Chương 6
SÁU VĂN PHÒNG

     hiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới đã nghiên cứu và bình chọn Chu Ân Lai là người bận rộn và nhiều việc nhất của hành tinh chúng ta. Nhận định ấy không hề khoa trương chút nào, bởì vì những gì mà mấy chục năm qua thủ tướng để lại quả là một chứng minh hùng hồn. Tinh thần cống hiến và tài trí thông tuệ hơn người của Chu Ân Lai nhiều sách báo trong và ngoài nước đều đề cập, ở đây xin không nhắc lại, tôi chỉ muốn dành chương này để kể về “sáu văn phòng” của Thủ tướng. Thuật ngữ “văn phòng” anh chị em thư ký chúng tôi sử dụng bấy lâu hoàn toàn khác hẳn với một không gian nào đó ở Tây Hoa sảnh, Đại lễ đường Nhân dân, Điếu Ngư Đài hoặc Tân Lục Sở v.v.. mà do quan sát quy luật sinh hoạt và làm việc của Thủ tướng nên chúng tôi đã đặt tên như vậy, cũng là loại “tiếng lóng” để “che mắt” mọi người bớt “quấy rầy” ông.
“Văn phòng thứ nhất”, xưa dùng từ thô thiển, ngày nay văn minh hơn gọi là phòng vệ sinh, phòng rửa tay, phòng tắm v.v.. Lịch sinh hoạt hàng ngày của Thủ tướng, mở mắt tỉnh dậy là đi nhà vệ sinh và cũng bắt đầu làm việc ngay tại đó, nên chúng tôi mới dám đặt tên “thứ nhất”, hay nói gọn hơn “văn phòng 1”.
Năm 1940, tôi được điều về Trùng Khánh phục vụ Chu Ân Lai, “văn phòng 1” của ông còn rất thô sơ, chúng tôi chọn một góc vườn cách nhà khoảng hơn 10 mét, làm cái lều, đào lỗ, đặt hai hòn gạch. Mỗi sáng trở dậy, Thủ tướng tôi cầm tập sách báo đêm qua để sẵn đầu giường và đi ra “văn phòng 1” vừa “làm việc”, vừa xem tin tức, một ngày bận rộn của ông đều bắt đầu như vậy. Do nhiều nguyên nhân về thể trạng, thời gian đi vệ sinh của Thủ tướng tương đối dài không giống những người “tốc chiến tốc thắng” 3 phút là xong, mà nhanh thì nửa giờ, hoặc chậm phải đến cả tiếng, cho nên không làm việc kể cũng uổng, một đời hẳn không biết bao nhiêu là ngày tháng. Thời lượng công tác ở “văn phòng 1” của Thủ tưóng hoàn toàn do tình trạng sinh lý của hôm ấy quyết định, thường thường hai việc đều hoàn thành một lúc. Thoạt đầu Thủ tướng đọc các điện khẩn đêm qua truyền về, rồi xem báo hàng ngày vừa ra sáng nay. Cũng có lúc, chắc bạn sẽ ngạc nhiên hoặc mỉm cười không tin, vâng, cũng có lúc tại “Văn phòng 1” Thủ tướng vừa xem văn thư, vừa nghe chúng tôi báo cáo tình hình, vừa ra chỉ thị và vừa “làm cái việc ấy” nữa.
Trường hợp văn thư sách báo đã xong mà “công việc” vẫn chưa hoàn thành triệt để, Thủ tướng gọi chúng tôi bổ sung kế hoạch. Nhiều thầy thuốc lo ngại, hay là vì Thủ tưóng có thói quen đọc sách báo khi đi vệ sinh nên bị ức chế mà kéo dài thời gian như vậy và sử dụng các biện pháp y học, nhưng đều vô hiệu, cuối cùng đành chấp nhận để Thủ tướng làm việc ở “văn phòng 1” vì đối với ông thời gian là châu báu.
Ngày đầu tiên nhận việc phục vụ Chu Ân Lai, tôi đã trình diện ông tại “văn phòng 1”.
- Đồng chí tên là Hà Thụ Anh?
- Dạ vâng, thưa Chu phó chủ tịch.
- Ở đơn vị nào điều về?
- Lữ đoàn 385.
- A, đồng chí là lính của Phương diện quân số 4.
