Chương 7
ĐỜI THƯỜNG

     hời kỳ Chu Ân Lai đi thăm 14 nước Âu, Á, Phi, một phóng viên nước ngoài phỏng vấn ông: “Thưa Thủ tướng, năm nay Thủ tướng đã 65 tuổi, nhưng trông rất trẻ, không rõ thủ tướng có bí quyết hay mật phương gì?” Đây cũng là đề tài mà nhiều người quan tâm. Nixon khẳng định “Quyền lực làm chúng ta trẻ lại”; trong một bài ca nào đó có câu “Người cách mạng luôn luôn trẻ trung, còn xanh tươi hơn cả cây tùng, cây bách”; những người sống và làm việc bên cạnh Thủ tướng thì cho rằng: “Lòng nhân ái khiến cho Thủ tướng mãi mãi không già”. Còn bản thân Chu Ân Lai? Hồi ấy ông trả lời phỏng vấn: “Tôi là người phương Đông, có lẽ vì thế mà thoạt trông có vẻ trẻ chăng?”. Chu Ân Lai đã sống theo tập quán phương Đông như thế nào, hiện là một chủ đề thu hút nhiều người quan tâm nghiên cứu, thậm chí có thầy thuôc đang đi tìm bí quyết trường thọ của Thủ tướng. Sẽ có bạn đọc bảo rằng, ông nói sai rồi, Thủ tướng qua đời năm 78 tuổi, sao gọi là trường thọ được? Ngày nay người thọ 78 rất phổ biến kia mà.
Bạn hãy cùng tôi tạm quy ước “Tỉnh mới là sống”, và do đó căn cứ vào nhật ký làm việc của Chu Ân Lai thì ông có tuổi thọ đến 120 cơ. Nếu chúng ta cũng lao tâm lao lực, cúc cung tận tuỵ như Chu Ân Lai, như Gia Cát Lượng thì chẳng mấy ai sống lâu như họ, một thầy thuốc nhận định như vậy và nói vớí tôi: “Thủ tướng của chúng tôi chết vì mệt, chọn ra 10 vạn người làm việc như Thủ tướng thì dám chắc sau một năm sẽ có 1 vạn người ngả bệnh suy sụp, sau năm năm con số lên tới 3 vạn...”. Tất nhiên không thể thực hiện được loại thí nghiệm như vậy, nhưng tôi tin những gì mà ngươi thầy thuốc, ấy đã nói. Là một trong số hai mươi thư ký của Chu Ân Lai, hôm nay nhắc lại vẻ trẻ trung, sức làm việc và sự trường thọ của Thủ tướng càng làm tôi sống lại với bao kỷ niệm đời thường của ông, xung quanh 6 chữ thực, y, cư, hạnh, khang, lạc mà ai ai cũng phải theo, nhưng ở Chu Ân Lai có phần đặc biệt hơn.
Chu Ân Lai là một trong những người thấm nhuần văn minh Đông phương, ông thường nói “nhân khao y trang, mã khao yên” và căn dặn chúng tôi: con người phải chăm chú quần áo thể như yên cương nơi con ngựa vậy. Từ ngày về Bắc Kinh làm thủ tướng, Chu Ân Lai giao nhiệm vụ cho tôi trước; gọi là “phó quan”, nay dùng thuật ngữ cách mạng đổi thành “thư ký hành chánh” - lo lắng giúp ông về khoản trang phục, ông dặn: “Mình tham gia nhiều hoạt động, quần áo phong mạo phải chỉnh tề vì người nước ngoài cũng như đồng bào trong nước đều để ý xem xét, nhưng dù sao chú cũng giữ cho một nguyên tắc, ấy là trang phục của mình chú thiết kế như thế nào đó mà thể hiện được bộ mặt người dân Trung Quốc”. Chúng tôi không đưa Thủ tướng ra cửa hiệu “Hồng Đô” may đo mà mời thợ chuyên trách vào Trung Nam Hải phục vụ riêng cho ông. Sau nhiều lần thảo luận, thầy trò quyết định chọn mẫu áo Tôn Trung Sơn với nguyên liệu hoàn toàn hàng nội hoá, màu sắc nhã và trang nghiêm, đó là kiểu cách lễ phục mà Chu Ân Lai liên tục sử dụng trong suốt 27 năm làm thủ tướng, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu cũng nghiêm túc ăn vận, khiến cho anh chị em tuỳ tùng chúng tôi cũng theo ông mà tươm tất không dám xuề xoà. Trong khi đó, Mao Trạch Đông thích mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, không thật chăm chút như Chu Ân Lai và hầu hết đều do vệ sĩ giúp ông nâng khăn sửa túi, không mấy khi Mao Trạch Đông động chân động tay, ông cũng chẳng quan tâm đám người phục vụ đang bận rộn mặc quần áo cho mình, người ta nói mắt ông lúc ấy hình như đang dõi trông những nơi xa xăm nào đó tận bên Nga, bên Mỹ.
