Chương VI

     hi xong, Vương An Thạch đem câu xuất của giám quan để họa câu xướng của viên ngoại họ Mã. Ngày hôn lễ cử hành cũng là ngày Vương An Thạch được tin đỗ thủ khoa tiến sĩ. Đấy là song hỉ.
Ai bảo cuộc đời không có lập trùng phúc đức? Con nên lạc quan một chút, Tân ạ!
Tân cúi đầu lắng nghe. Cụ Chánh nghiêm nghị đặt vấn đề:
- Ở đời cũng có lắm người bảo “chính tôi, tôi cũng chẳng hiểu tôi”, ấy là câu nói yếm thế mà thôi. Thực ra, không ai hiểu mình bằng mình.
Để đánh giá con, cha muốn nâng cao trình độ hiểu biết của con, cha xin hỏi, đức tính nổi bật của con là gì?
Tân nhìn cha, ngần ngại đáp:
- Con thương con, con yêu người. Con tin con, con tin người. Con tin có thế giới siêu hình, đó có phải là duy tâm không?
Cụ Chánh gật gù:
- Cha không là hiền triết, cha không là nhà thần học. Cha chỉ lấy túi khôn của người đời đã sống để giúp con có cái nhìn tương đối chín chắn cho tương lai của con.
Trước khi đề cập tiêu đề này, cha muốn biết những điều sau đây:
Hãy giải thích lý do đầu bù tóc rối? Vì sao thoang thoảng mùi bẩn? Lẽ nào sầu não tâm tư?
Tân dài dòng trả lời:
- Vì duy tâm nên con tin có sự liên hệ giữa người, cảnh và tạo hóa. Thiên, địa, nhân hòa hợp thành hiện trạng sinh động, đa năng, đa hiệu, từ tiên khởi cho đến hậu chung.
Con rất sợ uy của thế giới vô hình. Trong ấy cũng đầy đủ thiện, ác như thế giới hữu hình của chúng ta. Phàm nhân thì con có thể biết người, biết ta để đối phó. Xác suất vượt trội có thể đạt. Nhưng với lực siêu hình, ta bất tri, bất thức, ta đành bó tay làm nạn nhân, nếu họ có ác cảm cùng ta. Khổng Minh xưa đã từng xõa tóc bày hương án, nói chuyện với các vì sao, thì chuyện con tin hồn hoang vất vưởng không phải là vô căn. Người xưa đã bày lễ, nhạc, cúng tế không phải là điều ngẫu nhiên mà là ngẫu duyên giữa hai thế giới hữu và vô hình.
Con đã tin thì sinh nể, từ nể khiến sợ, từ sợ cố lánh, đã lánh. Trong đêm đen đi trẩy hội, con đã gặp lửa đỏ xuất hiện đọt dương cao, tiếp theo tiếng cú là bóng trắng đuổi theo. Con tháo chạy đến cây gáo, nơi có thời truyền miệng quỷ lộng vườn hoang, con bị phục kích đến lâm nạn bất tỉnh nhân sự. Tác nhân của trò chơi là Tính, Nguyệt. Kẻ phá trò chơi vì tranh gái gồm có con cái của quan chức hội tề, trong đó có Hổ, Côn. Do đó con là người thọ nhận mùi hương hoa lài, mùi khai ammoniac, lâm cảnh đầu bù tóc rối, mà cha đã thấy và đặt nghi vấn.
Còn chuyện “anh về để áo lại đây”, con vướng cảnh “ba đồng một mớ trầu cay, sao anh chẳng nói những ngày còn không”.
Sau tai nạn, Mỹ đến với con. Chúng con được hưởng một đêm xem hát đầy hoa mộng. Nhưng tình lỡ trăm năm do hủ tục đính ước hôn nhân.
Thật vậy, đến bây giờ Mỹ vẫn còn quan niệm possession vaut titre. Thoạt tiên, con may mắn giữ nửa mảnh ngọc nhật lưu, Mỹ giữ nửa mảnh ngọc nguyệt tình. Căn cứ ngọc, cô yêu mù về con!
Đến khi mất ngọc bởi kẻ gian cướp. Vì chưa rõ tác nhân, nên Mỹ và con rơi vào một cuộc tranh luận.
Nếu ngọc mất thì nghĩa vợ chồng căn cứ vào đâu để ràng buộc nhau?
Đến đây Mỹ đã tỉnh ngộ, cô luận: Nếu ngọc mất, ta nên căn cứ vào chân tình của phối ngẫu. Nhưng nếu một trong hai lâm cảnh bị sét ái tình hoặc họ là ngoại nhân, lợi dụng thời cơ để chiếm hữu người yêu của kẻ khác, mà ta chưa khám phá được, hậu vận sẽ có vấn đề. Chi bằng nên yêu lấy hương, lấy hoa mà thôi!
Cuộc vui do đấy kém nồng. Tiếp theo vị hôn phu do gia phả của Mỹ xuất hiện. Con được hưởng coup de grâce là nụ hôn giã từ trong câm lặng!
Thưa cha! Đêm nay thuyền tình của con đã bị chàng Điệp bứt lèo, nàng Mỹ bẻ lái mất rồi! Con đã để áo, kẻ lâm cảnh gió tây lạnh lùng là con chứ không phải Mỹ!
