Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
PHẦN IV

     ề đến nhà, mẹ tôi phàn nàn là tôi đen quá. Cha tôi không nói gì. Sau chuyến đi này, tôi cảm thấy cha tôi mới đúng là một người cha thực thụ, ông có một sự sâu sắc và thâm trầm mà tôi không thể nào nói rõ, đồng thời ông cũng có một thứ phẩm chất và sức mạnh hết sức mộc mạc giản dị. Trước đây tôi chưa bao giờ nhận thấy những điểm này ở ông, nhưng giờ đây, tôi lại cảm thấy nó đang dần dần làm tan biến đi những thứ tầm thường, vô vị mà người ta khoác cho cái tên văn hóa và đạo đức, để đưa trở lại chính con người thật của ông.
 - Đen một chút cũng tốt, con thích như vậy – tôi nói với mẹ.
 - Bà ngoại con cứ đòi đưa tiền cho mẹ nhưng mẹ không lấy.
 - Sao thế ạ?
 - Mẹ cứ nghì đến chuyện ngày xưa lại thấy giận – mẹ nói.
 - Mẹ quá nhỏ mọn rồi. Mẹ là con gái, con gái làm sao cứ so đo lỗi lầm của cha mẹ thế được? ai mà không có sai lầm chứ? với lại, không phải bà đã nhận lỗi với mẹ rồi hay sao?
Thật sự tôi không muốn nghe mẹ nói tiếp nữa. Trước đây khi nghe mẹ kể chuyện này, tôi cảm thấy rất đồng tình, nhưng giờ không hiểu sao cảm giác đó lại hoàn toàn biến mất, cứ như là chưa từng tồn tại vậy.
 - Phải đấy, đã là chuyện từ nhiều năm trước rồi, nhắc lại làm gì nữa? – bố tôi cũng nói.
Mẹ nhìn tôi, gõ một phát lên đầu, rồi lại quay sang cha tôi gắt lên:
 - Sao? Bây giờ tôi lại thành người có lỗi hả?
Mẹ tôi ngang ngược thế đấy. Có lúc tôi rất muốn hỏi cha xem làm sao mà ông có thể nhẫn nại, chịu đựng được mẹ mấy chục năm trời. Tôi thi chịu. Sau này tôi lấy vợ thế nào thì chưa biết, nhưng nhất định là sẽ không tìm người giống như mẹ tôi.
Từ thế giới tự nhiên rộng lớn, giờ trở về thế giới nhỏ hẹp của ba người, thật đúng là một sai lầm. Tại sao tôi không ở thêm một thời gian nữa nhỉ? tôi biết làm gì trong hai mươi ngày còn lại đây?
Những ngày tháng buồn chán lại đến với tôi. Cha suốt ngày nói với mẹ là con cái nhà nọ, nhà kia nghỉ hè thì đi làm gia sư, làm tình nguyện gì gì đó, còn con nhà mình thì chỉ nằm khểnh ở nhà. Mẹ tôi biện hộ cho tôi, nói:
- Dù sao nhà chúng ta cũng đâu thiếu tiền, cần gì phải để con nó phí công, phí sức như vậy?
Tôi không muốn lên tiếng, không muốn nghe cha, cũng chẳng ủng hộ mẹ. Tôi biết cha tôi nói đúng, nhưng thực sự là tôi rất lười, chẳng muốn làm những chuyện đó chút nào. Chuyện mọi người đều làm thì tôi không muốn làm, còn chuyện mọi người không làm được thì tôi càng bó tay. Tôi là một thằng mơ ước cao xa, nhưng khả năng lại có hạn, mà nói như rồng leo, làm như mèo mửa cũng là chuyện thường tình của con người. Nói thật lòng, tôi rất muốn về nông thôn, không phải là vì tôi muốn sống cuộc sống như bọn họ, mà chỉ muốn tìm hiểu một chút, xem các thế hệ trước, thậm chí là tổ tiên của chúng tôi làm sao mà sống và phát triển đến tận bây giờ. Còn chuyện kiếm tiền, thực ra tôi cũng không hứng thú lắm.
Việc này làm tôi tự nhiên nhớ đến Âu Dương. Có mấy ngày liền tôi chỉ ngồi lì ở quán bia cũ và Bách Lạc Môn, uống một chai nước giải khát, càng uống càng khát và nhớ lại những chuyện đã qua của hai chúng tôi. Khi trở về, tôi lại chui vào phòng, đàn đi đàn lại khúc Tuyên ngôn tình yêu.
Một buổi chiều, tôi đang đàn thì cha gõ cửa rồi đi vào nói:
- Đừng đàn nữa, ra xem tivi một lúc đi! đang có Thiên long bát bộ đấy, Huỳnh Nhật Hoa đóng Tiêu Phong, hay lắm!
