cửa rộng, muốn vinh thân phì gia, muốn có đất, nhưng con thấy bác chỉ là thầy giáo quèn, bán cháo phổi để nuôi thân. Nhà bác trống trước hở sau. Đất bác phải mướn của Chà Và. Xứ của họ cách mình một đại dương. Vậy, vấn đề đặt ra là, tài cán và công lao. Con nhìn, mái tóc ông Hội Đồng đã trắng, trán đã hằn những nếp nhăn, tuổi thanh niên ông ấy cũng nghèo như ai, phải gắng học, làm việc tích cực, sự dành dụm do công lao tích tụ mới thành nghiệp vĩ ngày nay. Mình mượn sự sản của ông ấy để được sinh tồn mà không chia lợi lộc cho ông ta, là mình bóc lột ổng đấy con ạ!
Bác không chống lý ông cán bộ Thanh Niên, bởi bác và ông ấy là kẻ vô can; chỉ có ông Hội Đồng, tá điền mới có quyền luận phải quấy với nhau. Hãy lấy công tâm mà đãi nhau mới phải!
Nếu con muốn nhờ bác giảm tô lần nữa thì bác không ngại đến viếng ông Hội Đồng hộ con.
Vừa lúc ấy Côn bước vào, cậu lễ phép:
- Thưa bác giáo mạnh giỏi!
Đoạn cậu nhìn sang Thà:
- Anh Thà khỏe chứ? Anh và mấy cô, bác tá điền làm em mỏi chân, mỏi miệng mà thóc chẳng thu được hột nào!
Đoạn cậu thiếu cẩn trọng, tánh trẻ hay ngang, cậu thốt:
- Cha em đã thông cảm sự khốn khó của cô bác mà chấp thuận giảm thu một phần khá khá mà cô bác vẫn không vừa ý. Nếu họ chê đất chê điền của nhà em, cha em sẽ lấy lại cho người khác canh tác vậy!
Thà bất mãn:
- Lần trước gặp bác giáo, được nghe lời chỉ dạy đáng ngàn vàng, lại có cậu và cậu Tân đưa lời đâm họng. Lần này tôi được bác giáo khai sáng rất nhiều, lòng dạ nghe mát, cậu lại chế nước sôi bằng giọng trào máu! Bọn tôi có đói đến bò lết cũng chẳng màng thứ đất phèn, đồng khô cỏ cháy ấy đâu!
Côn nhún vai, quay sang thăm hỏi cụ Chánh:
- Cháu nghe anh Tân đau nên đến viếng! Thưa bác, anh ấy thế nào rồi?
Tân cất tiếng:
- Vào đây Côn, tụi mình trò chuyện.
Côn bỏ mặc Thà đối đáp cùng cụ Chánh. Cậu nhanh chân bước vào buồng trong.
Tân lăn vào nhường chỗ. Côn ngồi mép giường. Cậu mở lời:
- Tôi chơi ngông làm ông đau. Trong số bạn bè, tôi và ông choảng nhau nhiều nhứt, nhưng ưu ái nhứt!
Tân cười thông cảm:
- Thế mới là tuổi trẻ đấy Côn! Càng chạm mạnh, càng đã đời, càng lưu nhớ dài lâu!
Côn thêm vào:
- Chẳng những thế lại đồng hội đồng thuyền về luyến ái!
Tân lắc đầu:
- Hay ho gì việc tình phụ ông ơi! Mình là gà chết!
Côn đánh bốp vào vai Tân:
- Bọn mình nhiều mối tối nằm không! Người ta mối nào ra mối nấy, mình chạm nàng nào, nàng ấy cho de, vô duyên thật!
Tân dàu dàu nét mặt. Côn làm bồ câu đưa tin:
- Nhưng ông diễm phúc hơn tôi. Các người đẹp bỏ tôi ra đi, di lại hận. Còn các nàng của ông họ đi, nhưng để lại tình.
Tân cười đau khổ:
- Ở lại thì mới đẹp, đi mà để lại tình thì mình chết héo Côn ạ! Thương hoài ngàn năm ông ơi!
