Chương 6
TRUNG CỘNG QUYẾT ĐỊNH PHƯƠNG CHÂM
“GIẢI QUYẾT HOÀ BÌNH” VÀ “PHÓNG TƯỞNG”

     hững ngày ở Tây An, Chu Ân Lai đã tích cực hoạt động và hình thành được một phía của cuộc hội đàm tương lai, theo ngôn ngữ lúc bấy giờ gọi là “tam vị nhất thể” - Trương, Dương, Chu, đại diện cho Đông Bắc quân, Tây Bắc quân và Hồng quân, song ông vẫn thường xuyên liên lạc với Bảo An và Mao Trạch Đông.
Như đã trình bày ở trên, Trung Cộng kịp thời báo cáo với Quốc tế Cộng sản, kết quả thật bất ngờ - Stalin phản đối “đảo Tưởng” và đêm 13, Quốc tế Cộng sản trả lời Trung Cộng, nội dung gồm ba phần: (1) Khẳng định sự biến Tây An là do quân Nhật tạo nên, và nhất định bên cạnh Trương Học Lương có gián điệp Nhật ẩn náu, Liên Xô sẽ không ủng hộ bất kì ai là bạn của Nhật. (2) Nhiệm vụ khẩn cấp của Trung Quốc hiện nay là xây dựng một mặt trận thống nhất kháng Nhật có tính toàn Quốc, là đoàn kết hợp tác, chứ không phải phân liệt, chia rẽ. (3) Tranh thủ hoà bình giải quyết vấn đề Tây An, nhân cơ hội này mà hợp tác với Tưởng Giới Thạch, khiến ông ta tán thành kháng Nhật, trên cơ sở đó tự động phóng thích Tưởng.
Tiếp đó, Stalin đã nhờ đoàn đại biểu Trung Cộng tại Quốc tế Cộng sản chuyển về Bảo An bức điện: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu tiên nên hiểu rằng: Tưởng Giới Thạch là kháng Nhật, nếu đả đảo Tưởng, tất yếu sẽ ra nội chiến và chỉ có lợi cho quân xâm lược Nhật”. Theo Stalin, làm lãnh tụ ở Trung Quốc, Trương Học Lương chưa đủ tư cách, lực lượng Mao Trạch Đông còn bé nhỏ, chỉ còn Tưởng Giới Thạch mới đủ sức hiệu triệu, thống soái binh mã mà thôi.
Thế gian không có ai đủ sức quán xuyến chính xác tất cả. Trong thời kì đầu của sự biến Tây An, nhận định của Mao Trạch Đông và Stalin đều có sai và có đúng. Đối với Trương, Dương - Mao Trạch Đông ủng hộ, đó là đúng, Stalin phản đối, ấy là sai. Đối với Tưởng Giới Thạch - Mao Trạch Đông chủ trương “đảo Tưởng”, ấy là sai, Stalin “bảo Tưởng”, đó là đúng. Khách quan mà nhận xét, Mao Trạch Đông và Stalin đúng và sai đều có nguyên nhân của họ. Mao Trạch Đông sống tại Trung Quốc, nắm vững tình hình nên lập tức cho rằng sự kiện binh gián Tây An của Trương, Dương là “khởi nghĩa kháng Nhật”, còn Stalin ở Mạc Tư Khoa xa xôi không rõ nội tình Trung Quốc nên quy oan Trương, Dương là “âm mưu của Nhật”. Stalin nhìn toàn cục để đánh giá Tưởng Giới Thạch, còn Mao Trạch Đông dẫu sao vẫn còn mỗi cừu hận 10 năm với Tưởng, xem Tưởng là kẻ thù. Loại trừ cái sai của hai vị, là tiếp tục cái đúng của họ, Chu Ân Lai đã lập công lớn trong việc giải quyết sự biến Tây An.
Từ ngày 12 đến ngày 19, đúng như Chu Ân Lai đã nói với Vương Bính Nam, “một tuần nay chúng tôi chưa hề chợp mắt”, để cuối cùng đưa ra một quyết định “có lẽ khó khăn nhất trong đời chúng tôi” - giải quyết hoà bình sự biến Tây An và phóng thích Tưởng Giới Thạch. Mao Trạch Đông tiếp thu phê bình, quan điểm giữa ông và Trương Văn Thiên đi đến nhất trí. Ngày 21, Trung Cộng điện cho Chu Ân Lai: “nới rộng kích thước với Tưởng Giới Thạch!”.
