Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
Phần VIII

     rước ngày khai giảng, tôi còn đến chỗ nàng hai lần nữa. Lần nào chúng tôi cũng điên loạn như vậy. Mối tình của chúng tôi, ngoài tay chủ quán bia ra thì không có ai khác biết nữa. Tôi cũng không muốn nói cho ai biết. Một là vì tôi còn quá trẻ, không thể kết hôn. Hai là vì nàng quá nhiều tuổi so với tôi, nói không chừng chỉ nay mai sẽ kết hôn, khi ấy chẳng phải là mỗi người một ngả. Cả hai nguyên nhân này đều khiến tôi buồn. Tôi không thể nói rõ tình yêu của tôi và nàng là một tình yêu như thế nào. Đọc ở trong sách thì tư tưởng của đàn ông mười tám tuổi không có dục, mà chỉ có tình.
 Nhưng chúng tôi mới quen nhau có mấy ngày mà đã làm chuyện đó, vậy rốt cuộc là dục hay là tình đây? Thôi mặc kệ, tôi không nghĩ nhiều làm gì. Nghĩ những chuyện như vậy mệt lắm, hơn nữa kinh nghiệm cho tôi biết, cho dù bạn nghĩ thông suốt, cũng chưa chắc bạn đã đúng. Bố mẹ tôi là một ví dụ. Có lúc tôi cảm thấy cuộc hôn nhân của họ hình như không có tình yêu, nhưng cũng có lúc tôi lại nhận ra mẹ vô cùng yêu bố, tình yêu ấy không kém gì so với tình yêu bố dành cho mẹ. Về sau tôi còn phát hiện sự lý giải và biểu đạt tình yêu của đàn ông và đàn bà khác nhau, thậm chí là trong những thời kỳ khác nhau thì mỗi người cũng có những lý giải và biểu đạt khác nhau. Bởi vậy tôi hiểu ra rằng, không thể dịu dàng đoán định một chuyện, cũng không thể dùng cảm nhận của mình võ đoán cảm nhận của người khác, giữa người và người có sự khác biệt rất lớn.
Âu Dương nói với tôi:
- Có lúc anh rất giống một già đã trải qua rất nhiều chuyện.
Tôi nói:
- Anh không như em, từ nhỏ đã được ở với những người cùng tuổi, cách nghĩ và lối sống không khác nhau là mấy. Còn anh luôn phải sống chung với người lớn, vì vậy từ nhỏ đã phải nghĩ những vấn đề của người lớn, rồi già theo họ lúc nào chẳng hay.
Đúng là như vậy, tôi có thể giữ thái độ trung dung, thậm chí còn tỏ ra rộng lượng với rất nhiều chuyện, đó chính là vì quan sát bố tôi, hấp thụ những kinh nghiệm của ông.
Lên đại học là bước ngoặt của đời người, tôi cũng có một chút ảo tưởng về trường đại học. Lên đại học, có nghĩa là có thể rời xa bố mẹ, không còn bị quản lý chặt như bây giờ nữa. Lên đại học, có nghĩa là không còn bị ép học nữa. Sân vận động Nam Kinh từ lâu đã trồng loại cỏ nhập khẩu từ Nga, xanh mướt, rất êm. Hàng ngày, sau bốn giờ chiều, tôi đều ra đó chơi bóng rồi về đi tắm, kiếm một tiệm ăn vắng người nào đó ăn qua loa, sau bảy giờ thì đi làm việc khác như là hẹn hò, đi nghe các sinh viên Khoa Nghệ thuật biểu diễn, không thì như bố tôi nói, đi nghe báo cáo của những người được gọi là người thành công, đặc biệt là diễn giảng của tác gia hay nghệ thuật gia nổi tiếng gì gì đó. Vào những buổi chiều mùa thu, tôi còn có thể ngồi một mình dưới gốc cây đọc thơ, hứng chí lên thì cũng viết gì đó, có điều tôi tuyệt đối không viết như bố. Bây giờ, dường như bố đã coi viết là một chức nghiệp, một thứ kỹ thuật, muốn viết thì viết, không muốn viết cũng phải viết. Tôi không muốn như vậy. Còn nữa, tôi còn nghĩ, lên đại học thì có thể thoải mái yêu đương, không ngờ chưa lên đại học tôi đã bắt đầu yêu và thoải mái làm chuyện ấy. Thật là người tính không bằng trời tính. Có điều, các bạn đừng mắng tôi bỉ ổi nhé.
