Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
PHẦN II

     hường thì vào các buổi trưa, tôi hay xem thơ của người khác, có lúc là Pablo Neruda, có lúc lại là thơ Tagore. Neruda hình như gần gụi với tôi hơn, tôi rất thích giọng thơ bình dân của ông. So sánh ra thì Tagore quá rộng mở, quá thần thánh, Tagore là một thánh đồ, còn tôi chỉ là một kẻ phiêu lãng, tôi không thể nào hiểu được thơ ông, mỗi một hơi thở của ông đều như tương thông với thượng đế chứ không phải tôi.
 Trái tim của Tagore cách tôi quá xa, nhưng tôi thích phong cách viết của ông. Tôi cứ ngồi đó xem sách đến tận khi mặt trời khuất hẳn sau rặng núi xa, khi thấy trên trang giấy trắng phủ một lớp ánh sáng huyền ảo của hoàng hôn thì tôi mới ngẩng đầu lên ngắm mặt trời lặn. Một nỗi buồn nhè nhẹ dâng lên từ trong tâm khảm, thậm chí có lúc tôi còn cảm thấy nó chính là và tủy của tôi hóa thành một trận gió, nhẹ nhàng phất qua trái tim tôi, từ từ rơi xuống, chặn ngay trước cửa trái tim. Có lúc tôi lại cảm thấy dường như nỗi buồn ấy đến từ một nơi thần bí xa xăm nào đó trong vũ trụ, từ hư không vô tận, vô cùng, sau đó giống như một đám mây mờ lướt qua mắt tôi, đi vào nội tâm sâu thẳm. Lúc ấy, bóng tối bắt đầu buông xuống, tôi đột nhiên cảm thấy lạnh toát, bụng cũng hơi đói. Hư không, một thứ hư không vô cùng, vô tận đột nhiên đến bên tôi, nói:
- Mày vẫn còn ở trong gian phòng lạnh lẽo này hay sao? Đi đi, đi tìm người trong lòng mình, tìm người mày thích, đến nơi đó mà trở về với thực tại, đến nơi đó mà sưởi ấm cõi lòng lạnh giá của mày đi!
Tôi phải nghe lời của nó, tôi không thể nào trải qua một đêm dài lạnh lẽo và cô độc được. Ở đây, thời gian dường như ngưng kết lại, tất cả mọi thứ của thế giới loài người đều cách tôi rất xa, rất xa.
Cứ thế, tôi lại một lần nữa “xâm lấn” vào sân trường. Cái từ “xâm lấn” ấy là do Đại Vệ nói, Tiểu Vệ cũng cho rằng từ này rất thích hợp với tôi. Cậu ta nói, chỉ cần tôi bước vào sân trường thì giống như một con sói bước vào đó, tham lam nuốt chửng hết tất cả tình yêu của các nam sinh khác, xâm phạm sự tôn nghiêm của họ. Tất nhiên, người bị hại chỉ có các nữ sinh, chỉ có điều các nữ sinh đều như nhau, hễ cứ nhìn thấy tôi là không thể tự chủ được. Tôi chỉ cười cười, coi tất cả như chuyện đùa, nhưng cũng từ đây mà tôi biết được đám nam sinh ghét mình thế nào. Bọn họ gọi tôi là đồ ăn chơi trác táng, tuyệt đối không phải chỉ là đùa chơi.
Có lẽ bọn họ đúng. Hầu hết các nữ sinh trong trường đều biết tôi, biết câu chuyện của tôi. Nguyên nhân thì quá nhiều, đầu tiên có lẽ là vì tôi quá đẹp trai, chuyện này thì không thể trách tôi được, kế đó là thần thoại về mấy lần Âu Dương tới trường, rồi chuyện Ngô Tịnh Di thất tình mà bị bệnh và Hàn Yên Thu đòi tự sát, nguyên nhân thứ tư là tôi là con trai duy nhất của nhà văn nổi tiếng Cổ Nguyệt. Thậm chí có người còn biết cả ông ngoại tôi, bởi vì ông đã tặng tôi một chiếc xe. Tóm lại, tôi trở thành ngôi sao sáng trong trường, hơn nữa còn là ngôi sao dân gian, giống như trùm mafia ở đảo Cicil vậy, tuy rất ít khi lộ mặt trước công chúng nhưng không ai là không biết.