Cụ Chánh nhìn lên trần nhà để che giấu cơn xúc động. Cụ biết, trả Tân về với tự do, cậu sẽ không bao giờ ngủ được trong đêm nay. Cụ cố kéo dài sự trống vắng trong lòng con, bằng hằng hà văn sử:
- Con đã nhận mình là người của trường phái duy tâm. Duy tâm liên hệ đến đạo và đời. Sống đạo cần phân biệt giữa tín ngưỡng và dị đoan; giữa sáng đạo và cuồng tín. Kẻ duy tâm lấy nhân bản làm gốc, lấy đạo làm nền, lấy tình làm hồn.
Đời là môi trường đem thực thi đạo làm người. Yêu cuồng, mê muội, tin bừa, khác nào con tàu đang trên đà sẩy lối. Bội ước tình yêu, lừa đảo bằng hữu, vong ân quân sư phụ, bán rẻ quê hương, chấp nhận vô thần là thứ tâm tình của ma quỷ.
Tâm tình của con hôm nay bị rơi vào hai trong vô số hệ luận, xuất phát từ nguyên ủy trên. Đó là tín ngưỡng và tình yêu.
Trong tín ngưỡng, con tin có thượng đế, đấy là an vi. Nhưng cơ khổ, hỏa mù của dị đoan đã khuấy động đức tin cao trọng của con mất rồi!
Trong tình yêu, con dâng cả ân tình cho đối tượng, nén nhục dục, lấy hương hoa đãi nhau, đó là đưa thương cảm lên cung thánh thiện. Như thế vẫn chưa đủ. Lương duyên cần chứa chân thành. Vì quá yêu, con trá ngọc để lưu tình, đáng lý con được, lại mất. Ngọc không có giá trị bằng lòng lành. Không có possession vaut titre ở thời đại này. Khi yêu xích xiềng cũng vô nghĩa, nhưng mảnh ngọc vô tri được đặt trên nền tảng duy tâm, đó là chữ tín. Con là người duy tâm mà đánh mất chữ tín trong tình yêu nên tình đã vỗ cánh bay đi! Hãy rendez à César ce qui appartient à César!
Tuy nhiên, sau khi con nhận sự bẽ bàng, thiết tưởng không gì bằng cha con mình nên ôn cố tri tân.
Về tín ngưỡng, đạo giúp người an nội, tha nhân, ái quốc. Dị đoan bắt nguồn từ suy tưởng viển vông, cứu cánh vị kỷ, khiến thứ dân tán gia, vong mạng, vua chúa bại quốc, thân tàn. Cha sẽ minh chứng bằng đơn cử giai thoại về Trạng Quỳnh và Tuyên Vương.
Về tình yêu, người nữ là nửa hồn thương đau của kẻ mày râu; là xương cốt của trang nam tử, theo Thánh kinh; là cung đàn muôn điệu của thi, nhạc. Cha sẽ minh chứng sự đa dạng của tình duyên đôi lứa qua tính trắc nết trong truyện Văn Khương và Tề Tương Công; họa khuynh sắc trong truyện Bao Tự và U Vương; duyên cơ hội giữa Tức Vĩ và Sở Văn Vương; vợ chồng như y phục giữa Sái Thị và Ung Củ; giữ tiết giữa Ngụy Thị và Khổng Phủ Gia; lừa tình giữa Mị Châu và Trọng Thủy; vọng tình giữa Đỗ Thị và Bách Lý Hề.
Cụ Chánh châm chén trà cúc, vừa nhìn khói tỏa vừa luận chuyện đời:
- Bây giờ, cha khởi sự nói về quan niệm tận diệt dị đoan của Trạng Quỳnh.
Xưa nay thức giả nhìn quan Trạng qua tinh thần trào lộng, hành vi nghịch ngợm, nhưng cũng thán phục tinh thần giáo dục quần chúng rất khéo, ý chí bài phong đả thực vô cùng khôn ngoan và can đảm.
Bằng những dữ kiện ấy, ta có thể tuyên vị ông là nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà giáo dục đa năng, một chính trị gia cấp tiến.
J.J. Rousseau, Montesquieue, Voltaire là thủy tổ của cuộc cách mạng nhân bản năm 1789. Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu nối gót tạo ảnh hưởng cuộc Cách Mạng Tân Hợi năm 1911.
Trạng Quỳnh là người của thời Lê Hiến Tông (1497-1504) mà đã nặng tư tưởng trọng nhân, yêu dân, chối bỏ hủ tục, hủy diệt dị đoan, đề cao tự chủ, chống đối Bắc phương.
Làm một so sánh qua thời gian, qua hành động, mình bảo ông là nhà chính trị tiền phong, cấp tiến và can đảm, có lẽ không đến nỗi ngoa ngôn.
Lúc thiếu thời, chưa đỗ đạt, vô quyền để thực hiện các ý định đó, ông đã dụng trí khôn, mưu lược có hơi xách mé nhưng hậu quả đạt như nguyện. Do chủ trương chính lý, đắc lợi cho quần chúng nên dù kẻ khó tính đến đâu, tin nhảm thế mấy cũng đành ngậm tăm. Hơn nữa, thiếu hẳn cơ sở để buộc tội về hành vi khôn khéo của ông, họ dần dần thức tỉnh và sau cùng thấy đó là thích đáng và tin cẩn hoàn toàn.
Khi đỗ đạt, quan trạng đã thủ đắc sự học, trang bị cái suy để làm một cuộc cải tổ tư tưởng sâu rộng hơn trong quần chúng, diệt tận gốc mọi hủ tục, phá vỡ mọi âm mưu của các đối tượng lợi dụng sự u mê của dân để thủ lợi.
