Chương 12
BẮT GIỮ TỨ NHÂN BANG

     iang Thanh phân công: Diêu Văn Nguyên phụ trách công tác báo chí, hãy đưa toàn bộ nội dung và tình tiết cuộc họp Bộ Chính trị ngày 29 tháng 9 lên phương tiện thông tin đại chúng nhằm bôi nhọ liên quân Hoa - Diệp, Vương Hồng Văn đi Xương Bình tiếp tục lôi kéo quân đội, bí mật điều sư đoàn xe tăng về thủ đô yểm trợ; Trương Xuân Kiều với danh nghĩa Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân Giải phóng luồn sâu vào hàng ngũ tướng lĩnh, tách họ ra khỏi ảnh hưởng của Diệp Kiếm Anh; còn mình đi Đại học Thanh Hoa cùng Trì Quần và Tạ Tĩnh Nghi hâm nóng lại phong trào sinh viên đã một thời phá phách hồi “Văn cách”.
Ngày 1 tháng 10 năm 1976, kỷ niệm lần thứ 27 Quốc khánh Trung Quốc, năm đầu tiên vắng bóng Mao, khuôn viên Đại học Thanh Hoa vẫn một màu rực đỏ của muôn ngàn biểu ngữ. Người ta chuẩn bị đón Chủ tịch phu nhân trong tâm trạng rất mới: đợi xem bà ta diễn trò gì? Quả nhiên từ cổng trường, Giang Thanh xuống xe và lên ngựa đi về sân vận động, nơi tụ tập quần chúng sinh viên, giáo chức để nghe bà diễn thuyết. Một phụ nữ luống tuổi mặt vênh váo, ngồi vắt vẻo trên yên ngựa, nhưng dây cương lại do người khác kéo đi dưới đất và láo nháo đám tuỳ tòng tiền hô hậu ủng. Lịch sử ghi được hình ảnh khác thường ấy, lùi xa ngắm nhìn và mới hay Giang Thanh đang làm xiếc trên chính trường. Bà đã đem ngón nghề trên sân khấu áp dụng vào vũ đài chính trị.
Giang Thanh bắt đầu hò hét:
- Tôi xin tuyên thệ vói các bạn trẻ rằng nhất định rèn luyện thân thể khoẻ, để có sức mà đấu vói bọn họ - kẻ thù của giai cấp. Còn hôm nay các bạn xem tình thế có tốt không? Theo tôi, rất tốt, và quảng đại quần chúng, cán bộ đều yêu cầu phải tiếp tục cách mạng, cùng chúng tôi tiến bước.
Tháng 10, đúng, hôm nay là ngày đầu tiên của tháng 10, một tháng có tính quyết định. Tôi khuyên các bạn hãy dành những quả táo, cuốn phim, bài ca, điệu múa, vở kịch cho ngày mai toàn thắng, khi nổ ra sự kiện chính trị trọng đại, lúc ấy các bạn thả sức mà ăn, mà chụp, mà biểu diễn v.v... Còn bây giờ, hãy tập trung quả đấm vào bè lũ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.
Giang Thanh vừa dứt lời thì cả biển người sôi động, đồng thanh hô vang: “Đả đảo Đặng Tiểu Bình!”. Bà dương dương tự đắc là mình đã nắm được quần chúng, nhưng nào có biết, họ cũng chỉ là những diễn viên quần chúng được thuê đóng cảnh quay này mà thôi. Trì Quần - thủ lĩnh Thanh Hoa nhảy lên bục, hạ quyết tâm:
- Đồng chí Giang Thanh, xin đồng chí an tâm. Người Thanh Hoa chúng tôi lúc nào cũng bên cạnh đồng chí, chiến đấu và thắng lợi!
Giang Thanh cười vang:
- Đúng, tôi nhất định chiến thắng, nếu không sẽ có tội với Mao Chủ tịch, có tội với các bạn trẻ hôm nay.
Và tự nhiên bà khóc, làm cho đám nữ sinh đứng gần đó vô cùng kinh ngạc. Cười đó, khóc đó, đúng là một diễn viên tầm cỡ. Nhưng có người nghi ngờ thần kinh của bà có vấn đề chăng?
