Chương 2
NGHỆ THUẬT ĐÀM PHÁN

     iờ đây xin bạn lại cho tôi kể tiếp lời tiên tri thứ hai của Chu Ân Lai, ngay sau khi kháng chiến chống Nhật giành được thắng lợi. Trước tiên cho phép tôi có đôi lời gọi là “tranh luận” với hai cách nói mà lâu nay vẫn thịnh hành ở đất nước quê hương tôi. Người ta nói Đảng Cộng sản đấu tranh kiên quyết cùng Quốc dân đảng, và cuối cùng đã chiến thắng. Theo tôi nên nói một cách chính xác rằng, trong cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng chính trị là Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng, nhân dân và lịch sử đã chọn Đảng Cộng sản, còn có nghĩa là “thiên thu”, chứ đâu chỉ “nhân cầu”. Người ta cũng thường nói “cuộc đại chiến quyết liệt giữa hai vận mệnh”, hoặc là Quốc dân đảng hắc ám, hoặc là Đảng Cộng sản quang minh, có lẽ lịch sử đã không quá giản đơn như vậy.
Là phó quan luôn sát cạnh Chu Ân Lai trong suốt quá trình đàm phán mà ông đã đại diện cho Trung Cộng, cùng với bên kia Quốc dân đảng, tôi nhận thấy Chu và Đảng của mình đầu tiên luôn luôn cố ý tranh thủ loại vận mệnh thứ nhất cho đất nước, không hắc ám mà cũng không quang minh. Tôi còn nhớ lúc bấy giờ bất luận là đồng chí trong đảng hay nhân sĩ đảng phái dân chủ hoặc không đảng phái khi phát biểu đều khẳng định rằng, cái gọi là loại vận mệnh thứ nhất mà Trung Cộng luôn luôn cố ý tranh thủ là hòa bình - dân chủ - kiến quốc. Phương châm xác định kiến quốc hồi ấy của chúng tôi chưa phải là thực hiện chủ nghĩa Mác - Lê mà đích thị chủ nghĩa tam dân, từng tuyên bố năm Dân quốc thứ 13 (tức năm 1924 - ND.) tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Quốc dân đảng do Tôn Trung Sơn sáng lập, người Trung Quốc thường gọi tắt là Nhất Toàn. Thậm chí chúng tôi còn biểu thị quan điểm “ủng hộ địa vị lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch”, nhưng đương nhiên yêu cầu Tưởng và Quốc dân đảng phải thừa nhận sự bình đẳng và hợp pháp của các đảng phái khác.
Kết quả như thế nào? Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đã không công nhận sự bình đẳng của Trung Cộng cũng như tính hợp pháp của nó. Thiên hạ chỉ có một đảng là Quốc dân đảng, thiên hạ chỉ có một người là Tưởng Giới Thạch. Ngày nay phương Tây thường chỉ trích chúng tôi “độc tài” sao lúc ấy, lại im lặng trước sự độc tài của Tưởng?
Tiêu điểm của đàm phán Quốc - Cộng sau kháng Nhật là vấn đề quân đội. Có người nói, Cộng sản các anh giao quân đội, thì Quốc dân đảng sẽ cho các anh địa vị bình đẳng, hợp pháp. Thật là phi lý, bình đẳng hợp pháp là tương hỗ, đâu phải “ân huệ” mà đảng này cho đảng khác.
Chu Ân Lai và đảng của chúng tôi đồng ý giao quân đội, nhưng chỉ có thể giao cho tổ quốc, chứ không giao cho Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch, cho nên trong đàm phán Chu một mực xuất “quốc gia hóa quân đội”, cũng có nghĩa là Tưởng và Mao đều cùng giao quân đội của mình cho đất nước Trung Hoa, dân chủ hóa chính trị trở thành tiền đề của tiêu điểm đàm phán về quân đội. Không có tiền đề ấy mà giao quân cho Tưởng tức là mất luôn dân chủ và bình đẳng. Cũng có người đưa ra ví dụ ở đâu đó đảng Cộng sản đã giao quân đội để đổi lấy cái ghế phó thủ tướng, vấn đề còn tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi nước, riêng ở Trung Quốc thì chúng tôi nhận được câu trả lời sau hai vụ thảm sát “412” và “715”. Trần Độc Tú - từng là Tổng bí thư Trung Cộng, ông đã giao cả lực lượng vũ trang của đảng mình và đổi lại không bình đẳng cũng không hợp pháp mà chỉ chết chóc, hãy nghe người ta nói “thà giết sai cả ngàn còn hơn lọt lưới chỉ một”. Mao, Chu không như Trần Độc Tú, từ những cuộc tắm máu “412” và “715”, họ rút ra danh ngôn thiên cổ “họng súng đẻ ra chính quyền!”. Biết vậy nhưng Trung Cộng vẫn cố gắng tranh thủ vận mệnh thứ nhất: hòa bình, dân chủ, kiến quốc và càng nhân nhượng thì càng bị lấn ép. Chiều ngày 26 tháng 2 năm 1946, đoàn Trung Cộng do Chu Ân Lai dẫn đầu đã ký “Phương án cơ bản về việc biên chế lại quân đội và thống nhất biên chế bộ đội Trung Cộng thành Quốc quân”, lúc bấy giờ chúng tôi gọi tắt là “phương án chỉnh quân”. Tưởng Giới Thạch biết rằng, chữ “Quốc quân” là quân đội của Quốc gia, chứ không phải của Quốc dân đảng và do đó ông đã kiên quyết phản đối, ký thì ký, còn tấn công cứ vẫn tấn công, và không khí nội chiến ngày càng nâng cấp.
