Chương 8
GIỮA VỢ CHỒNG

     ó thể nói, đó là một tấm gương về hôn nhân khi nhắc đến quan hệ vợ chồng giữa Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu, tuy mang tính phản phong, nhưng vẫn kế thừa truyền thống đạo đức ưu tú của dân tộc; tuy chống lại sự hủ bại của giai cấp tư sản, nhưng lại phát huy nguồn sinh lực mới của nền văn minh thời đại luôn đứng trên quan điểm giải phóng con người. Đối với luyến ái và hôn nhân, Chu Ân Lai cũng như mọi người, nghĩa là nhận thức và thái độ không ngừng biến đổi theo sự trưởng thành về tuổi tác và sự phong phú về đường đời. Năm 15 tuổi, Chu Ân Lai vào trường trung học Nam Khai, năm 19 tuổi tốt nghiệp. Tiếp thu nền giáo dục tiến bộ trong một nhà trường đặc biệt, Chu Ân Lai chịu những ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành tư tưởng và nhân cách của mình. Nam Khai lúc bấy giờ là một trường tư, do Nghiêm Tu sáng lập, ông từng giữ chức hàn lâm và thị lang học bộ dưới triều nhà Thanh, tư tưởng mở mang nên chế độ giáo dục của trường ít nhiều mô phỏng theo Âu Mỹ. Hiệu trưởng trường Nam Khai là Trương Bá Linh, thủ khoa của Bắc Dương Thuỷ Sư học đường, sau đó sang Nhật Bản và Âu Mỹ nghiên cứu khảo sát, rất cẩn thận và chu đáo trong hành nghề giáo dục.
Thành tích học tập của Chu Ân Lai ở Nam Khai rất ưu tú và như Trương Bá Linh nhận xét, là người học trò giỏi nhất của Nam Khai.
Nghiêm Tu theo dõi phẩm hạnh và tài cán của Chu Ân Lai trong suốt quá trình theo học ở Nam Khai và quyết định gả con gái của mình cho Chu, ông nhờ người mai mối. Đây là sự kiện hôn nhân trọng đại đầu tiên trong đời của Chu. Với danh vọng và địa vị xã hội của Nghiêm Tu, lấy được con gái họ Nghiêm làm vợ, quả đã khiến cho người đời ngưỡng mộ, lắm kẻ thèm muốn mà đâu có được. Nhưng thật là khó hiểu khi nghe tin Chu Ân Lai lễ phép chối từ.
Trương Hồng Hạo, bạn học cùng lớp với Chu kể lại, có một lần Trương, Chu vừa tản bộ vừa tâm sự với nhau: “Mình là anh trò nghèo, khi mới vào học mọi phí tổn đều nhờ cậy ông bác đài thọ, bây giờ tuy được miễn học phí do thành tích học tập xuất sắc nhưng tự thân phải giải quyết nhiều khoản tiền cho cuộc sống hàng ngày. Trong tình cảnh như vậy, nếu kết thân cùng con gái Nghiêm gia thì nhất định tiền đồ sẽ bị người ta chi phối, cho nên mình suy nghĩ và xin phép từ hôn”.
Là một thanh niên mang trong mình bầu máu nóng cứu dân cứu nước, thì cách nghĩ như Chu là bình thường và không có gì khó hiểu. Chu Ân Lai sang Nhật Bản tu nghiệp và nhanh chóng trở về Thiên Tân, hoà vào dòng thác của phong trào “Ngũ Tứ”, tham gia tổ chức thành lập đoàn thể cách mạng mang tên “Giác ngộ xã”, họ cùng nhau tuvên bố: không luyến ái, không kết hôn, hiến thân mình cho cuộc đấu tranh cải tạo xã hội Trung Quốc, không muốn người khác phải liên luỵ và khổ sở vì gắn cuộc đời mình với nhà cách mạng chuyên nghiệp.
