Chương 2
LÃO NHÂN CỬU TRẬT NHỚ CHUYỆN XƯA

     ửu trật đại thọ của Trương Học Lương cử hành tại Đài Bắc đúng vào ngày 31 tháng 5 năm 1990 với sự tham gia của hơn 80 vạn quan chức Quốc dân đảng, trên thực tế đây là dịp “minh oan” cho một ông già vừa tròn 90 tuổi và Trương trở thành nhân vật của báo chí, lại “chấn động” dư luận như năm nào ông dấy binh phát động sự biến Tây An.
Trương Học Lương sinh ngày 17 tháng 4 năm Tân Sửu. Năm 1928, ngày âm lịch ấy nhằm đúng dương lịch mồng 4 tháng 6, cầu đường sắt Thẩm Dương bị Nhật đặt mìn đánh gãy, đoàn tàu của Trung Quốc chìm sông, thân phụ của Trương là Tác Lâm tử vong. Từ đó, Học Lương lấy ngày cha qua đời làm sinh nhật cho mình để khắc cốt ghi xương mối thù với quân Nhật. Hôm nay sau hơn nửa thế kỷ, người phỏng vấn ông lại là một ký giả trẻ của Nhật, họ muốn quay về cái ngày sinh nhật tắm máu ấy của Trương. Ông nói:
- Thù nhà nợ nước đặt lên vai tôi, quyết không đội trời chung cùng kẻ thù. Phụ thân tôi qua đời, chính phủ Nhật Bản phái đặc sứ đến an ủi tôi, người đó tên Lâm Quyền Trợ - một nhà Trung Quốc học, tôi trả lời ông ta: Lâm tiên sinh, ông suy nghĩ quả là chu đáo, nhưng có điều ông vẫn không rõ, tôi là người Trung Quốc.
Liền sau đó Trương Học Lương cho hạ cờ Đông Bắc quân, treo cờ thanh thiên bạch nhật của Tôn Trung Sơn. Trong ba ngày cả ba tỉnh Đông Bắc rợp một màu cờ Trung Hoa dân quốc, lập tức ngày 11 tháng 3 năm 1928, Trương Học Lương được chính phủ phong cấp quan Tư lệnh quân biên phòng Đông Bắc.
- Từ bấy, tôi và Tưởng tiên sinh bắt đầu hợp tác với nhau. Quan hệ cá nhân giữa chúng tôi là rất tốt; ông ấy qua đời, tôi đã đến viếng, nhưng về công việc thì có thể dùng vế đối sau đây để diễn đạt, đó là: “Chính kiến chi thanh uyển nhược cừu địch” hoàn toàn trái ngược với “Quan hoài chi yên tình đồng cốt nhục”. Cuộc đấu tranh chính kiến giữa tôi và Tưởng Tổng thống tập trung vào bốn chữ “yên trong” và “dẹp ngoài”, còn tôi “dẹp ngoài rồi mới yên trong”. Tôi căn bản không đồng ý tiễu Cộng, quân Đông Bắc chỉ muốn trở về quê hương, chỉ muốn giải phóng bản quán khỏi ách xâm lược của phát xít Nhật, kẻ thù của họ đâu phải Hồng quân mà đánh đấm cho tổn hao binh lực.
Hồi ấy tinh thần kháng Nhật lên cao, chính phủ thì lừng khừng, do dự nên Trung Cộng đã phất cờ dân tộc chiếm được lòng dân. Về phần mình, ý nguyện không muốn giao tranh cùng Hồng quân tôi phải giấu kín trong lòng vì còn phải tuân thủ kỷ luật của nhà binh.
