Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
Phần V

     ược rồi, bây giờ tôi muốn kể với các bạn một chuyện khác. Ông ngoại làm viện sĩ của tôi bất ngờ có được một chiếc xe hiệu Buick. Đó là ưu đãi đặc biệt mà tỉnh dành tặng riêng cho hơn hai mươi vị viện sĩ. Nghe nói tỉnh còn đang xây cả biệt thự cho họ nữa. Người vui mừng nhất không phải bà ngoại mà là mẹ tôi. Mẹ nói:
- Con nghĩ mà xem, ông nghoại cần xe hơi làm gì chứ? không phải sẽ cho chúng ta hay sao? Cả tòa biệt thự kia nữa, cuối cùng thế nào chẳng thuộc về con.
“Đúng, suy cho cùng, tất cả những gì bọn họ có thì sau này đều sẽ thuộc về tôi cả”.
Từ khi nhận giải, ông ngoại tôi bắt đầu trở nên cao ngạo, ông nói với tôi:
- Từ Kiệt à, con phải học hành cho tử tế, nhất định còn phải thi nghiên cứu sinh hay ra nước ngoài du học cũng được, dù sao thì cũng phải học hành cho thật tốt.
Tôi vừa nghe tới đây thì đã bắt đầu thấy chán. Làm gì chứ? một người là tác gia nổi tiếng, một người là viện sĩ, cả hai đều là nhân vật tiếng tăm lừng lẫy, muốn tôi vượt qua họ ư? Đừng có mơ! Tại sao cứ bắt tôi phải lao dịch cho bằng được? tôi cũng từng nghĩ về chuyện này suốt cả một đêm, nhưng khi ngẩng đầu lên nhìn mục tiêu mà mình phải vượt qua thì tôi cảm thấy nó quá xa vời, thậm chí là không thể nhìn thấy, cứ nghĩ tới đấy, tôi lại có cảm giác mình không thể đạt được, mà cũng chẳng muốn đạt được mục tiêu đó làm gì.
Tôi là con người rất thực dụng. Bạn thử nghĩ mà xem, người chết rồi thì sẽ thế nào? chẳng còn gì hết? đời ông nội tôi vẫn còn tin con người có linh hồn, đến đời bố tôi thì bắt đầu hoài nghi rồi, thực tế là bọn họ vẫn luôn miệng phản đối những ai nói linh hồn có tồn tại. Còn đến đời chúng tôi thì đã triệt để vật chất hóa rồi. Đây là thành quả của nền giáo dục nước nhà. Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người. Từ cuộc vận động văn hóa mới đến giờ, chắc cũng được gần trăm năm rồi. Chúng tôi là thành quả của gần trăm năm lao động vất vả của bao thế hệ hoạt động trong ngành giáo dục đó.
Nếu đã vậy thì tôi cần gì phải phấn đấu nữa chứ? nói thực lòng, từ nhỏ tôi đã nghĩ thông vấn đề này rồi. Tôi từng ngây thơ hỏi ông ngoại:
- Ông có tin con người có kiếp sau không?
Ông mới nghe thì giật thót mình, sau đó lại do dự nói:
- Có lẽ là không đâu cháu ạ.
Tôi liền hỏi:
- nếu đã không có, vậy thì sao cả ngày cứ phải nhốt mình trong phòng, không ra ngoài hưởng thụ ánh mặt trời? cứ làm việc như vậy thì còn ý nghĩa gì nữa?
Ông cười nói:
- Chỉ trong lúc làm việc ông mới thấy hạnh phúc.
Từ hôm đó, tôi hiểu ra rằng, ông ngoại tôi sống được là nhờ vào công việc, công việc chính là cây trụ để chống đỡ cho sinh mạng của ông. Về sau, tôi lại hỏi bố chính câu này, ông trả lời rất có khí thế:
 - Con người thể nghiệm và hưởng thụ khoái lạc trong quá trình phấn đấu vì lý tưởng của mình.
Lúc ấy tôi còn chưa biết dùng đầu óc để kích thích ông, còn tò mò hỏi:
 - Lý tưởng này làm được cái gì ạ? Con người nhất thiết phải có lý tưởng sao ạ?