Có điều tôi bây giờ và tôi trước đây đã là hai người hoàn toàn khác. Tôi không dễ dàng nói chuyện yêu đương như trước nữa. Tuy mỗi ngày tôi đều tìm các bạn nữ khác nhau để nói chuyện, có hôm còn lái xe đưa bọn họ đi ngắm mặt trời lặn, nhưng tôi chỉ coi họ là bạn. Có thể những câu nói đùa của tôi thường khiến họ đỏ bừng mặt, tim đập thình thịch, thậm chí là tối về không ngủ được, nhưng tôi không bao giờ nói ba chữ “anh yêu em” với bất kỳ người nào. Nói thật lòng, tôi cũng không thể yêu dễ dàng được nữa. Còn có một nguyên nhân quan trọng nhất, chính là Uông Ngọc Hàm. Tôi thường nhớ đến cô, nhớ đến gương mặt thuần khiết, u buồn của cô. Hình bóng cô thường làm khuấy động những phần êm ả nhất trong lòng tôi, có điều mỗi lần nhớ đến cô, tôi không cảm thấy đau khổ mà chỉ có một chút thương cảm không thể nói thành lời.
Tuyết chỉ rơi thành một lớp mỏng trong thành phố, chẳng mấy chốc đã tan rạ nghe nói tuyết ở ngoại thành rất dầy, tôi chợt hứng lên gọi điện cho Uông Ngọc Hàm. Từ sau lần đó, tôi không còn gặp cô ở sân vận động. Chắc sau này cô cũng không đến xem tôi đá bóng nữa.
- Chào em, dạo này em khỏe không? – tôi dịu dàng hỏi.
- Khỏe ạ, còn anh? – Ngọc Hàm cũng dịu dàng đáp lại, dường như còn có vẻ chút phấn khởi.
- Khỏe lắm, anh thì có gì mà không khỏe chứ - tôi cười lớn, nói.
- Anh tìm em có việc gì không?
Nghe giọng cô có vẻ bối rối.
- Chẳng có gì cả, em có thể xuống đây một lát được không?
Ngọc Hàm do dự một lát rồi nói:
- Đợi em một lát!
Cô đi xuống, phía sau còn có thêm một người, chính là Lữ Xuân Mai. Đã lâu không thấy xuất hiện, cô ta mặc một bộ quần áo đen tuyền, trông cứ như một bóng ma.
Tôi gật đầu chào Xuân Mai, trong lòng thấp thỏm sợ sau lưng tôi, cô ta sẽ nói xấu tôi với Ngọc Hàm. Lữ Xuân Mai thấy tôi ân cần như vậy, cũng cười đáp lễ.
- Anh muốn mời hai người đi xem tuyết. Ở đây tuyết ít quá, nghe nói ở ngoại thành tuyết rơi thành thảm dày, đẹp lắm – tôi nhìn cả hai nói.
Ngọc Hàm không có ý kiến, quay đầu lại nhìn Lữ Xuân Mai. Chỉ nghe cô ta nói:
- Xa như vậy, làm sao đi được?
- Chuyện này thì hai người không phải lo, cứ lên chuẩn bị đi, bốn mươi phút nữa anh đến đón – nói xong tôi liền quay người bước đi.
Tôi bắt taxi về nhà. Cha đang tiếp một phóng viên. Ông muốn tôi ra chào hỏi anh ta, nhưng tôi không có thời gian, chỉ cười một cái rồi chạy đi. Khoảng chừng ba mươi tám phút sau thì tôi đã có mặt bên dưới ký túc xá của Uông Ngọc Hàm. Tôi gọi điện lên.
