Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
Phần IV

     uối tháng sáu, tôi thi xong liền gọi điện cho Yên Thu. Cô cũng thi vào đợt này không biết kết quả ra sao. Tôi thấy rất tệ, còn cô thì nói là làm bài rất tốt. Có điều, đây cũng không phải là một dấu hiệu tốt. Những người thi tiếng Anh cấp bốn đều có một kinh nghiệm, đó là khi bạn có cảm giác làm bài rất tốt thì sẽ có hai trường hợp, một là bạn học cực giỏi, như vậy thi` không có vấn đề gì hết, hai là kết quả thi của bạn chắc chắn không đạt yêu cầu. Ngược lại, bình thường bạn học không quá tệ, mà cảm giác làm bài không được tốt lắm, thì có đến chín phần mười là ban sẽ qua kỳ thi dở hơi đó.
Ngày hôm ấy tâm trạng của tôi không được tốt lắm, còn cô thì ngược lại, có vẻ thật thoải mái. Chúng tôi cùng đi ăn Kentucky. Hôm nay cô là người trả tiền. Yên Thu rất thích ăn thứ này. Còn tôi thì càng lúc càng thích ăn đồ Trung Quốc, ngồi một mình bên cửa sổ nhìn ra phố, vừa nhìn vừa nghĩ ngợi, vừa chậm rãi ăn, đó là một sự hưởng thụ. Cảm nhận khi ăn Kentucky lại rất khác, đó là một cảm giác bạo phát, một cảm giác nước chảy bèo trôi, đến đâu hay tới đó.
Ăn xong cả hai đều về chỗ tôi, ngủ đến bốn giờ, ngủ dậy thì quên hết mọi chuyện. Tôi nằm thêm một lúc rồi dậy đi tắm và ăn chiều với cô, bất chợt tôi có linh cảm một chuyện lớn sắp xảy ra.
Lúc này ánh chiều tà rất đẹp. Yên Thu đòi tôi ra sân vận động chơi đàn cho cô nghe. Tôi không thích khoa trương, nhưng vì cô năn nỉ quá nên cũng đành gật đầu đồng ý. Tôi đàn được một lát thì cô đòi nghe hát, tôi lại khe khẽ gảy mấy bài. Khi chúng tôi đứng lên định ra về thì bất ngờ nhận ra Uông Ngọc Hàm đang ngồi một mình ở phía sau. Nhìn thấy tôi quay lại, cô có vẻ ngượng ngùng, khẽ cúi đầu thấp xuống, dường như có một đám mây u buồn đang bao phủ thân thể tràn đầy sức sống ấy.
Thời gian này, tôi hầu như quên mất cô, không ngờ hôm nay cô lại đột nhiên xuất hiện ở đây. Sự xuất hiện của cô làm tôi có một cảm giác rất lạ, không biết nói thế nào, dường như là u sầu, dường như có chút gì đó kích động, nhưng nghĩ lại, thực ra đó là cảm giác kinh ngạc và mong ngóng, chờ đợị
Sao hôm nay cô lại chỉ có một mình?
Tôi và Yên Thu đứng dậy rời khỏi sân vận động.
Kể tới đây, có lẽ một số bạn đã cảm thấy câu chuyện của tôi bao giờ rườm rà, lỉnh kỉnh. Tôi biết mọi người đều quan tâm đến số phận của Âu Dương, nhưng tôi không thể bỏ qua cả một đoạn dài không kể được. Những chuyện xảy ra tiếp sau đó đã khiến cho tôi vô cùng đau khổ, nhưng cũng làm tôi bất chợt hiểu ra rất nhiều đạo lý trong cuộc đời này.
Bố luôn cho rằng tôi là một kẻ theo chủ nghĩa hậu hiện đại.
Đó là kết luận mà ông rút ra sau nhiều lần nói chuyện và quan sát tôi trong suốt một thời gian dài. Bố từng hỏi đã bao giờ tôi nghĩ đến chuyện sau này sẽ làm gì hay chưa. Lúc đó, tôi trả lời ngay mà không hề do dự:
 - Chưa ạ, con cảm thấy chẳng có hứng thú với việc gì hết.
