Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
Phần I

    
ây giờ tôi bắt đầu kể về các cô bạn gái của mình nhé, đấy cũng là nguyên nhân mà tôi bị người ta gọi là thằng ăn chơi đấy.
Người đàn bà đầu tiên của tôi lớn hơn tôi mấy tuổi, cụ thể là lớn hơn bao nhiêu tuổi thì để từ từ tôi sẽ nói cho các bạn biết. Chuyện xảy ra vào mùa hè năm tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Đại học Nam kinh.
Từ bé tôi đã thích đá bóng, thích nghe nhạc. Lúc lên lớp cũng chỉ nghĩ đến chuyện đá bóng, có lúc còn lén mang máy walkman vào lớp nghe nhạc nữa. Mẹ tôi dạy ở trường nên các thầy cô giáo đều châm chước cho tôi. Nhưng nhân nhượng quá lại thành hại tôi. Sự nghiệp đá bóng của tôi lên vù vù như mặt trời buổi trưa, nhưng thành tích học tập thì ngày một xuống dốc. Mẹ tôi xót con, không nỡ mắng, mỗi lần bố chuẩn bị đánh tôi là mẹ lại dũng cảm ưỡn người ra, cứu tôi thoát khỏi tuyến lửa. Cứ như vậy, bố mẹ khó tránh khỏi một trận cãi vã. Lúc nhỏ không biết gì thì thôi, lớn lên một chút, tôi cảm thấy như vậy rất có lỗi với mẹ. Tôi nói với người cha đang nổi giận của mình:
-  Bố muốn thứ bậc phải không, lần thi sau con xếp hạng cao cho bố xem là được chứ gì?
Lúc ấy tôi cảm thấy học là học cho bố, cho mẹ chứ mình thì chẳng được lợi lộc gì. Lúc nào bố cũng nói hồi nhỏ không có ăn, không có mặc, muốn tôi học hành cho chăm chỉ, bằng không sau này sẽ không thể có chỗ đứng trong xã hội. Tôi không quan tâm, bố là bố, bố không đủ ăn, không có nghĩa là tôi cũng không đủ ăn. Chỉ số IQ của tôi vốn rất cao, chỉ cần hơi cố một chút là được rồi. Tôi họ tử tế được một học kỳ, giữa kỳ, thành tích của tôi đã lọt vào top ten của lớp, cuối kỳ thì tôi xếp hạng hai, kết quả cả năm đứng thứ năm. Mẹ tôi là người vui nhất, ai cũng nói với bà:
  -  Con chị thật thông minh, chỉ cần chăm chỉ học hành, tương lai muốn đi vào Đại học Bắc kinh, Thanh Hoa cũng không khó gì.
Tôi chẳng quan tâm lắm. Bắc Kinh với Thanh Hoa cái gì chứ, tôi coi thường nhất chính là đám mọt sách đó. Bạn thử nghĩ xem, những người như thế nào mới vào được Đại học Bắc Kinh với Thanh Hoa chứ? con gái trường ấy ra cái giống gì nào? chắc chắn là không thể tìm được người yêu rồi. Tôi cũng không muốn nỗ lực để xếp thứ nhất. Nói thật với các bạn, tôi ghét nhất là những điển hình mô phạm. Bạn mà xếp thứ nhất một lần thì không thể đứng thứ hai hoặc thứ ba, thứ tư nữa, càng không nói gì đến thứ mười, thứ mười một. Đấy là một cái thòng lọng, bạn mà trở thành thứ nhất thi về sau đừng hòng đến tử tế nữa. Về điểm này thì quan điểm của bố và tôi giống nhau. Bố thường cầm tờ báo lên rồi nói:
-  Xem này, nhân vật điển hình cái gì chứ? vì cái gọi là lợi ích tập thể mà bọn họ hy sinh cả gia đình, thật đúng là không có nhân tính!
Tôi không muốn bị người ta nghĩ hoặc viết thành một thằng không có nhân tính. Những thứ hư danh đó, tôi không cần, nhưng nhân tính thì không thể không có được. Vì vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ phải vào Đại học Bắc Kinh hay Thanh Hoa gì cả, cũng không nghĩ mình sẽ phải xếp thứ nhất. Với tôi, thi đại học chẳng khác gì cánh cửa địa ngục. Cả bố lẫn mẹ đều mong tôi có thể vào Thanh Hoa hay Bắc Kinh, kém nhất thì cũng vào một trường trọng điểm nào đấy. Thực ra tôi thấy vào đại học trọng điểm cũng chẳng có gì khó, nhưng mà ngày nào bọn họ cũng nói làm tôi chán, chẳng buồn học nữa.
