Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
Phần VII

     ước mắt tôi trào ra, dù sao cũng không có ai ở đây nên tôi tha hồ khóc, khóc mãi, khóc mãi, cuối cùng thì khóc rống lên thành tiếng. Làm như vậy rất hiệu quả, khóc xong rồi thì tất cả đều như khói thoáng qua trước mắt. Có điều, tôi vẫn không hiểu tại sao cả Âu Dương và Yên Thu đều có quá khứ? Cuối cùng tôi đã nhận ra ưu điểm của gái còn trinh.
Tôi đi nhờ một chiếc xe tải trở về thành phố. Về đến căn hộ mà tôi thuê ở gần trường thì trời đã tối mịt. Tôi không muốn ăn gì hết. Mở cửa ra, chẳng buồn bật đèn, tôi nằm phịch xuống giường. Tôi chợt cảm thấy lạnh. Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái lạnh của mùa thu. Tôi mở tấm chăn ra đắp lên người, cứ để nguyên cả quần áo như thế mà ngủ. Mới đầu không ngủ được, cứ cảm thấy có một nỗi đau đè nặng trong ngực mình, sau đó thì đến cổ họng và mắt, dần dần nó lại trở xuống hệ thống hô hấp, cuối cùng thì hòa vào trong mạch máu. Tôi biết nó sẽ vĩnh viễn tồn tại trong cơ thể mình, vĩnh viễn không thể nào biến mất. Cuối cùng tôi thiếp đi lúc nào không hay.
Tiếng gõ cửa làm tôi tỉnh giấc. Tôi biết đó có thể là Yên Thu nên vẫn nằm yên không động đậy. Tôi không muốn nhìn thấy cô ta lần nữa. Yên Thu thấy tôi không có động tĩnh gì, liền gào thét gọi tên tôi bên ngoài. Tôi vẫn nằm yên. Cô ta bắt đầu khóc. Nhưng tôi vẫn nằm. Cuối cùng thì cô ta cũng bỏ đi. Tôi trở mình, chỉ cảm thấy toàn thân không chút sức lực, lại chìm vào trong giấc ngủ.
Sau đó Yên Thu còn đến tìm tôi nhiều lần nữa. Mỗi ngày cô ta đều gọi điện mười mấy lần, nhưng không lần nào tôi bắt máy, về sau thì tắt máy luôn. Cô ta lại còn đón đường tôi lúc đi học, ôm chặt lấy tôi trước mặt bao nhiêu người, thực giống y như trong phim vậy. Tôi cảm thấy chán ghét vô cùng. Từ đầu tới cuối cô ta vẫn không hiểu được tôi, hơn nữa lại quá phóng túng buông thả. Tôi lạnh lùng nói:
- Vô ích thôi. Cô đừng tự làm nhục bản thân mình như vậy nữa. Phải chú ý đến thể diện chứ!
Yên Thu lại theo tôi vào trong lớp học, còn ngồi cạnh tôi nữa. Tôi chuyển sang một chỗ khác, cô ta cũng lẵng nhẵng bám theo sau. Cả lớp đều quay sang nhìn hai chúng tôi. Mặt tôi đỏ bừng, bao nhiêu sĩ diện và tự tôn đều mất hết. Thầy giáo vào lớp, cô ta liền xin giấy và mượn bút của người ngồi bên cạnh. Cô ta viết thư cho tôi, kể lể những nỗi khó khăn của mình. Trong thư viết, cô ta thật sự không thể mất tôi. Mấy ngày nay, cô ta không lên lớp một buổi nào, trong đầu toàn là hình bóng của tôi. Thầy cô giáo có nhắc nhở, nhưng cô ta vẫn không thể tịnh tâm lại được. Còn người “chú” kia, đúng là cô ta đã có một thời gian quan hệ không bình thường với hắn. Hắn là một ông chủ, cô ta từng đến chỗ hắn làm thêm, từ đó cứ bị hắn bám mãi không chịu buông tha.
Tới đây thì cô ta không giải thích nữa, tôi cũng chẳng muốn biết làm gì. Sau khi xem lướt qua, tôi chỉ viết lại một câu “Không liên quan gì tới tôi, không cần phải giải thích”.
Cô ta theo tôi hai lần, làm tôi không thể nào lên lớp được. Giờ đây tôi vừa sợ lại vừa ghét cô ta, để trốn tránh, tôi phải trả lại gian nhà thuê kia, rồi thuê một gian khác nhỏ hơn ở gần đấy. Tôi không dám về nhà, sợ bố mẹ biết chuyện rồi lại mắng tôi, cả ngày tôi trốn ở gian nhà mới thuê đọc sách, thành ra cũng đọc được không ít những cuốn mà tôi muốn đọc trước đây nhưng không có thời gian.
Nửa tháng sau, tôi mới lên lớp. Lưu Hảo vừa thấy tôi đã nói:
- Mấy ngày ngay anh trốn đi đâu vậy? bọn em tìm khắp nơi mà không thấy anh.
