Chương 2
MAO TRẠCH ĐÔNG TRANH THỦ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG

     ừ Diên An, Lạc - Mao điện báo cho Chu Ân Lai: “Về quân sự đồng ý đề xuất biên chế Hồng quân thành 12 sư đoàn, 4 quân đoàn do Lâm, Hạ, Lưu, Từ chỉ huy, tất cả tổ chức thành một lộ quân, chánh phó Tổng Tư lệnh là Chu, Bành, về vấn đề đảng yêu cầu không thay đổi kể cả sự lãnh đạo đối với Hồng quân”. Trong điện báo trên đây, các chữ gọi tắt chính là Lâm Bưu, Hạ Long, Lưu Bá Thừa, Từ Hướng Tiền, Chu Đức, Bành Đức Hoài - những danh tướng của Hồng quân. Cuộc hội đàm Chu - Cố ở Tân An những ngày đầu năm 1937 thực chất là sự thách giá, trả giá giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch trước khi đi vào hợp tác kháng Nhật, lúc ấy Tưởng ở Hàng Châu, còn Mao ở Diên An, họ đều suy nghĩ cho các nước cờ của mình.
Ngoài Cố Chúc Đồng ra, phía Quốc dân đảng còn có Trương Xung, Hạ Trung Hàn, tương tự Trung Cộng cử thêm Diệp Kiếm Anh cùng sát cánh với Chu Ân Lai. Đồng Tiểu Bằng, người luôn bên cạnh Chu Ân Lai lúc bấy giờ đã hồi ức, như một con thoi Chu Ân Lai bay đi bay lại trên bầu trời Tây An - Diên An không biết bao nhiêu lần để liên lạc với Trung Cộng và triển khai ý đồ của Mao Trạch Đông trong đàm phán. Diên An có một sân bay nhỏ, nhưng thiếu thiết bị hoa tiêu, máy bay chiến đấu đưa Chu Ân Lai từ Tây An về Hồng đô căn cứ, quần thảo cả tiếng đồng hồ mà không sao đáp xuống được phi trường này nên đành phải quay trở lại nơi xuất phát, làm cho cả hai đầu vô cùng lo lắng. Ngày hôm sau do yêu cầu công tác, bất chấp hiểm nguy, Chu Ân Lai vẫn có mặt tại đại bản doanh Diên An cùng Mao bàn thảo những bước đi tiếp theo trên bàn cờ với Tưởng và Quốc dân đảng.
Ngày 10 tháng 1 năm 1937, Trung ương Trung Cộng chính thức dời đô về Diên An, 3 hôm sau Mao Trạch Đông mới vào ở căn nhà hầm lịch sử của Hồng đô, điều kiện vật chất vô cùng khó khăn không thể nào sánh nổi với các biệt thự bên cạnh Tây Hồ Hàng Châu hay trên đỉnh Lư Sơn mà Tưởng Giới Thạch đang tận hưởng và chuẩn bị cho một cuộc hội nghị quan trọng của Quốc dân đảng. Mao Trạch Đông nắm bắt tình hình, đã nhanh chóng gửi cho Tưởng một bức điện nhân Tưởng chủ trì hội nghị này, triệu tập toàn bộ Ban chấp hành Trung ương để quyết định sách lược chính trị của thời kỳ sau sự biến Tây An, phía Mao và Trung Cộng đưa ra 5 yêu cầu và 4 đảm bảo nhằm đình chỉ nội chiến Quốc - Cộng, tập trung lực lượng Trung Hoa, chĩa mũi nhọn vào quân xâm lược. Phía Quốc dân đảng cũng vậy, Tưởng phải đối mặt với hai vấn đề, quân Nhật và Trung Cộng, phái cực hữu do Uông Tinh Vệ cầm đầu chủ trương “muốn kháng Nhật, trước tiên phải tiễu Cộng”, phái cánh tả mà Tống Khánh Linh chủ soái thì trước sau vẫn hô hào “liên Cộng khánh Nhật”. Còn Tưởng Giới Thạch? Ông chưa hoàn hồn sau vụ “Trương Học Lương đột biến bạo loạn”, đang ra sức phủ định ảnh hưởng của sự biến Tây An, nhưng tinh thần yêu nước chống Nhật mà sự biến Tây An và các tác giả của nó giương cao thì không tài nào huỷ diệt nổi, hội nghị trung ương kỳ 3 khóa 5 lần ấy của Quốc dân đảng buộc phải ra tuyên bố “Nếu vượt quá hạn chịu đựng, thì chỉ còn mỗi con đường là kháng chiến mà thôi”, đây là lần đầu tiên xuất hiện thuật ngữ “kháng chiến” trong hàng ngũ Quốc dân đảng.
