Chương XI

     ối với gia đình Tân, Mỹ đồng ý chính phủ rất sáng suốt, nhưng nghĩa vụ quân sự trong thời chiến là niềm bất trắc mà chồng con nàng khó tránh khỏi. Sau khi trúng tuyển vào Đại học Sư phạm, nàng cương quyết hủy bỏ ý định trở thành nhà mô phạm. Nàng chọn Văn khoa, vừa học cầm chừng, vừa hướng vào nghiệp thương. Nàng xin vào làm nhân viên ngân hàng để quân bình ngân sách gia đình, nếu nhỡ chồng con gãy đổ sự học, sa chân vào nghiệp lính. Ngân hàng là giai đoạn đầu để nàng chen chân vào sở tín dụng. Nắm được tín dụng, là nắm trái tim của nghiệp thương. Tín dụng giao duyên giữa các ngân hàng trong Hiệp Hội, gia ân cho doanh nhân trong toàn cơ cấu của thương trường. Từ đó, Mỹ sẽ từ bỏ ngân hàng để trở thành một doanh gia, đã thông suốt lề lối phương thức huy động tài chánh, hoán chuyển cung cầu của thị trường. Nàng sẽ chú trọng các hóa phẩm ăn khách, dùng kỹ thuật tung hứng vật giá để sinh lợi một cách quang minh chính đại. Khi lợi tức sung mãn, nàng sẽ đầu tư vào đất đai, gia cư để ngoại phô, nội kích các dịch vụ có tính ngoại giao.
Nói là làm. Sau một thời gian cực lực làm việc, tận tâm trau giồi sự học, lao lách vào thương trường, Mỹ đã nắm được địa vị chánh sở tín dụng của một ngân hàng có tầm vóc, đồng thời nàng hùn hạp với một số nhà nhập cảng mười tám ngành, chủ tâm của nàng là sắt, cement, đường. Về sở học, nàng đã sang năm thứ hai ở Đại học Văn khoa.
Riêng Tân, hoàn tất Cử nhân Luật. Chàng có ý định thi vào Cao học Hành chánh vì chàng ôm mộng sáng vác ô đi tối vác về. Đời sống công chức thầm lặng nhưng được cái phúc gần gũi thê nhi. Ước nguyện của chàng bất thành vì có một vài trục trặc nhỏ nên đành thôi.
Con đường quan chức lại kém may mắn, ngày chàng ra trường, các ngạch thẩm phán, thanh tra không tuyển bổ. Nhóm Kinh tế Hậu Chiến, bạn bè thân tín cũng chiếm hết phần. Tân quay sang gõ cửa các maitres, nguyên là sư phụ, chàng cũng bị chối từ. Parrain của Tân là luật sư thành danh. Ông cụ bỏ nghề làm trạng để giữ vị ở Thượng Nghị Viện. Tân ngại nhờ cụ vì e lâm cảnh bỏ thì thương, vương thì tội.
Tiến thân không xong, Tân thoái về trường, ghi danh cao học. Cả năm chuyên cần vì Tân biết mình đang đứng trước vực thẳm, nhưng cố cũng hoài công trước lệnh Tổng Động Viên. Tân đành xếp bút nghiên theo nghiệp chiến chinh. Tân hài lòng với thân phận, với xã hội, với tổ quốc vì tất cả đều chính lý, không tránh vào đâu được. Chàng đã tận nhân lực và bây giờ đã tri thiên mạng.
Khởi đầu đời lính, Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Nhập Ngũ lo cấp phát quân trang, quân dụng và tô điểm cho Tân mái đầu gần như trọc. Trung tâm Huấn luyện Quang Trung khai tâm cho chàng thế tác chiến căn bản và quân phong, quân kỷ. Trường Võ khoa Thủ Đức giúp chàng đẩy lùi tinh thần vị kỷ, luyện tính cứng cỏi, thẩm định chính xác, quyền biến kịp thời trước mọi trở lực quân binh.
Trong thời gian thụ huấn về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy, kỷ luật cứng rắn đến vô tình đã đè bẹp tính phóng túng, tinh thần nổi loạn xưa nay trong chàng. Cái kỷ cương đồng điệu đó hóa đá con tim dần dần. Đời quân ngũ đã du chàng vào truyền thống thi hành trước, khiếu nại sau. Ngụy cách này là cái duyên đối địch hữu hiệu, nhưng cũng là cái bẫy để cấp trên đì cấp dưới, ở mọi binh chủng, mọi chính thể, mọi ý thức hệ mà thôi. Huynh đệ chi binh chỉ thể hiện rõ ràng giữa những người đang lâm chiến với kẻ thù, sinh mạng của nhau đang dưới tay tử thần. Ngoài ra nó là một sáo ngữ khá buồn nôn.
Quân trường trong thời loạn là nơi hội ngộ của người thương, kẻ ghét, của mọi đẳng cấp trong xã hội. Tân đã gặp lại các đồng môn, thân quyến, học trò, thầy và tớ.
Những ngày trực tuyến, những đêm trên vọng gác của quân trường, vì chưa quen với đời sống quân ngũ, Tân thường vọng về gia đình, trường xưa, bạn cũ. Sau đó, chàng ôm mặc cảm tội lỗi về chí làm trai trong thời chiến. Sự việc tuy đã rồi, làm con dân, lệnh nước buộc sao thì gắng vào khuôn phép. Nhưng kẻ có lòng, người hiểu việc, nhất là kẻ ở trong cảnh, Tân suy nghĩ nhiều, hối tiếc lắm về sự khiển dụng nhân sự, đòn phép ngừa loạn, chống ngoại của đương kim chính quyền. Tân không dám phê phán vì e bị chê thiển cận. Tân không dám chỉ trích vì ngại bị hiểu lầm vị kỷ cá nhân, chạy chối nghĩa vụ quân sự, bênh chính, phụ binh. Vì vậy, chàng âm thầm mơ ước.
Nhìn lại quá trình của cận sử, sau khi lật đổ chế độ dân sự đã từng bình quốc, an dân, quân đội đã nắm quyền. Qua bao cuộc chỉnh lý đầy bất ổn, cuối cùng chính quyền dân cử được thành hình, nhưng phong cách vẫn đầy hơi hướm nhà binh, nhiều biện pháp mạnh, thường thấy ở một chế độ quân phiệt. Qua chiến sử Tân thấy, chế độ quân phiệt có tác dụng trị an tạm bợ, hậu quả làm suy thoát sự lớn mạnh về an cư, lạc nghiệp, hưng quốc.