Trong tình hình như vậy, tổ quân sự 3 người bắt đầu hoạt động kiểm soát thực hiện hiệp định đình chiến ở các nơi để chuẩn bị biên chế lại quân đội. Tổ gồm: Chu Ân Lai - Trung Cộng, Trương Trị Trung - Quốc dân đảng và Marshall - phía Mỹ, họ đều mang quân hàm thượng tướng, cấp dưới là ban chấp hành cũng ba trung tướng: Diệp Kiếm Anh (Trung Cộng), Trịnh Giới Dân (Quốc dân đảng), và Browder (phía Mỹ). Ngày 28 tháng 2 năm 1946, tổ 3 người đáp chuyên cơ của Marshall từ Trùng Khánh đi Bắc Kinh, lần lượt thị sát tình hình đình chiến ở Trương Gia Khẩu, Tập Ninh, Tế Nam, Từ Châu, Tân Hương, Thái Nguyên, Quy Tuy, Diên An, Hán Khẩu, v.v... Bố trí một tuần làm việc khá căng thẳng, cả ngày lẫn đêm đều nghe báo cáo tình hình, lúc ấy chưa xảy ra tranh cãi gì, trong tiệc tùng đều đang khách khí chúc tụng nhau, nhưng mỗi bên đã có thể phán đoán động thái của tình hình.
Lúc bay từ Quy Tuy về Diên An, Chu Ân Lai khẽ gọi:
- “Văn Bạch ạ!”, Trương Trị Trung tướng quân đang trầm ngâm, quay lại: “Tôi đây”. Chu thong thả:
- Văn Bạch ạ, các anh không đánh thì mọi người cùng nhau xây dựng lại đất nước, còn các anh đánh, đầu tiên là mất nhân tâm, mà đã mất nhân tâm thời mất luôn thiên hạ đó. Đảng Cộng sản chúng tôi sẽ đoàn kết các đảng phái dân chủ cùng xây dựng nước Trung Hoa mới, và tình hình khi ấy sẽ hoàn toàn khác với bây giờ...
Ngày nay nghĩ lại, dễ dàng nhận thấy, trong khi tích cực tranh thủ vận mệnh thứ nhất - hòa bình dân chủ kiến quốc - Chu Ân Lai đã bắt đầu nghĩ tới khả năng không thể tránh khỏi vận mệnh thứ hai sẽ xảy ra. Tôi thấy Trương Trị Trung ngơ ngác, im lặng, muốn nói mà không sao nói được, ông trở lại trạng thái trầm ngâm ban đầu. Hôm ấy, tổ quân sự 3 người đến Diên An, Marshall và Trương Trị Trung bái kiến Mao Trạch Đông. Trương nhìn Mao và các vị lãnh đạo Trung Cộng và bỗng cao hứng mà rằng:
- Trương Trị Trung tôi đã 3 lần đến Diên An, sau này các ngài viết Trung Cộng đảng sử xin đừng quên 3 lần thăm viếng Diên An của Trương tôi.
- Tất nhiên là không thể quên được Trương tiên sinh - Mao Trạch Đông với khẩu âm Hồ Nam vui vẻ đáp lại.