Chăm nom phong mạo cho Chu Ân Lai có một vấn đê nan giải, đó là cạo râu. Chu Ân Lai từng để râu quai nón khá đẹp, rất nam nhi đã làm cho Trương Học Lương - người dấy binh bắt Tưởng Giới Thạch trong vụ sự biến Tây An - phải thảng thốt kêu lên: “Chào mỹ nhiêm công!” (người có bộ râu đẹp). Râu của Chu Ân Lai vừa rậm, vừa cứng lại mọc rất nhanh. Thời Vạn lí trường chinh và hồi mới đến Thiểm Bắc, không có điều kiện cạo sửa, nhìn những tấm ảnh kỷ niệm lúc bấy giờ, ông tự mình trào lộng:
Ngoảnh lại miệng đâu tìm không thấy,
Bỗng dưng tiếng nói giữa ngàn râu!
Nguyên văn hai câu thơ này là: “Chuyển lai chuỷ giác vô mịch xứ, hốt văn mao lý hữu thanh âm”, nghe nói do Tô Tiểu Muội sáng tác để chọc tức Tô Đông Pha. Sau khi về thành phố, Chu Ân Lai phải “xuống râu “ và mỗi ngày cạo một lần, ban đầu còn nhờ thợ cắt tóc bên Bắc Kinh phạn điếm làm giúp, nhưng sau đó Thủ tướng tự mình giải quyết, song trong công việc cạo râu của Thủ tướng tôi xảy ra một mâu thuẫn khá buồn cười, ấy là cạo râu để “thể hiện bộ mặt của người Trung Quốc”, nhưng lưỡi dao cạo lại phải mua của người nước ngoài, vì lúc bấy giờ nước chúng tôi chưa sản xuất được loại hàng này. Điều đó làm cho Chu Ân Lai băn khoăn mãi, nguyên tắc dùng nội hoá của ông bị xâm phạm, mâu thuẫn ấy được giải quyết sau khi có lưỡi dao cạo “made in China”, tất nhiên sản phẩm không chỉ để phục vụ một mình Chu Ân Lai mà còn biết bao nhiêu đấng mày râu khác nữa.
Trong hành lý của Chu Ân Lai đi công cán nước ngoài có một va-li da được nhân viên cảnh vệ bảo quản cẩn mật, và ngay như câu chuyện về chiếc va-li ấy cũng không phải ai ai đều biết, đến nay mới có thể “mở ra” cùng xem, song đương nhiên sẽ có nhiều ý kiến bình luận khác nhau. Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như chăn, mền, ra rải giường, đệm, gối, khăn, màn v.v... của Chu Ân Lai đều đựng trong chiếc va-li “bí mật” đó. Ông có thói quen không ưa dùng tiện nghi của bất cứ một khách sạn nào. Mỗi sáng nhân viên tuỳ tùng của Chu nhanh chóng thu vén mọi thứ cho vào va-li, khoá chặt, rồi mới báo nhà buồng đến làm vệ sinh hàng ngày. Nội y của Thủ tướng đi đến đâu thì nhờ nhân viên đại sứ quán Trung Quốc ở nước đó giặt là giúp, nhiều đại sứ phu nhân đã phải khóc khi làm việc này và mắng mỏ chúng tôi sao nỡ để Thủ tướng ăn mặc như thế. Nhớ hồi đến Ai Cập, Từ Khắc Lập là Trần Gia Khang đại sứ phu nhân đã mua toàn bộ nội y mới thay thế số cũ của Thủ tướng, vệ sĩ trưởng Thành Nguyên Công can ngăn, bà nổi khùng: “Các đồng chí phục vụ Thủ tướng chẳng biết gì cả”, Thành Nguyên Công đành im lặng và để đại sứ phu nhân gặp Thủ tướng, quả nhiên bà “va đầu vào tường”.