Xét về mặt khiển dụng nhân lực, chính quyền đương kim không đặt người đúng vị nên không đạt hiệu năng cao. Nhìn lại hàng ngũ lãnh đạo, đa số xuất thân từ quân đội nhưng hàng cố vấn vẫn có những người có trình độ kiến thức cao. Tân thiết nghĩ, chính quyền không đến nỗi thiếu hợp lý để xây một quốc sách về nhân dụng. Nhưng có lẽ do áp lực từ nhiều phía, họ đành hy sinh một thiểu số con dân mà theo ý họ là không đắc dụng. Tuy nhiên, nếu ai có lòng thành với tổ quốc, ai cao kiến về thế dựng nước, họ sẽ thấy tầm quan trọng của thiểu số này trước thế chiến du kích, đánh nhau bằng văn không tuyệt đối dụng võ.
Kẻ sĩ biết mình không giỏi chiến chinh, nhưng có năng khiếu kinh, chính. Họ đã dùng cơm nhà, áo vợ để học hỏi nên thân. Thân đã thành, họ mong kề vai gánh việc nước theo sở trường đang có để nên danh. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, họ được trọng dụng để an dân, bình quốc trước thế chiến du kích. Loại chiến tranh này nhắm vào tâm lý quần chúng hơn đem gươm súng răn đe. Đến khi quân đội chỉnh lý và cả Đệ Nhị Cộng Hòa, đường lối an dân thay đổi, vì thế giặc đã nương theo loạn để trưởng thành. Đương kim chính quyền nghĩ rằng phải dụng quân để đối kháng, nhân lực được động viên bừa bãi, bất kể tuổi tác, văn hóa.
Các nho sinh được đưa vào quân trường trong ngắn hạn, rồi đem bổ sung khắp chốn, khắp ngành. Kẻ cầm súng tác chiến thiếu chuyên, thiếu khiếu đến thượng sĩ già cũng phải ngơ. Người được đưa phục vụ ngành nông mục, quân nhu, quân cụ, công binh. Khi nhận nhiệm sở, lớ ngớ đến lính chuyên ngành bỉ mặt. Những ngang trái này do thiếu sở trường mà ra. Nhà lãnh đạo có bao giờ để mắt trông vào. Hiệu năng kém, thế nước suy! Danh của kẻ sĩ không đạt. Gia đình sụp đổ. Quốc nạn phải đến là việc tất nhiên!
Riêng các tráng sĩ, họ là người chuộng võ nghiệp. Họ tự nguyện đăng ký vào các quân trường chuyên nghiệp. Họ được huấn luyện chiến thuật, chiến lược dài hạn và tươm tất. Chí sắt đá, lòng tự tin, có bản lĩnh, họ là con yêu ngăn giặc hữu hiệu. Chiến trường là đất dụng võ, chiến tích là thang thăng tiến mà họ từng mong đợi. Chiến thắng là niềm kiêu hãnh của chí trai. Sinh, tử là đòn thử thách mà họ can đảm chấp nhận. Khi kinh nghiệm chiến trường khá đầy đủ, hỗ trợ hữu hiệu trong việc mưu sinh thoát hiểm thì một số khá đông danh tướng, danh tá lại được bổ nhiệm vào phủ, bộ, tỉnh, quận, thị xã. Như vậy, họ đã dẫm chân lên phần hành của cán bộ hành chánh. Cái thất sách ở chỗ là kẻ cầm quân giỏi, ngăn giặc hay không được dùng vào việc bình trị mà lại đem dùng vào việc hành chánh. Họ hoàn toàn bỡ ngỡ với mọi phương thức xây dựng hạ tầng cơ sở của quốc gia. Hiệu năng của các anh hùng quân đội, do đó cũng hoàn không.
Xét như vậy, Tân thấy rõ, đương kim chính quyền đã khiển dụng sai nhân lực, nên thành quả kiến quốc thiếu hữu hiệu. Hơn nữa, đưa sĩ quan có trình độ tham mưu tại chiến trường sang lãnh vực hành chánh, chứng tỏ việc động viên thành phần tốt nghiệp đại học, rất cần cho lãnh vực dân sự, không thuần là lý do thiếu quân số! Từ đó Tân đặt nghi vấn. Chính sách động viên giới trí thức vào quân đội có oan uổng cho họ hay không?
Để tìm đáp số của câu hỏi, Tân nghĩ đến việc đương kim nguyên thủ quốc gia đã có một số cố vấn cao cấp tại Tổng thống phủ, đang lo đôn đốc nhóm kinh tế hậu chiến, nghiên cứu sâu rộng về sách lược khai thông hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến thiết cho một quốc gia đầy tương lai xán lạn. Thành phần chuyên viên ưu tú, đa số cùng promotion với Tân. Qua tế phân của họ về hậu chiến, có đề cập đến việc sử dụng nhân lực, tài lực, vật lực. Trong phần khiển dụng nhân lực, có nghiên cứu thật nghiêm túc về việc tái phân quân nhân vào lãnh vực kinh tế, tài chánh, giáo dục. Họ không quên đề cập đến việc nâng cấp trình độ những kẻ đã tốt nghiệp đại học để tạo dựng những chuyên viên ưu tú cho mọi lãnh vực trong xã hội. Từ đó Tân có thể kết luận, đương kim chính quyền đã hành động bất nhất trong việc động viên thành phần tốt nghiệp đại học vào quân đội, đã gây oan uổng cho cá nhân họ và làm phí phạm tài nguyên về nhân lực của quốc gia. Tiến xa hơn, Tân đặt nghi vấn. Đương kim chính quyền động viên giới trí thức vào quân đội với mục đích gì? Có chính lý không?
Nhìn qua giới lãnh đạo quốc, họ là những vị tướng tá cao cấp, đa số cũng đã ít nhiều nhúng tay vào đảo chánh một chính phủ dân sự, có hiệu năng an dân, hưng quốc một thời. Họ đã từng gây nên những cuộc chỉnh lý, từng chạm trán với chính khách thường ngăn chặn một chính phủ quân phiệt, để sau đó nền Đệ Nhị Cộng Hòa hình thành, nhưng hơi hướm nặng mùi quân cách. Để nắm thế thượng phong, nhất hô bá ứng, vị tổng tư lệnh tối cao của quân đội dùng chính sách động viên, bất kể tuổi tác và trình độ học vấn, để thực hiện tham vọng nắm hồn xanh, vía dại của con dân. Quân đội là một tập thể thuần nhất, không phân biệt sắc tộc, kiến thức văn hóa, thành phần tôn giáo. Phương châm thi hành trước, khiếu nại sau đã vô hiệu hóa kẻ khôn, người dại, kẻ dốt, người học cao. Họ là những con tốt, chỉ biết ngoan ngoan thi hành kỷ luật của quân đội. Đó là đáp số mà Tân đã thắc mắc vì sao đương kim chính quyền động viên giới trí thức vào quân đội. Còn về chuyện có chính lý hay không, Tân ngẫm thêm bước nữa.
