Chương VIII

     àm người, thuở cha sinh, lòng vô tư lự, trắng trong như trang giấy, thèm khát du nhập ngoại kiến. May mắn, được học hỏi kinh thư của thánh hiền thì tiếp thu điều hay, đẩy lùi ngu dốt. Vô phúc, rơi vào tay ma quỷ, lợn lòng nổi dậy, thú tính thoát thai để dung nạp tội ác chất chồng, thân sa đoạ, họa gieo người! Có mấy ai tự giác ngộ như Diệp Sinh đâu! Đấy là gương xưa, cha đem soi cho con một lẽ sống vậy!
Cụ Chánh ra phòng khách, mang khay trà vào. Trên khay, Tân thấy có nhiều lọ đựng các con bọ đủ màu.
Cụ Chánh vừa rót hai tách trà cúc, phân phối cho hai người, vừa khơi mào:
- Tình yêu trai gái đa diện như sắc hoa, cha sẽ tùy cường độ yêu thương mà thuật chuyện, con căn cứ đó mà thấm nhuần.
Nói đoạn, cụ lựa một con bọ đỏ sậm, đặt lên khay, cụ vào truyện:
- Tống Mục Công nhớ ơn anh là Tống Tuyên Công truyền ngôi, nên sau đó phế con là Công tử Phùng, chuyển vị cho Tống Thương Công. Công tử Phùng trốn sang Trịnh, Tống Thương Công do đó đánh Trịnh đến ba lần.
Quan Thái tể Hoa Đốc là bạn của Công tử Phùng, ngoài mặt không ngăn, nhưng trong lòng bất bình về việc gây hấn đó.
Tống Thương Công tin dùng Khổng Phủ Gia hơn Hoa Đốc. Khổng Phủ Gia là chồng của trang quốc sắc Ngụy Thị. Ganh địa vị chồng, đắm hương sắc vợ, Hoa Đốc giàn độc mưu:
Khổng Phủ Gia từ ngày thua Trịnh ở Đái Quốc, lúc nào cũng thao luyện binh mã. Binh sĩ khốn đốn vì bại chiến. Nay, nhọc nhằn trong thao luyện nên khi nghe Hoa Đốc phao tin Khổng Phủ Gia chuẩn chiến, toàn quân mang nỗi kinh hoàng!
Để rõ thực hư, quân sĩ mang cả thê nhi đến dinh của Hoa Đốc để cầu bàu. Sau lúc giằng co, Hoa Đốc trang bị gươm giáp, xuất dinh, đem lời mỵ nhân, khuyến dụ đám đông trút lỗi bại chiến lên người Khổng Phủ Gia.
Quân sĩ đồng thanh phát biểu:
- Họ hàng chúng tôi trải qua bao năm chinh chiến, tử vong gần tiệt. Nay Tống Vương và Khổng tướng lại sinh sự với Trịnh bang, vốn binh hùng sĩ dũng, thì có khác chi đem dê dâng hổ. Chúng tôi quyết sinh tử với Khổng Phủ Gia, thà chết tại quê nhà hơn bỏ xác ở đất khách!
Hoa Đốc vờ nhân nghĩa:
- Khổng Phủ Gia vốn là bề tôi lương đống của chúa công ta. Phạm quí là điều không nên!
Quân sĩ nhao nhao:
- Nếu chúng tôi được ngài đứng ra lãnh đạo, ngay cả hôn quân, chúng tôi cũng chẳng từ.
Quân sĩ dìu Hoa Đốc lên xe, đến vây dinh của Khổng Phủ Gia. Bấy giờ Khổng tướng đang ngồi uống rượu, được tin gia nhân cấp báo có Hoa Đốc đến bàn chuyện, vội mũ áo chỉnh tề ra nghênh tiếp.
Vừa thoáng thấy Khổng Phủ Gia, Hoa Đốc quát:
- Thằng giặc hại dân đang lộ diện, sao chẳng sửa trị ngay đi?
Khổng Phủ Gia chưa thốt nên lời, đầu đã lìa khỏi cổ. Hoa Đốc sai kẻ tâm phúc vào trong bắt Ngụy Thị đem ra xe.
Trên đường về nhà Hoa Đốc, Ngụy Thị dùng dây lưng thắt cổ tuẫn tiết.
Cụ Chánh nhường lời lại cho Tân để thăm dò sự thẩm thấu vào Tân. Tân luận:
- Sắc đẹp của nữ nhân có thể so sánh như giải lụa đào, như gươm sắc. Khi trời ban cho nhan sắc nên cần kèm theo phúc đức. Nếu không, giai nhân như kẻ được ban cho giải lụa trong tam ban trào điển, người yêu của giai nhân như tên tử tội, máy chém đang kề trên cổ chờ thời.
Ngụy Thị, nhan sắc ba đào, đã gây nên cái họa chết chém cho chồng và tự ban cho mình sự tuẫn tiết bằng giải thắt lưng.
Khổng Phủ Gia kỳ tài nhưng mạt vận. Ông Thời đi khỏi, ông Giỏi cũng bó tay. Tống suy, Trịnh cường, bại tướng đành ngửa cổ cho sĩ tốt lấy đầu, kéo theo sự điếm nhục bị cướp vợ. Sắc, vận đi đôi là ở đấy. Sắc, nết tạo nên vết son cũng từ đấy mà ra!