Sáng hôm ấy, cũng mồng 1 tháng 10, Hoa Quốc Phong duyệt bài phát biểu mà Kiều Quán Hoa sẽ trình bày tại hội nghị thường kỳ của Liên Hợp Quốc. Ông gạch bỏ những chữ sai trong câu thủ lệnh do Mao Trạch Đông giao cho mình, và phê lên bản thảo: “Không phải “Làm theo phương châm đã định” mà là “Làm theo phương châm trước đây”, cần viết cho đúng chỉ thị của Người!”. Chuyện đến tai Trương Xuân Kiều. Theo Trương, nhóm Thượng Hải sẽ mắc trọng tội vì đã sửa chữa di chúc của Mao, hỏi lại Mao Viễn Tân, hắn cũng ú ớ, hình như Chủ tịch nói như vậy... Giang Thanh cười mà rằng: “Các chú nhát gan như thỏ đế, “đã định” với “trước đây” có gì khác biệt nhau cho lắm. Vả lại một bên là khẩu lệnh Chủ tịch trăn trối cho Viễn Tân, còn một bên là thủ lệnh giao lâu rồi; Hoa ỉm đi, chưa công bố”. Hãy tổ chức viết bài đả kích Hoa Quốc Phong, sửa chữa di chúc Chủ tịch, chuyển bại thành thắng, mau lên!”
Đúng là bản tướng của Giang Thanh! Tờ Quang Minh nhật báo thực hiện chớp nhoáng chỉ thị của bà và quả tình Hoa Quốc Phong trở tay không kịp. Ông nhớ lại có lần Diệp Kiếm Anh đã nói: “Giang Thanh là Bạch Cốt Tinh, có đủ 18 ban võ nghệ, ngón nào cũng giỏi. Còn Trương Xuân Kiều đã được người đời gọi là rắn đeo kính, quân sư của ba người kia, một bụng đầy dao găm và mưu ma chước quỷ. Diêu Văn Nguyên, cái gậy tuyên truyền, mở miệng là lý luận, bất kể lúc nào cũng có thể gây bão cấp 12 làm hại hoặc quật đổ người khác. Đáng đề phòng nhất là Vương Hồng Văn, trong nhà luôn có hàng chục khẩu súng, hàng ngàn viên đạn và một lũ hắc cẩu. Ông ta từng nói: “Khử ta không dễ đâu!”. Cho nên, đồng chí định áp dụng biện pháp chính tắc để xử lý nhóm bốn người là rất khó khăn!”
Nhận định của Diệp càng ngày càng chính xác và tình hình cũng càng ngày càng thúc bách. Trong khoảnh khắc của lịch sử, Hoa Quốc Phong quyết định chọn phương án 2, mật kế giữa 3 người: Hoa nắm thế; Diệp, Uông nắm lực, quân đội và lực lượng cảnh vệ Trung ương và đến giò G sẽ tóm gọn cả 5 người: Giang, Trương, Vương, Diêu và Viễn Tân. Lý do: có sai lầm, cần cách ly kiểm điểm, bắt giam xong mới đưa ra tập thể luận tội, ai bảo vệ cho bọn họ, xử lý luôn! Âu cũng là một thủ đoạn, đúng sai xin đời sau phán xét.
Vương Hồng Văn đang tập bắn tại trường bia Tây Sơn thì nhận được điện thoại của trực ban báo: “8 giò tối ngày 6 tháng 10 năm 1976, Ban Thường vụ Bộ Chính trị họp tại Hoài Nhơn Đường, Trung Nam Hải, xin kính mời đồng chí Vương Hồng Văn tham dự”. Vương tỏ vẻ xem thường Hoa Quốc Phong. Từ ngày ông cụ mất, Hoa không dám quyết chuyện gì, hở một tý là họp, nhưng thế lực hai phe vẫn còn tương đương chưa phân thắng bại, đợi mai mốt bổ sung thêm Giang Thanh thì sẽ biết tay. Kể cũng thật ly kỳ, mới chỉ 10 năm mà từ một tay trưởng phòng bảo vệ nhà máy, Vương ngoi lên vị trí Phó Chủ tịch Đảng. Việc ấy phần do “cách mạng”, phần do “tạo phản”, nhưng cũng chính là do Vương dám hai tay hai súng, thiện xạ, bắn giết đối thủ, và giờ đây Vương là vai võ tướng của “Tứ nhân bang”.
Vương trở về văn phòng và chuẩn bị danh sách nhân sự nội các sẽ tranh luận tại cuộc họp sắp tới. Tương tự, Trương Xuân Kiều cũng nhận được thông báo cuộc họp. Vẫn như mọi lần, ông yêu cầu phải để Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên tham dự hội nghị Thường vụ. Chánh văn phòng Trung ương Uông Đông Hưng vờ xin ý kiến Phó Chủ tịch thứ nhất Hoa Quốc Phong và trả lời ngay cho Trương: “Vâng ạ”.