Thành phần tốt nghiệp đại học ở xứ ta không nhiều vì thiếu phổ thông hóa cấp trung học, gạn lọc hóa ở đại học. Trong học lý kinh tế về thuyết giá trị, valeur marginale là thước đo sự quí hiếm. Chính kẻ tốt nghiệp đại học đáng được bảo vệ. Thế nhưng chính quyền không có biện pháp nâng đỡ. Họ thành thân là do cơm nhà, áo vợ, dùi mài kinh sử trong khốn khó. Khi họ thành thân là kẻ hoàn toàn có thực tài. Họ sẽ đạt năng hiệu cao nếu đạt vị đúng sở trường, sở đoản. Ngược lại, động viên họ vào quân đội là đưa họ sai môi trường, khác nào đưa cá vào vũng lầy. Đặt họ vào vai trò xoàng xĩnh trong quân ngũ là thiếu chính lý.
Sau khi đã suy nghĩ về sự khiển dụng sai lầm về nguồn nhân lực, Tân lại ngẫm đến đòn phép mà đương kim chính quyền đã dụng thành phần có học vào việc ngăn nội loạn, ngừa ngoại xâm.
Những ngày Tân còn học ở trường Luật, chàng đã chứng kiến nhóm sinh viên quốc, ngoài chuyện vui học, họ đã ý thức được cái khó của chính quyền về việc kiểm soát thành phần bất hảo trong học đường. Với tấm lòng thành, họ dùng phương thức sinh viên vụ vào hoạt động xã hội và đoàn ngũ hóa học đường, qua các ban đại diện, và thành lập một Tổng Hội Sinh Viên, trụ sở được đặt tại ngã tư Duy Tân - Hồng Thập Tự. Với sự tổ chức khá chặt chẽ của họ, nhóm phản chiến, thành phần thân Cộng đành len lỏi vào đảng phái, tôn giáo để loạn xuống đường.
Tân đã chứng kiến, học sinh liên trường đã từng chém nhau vì chính kiến tại công trường chợ Bến Thành, chứ chưa bao giờ có một hỗn loạn nào tại các đại học, vào thời buổi ấy.
Chính quyền đã từng bắt giữ những tên đầu xỏ, nhưng rồi vẫn phải thả hổ về rừng, trước áp lực của lực lượng nón chở, dù che. Trong khi đó sinh viên đã tích cực ra tuyên cáo vạch rõ hành vi của bè phái. Tích cực hơn, họ đã can đảm chống lại các phán quyết sai lầm của chính phủ, điển hình là tiêu hủy Hiến Chương Vũng Tàu. Họ kề vai với chính quyền qua dân nạn, điển hình là việc làm của Đoàn Thanh Niên Học Đường vào biến cố Mậu Thân.
Sau thời gian học tập, đợt người của Tân lớp ra trường, lớp bị động viên vào quân đội, sinh hoạt sinh viên bị xuống cấp dần. Từ đó, nhóm phản chiến và thân Cộng, được đảng phái, tôn giáo che chở. Chúng nắm trọn các ban đại diện đại học, thao túng Tổng Hội Sinh Viên, xuống đường liên tục, phản tuyên truyền về sách lược an dân, cứu nước của chính phủ. Giới truyền thông bị nhiễm độc. Quần chúng có khuynh hướng đối lập với chính quyền. Đồng minh bị áp lực của xứ họ. Loạn nước khởi nguồn từ một sơ hở nhỏ như lỗ kim, xoáy mòn chính trường thành khủng hoảng chính nghĩa, biến chiến trường khởi đi từ du kích chiến sang trận địa chiến. Hạt cát lầm lẫn đó, dưới mắt Tân, là sự bạc đãi của chính quyền đối với học sinh, sinh viên quốc gia. Tân là lính, sự suy nghĩ của lính về lính chắc không thiên vị mấy! Tân là dân tốt nghiệp đại học, người của thứ dân, suy nghĩ về thân phận của thứ dân, chắc có lẽ không ngoa! Tân đã phục vụ trong lãnh vực của dân và lính, nơi nào cũng gắng làm tròn. Nhưng sự hữu hiệu của công việc kém, do không hợp sở trường, sở đoản. Tương lai của Tân bị vướng nạn, gia đình Tân rơi vào khốn khó, vận nước của Tân bị thăng trầm, những thương tiếc của Tân, hy vọng những ai hiểu được chắc không nỡ lòng thẩm trách nặng lời!
Sau khi Tân ngẫm về người, Tân quay lại xét mình. Trước, Tân sống ngoài đời, tự do thì phóng túng. Bây giờ, là lính bị ràng buộc thì phải tuân hành. Kẻ nào dại dột đi ngược lại định luật guồng máy sẽ bị cơ chế nghiền nát làm vạn mảnh. Ấy thế, thuở xưa Tân đã dại dột làm điều đó. Bạn bè, bậc trưởng thượng tại quê nhà đã làm chuyện đó. Thanh niên đầy nhiệt huyết, đặt lầm lý tưởng trên tay của kẻ bất nhân, các bậc trưởng thượng tin vào lý thuyết suông của người bất nghĩa, nên trẻ và già đều bị lợi dụng đến thân tàn ma dại.
Riêng Tân, chàng quyết giữ thế nhu hòa không nghiêng ngả bên nào. Thời buổi ấy, Tây, Ta, Việt Minh đang ở thế nhập nhằng, tráo trở. Thần chiến đã mượn tay quốc gia và cộng sản để dạy cho Tân bài học thiếu thức thời, vết hằn ngày xưa đã nói lên quan niệm nông cạn của Tân ngày thơ ấu. Bây giờ, Tân đã nhận chân chính nghĩa thì phải ép mình thi hành theo guồng máy thì mới gọi là thức thời.
Từ đấy, Tân thôi lẩm cẩm nghĩ ngợi xa vời. Tình nhà, nợ nước đối xử cân phân.