Tôi nghe thế liền đứng dậy đi ra. Đúng là hay thật. Huỳnh Nhật Hoa của ngày hôm nay và Huỳnh Nhật Hoa năm xưa đóng Quách Tĩnh đúng là đã đã khác. Hai cha con tôi xem hết một tập thì ông nói:
- Những chuyện trong quá khứ thì đừng nghĩ đến nữa. Là đàn ông, nhấc lên được thì cũng đặt xuống được.
Tôi trầm ngâm không nói gì, thực sự là tôi không biết phải nói với ông thế nào.
- Chuyện tình cảm, đúng là không thể nói có gì tốt hay không tốt, quan trọng nhất là không hổ thẹn với lương tâm. Chúng ta không ai nắm bắt được số phận đâu con trai ạ!
Cha lại nói.
Mấy ngày sau đó, tôi không chơi đàn nữa mà chỉ ngồi nghĩ, tôi nên làm gì? rồi một hôm, tôi chợt nhớ đến anh chàng ca sĩ lang thang ở cửa ga xe điện ngầm. Từ đó đến giờ, anh ta vẫn chưa xuất hiện trở lại.
Tôi đeo kính đen, mang guitar trên lưng, đi ra cửa ga xe điện ngầm, ngồi đúng nơi mà anh chàng ca sĩ kỳ lạ kia vẫn ngồi, và bắt đầu hát. Tôi hát không nhiều, nhưng rất nhập tâm. Đầu tiên tôi hát một bài Long Long Ago, bài hát này đã được một số người cải biên thành nhạc kiểu dân ca, tuy hết sức đơn giản, mới nghe thì cảm thấy hầu như chẳng hề hấp dẫn, giống như một khúc nhạc cho người mới học đàn luyện tập vậy, nhưng khi bạn đàn đi đàn lại và hát lên thì nó lại có một âm vị vô cùng đặc biệt, nhạc điệu và ca từ sẽ đưa bạn vào một khu rừng sâu âm u, lá rụng thành một tấm thảm dày êm ái dưới chân. Kế đó, tôi lại hát một bài tên là Người Thân ở Quê Hương. Cả hai bài này tôi đều mới chỉ nghe nhạc khúc, chưa từng nghe ai hát bao giờ.
Mấy phút đầu tiên, tôi không dám nhìn ra phía trước mà chỉ nhắm chặt mắt lại vừa đàn vừa hát. Tôi cảm thấy có rất nhiều người dừng lại trước mặt mình. Một lúc lâu sau đó, tôi mới dám mở mắt ra nhìn, nhận ra trước mặt mình đang có một đám trẻ con, bọn chúng đứng ngây ra nghe tôi hát, không hề náo động. Phía sau đám trẻ là mấy người thanh niên, có lẽ là sinh viên hay học sinh gì đó. Bọn họ vừa nghe, vừa nói chuyện. Tôi nghe được họ khen mình hát cũng không tệ, lại rất đẹp trai. Có mấy bà lớn tuổi đi qua nói:
 - Chắc là tay ca sĩ phòng trà nào đó, ra đây hát kiếm chút tiền tiêu thêm đây mà.
Người ta bắt đầu để tiền xuống trước mặt tôi. Chỉ có các cô gái là dừng lại lâu nhất, bọn họ đứng ngẩn người ra nghe tôi hết một bài rồi mới quyến luyến bước đi. Cuối cùng tôi hát Bài ca chim ưng. Tôi có thể hát đi hát lại bài này nhiều lần. Tôi cảm thấy nó không phải là một bài dân ca mà là một khúc ca của những kẻ lang thang mới đúng.
Tôi ngồi đó hát chừng hai tiếng đồng hồ, lúc đứng dậy ra về, cổ họng đã hơi khàn khàn. Trong hai tiếng tôi đã kiếm được tổng cộng bảy mươi tám đồng chín hào, tôi đem số tiền này chia hết cho mấy đứa trẻ và người già ăn xin ở gần đó. Các bà, các cô mua đồ gần đó đều tròn mắt lên nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, bàn luận râm ran. Tôi biến mất khỏi tầm mắt của họ, trong lòng vẫn lẩm nhẩm Bài ca chim ưng.
Cảm giác được làm anh hùng dâng lên trong tôi, tôi cảm thấy mình giống như một vị hiệp khách trong truyện kiếm hiệp, cây đàn trên lưng biến thành bảo kiếm, đi lang thang khắp nơi cứu khốn phò nguy. Tôi dùng tiền của mình mua một bình nước khoáng, vừa đi vừa uống, trong long vô cùng vui vẻ.
