Chương 9
MAO CHỦ TỊCH VÀ CHU ÂN LAI

     ột cuốn sách, thậm chí cả một bộ sách cũng viết không hết, nói không cùng về đề tài Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, bởi vì lịch sử đã liên kết hai danh tính này lại với nhau, trở thành nội dung bình phẩm, ngợi ca, phê phán, đánh giá của nhiều thế hệ đời sau. Tôi chỉ dám từ những việc mắt thấy tai nghe, thông qua cảm thụ hoàn toàn cá nhân ghi ra đây đôi điều nhận thức và cách nhìn về chủ đề vô cùng lớn lao nêu trên.
Văn hoá Trung Quốc có một loại di sản, phải nói là rất đồ sộ, ấy là “trung quân”. Nhiều câu chuyện về “trung quân” từng kinh thiên động địa, từng khiến cho quỷ khóc ma hờn đã xảy ra khi biến động giữa minh chủ khai quốc và hôn quân vong quốc. Di sản “trung quân” ấy luôn luôn ảnh hưởng đến nền chính trị, nền văn hoá của Trung Quốc và đạo đức, tình cảm của nhân dân Trung Hoa.
Chu Ân Lai của chúng tôi cũng không ngoại lệ.
“Trung quân” thường được xem là mỹ đức để ca tụng, nhân dân nước tôi hôm nay vẫn có thể cảm thụ ảnh hưởng của nó từ trong sách vở thư tịch, tác phẩm sân khấu và đặc biệt từ biết bao câu chuyện được truyền tụng bất tử, người ta vẫn lấy “trung” và “bất trung” làm tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá nhân phẩm của một con người, một nhân vật.
Chu Ân Lai đối với Mao Trạch Đông quả thực là trung thành bất nhị, sự trung thành có một không hai và có thể dùng ba chữ “Chu Ân Lai” làm tính từ cho một loại trung thành mà chúng tôi sẽ trình bày ở chương này. Nhưng vì vào những năm cuối đời, Mao Trạch Đông đã phạm sai lầm nghiêm trọng, vì giới trí thức Trung Quốc từ phong trào “Ngũ tứ” luôn một mực hô hào yêu cầu “Đức tiên sinh” và “Trại tiên sinh”, cho nên có người lên tiếng phản đối sự trung thành của Chu Ân Lai đối với Mao Trạch Đông.
Ở đây xin được mở ngoặc để giải thích tên tuổi của hai vị “tiên sinh” mà lớp lớp trí thức Trung Quốc bao đời nay mong mỏi, ấy là Democracy và Science, Dân chủ và Khoa học, dùng Hán ngữ phiên âm tên của hai “vị” hồi Ngũ tứ quen gọi là “Đức” và “Trại”. Phê phán hoặc lên án, tất cả chắng hề gì, bởi vì di sản văn hoá cứ thế vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục chi phối một cách quan trọng nền chính trị, tỷ như Khổng Tử và Đạo Nho do ông sáng lập, cho dù bạn muốn làm gì hay nói gì, mấy ngàn năm nay vẫn cứ đồng hành với dân tộc Trung Hoa, hoà tan trong đạo đức của nhân dân, ngưng kết thành bao chiến công hiển hách v.v... Tóm lại, tuỳ tình thế khác nhau mà di sản văn hoá có một hình thức xuất hiện tương ứng, còn nội dung bản chất vẫn hoàn toàn bất tử, không hề thay đổi.
Những ngày tháng đàm phán ở Trùng Khánh, tôi phục vụ Chu Ân Lai bay đi bay lại giữa bầu trời Diên An - Trùng Khánh tổng cộng tới 23 lần. Lúc bấy giờ ông là Phó chủ tịch, luôn luôn trong trạng thái nỗ lực và khẩn trương, không nghĩ đến ăn, không nghĩ đến ngủ, tất cả chỉ nhằm một mục tiêu: Mao Trạch Đông thân hành đến Trùng Khánh trực tiếp đàm phán. Chu Ân Lai từng trầm tư và bảo tôi nhiều lần: “Phải đưa Chủ tịch đến Trùng Khánh!”. Tôi như trong mơ màng bỗng dưng tỉnh dậy và la lên một tiếng: “Sao”. Chu Phó chủ tịch mỉm cười: “Hà phó quan ngạc nhiên lắm phải không? Thế là rất tốt, điều đó chứng tỏ Quốc dân đảng cũng nhất định bất ngờ, họ chưa chuẩn bị gì cả, họ vẫn nghĩ Chủ tịch không dám đi Trùng Khánh, còn tôi, còn chúng ta mọi việc đã sẵn sàng, và cục diện rồi Hà phó quan sẽ rõ, sẽ nhìn thấy họ thua như thế nào”.
Thực tế diễn tiến về sau đều chứng tỏ Chu Ân Lai nói trúng và nói đúng. Mật tin truyền đạt cho các đồng chí của chúng tôi ở Trùng Khánh, mọi người không dám tin điều đó, tôi báo cáo lại với Chu:
- Thưa Phó chủ tịch, các đồng chí đều ngạc nhiên và không đồng ý để Mao Chủ tịch đến Trùng Khánh ạ.
- Ở các khu giải phóng, ý kiến cũng như vậy.
- Hay là chúng ta khuyên can Mao Chủ tịch?
- Không! - Chu Ân Lai cương nghị, - 20 năm nay, chưa một ngày nào Tưởng Giới Thạch từ bỏ ý định tiêu diệt chúng ta, 20 năm đã không diệt nổi thì lần này cũng vậy, không làm gì được chúng ta, không làm gì được Mao Chủ tịch!
