Chương 3
TRONG GIÁO ĐƯỜNG THIÊN CHÚA

     áng ngày 9 tháng 4 năm 1936, một chiếc Ba-ưng (ngày nay phiên âm theo Boeing là ba-âm), cất cánh từ sân bay Lạc Xuyên, hồi ấy bóng dáng của máy bay trên bầu trời cao nguyên hoàng thổ là rất hiếm hoi. Chiếc Ba-ưng lao vào tầng không và bay về đâu thì chẳng ai đoán trước được, song có điều lịch sử còn ghi lại rằng, người lái chuyến bay ấy chính là tướng quân Trương Học Lương. Trương là con người đa tài đa nghệ, biết sử dụng mô-mô, ô-tô và cả máy bay. Năm 1934, khi Trương thắng xe đi thị sát vùng Ngạc Đông Ma, quan sở tại dẫn bộ hạ ra đón ông cách thành 30 dặm, đợi mãi mà không thấy, sau mới hay chiếc xe “dẫn đường” chính do tướng quân tự lái đã vượt qua từ lâu. Lại có lần vì việc cần Trương cưỡi mô-tô phóng một mình từ Thiên Tân về Bắc Kinh chỉ mất vài ba tiếng đồng hồ.
Trương Học Lương mua chiếc Ba-ưng làm chuyên cơ cho mình, bay đây bay đó, vừa nhanh chóng, vừa hiệu quả. Còn chuyến bay này do ông tự lái là nhằm bảo mật, “hành khách” gồm ba vị: Vương Dĩ Triết - chỉ huy quân đoàn 7 của Đông Bắc quân, Tôn Minh Cửu và một nhân vật thần bí khác. Chiếc máy bay lượn một vòng trên bầu trời Lạc Xuyên rồi lao về hướng bắc, cho đến lúc nhìn thấy dòng Diên Hà uốn lượn trên nền hoàng thổ và trông rõ đỉnh Bảo Tháp nơi ngọn núi bên sông, Trương Học Lương hạ độ cao và cho Ba-ưng từ từ đậu xuống bãi rộng - đây chính là Diên An. Đoàn phi hành bốn người đi về doanh trại của quân Đông Bắc đồn trú tại thành Diên An nghỉ ngơi và chờ người của khu đỏ phái ra. Đó là Xuyên Khẩu phía đông Diên An, đợi cho trời tối họ mới vào thành. Ba ngày trước đó, Trương Học Lương và Vương Dĩ Triết nhận được điện báo của Mao Trạch Đông và Bành Đức Hoài: “Ngày 8, đại biểu của phía chúng tôi là Chu Ân Lai và Lý Khắc Nông sẽ đến Diên An cùng Trương tiên sinh bàn mưu cứu Quốc, định khởi hành từ Ngõa Dao Bảo vào ngày 7, hẹn nhau tại Xuyên Khẩu chờ người của tiên sinh đón vào thành, mọi sự an toàn dám cậy nhờ tiên sinh bố trí thỏa đáng...”.
Phó đoàn cho Chu Ân Lai là Lý Khắc Nông, người An Huy, vào đảng năm 1926, năm 1928 bắt đầu đảm nhiệm công việc bí mật của phòng đặc vụ trung ương Trung Cộng ở Thượng Hải, năm 1931 là ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị. Lý là người từng giúp Chu Ân Lai thoát hiểm khi bị lộ do bọn đầu hàng khai báo, sau khi trường chinh về đến Thiểm Bắc ông giữ chức cục trưởng cục liên lạc và một trong các đối tượng mà Lý có quan hệ chính là Trương Học Lương. Đoàn của Chu Ân Lai gồm năm người được bí mật đưa tới nhà thờ xứ Diên An, Trương Học Lương đã chờ sẵn ở đó. Đây là lần đầu tiên Chu - Trương gặp nhau, lúc bấy giờ Chu còn để râu quai nón khiến Trương phải thốt lên “mỹ nhiêm công” (người có bộ râu đẹp). Trương Học Lương và “mỹ nhiêm công” vừa gặp nhau mà như đã quen thân từ lâu, nói cười vui vẻ. Năm mươi năm sau, khi trả lời phóng viên truyền hình NHK Nhật Bản, nhớ lại lần đầu quen biết Chu Ân Lai, Trương Học Lương đã dùng 12 chữ để bình phẩm họ Chu - phản ứng sắc sảo, nói năng xuất chúng, học thức uyên thâm!
