Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
Phần XI

     ới đầu tôi rất tức giận, cảm thấy người kia thật quá đáng. Nhưng về sau thì không cảm thấy gì nữa. Một là vì tôi thấy mình không còn áy náy với cậu ta nữa, hai là vì cậu ta nói thế rất bình thường, rất nhiều người khác cũng nói tôi như vậy, đâu phải một mình cậu ta.
Tôi và Lãng Sa đã bắt đầu với nhau như vậy. Một tuần sau tối hôm đó, chúng tôi đều uống say và ngủ chung với nhau. Cô là trinh nữ. Tất cả những gì của cô đều làm tôi xúc động. Sự xấu hổ, ngượng ngùng, khát vọng, điên cuồng và những hoảng loạn của cô làm tôi không thể nào quên. Cô nhìn vết máu trên người mà khóc rấm rức. Tôi ôm chặt lấy cô, hôn lên trán cô, thân thể cô run lên trong lòng tôi. Cả tuần sau đó, tôi và cô cứ quấn lấy nhau, nhưng không hề làm chuyện ấy. Chúng tôi chơi đủ thứ trò chơi trong máy tính. Trước đây cô không hề biết chơi mấy thứ này. Chơi điện tử chán, tôi lại dẫn cô đi khắp nơi, cuối tuần, chúng tôi lái xe ra ngoại ô xem mặt trời mọc.
Không hiểu vì sao, lúc này tôi lại cảm thấy nhớ Âu Dương vô hạn. Thời gian càng dài, nỗi nhớ lại càng sâu đậm. Nó giống như không khí vậy, nhìn không thấy, nhưng đâu đâu cũng có.
Tôi dạy Lãng Sa chơi đủ thứ trò chơi, nhưng được một tháng sau thì cô nói với tôi:
-  Chúng ta cũng phải học chứ!
- Tại sao phải học? học mệt mỏi lắm.
  -  Nhưng em cảm thấy học rất vui vẻ. Một tháng nay, chúng ta không học hành gì cả, em cảm thấy rất trống trải.
  -  Nhưng học cái gì? nói thực cho em biết, mấy bài ở trên lớp anh biết gần hết. Từ nhỏ bố đã dạy anh mấy thứ đó rồi, bây giờ cứ lên lớp nghe giảng là anh cảm thấy đầu đau như búa bổ ấy.
  -  Từ lâu em muốn hỏi anh câu này, tốt nghiệp xong anh định làm gì thế? thi nghiên cứu sinh à?
  -  Không. Anh không muốn học nữa. Anh ghét cái thời đại học hành này lắm rồi.
  -  Thế anh định làm gì?
Lãng Sa nghi hoặc nhìn tôi.
  -  Không biết. Anh cũng rất muốn biết đáp án của câu hỏi này – tôi nhăn mặt nói.
- Không biết? tại sao anh lại không biết?
Cô thắc mắc.
  -  Nói một cách đơn giản anh không muốn làm việc. Anh không biết việc gì thích hợp với mình. Những công việc bình thường thì anh không muốn làm, còn những công việc anh muốn làm, anh lại chưa nghĩ ra.
- Thế anh có nghĩ đến tương lai của mình không? – dường như Lãng Sa có vẻ hơi giận.
  -  Tương lai? Chuyện tương lai ai có thể nói trước được chứ? nói không chừng ngày mai ra cửa đã bị xe đụng chết rồi. Em đừng có trợn mắt lên như thế, anh là anh nghĩ như vậy đấy. Sinh mạng con người rất mong man hoàn toàn, trên thực tế thì sinh mạng nói chung đều rất mong manh.
- Anh đừng tiêu cực như thế nữa! sắp tới năm thứ tư rồi mà anh vẫn không biết mình muốn laml` gã ì thì sao tìm việc được? – Lãng Sa cố nén cơn giân.
 - Nói thực với em, không phải là anh không nghĩ, hầu như ngày nào anh cũng nghĩ đến chuyện này, nhưng thực sự là anh không biết mình muốn làm gì nữa. Bố cũng đã từng hỏi anh có muốn phát triển theo đường âm nhạc không, nhưng đương nhiên là anh không đồng ý. Anh học guitar và hát cũng chỉ để tiêu khiển, chứ không phải để làm thỏa mãn người khác. Anh cũng viết văn, làm thơ nhưng chỉ là để làm rõ một số vấn đề, hoặc muốn ghi lại những tình cảm, những trăn trở của mình mà thôi, anh không muốn dùng chúng để vụ lợi. Phải biết rằng, cái xã hội mà hiện nay chúng ta đang sống là một xã hội rất vụ lợi.
