Chương 2
“MÃ PHU” DIỆP KIẾM ANH LỌT VÀO TÂY AN

    
rước đây hai tháng, khoảng hạ tuần tháng 9 năm 1936, một đoàn kỵ mã rời khỏi Bảo An thành, nhắm hướng huyện Phú rong ruổi yên cương, họ ghé lại đồn luỹ của quân đoàn Đông Bắc, thay ngựa thắng xe tiến về Tây An.
Họ đều mặc quân phục Quốc dân đảng, người dẫn đoàn ngực đeo phù hiệu hình tròn nổi bật dòng chữ “Hội đồng quân sự trung ương Quốc dân đảng”, hẳn phải là trưởng quan, cạnh kề ông bên hữu phó quan súng ống nai nịt đằng đằng sát khí, bên tả viên thư ký nho nhã ung dung đôi mắt giấu sau cặp kính cận. Nghe nói đây là đoàn đại biểu do Quốc dân đảng phái đến Bảo An để đàm phán với Hồng quân, kỳ thực thì không phải như vậy. Viên trưởng quan Biên Chương Ngũ, 36 tuổi, tốt nghiệp trường sĩ quan Bảo Định, tham mưu trưởng sư đoàn Quân quốc dân đảng, tháng 12 năm 1931 tham gia cuộc bạo động Ninh Đô và trở thành đảng viên đảng cộng sản, đảm nhận chức sư trưởng Hồng quân, đã qua Vạn lí trường chinh. Còn phó quan 29 tuổi Bành Tuyết Phong, năm 1926 gia nhập Đảng Cộng sản, chính ủy sư đoàn Hồng quân, cũng từng trường chinh từ nam lên bắc. Viên thư ký nho nhã kia vừa qua cái tuổi “nhi lập”, vào đảng năm 1925, bí thư tổ chức Trung Cộng trong Liên minh văn hóa cánh tả, nay là trưởng ban tuyên truyền Tổng cục chính trị Hồng quân, anh có tên gọi Phan Hán Niên. “Đoàn đại biểu” còn có các thành viên khác nữa như Uông Phong, Ngô Tự Lập, và một mã phu mặc quân phục lính Quốc dân đảng không mấy ai chú ý, người đó mới chính là trưởng đoàn - tướng quân Diệp Kiếm Anh. Tất cả bọn họ đã được Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai chọn lựa kỹ càng, kết thành một đội ngũ thần bí mang sứ mạng quan trọng. Trước khi đoàn lên đường đi Tây An, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai dành nhiều thời gian bàn bạc, dặn dò “mã phu” Diệp Kiếm Anh.
Đoàn đến huyện Phú và tiến vào khu vực kiểm soát của quân Đông Bắc Quốc dân đảng thì theo mật lệnh từ Trương Học Lương, viên sư trưởng họ Lưu đã ra nghênh tiếp và tự mình lái xe đưa đoàn về Tây An không chút trở ngại. Diệm Kiếm Anh trở thành “Ngô tiên sinh” trong nước cờ đầy kỳ thú này giữa Tưởng và Mao, ông lọt vào Tây An cố đô.
Trấn giữ Tây An là Trương Học Lương - Phó Tư lệnh hải lục không quân Hội đồng quân sự Quốc dân đảng, Phó Tư lệnh Bộ Tổng Tư lệnh tiễu phỉ Tây Bắc. Lúc bấy giờ đối với Tưởng Giới Thạch, Trung Cộng là “phỉ”, “Cộng phỉ”, cái gọi “tiễu phỉ” chính là “tiễu cộng”. Phó Tư lệnh “Tây Bắc tiễu tổng” Trương Học Lương năm ấy 35 tuổi, là trưởng nam của “Đông Bắc vương” - Trương Tác Lâm. Đông Bắc là quê hương của Trương, và quân đội của họ có tên gọi “Phụng quân”, bởi lẽ hồi đó Thẩm Dương (thủ phủ tỉnh Liêu Ninh) giản xưng là Phụng. Trương Học Lương có mối thù khắc cốt ghi xương với quân Nhật; rạng sáng ngày 4 tháng 6 năm 1927, cầu đường sắt Thẩm Dương tự nhiên bị gãy và cả đoàn tàu rơi chìm xuống sông, thân phụ của Trương là một hành khách trong đó, kịp đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng mấy giờ sau thì qua đời, kẻ thù của vụ gãy cầu chìm tàu này là quân Nhật và Trương quyết không đội trời chung với chúng.
Tiếp đến “sự biến 9.18”. Ngày 19 tháng 8 năm 1931, quân Nhật đánh chiếm Thẩm Dương, sau bốn tháng 18 ngày, cả ba tỉnh Đông Bắc (Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang) rơi vào tay giặc, họ Trương tha hương, Phụng quân lưu lạc sang xứ người.
Khi Mao Trạch Đông dẫn đầu Hồng quân trường chinh đến Thiểm Bắc, Tưởng Giới Thạch tuyên bố “chủ lực của phỉ quân rút chạy về vùng Cam Xuyên Thiểm” và ông đã đi một nước “diệu kỳ” trên bàn cờ thế kỷ, nhắc “quân cờ” Trương Học Lương từ Đông Bắc sang Tây Bắc, phong cho Trương chức vụ phó Tư lệnh “Tây Bắc tiễu tổng”. Trương Học Lương vốn không phải phái hệ, chính giòng của Tưởng Giới Thạch nên dùng Phụng quân đánh Hồng quân, “ngư ông” họ Tưởng lại một lần nữa được lợi trong cuộc tranh nhau giữa “trai, cò”, vừa làm yếu thế quân Đông Bắc, vừa tiêu hao lực lượng Hồng quân. Thật là diệu kế! Phụng mệnh quân lệnh, tháng 6 năm 1935, Trương Học Lương dẫn đầu 13 vạn tinh binh tiến vào Đồng Quan - cửa ngõ của Tây An.
Mao Trạch Đông hiểu tâm trạng của Trương, tuy trên văn bản công bố chính thức, họ Trương bị liệt vào “quân bán nước”, nhưng phía đằng sau, Mao liên tục phái mật sứ len vào nội trướng tìm cách lôi kéo Trương Học Lương và Diệp Kiếm Anh trong vai “Ngô tiên sinh” lần này không ngoài sứ mạng quan trọng đó, còn phía bên kia Trương Học Lương phái cử ai “nghênh tiếp”? Người ấy là Tôn Minh Cửu, tham mưu tùy tòng cơ yếu của phó chủ tịch “Tây Bắc tiễu tổng”.
 