Tôi lấy làm xấu hổ vì mình là lính của Phương diện quân số 4 do Trương Quốc Đào chỉ huy, đi đến đâu cũng mang tiếng không tốt đẹp gì. Hình như biết tôi lúng túng, Chu Ân Lai cười vang:
- Trương Quốc Đào không tốt, nhưng sĩ tướng của Phương diện quân số 4 đâu phải là xấu, Trung ương đều rất tín nhiệm các đồng chí, ông ấy đã không biết đánh trận mà lại còn thọc tay tận xuống cấp tiểu đoàn, cho nên cơ sự mới ra nông nỗi này. - Nói đến đây Chu Ân Lai lắc đầu và tiếp tục bảo tôi: - Hoan nghênh đồng chí Hà về công tác cùng chúng tôi.
Từ hôm ấy, Chu Ân Lai không hề nhắc tới mấy chữ “Phương diện quân số 4” nữa, tôi liên tục được thăng chức “phó quan” lên thư ký cơ yếu, rồi vệ sĩ trưởng v.v... mà điểm bắt đầu là “văn phòng 1” của Thủ tướng.
Thời kiến Quốc, về thành phố, tiện nghi của “văn phòng 1” được hoàn thiện dần, tư thế ngồi xổm thay vì ngồi bệt nên đỡ tê chân, và “hiệu suất” làm việc nâng lên rõ rệt, lúc này tuổi tác của Thủ tướng cũng đã cao, công việc của một đất nước đến cả tỷ dân cũng nhiều vô kể, chúng tôi ai cũng chợt nghĩ, cứ mà kéo dài mãi cơ sở vật chất loại “văn phòng 1” như ở Trùng Khánh thì thật là gay go. Tất cả đám thư ký chúng tôi đều tôn trọng tập quán làm việc tại “văn phòng 1” của Thủ tướng, bởi vì người Trung Hoa chúng tôi có câu “Nhất niên chi kế tại dư xuân, nhất thiên chi kế tại dự thần” - mọi việc của một ngày đều bắt đầu từ buổi sáng, cũng như mọi kế sách của cả năm hầu như sẽ đến tự mùa xuân, và “tranh nhau” đưa phần việc mà mình phụ trách “xếp hàng” tại “văn phòng 1” để được Thủ tướng phê duyệt trước. Thủ tướng thường đi ngủ vào lúc 3 giờ sáng và thức dậy khoảng 7 giờ, trong khoảng 3, 4 tiếng đồng hồ ấy biết bao chuyện đã xảy ra ở Trung Quốc và trên thế giới mà Chu Ân Lai không thể không biết, do đó chúng tôi phải kịp thời báo cáo ông ngay ở thời khắc bắt đầu của một ngày công tác, địa điểm chỉ có tại “văn phòng 1” là thuận lợi nhất. Thủ tướng vừa bước chân vào “văn phòng” là anh em chúng tôi theo sát sau lưng nhẹ nhàng đặt tất cả điện khẩn, công văn khẩn, báo cáo khẩn lên một cái đôn thấp bố trí bên cạnh chỗ “làm việc” để Thủ tướng với tay lấy xem dễ dàng. Nhiều năm quan sát, tôi thấy đây là thời điểm mà Thủ tướng làm việc hưng phấn nhất, hiệu suất cao nhất và quả là ông có 3 cái đầu cùng đồng thời động não, mắt đọc điện báo văn thư rồi cẩn thận phê ghi ý kiến rõ ràng và dễ hiểu cho người thực hiện, tai nghe anh em chúng tôi báo cáo những vấn đề thuộc lĩnh vực khác vừa thu thập qua điện thoại không có văn bản và miệng phát ra những chỉ thị mà hồi đêm Thủ tướng đã “nhất dạ sinh bách kế”, sáng ra phải truyền đạt ngay cho thư ký. Trong kho lưu trữ của nhà nước, hằng hà sa số văn bản còn giữ lại đều có bút tích của Chu Ân Lai phê ghi lúc bình minh ngay ở “văn phòng 1” này.
Có một lần Liêu Thừa Chí vội vàng tìm gặp Thủ tướng, nhưng trực ban đã nói với ông:
- Chương trình làm việc hôm nay của Thủ tướng sắp xếp kín cả rồi, không còn chỗ trống để chen vào báo cáo của đồng chí.
- Việc này khẩn cấp lắm, không gặp Thủ tướng là không xong - Liêu Thừa Chí hốt hoảng hỏi: - Thế Thủ tướng ở đâu?
