Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
BÀI CA CHIM ƯNG

     ấn đề là sau đó, Âu Dương thế nào? tại sao nàng bảo mình tên Âu Dương Lan mà không phải là Trương Lan? Tại sao nàng lại lấy tên Hoa Mộc Lan? Còn nữa, rốt cuộc là câu chuyện nào của tôi phù hợp với bản chất thực sự của sự việc?
Có lẽ mọi người sẽ tưởng rằng tôi đang chơi mấy trò của các tiểu thuyết gia phái tiên phong, vậy thì các bạn đã sai hoàn toàn rồi. Không sai, tôi cũng từng thích mấy người đó, nhưng về sau thì tôi ghét cay ghét đắng. Bọn họ không hề biết kể chuyện. Bọn họ cũng rêu rao hiện thực và hư cấu, nhưng so với tôi thì khác hẳn. Những gì tôi kể là trải nghiệm chân thực. Trong thế giới của tôi, lúc nào cũng có hai hiện thực cùng tồn tại song song – một là tôi nhìn thấy, đồng nhất với hiện thực mà mọi người nhìn thấy, một là hiện thực do sự hoài nghi, ảo tưởng và trí tuệ của tôi kết tinh thành, bên trong đó có yêu, có hận. Thứ mà tôi muốn kể cho các bạn chính là hai hiện thực này. Đây chính là cuộc sống của thế hệ chúng tôi. Nó không phải do tôi hư cấu, mà là nó tồn tại một cách chân thực. Chúng tôi không có thái độ cực đoan đối với những thứ mà báo chí hay tuyên truyền, rêu rao như thế hệ bố mẹ mình, trái lại chúng tôi là thế hệ được tích lũy kinh nghiệm từ họ, chúng tôi phải tự mình đi xem thử rồi mới quyết định thái độ và cách xử sự của mình. Chúng tôi luôn bất mãn với hiện thực, nhưng chúng tôi tuyệt đối không tin đây là hiểu lầm của một ai đó, chúng tôi hiểu, đây là do bản tính của con người. Chúng tôi chán ghét cái gọi là chủ nghĩa tập thể, nhưng lại luôn bị sự cô độc và sự bất tín nhiệm giày vò, về điểm này thì có thể nói là chúng tôi tự làm, tự chịu, không trách được ai hết. Còn nữa, chúng tôi luôn tin vào những gì hư cấu, còn đối với hiện thực thì lại hết sức hoài nghi, đây có lẽ là nguyên nhân khiến tôi tin tưởng và thích câu chuyện thứ hai của mình hơn.
Tóm lại là, đây chỉ là mấy lời cám thán của tôi mà thôi, hoàn toàn không có ý định huyễn hoặc gì các bạn đâu. À, tôi còn rất ghét tri thực và kỹ xảo nữa.
Nhân tiện cũng nói luôn, tiểu thuyết của bố tôi lúc nào cũng có tri thức, lúc thì trà đạo, lúc thì văn hóa toilet, lúc thì văn hóa trang sức. Bố tôi say sưa giảng giải các loại tri thức của mình trong sách, còn đám phê bình thì chỉ biết thổi phồng lên, ca ngợi bố tôi cao siêu, riêng tôi lại rất ghét mấy thứ đó. Thế hệ bố mẹ tôi ngày xưa là thế hệ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, đồng thời họ cũng luôn cảm thấy đói khát về tri thức và tinh thần, nên mới tìm đủ mọi cách để bù đắp những thứ ấy. Còn thế hệ chúng tôi thì tri thức lại quá thừa mứa, nên chúng tôi đã chán ngấy. Nói thực lòng, bây giờ nhìn thấy kiến thức ở đâu là tôi cảm thấy đau đầu ở đó, thậm chí là thấy buồn nôn nữa. Một tâm hồn phong phú thì không cần những thứ ấy, tâm hồn chỉ cần tiêu hóa hiện tượng là đã đủ để sống rồi.