Chu nói một cách rất tự tin và lôi cuốn thuyết phục tôi. Ông nói tiếp: “Mao Chủ tịch thân hành tới Trùng Khánh, tin này sẽ làm náo động Diên An, Trùng Khánh, các khu giải phóng, cả hậu phương, cả Trung Quốc và thế giới nữa. Gan giết người của Tưởng Giới Thạch làm gì dám sánh nổi gan không sợ hy sinh của Mao Chủ tịch, người vì cả dân tộc, người vì toàn thể nhân dân. Tưởng Giới Thạch dám to gan bẻ nạng chống trời? Sức mấy!” Chu Ân Lai càng nói, càng xúc động, trước mắt tôi, giờ đây ông như một võ tướng với uy vũ “râu hùm hàm én”.
Thời khắc Mao Chủ tịch đặt chân tới Trùng Khánh, mảnh đất này như sôi sục, như trào dâng, những vị đứng đầu các đảng phái dân chủ tiến bộ, phóng viên trong và ngoài nước, quan phương sĩ tướng của Quốc dân đảng, đồng bào đồng chí Trùng Khánh đều hoan nghênh Người và trong tôi bỗng vang lên lời nói đầy vẻ anh hùng: Tưởng Giới Thạch, ngươi định ám hại Mao Trạch Đông ư? Thì hôm nay Mao Trạch Đông đã tới, ngươi hãy hành động đi... Nay nghĩ lại, dũng khí và lòng tin bản thân chưa phải là an toàn, Chu Ân Lai biết rõ điều đó và lúc bấy giờ ông phải suy nghĩ chu đáo kín kẽ, hành động cương quyết thận trọng, nỗ lực tối đa vì Mao Chủ tịch - hình tượng của Trung Cộng chúng tôi! Về phương diện bảo vệ an toàn, tất nhiên những nhân viên bảo vệ có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng ngoài họ ra còn phải bố trí đám vệ sĩ. Theo cổ thư, vệ sĩ lo mọi điều cho chủ soái, ăn ngủ đi lại, sau mới đến vòng ngoài những hộ vệ mang dao gọi là “ngự tiền tứ phẩm”. Chu Ân Lai nghiên cứu sách vở cổ kim, rồi tự nói với mình: “Phải có loại vệ sĩ, cảnh vệ như rồng, như hổ”.
- Hà phó quan, ý kiến của anh như thế nào? - Nghe Chu Ân Lai lẩm bẩm một mình, đoán ra ý đồ của ông, tôi mạnh dạn báo cáo:
- Mao Chủ tịch là rồng thật, cho nên bên mình người cũng phải là cảnh vệ rồng ạ.
- Đúng, phải là rồng và có đủ 3 con!
Chu Ân Lai quyết định chọn 3 đồng chí là Trần Long, Long Phi Hổ, Nhan Thái Long - 3 con rồng luôn luôn quấn quýt bên cạnh Chủ tịch, đi cùng xe, ngồi cùng bàn, ăn cùng món, không rời khỏi Mao nửa bước, nửa giây. Tại phi trường Trùng Khánh, lúc chờ máy bay đưa Mao Trạch Đông từ Diên An đáp xuống, Chu Ân Lai dặn tôi:
- Chủ tịch tới, Hà phó quan đừng lo gì cho tôi nữa, chúng ta cùng hiệp sức bảo vệ Người.
Chu Ân Lai hộ tống Mao Trạch Đông rời khỏi phi trường, trước sau tả hữu đều có xe của hiến binh Quốc dân đảng bảo vệ. Ngay hôm ấy, Tưởng Giới Thạch mở tiệc khoản đãi và Mao Trạch Đông nghỉ tại công quán Tưởng gia trên núi Ca Lạc, Chu Ân Lai yên tâm, vì có điên đi nữa Tưởng cũng không dám ám hại “khách” trong nhà của mình. Ngày thứ hai, Mao chuyển về thôn Hồng Nham, ngồi bên cạnh ông là Trần Long và Long Phi Hổ, trước và sau vẫn xe của Quốc dân đảng, chúng tôi lo lắng vì lúc nào cũng có quân đội Tưởng kè kè sát nách Chủ tịch, Chu Ân Lai giải thích:
- Các đồng chí nghĩ như vậy là không đúng, nơi đây thuộc phần đất của người ta, họ làm chủ, giao trách nhiệm cho chủ bảo vệ khách, mới thực thượng sách.
Như đã giới thiệu ở nhiều chương trước, thôn Hồng Nham nằm ở ngoại ô Trùng Khánh, là nơi thanh tịnh dễ bảo vệ, nhưng Chu Ân Lai vẫn “giao kèo” với tôi và Tưởng Trạch Dân: “Từ thôn Hồng Nham ra đến đường cái quan dài đúng một cây số, trên đoạn đường này tôi giao nhiệm vụ hai đồng chí bảo vệ đưa đón, nếu để xảy ra việc gì, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về các đồng chí, Hà phó quan và Tưởng phó quan rõ chưa?”
- Rõ, thưa Chu Phó chủ tịch!
