Chương 3
TÁNG MAO HAY PHÊ ĐẶNG

     ức khoẻ của Mao Trạch Đông ngày càng sa sút và ý chí phục thù của Giang, Trương cũng theo đó mà suy giảm. Một hôm, Mao gõ thành giường gọi trực ban và Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn và Uông Đông Hưng xích lại gần và với một giọng khó nhọc, mệt mỏi, ông nói:
- Người xưa bảo nhân sinh thất thập cổ lai hy, tôi nay đã hơn tám mươi tuổi rồi, nên thường nghĩ chuyện sau này. Ở Trung Quốc lại có câu: đậy xong nắp hòm là có thể phán định được rồi, nắp hòm của tôi tuy chưa đậy, nhưng có đậy cũng nhanh thôi và do vậy bây giờ là lúc cần phán định.
- Dạ thưa Chủ tịch, Chủ tịch còn khoẻ lắm, còn sống vài chục năm nữa, ít nhất là mười năm nữa ạ - Trương Xuân Kiều nịnh Mao.
Ông cười và tiếp tục mạch tư duy của mình:
- Đời tôi làm hai việc, một là giao tranh với Tưởng Giới Thạch mấy mươi năm, cuối cùng đuổi họ ra mấy hòn đảo. Kháng Nhật 8 năm và mời được người Nhật về nước, tiến vào Bắc Kinh, đặt chân đến Tử Cấm Thành. Đối với việc này, người tranh luận không mấy ai, có chăng chỉ là thúc giục tôi mau chóng lấy lại các hòn đảo đó mà thôi. Việc thứ hai như các đồng chí đã biết, ấy là chuyện phát động cuộc đại Cách mạng văn hoá, người ủng hộ không nhiều, người phản đối không ít. Cả hai việc đều chưa xong, còn dở dang, phải bàn giao lại cho hậu thế. Bàn giao bằng cách nào? Hoà bình mà giao hay phải đấm đá lẫn nhau? Nếu chọn hai, thì máu đổ xuống xương tan, và các đồng chí sẽ làm như thế nào? Chỉ có trời mới biết!...
...Trương Xuân Kiều đang miên man nhớ lại những chuyện xưa, nhớ lại cái hồi đầu “văn cách” thân như chiếc lá giữa dòng, thế mà nay đang chuẩn bị nhận bàn giao của lịch sử, yên hàn hay can qua, nhờ cậy ai bây giờ, đến như Mao cũng đầy nỗi bi thống... đang mơ màng giữa thực hư như vậy thì chuông điện thoại 202 réo lên, ông giật thót người. Cùng lúc Giang Thanh ập tới hỏi Trương:
- Báo cho Hoa Quốc Phong chưa?
- Chưa, 4 giờ chiều còn đọc sách, 8 giờ tối tay lạnh ngắt, 9 giờ thì cấp cứu, và bây giờ...
- Chủ tịch, Chủ tịch, Nhuận Chi, tôi đây mà, ông hãy mở mắt xem, Giang Thanh đây...
Đó là ngày mùng 8 tháng 9 năm 1976. Người còn đang đọc sách, đọc sách cho tận cuối đời và rồi cũng...
Hoa Quốc Phong nhận được điện thoại vội vàng chạy đến bên Chủ tịch. Ông phủ phục kêu gào:
- Mao Chủ tịch, Mao Chủ tịch!
