Chương X

     hu vực chợ Cẩm Sơn gồm hay dãy phố lá san sát vào nhau, ôm lấy con đường đất nhỏ. Việc mua bán thu hẹp vào các sản phẩm địa phương. Cây cầu sắt là gạch nối rất quan trọng cho sự tương giao giữa làng Cẩm Sơn và làng Ngãi Đăng. Từ dốc cầu đến đình Ngãi Đăng là lãnh địa của ông Hương Sư Vàng. Chợ Ngãi Đăng nằm cạnh dốc cầu. Chợ này là chốn trao đổi hóa phẩm và dịch vụ giữa dân cư của hai làng Cẩm Sơn và Ngãi Đăng. Chợ rất rộng, mái lá, sườn bằng danh mộc. Đầu chợ gồm các hàng mỹ phẩm, tơ lụa, dịch vụ thủ công nghệ. Giữa chợ bán tạp phẩm và thức ăn. Cuối chợ là hàng rau cải; chí bờ sông là chợ tôm cá và ghe hàng viễn xứ. Bên trái nhà lồng, bắt đầu từ dốc cầu cho đến sân banh là dãy phố ngói của ông Hương Sư Vàng. Đa số các chủ hiệu buôn đều là người lưu lạc giang hồ, dùng nghề mua bán để mai danh ẩn tích. Bắt đầu là tiệm kim hoàn của một tổ sư thất thời, đem nghề khéo để kiếm sống qua ngày. Kế đến là tiệm thuốc Vạn An Đường của chú Tửng, bang trưởng Phúc Kiến, người của hội kín. Lần lượt sau đó là tiệm may của cô Sương và mẹ là góa phụ của một nhà chính trị nào đó. Tiệm hớt tóc của chú Hai Tây; quán ăn của bà Năm, nạn nhân của Thổ dậy tại Sóc Trăng; quán bán bánh kẹo của chú Dành; các tiệm thuốc bắc của chú Dũ, chú Xác Khê. Bên phải nhà lồng là một dãy phố lá, kéo dài từ dốc cầu cho đến sân banh, gồm có tiệm chạp phô của Tám Hai Căn; tiệm bán đồ gốm của chú Chín Lư; lò bún của Tư Thà; lò sát sinh của chú Tám Thịt; tiệm làm bánh ngọt của Tùa Chón; lẫm lúa của Ba Chành; cuối cùng là quán rượu của chú Tư Quán.
Kế đầu nhà lồng là sân banh. Qua sân banh là vườn dừa, lác đác mồ mả. Giáp mí vườn dừa là ruộng sâu, trong cùng của ruộng sâu là rừng lá sầm uất. Từ vườn dừa đến đình Ngãi Đăng, hai bên là rừng tranh, rừng sậy, là cứ địa của cò trắng, chim dòng dọc, chim mía. Từ đình Ngãi Đăng đến trường tiểu học Ngãi Đăng, hai bên là ruộng lúa, trong cùng ruộng lúa là vườn dừa, tận cùng vườn dừa là rừng lá. Từ trường tiểu học đến nhà bảo sanh của cô mụ Nhàn, dân cư tụ tập đông đảo hơn, nhà cửa khang trang. Từ nhà bảo sanh đến ngã ba lộ tẻ của con đường liên tỉnh, nhà cửa san sát, khá giả.
Con đường xuyên thôn hình chữ U xẻ Cẩm Sơn, Ngãi Đăng làm hai phần. Cái túi chữ U, địa chất thay đổi gây lắm thứ rừng cây từ trâm bầu, lức, tre, nứa, tranh, sậy đến dừa, lá. Phía ngoài của túi chữ U là vùng đất bồi do phù sa bởi sông ngòi, lạch nhỏ ngoằn ngoèo chi chít, ôm lấy ruộng nương, rẫy bái, rừng dừa nước, bãi lầy ô rô, cóc kèn, vẹt, bần, mái dầm...
Xét như vậy, đây là hiểm địa dưới mắt chú Tửng. Chính vì thế chú chọn nơi này vừa làm nơi ẩn tế, vừa làm chốn luyện người đồng tâm. Từ đó cha suy nghiệm rằng, nếu cuộc thương lượng giữa Việt Minh và Pháp không thành tựu, chốn này sẽ diễn ra trò chơi mèo bắt chuột. Nếu mèo dồn chuột ngõ Tân Trung, chuột trổ ngách ngõ Tân Huề và ngược lại. Nếu mèo dàn hàng ngang, chuột sẽ tràn ra hướng sông Cái hoặc lộn ngược về Tân Hương. Nếu mèo vây quanh, chuột tản mác vào rừng ô rô, cóc kèn, rồi hóa thành linh miêu. Bấy giờ chưa biết mèo nào cắn mỉu nào!
Sau đấy Tân vâng ý cha, cậu làm một chuyến giang hồ, ngao du hang cùng ngõ hẻm. Nắng hè biến trạng du hành của cậu thành khổ dịp. Đầu cậu làm mồi cho lửa hạ thiêu đốt, chân cậu hiến cho cát nóng nướng trui, cho đất lồi dần thịt. Thỉnh thoảng Tân lủi vào mấy rặng trâm bầu, nằm sải tay, tai lắng ba tiếng cu kêu, bốn hồi gà gáy, lòng cậu bỗng dưng ấm ức nhớ người.
Bỗng từ xa một bóng hồng nhan với tà áo bà ba trắng phấp phới, với quần mỹ a đen lấp lánh nắng rung, nghiêng vành nón ghé vào tránh nắng. Tân ngồi bật dậy, lựa lời làm thân. Qua câu chuyện, rõ ra nàng là con gái của ông Hương Sư Vàng. Cô Chín Châu, người đẹp chốn thôn trang, trên không mời, dưới không với, đang thời vò võ chiêu phu.
Đôi bạn đồng hành trao nhau những lời hàn huyên nóng bỏng, quên cả nắng táp, mặc cho đường xa. Tuổi thôi cách biệt. Tình thôi phân vân.
Trong thời gian Tân viếng chú Tửng, thỉnh thoảng cô Chín Châu làm hướng đạo đưa Tân đi dạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Riêng chú Tửng, ngoài thông lệ hướng dẫn Tân trong việc học tiếng Hoa, xem toa, chẩn mạch, hốt thuốc, chú đã đưa Tân ra tận sông Cái. Ở đấy, chú chỉ vẽ cho cậu cách làm rẫy, quan sát địa hình địa vật, kế mưu sinh thoát hiểm, thậm chí bàn bạc đến cả chuyện thương, chính.