- Vợ chồng chúng tôi lấy tiền túi mua sắm để Thủ tướng dùng, chứ không phải công quỹ đâu ạ!
- Tiền túi của anh chị cũng là ngoại tệ mà Chính phủ đã chi, nếu cần sắm quần áo thì tôi đã mua ở Bắc Kinh, hà tất phải tốn ngoại tệ như thế này, vả lại những quần áo kia còn dùng được, tuy có mạng vá đôi chỗ.
Chu Ân Lai quay lại hỏi anh em chúng tôi: “Mình làm như vậy có gì là quá đáng lắm không?” và như tự hỏi mình, rồi trầm ngâm tự bạch: “Mình cho là không quá đáng vì hiện tại Trung Quốc đang rất nghèo khó, có hai cách nghĩ, vô lẽ Trung Quốc sáu, bảy trăm triệu dân không lo nổi cho Thủ tướng của mình quần áo hay sao, huống hồ còn ảnh hưởng đến vấn đề đối ngoại nữa, điều ấy hoàn toàn có lý. Nhưng mình lại nghĩ, làm một Thủ tướng của sáu, bảy trăm triệu dân, khi nhân dân đề xướng tiết kiệm, nhẽ nào riêng mình lãng phí xa hoa”. Nhẩm lại trong cuộc đời làm Thủ tướng của mình, Chu Ân Lai chỉ may sắm quần áo 5 lần mà thôi. Thoạt đầu, khi mới vào thành phố, Thủ tướng thực hiện một lần “xây dựng cơ bản đại quy mô” bao gồm những bộ quần áo Tôn Trung Sơn để “thể hiện bộ mặt Trung Quốc”. Tháng 6 năm 1954 lần đầu tiên Thủ tướng thăm Ấn Độ, cùng Tổng thống Nehru đề xứ 5 nguyên tắc chung sống hoà bình. Báo chí còn ghi lại, hồi ấy Nehru do dự, nhưng Gandhi phu nhân bị phong độ lịch lãm, tài cán thao lược của Chu Ân Lai “mê hoặc” đã dùng toàn bộ sức lực và ảnh hưởng của mình vận động vua cha chấp thuận. Từ Ấn Độ trở về, Thủ tướng cảm nhiệt chảy máu mũi, cho nên tiếp đó Thủ tướng thăm các nước Đông Nam Á, chúng tôi phải sắm cho ông hai bộ đồ lụa hợp với khí hậu nóng bức và luôn thể là những bộ quần áo để Thủ tướng dùng khi đi lao động với nông dân, đó là lần thứ hai. Lần thứ ba, khi thăm Campuchia, vì quốc vương vừa tạ thế, đang trong những ngày quốc tang, Thủ tướng và cả đoàn đều mang thêm bộ com-lê trắng, lúc đón chúng tôi ở Phnôm Pênh hoàng thân Sihanouk vô cùng cảm kích về màu trắng tôn quý ấy. Lần thứ tư, vào năm 1963, Chu Ân Lai đi thăm 14 nước Âu, Á, Phi, chúng tôi chuẩn bị quần áo cho Thủ tướng rất chu đáo mà mãi 10 năm sau đó không phải sắm sửa gì thêm. Cuối cùng, lúc Kissinger đến Trung Quốc, chúng tôi may mới cho Thủ tướng bộ Tôn Trung Sơn màu pháp lam, ông thường mặc bộ lễ phục quen thuộc này cho tới tháng 3 năm 1975 và theo ý nguyện, khi ra đi vào cõi vĩnh hằng trên thân mình Chu Ân Lai quàn bởi bộ quần áo may lần thứ năm, cũng là lần chót!...