“Chu Ân Lai là một trong số hai mươi thanh niên tuyên bố theo chủ nghĩa độc thân” - Đặng Dĩnh Siêu đã hồi ức. Nhưng sau đó, do sự trưởng thành về tuổi tác và kinh nghiệm đường đời, lại sang Pháp du học nên dần dần Chu Ân Lai từ bỏ con dường chủ nghĩa độc thân mà một thời ấu trĩ đã chọn và sa vào lưới tình, quen thân người bạn gái xinh đẹp. Nhưng bạn thân, bạn tốt đâu dễ trở thành vợ, nhất là người vợ mà “cả một đời dám hy sinh cho nhà cách mạng”, “dám làm bạn đường với sóng gió, hiểm nguy và gian nan trong tranh đấu”. Chu Ân Lai từng kể như vậy với người cháu gái có tên Chu Bình Đức, rồi nói: “Và thế là chú chọn thím bảy của các con (chỉ Đặng Dĩnh Diêu), hai bên thư từ cho nhau, cuối cùng nên vợ nên chồng”.
Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu thân ái, hoà mục, quan hệ quấn quyện, trước tiên là do sự chọn lựa lẫn nhau giữa họ. Về cơ bản mà nói, Chu Ân Lai thuộc về quốc gia, dân tộc, nhân dân, rất ít là của cá nhân nào, thậm chí cũng không phải của Đặng Dĩnh Siêu nữa. Tôi được may mắn sống và làm việc bên cạnh Chu Ân Lai từ năm 1940 cho đến những ngày tháng cuối cùng ở Bệnh viện 305 khi ông qua đời, nhận thấy cuộc sống vợ chồng giữa họ thật hiếm hoi, và có lẽ thời kỳ cách mạng, Hồng quân, chiến tranh chắc cũng vậy, họ đã hiến dâng trọn cá nhân mình cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc.
Trước khi kết hôn, hai người xa nhau 5 năm gần nửa vòng trái đất Âu, Á. Sau khi là vợ chồng, theo hồi ức của Đặng Dĩnh Siêu: “…Chu công bận rộn, mỗi sáng từ bến cảng Thiên Tự, Quảng Châu đáp tàu đi trường quân sự Hoàng Phố, mãi tối mới về nhà và lập tức tham gia hội ý trong ngày với khu uỷ Quảng Đông, báo cáo giảng bài cho cán bộ. Còn tôi, tôi có việc của mình, khu uỷ viên phụ trách công tác nữ, hai người đều bận rộn, rất ít gặp nhau và cùng chung sống. Cưới được một tuần thì Liêu Trọng Khải - lãnh tụ phái tả của Quốc dân đảng bị ám sát và do đó Chu công lại càng bận hơn nữa. Những ngày “trăng mật” đối với nhà cách mạng chuyên nghiệp là như thế đó, cũng đủ báo hiệu một quá trình sắp tới phải phấn dấu, phải hy sinh trong cuộc sống vợ chồng...”. Đúng như lời Đặng Dĩnh Siêu đã nói, từ thống nhất Quảng Đông đến phong trào Bắc phạt, từ lãnh đạo công nhân Thượng Hải vũ trang khởi nghĩa đến phá vòng vây vượt qua bể máu của vụ thảm sát “12 tháng 4”, “15 tháng 7”, từ Nam Xương đến khu trắng, từ đấu tranh ở căn cứ địa đến cuộc Vạn lý trường chinh, sự biến Tây An, rồi 8 năm kháng Nhật v.v... vợ chồng Chu Ân Lai - Đặng Dĩnh Siêu luôn luôn phải mỗi người mỗi ngả, gặp nhau chỉ là chốc lát, còn lại toàn xa nhau. Đã hai lần đến như Mao Trạch Đông cũng phải kêu lên: “Tội nghiệp Ân Lai!” và động viên Dĩnh Siêu: “Cô làm không xong cái chức Bộ trưởng hậu cần, lâu như thế mà chưa ra tiền tuyến an ủi chiến sĩ - chỉ Chu Ân Lai - lấy một lần!”