ĐƯỜNG DÂY NÓNG GIỮA MAO TRẠCH ĐÔNG
VÀ TRƯƠNG HỌC LƯƠNG
 
Người ngồi đó, đầu hói bóng chỉ còn vài sợi bạc lơ thơ, thân không cao nhưng vai rộng, từ lưng trở lên như một đường thẳng, Tôn Minh Cửu nay tuy đã 80 lẻ 4 tuổi mà phong độ nhà binh vẫn oai phong lẫm liệt, tác giả cuốn sách này đã có dịp đến thăm “con người lịch sử” họ Tôn, phòng khách nhà cụ chỉ treo mấy bức ảnh chụp chung cùng nguyên soái Diệp Kiếm Anh khi còn ở Thượng Hải năm 1997.
Tôn Minh Cửu là tâm phúc của Trương Học Lương. Cách đây không lâu đã có người hỏi Trương, nếu được trở về đại lục thăm viếng, ông sẽ tìm gặp ai? Trương không do dự mà rằng: Tôn Minh Cửu! Tháng 8 năm 1991, hãng truyền hình Nhật Bản NHK phỏng vấn ghi hình Trương Học Lương ở Đài Bắc, sau đó họ đem trình chiếu cho Tôn Minh Cửu xem, Tôn nước mắt đầm đìa, nhớ về một quá vãng gắn bó giữa hai người.
Tôn Minh Cửu sinh ngày 13 tháng 1 năm 1908 tại Liêu Ninh, làm quản giáo học dưới quyền Trương Học Minh - em trai Học Lương. Năm 1931, Học Lương được phong chức phó Tư lệnh hải lục không quân Quốc dân đảng, từ Nam Kinh lên Bắc Kinh ghé qua Thiên Tân, Học Minh cử Tôn Minh Cửu hộ tống anh mình. Trương quý trọng Tôn, bèn tặng chiếc đồng hồ Thụy Sĩ có hình Học Lương trong đó để ghi nhớ mốc quan trọng trên đường hợp tác giữa họ, từ bấy Tôn luôn luôn là tham mưu tuỳ tòng cơ yếu của Trương.
Khi tiến quân vào Tây An, Trương Học Lương hạ trại tại ngõ Kim Gia, còn Tôn Minh Cửu trú ở ngôi nhà tứ hợp cách đó không xa, và hôm nay là nơi đón tiếp “Ngô tiên sinh”. Theo căn dặn của Học Lương, Minh Cửu bố trí lực lượng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đại biểu Hồng quân họ Ngô. Sau mấy ngày phục vụ, được biết “Ngô tiên sinh” chính là tướng quân Diệp Kiếm Anh, Minh Cửu càng cẩn trọng hơn. Và như vậy, một đường dây nóng Trương Học Lương - Diệp Kiếm Anh - Mao Trạch Đông được hình thành, chỉ riêng tháng 10 năm 1936, 18 mật điện đã liên lạc giữa Tây An và Bảo An. Ngày 29 tháng 10 năm 1936, Diệp Kiếm Anh điện khẩn: “Tưởng - Trương đã hội đàm, kết quả rất xấu, Tưởng tuyên bố phỉ không tiễu sạch thì quyết chưa kháng Nhật. Kiếm đề nghị sau ba ngày sẽ rời về Tây An báo cáo tỷ mỷ, đợi lệnh”. Thượng tuần tháng 11, Diệp Kiếm Anh nhận điện từ đại bản doanh “Trở về Bảo An thương lượng, nhân tiện nhờ Trương tướng quân tài trợ ít nhiều kinh phí”. Trương Học Lương lập tức đáp ứng năm vạn quan Quang Dương và hôm nay Diệp mang về cho Bộ trưởng Tài chính Hồng quân Lâm Bá Cừ.
Là một phó Tư lệnh của “Tây Bắc tiễu phỉ Tổng Tư lệnh bộ”, tại sao Trương Học Lương lại khẳng khái chi viện cho “phỉ” như vậy? Chuyện dài ấy đã bắt đầu từ cuộc mật đàm thâu đêm ở giáo đường Thiên Chúa thành Diên An.