Chiến sự ngày một gia tăng, thế nước ngày càng suy thoái. Cuồng vọng cưỡng chiếm của địch lên cao. Làn sóng đỏ đã xôi đậu lãnh vực nông thôn, quấy rối thị thành. Chốn quê lâm cảnh ngày của ta, đêm của địch. Thị thành bị pháo kích liên miên, cao trào khuấy động quần chúng hầu như hằng ngày, hằng buổi. Chính phủ ban bố tình trạng thiết quân luật. Lệnh cấm trại trăm phần trăm cứ nay dụng mai bãi. Quân trường, trại lính ở trong thế khẩn trương.
Phép cuối tuần thường bị hủy bỏ. Mỹ phải dẫn con thăm nuôi Tân luôn. Các khóa sinh lấy câu lạc bộ làm niềm vui, sau giờ huấn luyện. Đàn anh thường dùng hình phạt huấn nhục để đì đàn em cho đỡ cơn ẩn ức. Tân không thích trò đùa dai đó. Chàng thường lên câu lạc bộ mượn bia và cà phê để giải sầu, tán gẫu cùng bạn bè để trút muộn.
Một hôm, nhân thông lệ thăm nuôi, Tân la cà lên câu lạc bộ để đón vợ. Vừa đến ngưỡng cửa, Tân đã chạm mặt viên sĩ quan ngồi bàn đầu. Sau phần chào kính, Tân chọn bàn trong cùng, gọi nước giải khát để chờ gia đình. Trong lúc an nhàn, chàng để mắt đến vị cán bộ khi nãy vì gương mặt của ông ta khá quen mà chàng vẫn không nhớ là ai. Mỗi lần như thế, Tân đều bắt gặp ánh mắt của ông ta luôn hướng về chàng.
Đang phân vân, thì Mỹ xuất hiện. Tân bước ra đón vợ. Vị sĩ quan tiến đến bên Mỹ, vỗ vai Tân, khẽ gọi:
- Tân!
Mặt ông ta trở nên rạng rỡ. Tân trố mắt ngạc nhiên. Mỹ nhìn hai người, nàng nặng lời trêu cợt:
- Anh vợ và em rể đã đãi ngộ bằng đôi mắt trâu trợn.
Tân vỡ lẽ, chàng hân hoan, bào chữa:
- À! Thì ra anh Tính! Còn bà Nguyệt đâu? Anh chị tuyệt tích giang hồ từ khi làng xóm tung tin bị bắt cóc nên Tân không nhận ra là phải!
Tích bắt tay Tân, đáp thắc mắc:
- Nguyệt đang dạy học ở Hậu Giang. Chuyện hơi dài dòng. Ngồi xuống đây, ta sẽ tâm sự sau.
Khi an vị, Mỹ lo bày thức ăn, gọi nước uống. Tân nóng lòng gợi chuyện:
- Anh kể rõ đầu đuôi biến cố năm xưa đi nào!
Mỹ trêu ghẹo Tân:
- Nguyệt bây giờ là chị dâu của chàng rồi nghe chàng!
Tân cười hổ ngươi. Tính cười xòa, khởi chuyện:
- Bây giờ là người nhà với nhau cả, anh chẳng giấu giếm những hành động mờ ám của anh chị, đối với dượng, lúc còn thiếu thời.
Nguyệt vốn theo Phụ Nữ Cứu Quốc thuở nọ. Thiện, Ngôn nguyên là đoàn viên của Thanh Niên Cứu Quốc. Họ được chỉ thị của cán bộ Thà, nguyên là mõ làng ngày cũ, để ám toán dượng vì dượng đã cưỡng chống không hợp tác như hầu hết thanh niên, thanh nữ đã đồng thanh theo cao trào cách mạng cứu nước, được Việt Minh ban bố.
Sự thâm độc của họ là nhằm khai thác sự tin yêu của giới trẻ bằng chiêu bài diệt thực dân, phong kiến để cứu nước, kiến quốc. Ai hưởng ứng, được xướng danh anh hùng; ai cưỡng chống, sẽ bị ám toán. Đó là biện pháp làm gương cho kẻ khác.
Nguyệt vốn là người tình hờ của dượng. Tôi yêu Nguyệt, mến dượng. Khi Nguyệt được chỉ thị thi hành án lệnh trừng trị dượng, tôi xin tình nguyện tham gia, một để đưa Nguyệt ra khỏi Đảng, hai để tìm cách giảm nhẹ sự quá đà lúc họ xử lý dượng, trước sự chứng kiến của hai cán bộ trung kiên là Thiện và Ngôn. Một điều may mắn là có sự can thiệp của Lương. Lương vốn là tay trong, tay ngoài của Đảng. Lương giả cách đưa nội vụ vào trò đánh nhau giành gái. Côn vốn yêu Nguyệt nên lôi cuốn Hổ theo Lương đến phá hỏng kế hoạch của tên Thà, thay vì gây án mạng. Hắn chỉ kịp trao Nguyệt bản án tội tiểu tư sản, cưỡng chống cách mạng để áp đặt lên mình dượng, khi dượng bị đánh bẫy đến bất tỉnh nhân sự.
Tính hớp ngụm bia từ tay Tân trao ly. Đoạn tiếp:
- Khi Hiệp ước Sơ bộ tan vỡ, Pháp và Việt Minh đánh nhau. Để gây uy thế, để thêm lực lượng chống Pháp, Việt Minh lấy chiêu bài diệt ngoại xâm, đả phong kiến làm động lực. Thế nhân dân lần lần ngả theo họ. Khi đã hoàn chỉnh cơ cấu, họ bắt đầu thanh lọc hàng ngũ, triệt hạ đối lập. Tệ trạng thù cá nhân cũng thừa gió bẻ măng. Địa chủ, cựu hương chức là nạn nhân đầu tiên. Làng mình ông Hội Đồng bị hoạ, Lương bị giết, cụ Chánh, cha của dượng bị ám toán, thầy Hương Quản tự sát, cha của anh bỏ xứ trốn biệt, sau khi anh và Nguyệt trốn vào Cái Nước Láng Tượng để tránh bị thanh trừng.
Tân tò mò, hỏi vặn:
- Vùng Cờ Đỏ là sào huyệt của Việt Minh. Sao anh không theo họ tập kết mà trở thành lính Cộng Hoà?
Tính phì cười, đáp:
- Dượng vấn anh như quan tòa lấy cung.
Tân cười xòa. Tính tiếp chuyện:
- Anh đã ngán ngược cái thói tráo trở của họ, nên khi ông già cho người vào giải cứu là anh lên ngay Sài gòn. Nguyệt chán nản, bê tha. Sau khi gặp lại Hổ, họ là anh em một cha khác mẹ, nên khi được tin ông Hội Đồng thác oan, Nguyệt tu tỉnh học hành, còn Côn thì hận đời đăng vào lính Tây. Côn chỉ chọt cho Tây phá phách cùng khắp. Hậu quả, sinh nghề tử nghiệp, chàng ta bị phục kích đến vong mạng. Cha chết, em trai chết, em gái hư hỏng, Hổ buồn, sang Tây du học.