Cụ Chánh gật gù, hớp ngụm trà cúc, lựa một con bọ cam thể, đặt lên khay trà, lược truyện:
- Vua An Dương Vương thứ mười tám lo xây thành Cổ Loa hình trôn ốc để chống giặc dữ nhưng thành đắp đến đâu sụp đến đấy.
Thanh Giang Sứ xuất hiện, mách:
- Một ca kỹ thác đã lâu, cốt vùi ở Thất Diệu Sơn đã hợp cùng Bạch Kê Tinh tác quái ở quán của Ngô Công, ta hãy đến đấy mà trừ thì việc khuấy phá xây thành mới chấm dứt!
Khi vua và Thành Giang Sứ đến vấn, Ngô Công trình:
- Quý khách nên rời chốn này, vốn không an lạc.
Vua phán:
- Sống chết có mạng, ngươi chớ lo!
Đêm ấy ma quỷ và Thanh Giang Sứ giao chiến ác liệt. Đến gần sáng, chúng mới lui về Thất Diệu Sơn.
Theo lời chỉ giáo của Thanh Giang Sứ, vua truyền Ngô Công giết con Bạch Kê. Con gà trắng vừa thác thì đứa con gái của Ngô Công cũng trút linh hồn. Vua cho quật mồ của ca kỹ, đốt nắm xương tàn, vứt xuống dòng sông.
Sau đó, vua và Thanh Giang Sứ lên Việt Thường Sơn gặp con cú sáu chân, đang ngậm sách thuật, đấy là hiện thân của Bạch Kê Tinh. Thanh Giang Sứ hóa thành Bạch Thử, leo lên cắn chân cú, cú buông sách thuật, vua đoạt lấy, căn cứ vào đấy, xúc tiến xây thành.
Loa Thành rộng một ngàn trượng, uốn vòng chín tầng, giặc dữ đến đâu cũng khó luồn đến triều nội.
Thanh Giang Sứ khuyên vua:
- Việc bình, loạn do trời nhưng cũng ở người, nên lấy nhân làm gốc, phúc hưởng dài lâu.
Nói xong, Thanh Giang Sứ trao cho vua chiếc móng để làm thần nỏ, đoạn hóa ra con rùa vàng, biến vào lòng đại dương.
Đời An Dương Vương năm thứ bốn mươi tám, Tần Thủy Hoàng sai Nhâm Ngao, Triệu Đà dàn quân trên Thiên Du Sơn để gây hấn. Vua đem quân đến sông Cà Lồ ứng chiến, dùng nỏ thần đánh bại quân Tần lắm lần, khiến Triệu Đà phải đắp lũy chờ cơ, đồng thời đem hôn nhân giữa Trọng Thủy - Mị Châu để cầu hòa. Trọng Thủy ở rể theo phong tục Văn Lang. Sự khéo léo của con trai Triệu Đà đã mua đứt lòng tin của vua Âu Lạc và công chúa.
Để khai triển quan niệm, nước Nam Việt ngoài Quế Lâm, Nam Hải phải có Âu Lạc mới thành đế quốc. Triệu Đà cho Trọng Thủy dò la nguyên nhân giữ thịnh trị của Âu Lạc. Sau khi nắm vững huyền thoại, Trọng Thủy bảo Mị Châu:
- Tôi vì đạo hiếu phải thăm cha, tình đôi ta là thiên thu bất diệt, bình sự giữa các quốc gia khá mong manh. Nếu có biến, làm thế nào để hội ngộ?
Mị Châu tin tưởng sự liên kết giữa lân quốc qua hôn nhân nên không quan tâm cái lý quanh co của chồng, nàng đáp:
- Tôi là nữ nhi nông cạn, chỉ mong điều chàng nói không bao giờ xảy ra. Nếu chẳng may có loạn thì hãy theo vết lông ngỗng mà tầm!
Khi Trọng Thủy đi rồi, quân Nam Việt tràn ngập Âu Lạc, vì thần nỏ đã bị Trọng Thủy đánh tráo mất rồi.
Vua Âu Lạc đưa con gái lên yên ngựa, cùng bôn đào theo dọc đường bể. Khi vua đến gần Mộ Dạ Sơn, huyện Đông Thành thì trời tối. Giặc đuổi cận kề, vua đến bãi biển khấn Thanh Giang Sứ. Thần Kim Qui rẽ sóng, đến bảo:
- Nhà vua khó thoát nạn! Chính giặc đang ngự sau lưng ngài!
Vua An Dương Vương hiểu ngay nguyên ủy, tuốt gươm giết Mị Châu, đoạn theo thần Kim Qui về thủy cung.
Trọng Thủy theo vết lông ngỗng, tìm thấy xác Mị Châu, thương tiếc. Chàng chôn nàng ở Cổ Loa Thành. Một hôm nhung nhớ, Trọng Thủy đến nơi lưu niệm. Chàng nhìn đáy giếng, nơi Mị Châu thường đến tắm, chàng mơ hồ hình bóng vợ, vội gieo mình để hội ngộ! Một chuyện tình đã kết cuộc!
Cụ Chánh ra bàn thờ, thắp mấy nén hương, đoạn quay vào lắng nghe Tân luận:
- Triệu Đà là giặc, là bại tướng mà An Dương Vương vội nhận làm thông gia. Trọng Thủy là cừu mà Mị Châu vội thuận làm chồng yêu. Lấy yêu tin để đãi chính. Bản chất của chính là pháp bất vị thân, là vô tình, thì chuyện mạng vong, nước mất là điều khó tránh.