Có lúc tôi cũng nghĩ, sau khi vào trường sẽ cưa cẩm các cô gái trong trường để đề phòng một ngày nào đó, nếu Âu Dương Lan lấy chồng, tôi cũng sẽ không đến nỗi phải tự sát. Đấy chỉ là cách để tự bảo vệ mình mà thôi. Nói thực lòng, tôi cũng cảm thấy khoảng cách về tuổi tác giữa hai chúng tôi tương đối lớn, đây là một điều rất đáng tiếc. Mùi vị khi yêu người cùng độ tuổi với mình có lẽ sẽ khác, ít nhất là sẽ không lên giường nhanh như vậy. Lúc nào tôi cũng cảm thấy hơi khó chịu về chuyện này. Ôi, nói tới đây, tôi mới biết thực tế, từ lâu, chúng tôi đã bắt đầu diễn một vở bi kịch rồi.
Nhưng tôi nghĩ bất cứ người nào cũng sẽ có lúc hai lòng như vậy. Đây có lẽ là tính người. Vì vậy, tôi rất khinh thường những lời thề thốt tuyệt đối không hai lòng ba đạ gì gì đó. Con người không thể nào thủy chung như nhất trong mọi lúc, mọi nơi được, anh ta hay cô ta sẽ hoài nghi, rồi từ đó tìm ra lối thoát cho riêng mình, trong lúc đó, anh ta sẽ thay lòng đổi dạ, chỉ một chút rất nhỏ, như là bản năng tự bảo vệ mình vậy. Có điều, con người phải có đạo đức, đàn ông phải có trách nhiệm, thế nên hai lòng liền trở thành một lòng, một dạ. Tôi cũng như vậy.
Ngày vào trường, mẹ cứ nằng nặc đòi đi cùng tôi. Tôi không muốn vậy chút nào. Tôi cảm thấy mình đã trưởng thành rồi, nhưng mẹ nói các bạn khác đều có người đưa đi, mẹ cũng phải đưa tôi đến đó. Hết cách, tôi đành phải chiều mẹ, chứ thực ra tôi chỉ mong người đưa tôi tới trường là Âu Dương. Nàng cũng nhắc tới chuyện này một lần, nhưng tôi cảm thấy không ổn lắm nên đã từ chối.
Trong trường có đủ các loại xe, các vị phụ huynh chen nhau chật cứng cả chỗ báo tên, còn học sinh thì đứng cách đó không xa để quan sát. Trời nóng nên các bậc phụ huynh đều mồ hôi đầm đìa, một vài người còn cãi nhau ầm ĩ vì chuyện xếp hàng, thật là mất mặt. Mẹ tôi cũng muốn chen vào xếp hàng, tôi bực bội gắt lên:
Mẹ con mình đi thôi, hôm nay không báo tên nữa, đợi họ báo xong rồi conv ào báo lấy cũng được.
Mẹ tôi không chịu, nói phải báo tên càng sớm càng tốt, như vậy mới mong chiếm được vị trí tốt, nếu đợi người khác báo xong hết rồi chỉ còn lại cái giường nào ở gần cửa ra vào thôi. Ngày trước, mẹ cũng vì báo tên trễ mà phải nằm cái giường ấy, kết quả là chưa sinh tôi đã mắc bệnh phong thấp, mẹ không muốn tôi cũng thế.
Tôi kiên quyết đòi tự đi xếp hàng lấy. Tôi bảo mẹ ra ngồi trên ghế băng nghỉ một lát nhưng mẹ không chịu, cứ đòi đứng cạnh tôi. Tôi phải làm mặt giận mẹ mới chịu lùi ra ngoài. Tôi thấy các bậc phụ huynh cứ chạy đi chạy lại, cảm thấy rất bực mình, đồng thời cũng thầm coi thường thế hệ của mình. Khó khăn lắm mới đến lượt tôi thì có một phụ huynh nhờ người khác xếp hàng hộ, chen vào phía trước. Những sinh viên và phụ huynh phía sau đều bực bội, nhưng không ai chịu lên tiếng, tôi đành phải ra mặt. Tôi bước lên, vỗ nhẹ vào vai người kia nói:
 - Bác không thấy mọi người đều đang xếp hàng sao?
Người đàn ông đó khoảng năm mươi tuổi, có vẻ như là lãnh đạo một cơ quan nào đó. Ông ta hơi ngại ngùng, nhưng không nói gì. Người lên tiếng là người xếp hàng thay kia:
- Được rồi, được rồi, xong ngay đây mà!