- Dạ đang đi cầu ạ!
- A, “văn phòng 1” - Liêu Thừa Chí mừng rỡ chạy thẳng vào nhà vệ sinh làm việc với Thủ tướng và từ hôm đó “văn phòng 1” bị lộ, các đồng chí Trung ương nhanh chóng phổ biến kinh nghiệm cho nhau rồi lần lượt xộc đến đây giải quyết công việc khẩn cấp. Thủ tướng bảo chúng tôi chuẩn bị thêm vài cái ghế để các Bộ trưởng, thứ trưởng cùng ngồi bàn bạc cho tiện, tất nhiên các đồng chí nữ thì phải truyền đạt bắc cầu, gián tiếp qua anh em nam chúng tôi. Thật khó mà tưởng tượng nổi, công việc của một chính phủ, của một quốc gia lại được thực hiện ở trong loại “văn phòng” như vừa kể, vấn đề rất nghiêm túc và được giữ kín mấy chục năm nay, người bên ngoài cũng chỉ hiểu “văn phòng 1” là một nơi nào đó mà thôi, quan trọng nhất vẫn là những sản phẩm đưa ra từ nơi ấy và Thủ tướng không hề câu nệ, người ở đâu, bàn làm việc và văn phòng ở đó. Xong việc ở “văn phòng 1” đi ra, nếu không có vấn đề gì quan trọng phải điện thoại xin ý kiến của Mao Trạch Đông, Thủ tướng dành 5 phút tập bài thể dục do ông tự biên soạn và sau đó bước vào “văn phòng thứ hai”.
Chúng tôi gọi bàn ăn chứ không phải nhà ăn là “văn phòng thứ hai” của Thủ tướng, vì ông ngồi ăn chỗ nào thì chỗ ấy lập tức trở thành bàn làm việc, ngay cả nơi yến tiệc. Nhưng tục ngữ có câu “trời đánh còn tránh bữa ăn”, việc khẩn cấp đều đã giải quyết ở “văn phòng 1” rồi, nên anh chị em chúng tôi cam kết không được quấy rầy Thủ tướng lúc này, để ông ăn ngon miệng, tiêu hoá tốt, đảm bảo sức khoẻ. Mặt khác chị cả Đặng cũng căn dặn: “Các đồng chí những 20 thư ký, nếu cứ luân phiên quần thảo thì có ngày Thủ tướng sẽ tắt thở ngay trong bữa ăn đó”, cho nên khi sắp xếp lịch làm việc cho Thủ tướng, chúng tôi đều để trống lúc ăn cơm, còn lại là chằng chịt, chi chít công việc. Ngày 20 tháng 1 năm 1981, chị cả Đặng mang tới Văn phòng Trung ương đảng 26 cuốn lịch công tác của Chu Ân Lai trong hơn 26 năm qua, Hồ Diệu Bang là Tổng bí thư lúc bấy giờ đã tiếp nhận di sản quý báu đó của Thủ tướng, phải nói chính xác là 26 cuốn lẻ 8 tờ ghi đầy đủ từng phút từng ngày những việc Chu đã làm kể từ đầu năm 1950 cho đến hôm mồng 8 tháng 1 năm 1976 - lúc ông qua đời, trong đó chúng ta có thể tìm thấy khá nhiều công việc giải quyết tại bàn ăn - “văn phòng 2”.
Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đều có một thói quen ăn uõng không theo một quy luật nhất định và miệng nhai nhưng mắt không rời trang chữ, tuy vậy giữa hai người có điểm khác nhau. Khi sang Liên Xô hội đàm với Stalin, Mao Trạch Đông mang theo một đám quân sư, bộ hạ đều làm công tác nghiên cứu triết học, nên lúc bàn vào vấn đề sản xuất, xây dựng kiến thiết, công trình viện trợ v.v... các đồng chí này trình bày không mấy rõ ràng, Stalin bèn nói với Mao Trạch Đông: “Về kinh tế, đồng chí cho gọi Chu Ân Lai sang, như vậy hội đàm sẽ có kết quả hơn”. Được lệnh, Chu Ân Lai và đoàn chuyên gia kinh tế liền ứng viện, Mao Trạch Đông cười và nói với Stalin rằng: “Hôm nay thì chúng tôi có đầy đủ binh mã, vừa thượng tầng kiến trúc vừa hạ tầng cơ sở kinh tế”, quả nhiên đàm phán Trung - Xô đi đến ba hiệp định, đạt yêu cầu của Mao triết gia “đẹp một tí và cũng ngon một tí”. Làm triết học nhiều lúc có thể thoát ly sự ràng buộc của sự vụ cụ thể, nhưng đối với kinh tế thì không như thế được, cho nên lúc ăn cơm Chu Ân Lai xem sách báo, văn kiện và phải hạ bút phê ghi rất chi tiết, cẩn thận, còn Mao Trạch Đông thì gật gù suy ngẫm sẽ tán đồng hoặc sẽ phản đối.