Trương Học Lương giới thiệu với Chu Ân Lai nhân vật thần bí của mình, mà ông gọi là thư ký. Chu Ân Lai bật cười và bắt tay viên thư ký:
- Chào Lưu tiên sinh.
- Chào Chu tiên sinh! Chào Chu tiên sinh!
Trương Học Lương ngỡ ngàng vì Chu, Lưu đã biết nhau từ lâu. Đúng vậy, nhân vật “Lưu tiên sinh”“ chính là Lưu Đỉnh, 33 tuổi, người Tứ Xuyên, từng làm việc dưới quyền của Chu Ân Lai. Năm 1930, sau khi du học ở Liên Xô trở về Thượng Hải, Lưu Đỉnh dã đến báo cáo Chu Ân Lai và Chu đã bố trí cả hai vợ chồng Lưu Đỉnh - Ngô Tiên Thanh cùng làm việc tại phòng đặc vụ của Trung Cộng. Lưu thông minh, tháo vát, được Chu mến phục, còn Ngô quả là một nữ tướng, năm 1933 bà làm tổ trưởng điệp viên của cục tình báo Viễn Đông Quốc tế Cộng sản. Đang là đảng viên Trung Cộng, Lưu Đỉnh tự nhiên trở thành thư kí của tướng quân Quốc dân đảng, chuyện thật khúc khuỷu dài dòng, song cũng đều bắt nguồn từ một quan điểm “không liên Cộng kháng Nhật, ấy chỉ là nói suông...” và do đó Trương Học Lương cần có đại biểu Trung Cộng bên cạnh làm “bạn”, làm “thư kí” - sứ mạng đó đặt lên vai Lưu Đỉnh. Tương tự, những Lý Khắc Nông, Cao Phúc Nguyên v.v... đều có nhiệm vụ “xe chỉ luồn kim”, họ làm nên cuộc mật đàm đêm nay giữa Trương - Chu ở nhà thờ xứ thành Diên An.
 
TỪ “PHẢN TƯỞNG KHÁNG NHẬT”,
MAO TRẠCH ĐÔNG CHUYỂN KHẨU HIỆU THÀNH
“BỨC TƯỞNG KHÁNG NHẬT”
 
- Tôi lớn lên ở Đông Bắc - Chu Ân Lai tự giới thiệu.
- Tôi biết, Trương Học Lương đáp lại. - Thầy Trương Bá Linh cho tôi hay điều đó.
Trương Bá Linh, người Thiên Tân, đã có công sáng lập nên trung học Nam Khai, rồi đại học Nam Khai, và sau đó, năm 1948 đảm nhiệm chức viện trưởng Viện khảo thí của chính phủ Quốc dân đảng. Năm 15 tuổi, Chu Ân Lai học trung cấp ở Nam Khai, và lúc ấy thầy hiệu trưởng chính là Trương Bá Linh, Chu lấy làm ngạc nhiên vì sao Học Lương cũng là học sinh của Trương Bá Linh? Đang khi phân vân như vậy thì Chu bỗng nghe Trương cười vang:
- Trước đây tôi nghiện thuốc phiện, chích moóc-phin, nhưng nhờ Trương Bá Linh tiên sinh khuyên giải nên sau đó đã cai khử hoàn toàn, vì vậy mà tôn Người làm thầy!
- Thế là chúng ta cùng chung một sư tổ - Chu Ân Lai nhanh chóng ứng khẩu và kết thúc phần hàn huyên xã giao để đi vào chủ đề mật đàm.
Về kháng Nhật, hai bên không cần nhiều lời, sớm đã nhất trí, quân Nhật chiếm Đông Bắc, Trương phải bỏ bản quán tha hương, Phụng quân trên dưới một lòng kháng chiến trả thù, điều ấy không hẹn mà gặp, thật phù hợp với chủ trương của Trung Cộng, vấn đề còn lại là Tưởng Giới Thạch. Chu Ân Lai trình bày lập trường của Trung Cộng: vì Tưởng Giới Thạch thi hành chính sách “yên trong rồi mới dẹp ngoài”, “yên trong” ở đây là “tiễu Cộng”, cho nên Trung Cộng chúng tôi phải đưa ra khẩu hiệu “kháng Nhật phản Tưởng”, ông nói:
- Dám xin Trương tướng quân cho ý kiến.