Hổ đi rồi, Nguyệt vào sư phạm và ra dạy học. Anh xong trung học, tiếp tục học Dược, phất phơ rồi phải nhập ngũ. Sau đó anh được đi tu nghiệp ở Fort Benning, Hoa kỳ. Lúc trở về, làm cán bộ quân trường. Có độ nổi máu anh hùng, anh xin đi tác chiến. Một thời gian sau bị thương, anh được trở về quân trường làm cán bộ như hiện trạng. Đời anh chữ danh không có, nhưng chữ tình lại nên. Anh và Nguyệt sống với nhau rất đầm ấm.
Tính quay sang, vấn Mỹ:
- Ngày xưa em và Nguyệt đồng sắc; Nguyệt đoan trang, em ủy mị. Nay, Nguyệt ủy mị, em đoan trang. Phép lạ nào đã đưa em thành nội hiền thê, ngoại thương tướng vậy Mỹ?
Mỹ tựa vai Tân, cười cười rồi phát biểu:
- Chỉ có cha con nhà này mới tẩy cục lười, cái ngáo của em mà thôi! Thương chồng, con thì trở lực nào em cũng vượt thoát.
Ngày xưa em đứng bến rau cải; kiện tướng ngân hàng; tài muội thương cảng. Lúc vào là trò, lúc ra là sư. Nghề dạy nghề nên phận. Phận luyện phận nên danh. Danh dưỡng danh nên nghiệp. Em bỏ nghề hàng bông vì viễn ảnh chồng em sẽ tòng quân. Em lìa ngân hàng vì phận cừu non bị sói già giăng bẫy đến ôm lấy hàm oan.
Ngân hàng này thoát thai từ một cơ sở bị khánh tận, được quản trị bởi một cơ quan tín dụng bán công. Sau đó nó được chuyển sang cho một lão thương gia có vốn, dốt dịch vụ ngân hàng nhưng đầy tráo trở chốn thương trường. Sau thời gian chấn chỉnh nội bộ, lão chịu khó học hỏi, lắng nghe chuyên viên, đánh hơi thương nghiệp kịp thời, kịp lúc. Nhờ đấy, em rộng đường thi thố tài năng thiên bẩm, em nâng cao khối tín dụng trong thời gian kỷ lục. Thành công về tiền tài, lão nuôi tham vọng làm chính trị. Tuy nhiên, trình độ kiến thức về kinh, chính kém, lão bị các tay phù thủy khoa bảng giáng cho nhiều đòn chí tử. Thương vụ của ngân hàng bị ảnh hưởng lây. Lão bực dọc, tay chân là đám chuyên viên chỉ biết xiểm nịnh, vẽ chuyện để lấy lòng chủ. Chiến dịch ô mỵ lẫn nhau khởi động. Em là mũi dùi chịu nặng nhứt. Họ muốn bứng em ra khỏi nơi mà họ ngỡ là béo bổ.
Hậu quả, em bị cho ngưng việc, không vì lỗi kỹ thuật mà bị dàn dựng những chuyện tình cảm không đâu. Chồng em vốn là cựu nhân viên, anh ấy hiểu rằng đấy là trò cả vú lấp miệng em, là chiêu bài thầy chùa ăn bắt thầy pháp chịu. Chàng khuyên em đừng tiếc nuối cái xã hội hỗn tạp đó. Nhưng tầm tay của lão chủ đã giăng khắp nơi, em đến đâu cũng được từ chối khéo. Cuối cùng có ông Tiến sĩ Tổng giám đốc một ngân hàng bạn, biết rõ khả năng của em, đã nồng hậu tiếp đón em. Trong thời gian ngắn ông ấy chỉ vẽ cho em lắm phương thức có tính giáo khoa căn bản, cộng với khả năng của em, thầy trò em đã đưa ngân hàng lên hữu hạng.
Em biết mình có tài kinh doanh. Em rời nghề ngân hàng, xin các định chế tài chánh bạn giúp vốn để lập công ty nhập cảng mười tám ngành. Vào nghề, tuy tiến chậm nhưng học, học lắm kinh nghiệm. Em thông suốt lần cơ chế thương trường, biết cách quân bình cơ chế cung cầu kinh, tài; thẩm định chính xác hóa giá sản phẩm, điều động nhân lực, tài lực sao cho thuận lợi nhất. Vậy, bây giờ em xin hỏi ý kiến chồng em và anh, em có nên đi sâu vào tự do kinh doanh hay không?
Tính sốt sắng:
- Lãnh vực chuyên môn, anh mù! Chuyện ân oán giang hồ, anh yểm!
Tân trách yêu:
- Thời gian qua, anh phấn đấu để đạt thân danh. Thiếu nó, hoạn họa xảy đến cho gia đình, mình trở nên bất lực.
Em quá thương chồng con, em bị hà hiếp mà vẫn cam tâm. Ở đời, dù mình thấp cổ bé miệng, kẻ có thế xấn tới, mình chỉ lùi một bước để tỏ hiếu tình. Nếu họ làm già, lấn thêm bước nữa thì mình có chết cũng xả thân cưỡng lại. Nếu không, họ cũng dồn ta đến bước đường cùng. Đường nào cũng tới La Mã cả!
Mỹ bào chữa:
- Anh bận bịu với quân trường. Em là đàn bà lại ở thế tự do, chỉ trời hại mới chết thôi. Em cũng chẳng phải là kẻ u mê. Em không muốn anh khổ tâm!
Mỹ giải bày tâm can, để gây tin tưởng cho chồng:
- Trong thời gian thực hiện nghiệp vụ thương mãi, em nhận thấy thị trường lúa gạo đang ăn khách. Sự bột phát xuất cảng của loại sản phẩm này, gây ảnh hưởng dây chuyền đến sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu và phụ phẩm. Doanh nhân đang đổ xô khai thác để làm giàu. Em thiết tưởng mình nên chen chân vào đấy. Chàng nghĩ sao?
Tân nhìn vợ cảm thương, chàng trình bày những bất trắc:
- Người Hoa có tình đoàn kết nên không ngại vốn. Người Việt đang kinh doanh địa hạt này là kẻ có thế.