Khi tôi nói những điều này với cô, tôi chợt nhận ra là chúng tôi đang nói hai thứ ngôn ngữ hoàn toàn trái ngược nhau. Cô không hiểu tôi đang nói gì, còn tôi thì lại cảm thấy coi thường những gì cô đang nghĩ, nhưng nhìn bề ngoài thì dường như là ngược lại – là cô coi thường tôi, chứ không phải tôi coi thường cô. Điều này làm tôi cảm thấy vô cùng khó chịu.
Sau khi cô đi, tôi đàn đi đàn lại bài Bài ca chim ưng mấy lượt. Hôm ấy tôi đã khóc. Con chim ưng đó có lẽ có lý tưởng muốn xuyên phá bầu trời, nhưng điều tôi yêu là sự tự do của nó. Tôi không phải là chim ưng, nhưng tôi có sự cô độc của nó.
 I’d rather feel the earth beneath my feet. Yes, I would. If I only could, I surely would. A, không phải tôi không muốn, mà là tôi không thể!
Chưa bao giờ Lãng Sa nói cho tôi biết bố cô làm gì. Tôi có hỏi một lần, nhưng cô có vẻ không muốn nói nên tôi cũng không gặng hỏi thêm nữa. Về sau thì một người bạn của cô nói cho tôi biết, bố cô vốn là một công nhân nhưng đã bị giảm biên chế, giờ đang làm thêm ở một siêu thị. Mẹ cô là giáo viên trung học, mọ chuyện trong nhà đều do bà làm chủ. Cô giống hệt như mẹ, tính cách rất mạnh mẽ. Từ nhỏ cô đã rất coi trọng những thành tích mình đạt được. Tất cả hy vọng trong nhà đều đặt cả vào cô, vì vậy cô chỉ biết học tập, không biết vui chơi là gì, cô cũng chỉ cần thành công, không muốn thất bại, vì vậy suy nghĩ của cô rất kiên định, từng bước từng bước tiến lên phía trước. Cô có mộng tưởng rất lớn về tương lai nhưng những nỗi lo của cô cũng rất nhiều. Một lần, cô nói với tôi:
 - Em thường hay nghĩ, sau này trách nhiệm của chúng ta sẽ rất nặng nề. Anh thử tính mà xem, không chỉ cha mẹ cần chúng ta phụng dưỡng mà cả ông bà nội, ngoại cũng cần chúng ta chăm sóc, như vậy phía trên chúng ta đã có tám, thậm chí là mười hai người già cần lo lắng, còn bên dưới nữa, hiện giờ nuôi con rất tốn kém. Nếu chúng ta không học hành tử tế, tốt nghiệp không tìm được công việc tốt, vậy sau này làm sao gánh vác nổi chứ?
Cô nói liền một mạch, làm tôi cảm thấy mình cũng thở không ra hơi. Chúng tôi đều là con một, chúng tôi đâu có sự lựa chọn nào khác. Nhưng mà, nói thật lòng, chỉ một lát sau đó là tôi hết lo ngay. Tiền của nhà tôi không dễ gì tiêu hết như vậy. Hai thế hệ trước của tôi sống rất thoải mái, đặc biệt là ông bà nội, cuộc sống của ông bà là hạnh phúc nhất. Nhìn bề ngoài thì ông bà chẳng có gì, kém xa so với ông bà ngoại. Tôi tin rằng tuyệt đại đa số mọi người đều nghĩ như vậy. Nhưng tôi lại cho rằng cuộc sống của ông bà nội mới là tuyệt vời nhất, tự do, thoải mái hơn ông bà ngoại rất nhiều. Có điều, tôi không muốn nói những điều này với Lãng Sa. Chuyện của chúng tôi đã ra đâu vào đâu đâu.
 - Đừng nghĩ xa xôi như thế, mệt lắm – tôi khuyên cô.
 - Trước đây em không nghĩ, nhưng từ khi yêu anh thì em bắt đầu nghĩ.
 - Em định sống với anh cả đời này sao? – tôi cười hỏi cô.
  -  Vậy còn phải xem anh có khả năng cưới em hay không đã?