Một hôm, mẹ bảo tôi đi thi để được cử đi học đại học. Tôi biết chắc mình không có hy vọng gì, cho nên cũng chỉ đi đối phó cho xong, nhưng nằm mơ cũng không ngờ, mấy ngày sau tôi được cử đi học thật. Tôi hết sức ngạc nhiên, người khác lại càng ngạc nhiên hơn. Mẹ tôi mừng lắm. Bà đã bắt đầu chuẩn bị mọi thứ cho tôi vào trường rồi. Đám anh em, bạn bè của tôi lũ lượt đến chúc mừng, ngày nào cũng mời tôi đi ăn uống. Tuy tôi vẫn canh cánh không yên nhưng dù sao thì cũng không cần qua cánh cửa đáng sợ kia nữa, cứ chơi cho sướng đời đi đã, nghĩ nhiều cũng chẳng để làm gì. Một tuần liền tôi không đến trường, cũng không về nhà.
 Sáng sớm hôm đó, bố đến lôi tôi dậy trong một phòng karaoke, tôi sợ hết hồn hết vía, còn tưởng là xã hội đen đến quậy nữa. Ông có vẻ giận lắm, bởi vì lúc đó ông thấy một cửa sổ đang gác đùi lên người tôi. Tôi mơ mơ màng màng, theo bố về nhà, mới biết mẹ đã có chuyện. Thì ra mẹ đã tráo bài thi của tôi. Lúc ấy tôi liền nghĩ ngay “Chẳng trách mình lại đỗ”. ý nghĩ đầu tiên của tôi là, lần này đúng là mất mặt thật, giờ thì không đến trường được nữa rồi. Khi đó, tôi không hề nghĩ cho mẹ. Tôi chỉ cảm thấy bà thật đáng ghét. Là mẹ đã hủy hoại thanh danh của tôi, khiến tôi không thể làm đại ca người khác được nữa. Các bạn đoán xem, lúc đó tôi muốn làm gì nhất? chắc các bạn nghĩ tôi muốn tự sát, đúng không? tôi đâu có ngu ngốc như thế, làm như vậy chẳng được gì cả. Chuyện duy nhất mà tôi nghĩ là làm sao giết được một người, mà phải làm cho hắn chết một cách thật đau đớn mới được. Thế nhưng, lúc đó, điều duy nhất tôi làm lại là ngồi trên ghế sofa, nói với hai người vẫn đang im lặng ngồi bên tôi từ nãy:
- Bố mẹ thật chẳng ra làm sao cả! không vào đại học được thì có sao chứ? chẳng lẽ không vào đại học thì không sống được? đấy bố mẹ thích học thì học đi, con chán rồi!
Dáng vẻ của tôi lúc ấy có lẽ rất khó coi, bạn thử nghĩ mà xem, một tuần liền ở trong phòng karaoke, chỉ uống bia rồi hát, không ngủ được một giấc tử tế thì hình dáng sẽ thế nào? tất nhiên là người chẳng ra người, ma chẳng ra ma rồi. Bố tôi nổi trận lôi đình, ông cầm cái điều khiển tivi ném vèo về phía tôi, nhưng bị tôi tung chân đá bay đi. Bố lại càng cáu hơn, bắt đầu chửi mắng. Ông chửi tôi liền một mạch hơn nửa tiếng đồng hồ, lôi hết tội trạng của tôi ra kể một lượt, cuối cùng vẫn không kể được hết, vì càng kể thì ông càng cảm thấy tôi hết thuốc chữa, nên chẳng buồn kể nữa, sau đó, bố chuyển qua mắng mẹ. Ông cho rằng tất cả khuyết điểm và lỗi lầm của tôi đều do mẹ nuông chiều quá mà nên. Ông còn kể ra một chuyện mà tôi chưa từng biết. Bố bảo, lúc tôi vừa ra đời, ông đã định nhờ ông nội, bà nội ở quê lên chăm sóc mẹ tôi nhưng mẹ chê ông nội bẩn, lại chê bà nội không biết nấu ăn, không để cho hai người đến, làm cho tôi bệnh tật đầy người, bất đắc dĩ bố mới phải ôm xuống quê nhờ bà nội chăm hộ. Ông bà nội rất cưng thằng cháu này, tôi đòi gì, chỉ cần có thể làm được là ông bà sẽ tìm đủ mọi cách để chiều ý tôi. Lúc đó, ông bà có rất nhiều ruộng, ngày nào cũng phải ra ruộng làm việc, vì thế bế luôn cả tôi ra theo. Sợ tôi bị nắng làm đen nên ông bà mua cho tôi rất nhiều mũ nhưng tôi chẳng bao giờ chịu đội, thậm chí có hôm còn vứt cả giày, có hôm nóng quá còn cởi hết quần áo ra. Ông bà cũng chẳng biết phải làm gì với thằng cháu ương bướng. Năm tôi được một tuổi thì bố mẹ về quê thăm, mẹ vừa thấy đã ôm chặt lấy tôi rồi quát bà nội:
  -  Sao lại để thằng bé đen nhẻm thế này?