THÁCH GIÁ, TRẢ GIÁ
 
Hội nghị Trung ương của Quốc dân đảng cũng xác định nguyên tắc Quốc - Cộng hợp tác, nhưng đưa ra một loạt yêu sách đòi thống nhất quân đội, thống nhất chính quyền, huỷ bỏ tuyên truyền đỏ và đấu tranh giai cấp v.v... cuộc đàm phán giữa hai bên vì vậy mà còn gay go khúc khuỷu. Thoạt tiên ở Tân An, Cố Chúc Đồng và Chu Ân Lai đi đến thỏa thuận 3 điểm: đồng ý cho Hồng quân lập Văn phòng đại diện đóng tại Tân An, Hồng quân sẽ biên chế thành 3 sư đoàn và từ tháng 3 năm 1937 Quốc dân đảng bắt đầu cung cấp lương thảo cho đội quân này của Trung cộng.
Đàm phán đã không dễ mà thực hiện kết quả đàm phán lại càng khó hơn. Ngày 16 tháng 2, Tưởng mật điện cho Cố Chúc Đồng quy định “khung giá”: Binh lực của Hồng quân không quá 1 vạn 5 ngàn quân!
Phía Mao liền “trả giá”: phải trên 5 vạn người. Cuộc thách giá, trả giá cứ vậy mà nhùng nhằng giữa Diên An và Hàng Châu, còn Tây An chỉ là nơi công bố ngã giá. Người ta lại tung tin Tưởng Giới Thạch bổ nhiệm Mao Trạch Đông làm chủ tịch tỉnh Cam Túc, Mao cười sảng khoái và nói: “ông ấy quá khôi hài”. Sau này tra cứu sử tư liệu mới hay Tưởng đã có ý đồ ngông cuồng như vậy, thậm chí còn muốn tìm cách đưa Mao xuất dương hòng gạt bớt mũi nhọn. Tưởng đâu biết trong đời làm chính trị, Mao không hề ra nước ngoài khi chưa nắm chức quyền.
Cuối tháng 3 năm 1937, Tưởng Giới Thạch mời Chu Ân Lai về Hàng Châu tiếp tục đàm phán, Chu ghé Thượng Hải và nhờ Tống Khánh Linh chuyển trước cho Tưởng 15 ý kiến của Trung Cộng. Tưởng gặp lại Chu, lòng rất phấn khởi, vì mới 3 tháng trước đây nhờ sự quả đoán, nhanh trí và lão luyện của Chu Ân Lai mà Tưởng Giới Thạch được cứu nguy khỏi “bạo loạn” Tây An, ấn tượng ấy chưa thể phai mờ được. Tưởng nói tốt và ra chiều tán dương Trung Cộng, ông tự kiểm điểm lại những mất mát, sai lầm đã xảy ra trong thời gian qua, rồi đề nghị phía Trung Cộng khởi thảo đề cương hợp tác giữa hai đảng. Ngày 2 tháng 4, Mao Trạch Đông, Trương Văn Thiên, Bác Cổ, Bành Đức Hoài, Lâm Bá Cừ v.v... tề tựu trên sân bay Diên An, nồng nhiệt đón Chu Ân Lai vừa từ đàm phán với Tưởng trở về và ngay sau đó Trung Cộng chấp nhận “Hồng quân cải danh, Khu Xô-viết cải chế”. Tại Đại hội Thanh niên cứu quốc lần thứ nhất ở Hồng đô lúc bấy giờ Mao còn diễn thuyết với chủ đề “thay mũ”. Chủ trương Quốc - Cộng hợp tác nhanh chóng lan truyền ở Diên An và các khu căn cứ, nhiều người nghĩ không ra, đấu đi đấu lại, cuối cùng chui đầu vào cái mũ của Quốc dân đảng, mới ngày nào còn hô “đả đảo Tưởng Giới Thạch”, “Tưởng Giới Thạch phải chết!” thì hôm nay bỗng dưng “ủng hộ Tưởng ủy viên trưởng” thậm chí “phục tùng Tưởng ủy viên trưởng”. Ngày 15 tháng 4 năm 1937, Trung ương Trung Cộng phát “Cáo toàn Đảng đồng chí thư” (Thông cáo với toàn thể đảng viên trong Đảng) dài tới cả vạn chữ, giải thích chủ trương “liên Tưởng kháng Nhật” và “Quốc - Cộng hợp tác” lần thứ hai, khẳng định Trung Cộng không đầu hàng, nước cờ của hai bên là như vậy, hoạ phát xít “tam quang” (phá sạch, đốt sạch, giết sạch) đang ập tới, không còn con đường chọn lựa nào khác.