Với chân tình của cô Chín Châu, với sự thương mến của chú Tửng, mấy tháng hè của Tân trôi qua nhanh chóng. Ngày từ biệt vô cùng bịn rịn, niềm đau cũ vẫn còn canh cánh bên lòng, thương yêu mới chất chồng thêm nặng, Tân cảm thấy bứt rứt không an, nhưng niên học đã kề, cậu vội quay về vui với cha đôi ngày rồi trở lại Sài gòn lo nghiên bút.
Ngày tháng qua mau, mùa thi lại đến, Tân xong examen, đang chờ kết quả. Trong cơn rảnh rỗi, cậu đến vũ trường thăm Minh. Trong lúc hai người đang hàn huyên thì Côn đến viếng người yêu năm cũ. Minh vẫn còn hờn Côn. Sự lãnh đạm của Minh khiến Côn lôi cuốn Tân vào cơn say túy lúy. Trong lúc xuống tinh thần, Côn thố lộ quyết định chuyển hướng tương lai. Tuy đã lấy xong bằng Brevet, cậu không thi vào chuyên ngành như dự liệu. Cậu sẽ xung vào lính Pháp để xả láng với đời. Tân thấy bạn đi ngược trào lưu nên hết lời can ngăn, nhưng Côn không nghe.
Hè năm đó, đa số bạn bè ở lại Sài gòn, Tân nhớ niềm vui năm cũ, thương mến gia đình, cậu tháp tùng Tính, Nguyệt, Lương va hai anh em Thiện, Ngôn về quê thăm nhà.
Sau khi Trung Hoa giúp Việt Nam Quốc Dân đảng chiếm cứ nhiều tỉnh ở Bắc Việt, tướng Tiêu Văn hỗ trợ việc xúc tiến một chính phủ liên hiệp. Trong đó Hồ Chí Minh là Chủ tịch; Nguyễn Hải Thần, phó Chủ tịch; Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Ngoại giao; Trương Đình Tri, Bộ trưởng Y tế; Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Kinh tế.
Quốc Trưởng Bảo Đại đồng ý thoái vị. Nguyễn Hải Thần lưu vong sang Tàu vì bất đồng chính kiến. Do đó Hiệp định Sơ Bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, được ký kết giữa Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh cùng Sainteny, gồm mấy điểm chính yếu sau: Việt Nam thuộc Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Số phận của Miền Nam sẽ do trưng cầu dân ý. Quân đội Pháp sẽ triệt thoái từng phần trong thời gian 5 năm. Việt Nam có quyền nhận và đặt lãnh sự với các quốc gia lân bang. Tài chánh tự trị, nhưng chịu thuế chung. Ngày 24 tháng 4 năm 1946, Hiệp Định được đưa ra bàn cãi sâu rộng. Qua nhiều quan điểm bất đồng, Việt Pháp đã dùng chiến tranh để làm phương tiện trả giá vào ngày 19 tháng 12 năm 1946.
Việt Minh đã dùng chiến thuật tiêu thổ. Những kiến trúc kiên cố, họ buộc gia chủ ký phép cho tiêu hủy khi Tây đến. Đường xá bị đào xới. Cầu cống bị tháo gỡ. Sông ngòi được ngăn chận. Họ khích động căm thù thực dân. Nam, phụ, lão, ấu được trang bị dao, mác, tầm vông, súng hai lòng. Nói chung, những phương tiện nào có thể giết người, đều được sử dụng tích cực. Những chiến dịch khủng bố cũng áp dụng triệt để. Kẻ nào bị tình nghi Việt gian đều bị chặt đầu hoặc cho trùm bao bố, thả trôi sông.
Trước cơn loạn, cụ Chánh vịn cớ Tân đau nặng, xin phép chánh quyền địa phương cho lên Sài gòn chữa trị. Quần chúng đổ xô tìm chỗ an toàn. Phương tiện chuyển vận thiếu thốn, phải mánh mung Tân mới được một chỗ cuối cùng. Hành khách ai cũng giả trang thành Hoa kiều và dân thiểu số. Xe đò trải qua nhiều nút chặn, lúc do Pháp, lúc do Việt Minh. Tân ăn vận theo học sinh nên qua trót lọt, nhưng khi đến Ngã Ba Trung Lương, những kẻ từ thủ đô đổ về thì được nhập nội, những người trai tráng từ quê lên thành đều bị ngăn lại. Sự việc mâu thuẫn này khiến Tân hoang mang. Cậu tự đặt câu hỏi, đâu là cõi an toàn? Pháp, Việt Minh, ai tà, ai chánh, ở thế giành dân trong nhân loạn?
Niềm tin của cậu bắt đầu thu hẹp vào gia đình. Gia đình là chiếc phao cuối cùng, sẵn sàng cứu vớt cậu. Còn Pháp và Việt Minh đều là những tay phù thủy đáng tởm, xem mạng dân rẻ như bèo! Nhưng gia đình của Tân đơn chiếc. Từ ngày Phượng lên giúp cô điều hành ngoại thương, gia đình chỉ còn có cha. Cha đã già, thời bất ổn, hẳn cha đang cần Tân. Nghĩ thế, Tân quay vội về làng, mặc cho thế sự đẩy đưa.
Những ngày sau đó, quốc lộ liên tỉnh bắt đầu bị phá hủy. Giao thông bị gián đoạn. Hy vọng nghiên bút của Tân trở thành viễn du. Những kỷ niệm đi về trên quốc lộ chợt sống dậy trong lòng Tân. Những mối tình chớp nhoáng và tan biến nhanh như khói tỏa trên các chuyến xe đò chật ních học sinh vào những dịp hè, sẽ không bao giờ còn nữa! Quốc lộ thân yêu bị cắt đứt thành những đoạn ngắn. Nền đá trắng tráng nhựa đen được thay bằng những con lạch sâu, nước xoáy đến chóng mặt. Những chiếc cầu vững chãi được thay bằng những nhịp ván mỏng manh, những thân tre gầy còm, những thân dừa trơn trợt.