Mao Trạch Đông mặc bộ quần áo trắng lạnh, đắp chăn trắng, nằm bất động trên giường. Mao mở mắt nhìn Hoa - Phó Chủ tịch Trung ương, Thủ tướng Chính phủ vừa mới lên ngôi chưa tròn một năm - như muốn nói điều gì mà không sao phát ra thành lời, mắt và miệng cứ chảy một loại nước màu trắng; lau mãi vẫn không ngưng được. Hoa Quốc Phong là một trong những lãnh đạo mà Mao tín nhiệm nhất vào lúc cuối đời. Khi Chu Ân Lai tạ thế, ông nén sự dày vò đau khổ, cẩn thận chọn người thay thế. Người đó phải làm việc thực sự, điều phối các quan hệ nội ngoại của cả quốc gia. Trong “nháy mắt”, Hoa được kế vị thế Chu, làm cho dư luận vô cùng sửng sốt vì không ai dự kiến rằng Hoa sẽ là Thủ tướng. Còn đối với Hoa, tựa như niềm vui từ trên trời rơi xuống, ông có đôi phần cảm nhận trước và giờ đây cảm thấy lo lắng vô cùng.
Hoa nắm tay Mao, bàn tay của vị thống soái thiên binh vạn mã, từng sóng gió hơn 60 năm qua mà nay lạnh cứng, vàng vọt như một phần của tử thi.
- Thông báo cho toàn thể uỷ viên Bộ Chính trị đến thăm Mao Chủ tịch và... - Hoa Quốc Phong không thể thốt ra những chữ cuối cùng “…và từ biệt người”, vì lâu nay ai cũng sợ mắc trọng tội - mong Chủ tịch chết sớm - nên ngoài việc cấp cứu, bảo mật, người ta chưa hề nghĩ đến chuyện hậu sự cho Mao. Giang Thanh vờ như chưa nghe rõ:
- Đồng chí bảo sao?
- Phải để cho tất cả Bộ Chính trị được gặp Chủ tịch, nhỡ Người có mệnh hệ gì chúng ta còn có thể giải thích được với toàn Đảng, toàn dân.
Dẫu sao thì cũng phải chấp hành ý kiến của Phó Chủ tịch thứ nhất, Giang Thanh không còn cách nào để chống đối, bà lẩm bẩm:
- Sắp nổi gió rồi đây, bọn hữu phái sẽ lại nhảy ra.
- Sớm muộn gì cũng có một ngày như thế, sợ mà làm gì?
Trương Xuân Kiều an ủi, nhưng bà lồng lên:
- Sợ à?
Rồi hạ giọng:
- Cẩn thận, Hoa Quốc Phong!
Và bà truy hỏi Mao Viễn Tân - cháu ruột của Mao, liên lạc viên giữa Chủ tịch và Bộ Chính trị Trung ương Đảng, phiên dịch phương ngữ Hồ Nam ra tiếng phổ thông:
- Chủ tịch không để lại di chúc ư?
- Chưa tìm thấy!
Giang Thanh thoáng chút nghi ngờ cái thằng cháu mà bà đã bỏ công nuôi dạy, biết hút thuốc lá thơm và xem phim ảnh ngoại. Nó giống như ông Mao hồi còn trai trẻ: tráng kiện, da nâu, tóc dày, cơ bắp phát triển và rất đàn ông, cũng thích bơi lội và hay bông đùa với các cháu gái: “Người ta ngồi ghế bốn chân; còn anh năm, sáu, bảy, tám cơ. Em nào không tin, thì lại đây mà xem”.
Nhưng Viễn Tân khác với bác nó cái khoản đọc sách, thế mà giờ đây lại sáng giá, nặng cân.
- Cháu phải để ý Hoa Quốc Phong, ông ta im ỉm chờ Chủ tịch qua đời rồi mới tính chuyện. Gần đây, Trương Xuân Kiều đang nghiên cứu cách đoạt quyền của Khrusov sau khi Stalin tạ thế, cháu nên nghe Trương giảng giải thêm.
Viễn Tân thưa:
- Vâng.
Nhưng bụng nghĩ “cóc cần”!...