Tri thức phá hoại tính hoàn chỉnh của hiện tượng, kỹ xảo làm tổn thương sự chân thực của lịch sử, còn tư tưởng thì làm những câu chuyện thần thoại của con người biến mất. Đến đời của chúng tôi, thần thoại đã bị thủ tiêu một cách triệt để và vô tình, khắp nơi đều là biển tri thức mênh mông, đều là những tảng đá ngầm và hòn đảo tư tưởng. Con thuyền của chúng tôi sẽ đi về đâu? Ngọn đèn nào mới là ngọn hải đăng đưa chúng tôi tới bến bờ chân lý?
Một nguyên nhân làm tôi ghét tiểu thuyết của bố là trong từng chữ đều toát lên một vẻ tự phụ, hơn nữa còn ngầm ám thị một sự khinh thường, miệt thị những kẻ không tín ngưỡng trong thế hệ chúng tôi. Thật bất công! Là bọn họ không có trách nhiệm với thế hệ sau, lấy tư cách gì mà đổ hết mọi tội trạng lên đầu chúng tôi chứ?
Ủa, nói những thứ này có tác dụng gì đâu nhỉ? sao tôi lại phải phẫn nộ như thế? tôi không muốn phẫn nộ. Tôi biết, khi tôi nói những lời lạc đề kia thì đã có một số người đứng dậy bỏ đi rồi, bọn họ không muốn nghe tôi lải nhải. Chắc các bạn cũng vậy? được rồi, chúng ta lại tiếp tục câu chuyện nào!
Tôi trở lại trường học thì đã gần đến ngày Quốc khánh. Sau chuyện lần ấy, tôi trở nên thâm trầm hơn trước rất nhiều. Các bạn cùng lớp cũng có nhiều thay đổi, rất nhiều người đã có người yêu, cả Đại Vệ cũng đã tìm được một người. Giờ nghỉ trưa, bọn họ thường ở trong nhà ăn của trường. Trong đó có rất nhiều đôi tình tự, trông rất ngọt ngào, tình cảm. Nghe nói Tiểu Vệ cũng đang theo đuổi một cô. Giờ chỉ còn một mình cậu Thượng Hải là vẫn cô đơn, suốt ngày lượn lờ trước mặt tôi như bóng ma.
Lưu Hảo cũng đã gọi điện cho tôi. Tôi đã tha thứ cho cô từ lâu. Cô không làm gì sai cả, hơn nữa cô cũng rất quan tâm tới Âu Dương. Nhiều lúc tôi không hiểu được Lưu Hảo. Cô cứ bám nhằng lấy, đòi tôi chơi đàn cho nghe, không biết là thật hay giả, nhưng lần nào cô cũng khóc sướt mướt, hồn phách ngẩn ngơ. Không chỉ mình Lưu Hảo và Đại Vệ cũng phải cửa khổ nói:
- Cậu chơi thứ nhạc gì vậy? đắng ngắt như hoàng liên, tớ nghe đau đớn lắm, đừng chơi nữa, chơi nữa là tớ khóc đấy!
Tôi vẫn không tin, tôi cảm thấy tiếng đàn của mình rất bình thường, cùng lắm là có nhập tâm hơn một chút mà thôi. Ngô Tịnh Di cũng đến tìm tôi. Cô vẫn chưa có bạn trai, có điều, hình như cô cũng biết là tôi sẽ không tới tìm cô nữa, nên chỉ đến một lát rồi bỏ về luôn. Còn Lưu Vĩnh Xương thì ở lại rất lâu. Cậu ta nghe tôi đàn xong thì lặng lẽ đứng dậy, trước khi đi còn nói tôi không cần tìm thầy giáo nữa. Tôi biết Lưu Vĩnh Xương là người rất tự phụ, cậu ta chịu nói như vậy, chứng tỏ tiếng đàn của tôi đã tiến bộ rất nhiều.