Chu Ân Lai ưa ăn thức gì, bình thường ăn uống ra sao và kiêng cữ loại nào, có lẽ cũng là nội dung nhiều người quan tâm. Có người quả quyết, Chu Ân Lai bản quán Thiệu Hưng Triết Giang, sinh ra và lớn lên ở Hoài An Giang Tô, tất nhiên là ưa phong vị các món ăn Giang - Triết, đầu bếp của Chu Ân Lai là Quế Hoài Vân - người Giang Tô, càng chứng tỏ điều nói trên là đúng. Không hẳn vậy, bình sinh Chu Ân Lai đã sống ở nhiều nơi, Đông Bắc, Thiên Tân, Giang Tây, An Huy, Hồ Nam, Thiểm Bắc, Trùng Khánh, Nam Kinh, Bắc Kinh v.v... hoặc nước ngoài như Nhật, Pháp, Đức, Nga... chắc chắn từng nếm đủ loại thức ăn của thập phương, Thủ tướng lại là người rất chú ý “nhập gia tuỳ tục”, những thức ăn thức uống ban đầu chưa quen, chưa ưa, ăn uống mãi thành quen, thành ưa, ví như thịt chó chẳng hạn, thoạt đầu Thủ tướng ghét lắm, thế mà về sau cũng phải chấp nhận. Trong quân cách mạng rất nhiều đồng chí Hồng quân là người Giang Tây. Người Giang Tây và người Hồ Nam thân nhau như anh em ruột, và đều ưa món thịt chó, không những ăn nó mới thơm mà còn kể chuyện về nó cũng thơm đến mức nhỏ dãi. Mỗi lần như vậy, Thủ tướng đều tránh xa và miệng lẩm bẩm “không trách mà người ta ghét Lỗ Trí Thâm, ông ta giỏi đến thế nhưng phải cái tội ưa món cẩu nhục!”. Sau đợt đưa Thủ tướng về Trùng Khánh sinh sống tại “Chu công quán”, quản gia tên gọi Long Phi Hổ, danh tính thế nào thì phong cách thế ấy, thật như rồng như cọp, và rất thích ăn thịt chó, Long lý luận: món ăn này làm ấm người. Một hôm trời lạnh cơm nước xong. Long Phi Hổ thưa chuyện với Chu Ân Lai:
- Chu Phó chủ tịch, chắc đồng chí đã ấm hơn nhiều?
- Tất nhiên là ăn xong, no bụng thì phải ấm chứ!
- Dạ thưa nhờ món cẩu nhục đấy ạ!
- Sao? Tôi mắc lừa anh rồi! Anh xâm phạm nhân quyền! - Chu Ân Lai vừa mắng mỏ vừa khạc nhổ, nhưng không có tác dụng gì, dần dần ông quen món ăn này. Năm 1959, Chu Ân Lai tháp tùng Kim Nhật Thành đi tham quan Quảng Châu và trong bữa tiệc, ông giới thiệu với khách:
- Hôm nay, các đồng chí Quảng Đông muốn mời Tướng quân dùng thịt rán, đặc sản Quảng Châu, chẳng biết Tướng quân có sợ hay không?
Kim Nhật Thành vui vẻ đáp:
- Thủ tướng không sợ thì tôi cũng không sợ, âu cũng là một lần tiếp thu sự vật mới.
Long Phi Hổ, người lừa Chu Ân Lai ăn thịt chó sau này trở thành Phó Tư lệnh quân khu Phúc Châu, một lần nhớ Thủ tướng quá liền cho người mang tặng làn quả hạnh. Thủ tướng hỏi đâu ra làn quả hạnh, anh em thư ký thưa của khách tặng, Thủ tướng bảo chúng tôi mang 50 đồng trả cho khách, tiền gấp đôi. Long chột dạ, hay là Thủ tướng vẫn tức mình vì cái món cẩu nhục, ông đến thăm và mới biết Thủ tướng vẫn rất vui vẻ kỷ niệm xưa, về món thịt “ăn đã thơm mà nhắc tới cũng rất thơm”, nhưng Thủ tướng cấm cái tệ quà cáp, may mà chúng tôi giấu tên người tặng làn quả hạnh, nếu không chắc chắn Long Phi Hổ hẳn bị trận lôi đình! Ra về, viên Phó Tư lệnh quân khu Phúc Châu cám ơn anh em thư ký rối rít.