Theo huyền sử, cũng nói lên nhiều giai thoại rất khôn khéo làm các thức giả Bắc phương phải thán phục ông.
Đây là một trong những tiểu truyện mà ông đã bài xích dị đoan:
Dân làng, nơi ông Quỳnh ngụ, đồn Bà Chúa Liễu ở đền Sòng rất linh.
Tò mò, cậu đến viếng. Số tiền thiên hạ dâng trên án khá to khiến cậu động lòng, vội xuýt xoa:
- Độ rày tôi túng mà chúa lại thừa. Chúa gia ơn cho tôi vay để sinh lợi.
Nói đoạn, Quỳnh vịn quẻ âm, dương mà khấn:
- Nếu chúa thuận cho tôi vay một phần tư thì xin khiến hai đồng tiền nằm xấp; một phần ba, cùng nằm ngửa; một nửa thì nhất âm, nhất dương!
Dứt lời, Quỳnh gieo quẻ. Cậu chẳng đợi kết quả, vội vỗ tay reo:
- Tiền múa chúa cười! Chúa thương tôi nghèo nên cho vay cả. Xin cảm ơn!
Nói xong, cậu gom sạch tiền cúng của bá tánh.
Tân nghe đến đấy, cậu cười ha ha, bày tỏ cảm nghĩ:
- Ông Quỳnh khéo quá hở cha? Muốn lấy tiền của bá tánh xài chơi mà bảo là vay. Hễ vay thì phải trả. Nhưng chừng nào mới trả? Cả Chúa Liễu đến Quỳnh đều không đặt thời hạn. Chúa đã sơ hở thì chúa cam đành.
Quỳnh dụng quẻ âm, dương là phương thức dị đoan để giựt tiền của kẻ dị đoan. Tiền là núm ruột. Ruột đau con xót. Tin nhảm bắt đầu đưa vào ngờ vực và sẽ thức tỉnh đến chừa!
Cụ Chánh bàn rộng:
- Dân mình hiền hòa, chơn chất. Khi gặp biến, thường bối rối không tìm ra giải pháp, phải nhờ kẻ khác chỉ giáo hoặc chấp nhận rủi may. Từ đấy mới nảy sinh giới đồng bóng. Nếu được người sáng suốt khuyến cáo thì viện lý có kiêng có lành. Lòng thành là sức mạnh để vượt khốn khó. Khốn khó đã qua, tin tà đã giúp nên thần tượng lên ngôi; ngay cả hòn đá lăn lóc góc miếu cũng tôn thành thần.
Cụ Chánh vấn điếu thuốc rê, tiếp tục câu chuyện đang dở dang:
- Màn vay tiền đã làm uy của Chúa Liễu suy giảm. Quỳnh trở lại đền Sòng để cầu khoa cử đạt thành, với lời khấn dâng quà đáp lễ.
Tân nhóng ý cha:
- Quỳnh muốn sinh sự nữa hở cha? Theo chỗ con biết, ông ấy hay chữ mà lại thông minh đĩnh ngộ. Đường khoa cử rộng thênh thang ấy mà! Cần gì cầu khoa?
Cụ Chánh chỉ cười mỉm, đoạn tiếp nối:
- Quỳnh thi đỗ khoa ấy. Để tạ ơn, cậu dắt bò mẹ lẫn bò con nhập đền. Cậu cột bò mẹ vào chân ngai của bà Chúa. Cậu khấn trả lễ, xong dắt bò con ra về. Bà mẹ lồng lên, chạy theo con, gây sụp đổ đền Sòng.
Tân nổi hứng, cậu cao giọng:
- Biết lắm mà! Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ! Muốn diệt dị đoan cho tận gốc, cậu Quỳnh phải phá vỡ sào huyệt của Chúa Liễu.
Cụ Chánh thấy con bớt sầu muộn, đã phản tỉnh, cụ vui miệng khai triển thêm:
- Đấy là việc của Quỳnh còn thiếu thời nên có hơi xách mé. Cậu phải dụng chước để tránh né cường độ phản kháng của thành phần cực đoan trong quần chúng. Cậu đã rõ yếu tố thời gian là tiên dược để bàng nhân thức tỉnh.
Đến khi đỗ Trạng, quan ngài đường đường chính chính khai sáng thứ dân. Tuy đầy uy, lắm mưu, nhưng Trạng dùng phép dạy dân đơn giản theo trình độ hiểu biết của họ để họ dễ tiêu hóa vấn đề. Cụ can đảm hành hiệp để cho dân mục kích, từ thấy họ mới nhận, từ nhận mới tin, từ tin mới sửa: Nạn nhân giác ngộ, gian phạm bỏ nghề, tà thần thất sủng!
Để minh chứng quan niệm và thực nghiệm trên của Cống Quỳnh, ta đơn cử thí dụ điển hình sau đây.
Trong vùng của Cống ngụ, có một tượng đá lõa thể, không rõ xuất xứ, đang tác quái. Biết được, quan ngài đến tận nơi, mới nhận lẽ bất bình. Tượng được dựng giữa đường, miệng cười khiêu gợi, tay trỏ âm hộ, nhưng qua lời thiên hạ đồn, hễ ai phê phán điều chi, đều lãnh tai ương. Để khử tà, quan Trạng đề thơ lên tượng đá, mắng:
Khen ai đẽo đá, tạc nên mày,
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây?
