Chương 4
ĐẠN TRÚNG UÔNG TINH VỆ
VÔ TÌNH CỨU NGUY CHO TƯỞNG GIỚI THẠCH

     rở lại với Tưởng Giới Thạch, một nhân vật chính khác của cuốn sách này, chúng ta thấy ông ta đang phải giáp mặt với ba đối thủ: về quốc tế - quân Nhật từng bước xâm lược, uy hiếp cuộc sống sinh tồn của Tưởng; về quốc nội - Trung Cộng do Mao Trạch Đông lãnh đạo ngày một lớn mạnh mà ông xem như đại hoạ bên trong; về đảng - Uông Tinh Vệ “bằng mặt mà không bằng lòng”, lăm lăm tiếm đoạt quyền lợi của nhau. Từ ngày 28 tháng 1 năm 1932, “thể chế Tưởng - Uông” được hình thành - Uông nắm chính quyền, Tưởng nắm quân đội và cả hai cùng nắm đảng. Nhưng hôm nay, mồng 1 tháng 11 năm 1935, những viên đạn của thích khách đã phá tan cái liên minh khiên cưỡng ấy. Đó là ngày đầu tiên của kì họp thứ 6 khoá 4 toàn thể Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng cử hành tại Nam Kinh. Theo thông lệ, đúng 7 giờ, tất cả uỷ viên trung ương tề tựu kính cẩn viếng lăng Tôn Trung Sơn, 9 giờ nghe Uông Tinh Vệ đọc diễn văn khai mạc dài khoảng 20 phút, sau đó cùng chụp ảnh lưu niệm tại sân hội trường. Hơn 100 vị xếp thành năm hàng, trước ngồi sau đứng, chính giữa đặt hai ghế cho Uông, Tưởng, nhưng vì việc gì đó mà Tưởng Giới Thạch đã không tham gia, nên trống một ghế. Đến 9 giờ 35 phút, các phó nháy, các phóng viên thay nhau bấm máy, ghi lại những khuôn hình lịch sử. Đúng vào lúc mọi người đứng dậy quay vào hội trường họp tiếp, thì vang lên tiếng hô “đả đảo quân bán nước” nổ ra từ trong đám tân văn kí giả và tiếp theo là ba phát súng, tất cả đều nhắm trúng Uông Tinh Vệ, ông ngã gục. Cả đám nháo nhác, Trương Tĩnh Giang hốt hoảng bò sát đất, Khổng Tường Hy lao nhanh vào gầm xe ô-tô gần đó, mỗi Trương Học Lương trấn tĩnh quay người ôm lưng hung thủ và đạp mạnh khẩu súng lục văng khỏi tay y, vệ sĩ ập tới và bắt ngay viên kí giả vừa nã đạn.
Nghe tiếng súng nổ, Tưởng Giới Thạch cùng vệ sĩ của mình chạy tới, quỳ xuống bên cạnh Uông Tinh Vệ. Uông máu me đầm đìa, tưởng mình sắp lìa đời nên quay lại trăn trối cùng Tưởng Giới Thạch:
- Tưởng tiên sinh, thế là huynh đã rõ, sau khi ta chết, mọi công việc chỉ mình huynh gánh vác.
Nhưng Trần Bích Quần, vợ Uông thì không khách sáo như vậy, bà nhìn chằm chằm vào các gương mặt uỷ viên trung ương rồi hất hàm về Tưởng Giới Thạch:
- Ông không muốn Uông tiên sinh đây làm việc thì nói toạc ra, chồng tôi cũng chẳng thèm, cớ sao lại phái người hãm hại?
Tưởng câm như hến, ngậm bồ hòn làm ngọt, cùng mọi người đưa Uông về bệnh viện cấp cứu. Súng nổ, rồi báo chí nổ, Tưởng Giới Thạch trở thành đôi tượng nghi vấn chủ mưu sát hại Uông Tinh Vệ, nhưng theo lời khai của hung thủ - Tôn Phượng Minh, phóng viên Thông tấn xã Thần Quang, ba viên đạn kia định dành cho Tưởng Giới Thạch, và không may Uông phải gánh chịu. “Thể thế Tưởng - Uông” chấm hết, ngày 12 tháng 11 năm 1935 - Ngũ toàn (đại hội khoá 5) của Quốc dân đảng được cấp tốc khai mạc, ngay sau đó ngày 7 tháng 12, Ban chấp hành trung ương bầu Hồ Hán Dân làm chủ tịch đảng, Tưởng làm phó, nhưng do Hồ bị bức ép ra nước ngoài lưu vong nên mình Tưởng Giới Thạch nắm tất cả quyền bính đảng, chính, quân.