Người đời thường bảo, yêu là cùng nhìn về một hướng. Muốn tình trở nên tri kỷ phải cùng tập quán, tư tưởng, ngôn ngữ, bản thể. Mị Châu hời hợt, Trọng Thủy tính toán. Tình hời hợt dễ kết, nhưng có tính toán nên không nồng thắm và bền chặt!
Cụ Chánh gật gù, mở hộp nhỏ vấn điếu thuốc con, phì phà một lúc, cụ chọn con bọ màu vàng đặt lên khay trà, cạnh hai con bọ màu đỏ và cam. Cụ vào truyện:
- Trong bữa tiệc Sở Văn Vương tiễn Sái Hầu về nước, vua Sở chỉ mỹ nữ ngồi gảy đàn, bảo kẻ đối ẩm bình sắc. Sái Hầu nhớ mối thù xâm lấn của Tức Hầu, nên thừa cơ trả đòn:
- Gái đẹp trong thiên hạ tuy nhiều, nhưng tôi thiết tưởng không ai bằng Tức Vĩ. Mắt sóng thu, má anh đào, dáng diễm kiều, tâm thanh lịch!
Sở Văn Vương tỏ ao ước. Sái Hầu khích bác:
- Cái uy của Đại vương, dẫu Tề Khương, Tống Tử cũng đạt nguyện, huống hồ người đàn bà trong tầm tay!
Để toại ước, Sở Văn Vương mượn tuần du sang nước Tức. Trong nghi thức, Tức Hầu đãi Sở Văn Vương. Khách mỉm cười bảo chủ:
- Ngày trước ta có chút công với quí quốc. Nay ta đến đây, phu nhân lẽ nào chẳng mời ta một chung rượu?
Tức Hầu không dám trái ý, cho mời phu nhân. Một lúc sau, tiếng ngọc khua êm ả, Tức Vĩ cực kỳ lộng lẫy, lịch sự bước ra, sụp lạy Sở Vương. Sở Vương đỡ dậy. Tức Vĩ nâng tay ngà, rót rượu vào chén ngọc, khoan thai trao cho cung nữ đệ lên Sở Văn Vương. Sở Văn uống cạn. Tức Vĩ cáo lui. Sở Văn đắm đuối nhìn theo.
Hôm sau, Sở Văn Vương bày tiệc ở công xá, cho giáp sĩ phục quanh, đoạn mời Tức Hầu tham dự. Nửa tuần rượu, Sở Văn mượn hơi men:
- Ta có công với quí quốc, quân ta đến đây, quân Hầu không vì ta mà khao thưởng hay sao?
Tức Hầu nói khéo:
- Nước tôi nhỏ bé, khó lòng khao thưởng cho đủ. Ngài để cho chúng tôi bàn bạc.
Sở Vương đập bàn, phục quân bắt trói Tức Hầu. Kẻ tâm phúc truy lùng Tức Vĩ. Tức Vĩ thở than:
- Dắt hổ về nhà thì tránh sao khỏi hoạ!
Nói xong, ra sau vườn toan gieo xuống giếng để hủy mình. Đấu Đan, tướng Sở, kịp nắm áo can ngăn:
- Phu nhân không nên lấy cái chết để vợ lẫn chồng cùng rơi vào tuyệt lộ.
Đấu Đan đưa Tức Vĩ trình Sở Văn Vương.
Sau khi phong phu nhân cho Tức Vĩ, Sở Vương an trí Tức Hầu ở Như Thủy. Tức Hầu uất ức đến thác.
Sống với Sở Vương được ba năm, Tức Vĩ sinh Hùng Hi, Hùng Vận. Tuy được yêu nhưng Tức Vĩ tịnh khẩu. Mãi đến một hôm, Sở Vương bức bách, Tức Vĩ tấu trình:
- Thân thiếp phải thờ hai chồng, đã không biết chết để thủ tiết, còn mặt mũi nào chuyện vãn cùng ai?
Sở Văn Vương trút tội cho Sái Hầu, đoạn đem quân chinh phạt nước Sái để đẹp lòng Tức Vĩ.
Tân tiếp lời cha, cậu đưa ra một so sánh:
- Khổng Phủ Gia bị Hoa Đốc giết vì khuynh sắc của Ngụy Thị. Ngụy Thị tuẫn tiết theo chồng, nàng giữ được tiếng trinh liệt. Tức Vĩ không thể hành động như Ngụy Thị vì sẽ dây họa cho chồng. Nàng muốn cho chồng được yên thân nên đã cân phân giữa chữ nghĩa đối với Tức Hầu và chữ tòng đối với Sở Văn Vương. Nàng bỏ chồng theo thù với hy vọng thời gian sẽ chuyển hận ra yêu. Nàng đã biết rõ, trước áp lực do yêu cuồng, nàng có muốn gìn vàng giữ ngọc cũng chẳng ích chi. Thôi thì cũng đành nhắm mắt đưa chân, mặc cho thiên hạ sự!
Tình yêu của Tức Vĩ là loại tình yêu uyển chuyển tùy thời.