Chúng tôi cũng từng đi qua cuộc sống vợ chồng xa nhau như vậy, nhưng là trong chiến tranh, trong cách mạng, còn nay hoà bình, kiến quốc, về thành phố mà Chu Ân Lai vẫn thế, mỗi ngày bận rộn từ “văn phòng” 1, qua 2, 3, 4 rồi thường xuyên qua đến 5, Thủ tướng và chị cả Đặng hiếm có những giây phút ngồi lại với nhau, hoạ hoằn lắm là trong bữa ăn, nhưng cũng “không yên”, nhiều lần ông phải thả đũa cầm bút, nuốt được hai ba miếng thì nói những bảy, tám câu, chị cả im lặng không quấy rầy công việc của chồng, từ tốn chờ Chu Ân Lai cầm đũa trở lại.
- Tiểu Siêu, ăn đi chứ, chờ anh, thức ăn nguội mất.
- Ân Lai anh, anh cũng ăn nhanh lên kẻo lại có việc khác lại đưa tới.
Họ mỉm cười và bốn mắt liếc nhìn nhau, phải chăng đó là những khoảnh khắc sung sướng nhất của đôi vợ chồng đặc biệt này, có lẽ phải dùng ngôn ngữ của Trương Bá Lương mới miêu tả hết sự hy sinh thầm lặng ấy mà chị cả và Thủ tướng đã hiến dâng, đó là “nhất phiến xích thành khả đôi thiên!”. Đúng vậy, tấm lòng chân thành, đỏ thắm của họ quả xứng với đất trời.
Chu Ân Lai gặp được người bạn đời như Đặng Dĩnh Siêu là cả một nguồn hạnh phúc, giá không may mà kẻ khác thì cơ sự chưa biết sẽ như thế nào. Những người sống lâu năm trong Trung Nam Hải miệng im thin thít nhưng lòng những nghĩ, Chu Ân Lai hạnh phúc bao nhiêu vì có Đặng Dĩnh Siêu bên cạnh, chăm lo, an ủi thì Mao Trạch Đông lại bất hạnh bấy nhiêu bởi một Giang Thanh yêu quái sát mình, lợi dụng, thường xuyên gây gổ và cùng ngẫm thấy đạo làm vợ đã khó mà vợ Chu Thủ tướng còn khó hơn nhiều, “hẳn ông Trời sắp sẵn cô gái Tiểu Siêu cho chàng trai Ân Lai này chăng” - ông tự cảm thấy hoài như vậy và giúp chúng tôi lý giải mọi điều.
Giang Thanh cũng từng đứng bên cạnh Mao Trạch Đông nơi đầu sóng ngọn gió, chốn hòn đạn mũi tên, thoả nguyền mộng ước “trai anh hùng gái thuyền quyên”, nhưng hôn nhân của bà và Mao cuối cùng là một tấn bi kịch, mới hay làm vợ lãnh tụ đâu chỉ cần dũng khí trước phong ba bão táp mà quan trọng hơn nhiều là phẩm hạnh lúc bình yên, phẳng lặng. So với Giang Thanh, Đặng Dĩnh Siêu khác hẳn, bà là người thiên về hiến dâng, “cho nhiều hơn nhận”, bà chịu nổi “sự cô tịch và khuất phục của phụ nữ”, hiểu chồng, giúp chồng và cảm thấy vinh dự vì chồng, lẳng lặng đứng sau. Còn Giang Thanh, có khiếu về giành giật, bà phấn đấu mãnh liệt, nhiều lúc siêu phàm nhưng không quên đòi hỏi đền đáp, phải được đền đáp hơn người, bà không chịu im lặng, thường tranh cãi với chồng và thậm chí dùng chồng làm bàn đạp tiến thân.
Khi bàn tới nhân sự Đại biểu nhân dân khoá 4, Mao Trạch Đông thân hành hạ bút phê chuẩn Đặng Dĩnh Siêu là Phó uỷ viên trưởng (Phó chủ tịch Quốc hội - ND), Chu Ân Lai giấu chỉ thị này và Đặng Dĩnh Siêu hoàn toàn thuận ý chồng. Ngược lại, tại Đại hội 8 của Trung Cộng, Giang Thanh không được làm đại biểu, bà chạy nhôn nháo tìm Uông Đông Hưng hỏi cho ra lẽ và cãi nhau với Mao Trạch Đông, trách cứ ông đã phủ định tư cách đại biểu của mình. Một bên không mưu cầu quyền thế, không nấp bóng chồng, tránh cho chồng mọi phiền toái, còn một bên dã tâm, say sưa địa vị, luôn mồm “hôm nay thay mặt cho Mao Chủ tịch, tôi đên đây thăm các đồng chí...” và người được thay mặt đã phải gào lên: “Cô ta là cô ta, tôi là tôi, cô ta không thể thay mặt tôi, cô ta chỉ thay mặt chính mình mà thôi”.