Trên cổ, đếm đeo trăm chuỗi hạt,
Dưới chân, đứng tréo một đôi giày.
Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay là bốc gạo thử thanh thầy?
Có ngứa, gần đây nhiều gốc dứa,
Phô phang chi ở đám quân này!
Tương truyền, khi quan Trạng vừa đề xong cáo trạng, tượng đá xuất hạn, thôi linh ứng!
Tân khoái trá, ứng khẩu:
- Tập quán xứ mình khiêm cung. Đối nhân đa kính. Đối vật đa trọng. Kính nhân, trọng vật. Kính vua quan, thánh thần. Hòn đá gốc đa được tôn thần, thì tượng gợi dục nói trên được phong thánh là lẽ thường. Sợ quá sinh khiếp nhược đến tâm bệnh cũng là điều có thể giải thích.
Nhưng hiện tượng đổ mồ hôi, thiết nghĩ nên đặt lại vấn đề. Nếu thánh linh, khi bị sỉ nhục sẽ ra uy hại kẻ đã mắng mình; sẽ biết xấu hổ về sự trần truồng; thôi cười, giấu bàn tay thô bỉ, khiển động thân đá để nhặt lá che thân. Thế nhưng y tượng vẫn để cho quan Trạng tạo uy một cách an lành, miệng vẫn cười toe, tay vẫn làm trò gợi dục, thì làm gì có hiện tượng đổ mồ hôi? Đấy chẳng qua là ngẫu sự vật lý do khí nóng gặp đá lạnh mà thành.
Dân gian thấy vậy, huyễn hoặc hóa vấn đề?
Cụ Chánh lắc đầu, kiên nhẫn khuyên Tân:
- Hãy khoan bình luận. Ta nên thẩm xét thêm một hiện tượng huyền bí khác, đó là bùa chú và pháp ấn.
Phật giáo Đại Thừa và Yoga qui nạp Phật lực qua: Giáo, là tu theo kinh luật, tiêu biểu là phái Kriya Yoga; Lý, là tìm chân từ thiền định, như phái Raja Yoga; Hạnh, là giải thoát bằng hành trì, trong đó có pháp Bhakta Yoga; Quả, là thủ đắc do sự xác tín Thân, Khẩu, Ý của tín đồ, đại diện là phái Mantra Yoga.
Mantra Yoga là pháp môn mật nhiệm, sử dụng thần chú, tức Mantra và chân ngôn, tức Dharani bằng chữ Phạn.
Người trì tụng chỉ cần tin tưởng để âm thanh vi ba hướng dẫn đến tĩnh. Đó là phương pháp nhiếp tâm để đạt đến Đại Định, Tâm, Ngữ, Ý.
Thần chú cần được liên hợp với hình ảnh như luân xa, chữ vạn, linh phủ, tức khoán bùa, để tăng thêm quán tưởng hầu đạt đến Đại Định, tức Samadhi.
Hình ảnh, màu sắc, âm thanh được sắp xếp theo biểu tượng, tức logos nào đó, sẽ gây sức mạnh tinh thần, có khả năng tác động đến vạn vật theo ý muốn.
Theo Phật giáo Mật Tông, biểu tượng là pháp ấn, tức bắt ấn bằng tay; là linh phù, tức bùa, là cách xếp đặt đạo tràng tức Mandala. Còn chú tâm là thiền định, tức tam muội Samanda.
Cụ Chánh tập trung tư tưởng, chuyển đề:
- Sau phần qui cách, ta hãy xem qua phương lập trình và giải mã của bùa chú.
Về lập trình, linh phù là ký hiệu mật truyền có khả năng tác động đến môi trường chung quanh như gia trì, bảo vệ kẻ thọ nhận linh phù... Tuy nhiên mức hữu hiệu tùy đạo lực của người trì tụng và lòng thành khẩn của kẻ thọ nhận.
Hiệu lực của linh phù, cấp nhỏ dùng để trị bệnh, cấp trung để hộ mệnh, cấp đại tác động cầu mưa, trấn gió, hạ bão, dập lửa.
Ký hiệu của linh phù thiên hình vạn trạng. Sự chú tâm là yếu tố làm vận hành linh phù.
Về giải mã, trì tụng thần chú là phương tiện đạt đến giác ngộ.
Hiệu lực của thần chú đưa tâm thức, tức khai triển các luân xa trong cơ thể của kẻ trì tụng, hòa nhịp với vi ba của ngoại giới. Đó là giao thoa linh cảm.
Thần chú có thể điều khiển thân xác, khống chế cảm xúc, qua giao thoa linh cảm của nhau.
Thần chú là một mật niệm, không có ý nghĩa với ngoại nhân, nhưng nó là phương tiện tập trung tinh thần của hành giả để hòa nhịp với ý thức vũ trụ.
Cụ Chánh nhìn con như ngầm bảo, đã đến lúc ta có thể đàm luận. Cụ kết luận:
- Một vị linh mục đáng kính đã cho rằng, Phù Chú Giáo chủ trương làm thức tỉnh năng lực vũ trụ trong thâm tâm con người. Hoặc chiêm ngưỡng ngẫu tượng, mục đích để nhập vào thần tượng mình chiêm ngưỡng, trở nên chính vị thầy ấy!