“TAM VỊ NHẤT THỂ” ĐÀM PHÁN VỚI NHỊ TỐNG
Ngày 21, Mao Trạch Đông cũng điện báo cho Phan Hán Niên ở Thượng Hải về chủ trương của Trung Cộng và yêu cầu thông báo với Trần Lập Phu để họ Tống được rõ trước khi vào đàm phán. Mười một giờ rưỡi sáng ngày 22, hai máy bay đưa Tống Mỹ Linh, Tống Tử Văn và nhiều quan chức của chính phủ Nam Kinh đến cố đô đàm phán giải quyết sự biến Tây An. Từ sân bay Tây An, Tống Mỹ Linh thẳng xe về “nhà giam” Tưởng Giới Thạch. “Ôi, hiền thê, nàng đến rồi ư? Nàng dám vào hang hùm cứu ta!”. Tưởng Giới Thạch kêu lên như vậy và ôm lấy người đàn bà thứ tư của đời mình. Tống Mỹ Linh im lặng trong đầm đìa nước mắt, bà ân hận “em không ở cạnh chàng những lúc hiểm nguy”, sau này Tống Mỹ Linh nhớ lại và nói rằng: “Thế cục Tây An do Toan-na đặt móng, Tống Tử Văn xây tường và cuối cùng do tôi lợp mái”.
Tưởng Giới Thạch thống nhất với nhị Tống - Mỹ Linh, Tử Văn rằng: “cải tổ chính phủ, sau ba tháng sẽ mở hội nghị cứu quốc, cải tổ Quốc dân đảng, đồng ý liên bang thân Cộng”. Nhưng ông đưa ra hai điều kiện: (1) Không xuất đầu lộ diện, hai anh em họ Tống thay Tưởng đàm phán. (2) Không kí tên trong bất cứ văn bản nào, để giữ nhân cách của một lãnh tụ.
Trong thế bí của cuộc cờ, Tưởng Giới Thạch vẫn rất lão luyện, tránh mọi ràng buộc lịch sử sau này và lo cho nước đi tương lai.
Cuộc đàm phán bắt đầu vào sáng 23, đúng cái nơi mà 11 hôm trước Trương Học Lương đã ban bố lệnh “bắt sống Tưởng Giới Thạch” - lầu 2 công đường của phó Tổng Tư  lệnh! Một bên là Trương, Dương, Chu - “tam vị nhất thế” và một bên là nhị Tống - anh em Tử Văn, Mỹ Linh. Thật là nước cờ ngoạn mục, vốn dĩ Chu Ân Lai phải đối mặt với bốn vị Quốc dân đảng, thì nay ông lại liên minh được với hai, chỉ “chọi” lại hai mà thôi và điều ước mười điểm đã được kí kết, một ngày trước Noel 1936, sự biến Tây An xem như đã hạ màn, phần sau chỉ là vĩ thanh.
Năm 1990, phóng viên hãng truyền hình NHK đã phỏng vấn Trương Học Lương:
Hỏi: Tưởng Giới Thạch và Chu Ân Lai từng gặp nhau tại Tây An, lúc ấy hẳn Tưởng tiên sinh cũng có mặt, có phải như vậy không?
Trả lời: Đây là vấn đề gay gắt, xin đừng hỏi thêm gì nữa. Tôi không những có mặt mà còn đưa Chu Ân Lai đi gặp Tưởng Giới Thạch.
Vẫn như hồi còn ỏ trường quân sự Hoàng Phố, người là hiệu trưởng, người là chủ nhiệm khoa chính trị, Chu Ân Lai cất tiếng chào:
- Hiệu trưởng tiên sinh, mười năm không gặp nhau, tiên sinh già hơn trước.
- Ân Lai, anh là bộ hạ của ta, anh nên nghe lời ta.
- Thưa hiệu trưởng tiên sinh, chỉ cần ngài thay đổi chính sách “yên trong rồi mới dẹp ngoài”, chấm dứt nội chiến, cùng nhau đánh đuổi quân Nhật thì không những cá nhân Ân Lai này nghe lời ngài mà cả Hồng quân chúng tôi cũng chịu sự chỉ huy của uỷ viên trưởng!