Bắc Kinh đêm tháng 9 huyên náo và oi nồng, nhưng nơi đây, chỗ ở của Mao Trạch Đông thì vô cùng yên tĩnh và thần bí. Mao nằm đó, mặt vàng như nghệ, miệng mấp máy, mắt mơ màng nhìn từng uỷ viên Bộ chính trị đi quanh bên mình. Ông đang toan tính, nghĩ suy điều gì thì lịch sử không hề ghi nhận được. Không ai dám dừng lâu, sợ Chủ tịch kích động sớm ra đi và Diệp Kiếm Anh - lão suý 79 tuổi cũng vậy, ông cúi nhìn Chủ tịch rồi hướng về phía sofa gục đầu thổn thức, nhưng nhân viên đã thưa rằng:
- Chủ tịch cho gọi Thủ tướng.
Mao Trạch Đông dùng tàn lực đưa bàn tay lên, định nắm lấy tay Diệp Kiếm Anh. Nhưng bàn tay tự rơi xuống, nó không còn nghe sự chỉ huy của cái đầu nữa rồi và vĩnh viễn nằm lại đó.
- Chủ tịch, xin Người hãy cẩn trọng. Người sẽ khoẻ và Trung Quốc không thể mất Người.
Đó là câu nói cuối cùng mà Mao còn nghe được, câu nói của một lão tướng từng xông pha bao trận mạc nhưng lại phải ngã quỵ dưới ngòi bút của ông.
- Chủ tịch có căn dặn gì không?
Mọi người vây quanh Diệp Kiếm Anh.
- Không!
Giang Thanh nhân cơ hội và như ra lệnh, bà nói:
- Tất cả đã rõ, và có lẽ Trung ương không cần ra thông báo làm gì nữa, nhằm phòng chống sự phá hoại của kẻ địch. Bây giờ các đồng chí có thể trở về.
Diệp Kiếm Anh nắm tay Hoa Quốc Phong:
- Thủ tướng, lúc gian nguy này, xin Thủ tướng ra tay và giữ gìn sức khoẻ.
- Lão suý cũng vậy.
Mọi người rời khỏi tư dinh của Mao không bao lâu, thì 0 giờ 10 phút ngày 9 tháng 9 năm ấy - 1976, tiếng khóc đã oà lên từ phòng bệnh Mao Trạch Đông. Bánh xe lịch sử vẫn quay, mọi trầm tư đều vụn vỡ, mở ra một màn quan trọng trong câu chuyện “hai mươi tám ngày đêm” của chúng ta.
Rạng ngày 9 tháng 9, toàn thể thành viên Bộ Chính trị được triệu tập họp khẩn cấp nhưng không rõ nội dung cụ thể. Khi nhân viên văn phòng đưa băng đen và hoa trắng cài cho từng vị thì mọi người đều nhoà lệ, nỗi bi thống như nhấn chìm cả hội trường. Dẫu vẫn biết ngày đau thương này sớm muộn gì cùng phải đến, nhưng sao Người ra đi đường đột đến thế. Diệp Kiếm Anh lấy lại tư thế của một Nguyên soái, của một Phó Chủ tịch, giọng ông xưa nay vẫn sang sảng nhưng giờ đây nghẹn ngào:
- Đồng chí Quốc Phong là Phó Chủ tịch thứ nhất của Đảng, là người kế vị mà lúc sinh thời Mao Chủ tịch đã chỉ định, xin mời đồng chí có đôi lời với chúng ta.
Cả 20 vị uỷ viên Bộ chính trị đều quay nhìn lão suý và cảm nhận trọng lượng câu nói của người cao tuổi nhất trong số 3 Phó Chủ tịch Đảng. Sau khi văn kiện số 1 ngày 2 tháng 2 năm 1976 phát ra, bảo rằng, đồng chí Diệp Kiếm Anh lâm bệnh, mọi công việc của Quân uỷ Trung ương do đồng chí Trần Tích Liên đảm nhận, ông hiểu là tình thế đã đến mức căng thẳng và trên thế cuộc, Giang Thanh với Trương Xuân Kiều đã thắng được một nước. Từ ấy, ông bớt lời, bớt việc, đóng cửa từ khách nhưng tuyệt không nhắm mắt, bịt tai mà như con mãnh hổ phủ phục chờ thời. Hôm nay, lúc này, ông nhảy ra và cũng làm cho Giang, Trương chợt tỉnh trong cơn mơ âm mưu mới mẻ của họ.