Tôi và đồng đội vô cùng lo lắng. Hồi “văn cách”, người ta nói “mỗi câu của Mao Chủ tịch phát ra địch nổi những vạn lời, ngàn ý”, có lẽ hơi thổi phồng, phóng đại, còn ở Trùng Khánh “một cây số như là muôn dặm” quả không sai tý nào, đoạn đường ấy sao mà dài, sao mà nặng nề vậy. Chu Ân Lai chỉ lên bản đồ và căn cặn: “Xuất phát chỗ này và kết thúc chỗ kia, hai đồng chí nhớ cho kỹ. Xe của Chủ tịch ra khỏi cổng thôn Hồng Nham, hai đồng chí giao cho hiến binh Quốc dân đảng, thế là hoàn thành nhiệm vụ lượt đi và chuẩn bị đón lượt về”. Cứ như vậy trên từng cây số mà Mao Trạch Đông đi về đều có cảnh vệ do Chu Ân Lai bố trí. Về khoản ăn uống do “đầu bếp” Diên An phụ trách nấu nướng, Chu Ân Lai chủ trương “không kể ngon dở, chỉ cần an toàn, phòng tránh độc hại là được”. Lúc đi dự yến tiệc, Chu đưa ra nguyên tắc mọi người dùng món nào Chủ tịch dùng món ấy là luôn luôn “tiền chủ hậu khách”. Riêng về uống rượu thì Chu “liều mình cứu chúa” và anh em cảnh vệ, vệ sĩ thương ông đến phát khóc, Chu Ân Lai sợ “trong rượu có tay chân của kẻ địch” nên nhất mực không để cho Mao Trạch Đông chạm môi. Ngày ấy tôi đã khóc vì thương Chu Phó chủ tịch xả thân gánh rượu thay Mao, và 30 năm sau tôi lại khóc khi Giang Thanh phát động “phê Chu công”. Nhớ lúc Mao Trạch Đông đi Trùng Khánh, Giang Thanh đã từng chứng kiến mọi việc làm của Chu Ân Lai, thị nói: “Ân Lai quan tâm Chủ tịch còn hơn người nhà chúng tôi”, thế mà giờ đây thị ngang nhiên hành hạ Ân Lai và Chủ tịch không một lời can gián.
Mao Trạch Đông là người của công việc lớn, ông ngày đêm nghĩ cách làm thế nào dựa vào những nhận thức của mình đối với thế giới và quy luật để thúc đẩy cách mạng một cách sâu hơn, rộng hơn; bằng ý chí và niềm tin của mình để khai phá, mạo hiểm và sáng tạo nên thế giới mới, đẹp đẽ hơn. Mao không chú ý đến những hy sinh và giúp đỡ của người khác vì mình, cho mình, ông nhận thức rằng, tất cả những cái đó đều là hành động cách mạng, không có quan hệ hay tình nghĩa cá nhân. Sau năm 1949, tôi quan sát Mao Trạch Đông chỉ đến Tây Hoa sảnh đúng một lần, có lẽ ông ngại những việc làm “đàn bà” như vậy. Ông bắt Chu Ân Lai làm thủ tướng chung thân, cho dù Chu có mắc bệnh ung thư, cho dù Chu nằm liệt giường không thể thiết triều, ông không đến thăm Chu, nhưng không để ai thay chức Thủ tướng, phải chăng đó là sự tín nhiệm, cảm kích, tôn kính hay giãi bày lòng mình đối với kẻ tôi trung? Còn Chu Ân Lai, đúng là một đời đã tận tâm vì Mao Trạch Đông. Có thê nói hồi ở Trùng Khánh, Chu là người cảnh vệ số 1 của Mao! Ông lo lắng mọi việc ăn, ở, đi lại cho Mao, hằng đêm ông tuần tra bên ngoài hành lang phòng nghỉ của Mao, sợ Mao mất ngủ, ông tháo giầy chỉ mang mỗi vớ, không gây nên tiếng động, thật như một a hoàn ngoan ngoãn..
Ngày 8 tháng 10 năm đó, đúng 3 hôm trước khi Mao Trạch Đông trở về Diên An thì Lý Thiếu Thạch - thư ký tiếng Anh của Chu Ân Lai không may bị trúng đạn tử vong, bỏ lại người vợ goá Liêu Mộng Tỉnh (con gái Liêu Trọng Khải). Hôm ấy, Liễu Á Tử đến văn phòng tìm gặp Chu Ân Lai, Chu bận tháp tùng Mao Trạch Đông dự tiệc rượu do Trương Thị Trung thết đãi, tiễn đưa Mao trở về khu đỏ, nên dặn Lý ở nhà tiếp Liễu thay mình. Chuyện trò xong, Lý tiễn Liễu, quay xe về văn phòng không may va quệt làm bị thương một binh sĩ Quốc dân đảng, người lái hoảng quá vẫn cho xe gia tốc và “đoàng” 3 tiếng, Lý Thiếu Thạch trúng đạn, đưa đến bệnh viện thì anh tắt thở.
Tiệc tàn và Chu Ân Lai đưa Mao Trạch Đông đi xem kịch với Trương Thị Trung, màn vừa mở thì Long Phi Hổ đến nói thầm với Chu: “Thưa Phó Chủ tịch, sinh chuyện rồi, đồng chí Lý Thiếu Thạch bị ám hại!”. Chu lập tức cho mời Tư lệnh hiến binh Quốc dân đảng là Trương Trấn tới, yêu cầu ông ta bằng mọi cách bảo vệ Mao Trạch Đông được an toàn tuyệt đối, rồi đến bệnh viện vĩnh biệt Lý Thiếu Thạch, giải quyết đền bù thuốc men cho binh sĩ bị xe tông và kháng nghị nhà đương cục về hành vi ám hại người của chúng tôi.