Cụ Chánh gật gù. Cụ chọn con bọ màu xanh đặt cạnh các con đỏ, cam, vàng. Cụ rít điếu thuốc rê, nhìn vệt khói quyện quanh, cụ mơ màng vào truyện:
- Bách Lý Hề, người nước Ngu, tên Tĩnh Bá. Ngoài ba mươi tuổi, ông mới lập gia đình cùng Đỗ Thị. Cả hai sinh hạ một trai. Một hôm Đỗ Thị bảo chồng:
- Thiếp thường nghe, làm trai cần lập chí! Phu quân vì quyến luyến vợ con nên không tạo danh. Thiếp e chàng phí phạm kiếp tu mi. Phần thiếp, thiếp có thể tự kiếm sống. Phu quân chớ ngại!
Nói xong, trong nhà chỉ có con gà mái đang ấp, Đỗ Thị đem làm thịt. Dưới bếp hết củi, y thị chẻ phên tre để đun. Bữa cơm gạo đỏ, gà béo nàng dụng tiễn chồng tạo danh, dựng nghiệp. Lúc phân kỳ, nàng ân cần nhắn nhủ:
- Lúc chàng được phú quí, chớ phụ lòng nhau!
Bách Lý Hề sang nước Tề, không người tiến cử cho Tề Tương Công nên lâm cảnh ăn xin nơi đất Điệt ở tuổi bốn mươi. Kiển Thúc thấy vậy, đem chàng về nhà thết tiệc, đoạn bàn chính sự. Bách Lý Hề nói đâu ra đấy. Cảm thông, hai người kết làm anh em. Kiển Thúc lớn hơn Bách Lý Hề một tuổi nên giữ vai anh. Từ đó Bách Lý Hề kiếm sống bằng nghề chăn trâu.
Lúc bấy giờ Công tử Vô Tri giết Tề Tương Công để đoạt ngôi, trương bảng cầu hiền. Bách Lý Hề xin đi. Kiển Thúc can:
- Tiên quân có con đang lưu vong. Ngôi vị của Vô Tri không yên vững.
Sau đó nghe Vương tử Đồi thích trâu, Bách Lý Hề xin đi. Kiển Thúc góp ý:
- Kẻ trượng phu không nên khinh thường, khi đem thân theo người. Đã làm quan cho người, khi họ hoạn nạn, bỏ đi là bất trung, không từ là bất trí. Lần này, em đi phải cẩn thận cho lắm. Ta thu xếp việc nhà, sẽ sang đấy thăm em!
Sau khi nghe diễn ý cách nuôi trâu khá hay, Vương tử Đồi chấp nhận Bách Lý Hề làm gia thần, nhưng Kiển Thúc đến kịp thời, bảo riêng:
- Vương tử Đồi chí lớn, tài kém, giao du phường xiểm nịnh, tất có ngày làm càn, rồi cũng hỏng việc. Chi bằng ta sớm bỏ đi!
Bách Lý Hề sực nhớ vợ con, có ý muốn về nước Ngu. Kiển Thúc bàn:
- Nước Ngu có Cung Chi Kỳ, vốn người ta biết, ta cũng muốn đến thăm hắn.
Cả hai đến nước Ngu. Đỗ Thị đã tha phương cầu thực. Kiển Thúc tiến cử Bách Lý Hề cho Cung Chi Kỳ và được phong làm Trung Đại Phu. Tuy nhiên, Kiển Thúc cũng dặn dò:
- Ta xem vua nước Ngu vốn người nông cạn mà lại tự đắc, nên cũng chẳng phải vua hiền!
Bách Lý Hề đáp:
- Em nghèo khổ đã lâu, khác nào cá cạn, chỉ mong có chút nước dưỡng thân.
Kiển Thúc an ủi:
- Em vì nghèo phải ra làm quan, ta không thể ngăn. Mai sau có muốn thăm anh, hãy đến làng Minh Lộc, nước Tống. Ta chọn, vì phong cảnh tĩnh mịch.
Nguyên Tấn Hiến Công mê nàng Ly Cơ và thương Tề Hề nên ghét bỏ Thế tử Thân Sinh, vốn đôn hậu lại nhiều công trạng chống giặc.
Ly Cơ muốn lập Tề Hề nên liên kết với Lưu Thi, đề bạt Thân Sinh đơn chinh nước Xích Địch. Thân Sinh chẳng những không chết mà còn lập công đầu. Sau đó, nước Quắc, một đồng minh của nước Ngu, sang quấy nhiễu. Ly Cơ lại tiến cử Thân Sinh. Tấn Hiến Công ngại Thân Sinh lập thêm công trạng, tư thế càng vững, mối lo của ngài càng tăng nên bàn cùng Tuân Tức. Tuân Tức dùng kế ly gián, vừa dùng gái đẹp mê hoặc vua nước Quắc, vừa đem của mua chuộc nước Nhung Địch gây hấn với nước Quắc. Cung Chi Kiều hiểu được cơ mưu, nhưng vua nước Quắc đã không nghe, lại còn đày Kiều ra trấn Hạ Dương. Quắc quân thắng Nhung Địch ở Vĩ Nhuế, nhưng bị cầm chân ở Tang Điền.
Tuân Tức đề nghị đem lễ vật mua chuộc nước Ngu để mượn đường đánh Quắc. Tấn Hiến Công đem ngọc bích và ngựa quí, là hai thứ mà vua Ngu đắc ý.