Hoa Quốc Phong mắt đỏ, nuốt lệ, mãi mới nói nên lời:
- Mong các đồng chí trong Bộ Chính trị hãy vì toàn cục mà tăng cường đoàn kết, cùng nhau đưa Đảng và nước nhà vượt qua bước nguy nan này.
Hội trường im lặng, trầm tư. Bỗng Trương Xuân Kiều lên tiếng:
- Thưa các đồng chí, chúng ta chỉ đau khổ thì không thể nào vượt được nguy cơ. Phải biến đau thương thành sức mạnh, trên cơ sở phê Đặng phản hữu mà đoàn kết toàn Đảng và kế thừa ý nguyện của Mao Chủ tịch, đưa cách mạng của giai cấp vô sản đến thắng lợi cuối cùng. Đấy mới là lối thoát duy nhất của chúng ta.
Không mấy ai chú ý lời đề nghị của Trương, nhưng Diệp Kiếm Anh đã kịp thời phản bác:
- Tôi đề nghị trước tiên chúng ta phải bàn việc mai táng Mao Chủ tịch, hiện nay không có công tác nào quan trọng hơn nữa, các vấn đề khác sau hãy bàn.
Lời nói ấy làm cho Hoa Quốc Phong tỉnh lại. Ông gạt nước mắt, mở cặp và bắt đầu bàn bạc với mọi người. Bộ Chính trị nhanh chóng thống nhất: giữ gìn vĩnh viễn thi hài của Mao Chủ tịch, 3 giờ chiều hôm nay thông báo tin buồn này cho toàn thể nhân dân trong nước và trên thế giới, tổ chức quần chúng viếng Chủ tịch và cử hành lễ truy điệu tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 18 tháng 9 v.v...
Một vài người nêu ý kiến mời khách quốc tế, nhưng Trương Xuân Kiều lý luận:
- Theo tập quán của nước ta, tốt nhất là không nên mời người nước ngoài. Chủ tịch vừa qua đời, chúng ta còn nhiều việc phải làm, không còn bao nhiêu sức lực mà đón khách, hiện nay công việc nội bộ là chủ yếu.
Thảo luận qua lại, cuối cùng hội nghị tán đồng ý kiến của Trương và phân công lịch trực linh cữu và chương trình tang lễ. Vương Hồng Văn bổ sung:
- Để đề phòng sự đột kích của đế quốc và bọn xét lại, toàn quân phải đưa vào tình trạng chiến đấu cấp một.
Trần Tích Liên hùa vào:
- Quân uỷ chúng tôi đã sẵn sàng.
Hội nghị sắp kết thúc thì Giang Thanh lấy ngón tay đẩy gọng kính và chậm rãi:
- Có lẽ các đồng chí chớ vội bãi họp, nên xem xét ý kiến của đồng chí Trương Xuân Kiều vừa nêu. Tôi thấy hôm nay chúng ta đã bỏ qua một vấn đề quan trọng, rất quan trọng, có quan hệ đến toàn cục, có quan hệ đến sự nghiệp giữ cho Đảng ta, nước ta không bị biến chất. Nhiều đồng chí rất lơ là xem nhẹ vấn đề này.
Không khí phòng họp bỗng trở nên căng thẳng, nhiều người quay lại nhìn bà. Riêng Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm và nhiều đồng chí già khác vẫn lim dim ngả mình trên sofa...
- Đó là vấn đề phê Đặng. Khi còn sống, Chủ tịch đã nhiều lần nhắc nhở công việc này, các đồng chí có biết không? Chủ tịch đã bị Đặng Tiểu Bình bức tử. Bọn họ phủ nhận Cách mạng văn hoá, trên thực tế đã phủ nhận công lao của Chủ tịch, lúc lâm chung Người đã nói với tôi và Viễn Tân...