Cụ Chánh nhìn lên không trung để cố nhớ câu thần chú siêu đẳng, cụ bảo cùng con:
- Đây là câu thần chú cao trọng nhất, làm kẻ trì tụng có thể ngang hàng với vị không thể ngang hàng: “Gaté, gaté, paragaté, parasamgaté, Boghi, Svaha!”
Nó có tác dụng đem lại lòng tự tin cho kẻ trì tụng.
Cụ Chánh tựa lưng vào thành ghế, hai tay xoa vào nhau, giọng cụ nghiêm túc:
- Ta đã nghe phái Bhakta Yoga thuyết giảng về pháp môn mật nhiệm. Họ đã đứng trên quan niệm siêu hình để giải thích các bí cung.
Nay, ta dùng tư duy của khoa học để giải mã một số ẩn sự, phối kiểm một vài khía cạnh của bí cung. Thật vậy, khoa học đã giúp thời đại chúng ta đạt mộng thăng thiên, độn thổ, độn thủy, đằng vân, giá võ, thiên lý nhãn, thiên lý nhĩ, kiếm quang, thiết chưởng... mà chỉ có các đại tiên, chư thánh trong Phong Thần và Tây Du mới có khả năng xuất chiêu.
Trong phép tạo hình, tạo lực, ta quan sát các tiến trình sau đây:
Tế bào tạo chi và phận. Chi, phận kết hợp sinh vật, thảo mộc...
Nguyên tử cấu tạo phân tử, phân tử tác hợp vật thể.
Tế bào và nguyên tử tác tạo, qua xúc tác, để gây nên các loại, hạng, thứ lớp trong vũ trụ, đó là thể.
Cơ sinh điện, điện sinh năng, năng tạo động tác.
Cảm sinh linh, linh sinh ứng nghiệm về nhận thức, xúc cảm.
Thể, cơ, cảm tạo vũ trụ sinh động quyền biến vô biên, vô tận như quái thể trăm đầu, chặt trước, sinh sau; diệt cũ, tạo mới và giữ trọn chu trình sinh, lão, bệnh, tử.
Sự tác tạo là do tác nhân hay ngẫu hợp do tác động. Lúc khởi nhận, một số có thể giải thích được phổ cập vào sinh hoạt của quần chúng, một số căn nguyên mà nhân loại chưa nắm vững, thông thường được qui trách vào chung với những hiện tượng kỳ bí mà khoa học chưa khám phá được. Sự kỳ bí đó, nhà khoa học luận chứng bằng thực nghiệm để dò tìm, nhà thần học dùng triết lý để khai triển, giới bình dân đem tâm tư để đối phó, kẻ cấp tiến lấy đạo và đời để xử, người lạc hậu lấy mê tín để xin an hoà!
Sau khi nhập đề lung khởi với thằng con thích nghe chuyện ma, thích bói toán và hay sợ vớ vẩn, cụ đơn cử một thí dụ về kẻ yếu bóng vía:
- Khi có một sự mất quân bình trong cân não, sự loạn mạch sẽ xảy ra, bệnh chứng sẽ kéo đến; nhẹ, vương ác mộng; nặng, phát điên cuồng.
Trong cơn kinh loạn, sợ người thì thấy dị nhân, sợ vật thì thấy dị thú, sợ cảnh thì thấy quái tượng.
Những ảo giác nào khó giải thích, người ta thường gán cho ngạ quỷ khuấy, linh thần quở.
Thuốc tiên đành bó tay trước tâm bịnh; kẻ dị đoan nhờ pháp sư trừ tà; người sáng cậy bác sĩ tâm thần trị bệnh. Pháp sư và bác sĩ tuy dùng phương tiện chữa trị khác nhau, nhưng cứu cánh vẫn là đưa con bệnh trở về sự an hòa trong tâm tưởng. Nhưng vô phúc, thầy pháp kém chiêu, bác sĩ non lý, con bệnh mê muội quá độ, dù bán hết gia sản, con bệnh sẽ mang chứng trầm kha và sa địa ngục!
Căn cứ vào những luận cứ trên và qua thí dụ vừa kể, hiện tượng đổ mồ hôi của tượng đá sau khi bị Trạng Quỳnh mắng, ta thấy hiện tượng giao thoa sóng vi ba của hành giả và ngoại vật là vấn đề khoa học. Cái uy và cơ năng của Trạng Quỳnh phát tiết, tác động vào masse moléculaire của tượng đá, giao thoa sóng sẽ tạo nhiệt năng, nhiệt và hành sinh nước đọng từ không khí. Điều cần nhớ, nhà khoa học đại tài Isaac Newton đã khám phá sự liên hệ giữa các thân thể do ba hằng số: lực hấp dẫn, lực hạt nhân và lực từ trường. Từ đó cho phép ta suy gẫm sự đối tác giữa Cống Quỳnh và tượng đá có một liên hệ cân xứng như thế nào đó về tâm và thể lực mới ngẫu sinh bí truyện trên!
Cụ Chánh đứng dậy, đến sập gụ pha tí trà ngon, nhìn tách trà nghi ngút khói, cụ tiếp:
- Như cha đã nói cùng Tân, tín ngưỡng giúp người an nội, tha nhân, ái quốc; dị đoan khiến thứ dân tán gia, thiệt mạng, vua chúa bại quốc, vong thân.