Hiệp định Song Thập không đi đến kết quả, Mao Trạch Đông an toàn trở về Diên An, Chu Ân Lai thờ phào nhẹ nhõm, ông cho mở tiệc cám ơn Trương Trấn và binh sĩ Quốc dân đảng đã có công bảo vệ Mao Trạch Đông trong thời gian ở Trùng Khánh. Tôi chú ý quan sát và thật cảm động trước sự quan tâm lo lắng của Chu Ân Lai đối với Mao Trạch Đông, tỉ mỉ và cẩn trọng vô cùng. Chu Ân Lai là người phản đối tổ chức mừng sinh nhật, năm 1960 lúc ông 62 tuổi, tôi và Tôn Duy Thế bí mật sắm lễ, kết quả bị Thủ tướng “trừng phạt”. Nhưng ngày 26 tháng 12 năm 1974 - lần sinh nhật của Mao Trạch Đông, tuy đã bị ung thư, Chu Ân Lai vẫn nâng ly chúc thọ Mao với một thái độ trung thành bất nhị, ông kính Mao chén rượu cuối cùng của đời mình.
Thời kỳ Trùng Khánh đã có phóng viên phỏng vấn Chu Ân Lai: “Thưa Chu tiên sinh, trước đây tiên sinh từng làm việc dưới sự lãnh đạo của Trần Độc Tú, Cù Thu Bạch, Vương Minh v.v... còn bây giờ là ông Mao, tiên sinh giải thích như thế nào về sự thay đổi này?”.
Chu trả lời, đại ý như sau: “Ai đại biểu nhân dân, ai đại biểu cho lợi ích căn bản của cách mạng, tôi chọn người đó”.
Riêng cá nhân tôi, tôi cho rằng, muôn hiểu được quan hệ của Chu Ân Lai đối với Mao Trạch Đông, chúng ta hãy xem cái huy hiệu mà Chu luôn luôn đeo trên ngực, một phần ba diện tích là hình ảnh Mao, còn hai phần kia chói ngời năm chữ “vì nước phục vụ”.
Trịnh Thục Vân kể lại: Hồi mới “văn cách”, một hôm tôi đi làm và nhìn thấy Thủ tướng ngồi tư lự trước một loạt huy hiệu hình Mao Chủ tịch chất ngất trên bàn, Thủ tướng hỏi tôi thích cái nào, tôi phân vân không biết trả lời ra sao thì Thủ tướng nhặt lấy cái có 5 chữ “vì nhân dân phục vụ” chiếm hai phần ba diện tích, Thủ tướng đeo nó cho tới ngày qua đời.
Một nhà báo không hoàn toàn đồng ý với lời kể của Trịnh Thục Vân, ông cho biết, năm 1967 khi đi công tác Quảng Châu, Thủ tướng tới dự một cuộc mít tinh, viên nữ Hồng vệ binh ngăn Thủ tướng ngay tại cổng và nói: “Thưa Thủ tướng, cho phép tôi thay huy hiệu của đồng chí”, Chu Ân Lai không hề sợ hãi nhanh trí đáp lại: “Đồng chí tiểu tướng, nếu đồng chí thích huy hiệu tôi đang đeo, tôi xin tặng lại”, cô gái nọ cũng thật dũng cảm bước lên làm công việc thay huy hiệu trên ngực áo Thủ tướng. Đêm ấy về phòng ngủ, Chu Ân Lai lại đeo loại 5 chữ “vì nhân dân phục vụ” mà ông đã chọn, cái ban đầu nói trên bị tước ở Quảng Châu chứ đâu còn đến ngày tạ thế?
Quả đúng như vậy, Trịnh Thục Vân cũng công nhận, loại 5 chữ “vì nhân dân phục vụ”, Thủ tướng có mấy cái cơ, hẳn ông đã nghĩ tới việc bị tước như ở Quảng Châu, nên phải dự phòng.
Chu Ân Lai trung thành và quý mến Mao Trạch Đông có đặc sắc riêng, để làm rõ những đặc sắc này, ngươi viết xin được so sánh với Lâm Bưu và Đặng Tiểu Bình.
Trong suốt thời kỳ đấu tranh vũ trang, phải nói rằng, trên cơ bản Lâm Bưu đứng về phía Mao Trạch Đông, có chiến công hiển hách so với các nguyên soái khác và được xếp hàng thứ 3 sau Chu Đức - Tổng Tư lệnh, người cùng Mao hội sự tại Tĩnh Cương Sơn sáng lập nên quân đội cách mạng, sau Bành Đức Hoài - Phó Tổng Tư lệnh, mà thời kỳ Vạn lí trường chinh và ở Thiểm Bắc có lúc đã là Tổng Tư lệnh. Ngày nay thường thành kiến mà nói Lâm Bưu thuộc loại “hô muôn năm trước mặt, nhưng đâm dao găm sau lưng”. Cách nói như vậy không thật khách quan, toàn diện và làm méo mó sự thật lịch sử. Nếu Lâm Bưu là kẻ tiểu nhân như thế, với sự anh minh, cơ trí cỡ Mao Trạch Đông thì hẳn ông đã không xếp Lâm Bưu vào vị trí thứ 3 trong hàng ngũ nguyên soái và cuối cùng giao cho Lâm làm người kế vị, ghi vào điều lệ Đảng. Tôi có dịp gặp gỡ số anh chị em phục vụ Mao Chủ tịch, họ nói: Lâm Bưu từng trung thành với Mao, không phải “hô muôn năm trước mắt mà đâm dao găm sau lưng”, ngược lại “dám trực diện đối đầu và hô khẩu hiệu ủng hộ”. Trong những cán bộ cao cấp, chỉ có 2 người dám cãi Mao Trạch Đông, đó là Bành Đức Hoài mà ở hội nghị Lư Sơn từng “kéo mũ Mao, cạo trọc đầu, ngang nhiên chửi thề với ông ta” và cả nước đều đã biết, người thứ hai - Lâm Bưu, song không phải ai cũng rõ cả.