Cung Chi Kỳ can gián vua nước Ngu:
- Tục ngữ có câu “môi hở răng lạnh”. Nước Tấn thường xâm lấn nước khác nhưng để ta yên vì ta và nước Quắc biết liên kết. Nếu Quắc mất thì ta chẳng còn.
Vua nước Ngu phán:
- Vua nước Tấn không tiếc bảo vật để đem biếu ta, ta tiếc gì một lối nhỏ mà ngăn cản? Vả lại, thế lực Tấn hơn Quắc. Ta mất lòng Quắc mà được lòng Tấn, lưỡng lợi chu toàn. Thôi! Ngươi hãy lui ra!
Cung Chi Kỳ toan nói nữa. Bách Lý Hề nắm lấy vạt áo. Cung Chi Kỳ biết ý, đành thôi.
Khi ra ngoài, Cung Chi Kỳ vấn:
- Tại sao ngươi không nói giúp một lời, mà lại ngăn ta?
Bách Lý Hề dẫn giải:
- Tôi thiết nghĩ, đem lời phải nói với kẻ ngu, khác chi đem ngọc ném ra đường. Xưa, Kiệt giết Long Bàng, Trụ diệt Tỉ Can vì hay can gượng!
Cung Chi Kỳ than:
- Thế thì nước Ngu tất mất. Ta nên sang nước khác?
Bách Lý Hề cả quyết:
- Ngươi đi thì phải, nhưng rủ thêm người thì mang thêm tội. Âu là để ta thư thả một chút.
Lý Khắc và Tuân Tức nhờ đấy kéo quân sang đất Quắc ngay, trong lúc vua nước Quắc đang lâm chiến với Nhung Địch. Tấn quốc nhờ nước Ngu đánh Hạ Dương. Khi vua nước Ngu đến đấy, Chung Chi Kiều mở cửa nghênh đón, chẳng ngờ quân Tấn trà trộn, khi qua được cửa ải liền tấn công. Chung Chi Kiều sợ vua Ngu bắt tội nên vội đầu Tấn.
Vua Quắc rời Tang Điền về trấn Thượng Dương, bị Tấn khổn vây. Vua Quắc nghĩ tiên quân đã từng làm khanh sĩ nhà Chu, hàng là nhục, nên bỏ trốn sang Chu. Lý Khắc đem của cải trong kho biếu vua nước Ngu.
Tấn Hiến Công kéo quân sang nước Ngu. Vua nước Ngu nghênh đón và tổ chức săn bắn tại Cô Sơn. Bỗng quân báo nội thành bị phát hỏa. Vua Tấn khuyên vua Ngu bình tâm. Bách Lý Hề tâu:
- Tôi nghe đồn nội thành có biến. Chúa công nên về!
Vua Ngu về được nửa chừng, dân tình cho biết, quân Tấn đã chiếm kinh thành. Vừa lúc ấy tướng Tấn xuất hiện, bảo:
- Ngày trước hiền hầu cho mượn đường, ngày nay lại cho mượn nước. Ta xin có lời cảm ơn.
Vua Ngu thối lui, bị Tấn Hiến Công đánh, mới than cùng Bách Lý Hề:
- Tiếc thay! Ngày trước ta không nghe lời can của Cung Chi Kỳ!
Đoạn vấn Bách Lý Hề:
- Lúc bấy giờ sao ngươi không ngăn ta?
Bách Lý Hề đáp:
- Chúa công chẳng nghe Cung Chi Kỳ, đời nào chúa công chịu nghe tôi! Bấy giờ tôi không can, là muốn lưu lại cái thân tôi để ngày nay theo phò chúa công.
Bỗng Chung Chi Kiều đến dụ hàng:
- Hiền hầu nghĩ lầm mà bỏ nước Quắc. Nay, thay vì bỏ trốn sang nước khác, nên đầu Tấn thì hơn.
Lúc ấy Tấn Hiến Công lại đến:
- Ta đến đây để đòi ngọc bích và ngựa của ta!
Thấy Bách Lý Hề còn lẽo đẽo theo vua nước Ngu, có người khích:
- Ngươi nên bỏ đi, còn theo vua Ngu làm gì!
Bách Lý Hề thản nhiên đáp:
- Ta ăn lộc của vua nước Ngu đã lâu, vậy ta phải cố theo để đền ơn.
Tấn Hiến Công vào thành nước Ngu. Tuân Tức tâu:
- Mưu kế của tôi đã thành tựu, tôi đem ngọc bích và ngựa đã làm của hối để trả lại chúa công.
Tấn Hiến Công đưa vua nước Ngu về Tấn và toan giết. Tuân Tức tâu:
- Vua nước ấy là đứa ngu ngốc, chẳng làm nên chuyện gì, giết mà chi để chuốc thêm tiếng ác!
Tấn Hiến Công mới đổi chước, đem ngọc và ngựa khác tặng cho và ngon ngọt bảo rằng:
- Ta không dám quên cái ơn cho mượn đường đánh nước Quắc.
Tấn Hiến Công phong Chung Chi Kiều làm đại phu và ngỏ ý nhờ Chung phủ dụ Bách Lý Hề. Bách Lý Hề khẳng khái trả lời:
- Hãy chờ cho hết đời chúa công tôi, bấy giờ tôi sẽ vâng lời.
