Chương 1
NĂM THÁNG ĐẦU TIÊN GẠT LỆ CHIA TAY,
MAO TRẠCH ĐÔNG LÊN ĐƯỜNG ĐI QUẢNG CHÂU

     hu Giang chầm chậm trôi, sóng bạc lấp lánh tựa như dải khăn quàng vươn trên cổ ngọc của thành Quảng Châu. Đã là tháng chạp mà nơi đây vẫn chưa hề lạnh lẽo, cây lá vẫn xanh tươi, ngàn hoa vẫn sắc thắm, tô vẽ cho Ngũ Dương thành này rực rỡ lạ thường.
Cuối năm 1923, Quảng Châu mùa xuân về sớm, ở đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp sắc cờ “thanh thiên, bạch nhật, mãn địa hồng” (bầu trời xanh, vầng dương trắng và đỏ khắp thế gian), cũng như chân dung Tôn Trung Sơn với kiểu tóc cắt bằng và chòm râu chữ “bát”. Những chiến sĩ quân cách mạng Dân quốc đầu đội mũ rộng vành, vai mang súng trường nghiêm trang đứng ở mọi nơi: bến xe, nhà ga, đầu cầu, cũng như trước các cao ốc. Chỉ ở phía Tây Nam, trên hòn đảo nhỏ Sa Diện là còn thấy quân Anh tuần tra canh gác, vì đó là tô giới của nước Anh. Từ năm 1840, sau khi cánh cửa lớn của Trung Quốc bị “trọng pháo” chiến tranh nha phiến phương Tây công phá mở toang, người Anh cho xây cất ở đây hàng dãy nhà lầu kiểu Âu Châu. Những con đường rải nhựa đen bóng cứ vươn dần vào nội thị, xe buýt đậu ở mọi nẻo, tuy nhiên các con hẻm vẫn còn chật hẹp và thiếu cả ánh nắng mặt trời. Quảng Châu nhộn nhịp, hình ảnh những phụ nữ bó chân, dáng đi núc ních chậm chạp như con vịt bầu, hoặc những thanh niên với bím tóc đuôi sam dài lượt thượt sớm lùi về dĩ vãng ở cái thành phố bị mở cửa bởi sức mạnh thuốc phiện của ngoại bang.
Một thanh niên dáng người cao ráo, mình mặc trường bào, chân đi giày vải Hồ Nam, tóc dài và ken dày, đôi mày tuy thưa, song mắt to và thật sáng, đáng chú ý nhất là nốt ruồi rất lớn ở ngay cằm phía trái... anh cắp chiếc ô che mưa làm bằng giấy dầu và từ tốn rảo bước trên đường phố Quảng Châu. Hình ảnh mô tả trên đây làm chúng ta nhớ lại hồi “văn cách”, Lưu Xuân Hoa đã vẽ một con người như vậy cùng lời tựa “Mao Trạch Đông đi An Nguyên”, hoạ phẩm sơn dầu này của Lưu từng được ấn hành 900 triệu bản và tán phát khắp nơi.
“Tam thập nhi lập”, Mao Trạch Đông vừa tròn 30 tuổi, ông sinh năm Quang Tự thứ 19 (Quý Tị) nhằm ngày 19 tháng 11 âm lịch. Lâu nay Mao Trạch Đông mừng sinh nhật đều theo ngày âm, mãi đến những năm 40 khi đã có tên tuổi bèn đổi thành dương lịch 26-12 (1893), và cũng thật kì lạ, ngày 26-12 năm 1923 này lại trùng hợp với âm lịch 19-11 Quý Hợi.
Mao Trạch Đông từ Trường Sa tới đây, ở đó tại số nhà 22 Thanh Thủy Đường phía ngoài cổng Tiểu Ngô, hiền thê Dương Khai Tuệ, trưởng nam Ngạn Anh và thứ nam Ngạn Thanh vừa mới sinh đang ngóng chờ ông. Là người lấy cách mạng làm chức nghiệp, Mao Trạch Đông phải đi mây về gió, nam chinh bắc chiến, lần này đi cũng dễ đến hai tháng, gánh nặng gia đình trút cả lên vai ngưòi vợ trẻ, Mao tự lấy làm an ủi và động viên một mình. Huống hồ đây lại là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Quốc dân đảng Trung Quốc (theo cách nói tắt của ngưòi Hoa lục: “Nhất đại”, còn tập quán ở Đài Loan: “Nhất toàn”) và Mao Trạch Đông được mời với danh nghĩa đại biểu Hồ Nam, ông không thể vắng mặt. Trước khi lên đường đi Quảng Châu tham dự Nhất toàn, Mao Trạch Đông viết bài “Chúc tân lang”, như muốn bộc bạch tấm lòng mình với Khai Tuệ những tháng ngày qua, gạt lệ chia tay để dấn thân vì sự nghiệp. Cái tài và cái tình của ông đang múa trên trang giấy, ngay lúc bấy giờ Mao Trạch Đông quả là một thi nhân hẹn người đời sau phải kính nể.
Mao Trạch Đông phải vượt qua Hằng Dương, với một quãng đường đầy gian nan mới tới được Ngũ Dương thành này. Quảng Châu là miền đất lạ đối với Mao Trạch Đông, nhưng “trước lạ sau quen”, vì cũng gần đây thôi, tháng 6 - 1923, theo giấy triệu tập của Trần Độc Tú, ông cùng 40 đại biểu khác đã về Nam quốc chi thành - Quảng Châu dự Đại hội đại biểu lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ đề của Tam đại lần ấy là thực hiện Quốc - Cộng hợp tác, đại biểu Quốc tế Cộng sản lúc bấy giò là Ma-lin, người Hà Lan, vóc dáng tráng kiện, giọng nói âm vang đã truyền đạt quyết nghị của tổ chức, yêu cầu các đảng viên cộng sản Trung Quốc với danh nghĩa cá nhân gia nhập hàng ngũ Quốc dân đảng để triển khai sách lược hợp tác giữa hai đảng. Trương Quốc Đào kiên quyết phản đối, Mao Trạch Đông tích cực ủng hộ, kết quả: Trương rớt khỏi Ban chấp hành Trung ương; còn Mao trúng cử với quá bán 34 phiếu. Đại hội bầu 5 người làm uỷ viên trung ương, Trần Độc Tú vẫn là ủy viên trưởng, và Mao Trạch Đông thư kí, phụ trách công việc hàng ngày của ban chấp hành. Theo nghị quyết của Tam đại, Mao Trạch Đông gia nhập Quốc dân đảng, trở thành “phần tử liên đảng”, vừa là đảng viên cộng sản, vừa là đảng viên quốc dân. Tháng 9 năm ấy, Mao Trạch Đông cùng trung ương chuyển lên Thượng Hải, rồi sau đó không lâu ông về Trường Sa và lần này với tư cách đại biểu Hồ Nam, Mao Trạch Đông dự Nhất đại của Quốc dân đảng...