DIỆP VĨNH LIỆT
CUỘC CỜ THẾ KỈ
(Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch)

Tiểu dẫn

     rung Quốc thế kỉ XX, tựa như một cuộc cờ sóng gió bao la, nổi chìm khúc khuỷu mà quyết định vận mệnh cả dân tộc, đất nước.
Người cầm quân xanh, đầu không sợi tóc, mặc áo trường bào, khi nói thích kéo âm nhấn điệu, đặc một giọng “quan thoại” kiểu Triết Giang, cẩn trọng lời lẽ nụ cười, nhưng vội vã nóng lên cũng từng mắng chửi “niáng-xi-pỉ”.
Người cầm quân đỏ, tóc dài chải ngược, chuyên mặc mỗi kiểu Trung Sơn, nói năng không nhanh không chậm, khẩu âm Hồ Nam, bình thường hay nói nói cười cười, giàu chất trào lộng châm biếm, khi nổi trận lôi đình không khỏi mắng nhiếc “fang-pi”.
Hai người đểu có phong độ nam nhi hảo hán, cao khoảng một mét tám mấy gì đó, người không có tóc nhỉnh hơn người tóc dài đâu một phân thì phải, người treo “thanh thiên, bạch nhật, mãn địa hồng” (1), người tôn suy cờ đỏ búa liềm.
Hai bên chức tước, vương vị như sau:
Tổng tài Quốc dân đảng Trung Quốc, Tổng thống Trung Hoa dân quốc.
Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà xô viết Trung Hoa (sau này là Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa).
Lực lượng quân đội dưới quyền chỉ huy của họ:
Quân cách mạng Trung Hoa dân quốc.
Quân cách mạng công nông Trung Quốc (sau đổi thành Hồng quân công nông Trung Quốc, và lại đổi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc).
Về chức vụ quân ngũ:
Một bên là Đại nguyên soái hải, lục, không quân, Chủ tịch hội đồng quân sự. Tổng Tư lệnh. Một bên là Chủ tịch Quân uỷ Trung ương.
Danh tính của hai người:
Tưởng Thuỵ Nguyên, phổ danh Chu Thái, học danh Chí Thanh, tự Giới Thạch, sau này phỏng theo Tôn Trung Sơn, cải danh thành Trung Chính. Người đời thường gọi Tưởng Giới Thạch, giới có nghĩa là “đại”, giới thạch vì thế mà hiểu là “cự thạch” (hòn đá lớn), tất cả đều từ phổ danh chữ “thái” suy ra.
Mao Trạch Đông, tự Nhuận Chi (chữ “chi” có thể viết theo hai nghĩa), bút danh Nhị Thập Bát Hoa Sinh (ba chữ Hán mao - trạch - đông viết theo phồn thể gồm 28 nét, nên bút danh trên có nghĩa: người mang tên 28 nét). Người đời dùng bản danh Mao Trạch Đông mà xưng tụng, chữ “trạch” lấy trong tuần tự các đời của họ Mao là Tổ - Ân - Di -Trạch - Viễn) (2) còn “đông” muốn chỉ phương mặt trời mọc, đang dần dần vươn lên. Ông thường kính phục Lương Khải Siêu (Lương Nhậm Công) đã có biệt hiệu “Tử Nhậm”, đến lượt mình chọn tên chữ “Nhuận Chi”, trong đó chữ “nhuận” suy từ chữ ““trạch” mà ra, ta vẫn nói “vũ lộ tư nhuận” (mưa móc tưới nhuần khắp nơi).
Hai người sinh cùng thời, Tưởng Giới Thạch lớn hơn Mao Trạch Đông 5 tuổi, và chết trước 1 năm. Tưởng Giới Thạch thọ 88 tuổi, Mao Trạch Đông 84, như vậy trong đó họ có những 83 năm từng “chung sống với nhau trên thế gian này”.
