Chương 2
VÀO TRUNG NAM HẢI

     hiếc máy bay IL-14 đưa người của “Thiên phủ chi quốc” từ miền Tây Nam về kinh đã hạ cánh an toàn trên phi trường Tây Giao. Đó là một ngày đầu thu năm 1952, lá dương liễu vẫn xanh và đung đưa dọc theo những con lộ dẫn về Cảnh Sơn, Cố Cung. Tổ chức bố trí Đặng Tiểu Bình và gia đình ở tại Tường An trên Cảnh Sơn đông lộ, vốn là lâm viên của hoàng gia vương triều thuở xưa, một vùng đất cao và bằng của kinh thành. Từ máy bay nhìn xuống, Cảnh Sơn tựa như phần bụng của Phật Di Lặc. Sau đó không lâu, gia đình ông được chuyển về khu gia cư trong Trung Nam Hải, nhà số 3 phía tây Hoài Nhơn Đường, quần tụ thành một “làng” lãnh đạo và những người phục vụ. Trung Nam Hải nằm mạn tây của Cố Cung gồm Trung Hải và Nam Hải, hợp với Bắc Hải thành Tam Hải rộng trên 1500 mẫu với 700 mẫu mặt nước, khai tạo từ thời Kim Nguyên và Minh Sơn, kiến trúc cổ xưa mà tráng lệ, cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, là nơi thưởng ngoạn của du khách. Khi kiến quốc năm 1949, nhà nước dành riêng Bắc Hải là công viên nổi tiếng của Bắc Kinh cho du lịch, còn quy định Trung Nam Hải là địa sở của Trung ương đảng và chính phủ, vào được Trung Nam Hải là ngụ ý vào được tập thể những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước trung ương.
Quả nhiên, ngày 7 tháng tám năm 1952, tại hội nghị của Chính vụ viện (từ đây xin dịch là Chính phủ - ND) Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình được bầu làm Phó Tổng lý (từ đây xin dịch là Phó thủ tướng - ND) kiêm Phó chủ nhiệm Uỷ ban tài chính - kinh tế. Cấp trên của ông là Thủ tướng Chu Ân Lai, từng là chiến hữu ở Paris và Thượng Hải trong những năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và trong vòng bí mật, nay lại có cơ hội hợp tác với nhau. Được điều về kinh đô làm việc bên cạnh nhà ngoại giao lỗi lạc, chẳng mấy chốc, Đặng Tiểu Bình trở thành người phát ngôn của Chính phủ Trung Quốc và nhanh chóng bước lên chính trường Quốc tế.
Đầu những năm 50, cuộc sống yên ắng, gia đình vợ chồng con cái và người phục vụ đều sống trong dinh phủ. Cũng những năm đó, bạn bè chiến hữu từng khét tiếng khắp bốn phương quần tụ về kinh, ngoài công cụ nơi sở đường, họ thường gặp nhau vào ngày cuối tuần, lễ tết, chung vui cho bõ lúc cơ hàn nơi trận mạc.
Cuối năm 1952, Cao Cương từ Hoa Bắc, rồi đầu năm 1953, Nhiêu Thấu Thạch từ Hoa Đông cũng được điều về Bắc Kinh như Đặng Tiểu Bình.
Cao Cương nổi danh là “quân phiệt Đông Bắc”, sau khi thành lập nước cộng hoà, ông từng đảm nhiệm các chức vụ trọng yếu trong chính phủ. Quyền lực của Cao Cương không ở Bắc Kinh mà ở Thẩm Dương - trung tâm công nghiệp của vùng Đông Bắc. Về cấp bậc, ông giống như Đặng Tiểu Bình, cũng là Bí thư thứ nhất của Cục Trung ương; Đặng ở Tây Nam, Cao ở Đông Bắc, nhưng vị trí thì cao hơn vì Đông Bắc trội lên bởi đó là vùng công nghiệp, là hậu phương trực tiếp cho chiến trường Triều Tiên và là cầu nối sang Liên Xô. Ngày 1 tháng mười năm 1952, tại lễ Quốc khánh ở Thẩm Dương, đội ngũ diễu hành đã hô vang “Cao Cương muôn năm” mà không hề hô “Mao Chủ tịch muôn năm”. Năm ấy, Trung ương điều Cao về Bắc Kinh và giao cho đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch nước kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch.
Lúc này, Trung ương đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ nhất và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng. Cao, Nhiêu định tiếm quyền. Tại Hội nghị tài chính kinh tế toàn quốc tổ chức vào mùa hè năm 1953, Cao Cương và phe nhóm của ông đã phát biểu vô nguyên tắc, tạo ra sự tranh cãi trong Đảng. Ngoài hội nghị, họ công kích Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai, đề cao Cao Cương. Mùa thu năm đó, tại Hội nghị công tác tổ chức toàn quốc, Cao và Nhiêu đã phối hợp hành động chống lại Lưu Thiếu Kỳ, rồi Cao đi miền Nam kích động gây bất mãn trong hàng ngũ cán bộ cấp tỉnh.
Cao Cương đưa ra “Quân đảng luận” chia Trung Cộng thành hai bộ phận: “Đảng của quân đội và khu căn cứ” và “Đảng của khu trắng”, ông quả quyết “Đảng là do quân đội sáng lập nên” và tự xưng mình là đại biểu cho bộ phận “Đảng của quân đội và khu căn cứ”. Cao Cương cho rằng, hiện nay cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước đều nằm trong tay “Đảng của khu trắng”, cần phải “cải tổ”. Mùa đông năm 1953, theo thường lệ, Mao Trạch Đông đi nghỉ, uỷ quyền cho Lưu Thiếu Kỳ chủ trì công việc của Trung ương, Cao lại càng lồng lộn đòi phải giao cho ông ta chức vụ Tổng bí thư hoặc Phó Chủ tịch Đảng, và còn đòi thay cả Thủ tướng.