Chị cả Đặng là người tín ngưỡng Trung y, bà cho rằng Trung y có nguồn gốc căn bản hơn Tây y và mời thầy về khám cho Chu Ân Lai. Sau khi thực hiện tỷ mỷ “vọng, văn, vấn, thiết” (nhìn, nghe, hỏi, nắm) - bốn cách bắt mạch của Trung y, thầy kết luận một tràng những câu chữ mà chúng tôi chẳng hiểu gì, chung quy lại Chu Thủ tướng là “hoả đại”, không nên ăn những con vật có cánh dài, ví dụ như gà, gà có nhiệt độ thân thể cao hơn người những 2 đến 3 độ, người “hoả đại” sợ nóng, ăn thịt gà, hoả thượng, thường chảy máu mũi. Từ đó chị cả Đặng dặn chúng tôi, Chu Thủ tướng kỵ thịt gà, canh gà, thực đơn hàng ngày phải tránh các món này. Chúng tôi nghiêm chỉnh thực hiện, tuy nhiên cũng chỉ trước mặt chị mà thôi. Tóm lại, người đi khắp nơi như Chu Ân Lai ăn uống gì cũng được, không kiêng khem phức tạp, nhưng đối với ông thực sự có ba điều cấm kỵ, đó là công tư nhập nhằng, phô trương lãng phí và quá ư đặc biệt. Chúng tôi thường bị Thủ tướng phê bình vì vi phạm 3 điều cấm kỵ đó khi chuẩn bị các bữa ăn, bữa tiệc cho ông...
Mao Trạch Đông rất bận rộn, nhưng được cái tự do, lúc không muốn bận rộn thời rất thong thả và có thể nghỉ ngơi, giải trí. Còn Chu Ân Lai bận rộn mà không tự do, muốn thong thả cũng không được, công việc cứ như đeo đuổi, trói buộc ông. Mấy chục năm làm việc bên cạnh Chu Ân Lai tôi chỉ thấy năm 1951 ông đi Đại Liên dưỡng bệnh, nghỉ ngơi vài chục ngày là lần thong thả nhất trong đời. Vậy Thủ tướng tôi sống như thế nào, ngoài công việc như đã trình bày ở các chương trước, Chu Ân Lai sử dụng 3 hình thức sau đây để nghỉ ngơi thư giãn, đó là: gặp gỡ bạn bè, hoạt động văn nghệ và rèn luyện thân thể. Theo Chu, gặp gỡ bạn bè là cách nghỉ ngơi tốt nhất, cho nên ngày chủ nhật ông thường xếp chương trình ăn cơm, uống rượu, ẩm trà, đàm luận cùng giới văn học nghệ thuật hoặc các nhân sĩ thuộc đảng phái dân chủ khác.
Hùng Cẩn Đinh là bạn thân của Chu Ân Lai, hồi hoạt động bí mật ở Trùng Khánh, ông đảm nhận “chủ hiệu” Tân Hoa nhật báo được mọi người gọi là “ông chủ họ Hùng”, quen mãi cho đến ngày giải phóng về làm việc ở Bắc Kinh, vợ của ông ta là Chu Thuỵ Thu cũng mang danh “bà chủ”. Chu Ân Lai, Đổng Tất Vũ, ông chủ họ Hùng kề vai sát cánh mười mấy năm trời trong vùng thống trị của Quốc dân đảng, sau này thời Trung Hoa mới công việc bận rộn, mỗi người một cương vị, nhưng Chu Ân Lai vẫn chủ động gặp gỡ Hùng Cẩn Đinh để tâm sự hồi ức thuở xưa cũng như những gì của hiện tại. Nào ngờ năm 1967, vợ chồng Hùng bị quy kết là “ông bà chủ giai cấp tư sản”, trở thành người bên kia giới tuyến. Hôm ấy, Thủ tướng xong công việc, đã định đi nghỉ thì bất chợt bảo tôi lấy cho ông 2 chai Mao Đài đi mừng sinh nhật ông chủ họ Hùng. Tôi đưa Thủ tướng đến nhà Hùng Cẩn Đinh, bốn bề vắng lặng, khắp nơi dán đầy báo chữ lớn của Hồng vệ binh, gõ cửa mãi hai vợ chồng mới mở và họ đứng yên như những pho tượng, rồi bỗng kêu lên:
- Trời ơi, khuya khoắt thế này mà Thủ tướng còn đến thăm chúng tôi.