Ở Tỉnh Cương Sơn, trên đường trường chinh, khi kháng Nhật và hồi đấu tranh giải phóng, Mao, Lâm tranh luận nhau khá gay gắt.
Mao nói:
- Thằng nhóc, anh thì hiểu cái quái gì?
Còn Lâm:
- Đồng chí hiểu thì tôi hiểu, đồng chí chỉ nghe nói, tôi mới là người nhìn thấy ở chiến trường, ở tiền tuyến!
Thời giải phóng Đông Bắc, Lâm Bưu đánh trận thật xuất sắc và nhiều lúc bất đồng với Mao, hai người tranh luận, cuối cùng phải dùng kết quả thực tế làm trọng tài. Lâm Bưu cãi nhau cùng Mao, thái độ hoàn toàn khác Bành Đức Hoài, ông rất trầm tĩnh với câu nói cổ điển: “Không phải như thế, thưa Chủ tịch!” và luôn luôn ỷ mình là người thực tế mắt thấy tai nghe... Nhưng từ khi tay cầm cuốn sách đó, đứng bên cạnh Mao Trạch Đông, cùng đám Hồng vệ binh, đám tiểu tướng, đám tạo phản hô vang “muôn năm, muôn muôn năm” thì Lâm Bưu bắt đầu chuyển biến không trung thành và lúc ấy mới thực “trước mặt, sau lưng...” như người đời vẫn nói.
Đêm hoa đăng ngày quốc tế lao động năm 1971, chúng tôi và Thủ tướng phải ra quảng trường Thiên An Môn sớm hơn giờ khai mạc. Đây cũng là cái “tật” của Chu Ân Lai, ông thường “diễn tập” cách đi, cách ngồi, cách đứng v.v... của Mao, chỉ ra những thiếu sót của việc chuẩn bị, yêu cầu sửa chữa ngay, và sau đó quả ứng nghiệm, nếu không làm như Chu thì đã gây ra không biết bao là sự cố. Như thường lệ, chủ soái và phó soái ngồi cạnh nhau, nhưng sao giờ này Lâm Bưu vẫn chưa đến? Điện hỏi văn phòng của Lâm, người ta bảo ông mệt, đêm nay không dự được.
Hồi “văn cách”, lên thành lầu Thiên An Môn được xem như lên sân khấu chính trị, ai đứng đâu, ai ngồi đâu là rất rõ ràng, phản ánh sự tương quan của quá trình đấu đá vừa qua, ai còn, ai mất v.v... do đó Chu Ân Lai phải thân hành điện thoại với Lâm Bưu:
- Xin mời Lâm Phó chủ tịch tới dự đêm hoa đăng, nếu mệt, Phó chủ tịch có thể về trước, còn bây giờ khai mạc. Chủ tịch đã đến rồi, thiếu Phó chủ tịch thì kỳ lắm và sẽ ảnh hưởng đến nhân dân cả nước.
Lâm Bưu cuối cùng chấp thuận, nhưng ra điều kiện không cùng Mao bước lên thành lầu.
- Thưa Chủ tịch, Lâm Phó chủ tịch hơi mệt, đêm nay xin đến chậm một tý.
Chu Ân Lai báo cáo, Mao Trạch Đông xem như không có chuyện gì xảy ra, và chỉ nói một câu: “Lâm Bưu lúc nào cũng áp dụng biện pháp chủ nghĩa duy tâm đối với căn bệnh của mình”. Ông nhớ lại ở hội nghị Lư Sơn năm 1970, Lâm Bưu đã cáo bệnh như đêm nay và do đó “ngửi” thấy mùi dã tâm chính trị của Lâm. Đêm ấy Mao Trạch Đông không mặc quân phục nhằm hô hào “toàn quốc học tập Quân giải phóng”, ông chững chạc trong bộ Tôn Trung Sơn màu xám tro, nói chuyện liên hồi với hoàng thân Sihanouk và phu nhân. Lâm Bưu bẽn lẽn ngồi vào vị trí của mình rồi lại bẽn lẽn rút lui lúc nào không hay. Lễ hoàn tất, trở về văn phòng, Chu Ân Lai cho kiểm tra toàn bộ các tấm ảnh mà phóng viên đã chụp, may sao chỉ có mỗi một kiểu của Đỗ Sơn ghi được hình ảnh chủ soái và phó soái, Thủ tướng quyết định dùng nó đăng lên Nhân Dân nhật báo số ra ngày mồng 2 tháng 5 để “ổn định đoàn kết”, nhưng trên thực tế nó đã dự báo sự kiện phản bội của Lâm Bưu “ngày 13 tháng 9” mà hồi ấy Chu Ân Lai phải mất trọn 3 ngày 3 đêm mới đập tan tập đoàn Lâm Bưu, bảo đảm an toàn cho Mao Trạch Đông...