Ăn sáng xong, Thủ tướng nhanh chóng đi vào văn phòng thứ ba, ông vội vàng đến mức nước súc miệng nhổ vào ống nhổ ở văn phòng này, chứ không phải bên nhà ăn. Tôi không mở ngoặc kép cho mấy chữ văn phòng thứ ba vì đó là nơi làm việc thông thường mà ai cũng biết, đơn sơ, bài trí nhẹ nhàng với bức tượng thạch cao bán thân hình hài chủ tịch, các tuyển tập, trước tác của Mác, Ănghen, Lênin, Stalin và Mao Trạch Đông, ngoài ra là loại sách công cụ Từ nguyên, Từ hải dùng để tra cứu. Chu Ân Lai thường triệu tập các vị phó thủ tướng, Bộ trưởng, chủ nhiệm uỷ ban đến đây trao đổi ý kiến hay hội nghị. Bàn làm việc của Thủ tướng tôi ngày nào cũng chất cao công văn giấy tờ. Ông có “tam bảo văn phòng”, thứ nhất là ống vải bảo hộ tay áo, Chu Ân Lai cần mẫn như một người thợ sắp chữ hoặc như một công chức luôn phải cạo giấy, trước khi ngồi vào bàn cẩn thận mang hai ống này vào hai tay vừa giữ cho tay áo sạch sẽ, vừa bảo vệ nơi khuỷu tay lâu sờn, thứ hai - kính lão và thứ ba - lọ dầu gió. Hồi chưa sản xuất máy điều hoà không khí, phòng làm việc của Thủ tướng phải dùng quạt điện và lò sưởi than, tuy có hơn nhà hầm ở Diên An nhưng không được đông ấm hè mát một cách tự nhiên như kiểu ở vào hốc núi trên cao nguyên hoàng thổ. Công việc đầu tiên của Thủ tướng là phê duvệt văn kiện và sau đó tiếp đến các hoạt động ở bên ngoài như hội nghị, thuyết trình, đón khách, đi kiểm tra, thị sát, tới khoảng 10 giờ tối thì không khí ở Tây Hoa Sảnh mới thực sự rộn rịp, khẩn trương, xe đưa Thủ tướng trở về và nghe tiếng húng hắng là chúng tôi nhận ra ngay Chu Ân Lai. Ngày xưa khi còn hoạt động bí mật, ông thường ám hiệu bằng cách húng hắng ho, lâu dần thành thói quen không sửa được, và nay có thể thay cho việc ấn chuông. Toàn bộ đám thư ký trình lên các báo cáo vừa thu thập trong ngày và Thủ tướng lại vào bàn, đeo mục kỉnh, mang ống vải bảo hộ tay áo, bắt đầu làm việc ca 3. Sức hoạt động của Chu Ân Lai thật là phi thường, không chỉ về mặt số lượng mà chủ yếu ở nơi chất lượng, chúng tôi thường chứng kiến các điệp khúc như sau:
- Báo cáo này nhận từ lúc nào?
- Thưa Thủ tướng buổi trưa ạ.
- Sao bây giờ mới trình?
- Dạ lúc ấy Thủ tướng đang bận.