Quay lại sự biến Tây An, Trương Học Lương không cần giải thích gì thêm, đó là tất yếu của “chính kiến chi tranh” mặc dầu về quan hệ cá nhân là “tình đồng cốt nhục”, song ông khái quát:
- Tình hình lúc ấy “tam quốc tứ phương”: Nhật Bản, Trung Hoa dân quốc của Quốc dân đảng, Cộng hòa xô-viết nhân dân Trung Hoa của Trung Cộng, và trong nội bộ thì có hai phương: Tưởng Giới Thạch một bên và Trương Dương một bên. Quan hệ đan chéo nhau thật là phức tạp, và do đó chúng tôi phải khôn ngoan xử lý mọi tình thế.
TIÊN LỄ, HẬU BINH
 
Trương Học Lương đã nói “chính kiến chi tranh” giữa ông và Tưởng Giới Thạch tồn tại từ lâu, nhưng “không mấy gay gắt” vì còn “tình đồng cốt nhục”. Song sự kiện vây bắt Tưởng ở Hoa Thành trì là “gay gắt” đến mức không còn cách nào khác hơn, Trương Học Lương nhiều lần “ngôn gián” mà vẫn không được nên phải dùng đến vũ lực, đúng như cố nhân dạy “tiên lễ” rồi mới “hậu binh”. Tất nhiên sự “gay gắt” nêu trên là cả một quá trình, những ngày Tưởng Giới Thạch “tị thọ” ở Lạc Dương, Trương Học Lương đã nhiều lần giải bày nỗi thống khổ ấm ức trong lòng mình với Tưởng:
- Tôi nợ nước chưa trả, thù nhà chưa báo, ấy mà lại bị người đời trách móc là “tướng quân không đề kháng”, thật có lỗi với quốc dân, với đồng bào, với thân phụ... hay là ủy viên trưởng hãy đình chỉ nội chiến, cùng nhau đánh Nhật.
- Hồng quân đã đến lúc mạt vận, chỉ cần gắng thêm một ít nữa thôi là có thể tiêu diệt chúng, lúc ấy bên trong sẽ yên và ta mới có thể chống bên ngoài. - Tưởng Giới Thạch trả lời Trương một cách cương quyết.
Sau đó Trương Học Lương cùng Diêm Tích Sơn lần nữa khuyên can Tưởng Giới Thạch, Tưởng vẫn một mực hăm doạ:
- Tôi phục tùng các anh, hay các anh phục tùng tôi?
Hôm giảng bài ở phân hiệu trường quân sự Lạc Dương, Tưởng nói bóng gió: “Có người muốn liên Cộng, kẻ đó không bằng cả Ân Như Canh”. Ân Như Canh vốn là người Quốc dân đảng, tháng 11 năm 1935 câu kết với đặc vụ Nhật và trở thành đại Hán gian, dự định thành lập “chính phủ tự trị” thân Nhật ở năm tỉnh Hoa Bắc (bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông). Như vậy là Tưởng ngầm cảnh cáo Trương, anh muốn liên minh với Trung Cộng thì quá ư tồi tệ còn hơn cả thằng Hán gian.