Lãng Sa nói. Từ khi chúng tôi chính thức yêu nhau, cô bỗng trở nên tự tin hơn trước rất nhiều. Nói thực lòng, tôi rất ghét cái kiểu nói năng như vậy. Tôi thầm nhủ, cô có tư cách gì mà kiêu ngạo như vậy chứ? tôi cảm thấy rất khó chịu, nói với cô:
  -  Em muốn anh có năng lực gì đây?
Hôm ấy chúng tôi chưa cãi nhau, nhưng trong thâm tâm đã bắt đầu không hài lòng về nhau.
 - Sau này em định làm gì?
Vài ngày sau đó tôi hỏi cô.
  -  Em đã nói với anh rồi mà, em định thi nghiên cứu sinh, sau này sẽ làm việc trong trường đại học. Mẹ em thì hy vọng em có thể ra nước ngoài, nhưng hoàn cảnh của gia đình em không cho phép. Từ sau khi diễn chương trình thơ ca đó xong, em bắt đầu có ý định làm một người dẫn truyền hình, hoặc làm diễn viên, sau này có thể phát triển theo hướng điện ảnh hay truyền hình. Anh nói xem có được không?
Cô hỏi tôi.
  -  Tất nhiên là được, nếu em muốn phát triển theo hướng đó, có khi anh cũng giúp được phần nào đấy.
 - Tại sao?
Lãng Sa đã biết rõ ý tôi, nhưng vẫn cố làm ra vẻ không biết.
- Bố anh biết rất nhiều người trong giới điện ảnh, truyền hình. Với lại, tiểu thuyết của ông rất hay được cải biên thành phim truyền hình hoặc điện ảnh, để anh bảo bố nói với đạo diễn cho em một vai chính là được chứ gì.
Tôi ba hoa nói.
- Vậy thì tốt quá! – Lãng Sa reo lên, mừng rỡ ra mặt.
Tôi lại cảm thấy không vui. Tôi hy vọng cô sẽ nói là cô không muốn vai chính, vai phụ gì hết, cô chỉ nói vậy thôi, đâu phải là thật. Hoặc là cô sẽ nói cô không muốn dựa vào cha chồng, cô phải dựa vào bản thân mình. Nhưng chẳng những cô không nói vậy mà từ đó trở đi còn rất ân cần với tôi. Cô cứ đòi tôi dẫn về gặp cha mẹ, còn tôi thì cho rằng vẫn chưa phải lúc. Vì chuyện này mà chúng tôi đã cãi nhau mấy lần. Lãng Sa không biết làm nũng, Hàn Yên Thu lại rất giỏi món này. Mỗi lần tôi và cô ta có chuyện không vui, chỉ cần cô ta làm nũng là mọi chuyện đều tan biến. Còn Lãng Sa thì khác, lần nào cũng là tôi phải dỗ dành. Càng về sau, tôi càng cảm thấy mệt mỏi.
Một hôm, Nam Tử gọi điện cho tôi nói:
- Từ Kiệt à? Gần đây cậu và Lãng Sa vẫn tốt chứ?
 - Rất tốt! Có chuyện gì vậy?
Tôi hỏi. Tôi vẫn còn nhớ lúc anh ta gọi Lãng Sa là Sa Sa, trong lòng vô cùng khó chịu.
 - À không có gì, tôi chỉ hỏi thôi.
Điệu bộ ấp úng của Nam Tử làm tôi sinh nghi. Ngày hôm sau khi gặp Lãng Sa tôi cố ý hỏi:
- Gần đây Nam Tử có khỏe không?
Gương mặt cô trắng bệch, hoảng hốt nhìn tôi rồi quay mặt đi nói:
 - Sao anh lại hỏi em chuyện này?
- Không phải gần đây hai người thường gặp nhau hay sao? – tôi cảm thấy hơi giận.
 - Ai nói với anh?
Lãng Sa hỏi ngược lại, nhưng vẫn chưa dám nhìn thẳng vào mắt tôi.
  -  Là Nam Tử nói.
  -  Anh ta nói thế nào?
Cô đột nhiên quay mặt lại nhìn tôi, ánh mắt rất phẫn nộ\/
 - Anh ta không nói gì cả, chỉ hỏi anh chúng ta còn yêu nhau hay không.
 - Sao em phải như vậy chứ?