Bố tôi cũng hệt như ông ngoại, lúc đầu tỏ ra kinh ngạc, sau đó thận trọng nói với tôi:
  -  Con cần phải có lý tưởng, có lý tưởng thì cuộc đời con mới có chất lượng, mới có hạnh phúc và vui vẻ.
Tôi nói:
  -  Không phải người chết rồi thì mọi thứ đều không còn nữa hay sao?
Bố nói:
  -  Chuyện này thì không quản được, chúng ta chỉ cần vui vẻ và hạnh phúc trong khi còn sống là được rồi.
Nói tôi thông minh thì chính là thông minh ở điểm này. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã biết đời người vốn rất mong manh và ngắn ngủi, sống để rồi lại chết đi, chỉ có khoái lạc là thực tế và quan trọng.
Điều đó có nghĩa là, người ta sống thì phải theo đuổi khoái lạc. Bọn họ có cách theo đuổi của họ, còn chúng tôi có cách theo đuổi của chúng tôi. Cách của thế hệ chúng tôi giống như một con mèo lười đang tiêu khiển vậy. Đối với họ mà nói, cuộc đời rất ngắn ngủi, còn với chúng tôi, cuộc đời này rất dài, thời gian của chúng tôi còn rất nhiều, chính thời gian dư thừa này đã khiến cho thái độ của thế hệ tôi đối với cuộc đời hoàn toàn khác so với thế hệ của cha, của ông ngoại.
Tất nhiên, cũng có lúc tôi cảm thấy hai thế hệ của họ rất tàn khốc. Họ để lại một đống lớn những vấn đề khó cho chúng tôi. Ví dụ như vấn đề ý nghĩa nhân sinh mà tôi vừa nói. Tại sao chúng tôi lại có quá nhiều tiếng thừa thãi đến như vậy? đây chính là hệ quả do vấn đề kia gây ra. Nó khiến chúng tôi mất hết lòng tin và hứng thú đối với rất nhiều chuyện. Chúng tôi thường đi lang thang giữa dòng người đông đúc và giữa những ngôi nhà cao san sát chứ không phải đi giữa tự nhiên bao la, có lẽ chính là để tìm kiếm cái thứ đã mất đi đó.
Vì thế, có lúc tôi cảm thấy mình chính là phần đã mất đi của bố và ông ngoại.
Quả nhiên mẹ tôi đã đoán đúng. Ông ngoại nói với tôi:
-  Từ Kiệt, có thích lái xe không?
- Tất nhiên ạ.
Tôi sung sướng reo lên.
- Đừng để nó lái! Không nên để mọi quá dễ dàng với nó – bố tôi lên tiếng.
 - Không để nó lái thì để ai lái đây? Chúng ta đều lớn tuổi rồi, các con chắc cũng cảm thấy học lái xe rất vất vả, bố mẹ chỉ có mỗi mình thằng cháu này, không cho nó thì cho ai bây giờ? – bà ngoại tôi phản đối.
Như vậy là tôi đã dễ dàng có được chiếc xe của ông ngoại sau kỳ nghỉ hè thì có bằng lái. Thực ra, tôi đã biết lái xe từ lâu rồi, nhưng cha tôi nói nhất thiết phải có bằng lái mới được. Ngoài ra, ông còn đặt ra ba điều kiện: một là không được lái xe đi học, hai là chỉ có thể lái xe đi chơi vào cuối tuần, ba là phải bảo vệ và chăm sóc xe. Tôi vui vẻ đồng ý luôn. Tôi đã nói với các bạn từ trước rồi mà, tôi không phải là thằng thích khoe khoang.
Trước ngày nhập học, tôi lái xe đưa cả nhà về quê thăm ông bà nội. Mẹ tôi đắc ý vô cùng, cười hớn hở, nói:
 - Nếu sau đổi được căn nhà to hơn thì có thể đón ông bà nội lên ở cùng rồi.
Còn bố tôi thì chỉ trầm ngâm im lặng.
