Chương 3
KHÁNG CHIẾN TÁM NĂM

     ười giờ đêm ngày 7 tháng 7 năm 1937, quân Nhật gây hấn vụ Lư Câu Kiều, tiến công đại quy mô vào lãnh thổ Trung Quốc. Lúc này Tưởng Giới Thạch và Chu Ân Lai đang đàm phán về công việc hợp tác giữa hai đảng Quốc - Cộng ở Lư Sơn. Nhận được điện khẩn của Tần Đức Thuần - thị trưởng Bắc Bình (ngày nay là Bắc Kinh - ND), Tưởng Giới Thạch hạ lệnh cho Tống Triết Nguyên - quân đoàn trưởng quân đoàn 29 Quốc dân đảng: “Cố thủ không lùi, động viên toàn lực, chuẩn bị phản công”, thái độ của Tưởng khác hẳn 6 năm về trước khi xảy ra sự kiện “18 tháng 9” mà ông đã chỉ thị Trương Học Lương rằng, “quân ta không được chống cự”. Người đời sau nhận xét, quân Nhật càng lấn tới thì Tưởng Giới Thạch càng ngã về phía Trung Cộng, và đứng trước họa xâm lăng, cuộc hợp tác lần thứ hai của Quốc - Cộng càng nhanh đi đến hiện thực.
Tại Diên An, Mao Trạch Đông kịp thời ra thông điệp biểu thị thái độ của Trung Cộng trước sự kiện quân Nhật tiến công ở Lư Câu Kiều, kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến, cảnh báo: “Bình Tân (Bắc Bình và Thiên Tân - ND), nguy cấp! Hoa Bắc nguy cấp! Dân tộc Trung Hoa nguy cấp!”, Mao cũng điện khẩn lên Lư Sơn cho Tưởng... “Tướng sĩ Hồng quân nguyện dưới sự chỉ huy của uỷ viên trưởng, một phen sống mái với kẻ thù, xả thân vì nước”... Sáng ngày 1 tháng 8 năm 1937, Mao Trạch Đông nhận được lời mời của Tưởng Giới Thạch do Trương Xung chuyển tới, theo đó Mao Trạch Đông, Chu Đức và Chu Ân Lai bay đi Nam Kinh dự hội nghị quốc phòng. Mao phân vân, bởi lẽ đàm phán Lư Sơn chưa đi đến kết quả, nay Tưởng lại bày trò hội nghị Quốc phòng Nam Kinh, rồi quyết định, nếu bàn về quân sự thì Chu Ân Lai, Chu Đức và Diệp Kiếm Anh tham dự, nếu bàn các vấn đề khác thì ngoài Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh còn có Lâm Bá Cừ, Bác Cổ cùng đi, khi chưa cần thiết Mao sẽ không xuất tướng. Cũng ngày hôm nay mà sau này lịch sử ghi nhận hai chữ “bát nhất”. Phương diện quân số 1, 2, 3, 4 và Hồng quân Thiểm Bắc của Trung Cộng cải tổ thành Lộ quân thứ 8 Cách mạng Quốc dân gọi tắt là “Bát lộ quân” do Chu Đức làm Tổng Tư lệnh, Bành Đức Hoài làm phó và Diệp Kiếm Anh tham mưu trưởng. Tháng 10 năm 1937, quân du kích của Trung Cộng ở 8 tỉnh Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Triết Giang, An Huy theo lệnh Mao tập hợp thành Quân thứ tư quân Cách mạng Quốc dân gọi tắt là “Tân tứ quân” do Diệp Đình làm quân trưởng. Mao Trạch Đông đi đến Quốc - Cộng hợp tác lần thứ hai bằng những quân cờ: Bát lộ quân, Tân tứ quân và Khu đỏ do Lâm Bá Cừ làm thủ trưởng hành chính tối cao, vậy là ông đã hạ mũ “triệt để”, tất cả đều vì mục đích mặt trận dân tộc thống nhất kháng Nhật, còn mình trước sau vẫn là lãnh tụ của Trung Cộng, mặc cho Tưởng Giới Thạch muốn chức hàm gì cũng được. Để chuẩn bị cho những nước cờ sau này, thời kỳ ấy Mao Trạch Đông chủ trì hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Trung Cộng tại Lạc Xuyên từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 8 năm 1937 thông qua chủ trương “sơn tước mãn thiên phi” - nhân kháng chiến chống Nhật, nhân Quốc - Cộng hợp tác mà tung lực lượng đảng viên cộng sản về mọi miền đất nước thể như đàn chim sẻ từ núi cao bay khắp bốn phương trời, bay khắp Trung Quốc. Mao nói, ta đổi mũ rất nhanh, nhưng ta vẫn là Cộng sản và phải nhớ “Đảng chỉ huy họng súng”.
Năm 1937 nhanh chóng qua đi, một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời Mao đã khởi đầu từ năm này, ấy là Lam Bình - Giang Thanh hướng về đất thánh để sau đó trở thành đệ nhất phu nhân, nắm quyền bính một thời.
Tiếp đến là những ngày “kề vai sát cánh, chung một chiến hào”, quân Tưởng lo chính quy trực diện, quân Mao lo du kích địch hậu. Từ “Chủ nghĩa không đề kháng” mong muốn thỏa hiệp, đến chính sách sai lầm “dẹp ngoài, trước phải yên trong” với bài học sự biến Tây An, Tưởng Giới Thạch chuyển sang “kháng Nhật” trở thành lãnh tụ 8 năm kháng chiến ở Trung Quốc, một động lực quan trọng, một tác nhân tích cực của quá trình ấy chính là Trung Cộng, và nhân dân Trung Quốc đã góp phần mình vào chiến thắng của phe Đồng minh năm 1945 đánh bại quân phát xít. Tiếc thay, tiếp theo là nội chiến, hai bên xanh - đỏ lại vào trận, mãi 4 năm sau mới phân vạch kẻ ngoài đảo xa. người trong lục địa, vậv mà cuộc cờ thế kỷ vẫn chưa yên nguôi.