 - Người nghe máy là Ngọc Hàm, cô ngần ngại hỏi:
- Có thể không đi không anh?
- Anh đã lái xe đến rồi – giọng tôi lúc ấy hơi có vẻ giận dỗi.
Cô vừa nghe tôi nói vậy thì vội vàng nói:
- Vậy được, bọn em sẽ xuống ngay đây.
Cả hai đã thay quần áo ấm, còn đội cả mũ lông nữa. Chiếc mũ lông kiểu Tân Cương làm cho Ngọc Hàm như lắc mình biến thành một nàng tiên nơi thượng giới, nếu không được thế thì cũng phải là một nàng công chúa. Tôi cảm thấy rất vui.
Trên xe, Lữ Xuân Mai là người nói nhiều nhất. Cô ta hỏi tôi xe này của ai. Tôi nói:
Xe của anh.
Cô ta có vẻ rất kinh ngạc. Tôi cũng tâng bốc mấy  câu để lấy lòng, làm cô ta rất cao hứng. Khi chúng tôi ra đến đường cao tốc, Lữ Xuân Mai có vẻ rất hưng phấn. Ngọc Hàm nhìn ra cửa sổ lo lắng hỏi:
- Có phải mình đi nhanh quá không?
Tôi mỉm cười nói:
- Em hãy nhìn phía trước, đừng nhìn sang hai bên. Tuyết trên đường tan hết rồi, không phải sợ gì đâu.
Có điều, đi được một lát thì tuyết càng lúc càng dày, tôi cho xe chậm lại, vừa đi vừa thưởng thức thế giới trắng toát bên ngoài.
 Rặng núi màu xám bạc không một dấu chân người tựa như đang say ngủ, những bông hoa tuyết bay lả tả trên không. Tôi biết một thung lũng rất hiếm người qua lại, ở đó chúng tôi tìm được một gian nhà dân. Bọn họ thường gặp những du khách như chúng tôi nên vừa nhìn là biết ngay mục đích đến đây của chúng tôi. Bọn họ vẫn còn ngủ trên giường đất, giữa nhà có một cái lò sưởi lớn nên trong nhà rất ấm áp. Ngọc Hàm và Lữ Xuân Mai đều tỏ ra rất vui vẻ.
 Tôi dặn chủ nhà làm mấy món ăn nóng, đồng thời nhờ họ mang đến mấy củ khoai để nướng ăn.
Chủ nhà vội vàng chạy đi làm. Chúng tôi đốt lửa lên rồi ra ngoài ngắm cảnh. Lúc đầu thì Ngọc Hàm đi giữa tôi và Xuân Mai, nhưng sau đó Lữ Xuân Mai đã chen vào giữa. Tôi cảm thấy hơi bực mình, liếc sang thấy Ngọc Hàm cũng có vẻ phật ý, bèn mượn cớ đi vòng quanh xem nhà, chuyển sang phía bên kia đi cạnh cô. Dù đã rất cố gắng, nhưng Ngọc Hàm vẫn không thể che giấu được niềm vui trong ánh mắt. Bởi vì tuyết lớn quá, nên  chúng tôi đành phải quay vào nhà. Ba chúng tôi ngồi quanh lò lửa, cười nói vui vẻ, gương mặt người nào cũng đỏ hồng lên.
Chúng tôi tự nướng khoai lấy trên bếp lò. Nửa tiếng sau thì khoai đã chín. Tôi đưa trước cho Ngọc Hàm một củ, cô cẩn thận đón lấy, rồi thổi nhẹ cho bớt nóng, sau đó ăn một cách thích thú. Tôi lại đưa cho Lữ Xuân Mai một củ khác. Thấy hai người ăn ngon lành, tôi cũng bóc nốt củ khoai cuối cùng ra ăn.