- Không được, chúng tôi đều phải vất vả xếp hàng từ nãy đến giờ. Hai người lại không phải là sinh viên, tốt nhất là để sinh viên tự đi báo lấy – tôi nói.
Tôi sợ gì bọn họ chứ. Ông ngoại tôi là giáo sư thỉnh giảng ở đây, hiệu trưởng lại là bạn thân của ông nữa
.
Các sinh viên và phụ huynh đứng sau đều thì thào:
  -  Phải đó, phải xếp hàng theo đúng thứ tự mới đúng.
Người xếp hàng thay kia trừng mắt lên lườm tôi rồi bỏ đi. Mẹ tôi thấy ồn ào nên cũng chạy tới, hỏi xem có chuyện gì. Sau khi nghe tôi kể, mẹ liền thì thầm:
 - Con đừng thế nữa, chắc người ta cũng quen biết người trong trường này đấy.
Tôi lớn tiếng nói:
  -  Đại học Nam Kinh biến thành cái gì thế này? Sinh viên thì thành ông chủ, còn bố mẹ thì ra nô lệ!
Mọi người đều nhìn tôi, có mấy người chịu không nổi, mặt đỏ bừng lên vì xấu hổ. Tôi quay sang nói với mẹ:
- Mẹ, mẹ về đi, tôi tự lo cho mình được mà.
Mẹ cũng đỏ mặt, đứng ra xa đợi tôi.
Sau này, mỗi lần nhớ lại chuyện đó, tôi đều cảm thấy mình rất được, rất có bản lĩnh nam nhi. Nhưng vào trường tôi mới biết, học đại học cũng có rất nhiều điều khiến tôi ức chế. Cạnh tranh làm người ta dị hóa, người nào người nấy trông như robot, không giống con người nữa. Đầu tiên là áp lực thi tiếng Anh cấp sáu, rồi áp lực tìm việc làm. Ai ai cũng nhấn mạnh một từ: cạnh tranh. Chính trong khoảng thời gian đó, tôi đã thấu hiểu được ý nghĩa của hai chữ này, đồng thời cũng thấy phản cảm vô cùng. Cạnh tranh nhấn mạnh đạo lý “cá lớn nuốt cá bé”, làm cho dục vọng và ác tâm trong mỗi con người lớn dần lên, cạnh tranh khiến bản tính tự nhiên của con người dần mất đi, khiến người ta chỉ nhìn thấy duy nhất một chữ “lợi”. Tôi không thích cạnh tranh. Chính vì vậy mà tôi có cảm giác như mình là một kẻ đứng bên lề cuộc đời vậy.
Một phòng ký túc xá ở được bốn người, có nhà vệ sinh và bàn viết.
 Phòng tôi có một cậu đến từ Bắc Kinh, một từ Thượng Hải, còn một người nữa đến từ vùng nông thôn Tây Bắc. Hai người đến từ Bắc Kinh và Thượng Hải thì tự cao tự đại, còn người ở nông thôn lên lại rất tự ti. Trong bốn người chúng tôi, chỉ có tôi và cậu đến từ Bắc Kinh là nói tiếng phổ thông, hai người kia thi thoảng vẫn nói tiếng địa phương, rất khó nghe. Tuần đầu tiên, có nhiều người đến tìm tôi: một số là sinh viên khóa trên – bọn họ đều học cùng trường trung học với tôi, một số cùng thi vào đây với tôi. Tất cả đều hy vọng có thể làm anh, làm chị của tôi, bảo tôi có việc gì thì cứ đến tìm. Về sau, lại có thêm một đám người nữa, nói năng rất lung tung, nghe giới thiệu mới biết họ là người ở hội Văn học của trường, bọn họ biết được tôi là con trai của tác gia nổi tiếng Cổ Nguyệt, tưởng rằng tôi cũng thích văn chương nên muốn mời tôi nhập bọn. Rặt một đám tự cao tự đại, có mấy người rất ngứa mắt, lại còn có một người nói năng rất bậy nữa. Có điều, tôi vẫn lịch sự nói với họ rằng thỉnh thoảng tôi cũng viết văn, làm thơ nhưng không muốn đăng báo hay in ấn gì, bởi vì tôi không muốn trở thành tác gia. Tôi nghĩ bọn họ sẽ từ bỏ ý định, không ngờ họ lại mở to mắt ra mà nói:
 - Cảnh giới cao, đây mới là nhà thơ, nhà văn chân chính, viết vì muốn đăng báo thì tầm thường quá!