Thật vậy, đời nhà Chu, Tuyên Vương thân chinh ra Thái Nguyên, lo mộ quân chống loạn Khuyển Nhung, khi về đến Kiểu Kinh, ngài nghe trẻ hát đồng dao về họa cung tên; sau đó, Thái Sử Bá Dương Phụ phúc trình, đấy là lời thông truyền bởi Hỏa Tinh Huỳnh Hoặc, khuyên vua nên lánh chiến chinh và lưu ý đến hiện tượng âm thịnh, dương suy.
Vua đem chuyện tâm sự với Khương Hậu, ngài được cáo tri về cung nhân đã mang thai bốn mươi năm, vừa hạ sinh một bé gái vào đêm qua. Hài nhi đã bị thả xuống dòng thanh thủy vì Khương Hậu nghĩ đó là quái kiếp.
Vua cho vời mẹ của đứa trẻ, y thị trình tích:
- Dưới thời Hạ Kiệt, tại Bao Thành, hai thần xuất hiện và hóa rồng làm vương dãi khắp sân chầu; vua toan hạ sát, quan Thái Sử can ngăn, khuyên nên trữ linh khí vì đấy phúc thần ban.
Từ Hạ đến Ân, trải qua 644 năm, sang đến Chu được 300 năm, hòm son chứa dãi long thần bỗng phát quang, nội thị dâng truyền để vua thưởng lãm, vua lỡ tay đánh rơi, dãi rồng hóa con giải lẫn vào cung nội rồi biến mất. Tỳ nữ lúc ấy mới 12 tuổi, dẫm phải vết chân giải nên cấn thai, sau bốn mươi năm đã sinh nữ nhi mà lệnh Hoàng Hậu đã thả trôi!
Lời tiên cáo của Hỏa Tinh, hiện tượng quái nhi trong cung nội làm vua điên đảo; ngài truyền Đỗ Bá truy tông tích trẻ trôi sông; Tả Nho đốc thúc Tư Thị Quan nghiêm cấm sản xuất, mua bán cung tên.
Ngày hôm sau, Tư Thị Quan bắt được người đàn bà mang mấy cái túi đựng tên bằng cỏ Cơ, nhưng làm sẩy ông chồng mang cung bằng gỗ Yểm như thiên truyền. Nữ phạm bị xử trảm giữa chợ. Người chồng được chim muông chỉ điểm vớt được trẻ, trốn sang Bao Thành.
Sau ba năm bình yên, nhân ngày địa tế, Tuyên Vương ăn chay, túc trực tại Thái Miếu. Đêm khuya, từ mái Tây hiên, một nữ nhân xuất hiện, vua truyền đánh đuổi. Mỹ nữ cười, khóc ba tiếng rồi gom các thần chủ đem đi, vua vội đuổi theo, ngài tỉnh cơn mộng.
Bá Dương Phụ giải mộng, nữ họa cận kề: Vua trực nhớ đến trẻ trôi sông. Đỗ Bá bị tuyên án tử vì lơ là tìm trẻ bởi tin nữ họa cung tên đã tiễu trừ giữa chợ. Tả Nho vì bạn hết lời can gián, vua vẫn giết Đỗ Bá. Tả Nho tự tử chết theo.
Một hôm vào thu, vua đi săn về, bỗng thấy Đỗ Bá, Tả Nho hung hăng chắn lối. Vua giật mình chớp mắt, rồi chẳng thấy chi. Vua vấn cận vệ, ai cũng bảo không thấy chuyện gì.
Vua đang nghi hoặc thì cỗ xe của Đỗ Bá và Tả Nho đã xuất hiện trước mặt, ngài rút gươm toan chém. Đỗ Bá, Tả Nho nhiếc vua và giương cung xạ tiễn. Vua thét lên chết ngất. Các quan chẩn trị và đưa ngài hồi trào.
Tuyên Vương từ khi thấy âm hồn của Đỗ Bá và Tả Nho, cứ nhắm mắt là thấy bóng kẻ thù. Bệnh của vua ngày càng trở nặng; ngài truyền Thiệu Hổ và Doãn Cát Phủ để ký thác thái tử.
Khi trở ra, Thiệu Hổ bảo:
- Câu đồng dao xưa đã đoán họa cung tên. Nay vua trông thấy ma quỷ dùng cung tên hại mình, mạng tất nguy!
Bá Dương Phụ bảo:
- Tôi xem thiên văn thì thấy tai họa xảy ra cho cả nước, chứ chẳng cứ gì một mình vua!
Đêm hôm ấy Tuyên Vương băng hà.
Cụ Chánh nhìn Tân thấy cậu có vẻ mệt mỏi, cụ đứng dậy, kết luận:
- Con thấy đó, hoang tưởng do tâm mê muội. Vua đức mỏng sẽ thất thân, mất nước; dân tán mạng, gia vong!
Sau khi Tuyên Vương băng hà, U Vương mê Bao Tự làm Đông Chu mất dần vai trò đứng đầu liệt quốc!
Cá nhân con, nhìn hỏa châu của bọn trẻ tinh nghịch ra hồn hoang của quỷ ma. Chỉ trong một đêm, không biết bao nhiêu là tiểu họa xảy đến, do một chút lung lạc tinh thần!
Thôi, hãy tắm giặt, nghỉ cho khoẻ. Cha có nhiều việc cần bàn với con vào ngày mai.