Chung Chi Kiều đi rồi, Bách Lý Hề thầm than:
- Người quân tử bỏ nước mình mà đi, tất không chịu đến nước cừu địch, huống chi lại làm quan. Ta có làm quan, cũng không làm quan cho nước Tấn!
Bấy giờ Tần Mục Công lên ngôi đã sáu năm, liền sai Công tử Trí sang hỏi con gái của Tấn Hiến Công là Bá Cơ để làm vợ. Trên đường về, Công tử Trí gặp người mặt đỏ, mũi cao, râu rậm, hai tay xốc hai cái cày, quân sĩ ướm thử, chẳng ai cân nổi. Sưu tra, đấy là Công tôn Chi, có họ với Tấn Hiến Công, nên sau đó được Tần trọng dụng.
Chung Chi Kiều vốn không ưa Bách Lý Hề nên đề nghị cho Bách hộ tống Bá Cơ. Bách than thầm:
- Ta có tài mà không gặp minh chủ để thi thố; già đời còn phục vụ đàn bà như gia nô, còn gì nhục hơn!
Đến nửa đường, Bách Lý Hề trốn sang Tống nhưng bị thợ săn ở Uyển Thành thuộc nước Sở bắt trói. Bách Lý Hề đành khai lý lịch và nghề chăn trâu. Thợ săn đem về cho nuôi trâu. Cách chăm sóc chu đáo đến thấu tai vua Sở. Triều đình cho vời Bách Lý Hề. Sở Vương cật vấn:
- Cách nuôi trâu phải thế nào?
Bách Lý Hề giải bày:
- Ta nuôi trâu, phải cho ăn điều độ, không nên bắt làm quá nhọc. Ta lúc nào cũng phải nghĩ đến trâu.
Sở Vương khen:
- Nhà ngươi nói chí phải! Chẳng những cách chăn trâu phải thế mà các nuôi người trong thiên hạ cũng đến thế mà thôi!
Sở Vương phong Bách Lý Hề chức ngữ nhân, lo chăn ngựa xứ Đông Hải.
Tần Mục Công xem sổ theo hầu Bá Cơ có tên Bách Lý Hề, nhưng chẳng thấy người nên cật vấn Công tôn Chi:
- Bách Lý Hề người nước Ngu, nay đã trốn đi rồi! Ngươi ở nước Tấn tất rõ người ấy?
Công tôn Chi thưa:
- Bách Lý Hề là người hiền. Người rõ vua nước Ngu là kẻ không thể can nên không can. Người theo vua nước Ngu sang Tấn mà không chịu làm quan cho Tấn, thế là người trung. Người có tài mà vẫn chấp nhận làm việc mọn, là người nhẫn!
Tần Mục Công mơ ước:
- Nếu ta được Bách Lý Hề thì hay biết mấy!
Công tôn Chi nghị:
- Tôi nghe thê nhi của Bách Lý Hề ở nước Sở, chắc Bách Lý Hề trốn sang nước Sở. Âu là ta cho người đến đấy truy tầm.
Kẻ tâm phúc sau đó mật báo:
- Bách Lý Hề chăn ngựa cho vua Sở tại xứ Đông Hải.
Tần Mục Công vấn Công tôn Chi:
- Ta đem lễ vật đến nước Sở để chuộc người, có nên chăng?
Công tôn Chi luận:
- Cách ấy không đem được người về.
Tần Mục Công thắc mắc:
- Tại sao?
Công tôn Chi giải bày:
- Vua Sở bắt Bách Lý Hề chăn ngựa vì không biết đó là người hiền. Nếu ta đem lễ vật để xin người thì hóa ra ta điềm chỉ nhân tài cho kẻ khác dụng, biết đến bao giờ người mới đến tay ta? Chi bằng chúa công hài tội theo hầu mà bỏ trốn, lấy lễ xin người mang về mà sửa trị, theo cách Bão Thúc Nha cướp Quản Di Ngô khỏi tay nước Lỗ!
Tần Mục Công khen phải, sai người đem năm bộ da dê sang biếu vua Sở và xin dẫn độ Bách Lý Hề về Tần. Vua Sở ngại mất lòng vua Tần nên thuận ý ngay. Người xứ Đông Hải tỏ lòng thương xót. Bách Lý Hề trấn an:
- Vua nước Tần có chí làm bá chủ, đâu cần bắt tội một tên hầu. Nay, người triệu tôi về là có ý muốn dùng. Chuyến này tôi đi chắc nên phú quí, chớ nên buồn.
Tần Mục Công sai Công tôn Chi ra tận bờ cõi nghênh đón, rồi triệu vào, chất vấn:
- Năm nay ngươi bao nhiêu tuổi?
Bách Lý Hề tâu:
- Tôi vừa bảy mươi tuổi.
Tần Mục Công nuối tiếc:
- Tiếc thay! Già lắm rồi!
Bách Lý Hề điềm nhiên đáp:
- Chúa công sai tôi đi đuổi chim muông, bắt loài thú dữ, thì tôi già thật. Nhưng nếu khiến tôi làm việc chính trị, thì tôi còn trẻ nhiều! Ngày xưa, ông Lã Vọng tám mươi tuổi còn đi câu ở bến sông Vị. Văn Vương đem người về làm Thượng Phụ, đã dựng nên nghiệp nhà Chu. Nay, tôi gặp chúa công, tôi còn sớm hơn Lã Vọng mười năm.