Đặng Dĩnh Siêu không bao giờ nắm giữ chìa khoá văn phòng của chồng, còn Giang Thanh xông thẳng vào “cung vua” là chuyện thường. Mấy chục năm làm việc, trước mắt tôi luôn diễn ra một hình ảnh lặp đi lặp lại nhiều lần, ngày này qua ngày khác - người đàn bà lặng lẽ trong đêm khuya, nhẹ bước trên hành lang và chỉ nói vọng vào: “Ân Lai, hãy đứng dậy vận động tí đã...”, nói một lần thôi rồi trở về phòng riêng của mình. Cũng như vậy, Đặng Dĩnh Siêu từ tốn nhắc chồng “Ân Lai anh, đến giờ ăn cơm rồi!”, nếu Chu vẫn ngồi lỳ thì câu nói “dữ dằn” nhất của bà cũng chỉ “Thưa Thủ tướng, đã đến giờ ăn cơm”, chúng tôi thầm hiểu thoạt đầu bà làm nghĩa vụ của người vợ đối với chồng, quá lắm mới dùng đến “ngón võ” nhân dân và lãnh đạo. Điều đặc biệt nữa giữa Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu là không can thiệp vào công việc của nhau, thậm chí tôn trọng phần riêng có ở từng người. Ngày thứ hai sau hôn lễ họ đã “cam kết” với nhau, dù khó khăn đến mấy, hai vợ chồng cũng không làm việc cùng một cơ quan. Năm 1982, có người gặp Đặng Dĩnh Siêu muốn tìm hiểu một vài sự tích Chu Ân Lai, bà trả lời: không rõ, và đưa cho người đó bài viết của mình “Một đảng viên Cộng sản nghiêm túc giữ gìn kỷ luật bảo mật”, rồi nói: “Đây là những gì mà tôi biết về Chu Ân Lai, càng người thân, càng phải bí mật việc công, ngay như việc tôi và Chu Ân Lai gia nhập Đảng Cộng sản cũng được tổ chức thông báo, chứ vợ chồng không tiết lộ cho nhau hay”.
Lần nổ thí nghiệm đầu đạn nguyên tử thứ nhất của Trung Quốc, chuông điện thoại văn phòng Chu Ân Lai vang lên liên hồi, khách khứa ra vào tấp nập, nhưng ngoài thư ký quân sự ra, mọi người trong Tây Hoa sảnh đều không biết gì cả, mãi sau khi nghe Thủ tướng chính thức tuyên bố tại Đại lễ đường Nhân dân chúng tôi mới được cùng cả nước hò reo vui mừng. Lần sau đó, Thủ tướng mấy đêm liền không chợp mắt, sáng hôm cuối cùng, chị cả hỏi Kiều Kim Vượng: “Thủ tướng vẫn còn thức?”, Kiều gật đầu thưa vâng, Đặng Dĩnh Siêu băn khoăn:
- Xảy ra chuyện gì vậy?
- Hình như hướng gió không thuận - Kiều cũng nghe lỏm khi thư ký quân sự báo cáo qua điện thoại và nói lại cho chị cả không sai một chữ. Thế là lần đầu tiên Đặng Dĩnh Siêu phạm huý, bà an ủi Chu Ân Lai: “Chờ hướng gió phải không Ân Lai?”, quả nhiên ông nổi trận lôi đình và truy cho ra ai đã nói hai chữ “hướng gió”. Chị cả bênh cho Kiều Kim Vượng, nhưng cuối cùng cũng không qua được mắt Chu Ân Lai, ông biết Tiểu Siêu mà, vì một lần đi công tác nước ngoài Chu quên để chìa khoá phòng làm việc ở nhà, ông phải bỏ vào phong bì gửi về cho Dĩnh Siêu. Khi Chu trở về, bà trả lại ông nguyên vẹn phong bì chưa hề bóc xi.