- Không cho phép làm như thế, tôi đã nhắc các đồng chí nhiều lần rồi, có việc quan trọng là phải báo cáo ngay cho Chủ tịch, vậy mà các đồng chí để trễ cả nửa này. - Thủ tướng vừa răn dạy, vừa xem báo cáo và nhanh chóng phê ghi rồi giao cho thư ký thực hiện tức thì trong đêm ấy, đoạn ông hạ giọng ân cần bảo ban: - Các đồng chí đừng sợ tôi bận, những vấn đề khẩn cấp, dù tôi đang ngủ hay đang họp hành gì đó đều phải kịp thời báo cáo. Nhưng có lẽ điều làm chúng tôi sợ nhất là khi nhận những báo cáo bất thành văn tự của Bộ trưởng, thứ trưởng mà cứ thế trình lên Thủ tướng, thì trận “lôi đình” không biết sẽ đi đến đâu - Văn vẻ như thế này, các đồng chí đã không sửa lại còn đùn đẩy lên tôi - Nhiều thư ký biện bạch: - Dạ thưa dó là do Bộ trưởng viết ạ. Thủ tướng phán ngay: - Thế trong cái văn phòng này, ai chịu trách nhiệm với tôi? Bộ trưởng hay đồng chí? Xem những bảo cáo như vầy quả là lãng phí thời gian.
Thủ tướng tôi cẩn thận đến mức văn tự, chữ nghĩa nào chưa rõ đều tra khảo Từ hải, Từ nguyên, thậm chí lật cả Từ điển Khang Hy, những câu, những đoạn viện dẫn phải trích theo nguyên tác có đầu có đuôi... Tội nghiệp, có hôm Thủ tướng kéo thước tính logarit để dò và kiểm tra từng con số, chúng tôi phải kêu lên: - Thủ tướng không tin các bộ tính toán hay sao? Ông giải thích: - Tôi ký thì dễ, ngoáy bút là xong, nhưng đây là quốc kế dân sinh, sai một ly đi một dặm, sẽ lãng phí mồ hôi, nước mắt và máu của nhân dân, có thể nói “ngàn cân treo đầu ngòi bút này”... Thủ tướng cẩn thận một cách cực đoan, nhiều lúc ông đã than rằng, “tôi như ông thầy dạy văn, ngày ngày phải chấm luận, sửa bài”, đó là cách nói hình tượng của Thủ tướng, còn đối với chúng tôi, Chu Ân Lai như một nhà điêu khắc, như một thợ thêu, cần mẫn gọt dũa, cần mẫn chọn chỉ chọn màu tạc nên, dệt lên những tác phẩm bất hủ...
- Ân Lai anh, đứng dậy vận động tí đã! - Lời nhắc nhở nhẹ nhàng ấy của chị cả Đặng vẫn thường đêm văng vẳng ngoài hành lang. Phòng làm việc của Chu Ân Lai có 3 chìa khoá, một giao cho trực ban cảnh vệ, một giao cho trực ban thư ký và một do ông giữ. Đặng Dĩnh Siêu không cầm cái nào và không hề bước chân vào căn phòng này. Hơn thế nữa, nguyên tắc không can dự đến công việc của Thủ tướng đã trở thành “hiệp nghị hôn nhân” từ lâu giữa hai người, vì vậy mà chị cả Đặng chỉ có thể đứng ngoài hành lang khẽ nhắc vào.
- Anh sẽ vận động, Tiểu Siêu về nghỉ đi! - Chu Ân Lai rời khỏi ghế ngồi, vươn vai và đi lại trong phòng, một cách tập thể dục giữa giờ, sau đó tiếp tục làm việc, mãi tới lúc “cho tôi cái khăn nóng” thậm chí “cho mình điếu thuốc” thì ông mới về phòng ngủ - “văn phòng thứ tư”.
Trên giường ngủ, Chu Ân Lai vẫn làm việc, vẫn “tam bảo văn phòng”: cây bút chì xanh đỏ, mục kỉnh lão và lọ dầu gió. Thủ tướng để văn kiện bên cạnh người, nằm đọc, lúc cần phê ghi thì bắt chân chữ ngũ, kê tờ giấy lên đầu gối mà viết. Anh em chúng tôi thấy vậy bèn làm cho ông tấm bìa cứng, nhưng cũng cứ mỏi chân, về sau chị cả Đặng gọi thợ mộc thiết kế và đóng cho Thủ tướng cái bàn đặc biệt nằm nghiêng có thể phê ghi được, điều kiện làm việc ở “văn phòng 4” từ đó được cải thiện hơn. Chiếc bàn độc nhất vô nhị ấy hiện còn giữ gìn và trưng bày ở Bảo tàng Cách mạng Trung Quốc. Những năm 60, Thủ tướng mắc chứng đau tim, tại “văn phòng 4” này còn phải chuẩn bị thêm những lọ thuốc trợ thủ giảm cơn đau. Vào thời kỳ kinh tế khó khăn, các đồng chí lãnh đạo trung ương kiên trì không ăn thịt và trứng, còn lương thực thì theo định lượng. Thủ tướng lại phải làm việc mỗi ngày liên tục 17 tiếng đồng hồ, vào đến “văn phòng 4” ông mệt nhoài sóng sượt, nhưng vẫn không bỏ thói quen làm việc, ai khuyên can, Thủ tướng tôi cũng chỉ mỉm cười, gật đầu và rồi lại đọc, lại ghi.
