Chương 5
THU TÀN CUỘC, ĐỀ XƯỚNG LÍ LUẬN “MÈO”

     au hội nghị Lư Sơn, sai lầm tả khuynh không những không được hãm lại mà còn tăng thêm. Cuối năm 1959, sản lượng gang thép đạt đến 13, 87 triệu tấn, giá trị tích luỹ xã hội lên tới 43, 9% thật là sự việc độc nhất vô nhị trên thế giới, và chỉ tiêu năm 1960 đã được bốc lên 18, 4 triệu tấn. Còn nông nghiệp thì thật gay go, từ năm 1959 Trung Quốc bắt đầu những năm mất mùa, sản lượng lương thực năm sau giảm hơn năm trước: 1958: 200 triệu tấn, 1959: 170 triệu tấn (nhưng báo cáo sai, lên đến 270 triệu tấn) 1960: 143, 5 triệu tấn. Bông và cây có dầu đều tụt so với cả năm 1949. Đảng và nhân dân phải đối mặt với những khó khăn kinh tế chưa từng có. Năm 1960 so với năm 1957 lượng tiêu thụ lương thực cả thành phố và nông thôn giảm 19, 5%, riêng nông thôn là 23,7%, lượng tiêu thụ dầu thực vật giảm 23% và thịt lợn giảm đến 70%. Nhân dân lâm cảnh bệnh tật, đói rét. Chỉ một năm 1959 sang 1960 nhân khẩu giảm 10 triệu người, riêng ở địa khu (1) Tín Dương tỉnh Hà Nam tỉ lệ tử vong vượt quá 10%.
Tưởng sẽ dẫn dắt nhân dân mau đến ngày hạnh phúc, nào ngờ kết quả lại đau lòng như vậy. Bài học thu được đã làm cho Trung ương Đảng tỉnh lại, người ta chuyển sang điều tra và sửa lại.
Tháng mười một năm 1960, “Chỉ thị khẩn cấp về chính sách hiện nay đối với công xã nhân dân ở nông thôn” được ban bố Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khoá 8, Mao Trạch Đông yêu cầu mọi người thực sự cầu thị, điều tra nghiên cứu tình hình. Ông còn nói: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể gấp gáp được, có khi phải cả nửa thế kỉ mới xong”. Mao Trạch Đông trực tiếp thành lập và chỉ đạo 3 tổ điều tra về nông thôn về 3 tỉnh Triết Giang, Hồ Nam, Quảng Đông tìm hiểu tình hình. Lưu Thiếu Kỳ đi Hà Nam, Chu Ân Lai đi Hà Bắc, Chu Đức đi Tứ Xuyên, còn Đặng Tiểu Bình điều tra vùng Bắc Kinh.
Mùa xuân năm 1960, Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình về huyện Thuận Nghĩa ngoại ô Bắc Kinh, cách trung tâm thành phố khoảng 50 cây số, ông đi một mình, không có cán bộ và phóng viên báo chí tháp tùng. Tình hình đã làm Đặng Tiểu Bình nghẹn ngào, chưa phải là huyện ngoại ô nghèo nhất mà vài tháng trước đây dân chúng ở đây đã phải mổ nốt con heo cuối cùng của mình, lương thực và nhu yếu phẩm thiếu thốn đến mức đáng sợ. Trong khi đó, cán bộ công xã thì tha hoá, lấy thóc gạo của tập thể về nhà ăn riêng, không đi làm mà công điểm lại nhiều hơn ai hết, thế nhưng không một xã viên nào dám hé miệng kêu ca. Trở về Trung Nam Hải từ một thủ đô đói cơm, thiếu áo, cùng Lưu Thiếu Kỳ, Trần Vân, Lý Tiên Niệm, Đặng Tiểu Bình thành lập uỷ ban điều tra khẩn cấp về kinh tế Quốc dân cả nước. Sau mấy tuần, ban thư kí đã trình lên “60 điều về nông nghiệp”, ít nhiều cũng góp phần cứu vãn tình hình nguy kịch ở nông thôn Trung Quốc lúc bấy giờ.