Người vui nhất là ông nội tôi. Cả đời ông chưa được ngồi xe lần nào nên rất hào hứng. Tôi lái xe đưa ông bà lên huyện thăm chú hai và chú ba. Trên đường, ông nội cứ vuốt ve lớp da bọc ghế, hỏi tôi:
 - Có phải da thật không?
Tôi cười đáp:
  -  Đương nhiên là thật chứ ạ.
Lúc tôi bật nhạc lên cho ông bà nghe, ông lại hỏi làm sao nghe thấy tiếng còi của xe khác. Trên đường đi, chúng tôi gặp một người bạn của ông nội, ông liền gọi lớn tên của người đó. Tôi dừng xe. Ông nội hạ cửa xe xuống hỏi ông già kia đang định đi đâu. Người bạn già đó nói là muốn lên huyện. Ông nội hào hứng nói:
  -  Lên xe đi, đây là xe của cháu nội tôi đấy!
Ông già nghi hoặc ngồi lên xe, trên đường cứ không ngớt tâng bốc ông tôi có thằng cháu đích tôn tài giỏi. Bà nội thì ngồi bên cửa sổ nhìn cảnh vật trôi qua vù vù. Đột nhiên bà nói:
  -  Bà cảm thấy hơi buồn nôn.
Tôi liền nói:
 - Bà đừng nhìn ra cửa sổ nữa ạ, đây gọi là say xe đấy!
Lúc đến trước cửa nhà chú hai thì bà không chịu nổi nữa, phải gục người xuống nôn thốc nôn tháo. Ông nội thấy vậy liền mắng cho bà một trận, nói có phúc còn không biết hưởng. Lúc về, mọi người có nói thế nào bà cũng không chịu vào trong xe ngồi. Lệnh Huy phải chạy đi mua thuốc chống say, bà mới chịu lên xe. Lệnh Huy nhìn chiếc xe của tôi, mặt đỏ ửng. Tôi nói với nó, kỳ nghỉ hè sau sẽ lái xe về đây chơi và dạy nó lái xe. Lệnh Huy nghe xong còn vui hơn cả đỗ đại học.
Ông nội nói với cha rằng phải sửa lại cánh cổng. Cha tôi rất ngạc nhiên, hỏi tại sao thì ông nói:
- Xe của Từ Kiệt không vào được, dù sao thì cũng không thể đỗ ở sân nhà người khác mãi như thế được.
Bà nội im lặng một lúc lâu rồi mới lên tiếng:
  -  Liệu có làm đứt mạch phong thủy nhà ta không? không phải mọi người đều nói cánh cổng nhà chúng ta xây rất đắc địa hay sao?
Ông nội nghe xong thì cũng hơi do dự. Bố tôi lúc này mới lên tiếng:
  -  Vậy thì thôi đi, một năm cũng chỉ về có mấy lần thôi mà.
Cả nhà chúng tôi ở quê ba ngày, nếu không phải tôi lấy xe đi chơi thì xe toàn đỗ ngay trước cổng. Ông nội lấy một chiếc ghế băng ra ngồi trước chiếc xe hút thuốc, vừa để trông xe, vừa để nói cho tất cả mọi người biết đây là xe của cháu nội ông, là do ông thông gia của ông tặng, giá tới mấy chục vạn đồng, người trong làng đều tranh nhau đến xem. Họ vây lấy chiếc xe của tôi mà ngắm nghía một cách ngưỡng mộ rồi trầm trồ bàn luận.
Mẹ tôi nói với ông bà nội:
- Bây giờ thì tiện rồi, sau này đợi chúng con đổi một căn nhà rộng hơn thì có thể bảo Từ Kiệt lái xe về đây đón ông bà lên ở chơi một thời gian.
Ông nội cười nói:
 - Thôi đi, bố chẳng đi đâu hết, chẳng đâu thoải mái bằng ở đây cả. Đến chỗ các con, đi vệ sinh cũng không biết đi chỗ nào, lại không được hút thuốc nữa. Mà không khí ở đây còn trong lành, vừa ra cửa là nhìn thấy trời, tốt hơn không khí ô nhiễm ở thành phố nhiều!