Đặng Tiểu Bình vừa là Phó thủ tướng, vừa kiêm chức vụ lãnh đạo Cục Tây Nam, thêm vào đó là quyền uy không ai tranh giành nổi ở Phương diện quân thứ 2, và đặc biệt là sự tín nhiệm và trọng thị của Mao Trạch Đông, nên Cao Cương định lôi kéo ông về ê-kíp nhưng đã bị cự tuyệt.
Năm 1983, trong một bài phát biểu, Đặng Tiểu Bình cho biết: “Sự việc này, tôi đã rõ. Cuối năm 1953, sau khi đồng chí Mao Trạch Đông đề xuất Trung ương phân một tuyến, hai tuyến, Cao Cương hoạt động rất tích cực. Đầu tiên ông được Lâm Bưu ủng hộ nên mới dám phóng tay cao như vậy. Lúc bấy giờ Đông Bắc là của ông ta, Trung Nam của Lâm Bưu, Hoa Đông của Nhiêu Thấu Thạch. Đối với Tây Nam, ông cũng đã lôi kéo và chính thức đàm phán với tôi, nói là Lưu Thiếu Kỳ không thành thực, vêu cầu tôi cùng ông đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ. Tôi đã thể hiện rõ thái độ của mình, chỉ rõ vị trí trong đảng của Lưu Thiếu Kỳ là sự hình thành của lịch sử, nhìn chung đồng chí Lưu Thiếu Kỳ là tốt, thay đổi sự hình thành của lịch sử là không chính đáng”.
Trần Vân và Đặng Tiểu Bình cự tuvệt sự lôi kéo của Cao Cương và lập tức phản ánh với Mao Trạch Đông về âm mưu lật đổ Lưu Thiếu Kỳ.
Nghe xong Mao Trạch Đông hỏi: “Mưa nguồn chưa tới nhà gió đã ập về, chở gió từ phương nào vậy?”
Đặng Tiểu Bình suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời rất nghiêm túc: “Tại kì vị mưu kì chính - người trong chức vị mà lo công việc của mình, ấy là điều nên làm. Bất tại kì vị nhi dục mưu kì chính - ngược lại, kẻ ngoài chức vị mà cứ muốn xía vào công việc của người khác, đó chỉ tổ tác oai tác quái”.
Mao Trạch Đông lắng nghe, ngẫm nghĩ rồi gật đầu lia lịa. Thế là Đặng Tiểu Bình đã biểu thị thái độ ủng hộ Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai, mặt khác cũng cảnh tỉnh Mao Trạch Đông: nếu trong Đảng có nguy cơ “bất tại kì vị nhi dục mưu kì chính” thì không khỏi mất ổn định.
Ngày 3 tháng chạp năm 1953, trong Hội nghị Bộ chính trị, Mao Trạch Đông đã nói: “Nay Bắc Kinh có hai bộ Tư lệnh, một do tôi làm tổng, đó là thổi gió dương đốt lửa dương, và một do người khác làm tổng, đó là thổi gió âm, đốt lửa âm, là một dòng nước ngầm”, đã gián tiếp cảnh cáo nghiêm khắc các hoạt động âm mưu của Cao, Nhiêu.
Tháng hai năm 1954, Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần thứ 4 khoá 7 tiến hành phê phán Cao, Nhiêu. Mao Trạch Đông không tham dự hội nghị, mà giao cho Lưu Thiếu Kỳ chủ trì, bí thư thứ nhất các tỉnh đều có mặt. Hội nghị nhất trí thông qua “Quyết định về tăng cường đoàn kết trong Đảng”, sau đó Ban bí thư lại họp, tiếp tục vạch trần âm mưu của Cao, Nhiêu. Cuối cùng Cao, Nhiêu đã tự sát, tháng tư năm ấy, Đặng Tiểu Bình tiếp quản chức vụ Trưởng ban tổ chức Trung ương thay Nhiêu Thấu Thạch mà không một ai phản đối. Tháng ba năm sau - 1955, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng, Đặng Tiểu Bình đã trình bày báo cáo “Liên minh chống Đảng Cao, Nhiêu”, hội nghị thông qua quyết định khai trừ Cao Cương và Nhiêu Thấu Thạch ra khỏi Đảng. Cũng từ đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu lập nên uỷ ban kiểm tra các cấp, ở cấp trung ương lúc bây giờ do Đổng Tất Vũ làm chủ nhiệm.
Năm ấy, tại Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần 5, khoá 7, Đặng Tiểu Bình và Lâm Bưu cùng được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị.
Như vậy là Đặng Tiểu Bình và gia đình lên Bắc Kinh đã được 3 năm. Ba năm trên chính trường, “trí dũng song toàn”, ông đã vào Trung Nam Hải, và bước lên nấc thang uỷ viên Bộ Chính trị. Tháng hai năm 1956, là thành viên trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc đi dự Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô, đến tháng chín năm đó, tại Đại hội lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông đã trình bày báo cáo “Sửa đổi điều lệ Đảng” và lại leo lên một nấc thang nữa - Tổng bí thư, cùng với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Vân hình thành uỷ ban thường vụ Bộ chính trị.
Đến đây, màn một đã hạ, người đời sau ngoài nhìn lịch sử mà nhận xét rằng: tận hưởng Tây Nam, Mao Trạch Đông hân hoan chọn tướng; trọng trách Bắc phương, Đặng Tiểu Bình vào Trung Nam Hải. Vị tướng này sẽ hành xử ra sao trên chính trường “tả”, “hữu”? xin nán đợi sang màn sau sẽ rõ.