Tưởng Giới Thạch biết quân Đông Bắc của Trương Học Lương và quân Tây Bắc của Dương Hổ Thành không muốn tiễu Cộng nên ngày 6 tháng 12 năm 1936 triệu hồi Trương, Dương về hành cung Hoa Thanh trì răn đe: “Bất luận như thế nào, đây cũng là lúc thảo phạt đảng Cộng sản, ai chống lại lệnh này... Trung ương không thể không trừng phạt đích đáng”, ông đưa ra phương án và buộc Trương, Dương tự chọn: hoặc Đông Bắc quân và Tây Bắc quân cùng hành quân lên Thiểm Bắc tấn công Hồng quân, hoặc không muốn tiễu Cộng thì Đông Bắc quân sẽ điều về Phúc Kiến, Tây Bắc quân sẽ điều về An Huy, giao hai tỉnh Thiểm Cam cho quân trung ương lên thay thế làm nhiệm vụ thanh toán Cộng sản. Cả hai phương án đều dồn Trương, Dương vào tận chân tường. Ngày hôm sau, mồng 7, vẫn nuôi ít nhiều hy vọng Trương Học Lương lại đến Hoa Thanh trì can gián Tưởng Giới Thạch lần nữa:
- Quân Nhật xâm chiếm nước ta, lòng tham vô độ, ba tỉnh Đông Bắc đã mất và sau đó năm tỉnh Hoa Bắc còn mà cũng như không, gần đây chúng lại lăm le tiến công Nội Mông và chắc chẳng bao lâu sẽ đến lượt Tây Bắc vùng này. Sự tồn vong của quốc gia dân tộc đã đến bước tận cùng, thưa ủy viên trưởng, không kháng Nhật thì không thể nào giữ nước, không đình chỉ nội chiến thì không thể nào cứu dân, tiếp tục tiễu Cộng là xem như tuyệt lộ! Giờ đây, thưa ủy viên trưởng, kháng Nhật là hàng đầu, là số 1, vấn đề Hồng quân có thể dùng phương pháp chính trị giải quyết, chỉ có nhất trí cùng nhau dẹp ngoài thì mới có lòng yên trong, hễ phát động chống ngoại xâm là tức khắc thống nhất được dân tộc. Tinh thần và quyết tâm đánh Nhật của Đông Bắc quân tôi rất cao, chỉ còn đợi lệnh của ủy viên trưởng.
Tưởng Giới Thạch im lặng lắng nghe và lập tức như một ngọn dao đâm thẳng vào Trương Học Lương:
- Anh hiểu Cộng sản tường tận như vậy ư? Anh bị chúng huyễn hoặc mất rồi! Nên nhớ: kẻ thù lớn nhất lúc này của Trung Quốc không phải là Nhật Bản, mà là đảng Cộng sản. Nay là cơ hội tiêu diệt đảng Cộng sản, anh không chủ trương tiễu trừ mà lại liên minh thì thật là phản động. Bây giờ anh có cầm súng bắn tôi, kế hoạch tiễu Cộng của tôi vẫn không thể thay đổi!
Mọi công sức “ngôn gián”, “tiên lễ” của Trương đều vô hiệu. Sau đó đến lượt Dương Hổ Thành gặp Tưởng Giới Thạch, cũng hết lời khuyên can, Tưởng vẫn thế:
- Anh là đồng chí tiền bối của đảng ta, anh phải hiểu chúng ta và Cộng sản là không thể chung sống với nhau, có tiêu diệt Cộng sản tôi mới kháng Nhật, thay đổi quan cấp, tôi chuẩn y!
Sự tình là như thế và Trương, Dương buộc phải dùng đến hạ sách “hậu binh”, vây bắt Tưởng Giới Thạch trên núi Li Sơn đúng vào ngày 12 tháng 12 năm 1936, ngày mà Tưởng đã dự định phát động đợt thứ 6 cuộc tổng công kích Trung Cộng.
Nơi Tưởng Giới Thạch lâm nạn ở Li Sơn, người ta dựng nên một cái đình, đầu tiên bằng gỗ lợp tranh và gọi là “Mông nạn đình”, sau đổi “Phục hưng đình”. Năm 1946, Hồ Tôn Nam cho huỷ đình cũ, xây mới bằng bê tông cốt thép, đặt lại tên “Chính khí đình”. Năm 1950 đổi thành “Tróc Tưởng đình” (đình bắt Tưởng), năm 1986 nhân kỷ niệm 50 năm sự biến Tây An, đình này lại cải danh là “Binh gián đình”. Mỗi thời đã không giống nhau, có lúc rất cụ thể như “lánh nạn”, “bắt Tưởng”, có lúc lại trừu tượng như “chính khí”, “phục hưng”, nhưng đúng với những người trong cuộc thì “can gián bằng binh lực” là hay nhất, còn sau này trong tương lai sẽ như thế nào, nay chưa ai dám nói.