- Ô hay, Tiểu Siêu không xem thư sao?
- Chu công gửi thế nào, thì Tiểu Siêu bảo quản thế ấy.
Hoá ra, ngoài chìa khoá phòng ra, trong phong bì còn có thư, thế mà Đặng Dĩnh Siêu cứ ngỡ... Lần ấy Kiều Kim Vượng bị phê bình vì tội “nghe trộm” điện thoại.
Cách xưng hô giữa vợ chồng Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu cũng khá lý thú và chăm chút, họ yêu nhau khi chàng 21 mà nàng mới chỉ 15, cho nên chữ “tiểu” theo hai người suốt đời. Chu Ân Lai một mực gọi Đặng Dĩnh Siêu là “Tiểu Siêu” cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, mặc dầu bà ngày một lớn dần, “đại” lúc nào không hay và mọi người quen thân với mấy chữ “chị cả Đặng”, Chu Ân Lai cũng dùng như vậy khi Đặng Dĩnh Siêu ở ngôi thứ ba: “Hôm nay chị cả mời cơm, ở lại với bọn mình đi!”. Còn Tiểu Siêu? “nàng” vẫn cứ một “Ân Lai”, hai “Ân Lai” như cái thuở ban dầu lưu luyến ấy, mãi cho đến lúc đặt nụ hôn cuối cùng lên vầng trán Chu Ân Lai khi đưa ông về nơi cát bụi. Thi thoảng bà gọi ông là “Chu công”, “Hồ công” (ông già râu rậm) nhưng ngữ điệu chính chỉ là “Ân Lai” nơi phòng the và “Thủ tướng” chốn quan trường... Hồi chiến tranh kháng Mỹ viện Triều vừa kết thúc, một đêm Chu Ân Lai làm việc tại Tân Lục Sở, vừa ngước mắt lên vọng ra ngoài cửa sổ, bỗng thấy trời sáng trăng và nghe tiếng rào rào thật êm tai, ông đứng dậy thì mới hay “tuyết rơi, ôi tuyết đầu mùa sao mà đẹp vậy!” Hoa tuyết bay trắng trời, nhẹ nhàng phủ xuống mặt đất, dịu êm đến mức khiến ta không dám đạp lên, phá nát cái nền bông trắng muốt ấy.
Tuy đã liên tục làm việc gần 20 tiếng đồng hồ, giờ phải ngủ, nhưng khung cảnh tuyết bay giữa đêm trường như thế này đối với Chu Ân Lai là một kỷ niệm khó quên mà hàng năm gợi lại biết bao ký ức về quá vãng, ông trầm ngâm giây lát, rồi bảo tôi: “Chú Hà điện giúp cho chị cả, nhắn tới đây tôi có việc cần bàn”. Chắc chắn là có gì hệ trọng nên Thủ tướng mới gọi chị cả, tôi vội vàng chấp hành nhiệm vụ, chị cũng nghĩ như vậy và nhanh chóng đến Tân Lục Sở gặp chồng.
- Ân Lai anh, có chuyện gì cần lắm phải không?
Chu Ân Lai khoác lên mình chiếc áo dạ kiểu hải quân vừa đi vừa nói: “Chúng ta ra ngoài kia và anh sẽ bàn với Tiểu Siêu”. Đặng Dĩnh Siêu vô cùng mừng rỡ, vì bà là người “ghiền” cảnh tuyết rơi, và đêm nay nơi Tân Lục sở này, sáu ngôi lầu mà ai đó ngày xưa đã khéo đặt chúng giữa những vòm cây, tạo nên mỗi mùa mỗi cảnh, nhất lá khi tuyết rơi, ta như lạc vào chuyện cổ tích. Hai người nhẹ nhàng đặt chân lên đệm tuyết, bông tuyết rơi xuống phủ trắng trên đầu, trên áo họ, cái lạnh của mùa đông xen vào những khoảnh khắc bất chợt ấm áp bởi tuyết bắt đầu rơi khiến người ta say sưa chìm đắm, Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu đã song hành, sát cánh và cùng bước từ lúc nào không hay, họ như trở về với cái thời thanh xuân xa xưa ấy. Dĩnh Siêu thỏ thẻ:
- Chuyện gì vậy Ân Lai?