Tân đứng dậy, che miệng ngáp dài, cậu lảo đảo tiến vào trong. Lúc bàn chuyện với cha, cậu thấy hơi choáng váng đầu óc, thân thể hơi uể oải. Nhưng khi cha trả lại tự do, hình bóng Mỹ bắt đầu hành hạ. Thân thể trở nên mệt mỏi vô cùng, kéo theo sự lười biếng, nỗi chán chường, sự bất cần tất cả. Tân gieo mình lên giường rộng, lăn lộn chán lại nằm ngửa, cậu gắng tránh né suy tư để cầu xin một giấc ngủ ngắn ngủi, nhưng sự nhớ nhung cứ mãi kéo về mỗi khi chợp mắt.
Cơn sốt nhập cung, tâm tư đi vào điên đảo. Khúc phim chung lối cùng người yêu lai đáo không ngừng, những nét gợi cảm tuôn tràn như sóng xô trong tâm tưởng. Tân khổ sở về ánh mắt đa tình, nụ cười hồn nhiên, chiếc hôn nồng thắm, thân thể gợi tình, lời nói lắm duyên. Các đặc thù đó, hình ảnh hoa mộng đó còn gần gũi như đang trong tay nhau, quay cuồng trong vũ điệu Nghê Thường... lung linh như sương sớm, nhấp nhô như sóng gợn, nhẹ lướt như mây chiều, chìm đắm vào hư không...
Trong cõi mù sương vô thức... Mỹ ẩn hiện như tiên nga với đôi cánh nhiệm mầu... Mỹ là bướm trắng, Tân là bướm vàng, rong chơi trong vườn mộng ngát mùi lài, mùi ammoniac... Nguyệt là đóa hồng màu máu thắm, vươn lên cành đầy gai góc. Nhụy hoa vương mùi lài, mùi ammoniac... Đài hoa mở cửa đón bướm nhập đền... Thâm cung biến thành ngục tối... Bướm trắng tả tơi... Bướm vàng trở về với thân xác gầy còm... Xác bướm thành thủy triều cuốn thân gầy vào vực thẳm... Nguyệt xuất hiện với cánh dơi đen ngòm, chân đại bàng giữ lấy dáng xinh của Mỹ... Gương mặt của Nguyệt tươi thắm như thiên thần, mắt sáng, mũi thon, môi cong cớn đỏ chót... Miệng Nguyệt hé nụ cười phù thủy... Nguyệt đẩy Mỹ đến gần xác Tân đang bềnh bồng trên sóng... Mỹ chới với ôm Tân vào lòng, mắt Mỹ long lanh, giọt nước thủy tinh chan hòa trên mắt Tân... Làn môi cong cớn của ngày mộng hé nụ... Hai chiếc răng nanh như ngà voi... cắm sâu vào cổ Tân... Tân nghẹn ngào...
Tân ú ớ, vùng vẫy. Cậu bật dậy, mắt nhắm nghiền trong cõi mộng du. Phượng đến kịp thời giữ anh lại. Tấm thân mềm nhũn của Tân ngã vật xuống giường, mắt trợn trừng, mồ hôi đầm đìa, miệng vẫn còn há hốc, thoáng nét kinh hoàng. Phượng như sắp bật khóc, cô khẽ vực:
- Anh Hai làm sao thế? Hãy tỉnh lại! Đừng làm em sợ...
Tân nhướng mắt nhìn Phượng, hé nụ cười khô héo, nắm tay em, bảo khẽ:
- Không sao! Anh chỉ bị ác mộng!
Tân kéo em ngồi mép giường, hôn tay và chất vấn:
- Trong cơn mê, anh đã làm gì, nói gì?
Phượng rưng rưng khẽ đáp:
- Anh chới với như kẻ đắm thuyền, miệng không ngớt réo gọi chị Mỹ.
Tân thở dài. Phượng trách hờn:
- Đáng kiếp cho Lỗ Trí Thâm!
Tân gắng nâng tay, nhéo má em, mắng yêu:
- Thủy Long công chúa đã thừa nước đục thả câu!
Phượng phụng phịu:
- Hồi ghét, ghét cho cay! Hồi thương, thương cho đậm, là anh đấy!
Tân thoáng buồn, Phượng lý sự:
- Lúc trước chị ấy đeo thì anh làm cao tránh né. Bây giờ có chuyện chi mà tương tư, gọi thương như gọi đò vậy?
Tân lắc đầu không muốn đứa em thơ ngây buồn lây. Cậu tìm cách lái Phượng sang chuyện khác:
- Anh thế đấy! Dường như Phượng cũng cùng sách vở thôi?
Phượng phản kháng:
- Khác chứ! Phượng chê bọn con trai.
Tân trêu:
- Nhưng mê con gái! Coi chừng đấy! Tướng suông đuột, bảnh trai vô cùng!
Phượng nhéo mũi anh, phản đối:
- Nói bậy! Ta là Thủy Long công chúa!
Tân cười cười, tiếp tục trêu:
- Vậy là cậu chịu nhận mũi dãi lòng thòng như hai vòi rồng rồi nhé!
Phượng đánh bép vào má anh, Tân vẫn không buông tha:
- Cậu có cái mặt tuyệt đẹp, tay chân thon thon, tướng cao lòng nhòng. Nếu không có các đặc điểm ấy thì Phượng là Tống Ngọc đó!
Phượng thắc mắc:
- Bạn bè trong lớp không gọi em là Tống Ngọc mà gọi là Tử Đô thì sao?
Tân phì cười:
- Biết lắm mà! Đứa nào vậy? Con trai hay con gái?