Trương Học Lương rất trực ngôn, ông nhận thấy Hồng quân là người kháng Nhật chân chính nhất, điều ấy không còn phải nghi ngờ gì nữa, nhưng còn Tưởng Giới Thạch theo quan sát, Tưởng cũng có thể kháng Nhật, khẩu hiệu “kháng Nhật phản Tưởng” e không có lợi cho sự đoàn kết chống ngoại xâm. Trương trình bày thêm lí do, hiện nay Tưởng là phái có thực lực nhất trong nước, là chủ lưu của Quốc dân đảng, nếu “phản Tưởng” tức là gạt đi một lực lượng mạnh nhất. Tưởng nêu chính sách “yên trong rồi mới dẹp ngoài” tất nhiên là sai, nhưng chưa đến mức đầu hàng Nhật, ông ta đang đứng giữa ngã ba đường. Trương nói:
- Trong đám yếu nhân của Quốc dân đảng, tôi chỉ phục mỗi Tưởng Giới Thạch, ông ta có tinh thần dân tộc và năng lực lãnh đạo. Cho nên có thể hi vọng Tưởng kháng Nhật. Nhưng bên cạnh Tưởng Giới Thạch bao gồm nhiều phái thân Nhật, họ khiến ông ta không dám hạ quyết tâm đánh Nhật, vì vậy Tưởng đang lâm vào hoàn cảnh cực kì mâu thuẫn. Tôi chủ trương, bên trong chúng tôi khuyên, bên ngoài các ông bức làm cho Tưởng Giới Thạch thay đổi chính sách sai lầm, đi lên con đường kháng Nhật với chúng ta. Nếu quả tình Tưởng Giới Thạch đầu hàng giặc ngoại xâm, thì tôi sẽ từ chức và làm theo cách của mình.
Chu Ân Lai chăm chú lắng nghe Trương Học Lương trình bày chủ trương “kháng Nhật, thì phải liên Tưởng” và cảm thấy có lí:
- Tôi tán thành ý kiến của tướng quân, nhưng đây mới chỉ là cá nhân tôi, tôi phải về báo cáo với trung ương Trung Cộng bàn bạc và quyết định trước một chính sách lớn như thế này của tướng quân.
Trương Học Lương rất mãn ý với Chu Ân Lai, cuộc mật đàm kéo dài đến 4 giờ sáng hôm sau, trước khi chia tay, Trương tặng Chu tập bản đồ Trung Quốc vừa mới xuất bản với lời nguyện “cùng nhau bảo vệ Tổ Quốc”. Đoàn Trung Cộng trở về Ngoã Dao Bảo báo cáo Mao Trạch Đông, khi đi năm người, nay thêm Lưu Đỉnh nữa là sáu.
Thật là trùng hợp, lúc 12 giờ đêm ngày 9 tháng 4 năm 1936, khi Chu Ân Lai đang mật đàm với Trương Học Lương tại nhà thờ xứ Diên An. Mao Trạch Đông đã điện báo cho Trương Văn Thiên hoãn phát lệnh “thảo Tưởng”.
Ngày 5 tháng 5 năm 1936, với danh nghĩa Chủ tịch nước Cộng hoà xô viết nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Hội đồng quân sự Hồng quân cách mạng nhân dân Trung Quốc, Mao Trạch Đông và Chu Đức trong “Thông điện đình chiến, hoà đàm, nhất trí kháng Nhật” đã không sử dụng thuật ngữ “quân bán nước Tưởng Giới Thạch” nữa mà thay vì “ông Tưởng Giới Thạch” trung tính, không khinh không trọng. Ngày 1 tháng 9 năm đó (1936), Trung Cộng ban hành chỉ thị nội bộ chuyển khẩu hiệu “kháng Nhật phản Tưởng” thành “bức Tưởng kháng Nhật”.