Những đòn thù cá nhân bắt đầu nở rộ. Tiên khởi, Lương, thằng bạn có lòng, thường ăn cơm nhà vác ngà voi, hay tỏ ra hào hiệp trước bất công, bỗng bị mất tích. Ba ngày sau, xác nổi lình bình ở bến chợ, tay còn bị trói ké sau lưng. Dân địa phương chưa hết hoang mang thì Tính, Nguyệt biệt tăm chốn giang hồ. Ông cựu Hương Thân, cha của Tính, phát hoảng, ông bỏ của, trốn về quê xưa. Cụ Chánh thấy thời cuộc xáo trộn, cụ giấu Tân trong buồng gói. Mọi sinh hoạt ngoài đời, cụ đích thân lo liệu.
Chuyện dữ xảy ra cho bọn trẻ chưa yên thì nạn tai của kẻ cả lại đến. Ông Hội Đồng bị đám tá điền hành hạ, đấu tố cho đến chết. Thầy Hương Quản bị hai thằng con là Thiện và Ngôn hăm he. Cả sợ, thầy treo cổ tự tử. Hai đứa bất hiếu tử chẳng động lòng, chúng đang hăng tiết lập công bằng cách moi móc chuyện cũ của hầu hết dân làng để hành tội.
Xóm làng theo đà soi mói nhau. Cao trào đã điềm chỉ cá nhân Tân, khiến cậu bị trả quả trong mọi công tác lao động. Tuy không quen việc tay chân, để tránh đòn thù, Tân gắng hoàn thành công tác, chẳng phản kháng một lời. Công tác gần rồi lại công tác xa. Cậu bị đưa tận Ngãi Đăng để đào phá hương lộ. Cậu hội ngộ với cô Chín Châu và chú Tửng. Hai người đều khuyên Tân kiên nhẫn để họ tìm cách đưa cả gia đình về địa phương này cho được gần nhau.
Xong công tác, Tân về thì được láng giềng thông tin cụ Chánh đã bị thành phần bất mãn dẫn đi biệt tăm đã mấy hôm rồi. Tân lặn lội tìm cha khắp nơi nhưng vẫn biệt vô âm tín. Cậu vội thông báo cho chú Tửng. Chú giả cách người Hoa đi buôn phế liệu để vào tận hang cùng ngõ hẻm. Khi đã đạt kết quả, chú chờ đêm đến, hướng dẫn Tân đi giải thoát cụ Chánh. Đến bìa rừng cận sông Cái, Tân khám phá ra cha của cậu đang hôn mê trong chòi chăn vịt. Sức cụ đã kiệt, tâm cụ đã loạn. Miệng cụ lặp đi lặp lại mấy thành ngữ nào phong kiến, hủ lậu, nào tiểu tư sản, ngụy biện...
Chú Tửng và Tân luân phiên cõng cụ băng đồng và đưa thẳng về lãnh địa của chú. Sau đó chú gắng chạy chữa cho cụ. Sức cụ đã bình, trí cụ đã loạn. Cụ là một người điên hiền lành. Chú đã mất người bạn tri kỷ. Từ đấy, ai cho cụ ăn chi cụ cũng cười. Ai nói năng gì cụ cũng cười. Miệng cụ lâm râm điều chi chẳng ai rõ. Dần dà cụ trở thành kẻ bị đời quên lãng. Cụ chỉ còn độc nhất một tình thương của đứa con chí hiếu, tuy lắm nạn tai nhưng Tân khi được gần cha là cậu tận tình chăm sóc. Cậu nhìn cha đang cười, đang lâm râm những thành ngữ mà kẻ vô tâm kết án một thần tượng trong trái tim của Tân, Tân không hổ mà càng cao ngạo với đời về những gì cha đã có và đang có.
Chiến sự ngày một khốc liệt. Cầu Ngãi Đăng và Cẩm Sơn bị tháo gỡ. Nhà lồng chợ bị sang bằng. Ruộng chỉ canh tác cầm chừng, vừa đủ ăn. Gia súc thưa thớt. Mọi sinh hoạt hầu như ngưng đọng. Các quận lỵ Hương Mỹ, Tân Hương, Thạnh Phú... đều bị máy bay bỏ bom xăng đặc thiêu hủy. Hoa kiều bắt đầu thi gan tái tạo, sau mỗi đợt lãnh họa. Hết oanh kích, Tây lại ruồng bố khắp nơi. Duy cái túi chữ U của liên thôn Cẩm Sơn, Ngãi Đăng lại bình an vô sự. Chốn này trở thành một lãnh địa vô chính phủ.
Sự bình an đơn độc trong khi cả vùng rộng lớn bị bất ổn cũng sẽ bị nhiễm họa. Yếu tố đất lành chim đậu đã thu hút dân vùng khác. Họ chọn nơi này làm đất tản cư. Sự thiếu thuần nhất, tính bảo mật không còn. Máy bay bắt đầu oanh kích chợ Ngãi Đăng. Phố xá đều bị lủng lỗ chỗ, kèo cột đều hằn vết đạn.
Tuy sống trong tình trạng không bị bên nào cai quản, nhưng tinh thần tự nguyện đã giúp họ tự ổn định đời sống. Chú Tư Quán là người điềm đạm, chí thú làm ăn, tính hay thương người. Chú hầu như có mặt ở bất cứ nơi nào có cưới gả, ma chay. Do đó chú được lòng của mọi người, bất kể Hoa, Việt. Chú Tửng là bang trưởng của Hoa kiều, giàu lòng tha nhân nên rất được lòng chòm xóm. Ông Hương Sư Vàng là chủ của hầu hết bất động sản trong vùng, lại có cô con gái thích làm việc thiện nên hòa hợp được các giới. Những người có uy đó, tự động đứng ra gánh vác việc dân khi hữu sự. Theo sự yêu cầu của cô Chín Châu và sự đồng ý của chú Tửng, Tân đảm nhiệm việc dạy dỗ cho mấy đứa nhỏ học hành và mở lớp bình dân học vụ vào buổi tối cho kẻ lớn tuổi.
Chú Tư Quán tự nguyện đứng làm cai, điều động những buổi chợ đêm trong vườn, cận sân banh. Kẻ mua, người bán trao đổi hàng hóa bên cạnh các mộ hoang. Họ bị buộc chấp nhận hai thứ tiền, tiền cụ Hồ và tiền Đông Dương. Cứ một đồng Đông Dương ăn mười đồng Cụ, tiền Đông Dương được chủ trương xé đôi cho tiện việc trao đổi, nhưng đích thực là ngầm hủy diệt tiền cũ. Chú cai chợ là người chu đáo, chú hô hào bà con đào hầm cá nhân quanh chợ và vệ đường. Chú tạo một cái mõ tre, khi Tây tới hoặc máy bay xuất hiện, chú điều động di tản bằng mõ hồi một. Những trẻ đùa nghịch, chơi bắn nhau bằng ống thụt trái bố, đều bị chú khiển trách. Chúng luôn luôn tuân chỉ, bởi những điều công ích mà chú đã làm. Chú thường chế nhiều món ăn lạ rồi mời mấy cụ láng giềng, đem rượu đế mua vui. Cách xử sự khôn khéo khiến nam, phụ, lão, ấu đều mến chú, chú tượng trưng một thứ quyền trong vùng vô chính quyền, vô trật tự.