- Bạn bè thì ngại ngùng gì, hôm nay vừa đến thăm anh chị, vừa mừng sinh nhật ông chủ họ Hùng.
- Sinh nhật! - Hùng Cẩn Đinh ngơ ngác và oà khóc: - Biết lấy gì mà mừng sinh nhật đây hở Chu công?
Hai người ôm nhau, tình thế phân chia họ - những đồng chí thuở xưa trở thành hai chiến tuyến. Đêm đó Chu, Hùng nhắm Mao Đài với lạc rang và Chu dặn Hùng:
- Ông chủ, nhớ giữ gìn, nhìn xa một tý nhé, không lâu nữa đâu...
Trong “khói lửa” của Cách mạng văn hoá, Thủ tướng chỉ còn cách lấy danh vọng rất mong manh của mình để che chở, cứu vớt ít nhiều bạn bè chiến hữu từng một thời vào sinh ra tử mà thôi. Trên đường về, Thủ tướng trầm tư, vẳng bên tai tôi là lời ông thường căn dặn: thật vui vẻ và hạnh phúc khi làm cho người khác vui vẻ và hạnh phúc. Thủ tướng tôi luôn làm như vậy và bao quát hơn, ông tuân thủ lời dạy của cố nhân: không trách lỗi người khác, không vạch tật người khác, không báo oán người khác.
Trương Bá Linh là hiệu trưởng trường Nam Khai, nơi Chu Ân Lai đã theo học, Trương thường tán dương với bạn bè rằng “Chu Ân Lai là người học trò giỏi nhất của Nam Khai”, nhưng khi nghe tin Chu gia nhập Đảng Cộng sản, đứng vào hàng ngũ “phỉ đỏ”, Trương liền gạch 3 chữ Chu Ân Lai trong danh sách học sinh Nam Khai. Sau giải phóng, Cộng sản nắm chính quyền, Trương gửi thư cho Thủ tướng báo tin ông đang “đóng cửa nhớ chuyện xưa”, nhận thư, Chu Ân Lai vui mừng khôn tả, nhớ ân cũ, quên hận xưa, phái phi cơ bay đến Trùng Khánh đưa thầy hiệu trưởng họ Trương về bản quán Thiên Tân hưởng tuổi già và lúc Trương Bá Linh qua đời, người học trò giỏi nhất Nam Khai vẫn kịp về phúng điếu, thắp nén nhang cho Trương tiên sinh... Quả là lương thiện khiến ta bình tâm, nhân ái khiến ta hoà khí.
Nhớ hồi Quách Mạt Nhược viết tác phẩm “Hồng ba khúc”, trong đó có đoạn miêu tả trận hoả hoạn Trường Sa, là âm mưu của Quốc dân đảng muốn hãm hại Chu Ân Lai, lúc bấy giờ Trương Trị Trung đích thị chủ tịch tỉnh ở đấy. Tác phẩm ra đời, Trương Trị Trung đọc vội và đang đêm điện thoại “cầu cứu” Chu Ân Lai:
- Chu Thủ tướng. Trương tôi có ngàn vạn tội, tiếng xấu nghìn thu, cũng không bao giờ rắp tâm ám hại Chu huynh, nếu quả như vậy thì giờ đây còn mặt mũi nào nhìn Chu huynh nữa, thế mà “Hồng ba khúc” của Quách lại...
- Văn Bạch ạ! - Chu Ân Lai gọi Trương một cách thân mật - Quách tiên sinh quyết không nói xấu Văn Bạch đâu, đó chỉ là hư cấu tiểu thuyết. Nhưng tôi sẽ nói với Quách hiệu đính lần sau sao cho độc giả không hiểu lầm giữa Tưởng Giới Thạch và Trương huynh.