Ông nghe thấy thế liền hỏi:
- Không phải con rất thích âm nhạc hay sao? Nam Từ cũng cho rằng con có thiên phú, đã nhiều lần khuyên bố nên để con phát triển tài năng.
Tôi rất ngạc nhiên. Xưa nay chưa bao giờ bố tán thành tôi làm chuyện này, sao bây giờ lại chịu nghe lời người khác như vậy? có lẽ đây chính là đặc điểm của thế hệ ông, lúc nào cũng để ý đến thái độ của người thứ ba và ý kiến của người ngoài cuộc, còn đối với ý kiến của mình và đối phương thì luôn giữ thái độ hoài nghi và ngờ vực. Tôi nói với ông rằng mình học guitar tuyệt đối không phải để lên sân khấu biểu diễn, cũng chưa từng nghĩ sẽ phát triển theo hướng này, tôi chỉ thích nó, hưởng thụ nó, chỉ có vậy mà thôi. Bố tôi có vẻ hơi cáu, nói:
 - Vậy mày tốn bao nhiêu thời gian để học làm gì? dù sao cũng phải có một mục đích gì đó chứ?
Tôi cũng giận dữ nói:
  -  Tại sao chuyện gì cũng phải có mục đích mới làm chứ? vui vẻ chính là mục đích của con.
Ông không thể nào hiểu nổi cách suy nghĩ của tôi, nhưng tôi thì rất rõ cách nghĩ của ông. Tôi đã nói từ trước, thế hệ bố tôi là thế hệ từng phải chịu đói khổ trong suốt thời niên thiếu, cũng là một thế hệ có lý tưởng và luôn cố gắng phấn đấu vì lý tiếng đó, vì vậy họ làm gì cũng phải có một mục đích rõ ràng. Nhưng tôi và rất nhiều người cùng thế hệ với tôi thì khác, chúng tôi không có chí hướng gì, cũng chưa từng gặp phải thất bại nào quá lớn, chưa từng phải chịu đựng nỗi khổ gì to tát, cả ngày chúng tôi chỉ lượn lờ giữa chốn đô thị không một bóng chim bay này như một lũ người chim, nên đã quá quen với chuyện cảnh vật dễ dàng thay đổi và số phận của các loại người khác nhau, vì vậy chúng tôi không cảm thấy đau lòng, nhức óc trước hiện trạng xã hội, hay ghét ác như cừu yêu hận phân minh giống như thế hệ trước, chúng tôi luôn bình tĩnh trước mọi chuyện. Ở trường đại học của tôi cũng vậy, những sinh viên đến từ nông thôn lúc nào cũng rất khắc khổ, có mục đích rõ ràng, bởi vì bọn họ được kế thừa truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước. Còn đám sinh ra ở thành phố như bọn tôi thì khác, bọn tôi chỉ là một lũ ký sinh trùng.
Về điểm này thì bố cũng từng mắng tôi mấy lần, ông tưởng rằng dùng cái danh từ đó sẽ làm tôi tức giận, làm tôi kích động mà phấn đấu vươn lên nhưng ông đã lầm. Tôi rất có hảo cảm với ký sinh trùng, hơn nữa quan điểm của tôi về ký sinh trùng cũng rất đặc biệt. Trong thời kỳ đầu của mình, nhân loại cũng đã từng sống cuộc sống của ký sinh trùng. Quả cây, hoa trái trong thế giới tự nhiên quá phong phú, con người không cần lao động quá nhiều cũng có thể kiếm được thức ăn, ăn no rồi ngủ, rồi chơi đùa, sinh đẻ, tha hồ hưởng thụ mọi khoái lạc của cuộc đời. Chỉ là sự cạnh tranh giữa các sinh vật đã khiến cho con người buộc phải từ bỏ cuộc sống tự do tự tại đó để đấu tranh với thiên nhiên, với các loài động vật khác. Sau khi chiến thắng được tự nhiên, đồng thời chiếm được vị trí bá chủ của giới sinh vật, con người đã hoàn toàn cáo biệt với cuộc sống tự do tự tại, bước vào thời đại văn minh. Con người đã phải trả giá cho sự văn minh bằng chính cuộc sống tự do tự tại của mình. Nhân loại khích lệ dục vọng, khích lệ cạnh tranh, văn minh mới được kéo dài mà phát triển. Kết quả là, bắt đầu có chiến tranh. Đầu tiên, chiến tranh triển khai trên phương diện chính trị, kinh tế, rồi lan dần dần sang văn hóa, tư tưởng.