Tôi hỏi vì sao lại phải đi tìm, Lưu Hảo nói:
 - Mấy hôm trước Yên Thu đã dán một tờ thông báo lớn ở khu ký túc xá, bên trên có viết “Hồ Từ Kiệt, em thật lòng yêu anh, ba giờ chiều nay em sẽ đợi ở sân thượng tòa nhà thực nghiệm, anh mà không đến thì chúng ta vĩnh biệt”. Tất cả mọi người đều cuống lên đi tìm anh, nhưng không ai tìm được. Bọn em còn gọi điện đến nhà anh nữa, nhưng mẹ anh nói anh không ở nhà. Chuyện này đã làm kinh động khắp trường, giờ thì hầu như tất cả mọi người đều đã biết chuyện của anh và Hàn Yên Thu, còn biết cả chuyện anh bỏ rơi cô ta nữa.
Cũng may là không có ai tìm thấy tôi, còn Yên Thu thì bị bảo vệ nhà trường bắt gặp.
Sau lần đó, lý trí của Yên Thu có vẻ đã khôi phục lại trạng thái bình thường. Cô ta nhờ Lưu Hảo mang máy tính trả cho tôi. Tôi vừa mở máy lên thì đã nhìn thấy một dòng chữ lớn chạy ngang màn hình “Em mãi mãi yêu anh”. Tôi mở thư mục My Document ra thì thấy có một file cô ta viết cho tôi. Trong đó, cô ta đã viết rất nhiều cảm nhận của mình, bao gồm cả lời trăng trối cho cái lần dọa nếu không gặp được tôi thì sẽ nhảy lầu tự tử nữa. Tôi vừa đọc vừa giật mình thon thót, nhưng chẳng hề thấy cảm động chút nào. Sau khi bị Yên Thu giày vò, tôi trở nên phản cảm với tất cả mọi hành vi của cô ta. Cũng may là mọi chuyện đều đã trở thành quá khứ.
Tờ thông báo kia đã biến tôi thành người nổi tiếng, tất cả mọi người trong trường đều biết đến tôi. Đi trên đường, tôi thường để ý thấy các nữ sinh chỉ chỉ trỏ trỏ sau lưng mình.
Mọi người nói, Ngô Tịnh Di đã bị tôi làm cho thần kinh bất bình thường, phải nghỉ học, bây giờ lại đến lượt Hà Yên Thu bị tôi giày vò cho mất hồn mất phách, còn tôi thì chỉ đùa bỡn với họ không hề có một chút tình cảm chân thành nào hết. Một hôm, Lưu Hảo nói với tôi:
 - Các nữ sinh đều lén gọi anh là tay chơi trác táng.
Lúc ấy tôi nghe mà giận sôi người, trợn mắt trừng trừng nhìn cô. Lưu Hảo cố nhịn cười, nói:
- Em có nói thế đâu, nhưng anh cảm thấy mình không giống hả?
- Giống thì giống chứ sao, tôi không quan tâm lắm!
Tôi nghĩ mãi rồi, thực ra trên đời này vốn chẳng có cái gì gọi là đạo lý cả, chẳng qua là đại đa số mọi người đều đồng ý với một cách làm, cách nghĩ, hơn nữa cách làm đó lại mang đến lợi ích cho mọi người nên mới được coi là đạo lý. Đạo lý này không nhất định phải đúng một cách tuyệt đối, bởi mỗi thời đại đều có thay đổi. Về sau thì bắt đầu có quyền lực, và thứ gọi là chân lý cũng xuất hiện. Tất cả chỉ là những lời xằng bậy gai người, hầu hết những thứ chân lý này đều chỉ phục vụ cho một số người nhất địn hoàn toàn mà thôi. Tôi không tin, dựa vào cái gì mà lấy những thứ đó ra để đánh giá đúng sai chứ? dựa vào cái gì mà bắt chúng tôi phải tin rằng cách nghĩ của thánh nhân là đúng, còn cách nghĩ của chúng tôi là sai?
Tôi tìm được trong thư phòng của cha một cuốn sách rất hay, trong đó có viết “Thưở ban đầu, loài người không có gia đình mà sống với nhau theo kiểu quần hôn, về sau mới xuất hiện mô hình gia đình đơn giản – tất cả đàn ông của một gia đình này là chồng của tất cả đàn bà trong một gia đình khác, về sau nữa lại xuất hiện một kiểu gọi là ngẫu hôn, tức là một người đàn ông có thể có quan hệ với một người đàn bà, khi chán nhau thì lập tức chia tay, rồi lại tìm một người khác, không cần phải ly hôn cho phiền phức. Tôi cảm thấy chế độ hôn nhân kiểu này là hay nhất. ít nhất thì người ta không phải nghĩ ngợi về trách nhiệm, cũng không cần phải kết hôn với ly hôn. Mọ người có thể yêu đương mãi mãi. Thật tốt biết bao! Nếu tôi mà được sống trong xã hội đó thì thật tuyệt!