Sự an cư của vùng, đất lành chim đậu, dân tản cư tứ xứ đã đến định cư ngày một đông. Dân thị thành đem cái hay của thành phố truyền bá. Trẻ con thủ đô là cái loa kể chuyện lạ cho con nít vùng quê. Ông kỹ sư Mạnh từ Sài gòn đã dùng phế liệu, ứng chế đèn đóm cho dân họp chợ. Ông Tư binh công xưởng của Việt Minh cũng rèn cuốc xẻng cho dân dùng. Các anh bộ đội bị thương xuất ngũ cũng thành hôn với con gái vùng này. Ngay cả người tù binh gốc Đức cũng ở lại hòa đồng với địa phương. Tử sĩ của quân đội Việt Minh cũng lấy sân banh để làm nơi an nghỉ.
Bộ đội thỉnh thoảng diễn hành qua chợ để phô trương sự lớn mạnh qua các vũ khí thu được như F.M. đầu bạc, súng Thompson.
Máy bay chuồn chuồn khởi sự xuất hiện trên chín tầng xanh. Máy bay Dakota bắt đầu oanh tạc. Những loạt đạn của súng liên thanh gây tổn thất nhân mạng, tài sản khá nhiều. Để bảo vệ gia đình đông người, chú Tửng cho xây hầm trú ẩn tập thể trong vườn dừa, sau nhà. Từ đó, Tân chăm sóc cha chu đáo hơn. Khi vắng nhà, cậu nhờ ông tài phú lo hộ. Khi ở nhà, cậu ở đâu thì cha ở đấy. Những ngày gần đây, máy bay thám thính cứ vần vũ quanh vùng. Tiếp theo đó là những cuộc oanh kích khá chính xác ở các địa điểm chủ yếu, khiến quần chúng nghi nan có kẻ điềm chỉ. Láng giềng bắt đầu nhìn nhau bằng ánh mắt nghi kỵ.
Mãi một hôm, ông Hương Sư Vàng đi thăm bẫy cua lúc tờ mờ, ông nhận diện đầu lâu của một người tên Diệu đang bị treo tòn teng trên cành cây gáo ở dốc cầu. Bên cạnh là bản án hài tội Việt gian. Dân địa phương càng hoang mang. Họ rất thấu hiểu thành ngữ Việt gian không thuần ám chỉ kẻ theo Tây mà hàm ý tất cả những ai chống lại Việt Minh. Từ trước chỉ có chính quyền hai bên quấy nhiễu sự an lành của cư dân, bây giờ đã xuất hiện thành phần thứ ba trong cuộc chiến. Thành phần này phát xuất từ giáo phái và người có tinh thần quốc gia thuần túy trong quần chúng. Dân đã trở thành mục tiêu để hai bên vừa mua chuộc vừa khủng bố. Cư dân trong vùng lo ngại là chí lý.
Sự bất mãn của thổ dân càng cao khi nhóm dân quân du kích bắt đầu lộ diện công khai. Thỉnh thoảng nhóm người này dẫn độ những kẻ lạ mặt đến sân banh để hành quyết. Những người này, trước khi trở thành du kích, họ là những công, nông bản chất hiền lành với tay liềm, tay búa để sinh sống. Nhưng khi họ cầm dao, cầm súng, họ giết người một cách thản nhiên. Họ được người lãnh đạo tuyên xưng là minh, là chính, xúi giục họ chém giết kẻ đối kháng dưới từ ngữ là ngụy, là gian. Thành ngữ này họ áp dụng cho kẻ theo Pháp, kẻ đồi trụy trong tứ đổ tường thì dễ hiểu; nhưng gán ép cho kẻ yêu nước chân chính thì cần nên xét lại ai ngụy, ai gian. Công, nông là thành phần tay lấm chân bùn, có công sản xuất nuôi dân. Nhưng thiếu kiến thức lãnh đạo thì làm sao lèo lái đất nước, làm sao đắc dụng trong doanh thương. Sự chênh lệch kiến thức và thực lực kinh tế là nguyên nhân tạo ẩn ức về thù hận. Giữa chủ trương Marxisme đầy bạo động và chủ trương Capitalisme có vẻ ôn hòa, thì Marxisme đã khơi dậy sự ẩn ức của công nông.
Xét như vậy, Tân kết luận, yếu tố quyết định tội lỗi của công nông không đặt trên căn bản chủ thuyết mà chính là yếu tố tâm lý. Đó là sự ẩn ức sinh lý thù hận. Marxisme chỉ là áo khoác mà trụ cốt là tính ác độc của loài người. Chủ thuyết có thể thay, nhưng la raison du plus fort vẫn giữ mãi với không và thời gian. Những anh cán binh này cứ lai, đáo giết người với tấm lòng thù hận, xác của nạn nhân được vùi dập sơ sịa bên cạnh mồ mả của các người được tôn vinh là liệt sĩ. Ngụy và minh, chính và gian cùng nằm dưới ba tấc đất của một thôn nghèo xa xôi, hẻo lánh. Có lẽ linh hồn của họ đang tranh cãi về các thành ngữ đầy sáng tạo của kẻ ăn đầu sóng, nói ngọn gió. Địa phương này càng hỗn tạp hơn khi bộ đội chính qui mượn đường chuyển quân vào lúc trời ngả bóng. Những người chiến sĩ áo đen nón tai bèo qua làng nhằm mục đích chiến thuật thì ít mà chủ tâm tuyên truyền thì nhiều.