Một hôm, tôi đang chơi đàn trong phòng riêng, lòng nhớ về Âu Dương thì bố gõ cửa gọi:
  -  Con ra đây một lát!
Tôi ngây người giây lát rồi cũng đi theo, thấy trong phòng khách có một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi đang ngồi, vóc dáng không được cao lắm, ăn mặc cũng rất phóng túng, đầu tóc rối bù, nhưng mặt thì trắng như trứng gà bóc. Tôi biết đây chỉ có thể là nhà thơ hay nhà văn gì đó. Quả nhiên, bố tôi giới thiệu:
 - Đây là Nam Từ, nhà thơ nổi tiếng nhất trong nước bây giờ. Còn đây là Hồ Từ Kiệt, con trai tôi.
Lúc Nam Từ đứng dậy bắt tay, tôi nhận ra anh ta chỉ cao đến mũi mình. Anh ta ngước nhìn tôi rồi nói:
 - Quả nhiên là thiên bẩm rất cao!
Tôi chỉ cười. Mắt Nam Từ hơi đỏ và ươn ướt, như vừa mới khóc xong vậy. Anh ta nói:
 - Vừa rồi vô tình nghe được tiếng đàn của cậu, vì quá cảm động nên đã rơi lệ. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy thứ âm nhạc như vậy, nói thật lòng, nếu không có ai ở đây, chắc tôi đã khóc òa lên rồi đấy!
- Thật ạ? – tôi ngạc nhiên hỏi lại.
 - Lẽ nào cậu không biết?
Tôi lắc đầu.
 - Đúng là thứ âm nhạc “sát nhân”.
 - Vậy thì không tốt chút nào, âm nhạc không thể quá đau buồn như vậy được. Tang mà không thương mới là âm nhạc chân chính – bố tôi nói.
 - Ồ, thầy Hồ, tiếng đàn của Từ Kiệt không làm người ta tổn thương, mà làm người ta rung động. Cậu ấy khơi gợi nỗi u buồn trong sâu thẳm tâm hồn con người chứ không phải khơi gợi sự bi thương – Nam Từ nói.
Kể từ hôm đó, tôi mới biết tiếng đàn của mình thật sự rất hay. Có lúc, tôi ngồi trong ký túc xá đàn khúc Tuyên ngôn tình yêu mà nước mắt chảy đầm đìa. Mấy người ở lớp và ở khoa đều rất muốn tôi lên biểu diễn, nhưng lần nào tôi cũng từ chối. Tôi không thể nào để người khác nhìn thấu tâm hồn mình được.
Bài Tuyên ngôn tình yêu được tôi biến tấu thành kiểu guitar cổ điển, nghe cũng rất đặc biệt. Tôi thường vừa đàn vừa hát một mình trong ký túc xá, thỉnh thoảng cũng hát cho cả Đại Vệ và Lưu Hảo nghe nữa. Mặc dù rất nhớ, nhưng tôi vẫn không đi tìm Âu Dương. Chỉ cần biết nàng vẫn khỏe là tôi đã mãn nguyện rồi, tôi không muốn đi tìm nàng nữa. Nhất định nàng đã biết tôi vì nàng nên mới bị thương như vậy, nhưng tại sao nàng lại không đến tìm tôi? Không những tôi đã hứa với Trương Triều, mà còn hứa với cả bố mẹ là không qua lại với nàng nữa. Tôi cũng biết rõ hai chúng tôi không hợp nhau. Chắc chắn là nàng sẽ không đợi đến lúc tôi tốt nghiệp, mà sẽ kết hôn với người khác, nhức lâu không bằng đau dứt khoát một lần, cứ như vậy cũng phải phải là quá tệ.