- Anh muốn cùng Tiểu Siêu hưởng cảnh tuyết đầu mùa.
- Thế mà Tiểu Siêu cứ tưởng có việc quan trọng lắm... - Bà sung sướng nép mình vào Chu, thổn thức chẳng khác nào như cô bé được toại nguyện với những gì mà mình mong ước, giọng bà bị đứt quãng vào phần cuối của câu nói. Thật là những giây phút hiếm hoi và hạnh phúc trong đời người đàn bà đã dành trọn phần mình cho sự nghiệp của chồng, còn ngàn lần hơn trong nhung lụa, còn ngàn lần hơn cả uy quyền. Chu Ân Lai âu yếm:
- Tiểu Siêu thích tuyết, và vì vậy mà “quan trọng” lắm chứ - đoạn ông chậm rãi xa xăm. - Những ngày chúng ta leo núi tuyết, lạnh cóng giữa bao dặm trường chinh, anh hôn mê trong cơn đau vì ung mủ ở bàng quang, Tiểu Siêu đã một mạch từ đại hội lên tổng bộ chăm sóc anh, Tiểu Siêu vẫn còn ho ra máu, Tiểu Siêu nằm trong đám cỏ khô dành cho anh yên tĩnh đặt mình trên tấm ván thô, nhờ những cục băng mà Tiểu Siêu đã chườm, chất độc thải ra và Ân Lai này mới sống... sống đến hôm nay để cùng đi bên cạnh ân nhân của mình.
- Ôi, Ân Lai! Những ngày buồn nghĩ lại thấy vui vui - Đặng Dĩnh Siêu càng thổn thức, càng toại nguyện.
Đúng như “nàng” kết luận, hoan lạc chắc gì đã hạnh phúc, và khổ nạn đâu chỉ mỗi cam go. Hẳn trong chúng ta chưa có ai lại chạy về vũ trường để ôm hôn mảnh đất từng làm ta quay cuồng, từng khiến ta trào dâng những giây phút say đắm, mà hầu như tìm đến nơi chốn đã một thời đày đoạ, tra tấn, nhớ lúc gian nan xưa rồi nấc lên tiếng khóc sung sướng, rằng ta còn sống đến hôm nay. Đêm tuyết đầu mùa, cảnh vật yên tĩnh, “chàng” và “nàng” lạc vào cõi cổ tích của hiện tại, tranh thủ khoảng lặng trong bề bộn công việc để tận hưởng cái đẹp của đất trời, hồi ức quá vãng đau thương và cũng để tận hưởng cái thiện của tình nhân. Nhiều năm sau đó Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu vẫn không quên những đêm tuyết rơi đầu mùa như vậy, “quan trọng” lắm đối với cuộc đời của họ.
Bù lại với bao bộn bề trăm thứ, không có thòi gian chăm sóc Đặng Dĩnh Siêu, “nuông chiều”, “cưng nựng” “nàng”, Chu Ân Lai thường dành cho Tiểu Siêu của mình những giây phút bất ngờ quý giá và bản thân ông cũng cảm thấy hạnh phúc vì sự hiến dâng tuy rất cỏn con ấy... Những năm 50, người đi công tác nước ngoài còn rất ít, mỗi lần lên đường đều gặp Chu Ân Lai, lúc đó là Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng, để xin chỉ thị về phương châm, chính sách, và thái độ hoạt động trên trường quốc tế. 10 giờ đêm nay Đặng Dĩnh Siêu lên tàu liên vận đi Mạc Tư Khoa mà giờ này chưa thấy Chu Ân Lai căn dặn gì cả; nóng ruột quá, bà phạm huý xộc vào văn phòng ông:
- Thưa Thủ tướng, đoàn chúng tôi sắp xuất phát, xin Thủ tướng cho chỉ thị. - Chu Ân Lai không nói không rằng, vẫn cúi đọc văn thư và giơ tay khoát vẫy, báo hiệu là ông còn bận lắm. Đặng Dĩnh Siêu lẳng lặng ra về và 9 giờ thắng xe đến ga xe lửa Bắc Kinh. 9 giờ 45, chu Ân Lai có mặt ở sân ga, Đặng Dĩnh Siêu nôn nóng chờ đợi, nhưng lần này thì bà không nhắc nhở gì, sau giây lát họ cùng lên tàu, Chu Ân Lai giúp vợ sắp đặt hành lý rồi thong thả ngồi xuống nhìn đồng hồ, chuông reo hồi chót, Dĩnh Siêu hốt hoảng:
- Ân Lai, anh xuống mau kẻo không kịp, 10 giờ rồi!