Ngày họ còn ăn mặc vải thô, trang bị thô sơ bằng mã tấu, súng hai lòng; lúc chuyển vận họ nghiêm trang đến đổi như đang đi quân hành. Những lúc sau này, kẻ mặc trang phục đen nội hóa, người vận kaki xanh, kaki vàng, thu nhặt của Tây. Vũ khí gồm súng trường, tiểu liên Thompson, mortier. Lắm kẻ diện đồng hồ Thụy Sĩ. Đấy là lúc họ dừng chân bên phố để ba hoa kể chiến tích, khoe trang cụ và vật dụng thu được của Pháp. Dân để ý súng đạn thì ít, nhưng chú ý y phục bằng kaki và đồng hồ Thụy Sĩ thì nhiều. Thậm chí có vài cậu trẻ trong vườn thoát ly theo bộ đội, không thuần là nổi máu thù Tây.
Bộ đội lui tới thường, Tây sẽ ruồng bố lắm. An địa trở nên chiến trường. Dân địa phương chém vè ra sông, vào rừng. Tân cực khổ về việc điều động cha trốn tránh khi cụ loạn trí. Sau lúc tàn cuộc, tổn thất của kẻ lâm chiến không đáng kể, nhưng dân chúng thiệt hại khá nhiều. Nhà cửa bị thiêu đốt. Của cải thất tán. Nhân mạng thảm thương. Người già, chậm chân bị hà hiếp. Thanh niên sơ sẩy bị bắt đi. Phụ nữ vài người bị thất tiết. Tiêu biểu nhất là gia đình của cán bộ Năm Thông, con của địa chủ Huấn Thời ở Cẩm Sơn. Tây lùng bắt ông ta, nhưng thằng Bích, kẻ tôi tớ vướng bệnh khật khùng. Tây tới, hắn không trốn, chúng nó ngỡ là Năm Thông nên sát hại hắn ta, đoạn ném xác vào trang trại đang bốc lửa ngùn ngụt. Sau đó Tây càn quét cả vùng.
Sau đợt truy lùng qui mô bằng thủy, lục; Pháp đã hiểu rõ địa thế của vùng đất xưa nay được xem như bất khả xâm phạm. Từ đấy chúng không còn nhọc lòng lùng địch bằng đường bộ. Chúng dùng chiến thuật lấy trời phạt đất, dụng không diệt địa. Máy bay, bom đạn đã thay sức người để triệt hạ đối phương. Họ đã tiết kiệm xương máu đồng đội và vô hiệu hóa phần nào chiến thuật du kích. Bộ đội và du kích đã trà trộn trong dân. Dân trở thành bia đạn cho thực dân, tấm chắn cho người tuyên xưng cách mạng vì dân.
Trong cao điểm của hỗn loạn, Tân đã bất lực trong việc bảo vệ cha. Cụ Chánh đã tử vong trong mưa đạn vì cụ không thể tự vệ. Cha đối với Tân là niềm tin yêu tuyệt đối. Cha mất đi, nỗi đau dằng dặc đêm ngày như lửa ngầm lan chậm thớ cây, Tân trở nên còm cõi. Cậu vùi đầu vào việc nhà và phế mặc chuyện cộng đồng. Cộng đồng này, theo Tân, nó đã bị nhiễm độc, không còn dễ thương như xưa!
Một hôm Tân đang phơi thuốc ngoài sân, cậu thoáng thấy anh em Thiện, Ngôn trong trang phục bộ đội. Cậu vội lùi sâu vào nhà. Cậu trình bày cùng chú Tửng về những hành vi mờ ám của họ đã gieo rắc cho đồng bào địa phương của cậu thuở trước. Ngày hôm sau, chú Tửng đưa Tân ra rẫy, giao cho cậu trọng trách khác. Ngày ngày Tân lo trồng rau cải. Đêm đêm Tân học thêm dược lý, chẩn bịnh. Thỉnh thoảng cậu giữ trách nhiệm tiếp thu hàng hóa, y dược do A Phùng chuyển từ thành về, qua đường dây buôn lậu từ bên kia sông Cái.
Công việc bận bịu ngày đêm nhưng lòng Tân mãi thổn thức về tình xưa, nghĩa cũ. Tân chưa bao giờ thấy nỗi tuyệt vọng của mình thảm hại như hiện trạng!
Vào một đêm ba mươi của tháng hạ. Trời đen như mực. Gió lặng như tờ. Theo thông lệ, Tân đang cặm cụi học hỏi bên ngọn đèn mù u le lói thì liếp cửa hé mở. Tân y hẹn đứng lên tiếp kẻ chuyển hàng. Khách hôm nay là một thiếu nữ, trang phục toàn đen, đầu che nón lá khuất cả mặt. Tân toan cất tiếng làm hiệu. Chiếc nón lá hạ thấp. Tân há hốc kinh ngạc. Những éléments kiều diễm quen thuộc của gương mặt người xưa đang hiện hữu. Tân ôm chầm lấy Mỹ và lắng nghe câu nói lúc hai đứa tạ từ:
- Cái gì của anh là của anh vĩnh hằng!
Tân câm lặng, cậu giữ mãi thế thượng hạnh phúc bất chợt. Bằng một giọng ngọt ngào muôn thuở, pha lẫn một chút xúc động, Mỹ cảnh tỉnh người yêu:
- Sự nguy hiểm đang chờ chúng ta. Ngày vui còn dài. Anh nhanh chân ra ngoài để tạ từ ân nhân, rồi ta đi!
Tân còn đang phân vân thì Mỹ đẩy cậu ra khỏi mái tranh. Chú Tửng đã chực sẵn. Chú ân cần dặn dò:
- Ngày này, A bạc đã chuẩn bị từ lâu cho cả gia đình con. Ý chưa kịp thực hiện thì cha con đã lìa trần. Thôi! sinh ký tử qui. Có luyến cũng khó qua định mệnh của trời! A bạc chúc hai con thượng lộ bình an.
Nhớ lời A bạc dặn, dù ở hoàn cảnh nào, gia đình các con và gia đình A Phùng cũng gắng đùm bọc lẫn nhau để vững tiến!
Tân chưa kịp thưa thốt thì chú Tửng đã nhanh tay quảy bao hàng, biến vào đêm đen để tránh cảnh ngậm ngùi lúc chia tay.
Mỹ vội đưa Tân xuống thuyền. Nàng khéo léo ngụy trang chàng trong lớp hàng hóa, đoạn cho thuyền ra khơi. Dòng sông rộng, nước lững lờ, mái chèo êm ả, thuyền vượt qua mấy chiếc tuần duyên trong vô sự. Trời mờ sáng, Mỹ đã chuyển Tân sang bến yên lành.