Trên thực tế thì con người ăn đã đủ no rồi, mặc cũng đẹp rồi, mọi thứ cần dùng cho cuộc sống hầu như đã đủ, nhưng mà tại sao họ vẫn chưa thỏa mãn? Tại sao còn phải tranh đoạt và thi đua làm gì? thi đua là cái gì chứ? là dục vọng của con người. Nhìn vào lý tưởng của tất cả các thánh nhân, hiền triết xưa và nay, chúng ta thấy được gì? cuối cùng thế giới của con người sẽ như thế nào? đó là một thế giới mà cuộc sống vật chất cực kỳ phát triển, bạn muốn gì sẽ có nấy, không cần lao động, không cần nghĩ ngợi, con người có thể tha hồ hưởng thụ cuộc sống tinh thần, giống như tôi đang tận tình chơi đàn, không cần lo nghĩ chuyện cơm ăn áo mặc vậy. Thêm vào đó, các người đã kiếm được bao nhiêu tiền, tiền nào mà chẳng là tiền, các người không cho chúng tôi tiêu thì cũng phải cho người khác tiêu, đàng nào cũng là cho người tiêu, vậy thì ai tiêu mà chẳng vậy, tại sao cứ phải bắt chúng tôi tự kiếm tiền, rồi tự tiêu tiền của mình chứ? đây là một đạo lý lớn, người bình thường khó nghĩ thông, nhưng tôi thì hiểu rất rõ.
Cha tôi rất tức giận, nhưng cũng không tìm ra lý luận gì để phản bác lại tôi. Xe đạp của ông để dưới nhà bị kẻ trộm lấy mất, ông giận dữ vô cùng. Tôi nói:
- Đi đâu mà mất chứ? xe đạp của bố vẫn ở trên thế giới này đấy thôi, nếu nó vẫn còn tồn tại, vậy thì không thể nói là bị mất được, chỉ là đổi quyền sở hữu mà thôi, cần gì bố phải giận dữ thế chứ?
Ông lại càng thêm bực, quát tôi:
 - Nhưng mà quyền sở hữu của tao bị người khác xâm phạm!
Tôi chỉ cười rồi đáp lại:
- Một trăm năm nữa, liệu có ai quan tâm đến cái quyền sở hữu đó của bố nữa không?
Bố tôi liền gắt gỏng:
 - Mày là cái thằng theo chủ nghĩa hư vô, đấy là dung túng cho cái ác, mày có hiểu không?
Tôi liền nói:
 - Mỗi lúc mỗi khác, hư có thể hóa thành thực, ác có thể biến thành thiện, bố cần gì phải cố chấp chứ?
Chính vì nguyên nhân này mà tôi không coi trọng thế hệ những tác gia như bố tôi, lúc nào cũng chấp nhặt những chuyện vớ vẩn, còn lẽ phải thì không hề chú ý, cũng không hề chịu nghiêm túc lĩnh ngộ.
Có một lần, tôi đang xem cuốn Người Canh Ruộng Lúa Mạch thì ông nhìn thấy, liền hỏi:
 - Có phải xem rất đã không?
Tôi nói:
  -  Mới đầu thì còn được, nhưng càng đọc càng cảm thấy tình tiết có vẻ không được rõ ràng, không cuốn hút người đọc.
Ông nhìn tôi rồi nói:
  -  Bố nói là nói cái thái độ với cuộc sống trong đó, chứ không phải nói nội dung câu truyện.