Còn Đặng Tiểu Bình, cuộc đời ba lần vào ra Trung Nam Hải của ông đã chứng tỏ tất cả. Có thể nói ông và Chu Ân Lai là những người theo chủ nghĩa Mác - Lê “vụ thực”, họ đều công nhận Mao Trạch Đông là lãnh tụ của nhân dân Trung Quốc, là nhà lý luận cách mạng, họ chưa hề phản đối hệ thống tư tưởng của Mao, chỉ bất đồng trên quyết sách, biện pháp cụ thể sai lầm do Mao gây nên, ví như Mao “lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh” biến mâu thuẫn nội bộ thành mâu thuẫn địch ta và áp dụng thủ đoạn “đả đảo”, “thanh trừ” kết quả là cả một tấn bi kịch lịch sử. Mỗi khi có bất đồng, có phân kỳ với Mao, mức độ càng nghiêm trọng thì thái độ và cách xử trí của Chu và Đặng càng khác nhau. Chu Ân Lai làm việc bên cạnh Mao phải đến 40 năm, sở trường sở đoản của Mao ông tường tận hơn Đặng Tiểu Bình. Nhưng Đặng không mê tín Mao như kiểu Chu Ân Lai, cho nên ông nhận thức tính chất và nguy cơ những sai lầm của Mao phạm phải lại sâu sắc hơn. Tính cách Chu Ân Lai như ly rượu Thiệu Hưng dễ được tiếp nhận, bản thân ông nhẫn nại, hàm súc, còn Đặng Tiểu Bình như quả ớt Tứ Xuyên, cay, nóng và làm cho người ta phải xuýt xoa. Chu Ân Lai một mực tuân thủ kỷ luật, chấp hành vô điều kiện quyết nghị của Đảng, Đặng Tiểu Bình khi đã nhìn rõ mục tiêu thì dám hy sinh và phá vỡ những công thức, khuôn phép từng được thần thánh hoá. Tất cả những sự khác biệt đó đã quyết định vận mệnh của từng người. Tháng 8 năm 1980, khi trả lời nhà báo Italia, Đặng Tiểu Bình đã nói: “Chu Ân Lai như người anh của tôi, ông được đồng bào đồng chí tôn kính, ông không bị đánh đổ trong Cách mạng văn hoá, đó là một hồng phúc. Thuở ấy ông lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nói và làm khác với bản thân mình, nhưng nhân dân hoàn toàn thông cảm, vì không nói và làm như vậy thì ông đã không đứng vững, không phát huy tác dụng của mình để giảm thiểu tổn thất và bảo vệ một lớp người cho sau này”.
Cuộc đời của Chu, của Đặng, người thế này, người thế kia, âu cũng là “thụ mệnh dự thiên”, trời ở đây chính là sự lựa chọn của lịch sử, sự lựa chọn của nhân dân. Một khi nhân dân không thể sổng bằng khẩu hiệu, một khi động lực thúc đẩy lịch sử không còn là những lý luận suông thì sự chọn lựa Đặng Tiểu Bình là điều tất nhiên, nhưng trước đó, trước Đặng, Mao Trạch Đông đã khai thiên phá thạch, làm “sạch sẽ” 9 triệu 600 ngàn cây số vuông quốc thổ để hôm nay thực hiện công cuộc hiện đại hoá.
Sau ngày Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đều qua đời, trong xã hội dấy lên một luồng gió đề cao Chu, hạ thấp Mao. Một đồng chí cách mạng lão thành khẳng khái mà rằng, nếu phủ định Mao Trạch Đông thì Chu Ân Lai còn “cao” được không?
Đặng Dĩnh Siêu cũng nói: “Các đồng chí không nên làm như vậy, có lúc nào Chu Ân Lai phản đối Mao Chủ tịch đâu, các đồng chí đã hiểu Chu Ân Lai rất rõ, đường lối đúng Ân Lai đúng, đường lối sai Ân Lai sai”.
Năm 1971, lúc xảy ra sự kiện Lâm Bưu, tại Đại lễ đường Nhân dân, sau khi nghe Chu Ân Lai chính thức thông báo toàn bộ mưu đồ của tên phản nghịch, mọi người hân hoan bao quanh ông và ai đó đã nói: “Thưa Thủ tướng, đồng chí đã mang lại hạnh phúc cho nhân dân”. Thủ tướng sửa ngay. “Không nên nói như vậy, đó chẳng qua là công việc cụ thể do Mao Chủ tịch lãnh đạo mà tôi phải tận tâm thực hiện”. Khi cùng Nixon đàm phán ở Bắc Kinh, hai bên không đi đến kết quả, chủ yếu là vấn đề Đài Loan, Chu Ân Lai bèn mời Tổng thống Mỹ đi thăm Thượng Hải và tiếp tục đàm phán. Với tài trí thông minh và kinh nghiệm dày dạn của mình, Thủ tướng đã đưa Nixon đi đến “Công báo Thượng Hải”, phá vỡ sự phong toả của chủ nghĩa đế quốc trong hơn 20 năm qua đối với Trung Quốc. Một bình luận gia người Mỹ đã nói: “Nếu không có ông ta, thì Trung Quốc đã chắc gì thuận lợi như vậy khi đặt quan hệ hữu hảo với quan phương và công chúng Hoa Kỳ”. Công báo dự thảo xong, Chu điện thoại về Bắc Kinh xin ý kiến Mao, Chủ tịch đang ngủ, ông không dám quấy rầy vì người chưa hồi phục sức khoẻ sau một cơn bệnh nặng, Thủ tướng đi vòng quanh bàn làm việc, suy nghĩ, chờ đợi và cuối cùng do tính chất khẩn cấp nên Chu Ân Lai mạnh dạn chịu trách nhiệm đánh thức Mao Trạch Đông trở dậy, ra quyết định tối hậu... Đó là đức tính tôn kính Mao Trạch Đông mà Chu Ân Lai luôn luôn giữ gìn từ hội nghị Tuân Nghĩa lịch sử cho tới khi qua đời.