Nhạy cảm với chủ đề mà Chu Ân Lai vừa nêu ra, Tống Mỹ Linh đã nhanh chóng thay Tưởng Giới Thạch trả lời:
- Từ nay sẽ không tiễu Cộng nữa, lần này cảm phiền Chu tiên sinh đã phải vất vả ngàn dặm tới đây để lèo lái, thật vô cùng đa tạ.
Không khí đối thoại bắt đầu cởi mở, Tưởng Giới Thạch vui vẻ:
- Chúng tôi sẽ không gây nội chiến nữa, thực tình mỗi lần đánh nhau, tôi đều nghĩ tới anh, tôi vẫn nhớ anh đã từng giúp đỡ tôi nhiều lắm, mong rằng chúng ta còn có thể cùng nhau làm việc.
Năm 1990, Trương Học Lương chưa dám tiết lộ nội dung đối thoại nêu trên, nhưng 10 năm trước - 1980 khi “Chu Ân Lai tuyển tập” (quyển thượng) ra mắt, lần đầu tiên công bố “3 điện báo về sự biến Tây An”, trong đó có nội dung hội ngộ giữa Tưởng và Chu:
“Tưởng đang bệnh, tôi thăm Tưởng, ổng nói:
Tý: Chấm dứt tiễu Cộng, liên Hồng chống Nhật, thống nhất Trung Quốc, do ổng chỉ huy.
Sửu: Do Tống, Tống, Trương toàn quyền đại diện ổng, cùng tôi giải quyết tất cả.
Dần: Sau khi ổng về Nam Kinh, tôi có thể trực tiếp đi đàm phán”.
Ngày 25 - Noel 1936, quà Chúa giáng sinh - Tưởng Giới Thạch được phóng thích và chính Trương Học Lương tháp tùng Tưởng trở về Nam Kinh.
Phóng viên NHK: Thưa Trương tiên sinh, sau “sự biến Tây An”, ngài cùng Tưởng Tổng thống bay về Nam Kinh, và kết quả đã chịu kỉ luật, tại sao lúc ấy ngài lại làm như vậy, vì nguyên nhân gì?
Trương Học Lương trả lời: Tôi đã nói nhiều lần, tôi là một quân nhân, phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Tôi đi Nam Kinh là để thỉnh tội, kể cả sự hành quyết. Trước khi lên đường tôi đã nhờ một học sinh trông nom giúp gia đình mình, anh ấy là sĩ quan quân đội.
Ngày trở thành quân nhân, thân phụ đã căn dặn: “Con muốn làm người lính ư? Hãy cắt cái đầu mình dắt vào lưng nịt”, nghĩa là anh hãy sẵn sàng nhận lấy cái chết. Quả vậy, sau khi trở thành quân nhân tôi đã chuẩn bị chết bất cứ lúc nào, nhưng vô cùng căm ghét cảnh nội chiến.
Năm 1991, hai học giả họ Đường và Trần đã phân tích toàn diện hơn về nghĩa cử của Trương: (1) Làm dịu đi cục diện phân liệt vừa qua vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; (2) Tránh đêm dài mộng lắm, trên mặt lại mọc thêm cành; (3) Quốc tế Cộng sản và Liên Xô có lời trách cứ Trương, Dương; (4) Tự nhận định rằng vẫn còn khả năng trở về Tây An; (5) Đảm bảo niềm tin cho Tưởng Giới Thạch và anh em họ Tống; (6) Vì quốc gia dân tộc thì sinh tử, vinh nhục nào có sá chi.
Ngày 26 tháng 12 năm 1936, Tưởng Giới Thạch và Trương Học Lương về đến Nam Kinh, lịch sử thật trớ trêu, Tưởng như vị anh hùng khải hoàn, còn Trương - thân phận phạm nhân chờ ngày ra pháp đình lãnh án, và sau đó sang sảng lời ông: “Tôi không cảm thấy sai lầm về chủ trương của mình”. Ôi khúc bi tráng Tây An và những cảnh đời chìm nổi của tác giả, không chỉ vang vọng một lần trong kí ức!