Luận về khí chất, hai người quả nhiên khác nhau. Tưởng Giới Thạch khí chất quân nhân, mỗi sớm tinh mơ đều thức dậy luyện tập, luôn đọc tam bảo thư: “Truyện Bismarck”, “Tằng hồ trị binh ngữ lực” và “Tằng văn chính công gia thư”. Tưởng Giới Thạch không hút thuốc, không uống rượu, thậm chí không ẩm trà, chỉ dùng nước trắng đun sôi, ưa các hải sản tươi, rau muối xào cá hoặc rau khô Thiệu Hưng.
Mao Trạch Đông tư chất thi nhân, thiện nghệ sáng tác thơ ca, thảo chương, đề từ, thức khuya dậy muộn, sách vở không rời tay, ông đã đọc không biết đến bao nhiêu lần cuốn “Tư trị thông giám”, muôn từ trong rối loạn của lịch sử tìm ra đôi điều kinh bang tế thế. Mao Trạch Đông chỉ uống chút ít rượu nho, nhưng liều mạng hút thuốc, ưa uống trà đậm, ăn ớt cay, và thường lấy thịt nướng làm thuốc “bổ não”.
Hai người có hành trình chính trị tương tự.
Năm 1924, Tưởng Giới Thạch được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường sĩ quan lục quân Quốc dân đảng Trung Quốc (vì trường đóng quân tại Hoàng Phố - Quảng Châu, nên người ta thường gọi là Trường quân sự Hoàng Phố), và từ đó thế lực của ông trong quân đội ngày một phát triển, nắm dần quân quyền, từ uỷ viên hội đồng quân sự trở thành Tổng giám, rồi Tổng Tư lệnh Quân cách mạng Quốc dân đảng. Tưởng Giới Thạch xem quân đội là mạng sống của đời mình.
Còn Mao Trạch Đông, mùa thu năm 1927, phát động khỏi nghĩa nông dân ở Hồ Nam, đảm nhận chức bí thư ban chấp hành tiền phương, sau đó cùng Chu Đức hội sự tại Tĩnh Cương Sơn - Giang Tây, thành lập Quân cách mạng công nông Trung Quốc, Chu Đức làm chỉ huy, Mao Trạch Đông là người đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ đó Hồng quân Chu - Mao bắt đầu đổi địch với Tưởng Giới Thạch và một danh ngôn của Mao Trạch Đông - “họng súng đẻ ra chính quyền” cũng bắt đầu lưu truyền cùng thời.
Mao Trạch Đông từng nói, Tưởng Giới Thạch “xem quân đội như sinh mạng”, “có quân đội là có chính quyền, đấu tranh giải quyết tất cả”. Ông cười mà cho rằng: quân đội đối với Tưởng Giới Thạch như hòn đá treo trên cổ của Giả Bảo Ngọc, “về điểm này cần phải học tập ông ấy, và Tưởng Giới Thạch quả là tiên sinh của chúng ta!”
Mao Trạch Đông lại nói, “Đảng viên cộng sản không dành binh quyền cho cá nhân, mà vì đảng và nhân dân”. Ông cho rằng “họng súng đẻ ra tất cả”, “thế giới chỉ có thể cải tạo bằng súng ống”. (3)
Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch đều là bạn của Nixon - Tổng thống Mỹ, Nixon đã so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hai người như sau:
“Hai ông đều là người phương Đông và thật trùng hợp kì lạ, Mao Trạch Đông đi ra nước ngoài chỉ có 2 lần, năm 1949 và năm 1957, đều sang Mạc Tư Khoa để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Liên Xô; Tưởng Giới Thạch cũng vậy, 2 lần, năm 1923 đi Liên Xô và năm 1943 với tư cách đại biểu của một trong bốn cường quốc dự hội nghị Cairo, Ai Cập. Ngoài công vụ hàng ngày, hai ông đều dành thời giờ ở nhà, rất ít xuất ngoại, Mao Trạch Đông làm thơ, còn Tưởng Giới Thạch thì bách bộ, ngâm vịnh cổ thi. Mao Trạch Đông phản đối sự chuyên chế của người cha và cả chế độ xã hội đương thời, Tưởng Giới Thạch phản đối sự hủ bại và quỳ gối nước ngoài của triều Mãn Thanh, cắt bím tóc đuôi sam trước Mao Trạch Đông 7 năm, hai vị đều là những nhà cách mạng”.