Còn có thể kể muôn vàn câu chuyện về nghĩa tình giữa Chu Ân Lai với mọi người, nhà cách mạng, chiến sĩ cộng sản, nhân sĩ yêu nước, giới văn hoá v.v... cũng như những người dân bình thường, xin bạn đọc cho tạm dừng tại đây và chuyển sang một câu chuyện vui để nói đôi điều về năng lực thẩm mỹ của Thủ tướng.
Năm 1954, khi đi tham dự hội nghị Genève, chúng tôi mang theo hai bộ phim, cuốn thứ nhât “Lễ Quốc khánh năm 1952”, cuốn thứ hai “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”. Chúng tôi chiếu trước bộ phim tài liệu, sau đó một phóng viên Thuỵ Sĩ đã viết bài đăng báo với nhận xét, “khi những chiến sĩ Trung Quốc vũ trang nai nịt và các cô gái tay cầm hoa vững bước tiến vào màn ảnh Genève thì mọi người phương Tây cũng như phương Đông đều cảm thán tán dương, không còn nhìn Trung Quốc với con mắt trước năm 1949 nữa”. Tuy nhiên, vẫn còn nhà báo Mỹ nặng giọng địch thù mà nói rằng, “bộ phim khiến cho chúng tôi lo lắng, hẳn Trung Quốc đang xây dựng chủ nghĩa quân sự?”. Nghe hội báo tình hình xong, Chu Ân Lai quyết định tiếp tục cho chiếu “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”. Chu Ân Lai mời Charles Chaplin xem trước bộ phim này, khán giả là những nhà nghệ thuật nên hiểu ngay và thích thú, khen ngợi các nhà làm phim trẻ của Trung Quốc, nhưng nay chiếu cho các quan chức, nhà báo, liệu hiệu quả sẽ ra sao? Hùng Hướng Huy - phụ trách báo chí của đoàn lo lắng “đàn gảy tai trâu”, dự kiến dịch lời thoại trong phim đóng thành tập 16 trang với tựa đề “Bi kịch Lương - Chúc” phát trước cho khán giả. Chu Ân Lai nghe Hùng Hướng Huy báo cáo xong, liền nói:
- Nếu tôi là nhà báo, tôi sẽ không xem bản dịch của đồng chí, đây là công thức của nước mình, đâu hợp với phương Tây.
- Nhưng không có thuyết minh như vậy, thì chẳng khác nào “đàn gảy tai trâu”.
- Đúng vậy, cho nên phải nghĩ cách “gảy” sao cho “trâu” cũng “lọt tai”.
- Thưa Thủ tướng, dạ làm cách nào?
- Trong giấy mời chúng ta đề: mời quý ông, quý bà thưởng thức bộ phim màu “Romeo và Juliet của Trung Quốc”.
- Romeo và Juliet? Được không ạ?
- Hoàn toàn được, chúng ta cược nhau một chai Mao Đài nhé? - Chu Ân Lai động viên Hùng Hướng Huy.
Buổi chiếu mãn chỗ, quả như Chu Ân Lai dự đoán, ai cũng tò mò muốn xem một thiên tình sử của Trung Quốc sẽ như thế nào. Ngay từ những phút đầu tiên, khán giả im phăng phắc như các pho tượng, tâm linh như bị cuốn hút vào kịch tình, xem ra con người không phân biệt màu da, thời đại, địa phương, giai cấp, tín ngưỡng v.v... đều có chung một nỗi lòng với tình yêu đôi lứa, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, Romeo và Juliet đều là những câu chuyện xoáy quanh chủ đề đó nên ai xem cũng bị hấp dẫn và đồng cảm. Phim đến đoạn “nứt mộ”, “hoá bướm”, tôi nghe khán phòng sụt sùi tiếng khóc. Đèn bật sáng và khán giả vẫn còn đắm đuối, mãi sau mới rộ lên tiếng vỗ tay sấm dậy. “Ôi đẹp quá, còn cảm động hơn cả Shakespeare!”
Hôm ấy, Chu Ân Lai thắng cược, nhưng ông vẫn hiến tặng một chai Mao Đài, chúng tôi uống mừng thành công của điện ảnh nước nhà, cảm phục con người nghệ thuật trong Thủ tướng tôi.