Côn vỗ vai Tân, tò mò:
- Ông có rơi vào sự dại dột của tôi không?
Tân đỏ mặt, gật đầu.
Côn đánh bốp vào đùi Tân:
- Thế thì thương hoài ngàn năm là đúng! Tôi yêu Nguyệt ít hơn yêu Minh. Vậy, ông yêu Mỹ nhiều hơn yêu Nguyệt. Một ngày cũng là vợ chồng là thế đấy! Thảo nào...
Tân bật dậy:
- Thảo nào là sao?
Côn liếc chừng cụ Chánh, đoạn kề tai:
- Mỹ từ hôn Điệp. Họ chỉ xem nhau là bạn bè. Chính vì lẽ ấy, anh chàng Điệp thâm thù ông!
Tân buông người xuống giường, than thở:
- Tội nghiệp cho nàng! Tôi đã gieo tội ác!
Côn an ủi:
- Nên mừng chứ Tân! Vợ chồng cũ không rủ cũng tới mà!
Tân lắc đầu:
- Minh xa ông vĩnh viễn vì ông tính sai. Nàng xa tôi vĩnh viễn vì tôi lỗi lầm! Ông phụ người ta. Còn tôi lừa người ta. Vì thương nên tôi dối, vì dối nên tôi mất nàng. Nếu nàng lấy chồng thì tôi không khổ, nàng ở vậy khiến lương tâm tôi đau. Nếu nàng có con thì tôi bị dày vò lương tâm!
Côn thở dài:
- Người nữ nào cũng dịu hiền lúc yêu, kiên cường lúc hận. Họ giận dai lắm. Tân nên kiên nhẫn chờ.
Côn nắm tay Tân, nói lời giã từ:
- Ngày mai tôi trở lại Sài gòn.
Tân chận:
- Chưa hết hè, sao lui sớm vậy?
Côn nghiêm giọng:
- Nghe lời ông Hổ, tôi lo ôn bài để thi khoa kiến thức phổ thông và khoa thi chuyên nghiệp để làm công chức.
Tân khuyên bạn:
- Lấy Brevet xong, Côn ra Hà Nội học tiếp rồi đi Tây. Nhà đủ phương tiện, bỏ học làm gì?
Côn lắc đầu chán nản:
- Tôi sớm ăn chơi, ngựa đã quen đường cũ, khó tu tỉnh. Hơn nữa, thời cuộc rối ren quá. Tôi hơi ngờ vực về tương lai xứ sở, học không vô!
Tân lắc đầu, cậu biết rõ tính ý của Côn, đã quyết thì khó lay chuyển, nên đành vuốt đuôi:
- Nếu đã thích an nhàn thì cố đeo mục đích.
Côn ngắt lời Tân, cậu vấn:
- Còn ông? Quyết học đến nơi đến chốn à?
Tân cười hiền:
- Bể học mênh mông, khó mà đạt đến chốn. Tôi đeo theo sư phạm vì tính tôi vừa thích tự do mà lại yêu khuôn phép. Mâu thuẫn vô cùng!
Côn an ủi:
- Xét ra chẳng có gì gọi là mâu thuẫn cả! Người thích tự do, không muốn ai ở trên đầu mình và không chà đạp ai dưới gót. Nghề giáo tương đối thích hợp cho ai lưng chừng ở hai thái cực đó.
Côn đứng dậy, nói ý giã biệt:
- Lần này đến thăm bạn, tôi có linh tính một sự từ biệt. Tâm tình hôm nay như vậy đã thỏa lắm rồi!
Côn bắt tay, chúc: “Bonne chance!”
Tân đưa tiễn: “Bon voyage!”
Côn rời Tân, cậu bước ra, tên Thà đã đi. Cậu nhắn gửi với cụ Chánh:
- Thưa bác giáo, anh em chúng con đi học xa nhà. Cha con tính tình hời hợt trong giao tế với mọi người, nhất là tá điền. Con mong bác giáo vì tình lương hữu, đỡ đần hộ cho cha chúng con. Ơn ấy chúng con xin ghi tạc!