Phượng thú thật:
- Con Hoàng và con Yến.
Tân nhếch mép:
- Chết chắc! Nghe này cô bé, Mạnh Tử đã bảo: “Ai không biết Tử Đô là đẹp thì người ấy không có mắt!” Câu nói ấy ngài dùng để ca ngợi một gã con trai tuấn tú!
Tân sực nhớ điều chi, cậu vội hỏi thêm:
- Hai ả ấy, ngoài cách tuyên dương mi, họ có hành vi chi khác không nào?
Phượng hơi ngượng, mặt đỏ au, cúi đầu im lặng. Tân giục:
- Muốn làm công chúa hay làm Tử Đô? Nếu muốn anh giữ cho em danh vị Công Chúa thì nên chân thành bật mí.
Phượng mắt long lanh, ấp úng đáp:
- Con Hoàng mỗi lần gặp em thì mân mê đôi tay em và hôn rất ngọt.
Tân ôn tồn:
- Còn ả kia?
Phượng ngượng ngùng:
- Con Yến thì hôn lên má.
Tân vỗ vai em một cách thân mật, cậu nghiêm giọng:
- Nếu con trai mê em thì có lối gỡ. Con gái mê em thì chuyện khá tế nhị! À này, cảm giác của em như thế nào khi bị tấn công?
Phượng cúi đầu, đáp khẽ:
- Hơi bực mình.
Tân xoa đầu em và khen:
- Tốt! Không nên kéo phe bạn gái quá thân mật. Hãy kết giao trong tình trạng hồn nhiên giữa trai lẫn gái. Tình cảm dành riêng mãi mãi cho một đối tượng cùng phái tính, tạo thành một thói quen không tốt, sẽ khó tách rời sau này!
Phượng buồn buồn, thú thật:
- Em giao tế với bọn con trai thì cả lớp gọi em là Phượng đực rựa! Em cảm thấy hơi tủi phận.
Tân nghiêm giọng:
- Sao lại thế? Em mới mười hai đã được tướng thon thon, dong dỏng cao, tay chân dịu dàng, mặt đẹp hơn trăng, nước da trắng ngọc; anh bảo đảm, một ngày không xa, em sẽ là giai nhân đầy hương sắc. Anh đã bảo em là công chúa vì ngụ ý như thế đấy! Hãy gạt bỏ mặc cảm ấy đi!
Phượng đỏ mặt tía tai, nhưng thoáng vẻ vui mừng.
Tân thở dốc, Phượng vội lui vào bếp mang lên cho anh chén bông cúc chưng đường phèn. Cô vừa sờ trán anh, vừa băn khoăn nói:
- Lại lên cơn sốt rồi! Anh uống nước hoa cúc cho hạ hoả!
Phượng đề nghị:
- Từ ngày hôm qua đến giờ, anh không ăn gì cả. Chốc nữa em nấu cháo cá cho anh ăn lấy sức.
Tân lắc đầu:
- Miệng đắng lắm, chỉ cần nấu cháo trắng thật nhừ để anh nhấm nháp cầm hơi được rồi!
Phượng tỏ ra sành sỏi:
- Anh ốm tương tư chứ chẳng phải đau thương hàn mà ngại lủng ruột. Phải ăn cháo cá, cháo thịt mới mau bình phục, nhứt là cháo bò!
Tân trêu:
- Bác sĩ bảo ăn cháo rồi bò đi tầm người phải không?
Phượng nguýt dài:
- Nói nhảm! Cháo thịt bò thật đấy chứ bộ! Em nói vắn tắt một tí cũng bắt bẻ. Thảo nào chị Mỹ chẳng thèm yêu Lỗ Trí Thâm nữa!
Tân sa sầm nét mặt. Cậu gượng bình:
- Tiếng Việt của mình phong phú lắm, trong sáng lắm! Tư tưởng của người mình lại thâm. Em nên phát ngôn chững chạc thì hơn.
Phượng vẫn vô tình:
- Chững chạc quá nên người ta ngại yêu anh!
Tân chớp mắt. Phượng chợt tỉnh ngộ. Cô vội chữa:
- Anh khờ quá đi! Làm cao chi cho khổ đời!
Tân mân mê tay em. Cậu ngẫm lời Phượng tuy thật thà nhưng thâm thuý lắm! Nếu mình tỏ tình với Mỹ trước khi mình biết Điệp, mình có chính lý để yêu Mỹ, Mỹ có toàn quyền để yêu mình. Mình có xác suất nên duyên cùng nàng, vì nàng đang có khuynh hướng trao thân cho mình. Nhưng sau khi Điệp xử đẹp với mình, giúp mình vượt khổ. Sau khi mình nhận ngọc từ tay Phụng, Phụng nhân ái với mình, Mỹ gia tăng yêu thương mình hơn. Đáng lẽ mình phải tiến cử để Mỹ và Điệp hòa hợp; mình trọn nghĩa với Điệp, trọn tình với Phụng. Mình lại vì sự say đắm của Mỹ, mình buông thả cho thân xác xô ngã tất cả đạo lý. Mình chiếm được xác thân của Mỹ, nhưng tình yêu cao trọng của Mỹ dành cho mình bị tổn thương, khi nàng khám phá ra mình là kẻ vay ngọc, mượn tình. Hành động đê hèn này mình mang một cái án kẻ trộm tình trước mắt Mỹ, Điệp và Phụng.