Anh chị em thư ký chúng tôi bàn cách đối phó và nhất trí cử Trịnh Thục Vân - nữ y tá vừa đưa thuốc cho Thủ tướng, vừa “đứng vạ”, khi nào ông đi ngủ thì mới ra khỏi phòng.
Trịnh Thục Vân 15 tuổi tòng quân, 18 tuổi vào Trung Nam Hải và phục vụ Thủ tướng mãi cho đến ngày ông tạ thế. Nằm trên giường bệnh, Chu Ân Lai đã an ủi Thục Vân: “Bác chứng kiến cả một quãng đời từ a hoàn tóc đen trở thành a hoàn tóc trắng của cháu ở chốn Trung Nam Hải này và ngẫm ra, thời gian không tha thứ cho bất kỳ ai, phải không Thục Vân?”. Những năm 50, lúc hội đàm Trung - Mỹ ở Varsava, có ngày Chu Ân Lai làm việc liên tục 22 tiếng đồng hồ, ông ngồi lỳ ở văn phòng 3 mà không chịu về “văn phòng 4”, chị cả Đặng đi đi lại lại ngoài hành lang nhắc nhở, rồi ấn chuông nhiều lần, tất cả đều vô hiệu, bèn cử Thục Vân đưa nước trà vào cho Thủ tướng và cứ đứng vậy. Chu Ân Lai ngẩng đầu lên và hỏi Thục Vân:
- Cháu chưa về ư?
- Thủ tướng chưa đi ngủ thì nên vận động một chút. Thủ tướng chưa vận động là cháu chưa hoàn thành nhiệm vụ, Thủ tướng làm chưa xong việc chưa chịu đi ngủ, cháu cũng vậy, phải xong việc mới về được ạ!
Từ đó “Tiểu Trịnh” trở thành át chủ bài “khuyên chúa” tập thể dục giải lao, “khuyên chúa” đi nghỉ đúng giờ, nhưng túng thế lắm chúng tôi mới ngả bài “đứng vạ” của Trịnh Thục Vân. Năm 1966, lúc ngài Lý Tôn Nhân từ nước ngoài trở về, vì một số công việc xảy ra những ngày đầu Cách mạng văn hoá, Chu Ân Lai phải làm việc liên tục 60 tiếng đồng hồ, máu dồn lên mắt, đau đến mức không còn nhìn thấy gì nữa, trở về “văn phòng 4” ông vẫn không tài nào ngủ được, dựa vào thành giường vờ nhắm mắt, cũng thế, ông gọi thư ký đến bàn bạc công việc, đọc cho ông nghe các bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi Lý Tôn Nhân, y tá vào chích thuốc yêu cầu ngừng đọc, nhưng Thủ tướng không chịu, bảo rằng: “Đồng chí nào tiêm cứ tiêm, đồng chí nào đọc cứ đọc và tôi nghe cứ phải nghe”. Sinh mạng của Chu Ân Lai cứ như vậy mà hao tổn dần, và khi “văn cách” cuốn cờ, thì mọi năng lượng vật chất ở ông cũng cạn kiệt.