Thế và vốn trong xuất cảng gạo, nhập trợ phẩm canh tác, ta có thể ví như năng lực trong việc phóng phi thuyền lên không gian. Tiên khởi, phi thuyền cần lực đẩy cực mạnh của hỏa tiễn để đưa nó vào không gian xa tít. Khi hỏa tiễn đưa được phi thuyền lọt vào quĩ đạo, phi thuyền sẽ tự xoay mãi quanh địa cầu, không cần sức đẩy tiên khởi nữa. Nghiệp vụ tương quan giữa lúa gạo và trợ phẩm cũng thế! Các tiến trình được phân tích chi li như sau:
Lúa sinh lợi do di truyền. Trợ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu sinh lợi do hóa họp, tạo nên dưỡng sinh cho cây lúa. Nông dân sinh lợi do công sức. Doanh nhân sinh lợi do mưu kinh tài.
Lúa, phụ phẩm là yếu tố sinh lợi. Nông dân, doanh gia là tác nhân sinh lợi. Các nguồn lợi thể hiện bằng hiện vật, hiện kim.
Một hạt lúa, qua ngày mùa sẽ sinh trăm hạt lúa mới. Hạt lúa mới là sự thặng dư, là mối lợi do di truyền. Nông dân canh tác, ngày mùa là lợi do công sức. Công sức có sẵn, nhưng muốn có giống để tăng sản lượng, có phân để tăng thu hoạch, có thuốc trừ sâu và các phụ phẩm để dưỡng cây, thì nông dân phải nhờ đến doanh gia giúp vốn. Muốn có vốn để yểm trợ tổng thể trong sản xuất, doanh gia phải vay các định chế tài chánh. Doanh gia và định chế tài chánh sinh lợi nhờ hiện kim. Hiện kim muốn có phải xuất cảng lúa gạo, lúa gạo muốn có phải cậy đến nông dân.
Chu trình đó, cái lợi được ban bố đều giữa nông dân, doanh gia và các định chế tài chánh. Chỉ có định chế tài chánh mới làm việc hữu hiệu trong việc sinh lợi khởi đầu. Sau khi doanh gia và nông dân gặt hái và tích tụ mối lợi, sẽ có lúc không cần sự yểm trợ tài chánh của các định chế nữa. Nghiệp vụ thương mại về lúa gạo, phân bón, thuốc trừ sâu và phụ phẩm, từ đó sẽ luân chuyển đều đặn, số thặng dư tài lợi ngày một chất chồng.
Nhìn vào thị trường này, ta thấy đa số do người Hoa điều động, lý do chính là sự đoàn kết của họ trong sự huy động vốn tiên khởi để ứng trước cho nông dân làm mùa. Từ đó họ gây áp lực bội thu với nông dân. Em có thực lực để kinh doang chăng? Mộng ước của em mong manh quá!
Mỹ mỉm cười tự tin. Nàng phân trần:
- Tập thể người Hoa nhờ đoàn kết. Một số người Việt nhờ thế lực. Sự đoàn kết giữa một thiểu số người giàu, thế lực của một số người có máu mặt, sự huy động vốn nhờ đấy mà nên. Cái nên ấy cũng chỉ có chừng mực. Cái nên ấy do ngoại nhân giúp đỡ, sao bằng cái thế của người xuất thân từ hiệp hội ngân hàng mà ra. Đường đi nước bước của định chế ngân hàng, em đã từng dùng ngân hàng mẹ đẻ ra ngân hàng con; ngân hàng con nuôi tròn các xí nghiệp. Em đã hi sinh nghề dạy cao quý, em đã khổ nhọc với nghiệp vụ ngân hàng để đổi lấy duyên tri kỷ giữa em và cơ chế tài chánh, thì em sẽ được Hiệp Hội Ngân Hàng làm đầu tàu đưa em vượt trội các người giàu, kẻ có thế lực. Người và nghiệp vụ thông hoạt với nhau, mộng ước của em đâu đến đổi mong manh như chàng nghĩ!
Tính nóng lòng giục:
- Sự ứng vốn và hoàn trái ra sao?
Mỹ thú thực mọi dự tính:
- Trước khi hỏi ý kiến chồng em và anh để xin lấy quyết định, dự án kinh doanh của em đã được ngân hàng bạn thông quá rồi! Họ đã căn cứ sự thành công và sự sòng phẳng của em trong thời gian em hoạt động nhập cảng mười tám ngành, để ký thỏa ước. Công việc chỉ là đại tượng hóa phương thức vi phân mà thôi. Sản lượng nhập cảng tuy dưới danh nghĩa của siêu đại công ty, nhưng sở hữu chủ thực sự là ngân hàng ứng vốn. Khi em ký hợp đồng mua bán với khách hàng, ngân khoản em đem giao nộp cho ngân hàng ứng vốn, lượng sản phẩm tương ứng sẽ được tháo khoán. Hóa giá để tính mọi bội thu linh tinh, trong có lãi suất ngân hàng và những mối lợi của em.
Vốn của một ngân hàng đã to, huống chi là Hiệp Hội. Vốn lớn, nhập cảng nhiều, vốn tích lũy sẽ to. Đến một lúc nào đó, em sẽ đủ sức tự tài trợ lấy nghiệp vụ một cách riêng rẽ mà thôi!
Tân vuốt mái tóc vợ, ôn tồn:
- Ngày xưa khi anh thấy em xuất hiện chung cùng bè bạn, em là người con gái có tính hiền thục nhứt trong đám người nữ vô cùng tinh nghịch. Trải qua bao thăng trầm, em thành thân thật nhanh, tài phát triển cực lẹ, những giọt nước mắt trong âm thầm cũng thoáng qua mau. Chuỗi ngày gian khổ anh đã rõ, anh chẳng lấy làm vui cho lắm khi biết em cả quyết khuếch trương doanh nghiệp. Càng cao danh vọng, càng nhiều gian lao! Hiểu thế, nhưng phận lính hèn chỉ biết thương và lo mà thôi!
Mỹ rơm rớm nước mắt, dùng lời trấn an:
- Em không còn quá tin người như thuở xưa. Lần kinh doanh này, em dự định bảo Phụng làm đại lý miền Tây, Phượng làm đại lý miền Đông, chị Nguyệt bỏ dạy học, về phụ điều hành tại trung ương. Tất cả đều là người nhà, việc bảo mật khá vẹn toàn. Xác suất thành công nhiều hơn.
Tính thắc mắc:
- Tại sao phải bảo mật?
Mỹ giải thích:
- Dịch vụ xuất nhập cảng, nhất là lúa gạo, phân bón và sản phẩm phụ thuộc, cũng có sách lược về thị hiếu của giới tiêu thụ, bản chất hóa phẩm, định lượng, định giá cung cầu. Thăng trầm là do mình tính vụng hay khéo, kín hay hở! Sau này, khi va chạm thực tế, các anh sẽ rõ hơn.