Phòng họp Hoài Nhơn Đường hôm ấy rộng mênh mông, chỉ để lại hai chiếc ghế bành cho Hoa, Diệp mà thôi. Nội ngoại tuyến đều do Uông bố trí, yểm trợ vòng thứ ba có lực lượng quân đội của Nguyên soái. Theo kỷ luật từ thời ông Mao còn sống, chỉ một mình thủ trưởng vào phòng họp, còn tất cả nhân viên bảo vệ đều ở ngoài. Lần này Vương Hồng Văn cũng phải làm như vậy, nhưng đón tiếp Vương lại là 4 chiến sĩ cảnh vệ lực lưỡng:
- Đứng yên, giơ tay lên!
- Ta đến họp Thường vụ, các người muốn gì?
Vương kêu to: “Người đâu!” nhưng ngoài kia người của Vương đã bị tóm gọn. còn trong này mình Vương và 4 chiến sĩ quần thảo một trận võ thuật vô cùng ngoạn mục. Vương cũng là tay hảo hán nên cảnh vệ của Uông bố trí phải dũng cảm lắm mới hạ được đối thủ và đeo còng vào tay. Vương được đưa vào “phòng họp” và ở đó Hoa, Diệp đã đợi sẵn. Sau mệnh lệnh: “...Vương Hồng Văn phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng, Trung ương quyết định cách ly thẩm tra” do Phó Chủ tịch thứ nhất tuyên đọc, Vương được đưa vào nơi “cách ly”. Trường hợp Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên đơn giản hơn. Họ là những quan văn, nhiều âm mưu nhưng lại “trói gà không chặt”, nên chỉ sau câu hỏi hốt hoảng: “Chuyện gì thế này?” thì còng đã khoá tay và nghe Hoa Quốc Phong đọc lệnh rồi đi về nhà giam.
Còn Giang Thanh? Biện pháp có phần nhẹ nhàng hơn so với các đấng mày râu. Đội cảnh vệ Đại viện 201 Trung Nam Hải được lệnh tập hợp gấp về văn phòng nghe truyền đạt chỉ thị quan trọng, tạm thời giao nhiệm vụ “bảo vệ” Giang Thanh cho một toán khác gồm 2 phó văn phòng, 3 chiến sĩ nam và 2 chiến sĩ nữ. Tất cả những người này (nhóm đi họp và nhóm thay thế) đều dưới quyền Uông Đông Hưng đã mấy chục năm nay, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, và nay nhận lệnh bắt giải Giang Thanh về nơi “cách ly”.
Nhớ lại khi đi Thượng Hải gặp Trương Xuân Kiều, chiêu hiền đãi sĩ, Giang Thanh có nói: “...Nếu không may thất bại, thì mình tôi chịu, tôi sẽ ly hôn với Mao Trạch Đông và vào nhà lao”. Phải sau gần 10 năm, lời tiên tri ấy mới ứng nghiệm.
Cũng từ đêm mồng 6 tháng 10, Mao Viễn Tân, tại tư dinh của mình, sau khi khẽ kêu “Bác ơi! tạm biệt” là bị bắt và sống một chuỗi ngày tù ngục, hết một thời Đông cung Thái tử!...
Đúng 10 giờ khuya, mọi việc hoàn tất theo kế hoạch. Tại lầu số 9 Ngọc Tuyền Sơn, hội nghị bất thường của Bộ Chính trị với sự tham dự của 11 thành viên là Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng, Trần Tích Liên, Tô Chấn Hoa, Kỷ Đăng Khuê, Ngô Đức, Nghê Chí Phúc, Trần Vinh Quý và Ngô Quế Hiền đã thông qua quyết định Hoa Quốc Phong đảm nhận chức vụ Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Quân uỷ.
Tờ lịch trên tường ghi rõ: mồng 6 tháng 10 năm 1976, 28 ngày sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, nhiệm vụ Người giao “giải quyết Tứ nhân bang” đã hoàn thành. Quả đúng như Mao Trạch Đông từng trăn trối: “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm”. Hoa Quốc Phong nâng ly chúc mừng Diệp Kiếm Anh và Lý Tiên Niệm, ông nói vui: “Hẳn đời sau sẽ có người nhân chuyện này mà viết vở Dùng mưu chiếm Điếu Ngư Đài”.
Đằng đông đã ửng hồng, thủ đô Bắc Kinh sau một đêm chìm ngủ đã bừng tỉnh...

Hết


Xem Tiếp: ----