Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
PHẦN VII

     ề đến nhà tôi lại không yên tâm, nhắn tin cho cô hỏi xem có ghét tôi không. Cô trả lời là không, mà lại càng yêu tôi hơn. Cô nói tôi đánh cô chứng tỏ tôi là người có tình có nghĩa, lại càng đáng yêu hơn. Tôi đọc tin nhắn mà dở khóc dở cười, chẳng biết nên trả lời thế nào cho phảị
Đại Vệ mỗi ngày một khá lên, vết thương của tôi cũng đã lành hẳn. Một hôm tôi bỗng nhận được điện thoại của Lữ Xuân Mai. Cô ta hỏi sao tôi phải nằm viện mà không nói cho cô ta lấy một tiếng. Tôi ngạc nhiên nói:
- Không phải Ngọc Hàm đã biết chuyện rồi hay sao?
Lữ Xuân Mai trách móc:
- Anh nói đấy là do say rượu bị ngã, nhưng em biết thật ra không phải vậy, hơn nữa, em còn biết là ai đánh anh cơ.
Tôi vội vàng hỏi cô ta xem có phải bạn trai của Ngọc Hàm đứng sau chuyện này không. Lữ Xuân Mai ngạc nhiên nói:
- Thì ra anh cũng biết rồi?
- Anh đã đoán ra từ lâu rồi, vì vậy nên mới không nói cho Ngọc Hàm biết. Ngọc Hàm rất cả nghĩ. Anh sợ cô ấy sẽ áy náy cả đời mất.
Lữ Xuân Mai thở dài nói:
- Tội nghiệp người bạn kia của anh.
Tôi cũng thở dài theo:
- Phải, đây chính là điều làm anh áy náy nhất. Có điều mẹ anh cũng nói rồi, bây giờ người không sao là tốt, tất cả đều có thể bỏ qua được. Anh chỉ cảm thấy buồn thay cho Ngọc Hàm, tương lai của cô ấy nhất định sẽ không thể nào có hạnh phúc với con người đó.
Xuân Mai nói:
- Nó không thể tự quyết định được mà.
Tôi dặn đi dặn lại Lữ Xuân Mai không được nói chuyện này với Ngọc Hàm, cô ta không nhận lời, nhưng lại nói:
- Ngọc Hàm sắp đi rồi.
- Đi đâu cơ?
Tôi bỗng cảm thấy tim mình thắt lại.
- Đi du học – Xuân Mai nói.
- Tại sao?
Tôi vội vàng hỏi.
- Bạn trai nó không yên tâm để nó ở đây nên quyết định đưa nó cùng đi du học.
Lữ Xuân Mai cũng có chút thương cảm.
- Bây giờ Ngọc Hàm đang ở đâu?
- Đang khóc ở bên cạnh em, nó muốn gặp anh một lần.
- Em đợi ở đó, anh sẽ đến ngay.
Tôi trở ra phòng khách, chỉ nói với mẹ và Đại Vệ một tiếng “Con có chuyện cần ra ngoài một lát”, sau đó phóng như bay ra cửa. Tôi dừng xe dưới ký túc xá của Ngọc Hàm, gọi điện cho cô. Cô ra, mắt đỏ au, một tay đang dụi dụi mắt. Dáng vẻ khả ái này của cô làm tim tôi như vỡ thành ngàn mảnh vụn.
Cô ngồi ghế phía sau. Tôi đưa cô đến nơi lần đầu tiên chúng tôi đi ngắm tuyết rơi. Chúng tôi không đến căn nhà lần trước mà lên đỉnh núi. Tôi cứ nắm chặt bàn tay nhỏ bé của cô. Các bạn có hiểu không? không phải tay cô nhỏ thật mà đó chỉ là một cảm giác. Cô ngoan ngoãn để tôi dẫn đi, nước mắt đã ngưng rơi. Trên đỉnh núi, lần đầu tiên tôi ôm chặt cô vào lòng. Cô khóc rấm rứt và nói:
- Tại sao anh không nói chuyện đó với em?
- Anh không muốn em phải áy náy.
- Tại sao anh không tố cáo bọn họ?
- Pháp luật không làm gì được họ đâu. Với lại, làm vậy, cũng không tốt cho em.
- Nhưng mà anh càng làm vậy, em lại càng khó nghĩ.
- Không sao mà, không phải anh đang rất khỏe sao? Chỉ cần em sống hạnh phúc là anh đã mãn nguyện lắm rồi.
Tôi cố hết sức để khống chế nỗi buồn trong lòng.
- Anh nghĩ vậy thật sao?
- Thật chứ! anh còn có thể nghĩ thế nào nữa? – tôi chậm rãi nói.
Có lúc em đã nghĩ mình sống ở trên đời này là một sai lầm, chi bằng chết quách cho xong. Chỉ là…chỉ là…nếu em mà chết, người thân của em sẽ thế nào? – cô lại khóc òa lên.
- Đừng khóc nữa. Hôm nay là ngày cuối cùng chúng ta có thể gặp nhau, cần phải vui mới đúng chứ.
- Anh không hề oán trách em chút nào sao? Có phải anh cảm thấy em rất nhu nhược không?
- Tại sao anh phải oán trách em chứ? em cũng không nhu nhược, anh biết em không thể tự chủ dường như, em rất dũng cảm, em dũng cảm hy sinh hạnh phúc của mình để đem lại hạnh phúc cho người khác
.
Cô nhìn tôi, vừa muốn khóc lại vừa muốn cười.
- Em muốn biết… có thật là anh yêu em không?