“Sự khác nhau giữa họ có chỗ nhìn rõ ngay, có chỗ rất sâu kín. Mao nói cười ung dung tự tại, trào lộng, châm biếm, còn Tưởng ít khi hàm tiếu và hay kín đáo. Chữ viết của Mao như rồng bay phượng múa, không phân rõ hàng lối, ngược lại Tưởng viết rất đoan chính, vuông vức, cách ô, cách hàng cẩn thận. Nói một cách cụ thể hơn, họ đều xem Trung Quốc là thần thánh, nhưng cách biểu hiện khác nhau. Cả hai đều yêu mến mảnh đất này, nhưng Mao thì muốn quét sạch tất cả quá khứ, còn Tưởng chủ trương xây dựng từ đây. Sau khi thu hút được thắng lợi, Mao giản hoá chữ Hán, vừa để cho người dân dễ dàng học tập thoát nạn mù chữ và, theo tôi, vừa xoá đi những hàm ý rối rắm lịch sử đọng lại trong phồn thể của Hán tự. Tưởng thua trận, lúc bỏ chạy ra đảo Đài Loan chỉ kịp mang theo 400.000 văn vật đồ cổ, “vứt” lại hầu như rất nhiều trợ thủ, thuộc hạ từng trung thành với ông tại Hoa Lục”.
Tưởng Giới Thạch ưa sạch sẽ, ngăn nắp, văn phòng và doanh trại của ông đâu vào đấy, chỉnh tề, bóng loáng. Có một lần lưu trú tại chiêu đãi sở Phúc Đại - Đài Loan, không may khi tản bộ, Tưởng Giới Thạch ngẫu nhiên nhìn thấy bãi phân chó bên vệ cỏ. Ông nổi lôi đình, mắng chửi viên chủ quản chiêu đãi sở, khiến y ức quá mà chết luôn. Mao Trạch Đông cũng rất sạch sẽ, trong cuộc Vạn lí trường chinh từ Hoa Nam lên Diên An, ông chưa hề ngủ trên bất cứ giường của một ai, mà qua đêm bằng các tấm ván cửa. Ông ưa sạch, nhưng không chỉnh tề ngăn nắp, văn phòng, thư phòng và giường ngủ của Mao Trạch Đông đều bề bộn hàng chồng sách mới xem được một nửa. Mao Trạch Đông thích xem nhiều cuốn sách có nội dung hoàn toàn khác nhau, còn Tưởng Giới Thạch đọc xong cuốn này rồi mới lật sang cuốn khác.
Văn bản mà Tưởng Giới Thạch phát biểu, công bố phần lớn do thư kí dự thảo và ông sửa đi sửa lại nhiều lần. Ngược lại, Mao Trạch Đông như có cái duyên cầm bút, tự tay thảo chương, viết lách những gì sẽ nói sẽ đọc, một vài bài phát biểu miệng của ông do thư kí ghi chép hiện trường, chỉnh lí, trình duyệt sau để làm tài liệu. Không những thế, Mao Trạch Đông còn lấy danh nghĩa người bình luận của Tân Hoa xã, Nhân Dân nhật báo, Giải Phóng nhật báo viết xã luận, bài vở thậm chí kí cả tên của Chu Đức hay Bành Đức Hoài nữa.
Mao, Tưởng đối lập suốt cả một đời, hai chữ “chống cộng” luôn luôn quán xuyến đối với Tưởng Giới Thạch, đến như “một nước Trung Hoa” mà hai người thường nhắc tới cũng hoàn toàn khác nhau, một bên là CHND Trung Hoa, một bên là Trung Hoa dân quốc.