Cụ Chánh khuyên nhủ:
- Con lưu tâm thì thầy cảm nhận. Thật ra, bạn đồng liêu thời cũ, từ xưa đã có tập quán đùm bọc lẫn nhau, huống chi thời loạn lạc này!
Con hãy an tâm chu toàn sự học, vui chơi cũng nên chừng mực.
Côn vâng dạ rồi cáo lui.
Cụ Chánh sực nhớ lời người bạn già nhắn gửi về Tân. Cụ vào phòng, gợi ý:
- Tuần rồi, chú Tửng cha của Phùng, có thông tri. Hiện Phùng đang lo cơ sở thương mại trên tỉnh. Chú quay về trông coi tiệm thuốc bắc ở Ngãi Đăng hầu tiện việc trông nom bang Phúc Kiến sở tại. Trước khi bắt tay vào việc, chú bảo con cần lên gặp chú để nghị sự.
Cụ Chánh vừa phì phà điếu thuốc, vừa bàn lợi hại:
- Người Hoa sống trên đất lạ, quê người nên việc gì họ cũng đắn đo kỹ lưỡng. Cha khẳng định rằng có điều chi khá quan trọng nên chú mới phối trí như vậy. Con chẳng nên bỏ qua.
Tân suy nghĩ một chặp, đoạn cậu mở lời thăm dò:
- Đường đi nước bước ra sao hở cha?
Cụ Chánh chỉ vẽ chi li:
- Con lấy xe đò lên tỉnh. Khi đến Tân Trung, con chịu khó lội bộ vào giồng Cẩm Sơn.
Tân thắc mắc:
- Sao lại đi bộ?
Cụ Chánh giải thích địa thế:
- Dân địa phương dùng xe bò, xe đạp để lưu thông. Nghĩ lại, đi xe đạp khá bất tiện. Thế đất thay đổi, lộ trình khúc khuỷu, quanh co.
Cụ Chánh tiếp tục hướng dẫn:
- Tính từ tụ điểm Tân Trung. Nếu trực chỉ là lộ trình lên tỉnh. Rẽ sang phải là lối về Tân Hương. Rẽ sang trái là vào lãnh địa Cẩm Sơn. Từ ngã tư đến Miếu Bà là giồng đất cát. Dân địa phương chỉ canh tác thuốc lá, bắp đậu, khoai mì ở hai bên đường. Giáp vùng canh tác là rừng chồi, rừng tre. Mùa nắng, giếng sâu cũng cạn nước, thổ dân phải dùng xe bò tải nước từ Phú Trạch và vùng lân cận. Từ Miếu Bà đến đình Cẩm Sơn là đất pha. Dân địa phương canh tác mọi thứ ngũ cốc ở hai bên đường. Giáp vùng canh tác là rừng trâm bầu, tre nứa và tạp giống. Địa thế có vẻ sầm uất. Từ đình Cẩm Sơn đến cầu liên thôn là đất phù sa. Ruộng lúa cò bay thẳng cánh. Giáp vùng canh tác là rừng dừa. Giáp rừng dừa là rừng lá, ô rô, cóc kèn, bần, vẹt với sông rạch chi chít. Khu vực chợ Cẩm Sơn là lãnh địa của ông Huấn Thời, một đại điền chủ lắm ruộng nhiều vườn. Gia cư của ông chiếm hằng mấy mẫu đất vuông, rất kín cổng cao tường.
Đứng về phương diện giao thông, trục lộ đơn độc, lúc đất cát, lúc đất pha, lúc phù sa nê địa, rất bất tiện cho việc lui tới. Mùa nắng đi xe đạp, lúc lảo đảo như người say, lúc nhảy cà cồng như ngựa phi nước kiệu. Khách bộ hành sẽ chịu cảnh phồng chân, bỏng cẳng. Mùa mưa, chỉ có thể đi bộ vì lọt vào vùng đất phù sa, sình lún đến mắt cá!