Tần Mục Công thấy lời nói khí khái, kính cẩn hỏi:
- Nay nước ta giáp với Nhung Địch, làm thế nào để trở nên cường thịnh?
Bách Lý Hề đáp:
- Nguyên đất Nhung Kỳ là nơi hiểm trở. Văn Vương, Vũ Vương nhờ đất ấy làm nên cường thịnh. Nay Chu không biết giữ mà đem biếu ta, ấy là trời muốn cho ta mở mang bờ cõi. Vả lại, ở phía tây có đến vài mươi nước nhỏ. Nếu ta kiêm tính các nước ấy thì đất có thể cày cấy được, dân có thể dùng được. Các nước chư hầu ở Trung quốc, còn ai tranh nổi với chúa công?
Bấy giờ chúa công tìm cách tiến vào Trung quốc thì nghiệp bá chủ vào tay chúa công chẳng khó!
Tần Mục Công nghe xong, liền đứng dậy nói rằng:
- Nay, ta được ngươi giúp, khác nào Tề được Trọng Phụ!
Sau ba ngày đối đáp, Tần Mục Công toan giao chức Thượng Khanh. Bách Lý Hề tâu:
- Tôi có người bạn tên Kiển Thúc, tài giỏi hơn tôi nhiều. Nay chúa công muốn sửa sang chính trị thì nên dùng người ấy.
Nguyên khi tôi định theo Công tử Vô Tri ở nước Tề, Kiển Thúc đã ngăn nên tôi thoát tai vạ Vô Tri. Sau khi tôi định theo Vương tử Đồi, Kiển Thúc đã can, tôi tránh được họa Vương tử Đồi. Sau tôi theo nước Ngu, Kiển Thúc bảo trông chừng, nhưng vì cùng khổ nên tôi liền nhận quan nên bị Tấn bắt. Nay, Kiển Thúc ở làng Minh Lộc nước Tống, xin chúa công cho người triệu về ngay.
Theo lịnh Tần Mục Công, Công tử Trí giả thương buôn đến làng Minh Lộc. Trên đường đi, lúc nào cũng nghe nông phu hát đồng dao ý ung dung, tự toại. Công tử Trí bảo thuộc hạ:
- Nơi nào có người quân tử ở, thì đổi được phong tục dở. Nay, đến nơi Kiển Thúc ở, ngay người cày cũng có tư cách thanh cao, vậy ông ấy là người hiền!
Theo sự chỉ dẫn của người cày ruộng, Công tử Trí đến rừng trúc, bên hữu có đá, bên tả có suối, ở giữa là túp lều tranh. Công tử Trí gõ cửa, một đứa bé con mở cửa, kính cẩn hỏi:
- Quí khách tìm ai thế?
Công tử Trí đáp:
- Tôi đến thăm Kiển Thúc tiên sinh!
Đứa bé kính cáo:
- Thầy tôi cùng hai cụ láng giềng đi xem suối Thạch Hương, một chốc sẽ về!
Một chập xuất hiện người trai cao lớn, mắt tròn, mày rậm, mặt vuông, mình dài, đang vác hai chiếc chân hươu. Công tử Trí đón chào. Người ấy vội đặt chân hươu xuống đất, vái chào đáp lễ, tự xưng:
- Tôi là Kiển Bính, tự Bạch Ất. Thân phụ tôi là Kiển Thúc.
Kiển Bính mời Công tử Trí vào nhà. Sau đó họ cùng bàn luận việc ruộng nương, võ nghệ. Chuyện đâu ra đấy. Công tử Trí khen thầm: “Cha hiền tài sinh con thảo ngay. Bách Lý Hề tiến cử không sai!”
Một chập sau Kiển Thúc về. Công tử Trí đàm luận xong và trao thư của Bách Lý Hề về việc tiến cử. Kiển Thúc trình bày:
- Ngày trước, vua nước Ngu không dùng Bách Lý Hề, đến nỗi mất nước. Nay, vua Tần biết trọng người hiền, thiết tưởng một mình Bách Lý Hề cũng đủ. Lão phu từ lâu không còn nghĩ đến việc đời nữa, nên xin tha cho lão phu. Các lễ vật này, lão phu xin nộp lại. Nhờ ngài thưa lại cùng triều đình.
Công tử Trí trình lý:
- Nếu tiên sinh không đi thì Bách Lý Hề không nhậm chức!
Kiển Thúc ngẫm nghĩ, đoạn thở dài mà rằng:
- Bách Lý Hề có tài mà bấy lâu nay không gặp minh chủ. Âu ta nên đi một phen, chẳng bao lâu cũng về đây cày ruộng.
Công tử Trí và cha con Kiển Thúc qui Tần.
Tần Mục Công vấn nạn cùng Kiển Thúc:
- Bách Lý Hề bảo tiên sinh là người hiền, xin tiên sinh chỉ bảo!
Kiển Thúc giải bày:
- Nước Tần ta giáp Nhung Địch, đất hiểm, quân hùng, nhưng không sánh với các nước Trung quốc vì không có uy đức. Không uy thì người không sợ. Không đức thì người không mến. Người không mến không sợ thì ta khó làm bá chủ.
Tần Mục Công vấn:
- Uy và đức, điều nào nên thực hiện trước?
Kiển Thúc đưa sự tương quan:
- Đức là gốc, uy chỉ hỗ trợ. Có đức, không uy thì không sao giữ được nước! Có uy, không đức, sao yên được dân!