Hết giờ thăm nuôi, Tân từ giã gia đình để đi trở về trại.
Từ đấy, giấc mộng trở thành đại phú mãi ám ảnh vợ chồng Tân. Tuần nào Mỹ cũng lên để cho biết diễn tiến và hỏi ý kiến của chồng. Tân ngẫm, thuyết tài mệnh tương đố mà Nguyễn Du thêu hoa dệt gấm trong truyện Kiều, nếu đem so sánh với trường hợp của gia đình Tân, hãy còn kém một bậc. Mỹ đẹp và giỏi nhưng gặp toàn ngang trái, gia trọng thêm ông chồng đã kém, lại thất thời. Hắn có muốn giúp nàng, sự việc cũng quá tầm tay. Càng nghĩ, Tân càng rối dạ. Những đêm thực tập di hành lạc hướng, những ngày chấm địa hình mò mẫm, khiến Tân liên tưởng đến Mỹ cũng đang lạc hướng và mò mẫm trong thương trường.
Mấy lần thăm nuôi gần đây, Mỹ cho biết nàng đã gọi cổ đông. Trong lúc chờ đợi thì ngân hàng ân nhân đã giới thiệu cho nàng lão cự phú quê ở Cái Vồn. Uy thế đâu chẳng thấy, chỉ thấy lão cứ mãi bòn rút lợi tức của công ty, với lý do tạo địa bàn tiêu thụ cho công ty, nhưng thực ra là gây thế chính trị cho cá nhân lão!
Kho hàng tại bến Phạm Thế Hiển cũng bị chủ kho và đàn em làm chuột, họ xé rách bao bì, gây hao hụt khi chuyển vận. Họ gom phân rơi rớt đem bán cho mấy người trồng rau cải quanh vùng. Những lúc hàng về dồn dập, chủ kho vặn vẹo đủ cách để đòi tăng giá mướn kho.
Các thuộc hạ sinh phe đảng, toa rập đem hóa đơn ra mại tại chợ Le Fèvre để sinh lợi tư.
Tại cảng, thủ hạ bắt tay với nhà bốc xếp để vô bao bì không đủ lượng, bán mật tin về phẩm chất của hàng hóa cho các siêu đại khác, xúi giục tổ viên của siêu đại nhà không lãnh quota.
Tân nghe cả, chỉ ghi nhận, thầm lặng đặt kế hoạch, bởi ngày chọn ngành kề cận.
Hôm ngày học Đại Đội Lui Binh, là bài học chiến thuật cuối cùng. Khi về trại an nghỉ, Tân nằm, tay gối đầu giường, toan tính đến ngày sắp ra đơn vị, thì Sanh, thằng bạn nằm tầng dưới, khẽ bảo:
- Ê Tân! Tao nghĩ có điềm gở khi học bài Đại Đội Lui Binh.
Tân đáp vừa đủ cho hai đứa nghe:
- Cóc chịu mở miệng thì trời cũng phải gầm! Mày định xỏ xiên chuyện gì đây?
Sanh phàn nàn:
- Mày cũng thường câm như tao, sao chơi nhau đau thế?
Tân đấu dịu:
- Tao khác, mày khác. Gia đình tao đang rối, còn mày là công tử ăn chơi mà lỵ!
Sanh bày tỏ nỗi lòng:
- À thì ra thế! Tao khinh mấy thằng lóc chóc hay làm sư tàng trong Đại Đội nên tao lánh. Mày thì khác!
Tân ra mặt kẻ cả:
- Tao nghĩ mày nên đổi thái độ. Bây giờ mình là lính, một giai tầng hi sinh nhiều, hưởng thụ ít, bất trắc lắm, sự lành thưa; không nên ăn đầu sóng, nói ngọn gió như ngày còn dân sự. Mày không hòa đồng, khi ra đơn vị, trên không thương, dưới không thân, thì khó sống!
Thôi! Mày đầu cũng chứa năm bảy thứ sạn, nói năng chi cũng thừa! Hãy trở lại vấn đề đang bàn dở!
Sanh giãi bày cảm tưởng:
- Lần này mình học lui binh, trong lúc Đồng Minh rút quân từng phần, ta e bại chiến!
Tân biện bạch dài dòng:
- Tao thì lạc quan hơn. Đồng minh rút quân, chứng tỏ ta đã chiến đấu hữu hiệu trên chiến trường. Mày hãy nhớ lại biến cố Mậu Thân. Việt cộng dùng đòn này để thử sức chiến đấu của quân ta. Chúng đã đại bại, nếu đồng minh chịu yểm trợ ta xua quân vào tận sào huyệt của chúng, thì cờ vàng đã bay phấp phới tại Hà Nội. Mỹ lơ là để ta chiến đấu đơn độc trong lúc ấy là để thử sự lớn mạnh của quân lực mình. Ta đã làm ngạc nhiên cả Cộng và Đồng minh nên hiện tượng rút quân từng phần là nhằm thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh. Tao chỉ lo ngại một điều, chỉ sợ chính quyền và giới truyền thông của Mỹ không khai thác sự chiến thắng trong Mậu Thân của ta mà để phe phản chiến bảo là Việt cộng đồng nổi dậy khắp miền Nam để giục nhân dân Mỹ trói tay chính quyền. Ta chiến đấu hay mà thiếu quân dụng, trong khi Nga Tàu viện trợ tận lực cho đàn em của chúng thì trời cứu! Vì vậy, phải quyết tâm fight not for pride, but for our safety mới được!
Sanh kê nhẹ:
- Nói hay nhưng đầu quân chậm là tại sao vậy?
Tân phì cười, đỡ đòn:
- Xã hội gồm kẻ võ giỏi thì cũng cần có người văn hay. Quân đội gồm người hùng thì cũng có đứa hèn; hùng cả thì chỉ có tướng, làm sao có quân! Lá gan của tao là gan gà! Đùa đấy! Đang học ngon trớn, được hoãn dịch vì lý do học vấn, nay lệnh tổng động viên thì cũng đầu quân cho phải đạo. Giặc tới nhà đàn bà phải đánh. Dù gan gà cũng phải nở to như gan bò cho đỡ hổ mặt.
Còn chú mày, sao đợi đến râu dài, sắp chống gậy mới chịu mặc treillis?
Sanh giọng rầu rầu:
- Tao còn hèn hơn mày một bậc. Cha tao giàu xụ, vợ tao là tài muội trong ngành phân bón và thuốc trừ sâu. Tao lại được hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Ông già vừa qua đời, nên tao phải thi hành nghĩa vụ quân sự!