Nàng và chàng đến nhà hàng Tàu, cận bến xe đi Sài gòn, lục tỉnh. A Phùng thoáng thấy Tân, bỏ quày hàng, chạy đến ôm vai, than nhỏ:
- Hày! Ngộ tưởng nị tiêu tùng theo ông già rồi chứ! Thôi, sinh ký tử qui, đừng buồn!
A Phùng giao khoán công việc cho tài phú, chàng đưa Tân lên lầu. Nghe ồn ào, Phụng đến cầu thang. Tân vừa tới nấc thang chót, Phụng chạy đến ôm chầm, mừng rỡ:
- Trái đất tròn! Tạ ơn trên bọn mình đã gặp lại! Chúng em lo ngại cho anh vô cùng!
Mỹ đến bên Tân, giới thiệu:
- Phụng, nay là hiền nội của anh Phùng đấy anh ạ!
Phụng khéo lánh, giục:
- Mỹ vào bồng con ra chào cha đi!
A Phùng kề tai Tân, bảo khẽ:
- Nị báo hại vợ con sầu khổ bao năm!
Tân cảm thấy cơ thể mình như nhũn ra. Chàng ngạc nhiên và sung sướng ngập lòng khi nghe Phụng và A Phùng đề cập đến con thơ, vợ yếu:
- Con tôi? Vợ tôi? Tạ ơn trên sự trùng phùng này.
Phụng gật đầu:
- Chị ấy yêu anh trọn tình, dâng hiến trọn đời. Ngày đầu gặp gỡ anh Điệp, chị đã khẳng định, chỉ chấp nhận tình bằng hữu. Chị đã dùng thời gian để đo lường dạ người tình. Anh Điệp thiếu kiên nhẫn, đã sa ngã và cuối cùng kết hôn với kẻ khác. Anh qua bao nhiêu thăng trầm mà vẫn hoài vọng người xưa. Thời điểm hôm nay là ngày xướng danh cho mối tình thiên thu diễm tuyệt.
Phụng dứt lời, mẹ trẻ con thơ đã hiện diện. Mỹ bảo con:
- Châu vòng tay ạ cha đi nào!
Cậu bé nhoẻn miệng cười rồi úp mặt vào lòng mẹ. Cậu nghiêng nghiêng, lén nhìn người lạ, có danh xưng ngồ ngộ là cha.
Tân bước tới, điểm nụ cười cầu hòa cùng bé con. Chàng đưa đôi tay mời gọi. Bé thơ chỉ cười, Phụng đôn đốc:
- Cha đấy! Ngoan đi Châu!
Bé con khẽ lắc đầu. Niềm chua xót dâng lên cao. Nỗi đau len lén vào tim, Tân gượng cười, bảo:
- Cha đây mà! Cha thương Châu lắm lắm!
Mỹ hôn nhẹ con, cổ võ:
- Sang cha, cha yêu bé hơn cả mẹ!
Tân cười hiền. Chàng đưa tay mời gọi lần nữa. Bé nhào vào tay cha, bá cổ, mặt hướng về mẹ thăm dò. Mỹ gật đầu, nở nụ cười hạnh phúc.
Tân tay bồng con, tay ôm vợ. Tân thú tội:
- Tuổi trẻ yêu lắm, bồng bột quá! Anh đã phạm lỗi với nhiều người.
Mỹ mân mê ngực chồng, bảo khẽ như hơi thở thoáng nhẹ, vừa đủ để chàng nghe:
- Anh chẳng có lỗi với ai cả! Anh hành động do cảm nghĩ chí tình, do sự trung thuận và hứng chịu trách nhiệm. Em yêu anh với cả con tim. Em muốn độc chiếm tình anh. Em muốn đôi ta là uyên ương hằng hữu nên em đã dâng hiến. Kết quả tình yêu là niềm mong đợi tất yếu. Chuyện mang nặng đẻ đau, theo em, nó không thuần nghĩa gian khổ mà chan hòa ý niệm hạnh phúc. Chuỗi khổ hạnh của kẻ tu trì là phần thưởng từ lúc thí phát cho đến khi đạt thành chánh quả. Nhụy rữa, hoa tàn là tiến trình tất yếu của trái thắm tươi!
Con em là biện chứng tình yêu của đôi ta. Bé là trái tim nói lên mức độ yêu thương nồng thắm của chúng mình, là dây tương quan hạnh phúc. Dù ta có nghìn trùng xa cách, cũng ngưỡng vọng qui trình.
Anh thường lấy toán học để trêu hương sắc của em. Con của chúng ta là kết hợp tất cả éléments ưu tú của đôi lứa chúng mình. Con em là một sommation đúng nhất! Ai đã từng sinh con mới hiểu cả nỗi đau và niềm hạnh phúc giữa mẹ con. Ai đã từng được yêu và yêu trọn vẹn mới hiểu được sự tương đắc giữa vợ chồng!
Trên mâm cơm hội ngộ, A Phùng đùa:
- Ngộ đã xem bói cho A Tân, ngộ thấy nó bị ba con nữ hành hình. Đời nó sẽ điêu đứng. Duyên tình tuy trắc trở, nhưng cuối cùng đạt mộng. Nào có sai?
Phụng vui miệng, nàng hưởng ứng một cách không giấu giếm:
- Ông xã đã biết hết mọi sự, em chẳng giấu làm gì...
A Phùng giành khám phá sự thật:
- Hày! Nếu bà xã của ngộ không làm tài lanh thì duyên nợ của bọn mình đảo lộn cả.
A Phùng gắp miếng bào ngư cho Phụng, vừa cười hì hì vừa trêu vợ:
- Phụng à! Em thương A Tân đứt ruột nên em đã trộm miếng ngọc của thằng anh đem trao cho kép để làm bùa hộ mạng. Trớ trêu thay, em đem người yêu se duyên cho kẻ khác. Hậu quả, em mất kép, thằng anh mất đào. Đau lắm chứ hử?
Phụng đấm vào lưng chồng. Nàng trách:
- Anh nói thế khác nào anh từ chối phúc đức trời ban em cho anh, phải không?
A Phùng cười cầu tài:
- Vì anh được đại phúc nên mới xướng danh em để cho ai kia thương tiếc đấy chứ!
Phụng đỡ lời chồng:
- Ông xã ăn nói vô duyên, bông đùa không hợp cách. May mà anh Tân là bạn thân, chị Mỹ như ruột thịt, nếu không, ông xã sẽ bị ăn đòn. Đem em mà so bì sao xứng?