  -  Chẳng sao cả!
Tôi nổi cáu, không thèm nói gì nữa, ra sofa nằm. Cô ngồi ở một chiếc ghế khác trong góc phòng.
 - Em đã nói bao nhiêu lần, em muốn làm người dẫn chương trình truyền hình. Hôm ấy em đọc trên báo, thấy đài truyền hình đang tuyển người dẫn chương trình, mới đi báo danh. Nghe nói có rất nhiều người đi cửa sau nên em đã đến tìm tay đạo diễn kia và Nam Tử, hy vọng bọn họ có thể giúp được phần nào.
  -  Tại sao em không nói với anh?
Tôi cảm thấy vô cùng bực bội.
 - Nói với anh thì được gì chứ? em đã nói với anh bao nhiêu lần rồi. Em chỉ mong anh nói chuyện với bố anh một tiếng mà anh cũng không nói. Em muốn gặp bố mẹ anh, anh không cho. Em biết anh chẳng hề để ý đến cảm nhận của em. Đã thế thì chia tay đi.
Không ngờ cô cũng tức giận đến vậy.
  -  Chia tay thì chia tay. Nói cho em biết, anh ghét nhất là cái thói vụ lợi đó của em.
Tôi nhổm người dậy nói.
Lãng Sa khóc òa lên, vừa khóc vừa thu dọn đồ đạc. Tôi để mặc cho cô muốn làm gì thì làm.
Cô đi rồi tôi bỗng cảm thấy căn nhà trống trải lạ thường. Tôi đi đi lại lại trong phòng, tức giận cầm một chiếc ly đập mạnh xuống sàn cho vỡ tan. Cơn giận cũng theo đó mà từ từ xẹp xuống. Tôi ngồi trên sofa, bắt đầu nghĩ lại chuyện của mình và Lãng Sa. Không nghĩ thì thôi, cứ nghĩ đến là tôi lại tức đến nổ cả đầu.
Tôi đến tìm một người ở chung ký túc xá với Lãng Sa hỏi xem có biết Lãng Sa và Nam Tử có quan hệ thế nào không. Đây là chuyện mà tôi không thể tha thứ được. Nếu là người khác thì có lẽ tôi còn hiểu được, nhưng Nam Tử, cái tên mắt chó này, thật không phải con người nữa. Nhưng mấy người ở cùng với Lãng Sa cũng không ai biết giữa cô và Nam Tử có chuyện gì, chỉ biết gần đây Nam Tử hay đến tìm cô mà thôi.
Cha tôi thường nói, văn nhân vô hạnh, văn nhân vô đức, những tác giả biết giữ tư cách như ông giờ không còn nhiều nữa. Mẹ tôi cũng nói, cha tôi có thể xem là một người đàn ông có phẩm đức trong giới văn chương.
Lúc ấy tôi đã bừng bừng lửa giận, lái xe đến nhà Nam Tử.
Nam Tử là người đã có vợ con, vợ anh ta là một công nhân. Trước khi sinh con, chị ta cũng rất đẹp, điểm này thì có thể nhìn thấy trong ảnh cưới của hai người. Nhưng bây giờ, chị ta đã biến thành một người đàn bà chợ búa, nét mặt dữ tợn, cả tiếng nói cũng rất lớn. Rõ ràng, chị ta là người cầm trịch trong cái nhà này, còn Nam Tử chỉ là một nô bộc. Nguyên nhân cũng thật đơn giản. Nhà thơ thì làm gì có tiền. Không có tiền thì vợ anh ta đâu cần quan tâm xem anh ta là cái giống gì chứ. Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân mà Nam Tử thay lòng đổi dạ. Tôi tìm đến nhà anh ta theo sự chỉ dẫn của bố. Trong nhà chỉ có vợ Nam Tử và đứa con gái mười tuổi. Nói chuyện với vợ anh ta một lúc, tôi mới biết, thực ra năm nay, Nam Tử đã ba mươi tám tuổi rồi.
Lý trí cho tôi biết có thể Nam Tử thực lòng yêu Lãng Sa, nhưng điều này cũng không thể nào làm nguôi cơn giận trong lòng tôi được. Đây là bất nghĩa. Tuy trong thời đại này, người ta có thể tìm được đủ mọi lý do hợp tình, hợp lý để biện hộ cho hành vi đó, nhưng tôi vẫn không thể nào chấp nhận được.