Thời gian còn lại của học kỳ trôi qua trong nháy mắt. Căn bệnh đau đầu và mất ngủ của tôi cũng bắt đầu từ đó. Vì bi thương quá độ nên tôi trở thành một kẻ trầm lặng, ít lời. Chính vì ít nói và mất ngủ thường xuyên nên càng lúc tôi càng cảm thấy trí nhớ của mình tệ hại. Vừa mới gặp người ta, quay đi quay lại đã không thể nào nhớ nổi tên rồi. Mấy từ tiếng Anh cũng phải viết lại mấy lần mới nhớ, nhưng đến ngày hôm sau lại quên sạch. Mười chín bài thơ cổ mà hồi nhỏ bố bắt tôi học thuộc làu làu, bây giờ cũng quên gần hết. Cuộc sống của tôi hoàn toàn đảo lộn. Ban đêm không ngủ được nên tôi thường ngủ vào lúc người khác lên lớp, còn khi mọi người về ký túc xá thì tôi ra ngoài lang thang. Đến khi các bạn phải lên lớp, tôi mới trở về đi ngủ, vì thế nên hầu như là giờ học nào tôi cũng trốn hết.
Bi thương khóa chặt tôi lại. Tất cả những sách tôi đọc trong tiếng đó đều là các tập thơ Lưu Hảo mượn cho. Tôi thích nhất là đọc thơ của William Wordsworth. Hầu như bài thơ nào của ông tôi cũng đọc hết. Trong đó có một bài tên A, người trong mộng, viết như thế này:
“A người trong mộng, nụ cười của em thật đẹp
Ánh sáng nụ cười ấy xuyên qua trái tim anh
Nếu trán anh có thể phản xạ lại nụ cười đó
Em nhất định sẽ cảm nhận được
Giống vầng trăng bẽn lẽn nhìn thấy ánh sáng dịu dàng của mình
Trút xuống triền núi và chảy dài trong những khe sâu
Sau đó phản chiếu trở lại”.
Tôi in bài thơ này ra, đặt ở đầu giường, trước khi đi ngủ lại lấy ra đọc một lượt, cảm thấy như nhìn thấy ánh hoàng hôn rực rỡ đang chiếu lên mình vậy.
Phía sau tòa nhà khoa tự nhiện có mấy gốc cây lớn, vào buổi hoàng hôn, có một thanh niên hoang mang, thất thần ngồi ngơ ngẩn nhìn ráng chiều nơi chân trời xa, trên đùi đặt một tập thơ bị gió thổi cho bay lật phật, miệng ngâm nga những âm thanh kỳ lạ mà không ai nghe được. Anh ta cứ ngồi cho đến khi bóng đêm phủ kín bầu trời và mặt đất mới thở dài não nề đứng dậy. Anh ta không bao giờ vào lớp học, cũng chẳng bao giờ đặt chân đến thư viện mà chỉ sống trong tâm tưởng và ký ức của mình. Có lẽ lúc này, chỉ có bài thơ tình thứ bảy của nhà thơ người Chi Lê – Pablo Neruda là phù hợp với tâm trạng anh ta nhất:
“Hoàng hôn buông xuống, tôi giăng tấm lưới đau thương
Buông lên đôi mắt sâu như biển của em
Tôi cô đơn đứng bên đống lửa cao nhất
Lửa cháy bừng bừng, vẫy động cánh tay dài
Những vì sao hoàng hôn, lấp lánh
Như anh vì em mà say đắm linh hồn
Rải những đóa hoa huệ màu lam xuống bình nguyên rộng lớn”
Người thanh niên thất thần, đáng thương đó chính là tôi. Lúc ấy tôi mười chín tuổi, giống như một cái túi trống rỗng không có gì hết.
Kỳ nghỉ hè năm ấy, mẹ khuyên tôi nên đi du lịch, nhưng ý của bố là tôi nên về quê một chuyến, về nông thôn xem thử cuộc sống của người nông dân, biết đâu sẽ có ích cho tôi. Lúc này, tôi không làm theo lời khuyên của mẹ mà về quê với bố, còn mẹ tôi thì phải ở lại thành phố chăm sóc bà ngoại, vì bệnh của bà thường tái phát vào mùa hè.