Tháng giêng năm 1962, Mao Trạch Đông chủ trì một hội nghị có 7000 người tham dự, từ uỷ viên Bộ Chính trị đến phụ trách các huyện trong cả nước, sau này lịch sử ghi nhận là “Hội nghị 7000 người” lại một diễn đàn “trăm nhà đua tiếng” để nhìn lại 3 năm đại nhảy vọt, nhìn lại “ba ngọn cờ hồng”. Báo cáo của Lưu Thiếu Kỳ tập trung phê phán phương pháp “tả” khuynh trong kinh tế. Theo ông nguyên nhân gây nên tình hình xấu lúc ấy là “ba phần thiên tai, bảy phần nhân hoạ”. Ngày 30, Mao Trạch Đông phát biểu ý kiến: “Phàm sai lầm mà Trung ương mắc phải, trực tiếp thuộc về tôi, và gián tiếp tôi cũng có phần, vì tôi là chủ tịch”. Ông nhấn mạnh vấn để tập trung dân chủ, có sai lầm thì phải tự phê bình, sửa chữa. Nhiều đại biểu còn muốn phát biểu và cuối cùng Mao Trạch Đông đề nghị cho kéo dài hội nghị đến thượng tuần tháng hai. Cả 7000 người dự hội nghị ở lại Bắc Kinh ăn Tết Nhâm Dần, và người ta còn nhớ câu vè thuở ấy “ngày hội nghị, đêm xem kịch, ba bữa ăn, thật mãn ý”.
Sau “Hội nghị 7000 người”, Trung Quốc đi vào thời kì điều chỉnh sửa sai về kinh tế và phục hồi danh dự cho những người bị quy oan là phần tử hữu khuynh, ở nông thôn, nhiều địa phương tự phát “khoán hộ”, quê hương của phương thức quản lí này là tỉnh An Huy, ở đó tỉnh uỷ chủ trương trên cơ sở sở hữu tập thể các tư liệu chủ yếu mà “định sản cho ruộng đất và định trách nhiệm cho từng người”. Đến tháng bảy năm 1962, cả nước đã có hơn 20% nông thôn thực hiện “khoán hộ”, quần chúng và cán bộ cơ sở hoan nghênh làm cách này.
Năm 1962, khi họp Ban bí thư và tiếp cán bộ Đoàn thanh niên, Đặng Tiểu Bình đã nhận định và phát biểu: “Khi xem xét quan hệ sản xuất biểu hiện bằng hình thức nào là tốt nhất, có lẽ nên xử sự với thái độ như thế này -một hình thức nào đó áp dụng tại một địa phương cụ thể mà dễ dàng được chấp nhận mà khôi phục và phát triển nông nghiệp tương đối nhanh, và quần chúng tự nguyện tuân theo thì hình thức ấy là tốt nhất, chưa hợp pháp thì hợp pháp hoá cho nó”. Rồi ông dẫn ra câu ngạn ngữ dân gian trứ danh mà Lưu Bá Thừa thường nhắc tới: “Không kể mèo vàng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột”.
Trên mặt trận chống tả khuynh, đây là giai đoạn mà Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ đều có những quan điểm hoàn toàn giống nhau, rằng không phải nửa năm hoặc vài tháng, vá chỗ này, đắp chỗ kia mà cần cả một ca mổ lớn may ra mới cứu nổi đất nước, họ không những phát biểu trong hội nghị mà quan trọng hơn là chỉ đạo thực tế khoán hộ khôi phục kinh tế nông thôn. Họ cùng lên tiếng: “Thiên tai không phải là chủ yếu, chủ yếu chính là nhân hoạ, do con người gây nên”.
“Nhân hoạ nào vậy?” Mũi giáo chĩa thẳng vào “ba ngọn cờ hồng”“. Mao Trạch Đông cảm giận sự “phản điệu” của Đặng Tiểu Bình. Năm năm sau, tháng mười năm 1967, trước Đại hội Hồng vệ binh, khi đã kết án cho Đặng Tiểu Bình “mười tội trạng”, Giang Thanh lớn tiếng: “Năm 1962, Đặng được kẻ thù che chở, tấn công chúng ta, đề ra chủ trương chia ruộng khoán hộ, đi đầu trong việc cổ động làm ăn cá thể, nói là “không kể mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột”. Kì thực, ông đã phát biểu: “vấn đề quan trọng hiện nay là lương thực, chỉ cần tăng sản lượng thì có làm ăn cá thể cũng là tốt”, kèm sau câu nói đó là ngạn ngữ “mèo”.
Tàn cuộc của một cơn sốt, Đặng Tiểu Bình thu về một lí luận, hay nói đúng hơn là bắt đầu áp dụng, và nhân hoạ đang chờ ông.
Chú thích:
(1) Địa khu: cấp hành chính trung gian: dưới tỉnh trên huyện.
v