- Hãy còn sớm chán.
- Đồng hồ của anh sai rồi!
Lời chưa dứt thì tàu chuyển bánh, làm sao bây giờ, chuyến xe liên vận quốc tế đâu có thể đậu dừng tuỳ tiện được. Đang khi giận mà thương như thế, “nàng” bỗng nghe “chàng” nói: “Tiểu Siêu yên tâm, nhân thể đi Thiên Tân công tác, văn phòng đã bố trí toa xe quá giang, hai tiếng đồng hồ nữa chúng ta tạm xa nhau ít ngày... và lúc này cả hai ta đều rảnh rỗi, anh mới thực có thì giờ để căn dặn Tiểu Siêu đôi điều, nào ta bắt đầu”.
- Thế mà không nói trước, làm “người ta” cứ tưởng...
Một tiến sĩ xã hội học người Mỹ khi đến thăm Trung Quốc đã hỏi Trịnh Thục Vân - nhân viên bảo vệ sức khoẻ cho Thủ tướng:
- Thưa bà, ông Chu Ân Lai nói ra điều gì hầu như các bà đều nghe điều ấy, vì sao ạ, phải chăng ông ta quá đẹp trai và lôi cuốn phụ nữ?
Trịnh Thục Vân trả lời:
- Hoàn toàn không phải như vậy, ngài tiến sĩ phỏng đoán sai rồi, Thủ tướng của chúng tôi có một trái tim đẹp, có những lời nói chân thành, có những hành vi gương mẫu, những gì Thủ tướng yêu cầu chúng tôi thực hiện bản thân ông đều làm được, chính vì vậy mà Chu Thủ tướng nói ra điều gì, chúng tôi nghe điều ấy.
Chu Ân Lai anh tuấn, uy vũ, nhã nhặn, tài trí, lịch lãm, phong độ, đối với người phương Tây cũng như người phương Đông ông quả là một đấng trượng phu, nam tử, một hình tượng dễ khuynh đảo phái nữ. Nhiều phóng viên nhà báo tiếp cận, quan sát Chu Ân Lai với cách bình luận và suy nghĩ của mình đã thêu dệt nên bao chuyện huyễn hoặc từng truyền miệng một thời, rằng Gandhi phu nhân phải xiêu lòng trước ma lực của Chu, gọi ông là “Đông phương đệ nhất mỹ nam tử”, rằng Lâm Xảo Trĩ - nữ tiến sĩ lừng danh của Trung Quốc hoàn toàn đã “ngã” vì sức quyến rũ nơi ông.