Đối thủ của Tưởng Giới Thạch trong Quốc dân đảng là Uông Tinh Vệ và Hồ Hán Dân, phải qua năm lần bảy lượt đấu tranh giành giật, mãi tới hội nghị Vũ Xương tháng 3 năm 1939 Tưởng Giới Thạch mới được bầu là Tổng tài, xác định vị trí lãnh tụ của ông trong Quốc dân đảng. Còn đối thủ của Mao Trạch Đông là Vương Minh, Bác Cổ, Trương Quốc Đào, và cũng phải tới tháng 1 năm 1935, tại hội nghị Tuân Nghĩa ông mới trúng cử Chủ tịch Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành lãnh tụ của đảng này.
Về đường hôn nhân luyến ái của hai người, kì lạ thay, cũng khá tương đồng.
Năm 14 tuổi, do thân mẫu là Vương Thái Ngọc chủ hôn, Tưởng Giới Thạch lấy Mao Phức Mai lớn hơn mình 5 tuổi làm vợ (về sau do chữ “phức” khó nhận biết, dân quê bèn gọi là Mao Phúc Mai). Khi lên Thượng Hải, ông đã cùng chung sống với Diêu Di Thành người huvện Ngô, tỉnh Giang Tô, sau đó lại là Trần Khiết Như người Tô Châu, cuối cùng, với Tống Mỹ Linh kết thành vợ chồng chính trị. Người đời thường lấy chữ “Trung” trong Tưởng Trung Chính và chữ “Mỹ” trong Tống Mỹ Linh gắn với nhau và gọi đó là “cuộc hôn nhân Trung Mỹ” đầy huyền bí.
Mao Trạch Đông cũng 4 lần hôn thú, cũng năm 14 tuổi, vâng lời cha mẹ lấy người con gái họ La hơn mình 4 tuổi làm vợ, nhưng hai vợ chồng chưa hề ăn ở với nhau. Sau đó, lúc ở Trường Sa, Mao Trạch Đông yêu Dương Khai Tuệ và đã kết hôn. Khi lên Tỉnh Cương Sơn cùng chung sống với Hạ Tử Trân người Vĩnh Tân - Giang Tây. Thời kì ở Diên An, Giang Thanh - nữ diễn viên điện ảnh Thượng Hải (nghệ danh Lam Bình, bản danh Lý Vân Hạc) xuất hiện và cuối cùng Mao Trạch Đông chọn người này.
Tưởng Giới Thạch là một lãnh tụ độc tài với bàn tay sắt, ông thực hiện hình thức thống trị “tam nhất” (ba một): một chính đảng, một chủ nghĩa, một lãnh tụ, đó là Quốc dân đảng, chủ nghĩa tam dân và có lẽ mỗi một Tưởng Giới Thạch mà thôi. Tháng 7 năm 1945, tại Diên An, Mao Trạch Đông đã nói “Tưởng tiên sinh cho rằng thiên vô nhị nhật, dân vô nhị chủ, tôi, không tin là thuyết nên cứ để hai mặt trời mọc lên cho ông ấy xem xem”.
Quả nhiên Trung Quốc xuất hiện cục diện “thiên hữu nhị nhật, dân hữu nhị chủ”, kỳ thực thì trước khi Mao Trạch Đông đề xướng luận thuyết nêu trên, cục diện này đã xảy ra và tồn tại cho tới nay, lúc hai ông Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông đều đã qua đời.
Tưởng Giới Thạch một bên, Mao Trạch Đông một bên, với bàn cờ là 9,6 triệu cây số vuông lãnh thổ Trung Quốc và hai bên đã “chơi” một cuộc cờ làm chấn động cả thế giới.