Lại nói vê đối thủ Trung Cộng, Tưởng Giới Thạch nhiều lần càn quét lên Tỉnh Cương Sơn, năm lần vây ráp tiễu trừ Giang Tây - khu xô-viết trung ương, Hồng quân trường chinh lên mạn bắc, Tưởng đuổi theo và lập nên “Tây Bắc tiễu phỉ”. Mặc dầu đối mặt với hoạ xâm lăng, Tưởng Giới Thạch vẫn khăng khăng “yên trong rồi mới dẹp ngoài”. Năm 1935, ai đó đã gửi “tặng” Tưởng Giới Thạch một chiếc váy đàn bà kèm theo bài thơ trách móc tình yêu nước, kháng Nhật của ông. Lúc 5 giờ chiếu ngày 26 tháng 12 năm 1935, trung tướng Tục Phạm Đình dùng gươm tự sát trước lăng mộ Tôn Trung Sơn, để lại cũng bài thơ kích động lòng hận thù ngoại xâm. Những ngày cuối năm 1935 thật xáo động, Tưởng suy nghĩ lại các nước cờ đã đi và không khỏi phân vân cho tương lai, đành cũng phải hoà đàm với Trung Cộng, nhưng ông có cách “chơi” của mình.
NHỮNG “TUỲ VIÊN” TRÊN CON TÀU CỦA ĐỨC - POSTDAM
Hồi ấy ở Trung Quốc nổi lên “Tứ đại gia tộc”, đó là Tưởng Giới Thạch, Tống Tử Văn, Khổng Tường Hy, Trần Quả Phu và Trần Lập Phu. Hai anh em họ Trần, Quả Phu và Lập Phu có người chú ruột tên là Trần Kỳ Mỹ - ân nhân của Tưởng Giới Thạch, đã dẫn dắt Tưởng đi lên con đường chính trị từ buổi đầu gia nhập Đồng minh hội, Tưởng -Trần kết nghĩa anh em và do đó họ là bậc cha chú đối với “nhị Trần - Quả, Lập”. Trần Lập Phu từng du học ở Mỹ đậu bằng thạc sĩ ngành mỏ, năm 1926 làm thư kí cơ yếu cho Tưởng Giới Thạch, năm 1928 giữ chức chủ nhiệm cục điều tra trung ương Quốc dân đảng kiêm trưởng phòng cơ yếu hội đồng quân sự, đứng đầu Câu lạc bộ trung ương (CC - Central Club) - một tổ chức đặc vụ của Tưởng Giới Thạch, tại Ngũ toàn (đại hội khoá 5). Lập Phu được bầu làm uỷ viên thường vụ Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng.
Tưởng Giới Thạch chọn Trần Lập Phu và một người nữa cũng họ Trương tên Xung làm mật sứ cho mình, cả hai đều “thay tên đổi phận” thành Lý Dung Thanh, Giang Phàm Nam làm “tuỳ viên” cho đại sứ Trung Hoa dân quốc tại nước Đức và hôm nay sau Noel 1935 xuống tàu Postdam đi viễn dương. Tưởng Giới Thạch nghiên cứu các văn kiện đại hội lần thứ bảy của Quốc tế Cộng sản được cử hành từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1935 tại Mạc Tư Khoa, và biết rằng đoàn đại biểu Trung Quốc đề xuất thành lập “Chính phủ quốc tế nhân dân thống nhất toàn Trung Quốc”, lãnh đạo Quốc tế Cộng sản “hoàn toàn tán thành ý kiến đề nghị của Trung Cộng”. Trước đây khi ở thăm Liên Xô, Tưởng Giới Thạch cũng đã bái kiến Quốc tế Cộng sản, ông hiểu sâu sắc rằng, Quốc tế Cộng sản là thượng cấp của Trung Cộng và do đó nước cờ của Tưởng trong thế hoà đàm với Mao Trạch Đông là “bỏ gần mà cầu xa”, đưa hai “tuỳ viên” Trần, Trương sang Âu châu, lần đến Liên Xô, liên lạc với Quốc tế Cộng sản và cuối cùng đề nghị thành lập Đồng minh Trung - Xô kháng Nhật và như vậy sẽ buộc Trung Cộng “quy phục”.