Những lời bình phẩm như vậy theo chúng tôi còn nông cạn, phiến diện, tuy nhiên đều xuất phát từ lòng sủng ái của người đời đối với Chu. Sức hấp dẫn của Chu Ân Lai tất nhiên không phải là đẹp trai, hay quyến rũ vật chất mà chủ yếu từ sự cao thượng, cao nhã, cao khiết và cao tuyệt của tâm linh, trong Hán ngữ là “tứ cao”, ý tứ rất hàm súc khó diễn đạt một cách nôm na. Đúng là Lâm Xảo Trĩ (1901-1983-ND) đã có câu nói trứ danh: “Xưa kia tôi tín ngưỡng Thượng đế, ngày nay Thượng đế của tôi chính là Chu Ân Lai!”, bà kể lại câu chuyện sau đây về Thủ tướng. “Năm 1949, ngay sau khi vừa mới giải phóng, xây dựng nhà nước nhân dân, Chu Ân Lai mở tiệc mời các nhà khoa học tham dự, nhằm giải quyết tâm lý sợ hãi Cộng sản tạo nên do bị Quốc dân đảng tuyên truyền đầu độc bấy lâu nay, mọi người tìm hiểu lẫn nhau và xoá bỏ hận thù. Lúc đầu tôi định không đi, nhưng một người thân khuyên mãi nên cuôi cùng đành chấp thuận và cảnh tượng không bao giờ phai nhạt được trong tôi đã hình thành ở bữa tiệc này. Chu Ân Lai đưa tay chào đón một vị giáo sư nổi tiếng, cho phép tôi được giấu tên, nhưng vị giáo sư đã từ chối không bắt tay cùng Thủ tướng, trong giây lát ấy Chu Ân Lai đã xử sự một cách cao thượng, khiến cả phòng tiệc ai ai cũng phải ngã mũ bái phục, ông không lạnh lùng, không phẫn nộ, không khinh bạc mà tỏ ra độ lượng, ung dung tự tại, thể như người mẹ đối với đứa con lầm lạc, thể như người thầy đối với cô cậu học trò nghịch ngợm, tóm lại, Chu Ân Lai có một phong độ lãnh tụ và anh chị em trí thức chúng tôi đã “ngã” trước ông ngay từ ngày ấy. Ông quả là một nhà hiền triết Đông phương”.
Năm 1962, nhân ngày 8 tháng 3, Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu mời một số đại biểu nữ về nhà ăn cơm thân mật, chị em rất phấn khởi và chuẩn bị sẵn sàng máy ảnh, tranh thủ dịp này để ghi lại những tấm hình kỷ niệm với Thủ tướng, có thể nói là Thủ tướng đã bị chị em “tranh giành” đến “mệt nhoài”, nhưng ông vẫn vui vẻ không hề từ chối. Hầu Ba là nữ nhiếp ảnh gia của Trung Nam Hải, là “người trong nhà” mà hăng hái không thua ai và buộc chị cả Đặng phải lên tiếng:
- Hầu Ba! Chưa đủ hình hay sao mà bấm nhiều vậy? - Chu Ân Lai rất nhanh nhạy, tế nhị, giữ cho nhiệt tình của khách nữ không bị suy giảm bởi câu nói “rất đàn bà” kia của Đặng Dĩnh Siêu, ông “hoà giải”.
- Nào, ai chụp ảnh xong, xin mời vào bàn, hôm nay chị cả mở tiệc mời các cô nhân ngày Tết của phụ nữ.
Không khí vẫn hồ hởi như cũ, Chu Ân Lai lườm Hầu Ba và cô thầm nói: Thủ tướng thật tài tình, ở lĩnh vực nào cũng xuất sắc, người không bao giờ thất lễ với phái nữ. Nhiều năm sau này Đặng Dĩnh Siêu đau ốm luôn, Chu Ân Lai tuy bận rộn công việc của nhà nước, nhưng vẫn dành thời gian chăm nom vợ, làm trọn đạo tào khang, an ủi người bạn đời, đồng tâm, đồng chí. Phần chị cả của chúng tôi, chị luôn căn dặn: “Chu Ân Lai là người của toàn dân, chị không thể tự tư một mình, các em hãy đừng làm phiền Thủ tướng của chúng ta”.
Ngày 15 tháng 1 năm 1976, Đặng Dĩnh Siêu dùng sức lực toàn thân để giữ chặt lọ tro Chu Ân Lai - phần vật chất cuối cùng còn lại của chồng, lần đầu tiên bà gọi ông là đồng chí. “Đồng chí Ân Lai, xin hãy an nghỉ!”
Ngày ấy dân nước chúng tôi truy điệu Chu Ân Lai ở đài liệt sĩ, ở mỗi đường phố, làng quê, căn hộ và trong những con tim.