Tân trêu:
- Thì ra công tử đem tâm sự trút vào tai tôi vì mất đi thú du dương mí vợ và tiêu ma những ngày quăng tiền ra cửa sổ?
Sanh được dịp khoe giàu, khoe sang:
- Ông bố giàu nứt đố đổ vách mà tao chẳng động một xu. Vợ chồng tao chỉ tung một vài chưởng mọn thì tiền cũng vào như nước. Thế thì ngu gì không bar rượu, gái ghiếc?
Tính tao thực tế, không đạo đức giả. Những ai cho rằng thích nằm gai nếm mật vì yêu nước. Những ai ăn củ mì, lậm sốt rét bảo rằng giải phóng Miền Nam vì thương dân Nam đang đói khổ. Các đấng anh hùng này, tao cần nhờ Diêm Vương thẩm tra tâm địa. Riêng tao, tao cắn răng chiến đấu vì nghĩa vụ thế thôi. Tao đánh giặc để sinh tồn chứ không muốn làm anh hùng. Tội thì nhận, công thì ngực đây, cứ gắn huy chương!
Tân phản đối:
- Mày thẩm định quá tuyệt đối đến sai lệch! Quả thực, những người có lòng, đứng trước mọi bất công, mọi trái đạo lý, nghĩa tha nhân khiến họ hành hiệp với cả tấc lòng. Nếu không có những người này, trật tự xã hội bị đảo lộn! Ngược lại, những kẻ nặng tình riêng, đa số, tao chỉ nói đa số thôi nhé, họ thi hành nhiệm vụ một cách miễn cưỡng.
Riêng trường hợp của mày, tao đặt giả sử, ngày nào đó, mày bồng súng đối địch, lúc ấy mày nghĩ gì?
Sanh cao giọng. Tân ngăn. Hắn hạ giọng:
- Còn phải hỏi! Tao vốn ăn chơi, lười học, tao chỉ đỗ tú một, chẳng chuyên môn gì cả, việc ra đơn vị tác chiến là cái cẳng rồi! Tao lại to xác, dễ lãnh đạn. Trước sự chết, phải tính chứ mậy! Tao chọn lính dù. Thế mà thọ! Việt cộng nghe đến mũ đỏ là rét. Ra trận, binh chủng này khôn khéo, tùy thế, đều xung phong chứ không núp ló để Vẹm rỗi tay nhả đạn. Hơn nữa, Mũ Đỏ đến đâu, Vẹm chém vè đến đó.
Những ngày sống trong quân trường, Tân rõ thằng nhà giàu này ương ngạnh thực sự, nói là làm. Chàng lại nghe hắn xưng sành sõi trong nghề mà Mỹ, vợ chàng đang chập choạng trong vũng lầy, nên gợi ý để học hỏi:
- Ê Sanh! Vợ chồng mày làm thế nào để hốt bạc dễ dàng vậy?
Sanh lại được gãi trúng chỗ ngứa nên thao thao bất tuyệt:
- Của cải trời cho chung thiên hạ, thằng nào chịu khó suy cùng nghĩ cạn thì thò tay nhặt làm của riêng. Vợ tao tinh ma nên ả thành tài muội trong nghề một cách chớp nhoáng. Nhưng trời không để cho hùm có vây. Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị, ả đang đương đầu với một bà tên Mỹ, nguyên dân nhập cảng mười tám ngành, thấy ngành nghề của gia đình tao đắc lợi nên bà ấy vừa khai sinh siêu đại gì đó, tao đã quên tên, chỉ nhớ marque déposée Bồ Câu Bông Lúa. Bà ấy rất trẻ đẹp, ăn nói khéo, tính toán hay nên con vợ của tao đâm mê, xưng em gọi chị ngọt xớt. Đối với người nữ khác, mụ xài sang bằng mày tao, mi tớ cả. Tao hỏi căn tại sao. Vợ tao mô tả, bà ta thông minh, xông xáo, tính xác suất rất tài, quyết định đúng lúc, đúng việc. Những mánh mung của gia đình tao bả đã đi guốc trong bụng nhưng tế nhị bằng cách lèo lái để đoạt lợi mà không mất lòng.
Tân chận lại:
- Vợ chồng mày mãi ca ngợi người bằng từ, tao chỉ muốn được đơn cử bằng việc.
- Trong dịch vụ phân bón, vợ tao tuy trẻ nhưng thành công đến giới nhà nghề phong cho tước nữ hoàng phân bón, nàng hành động không khác một tài muội, bao sân tất cả kho phân tại Phạm Thế Hiển, nàng có tài làm chuột, thay hình đổi dạng các bao bì... Từ ngày bà Mỹ xuất thế, lượng nhập cảng của bà vượt hơn các siêu đại khác, cái lạ là phẩm tồn kho của bà đều cực tốt, đúng thị hiếu của giới tiêu thụ, nên đó là dịp để vợ chồng tao thao túng, thu lợi bất chánh trên nghiệp vụ của bà ta.
Tân lại thắc mắc:
- Mày trình bày cái lạ của hóa phẩm, thị hiếu của giới tiêu thụ. Cái lạ và thị hiếu đó ra sao?
Sanh lập lại sự kiện:
- Mỹ thành công vì đã nghiên cứu đúng thị hiếu của giới tiêu thụ, nhất là nông dân. Bao bì phải có màu cờ và đôi bàn tay xiết chặt tình giao hảo giữa Việt Mỹ, nghĩa là hàng viện trợ made in USA trăm phần trăm. Loại bao bì này khiến lượng bán nhanh và giá cao vô địch. Đó là nói về sự lợi hại của bao bì. Nhưng yếu tố quyết định là phẩm chất và màu sắc của loại phân. Phân DAP, thường được nông dân gọi là phân tiêu, bởi dáng sắc nó như hạt tiêu. Loại này muốn được giá phải màu đen huyền, nếu xam xám là hỏng. Phân KCL, tức Chlorure de Potassium, thường được nông dân gọi là phân ba màu, màu sắc phải cực rực rỡ, nếu lu lu mờ mờ cũng hỏng. Phân urée phải trắng tinh, nếu ngả màu vàng, xám thì hỏng nốt!
Những người hiểu biết về hóa chất đều bảo, đa số sự ngả màu không ảnh hưởng đến tác dụng tăng trưởng của thảo mộc vì thành phần nguyên tử trong phản ứng hóa học tạo nên phân tử của mỗi loại phân không thay đổi.