Ghi lại cuộc cờ này, chúng ta sẽ được một bộ lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Tất nhiên, trong cuộc đấu tranh phức tạp nêu trên không thiếu gì những cảnh gươm đao, súng đạn, pháo dập, lửa thiêu v.v... cũng có lúc hai bên phái khiển mật sứ, bàn việc nội trướng, đánh đánh đàm đàm, đàm đàm đánh đánh. Hai bên từng không tiếc lời chửi nhau, Tưởng Giới Thạch chửi Mao Trạch Đông là “Mao phỉ”, “phỉ đỏ”, “cộng phỉ”, “gian đảng”, “gian quân” v.v... ngược lại, Mao Trạch Đông chửi Tưởng Giới Thạch là “độc phu dân tặc”, “kẻ thù chung của nhân dân”, “tội phạm chiến tranh số 1”, “bọn phỉ Tưởng” v.v... xem ra ngôn từ có vẻ phong phú hơn.
Ấy mà có lúc hai vị chủ soái đã tay bắt mặt mừng, cụng li cạn cốc, xưng hô lịch sự “Mao tiên sinh”, “Tưởng tiên sinh”. Những ngày hoà đàm ở Sơn Thành, Mao Trạch Đông biết Tưởng Giới Thạch không hút thuốc và cũng không ưa người nói chuyện với ông hút thuốc, bạn bè cận thần của Tưởng Giới Thạch là tay ghiền thuốc mỗi lần đi gặp ông đều phải súc miệng sạch sẽ, tránh hơi thuốc phả ra, gây khó chịu cho Tưởng Giới Thạch. Tất nhiên, Mao Trạch Đông không đến nỗi phải cần súc miệng, nhưng để tôn trọng Tưởng Giới Thạch, ông đã “cai thuốc” khi ngồi vào bàn hoà đàm hay nói chuyện ngoài hành lang. Tiểu tiết này làm Tưởng Giới Thạch vô cùng cảm động, ông nói với thuộc hạ: “Mao Trạch Đông, con người này không thể xem thường, ông ta là tay ghiền thuốc, hết điều này sang điếu khác, nghe nói cả ngày phải cả ống (khoảng 50 điếu), thế mà lúc biết ta không hút thuốc, Mao tiên sinh đã tuyệt nhiên tạm ngừng khi đôi bên trò chuyện, tinh thần và quyết tâm ấy thật đáng trọng thị”. Còn Mao Trạch Đông, ông ưa dí dỏm, khi trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí Quốc dân đảng: “Ngài có ấn tượng gì về Tưởng tiên sinh?”, ông nói: “Chữ Tưởng là chữ Tướng dưới bộ Thảo, nên có thể gọi Thảo đầu tướng quân!” (ông tướng có cỏ trên đầu).
Một năm sau đàm phán ở Trùng Khánh - 1946, nữ kí giả ngưòi Mỹ hỏi Mao Trạch Đông, cũng về ấn tượng đối với Tưởng Giới Thạch, ông chỉ dùng 2 chữ trả lời gọn lỏn: “con hổ giấy!”
Quả nhiên, 3 năm sau, Mao Trạch Đông chiếm trọn lục địa, chiến thắng Tưởng Giới Thạch!
Hôm nay, khói súng đã tiêu tan, trọng pháo thôi gầm rú, hai kì thủ kẻ trước người sau đều rời nhân thế. Nghiên cứu hai kì thủ, cũng là hai người cầm cờ của hai đảng, nghiên cứu các thế cờ của cuộc cờ thế kỉ, ảnh hưởng của chúng đối với vận mệnh Trung Quốc khiến chúng ta hồi ức vô cùng và thật đáng quý.
Kì ngạn có câu “quân cờ làm bằng gỗ, nếu thua chơi lại!” (Kỳ tử mộc đầu tác, thâu liễu trùng lai quá”), nhưng những ván cờ lịch sử thì không có cách nào “chơi lại”. Song quay về với chúng và quá vãng, để mà suy tư, để mà gợi mở, kể cũng không thừa!
Chú thích:
(1) Cờ của Trung Hoa dân quốc, nền đỏ, mảng xanh và vòng tròn trắng.
(2) Cha: Mao Di Xương, cháu: Mao Viễn Tân.
(3) Trích Mao tuyển.