Tất nhiên là tôi không nói chuyện này với cha mẹ, bạn họ mà nghe xong, chắc chắn sẽ cảm thấy tôi đang làm họ mất mặt, đặc biệt là cha, lúc nào ông cũng cho rằng tôi không chuyên tâm vào việc chính, việc nên là mma` cứ lo chuyện ở đâu đâu. Hành vi và suy nghĩ của chúng tôi quả thật khác nhau quá xa. Đối với tôi mà nói, tất cả những chuyện mà thế hệ họ làm đều có mục đích rõ ràng và rất thực dụng, nhưng thế hệ chúng tôi thì khác, rất nhiều chuyện chúng tôi làm, căn bản là không có mục đích. Lấy tôi làm ví dụ chẳng hạn, tôi thường hứng lên thì làm, hết hứng lại bỏ dở đấy, không làm nữa. Trong phòng tôi có rất nhiều sách đang đọc dở, quyển nào cũng là tôi đang đọc thì chợt cảm thấy chán nên bỏ xuống, sau này tôi cũng muốn xem tiếp lắm, nhưng kể từ sau khi đặt sách xuống tôi rất khó tập trung sự chú ý vào nó lần nữa, có điều, tôi cũng rất hy vọng bản thân mình có thể thay đổi, dù sao thì đây cũng không phải là một thói quen tốt. Cha đã nhiều lần nhắc nhở:
- Con nhìn lại mình xem, có đầu mà chẳng có cuối, sau này làm sao nên chuyện gì được?
Ông nói tôi không có chí tiến thủ, không bền lòng. Tôi thì không cho là vậy, tôi nghĩ đây mới chính là chỗ thoải mái của thế hệ chúng tôi, vì vậy nên tôi có thể làm thơ, còn cha tôi thì chỉ viết được tiểu thuyết. Nhưng cho dù tôi làm được thơ, tôi cũng không muốn trở thành một nhà thơ, thơ viết ra cũng không muốn đăng bao hay in ấn gì, mà chỉ để gửi gắm tâm hồn mình thôi. Tôi nghĩ rằng như vậy là cao thượng, nhưng cha tôi thì cứ cho là đám thanh niên chúng tôi làm việc gì cũng phóng túng tự do, vô nguyên tắc. Tôi thấy, chính ông mới là người không có lý lẽ. Nguyên tắc và đao lý mỗi thời mỗi khác, làm sao mà giống nhau được? những thứ là chân lý đối với cha mẹ chúng ta, rất có thể lại chẳng là cái gì với chúng ta cả.
Ngày hôm sau tôi lại đi hát tiếp. Sau lần đầu tiên bỡ ngỡ, tôi đã có thể ung dung mà hát một cách thoải mái rồi. Lòng tôi dần dần tĩnh lặng trở lại và bắt đầu vui lên. Số tiền kiếm được ngày hôm nay còn nhiều hơn hôm trước, tôi vẫn không giữ lại đồng nào cho mình. Khi người đàn bà tàn phế phủ phục xuống cảm ơn, tôi chợt cảm thấy vô cùng cảm động. Ông nội tôi từng kể, cụ tôi đã phải đi xin ăn để nuôi sống mấy anh em ông nội. Bố tôi cũng từng nói, hồi nhỏ, bà nội ông đã bế ông đi xin cơm. Tôi cảm thấy dường như những người ăn xin đang ngồi đây đều là hóa thân của cụ. Cứ đi, đi mãi, tôi cảm thấy trong mắt có thứ gì đó chảy ra, làm nhòa cả phía trước.
Tối hôm ấy, mẹ hỏi hai ngày nay tôi cứ cầm guitar đi đâu cả ngày trời. Lúc tôi bảo là đi học hát với một thầy trong nhạc viện, bố chỉ trừng mắt lên nhìn, rồi không nói gì.
Ngày thứ tư, tôi lại ra ga tàu điện ngầm. Giờ thì tôi đã không còn quan tâm xem ai đang đứng trước mặt mình nữa rồi. Tôi tự do đàn hát, hoàn toàn thoải mái. Hát được mấy bài, tôi cảm thấy cả cổ họng và tinh thần đều cần được thư giãn chút ít bèn đàn một khúc nhạc cổ điển. Ở một nơi ồn ã như ga tàu điện ngầm, đúng là không thích hợp để đàn những khúc nhạc như vậy, nhưng thật không ngờ, có rất nhiều người dừng lại nghe tôi diễn tấu. Đàn được một lúc, tôi cảm thấy tinh thần phấn chấn trở lại, liền hát thêm mấy bài, trong lòng vui hơn hôm trước rất nhiều. Những không hiểu sao, hôm nay người tới đây xin ăn cũng nhiều hơn hai hôm trước gấp mấy lần.