Mỹ pha trò cho thêm phần thân thiện:
- Chị em tôi luôn luôn đùm bọc cho nhau. Anh em của nhà anh, ngoài miệng nói thương nhau tha thiết, nhưng trong lòng cứ tháu cáy nhau hoài. Anh phải cảm ơn chồng em. Chàng lỡ duyên nên anh mới được một bà vợ tài sắc vẹn toàn.
A Phùng cười ha hả, trêu gan:
- Anh em tôi tuy trong bụng chứa cả bồ dao găm, còn đỡ hơn chị em của các bà ngoài đùm bọc, dạ trong dâu!
Mỹ bạo miệng, trả đũa:
- Cụ nghĩ thế, đừng trách chị em tôi nhé! Được! Tôi sẽ đem Phụng gả cho chồng tôi để ai kia khỏi gieo lời bội bạc!
A Phùng chắp tay cười khì khì:
- Hiền nội của A Tân chơi trội hơn cả Hoạn Thư. Đùa nhau đến thế đủ lắm rồi. Xin hoà!
Tân là tác nhân gây loạn, tự nãy giờ ngồi nghe người trong gia đình tinh nghịch đùa nhau. Chàng thấy đã đến lúc thuận tiện để biện bạch tội tình:
- Tôi là người duy tâm. Tôi tin có đấng thiêng liêng. Tôi tin có thuyết nhân quả. Những tin yêu đó giúp tôi gắng gieo duyên khởi tốt để gặt hậu chung lành. Nhưng nhân vô thập toàn, tuổi trẻ bồng bột, tôi vì yêu nên gây nhiều hệ lụy cho những kẻ tôi thương. Đấng thiêng liêng đã rộng lượng, người thân đã khoan hòa. Ngài đã kết thành khối những người tôi ưu ái, những hoài bão tôi hằng mong. Các người yêu tôi đã mở rộng tầm tay đón nhận tôi. Trong giờ phút hội ngộ này, lời tri ân thiết tưởng không cân xứng với những điều tôi được đãi ngộ. Tôi xin lấy tình thâm để chung lối cho đến mãn đời, như thế có lẽ đầy đủ ý nghĩa hơn.
A Phùng an ủi:
- Tôi là thằng con cưng. Tân chỉ là bạn của tôi, nhưng cha tôi ưu ái Tân hơn tôi. Cha tôi là người mực thước. Cách đối xử đó đã nói lên tư cách của Tân như thế nào rồi. Tôi có rất nhiều bạn. Bạn tôi nhiều loại. Thú thật, chẳng có đứa nào ảnh hưởng tôi bằng Tân. Mỹ được nhiều người mến mộ, nhưng không ai làm Mỹ hạnh phúc bằng Tân. Phụng, vợ tôi, thương anh rất mực, nhưng cũng khó so với thiện cảm mà bà ấy giành cho Tân. Vì vậy, những gì Tân phát biểu là cần, nhưng xét ra không tất yếu. Lời nguyện chết sống có nhau mới là điều đáng hoan nghênh mà thôi, nó đúng tâm nguyện của chúng ta.
Tôi không có anh em, chúng mình kết thân từ nhỏ, tôi coi Tân như thằng em chí thương.
Tôi là người Hoa, sinh ở đất Việt, sống và lớn lên ở đây. Tôi nói và viết tiếng Việt sành sỏi. Tôi lại cưới vợ Việt. Cha tôi còn cao hơn tôi một bậc. Ông hoạt động trong cộng đồng người Việt. Thế nên tình thân của tôi và Tân không có một ngăn trở, một tị hiềm nào.
Sự thâm tình đã có, ước vọng từ đó thiết thực hơn. Ngày nào Tân có điều kiện tiến thân, thì đừng quyến luyến tình gia đình mà bỏ lỡ cơ hội tốt. Thú thực, tôi không muốn Tân theo vết nghề làm thầy thuốc bắc, khai thác nhà hàng như tôi. Những dịch vụ này làm nhụt chí tiến thủ của một người có nhiều tiềm năng như Tân.
Tân vốn ít nói, nghe nhiều. Chàng lẳng lặng tiếp thu tâm tình của mọi người trong gia đình. Bữa cơm thân mật mở đầu cho những chuỗi ngày tạm bợ của chàng bên A Phùng. Ban ngày, vợ chồng Tân phù trợ điều hành nhà hàng ăn với gia đình Phùng. Ban đêm, chờ con ngủ, vợ chồng hết tâm tình lại chuyển sang kế hoạch lập nghiệp. Đôi uyên ương toan tính mãi mà chưa ai đưa ra được một sáng kiến khả dĩ giúp họ thoát cảnh ăn nhờ ở đậu, bởi đôi đàng đều rơi vào hiện trạng tứ cố vô thân.
Vào đêm giao thừa của xuân năm ấy, nhân nhàn rỗi, Mỹ thủ thỉ cùng chồng:
- Ngày xưa, Ngụy Thị giết con gà mái ấp độc nhất, chẻ phên để làm cơm tiễn chồng tìm bước công danh. Bách Lý Hề cám cảnh mà nên khanh sĩ nhà Tần. Nay, em quyết ôm con, theo chàng nửa bước chẳng rời, em gắng buôn gánh bán bưng để chàng tiếp tục ăn học, làm nên nghiệp vĩ. Chàng nghĩ thế nào?
Tân như mở tấc lòng. Chàng trình bày dự tính đã lâu:
- Anh sẽ làm khác Bách Lý Hề. Cũng như em, anh chẳng xa em đến nửa bước. Chúng ta cùng sát cánh để dựng tương lai.
Chúng mình đã từng ở Sài gòn qua những năm tháng ăn học, mình đã hiểu phần nào sinh hoạt trên ấy. Tuy nắm sẵn gia sản của cha để lại, nhưng không nên phí phạm. Khởi đầu, ta chọn một căn nhà nhỏ trong khu lao động, trên đường Matelot Manuel ở Khánh Hội để an cư. Ta điều động một xe hủ tiếu để khiêm nhường lập nghiệp, đồng thời anh tiếp tục học. Khi đã yên vững, anh chuyển sang làm thư ký khai quan thuế ở bến Nhà Rồng. Em thôi buôn bán. Hãy tận dụng thời gian nhàn rỗi để học thêm, để vợ chồng con cái sống cho nhau.
Anh dự định khi đỗ xong trung học sẽ xin làm công chức, thuận đà cho chương trình đại học. Bấy giờ, tiến tới đâu ta liệu tới đó.