Tần Mục Công đưa ý cải thiện:
- Ta muốn sửa đức, lập uy thì làm thế nào?
Kiển Thúc đề phương thức:
- Dân Tần của ta nhiễm rợ phong, không biết lễ nghĩa. Nay, muốn dân tôn kính bề trên phải dùng giáo hóa và hình phạt. Có giáo hóa thì biết ơn, có hình phạt thì biết sợ. Quản Di Ngô điều khiển được thiên hạ vì lẽ ấy!
Tần Mục Công nhóng ý:
- Thể theo lời của tiên sinh, mộng bá chủ của ta có dễ hình thành không?
Kiển Thúc đặt điều kiện:
- Thế cũng chưa đủ. Muốn làm bá chủ thiên hạ, cần ba điều kiêng: Chớ tham lam, chớ tức giận, chớ vội vàng. Tham lam sinh lầm lỗi; tức giận vướng khó khăn; vội vàng gây đổ vỡ. Hội đủ các điều kiện trên, trở nên bá chủ là hậu quả tất nhiên!
Tần Mục Công băn khoăn về ưu tiên:
- Công việc ngày nay, điều gì cần hơn?
Kiển Thúc trình bày diễn tiến:
- Tề Hầu già yếu, công nghiệp bá chủ ngày một suy. Chúa công thu phục các nước Nhung Địch ở cõi tây này. Sau đó tìm cách tiến vào Trung quốc, dùng ân nghĩa để bổ khuyết Tề Hầu. Thế thì có ai tranh được bá chủ nữa?
Tần Mục Công hả dạ, khen rằng:
- Tiên sinh và Bách Lý Hề quả là bậc trưởng thượng của thứ dân!
Nói xong, phong Kiển Thúc làm Hữu Thứ Trưởng, Bách Lý Hề làm Tả thứ trưởng, cùng làm Thượng khanh, gọi là Tể tướng và phong cho Kiển Bính làm đại phu.
Tần Mục Công nghe nước nào có hiền tài cũng phái người tìm. Nước Tần do đấy ngày một cường thịnh.
Đỗ Thị làm thuê kiếm ăn vẫn không đủ, nên đưa con sang Tần, hành nghề giặt thuê.
Con trai Bách Lý Hề tên Thị, tự Mạnh Minh, quen thói lêu lổng, hay theo người đi săn bắn, chẳng chịu làm ăn gì cả. Đỗ Thị khuyên gì cũng chẳng nghe.
Đến lúc Bách Lý Hề làm tể tướng nước Tần, Đỗ Thị nghe tiếng, thấy dạng đôi lần, nhưng không dám nhận.
Khi trong dinh Bách Lý Hề cần người giặt thuê, Đỗ Thị tình nguyện xin giúp. Sự cần mẫn khiến người trong mến mộ.
Một hôm Bách Lý Hề ở nhà trên, nghe các phường nhạc giúp vui. Đỗ Thị bảo người quản dinh là nàng biết cầm ca. Phường nhạc sau khi hỏi căn, trao cho nàng đàn cầm, nàng dạo lên cung điệu bi thương, ai oán và nàng được chấp thuận cho hát. Qua lời hát diễn ý ngày còn cơ hàn, lúc lang thang tầm sinh kế nuôi con, nhớ chồng; diễn tả ẩn tình cách biệt giữa vợ hèn và chồng làm tướng quốc...
Bách Lý Hề nghe xong, nhận ngay ra vợ nhà, vội đứng dậy ôm chầm, rơi lệ!
Cụ Chánh dùng trà giải lao, nhường lời cho Tân. Tân xúc động, trút tâm tình:
- Thế nhân có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ”, nhằm vạch rõ tầm quan trọng của bằng hữu và hiền nội, đối với đấng mày râu! Bằng hữu thường mang đến tiền tài, danh vọng qua giao tế. Vợ nhà đem vinh dự qua sự chu toàn đức độ, toàn thiện gia trung cho cả chồng lẫn mình; dù thịnh vượng hay nghèo khó, giấy rách vẫn giữ lấy lề, để mong giữ được cái trang trọng của kiếp người.
Ca dao cũng có đoạn “cái cò lặn lội bờ sông; gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” để nói lên đức tính đảm đang, tinh thần chịu đựng, đề cao trách nhiệm, tuyệt đối hy sinh của người đàn bà Á Đông cho danh vị của chồng, cho bước đường tiến thân của đấng phu quân!
Đỗ Thị gạt bỏ sự quyến luyến, cố khuyên chồng sớm lo danh phận. Đôn đốc chồng bằng trút sạch hiện vật, con gà mái ấp, phên nhà để tạo một chút ấm lòng, một phút phồn vinh; trấn an chồng bằng lời nói chắc nịch, tự mình có thể đảm đang gia thế, quyết tâm theo đuổi mục tiêu bằng lang thang làm thuê làm mướn từ nước này đến nước khác để nuôi thân và nuôi con; tự trọng vô cùng khi biết chồng làm quan mà không đường đột xác minh; tế nhị vô cùng, phải dùng lời ca tiếng đàn để xem người xưa có chấp nhận vợ nhà hòa hợp hay chăng!
Thưa cha! Con chẳng còn lời nào xứng đáng hơn là nhận cơ duyên xây dựng trên nghĩa thủy chung như nhứt!