“Văn phòng thứ năm” của Thủ tướng rộng mênh mông, trên rừng dưới biển, thành phố, nông thôn, nhà máy, công trường, cơ quan, trường học, đường phố, thương trường, chợ búa v.v... tất cả những nơi ông đặt chân đến trên lãnh thổ Trung Hoa bao la, cũng như đất khách quê người, bầu bạn bốn phương. Thói quen của Chu Ân Lai là yêu cầu mỗi thư ký cùng ông làm việc tại “văn phòng 5” đều viết tờ báo cáo, viết xong ông duyệt và trình về cho Mao Trạch Đông. Nội dung tờ báo cáo phải “có xương có thịt”, nghĩa là đúng thực tế, mang phong thái điều tra và toát lên cách nhìn của người viết; về hình thức cần dùng mực đậm, chữ to và chân phương, tất cả đều nhằm mục đích làm sao cho Chủ tịch dễ đọc và chấp nhận. Đó là nhiệm vụ toát mồ hôi đối với đám thư ký chúng tôi, có người đã viết đến lần thứ mười hai mới hoàn thành một vài câu “có xương có thịt” mà Mao Trạch Đông phải gật gù tán thưởng. Tại “văn phòng 5”, chúng tôi phải giữ kỷ luật của Thủ tướng, ấy là mắt nhìn thật tinh, tai nghe thật thính, tay ghi thật nhanh còn miệng thì im thin thít, tranh thủ mọi lúc mọi nơi hoàn thành tờ báo cáo, ưng nói gì thì phát biểu gọn gàng trên một trang giấy mà thôi...
Cuối cùng, kể đến “văn phòng thứ sáu” của Thủ tướng, nó hoàn toàn khác với 5 loại “văn phòng” vừa kể, đó là một tổ chức thuộc biên chế Quốc vụ viện có tên gọi Văn phòng Thủ tướng, thể như “Văn phòng Đặng”, “Văn phòng Trần”, “Văn phòng Dương” v.v... Văn phòng Thủ tướng thường được hiểu với nghĩa rộng bao gồm tất cả chúng tôi - những người làm việc bên cạnh Chu Ân Lai và trụ sở ở Tây Hoa Sảnh nên còn gọi Văn phòng Tây Hoa sảnh; cơ cấu tổ chức từ chánh văn phòng, phó văn phòng cho đến tổ trưởng, tổ phó 5 tổ tổng hợp, ngoại giao, quân sự, tài chánh kinh tế và hành chính. Thời cực thịnh của Văn phòng Tây Hoa sảnh là năm 1955 với 20 người, đến từ ngũ hồ tứ hải, do nhiều nguồn giới thiệu, nhưng về với Chu Ân Lai thì trở thành một tập thể nhất thống. Năm 1958, Mao Trạch Đông phê phán phái “chống mạo hiểm”, Văn phòng Tây Hoa sảnh dần dần bị cắt giảm biên chế, còn đâu khoảng hơn 10 người. Cuối năm 1964 sang đầu năm 1965, một hôm Mao Trạch Đông hỏi Chu Ân Lai: “Đồng chí dùng gì mà nhiều thư ký vậy? Để họ dắt mũi mình sao?”. Trở về Tây Hoa Sảnh, Thủ tướng tuyên bố giải tán văn phòng của ông, Đồng Tiểu Bằng, nguyên chánh văn phòng Tây Hoa sảnh điều về văn phòng Trung ương Đảng, Hứa Minh là phó chuyển công tác làm phó thư ký đoàn Quốc vụ viện, Cố Minh được đề bạt lên chức phó chủ nhiệm uỷ ban kế hoạch nhà nước. Văn phòng Tây Hoa sảnh nay gọi là tổ trực ban giúp việc cho Thủ tướng, nhưng công việc vẫn nhiều như xưa, bởi vì Mao Trạch Đông lãnh đạo vĩ mô, những vấn đề cụ thể đều đặt lên vai Chu Ân Lai gánh vác, tự thân Thủ tướng tôi phải hỏi han, quay điện thoại liên hệ các nơi. Đến thời kỳ “văn cách”, Lâm Bưu và “Tứ nhân bang” đã gây khó khăn cho Thủ tướng, cuối cùng thì tổ trực ban cũng phải giải thể luôn, thư ký và cảnh vệ bên cạnh Chu Ân Lai đều bị Giang Thanh đưa đi nông thôn, chỉ còn lại mình tôi và Cao Chấn Phổ mà thôi. Khi bệnh tình của Thủ tướng quá ư trầm trọng, người ta mới cho Kiều Kim Vượng trở lại chăm sóc ông...
Những ngày cuối đời của Chu Ân Lai thật là buồn thảm, tôi sẽ kể tiếp ở chương sau cùng của cuốn sách này, một thời nhộn nhịp khẩn trương với các văn phòng 1, 2, 3, 4 và 5 đâu còn nữa, trong tôi giờ đây chỉ đọng lại mười chữ mà Thủ tướng luôn dành cho anh chị em thư ký chúng tôi: tín nhiệm, tôn trọng, dân chủ, bồi dưỡng và quan hoài.