Điều làm tôi kinh ngạc nhất là ở thời nguyên thủy, trước khi kết hôn, đàn bà của rất nhiều dân tộc phải ra ngoài quan hệ với đàn ông một lần, tức là có thể quan hệ bừa bãi một lần. Đến giờ cũng vẫn còn một số dân tộc giữ tập tục này. Thật là khiến người ta được mở rộng tầm mắt. Nhưng mà, tôi cứ luôn thắc mắc, tại sao trước đây người ta không hề có quan niệm trinh tiết mà bây giờ lại có? Việc tôi chán ghét Hàn Yên Thu và cái quan niệm trinh tiết đáng ghét đó có quan hệ gì không? chắc chắn là có. Chỉ có điều bản thân tôi không biết mà thôi.
Nếu như mỗi thời kỳ đều có chuẩn mực đạo đức của thời đó, vậy thì không thể nói chuẩn mực đạo đức của thời kỳ này là đúng, chuẩn mực đạo đức của thời kỳ kia là sai được, mà chỉ có thể nói thời kỳ này cần một chuẩn mực đạo đức thế này, còn thời kỳ kia lại cần một chuẩn mực đạo đức thế khác. Đây có lẽ là quan niệm lịch sử. Nhưng đây là một thời đại tự do, một thời đại cởi mở, chỉ cần bạn không vi phạm pháp luật, không gây tổn thương cho người khác, bạn sẽ có thể thoải mái, vô tư mà sống theo cách của mình.
Tại sao lại không nhỉ?
Đây chính là cách nghĩ của tôi. Thực ra thì không phải chỉ có mình tôi nghĩ vậy. Hầu hết bạn học của tôi đều như thế, chỉ là có rất nhiều người dễ dàng bị dao động. Mà cái đám dễ bị dao động ấy lại thành một thứ gọi là tập thể, bọn họ cấu thành thời đại và còn muốn tiêu diệt những cá nhân đặc biệt như chúng tôi nữa.
Mỗi ngày cha tôi đều nhận được rất nhiều sách và tạp chí, tất cả đều là những thứ mới nhất. Một số thì ông biết, một số thì không, nhưng tất cả đều muốn làm ông chú ý, thậm chí muốn ông viết cho vài câu, tất nhiên được vài câu nói tốt thì tuyệt vời nhất. Có điều cha tôi rất keo kiệt, rất ít khi ông đi bình phẩm người khác. Thông thường, ông chỉ bình phẩm chúng ở trong đầu. Vừa hay tôi cũng đang học chuyên ngành văn học. Mẹ tôi cũng chẳng mong cha nói tốt cho người khác, nếu muốn nói thì đem tiền tới đây. Có lúc tôi cũng cảm thấy mẹ không sai, bởi vì cha tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm huyết cơ mà. Có rất nhiều tạp chí và sách cha tôi không đụng tới bao giờ, đặc biệt là những loại kiểu như Tiền Vệ hay Thời Thượng gì đó, những loại này trở thành đồ ăn nhanh của tôi. Tôi mang đống sách báo đo đến chỗ trọ đọc dần. Dần dần, hầu như cái gì tôi cũng biết hết. Những điều cha tôi biết thì đã nói cho tôi hết rồi, còn những điều ông không biết thì tôi đã thay ông xem cả.
Tôi rất ít chơi guitar. Dù có chơi thì cũng chỉ là chơi cho một nữ sinh nào đó nghe.
Tôi lấy cây đàn mà Âu Dương tặng từ một chiếc túi da bò ra (chiếc túi này là do tôi đặt người ta làm riêng), sau đó đi ra tắt đèn, nhẹ nhàng ôm đàn, ngẫu hứng gảy mấy tiếng. Mấy tiếng này là dễ làm người ta cảm động nhất, tuy chúng không theo phương pháp gì, nhưng sự xuất hiện của chúng làm cho người ta như đột nhiên từ một thế giới khác bước vào một thế giới tinh khiết, mà thế giới đó chính là thế giới nội tâm của con người đã lâu không nhìn lại. Đợi cho bóng tối trong phòng từ từ tan đi, ánh sáng mờ mờ nhạt nhạt bên ngoài len lỏi vào, tất nhiên, tốt nhất vẫn là có ánh trăng, tôi mới chầm chậm đưa tay vuốt nhẹ lên dây đàn. Tôi không cần nhìn đàn, vì tôi đã quá quen với nó, quen như A Bính quen cây đàn hồ của anh vậy. Tôi sẽ nhắm hờ hai mắt hoặc nhìn ra cửa sổ. Những nữ sinh đó nhìn thấy âm nhạc chảy ra ào ạt từ đôi mắt u buồn của tôi, chảy xuống đất, rồi chảy vào lòng họ, sau đó lại từ trong lòng họ chảy ra, chảy đến một nơi rất xa, rất xa mà không ai biết, phảng phất như là hư không.giống như ánh sáng vậy, không ai biết cuối cùng ánh sáng sẽ dừng lại ở đâu. Có lúc nghĩ lại chuyện này, tôi chợt cảm thấy thương cảm và tuyệt vọng. Những điều chúng ta chưa biết còn quá nhiều, những nơi chúng ta chưa đến thật quá mơ hồ. Mơ hồ đến mức khiến người ta không biết phải làm sao.