Mẹ làm bà nội giật mình đánh thót. Bố thấy vậy thì giận lắm, nhưng vẫn cố mềm mỏng với mẹ:
- Ở quê mà, đứa bé nào chẳng vậy.
Không ngờ mẹ tôi vẫn không chịu thôi, nói:
 - Sau này tôi không cho thằng bé đến cái nơi quái quỷ này nữa.
Bố tôi là một người con hiếu thảo, cuối cùng cũng không thể nén giận, ông gầm lên:
- Cô ăn nói kiểu gì vậy? ông bà nội nuôi con cô lớn thế này mà cô không biết cảm ơn lấy một tiếng, lại còn dám nói năng thế với ông bà nữa à?
Mẹ tôi vẫn không chịu hiểu. Ở thành phố, lần nào bố cũng nhường nhịn mẹ. Nhưng ở đây là dưới quê lại đang ở trước mặt bố mẹ của bố nữa. Mẹ nói:
- Sao tôi phải cảm ơn? Đã nói bao nhiêu lần rồi, không thể để thằng bé bị đen, thế mà họ có nghe đâu?
Câu nói này của mẹ đã làm ông bà nội cảm thấy bị xúc phạm. Ông nội là đàn ông nên không thể chịu đựng được sự hỗn láo như vậy, mắng mẹ mấy câu, thế là mẹ khóc toáng lên, ôm tôi về thành phố ngay đêm hôm ấy. Tất nhiên là bố tôi không về cùng, ông ở quê với ông bà nội một thời gian khá lâu rồi mới về nhà. Sau đó, mẹ tôi cũng cảm thấy mình không đúng, liền mua rất nhiều đồ, còn chuẩn bị cả một ngàn đồng, muốn cùng bố dẫn tôi về quê xin lỗi ông bà. Đương nhiên là bố tôi rất vui, gật đầu đi luôn. Ông nội cũng không còn giận mẹ nữa.
Lúc tôi biết đi thì bắt đầu nghịch ngợm, thường lấy gạch, lấy đá ra chọi người ta, nhiệm vụ chủ yếu của ông bà nội lúc đó là dọn dẹp mọi chướng ngại vật trên đường cho tôi. Đám trẻ con nhà hàng xóm cũng phải nhường nhịn tôi, bởi vì tôi ở trên thành phố về. Có một hôm, lúc mọi người không để ý, tôi và một thằng bé nhà bên chơi đùa, không cẩn thận bị nó đẩy ngã, đập vào gốc cây. Đúng lúc ấy thì có một cành khô rơi xuống, chọc ngay vào mắt tôi, làm chảy rất nhiều máu. Mọi người cuống hết cả lên, ai cũng tưởng rằng mắt tôi không giữ được nữa. Một nửa người trong làng đến vây lấy tôi, đưa tôi vào bệnh viện. Bác sĩ nói cần phải quan sát mấy ngày mới biết được tình hình cụ thể. Bà nội tôi khóc đến chết đi sống lại, không biết phải ăn nói thế nào với mẹ. Thằng bé kia cũng vì chuyện này mà bị đánh cho mấy trận lên bờ xuống ruộng. Ông nội đánh điện báo cho bố tôi biết chuyện. Bố không dám nói với mẹ, chỉ len lén về quê thăm tôi. Ba ngày sau, mắt tôi không còn gì đáng lo nữa.
 Tất cả mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Bố tôi lại về nhà trên thành phố. khoảng một tuần sau thì bố cảm thấy không nói với mẹ cũng không hay lắm, bèn kể lại qua loa sự tình cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ tôi vừa khóc vợ lao về quê như một người điên. Bố tôi cũng về theo. Vừa vào cửa, mẹ đã lao đến ôm tôi khóc rống lên. Bà nội sợ hãi nép mình vào góc nhà. Lần này mẹ không mắng ai nhưng hành động còn quyết liệt hơn: ngay lúc ấy, mẹ bế tôi bỏ đi luôn. Bố giận lắm, nhưng chưa kịp phản ứng thì mẹ đã hét lên:
 - Anh muốn ở đây thì cứ việc ở, đừng bao giờ về nhà nữa! tôi không bao giờ cho con về đây nữa đâu.