Phần cuối của chương này xin được nói đôi điều về quan hệ của Thủ tướng với Giang Thanh và lập đoàn cực tả trong Đảng. Phương châm tổng quát của ông là: anh nói việc anh, tôi làm việc tôi, không tranh cãi hoặc im lặng, sau này ra sao thì cứ như thế ấy. Cách của ông hầu như khác Đặng và do kết quả hoàn toàn không giống nhau, nhưng nhân dân đã thông cảm ông vì mỗi người một hoàn cảnh. Thời Diên An, Giang Thanh ưa tìm đến Chu Ân Lai, nhất là những lúc cãi nhau với Mao Trạch Đông, bà thường “tố khổ” với Chu và nhờ ông dàn xếp mâu thuẫn gia đình mình. Cũng như nhiều người hồi ấy, mỗi khi học tập có điều gì tâm đắc thu hoạch, mỗi lần bước vào một công tác, dự định nào đó hoặc giả gặp khó khăn trở ngại, Giang Thanh đều báo cáo và thỉnh thị Chu Ân Lai cho ý kiến, bởi vì ông được toàn đảng công nhận là một con người ôn hoà, lương thiện, chính trực, nhẫn nại, thông minh. Đó là thời kỳ mà nội bộ đảng rất nghiêm túc, rất đoàn kết, chưa mắc bệnh a dua nịnh bợ, đả kích báo thù và Giang Thanh chưa có biểu hiện gì là ranh mãnh, độc địa. Giang Thanh tự tiện cho thay đổi thảm nhà và rèm cửa căn hộ của mình ở Quảng Châu, sự việc bị vợ của Trần Vân phát hiện báo cáo Trung ương và cuối cùng Giang tiếp thu phê bình không dám nói năng gì cả. Chu Ân Lai chưa phải đối phó với Giang Thanh, quá lắm là khuyên can bà hãy vì danh dự của Mao Chủ tịch.
Đầu những năm 50, giữa Giang Thanh và Vi Minh - thư ký của Thủ tướng - xảy ra mâu thuẫn. Khi ấy cuộc kháng Mỹ viện Triều đang rất căng thẳng, Thủ tướng lâm bệnh vừa mới đỡ, chúng tôi chiếu phim vui, mời ông giải trí thư giãn. Phòng chiếu tắt đèn, tiếng máy kêu xè xè và màn bạc bật sáng thì chuông điện thoại réo liên hồi, Vi Minh vội chạy ra cầm ống nói và nghe oang oang:
- Tôi là Giang Thanh xin mời Thủ tướng nghe điện thoại.
Vi Minh chột dạ, Thủ tướng vừa hơi đỡ, nghỉ một lát cũng không được, cô mạnh dạn trả lời:
- Thủ tướng mệt, đang xem phim giải trí, việc của chị có gấp không, nếu không gấp xin để cho Thủ tướng xem hết phim, rồi sẽ gọi với chị sau.
Giang Thanh là thư ký của Mao Trạch Đông, còn Vi Minh là thư ký của Chu Thủ tướng, cách trao đổi như vậy giữa các thư ký là bình thường, nhưng Giang Thanh lại vừa là đệ nhất phu nhân, cho nên dù Vi Minh có lịch sự khách sáo đến mấy bà ta cũng cảm thấy mếch lòng, giận dữ:
- Đó là ý của cô hay là ý của Thủ tướng?
Vi Minh không sá gì thân phận, với bồng bột của tuổi trẻ, cô đáp luôn:
- Vậy mời Thủ tướng nghe điện thoại là ý của chị hay là ý của Chủ tịch?
- Cô không cần biết! - Giang Thanh phát hoả và Vi Minh dập máy. Giang quay lại điện thoại và trách cứ Vi: - Tại sao cô dập máy?
- Vì chị bảo không cần biết - như sợ sinh chuyện nên Vi Minh phải làm lành, vào mời Thủ tướng ra tiếp điện thoại. Chúng tôi theo dõi đúng gần 1 tiếng đồng hồ, Thủ tướng tôi thật nhẫn nại, gặp Đặng Tiểu Bình thì chắc không quá 1 phút.
- Thưa Thủ tướng, chị ta rắc rối quá! - Tôi phàn nàn với Chu vì Giang Thanh mà bỏ dở bộ phim, ông vui vẻ trả lời:
- Giang Thanh vừa xem xong một kịch bản và trao đổi với tôi về những cảm tưởng của mình...
Sau vụ đôi co trên máy điện thoại với Vi Minh, Giang Thanh viết bản cáo trạng 2000 chữ chụp mũ cho Vi, Chu Ân Lai phải làm trọng tài phân xử, cả hai đều có khuyết điểm và cần tự phê bình, Giang cũng ngoan ngoãn chấp thuận, may mà sự việc xảy ra hồi đó chứ đợi đến lúc “văn cách” thì thân xác Vi Minh không biết sẽ tan ra bao nhiêu mảnh.