Trong lúc vui xuân, Tân đem ý định trình bày cùng vợ chồng Phùng. Phùng chẳng những tán trợ mà còn đề nghị giúp vốn. Tân tránh chịu thêm ân, nên bảo có gia sản của cha để lại.
Sau Tết, vợ chồng Tân đưa nhau lên Sài gòn. Việc đầu tiên, Tân đưa Mỹ đến thăm cô và em gái. Bao năm cách trở, khi gặp lại, cô cháu, anh em sụt sùi kể lể nhớ nhung và ngậm ngùi vì cái chết của cụ Chánh.
Riêng Phượng và Mỹ, ngày xưa là nhịp cầu tri âm. Ngày nay là liên hệ gia đình, tình cảm gắn bó rất nhiều, đến độ Tân phải trêu Phượng:
- Tử Đô đã chết mệt vì nhan sắc chim sa cá lặn của chị dâu rồi đấy! Cậu nhớ lời dặn của anh ngày xưa chăng?
Phượng đùa trả lễ:
- Công Chúa đã cho Lỗ Trí Thâm ăn cháo bò nên bò lạc được giáng tiên! Giáng tiên mê công chúa thì đúng hơn.
Tân quay sang Mỹ phân trần:
- Ngày Phượng còn thơ, cô ấy dong dỏng cao, tướng suông đuột; tay chân, mặt mày mỹ miều đến nỗi bạn gái mê, bạn trai gán cho danh Phượng Đực Rựa. Cô ta về mách anh. Anh an ủi, sau này Phượng sẽ đẹp như công chúa, cô ấy mới an lòng!
Mỹ điểm xuyết nhan sắc Phượng:
- Phượng có nhan sắc quyến rũ thật đấy chứ anh!
Mỹ trêu Phượng:
- Công chúa đã chọn được cây si nào chưa?
Phượng vừa nhìn Tân, vừa đáp lời Mỹ để trả đũa:
- Ngày xưa chị hờn anh Tân, chị bỏ đi về quê ngoại. Anh ấy ốm tương tư. Em bảo, em sẽ nấu cháo bò cho anh ấy ăn. Anh ấy trêu, bác sĩ dặn anh ăn cháo xong rồi bò đi tìm người thương phải không? Lời nói trêu ấy, nay đã thành lời tiên tri. Em đang học năm thứ hai y khoa. Chàng của em đang học năm thứ tư, trên em hai lớp. Vâng, anh Điệp là ý trung nhân của em.
Tân rạng rỡ nét mặt, khen ngợi:
- Giỏi thật, anh không ngờ! Cha mình sáng suốt thật! Nếu để em tại quê nhà, giờ này em đi bán bắp nướng rồi! À, gia phả của anh chàng Điệp ấy ra sao?
Phượng hăng hái:
- Ông bố có hãng làm xà bông. Cô em gái tên Phụng. Chị Phụng, người tình không chân dung của anh đó mà!
Cả Tân và Mỹ đều đồng loạt nhận ra người xưa. Trái đất tròn, kẻ sơ đều thành người thân cả rồi. Mỹ nên duyên cùng Tân, Điệp kết tình cùng Phượng, Phụng thành thân cùng Phùng.
Phượng ướm lòng Mỹ:
- Nếu chị đừng từ chối mối duyên tình với anh Điệp thì chị đâu sa vào cảnh gian truân như hiện tại?
Mỹ cười hiền hòa, nhìn thẳng vào đôi mắt của Phượng, chỉnh:
- Điệp biết chị thất thân cùng anh Tân mà vẫn kết. Đó là chân tình. Điệp rõ chị sẽ chờ đợi anh Tân mà vẫn nuôi hi vọng. Đó là yêu mù. Cuộc đời tình ái không mãi đẹp như thơ, không lặng lẽ như mặt nước hồ thu. Lúc ngoài tầm với thì người ta thương nhau tha thiết. Khi nên nghĩa vợ chồng, đời sống khó khăn, bất đồng ý kiến dễ xảy ra. Lúc ấy, người ta sẽ lôi những lỗi lầm xưa để làm khổ nhau. Đấy là tâm trạng có thể xảy ra, đối với Điệp. Phần chị, dù rằng anh Điệp có cách xử thế lương y như từ mẫu, tề gia thủy chung như nhứt chăng nữa, cũng không làm chị hối tiếc. Trái tim có lý lẽ của nó. Người con gái có gì cao quí bằng chữ trinh. Chị không hẳn là cô gái lăng loàn. Hôn lễ, đối với chị, không xem là lễ tấn phong hoàng hậu của lòng ai. Khi đã chọn mặt gửi vàng thì dâng hiến cả linh hồn lẫn thể chất, không đòi hỏi gì cả. Về phần anh Tân, ngoại diện không tệ, nội tâm không kém ai, tài trí chẳng thua một người trung bình, tình yêu dành cho chị thật chân, thật đam mê, thật tôn thờ; chỉ tội có một điều, đời chàng lận đận quá! Nghèo không than, khó không nản, ngang trái vẫn thủy chung. Về lý, đó là người trai lý tưởng; về tình, chị và anh ấy đã đồng điệu.
Chàng của chị, nếu không bị giam hãm trong thời gian tản cư, thì chàng cũng chẳng kém ai. Tuy nhiên, anh ấy còn trẻ, bước đường công danh còn dài. Đường dài mới biết ngựa hay! Cô em chồng của chị đã thử lầm người rồi!
Phượng ôm Mỹ, cười thỏa mãn. Cô bảo khẽ:
- Em thương anh của em rất nhiều. Ngoài tình ruột thịt, còn là kẻ đối tác khi mồ côi mẹ quá sớm. Đời sống quá thăng trầm, tình huynh muội càng đậm đà. Em không muốn ai làm khổ anh ấy. Anh ấy đã có thời gian khá đau khổ vì yêu chị. Em không muốn tình trạng ấy tái diễn. Em thành thật cáo lỗi vì lượng giá sai về chị!
Mỹ bẹo má Phượng, với giọng kẻ cả:
- Mẹ mất sớm, em thiếu tình nuông chiều. Chị sẽ thay mẹ làm điều đó cho em. Trưởng thành về thể chất, tâm tư em còn bé bỏng lắm Phượng ạ! Chị được làm thiên chức đó chăng?
Phượng vùi đầu vào ngực Mỹ. Châu chạy đến giành mẹ. Phượng quỳ xuống ôm cháu, mắt rướm lệ, khẽ mắng:
- Đồ chó con ích kỷ!