Hành tung của Trần Lập Phu và Trần Xung được bảo mật nghiêm ngặt, thế mà vẫn không giấu nổi tình báo Nhật. Trần, Trương sau khi đến Ý, đang liên lạc với Mạc Tư Khoa thì báo chí ở Nhật đưa tin “mật sứ của Tưởng Giới Thạch muốn thăm Liên Xô”, Tưởng đành thu quân triệu hồi hai vị “tuỳ viên” về nước. Nhưng khi họ vừa đặt chân lên Tân Cương thì lại nhận được điện báo của Tưởng Giới Thạch yêu cầu quay sang Mạc Tư Khoa cùng với Đặng Văn Nghi thực hiện sứ mạng chưa hoàn thành.
Đặng Văn Nghi, 31 tuổi, người Hồ Nam, là học sinh khoá 1 trường quân sự Hoàng Phố, sau đó được cử sang Liên Xô học tiếp hai năm, về nước làm phó trưởng ban chính trị của trường, giúp việc cho trưởng ban Chu Ân Lai, từ năm 1928 là thư kí và tham mưu tuỳ tùng cho Tưởng Giới Thạch, mùa đông năm 1931 lại sang Liên Xô và giữ chức võ quan tại đại sứ quán của Trung Hoa dân quốc. Vào thời gian Trần Lập Phu và Trương Xung xuống tàu Postdam viễn du, Đặng Văn Nghi rời Nga về nước báo cáo công tác, vừa đến Tân Cương thì ngày 9 tháng 12 năm 1935 tờ “Thời báo cứu quốc” của Trung Cộng xuất bản ở Paris đăng bài phát biểu của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Quốc tế Cộng sản, lần đầu tiên dùng cách xưng hô - “Tưởng Tổng Tư lệnh Nam Kinh”. Bài phát biểu nêu rõ: nhanh chóng đình chỉ những cuộc “nồi da xáo thịt”, đoàn kết mọi đảng phái, mọi quân đội, chấm dứt nội chiến, tập trung mũi súng vào quân xâm lược. Tưởng Giới Thạch nắm bắt nguồn tin quan trọng này nên đã chỉ thị cho Đặng Văn Nghi quay lại Mạc Tư Khoa, hiệp sức cùng Trần Lập Phu và Trương Xung tìm cách hội đàm với đại diện của Trung Cộng ở Quốc tế Cộng sản.
Kể từ sau năm 1927, đây là lần đầu tiên Quốc - Cộng lại “nắm tay nhau”, nhưng tạm ở xứ người. Đặng Văn Nghi trao cho Vương Minh ba điều kiện của phía Tưởng Giới Thạch: (1) Huỷ bỏ chính phủ xô-viết Trung Quốc, tất cả những người lãnh đạo và viên chức của Chính phủ này sẽ về làm việc tại Chính phủ Nam Kinh. (2) Cải biên Hồng quân công nông thành quân cách mạng Dân quốc, vì muốn đánh thắng Nhật thì phải thống nhất chỉ huy quân đội. (3) Khôi phục hình thức Quốc - Cộng hợp tác thời kì 1924 -1927 hoặc áp dụng hình thức nào đó nhưng vẫn đảm bảo sự tồn tại độc lập của Trung Cộng.
Vương Minh lắng nghe Đặng Văn Nghi nói tiếp:
- Đương nhiên Hồng quân sẽ không nhận người của Quốc dân đảng rồi, nhưng hai bên có thể trao đổi chuyên gia chính trị để tỏ lòng tin cậy lẫn nhau. Tưởng uỷ viên trưởng chúng tôi biết Hồng quân thiếu vũ khí, đạn dược và lương thảo, ngài đồng ý chi viện, thậm chí cả binh lính nữa và yêu cầu Hồng quân tiến ra tiền tuyến Nội Mông, còn chúng tôi sẽ bảo vệ lưu vực Trường Giang!
Con người có vóc dáng ngũ đoản như Vương Minh không dại gì mà mắc mưu Tưởng Giới Thạch, và cũng đủ khôn ngoan nhận biết thân phận mình, ông nói:
- Hồng quân chắc chắn là không thể tiến ra tiền tuyến Nội Mông, song có một điều các ngài nên nhớ: Quốc tế Cộng sản tuy là thượng cấp của Trung Cộng, nhưng muốn tiến hành đàm phán Quốc - Cộng thì phải tìm đến Ban chấp hành trung ương của Trung Cộng, phải tìm đến Mao Trạch Đông, ông ta mới là người quyết định cuối cùng.
Đặng Văn Nghi điện báo cho Tưởng Giới Thạch và nước cờ “bỏ gần mà cầu xa” của Tưởng tạm dừng, ông sẽ làm cách nào để gặp lại đối thủ của Mao Trạch Đông?