Sau khi đám người ấy bỏ đi, ba người bạn cùng phòng đều nhìn tôi với ánh mắt khác. Cả ba vẫn cho rằng tôi là một thằng công tử nhà giàu, không ngờ gia đình tôi lại có truyền thống học vấn như thế. Về sau thì tất cả mọi người đều biết tôi là con trai của Cổ Nguyệt. Xem ra tôi không thể không hưởng chút tiếng thơm của bố rồi.
Ở lớp bầu lớp trưởng, các bạn nữ và một số bạn nam đều đề cử tôi. Tôi kiên quyết không làm. Tôi tuyệt đối không muốn dính dáng vào cái chuyện phiền phức này. Về sau, cả lớp lại đẩy tôi lên làm cán sự văn nghệ, tôi càng không chịu. Tôi không thể nghe theo sự sắp đặt của người khác. Về sau, lớp lại đề nghị tôi làm cán sự thể dục, chủ nhiệm lớp là một nữ nghiên cứu sinh mới tiếp nghiệp đã đích thân tới tìm tôi nói chuyện, bảo tôi nhất định phải làm thử, đợi mọi người vào nề nếp rồi sẽ tìm người khác sau. Tôi cảm thấy cô nói cũng đúng, bèn gật đầu đồng ý. Mấy ngày sau, lại thành lập hội Văn học theo truyền thống của khoa Trung, tất cả lại đùn tôi lên làm hội trưởng, nhưng tôi nhất quyết từ chối.
Cậu đến từ Bắc Kinh tên Lưu Uy, cũng rất thích đá bóng. Cậu đến từ Tây Bắc tên Trần Lập Vệ, không biết đá, nhưng cũng tỏ ý muốn học. Cậu tao cao lớn hơn Lưu UY, nhiều hơn chúng tôi một tuổi, nên được gọi là Đại Vệ, còn Lưu Uy thì gọi là Tiểu Vệ. Quả bóng của tôi là do Âu Dương tặng hôm vào trường.
Khai giảng được hai tuần tôi mới gọi điện cho nàng. Vừa mở máy, nàng đã nói chắc tôi bị các cô gái trên lớp vây bám nên suốt nửa tháng ròng không gọi cho nàng được lấy một cú điện thoại. Tôi phải giải thích mãi nàng mới vừa lòng. Nàng bảo tôi đợi ở cổng trường, nửa tiếng sau sẽ tới đón. Tôi vui vẻ nhận lời.
Đang trên đường ra cổng thì mẹ tôi gọi, bảo tôi phải về nhà ngay. Tôi còn tưởng có chuyện gì quan trọng, hóa ra chỉ là về ăn cơm. Tôi vội nói dối, bảo hai ngày nay ở trường có hoạt động, không về nhà được. Mẹ liền nói:
- Vậy để bố mẹ đến thăm con. Ngày mai con có ở ký túc xá không?
Tôi nghe thế thì cuống quýt nói:
 - Không cần, không cần, hai ngày tới chúng con phải tổ chức thi đấu bóng đá, con là cán sự thể dục nên rất bận, không thể tiếp bố mẹ được đâu.
Mẹ tôi phì cười nói:
 - Ai cần con tiếp chứ, bố mẹ đứng một bên xem cũng được.
Cuối cùng tôi phải nổi cáu:
 - Bố mẹ đến đây làm gì chứ, có phải con sắp chết đâu mà!
Kể ra cũng hơi hỗn, mẹ vốn rất cưng chiều tôi mà cũng phải tức giận. Nhưng dù sao cũng cản được việc họ đến trường rồi. Từ khu ký túc xá ra cổng trường cũng khá xa, phải đi bộ chừng hơn hai mươi phút. Vừa ra đến cổng, tôi đã thấy một chiếc xe hơi hiệu Honda màu hồng lao về phía mình, liền vội vàng tránh sang một bên, không ngờ người cầm lái lại chính là Âu Dương.
Tôi ngạc nhiên ngồi vào trong, hỏi nàng lấy xe ở đâu ra. Nàng bảo nàng mua chiếc xe này để thường xuyên đến thăm tôi, tiền thì được anh trai cho một nửa. Tôi nghe xong lại càng vui hơn. Chúng tôi nhanh chóng rời khỏi thành phố. Nàng đưa tôi đến một nơi gọi là Bích Thủy Sơn Trang ở ngoại ô, rồi bảo đã đặt sẵn một phòng rất đẹp cho hai chúng tôi rồi.