Mẹ tôi cũng đang ở đó, liền lên tiếng:
 - Bố con nhà ông nói cái gì vậy, không phải chỉ là một chút hoang mang, dao động trong thời kỳ trẻ trung nhất của một con người hay sao?
Tôi nói:
- Đúng đó, bố mẹ nên xem quyển sách này đi, con cảm thấy cách nghĩ của họ trong thời kỳ ấy rất giống với cách nghĩ của thế hệ chúng con bây giờ.
Bố tôi có vẻ khinh thường, nói:
  -  Mày tưởng chúng mày theo được họ à? Theo được thì đã tốt rồi! đám thanh niên tụi bay bây giờ đều mắc phải cái tật đó, mày thử nhìn mà xem, mấy cái gọi là văn học phái Tiên phong bây giờ đấy, toàn là đồ sao chép với đạo văn, lại còn làm bộ, làm vẻ viết cái gì mà chủ nghĩa Siêu thực với chủ nghĩa Hậu hiện đại nữa.
Ông cho rằng tôi cũng là một trong số đó, nên càng chỉ trích nặng nề hơn. Tôi cũng không hiểu tại sao, hễ cứ nhắc đến mấy chữ hậu hiện đại hay siêu thực là bố tôi lại phát cáu, chắc có lẽ v`I những người đó đã phá hoại lý tưởng của ông, làm băng hoại cái đạo đức mà thế hệ ông đã gắng sức giữ gìn nên mới trở thành kẻ thù đáng ghét, thành cái gai trong lòng ông như vậy. Bạn thấy đấy, đây chính là tư tưởng, tư tưởng làm cho người với người nảy sinh thù hận, còn chưa gặp mặt nhau mà đã căm ghét rồi, cũng chính vì lý do này mà tôi chẳng muốn mình có tư tưởng gì hết.
Giữa tôi và bố dường như có một khoảng cách mãi mãi, không thể nào thu hẹp, đó không chỉ là sự khác biệt giữa hai thế hệ mà còn có cả sự xung đột về tư tưởng, về văn minh thành thị và nông thôn. Nhưng mặt khác, tôi nhận ra ông rất quan tâm tới tôi, bởi vì tôi là con trai ông. Dù sao thì mỗi lần chúng tôi nói chuyện với nhau đều rất dễ xảy ra chiến tranh. Lần nào ông cũng là người khiêu chiến, còn tôi là kẻ ứng chiến, nhưng lần nào người thắng lợi cuối cùng cũng là tôi. Tất nhiên là lần nào ông cũng tin rằng mình đã thắng, không buồn cãi thêm với tôi nữa.
Nguyên nhân chủ yếu mà tôi kể cho các bạn nghe những chuyện vớ vẩn kia là để nói cho các bạn biết rằng tôi có “kẻ thù” ở ngay trong gia đình nhỏ bé của mình, tôi không thể ở đó được nữa. Ngoài ra tôi cũng muốn nói với các bạn, theo sự quan sát của tôi, thế hệ những người như bố tôi đều luôn nghĩ rằng mình đúng. Bọn họ luôn bảo thủ và cố chấp, không chịu nghe bất kỳ ai khuyên nhủ, nhưng lúc nào cũng lo lắng mọ chuyện, tự cho rằng mình là chúa cứu thế. Còn chúng tôi thì rất khoan dung, chỉ cười thầm những chỗ đáng cười của họ mà thôi. Chúng tôi giống như con mèo, lúc cần hứng thú thì hứng thú, thực tế chúng tôi cũng rất có chủ kiến của mình, chỉ là chúng tôi coi những công danh mà người đời xem trọng giống như bùn đất mà thôi. Còn thế hệ của bố tôi vhi` giống như chó, trung thành canh giữ cánh cửa tín ngưỡng mà bọn họ biết rõ là hư vô. Còn chúng tôi thì đứng bên ngoài cánh cửa đó, làm đủ mọi trò buồn cười để trêu tức, châm biếm bọn họ, nhưng bọn họ vẫn chỉ như vậy mãi. Chuyện này thì đúng là cũng không có cách giải quyết, ai làm việc nấy, ai sống cuộc sống của người nấy thôi!