Thời “văn cách”, Chu Ân Lai xem Giang Thanh như một nhân vật để đối xử, lý do đơn giản là Mao đã sử dụng bà ta cũng như một nhân vật. Cuối năm 1966, Mao triệu tập hội nghị, ngồi bên trái ông là Giang Thanh, Khang Sinh, Trần Bá Đạt, Trương Xuân Kiều và đám binh mã “văn cách”, còn bên phải - Chu Ân Lai, Đào Chú, Diệp Kiếm Anh và những cán bộ lão thành. Mao Trạch Đông giơ tay trái chỉ đám “văn cách”: “Đối với cán bộ già bao gồm số lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố, khu tự trị, không nung không đốt không được, phải tiếp tục đổ thêm dầu, quạt thêm gió”. Đoạn, ông phất tay phải về phía Chu Ân Lai, Đào Chú và nói: “Nhưng không được đốt thành tro, phải biết khống chế gió, dầu, và cứu người ra khỏi nơi nước sôi lửa bỏng đó”.
Đây là nghệ thuật lãnh đạo của Mao Trạch Đông, ý định của ông không chủ mưu đả đảo lớp cán bộ già mà chỉ nung đốt họ, biến họ từ những Bồ Tát đất bùn thành Bồ Tát sành sứ và qua được sông nước. Nhưng Giang Thanh và băng nhóm của bà quyết “đốt thành tro”, còn Thủ tướng thì trăm phương ngàn kế “cứu người ra khỏi nơi nước sôi lửa bỏng”, mâu thuẫn Chu - Giang là không tránh khỏi.
Trung tuần tháng 3 năm 1968, theo chỉ thị của Mao, Chu chủ trì hội nghị thảo luận giải quyết vấn đề Đông Bắc, Giang Thanh được mời tham dự.
Khoảng nửa giờ trước khi khai mạc, thư ký của Giang Thanh là Tôn Chiếm Long gọi điện thoại cho Thành Nguyên Công - Phó giám đốc sở cảnh vệ thuộc Cục bảo vệ Trung ựơng Đảng, báo rằng: Giang Thanh vừa ngủ dậy, chưa ăn uống gì cả, đề nghị ban tổ chức hội nghị chuẩn bị bữa ăn cho bà, ăn xong sẽ họp. Thành Nguyên Công báo cáo Uông Đông Hưng - Chánh văn phòng Trung ương Đảng kiêm Cục trưởng Cục bảo vệ. Uông đồng ý, người dự họp mời vào sảnh tiếp khách của Đại lễ đường Nhân dân, còn cơm nước cho Giang Thanh dọn sẵn ở sảnh Tiểu Sơn Đông. Giang Thanh đến chậm 15 phút, Uông Đông Hưng và Thành Nguyên Công đứng chờ ở cửa sảnh, bước lên báo cáo:
- Thưa đồng chí Giang Thanh, hội nghị ở sảnh tiếp khách, bữa ăn của đồng chí chuẩn bị tại sảnh Tiểu Sơn Đông, đồng chí dùng tí gì đã.
Giang Thanh lườm Uông và Thành, rồi vênh váo bước vào phòng họp, chuẩn bị mở máy “hôm nay tôi thay mặt Chủ tịch” và dương dương tự đắc là “kỳ thủ” (người cầm cờ). Bà quay sang hỏi Chu Ân Lai:
- Các người họp gì mà bố trí Thành Nguyên Công ngáng tôi ở cửa?
- Họp giải quyết vấn đề Đông Bắc theo chỉ thị của Chủ tịch! - Chu Ân Lai trả lời.
- Có thật không? Các người định giấu tôi nên cử cảnh vệ canh phòng, thưa Thủ tướng, Thủ tướng có ý gì vậy? - Giang Thanh châm biếm.
- Hoàn toàn không có ý gì cả, mọi người ỏ đây sẽ làm chứng! - Chu Ân Lai tức giận.
- Tôi không tin! - Giang Thanh gào lên.
- Tôi tuyên bố - Thủ tướng cương quyết - hội nghị của chúng ta hôm nay tạm hoãn, mời Đông Hưng, Thành Vũ, Lý Tác Bằng ở lại giải quyết với đồng chí Giang Thanh về sự hiểu lầm.
Giang Thanh loanh quanh, khi gọi đến Tôn Chiếm Long đối chất, công nhận là bà có bảo chuẩn bị bữa ăn, thì Giang Thanh hét tới tấp vào thư ký của mình: “Ngu, cút!”. Giang Thanh thua cuộc nhưng vẫn hăm doạ Thủ tướng: “Người của Thủ tướng đều là hạng sói lang, cẩu chó, như Tôn Duy Thế, như Thành Nguyên Công, Thủ tướng hãy coi chừng!”. Thật không ngờ, đệ nhất phu nhân lại nói năng như vậy, và nhỏ nhen hơn nữa, sau một tuần, Thành Nguyên Công “được” đưa vào “lớp học tập”. 8 tháng sau tiếp tục đi xa về trường cán bộ Giang Tây, làm cho Thủ tướng “cụt chân, cụt tay”.
Dẫu vẫn biết Giang Thanh đã không có công lao mà còn dã tâm thâm độc, nhưng Chu Ân Lai cũng chỉ điều hoà, nhẫn nại, không “gang thép” như Đặng Tiểu Bình vì mỗi lý do thị là vợ của Mao Trạch Đông! Trớ trêu thay, một sự “trung quân” thấm vào máu thịt của ông. Ôi “Đức tiên sinh”, ôi “Trại tiên sinh”, hai vị đi đâu rồi mà để Thủ tướng tôi khổ sở đến nhường này!