Trên bàn tiệc thì như vậy, còn ngoài chiến trường, hiệp định ngừng bắn lại không thực hiện được nửa câu. Tuy cảm nhận rằng Tưởng Giới Thạch quyết tâm đánh cộng sản, hòa bình thật vô vọng, nhưng Chu Ân Lai vẫn bôn tẩu. Về sau Quốc dân đảng hoàn đô Nam Kinh và đo đó địa điểm đàm phán từ Trung Khánh cũng vì thế dời về nơi đó. Hôm chia tay với giới văn hóa Trùng Khánh, Chu Ân Lai lòng bịn rịn mà than rằng: “Trùng Khánh quả là một thành phố của đàm phán!”. Đôi mày rậm của Chu nhíu lại, ông suy ngẫm thế mà cũng gần mười năm bôn ba cho sự đoàn kết, đàm phán đã lấy mất của ta một phần năm cuộc đời, sự nghiệp dân chủ đâu có dễ dàng, nay đã ngũ thập rồi, thường “thán lão” rồi, nhưng dù sao ta cũng phải đi hết đoạn đường này. Chu Ân Lai nghĩ như vậy và đã làm như vậy, ông kiên trì cho tới lúc Quốc dân đảng đánh chiếm Trương Gia Khẩu, kiên trì cho tới lúc Tưởng Giới Thạch triệu tập “ngụy quốc đại”. “Những gì đáng nhân nhượng tôi đã nhân nhượng” - Chu Ân Lai đã nói với Marshall như vậy, ông bình tĩnh một cách lạ thường và viên tướng Hoa Kỳ nọ cũng phải công nhận chân lý mà Chu đã nêu. Tuy thiên về phía Tưởng, nhưng Marshall nhiều lúc không thể không thực hiện kiến nghị của Chu Ân Lai, ví như lúc Tưởng Giới Thạch huy động 30 vạn đại quân bao vây chia cắt hòng tiêu diệt 6 vạn binh lính Hồng quân thuộc quân khu Trung nguyên, Chu Ân Lai kịp bay về Nam Kinh gặp Marshall phản đối, Marshall đồng ý và phía Tưởng đành rút quân! Ngày 16 tháng 11 năm 1946, “ngụy quốc đại” đang họp, Chu Ân Lai đến chào từ biệt Marshall, bằng một giọng chân thành và cảm động, Marshall đã nói:
- Tôi lấy làm tiếc là đàm phán bị phân liệt. Tất cả tướng lĩnh cao cấp của Quốc dân đảng, kể cả Tưởng Giới Thạch, theo tôi, đều không phải là đối thủ đàm phán của Chu Ân Lai. Qua một thời gian quan sát, tôi nhận thấy phía Quốc dân đảng tìm không ra một con người thông tuệ, uyên bác, nhẫn nại mà kiên quyết như Chu.
Chiều 17 tháng 11 năm 1946, Chu Ân Lai họp báo tại Mai Viên Tân Thôn, ông nói:
- Sẽ có một ngày mà Quốc dân đảng đánh không nổi nữa, rất có thể lúc ấy lại đàm phán, nhưng tình thế, hình thức, nội dung v.v... đều hoàn toàn thay đổi, không giống như hôm nay... - Lời dự đoán ấy hai năm sau đã thành hiện thực.
Trước khi trở về Diên An, Chu Ân Lai hỏi tôi:
- Hà Thu Anh, đàm phán thất bại, nội chiến bắt đầu, chú nghĩ như thế nào?
- Dạ có Mao Chủ tịch lãnh đạo, chúng ta nhất định thắng ạ!
Chu trầm ngâm mà rằng: Sau khi đại cách mạng thất bại, năm 1931, tôi rời Thượng Hải, lúc ấy tâm trạng hoảng loạn, không biết khi nào mới được trở lại. Còn nay thì hoàn toàn khác, tôi tin rằng, nhanh thì nửa năm mà lâu cũng chỉ một năm, chiến trường sẽ trả lời tất cả.
Chu cười: “Sẽ trả lời” không có nghĩa là tiêu diệt được ông ta, điều đó cần phải 3 đến 5 năm nữa, nhưng chắc chắn là ông ta chỉ có thất bại mà thôi. Tưởng Giới Thạch đi sai nước cờ rồi, đã sai và kéo theo lịch sử đều thay đổi hết, ông ta không đánh, mọi người cùng nhau xây dựng đất nước, ông ta đánh như thế này, thì chính ông ta mất phần của mình trước tiên.
Ngày 19, chúng tôi cùng Chu Ân Lai bay về Diên An. Hai năm sau, Tưởng Giới Thạch công bố cầu hòa, Trung Cộng nêu ra 8 điều kiện đàm phán, điều kiện thứ tám ghi rõ: triệu tập hội nghị chính trị hiệp thương không có các phần tử phản động tham gia, thành lập chính phủ liên hợp dân chủ, và tiếp thu chính phủ Nam Kinh của Quốc dân đảng.
Trương Trị Trung lại dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc dân đảng đến Bắc Kinh đàm phán, nhìn vẻ bẽn lẽn của các vị trong bữa tiệc do Chu Ân Lai thết đãi, bên tai tôi vọng lên lời tiên tri của Thủ tướng, rằng: ông ta không đánh... và... ông ta đánh. Cùng lúc ấy đại quân của Mao - Chu đang chuẩn bị vượt sông Trường Giang tiến về giải phóng Nam Kinh, tất cả, âu cũng là sự chọn lựa của lịch sử.