Cô rúc đầu vào ngực tôi, không dám nhìn vào mắt tôi.
- Anh mãi mãi yêu em, cho dù em ở đâu anh cũng vẫn yêu em – tôi cảm động nói.
Chúng tôi ôm chặt lấy nhau thật lâu, cả hai đều vô cùng xúc động nhưng vẫn cố kiềm chế bản thân. Mấy tiếng sau, Lữ Xuân Mai gọi điện cho tôi, nói xe đón Ngọc Hàm đã tới. Tôi đưa cô về trường. Ngọc Hàm xuống xe, lưu luyến nhìn tôi, đi một bước lại quay đầu một lần. Tôi nhìn cô, vẫy tay. Đột nhiên cô chạy ùa lại, hôn lên môi tôi. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Rồi cô đi!
Tôi lái xe như điên cuồng, chỉ cảm thấy mình quá ngu ngốc, quá vô dụng, nhưng lại không thể làm gì. Không phải mình đã nhìn, đã hiểu thấu rồi sao? Làm sao lại như vậy? con người thật phức tạp, dễ thay đổi và dễ bị ảnh hưởng. Điện thoại cứ kêu mãi. Mẹ tôi gọi. Tôi không bắt máy. Mặt trời lặn, tôi mới về nhà. Vết thương trên đầu lại xuất huyết. Đến tối thì trán tôi nóng bừng.
Ngày hôm sau, tôi bắt đầu phải truyền dịch, còn ngất xỉu một lần nữa. Mẹ tôi không ngừng hỏi tại sao tôi lại ra nông nỗi này, nhưng tôi nhất quyết không nói. Bố thì cứ mắng suốt. Lần này ông tức giận vô cùng. Bố nói, ông vốn định đợi sau khi tôi khỏe lại thì mới trừng trị, không ngờ còn chưa khỏe thì lại xảy ra chuyện. Bác sĩ đã nói, cần phải ở nhà tĩnh dưỡng, nếu không sẽ rất dễ mắc bệnh uốn ván, lúc ấy thì không phải chuyện đùa đâu. Tôi cũng không dám ra ngoài nữa. Ông ngoại, bà ngoại biết chuyện, vội vàng đến thăm, gặp đúng lúc bố đang định chỉnh đốn tôi, liền vội vàng ngăn cản. Tôi cảm thấy rất khó chịu.
Hoa Tiên Tử vẫn gởi tin nhắn cho tôi. Dường như cô không hề có ý định đi. Sau khi Ngọc Hàm ra đi, cô là người thu hút mọi sự chú ý của tôi. Ngày nào cô cũng lượn qua lượn lại ở sân trường, không ngừng gởi tin nhắn cho tôi, nói chỗ nào đẹp, chỗ nào chẳng ra sao. Cô còn đi gặp cả Hàn Yên Thu và Ngô Tịnh Di nữa, rồi gởi tin nhắn cho tôi:
Bọn họ đều rất xinh đẹp, tại sao anh lại bỏ rơi họ?
Lúc ấy thật sự là tôi muốn khóc mà không được, muốn cười cũng chẳng xong. Cô còn hỏi tôi hôm ấy có phải Ngọc Hàm ghen không? có lúc, cô lại đột nhiên hỏi tôi câu thơ này hay câu thơ nọ nên hiểu thế nào, hỏi tôi năm lên sáu tuổi có nằm mơ không. Cô bé trong mơ đó có giống cô không. Cô nói hồi sáu tuổi cô đã nằm mơ thấy tôi, vì giấc mơ đó mà cô mới tới đây tìm tôi. Lúc cô nhìn thấy tôi, cô rất kinh ngạc, vì tôi giống hệt như người mà cô gặp trong giấc mơ.
 Tôi không biết cô nói có thật hay không, bởi dù sao thì tôi cũng quên mất hồi sáu tuổi mình nằm mơ thấy gì rồi, tất nhiên là càng không thể nhớ ra có cô bé nào trong giấc mơ đó hay không. Cô còn hỏi tôi hồi mười sáu tuổi có thầm yêu cô bạn học nào không. Hỏi tôi yêu ai nhất trong số những người tôi đã yêu. Tình yêu với họ và tình yêu với cô, tình yêu nào là thật. Tình yêu nào sâu đậm, tóm lại là những câu hỏi của cô đều rất bất ngờ, rất khó trả lời. Có điều, cô cũng không nài ép tôi phải trả lời, nói sau này trả lời cho cô cũng được.
Còn tôi, tôi hỏi cô đang làm gì thì cô nói đang viết truyện. Câu trả lời của cô làm tôi cười sặc cả nước. Cô mà cũng biết viết truyện? tôi hỏi cô viết gì. Cô bảo đang viết truyện cổ tích về hai chúng tôi. Ôi! Ấn tượng của tôi về cô chỉ là một ảo ảnh. Tất cả những chuyện về cô và tôi, rất có thể chỉ là do tôi tưởng tượng ra mà thôi.
Nhưng có một chuyện thì không thể là tưởng tượng, cũng không thể bịa đặt được.
Hôm ấy khi tôi đã có thể ra khỏi nhà. Sáng sớm, tôi xuống nhà lấy báo lên cho Đại Vệ và bố xem. Đại Vệ cũng có thể đi lại chầm chậm, nhưng vẫn cần một thời gian tĩnh dưỡng mới có thể ra ngoài được. Tô Kiệt không còn tới thường xuyên nữa, vì cảm thấy trong nhà quá đông người sẽ ảnh hưởng đến việc sáng tác của cha tôi. Sau một thời gian tiếp xúc, cha tôi dường như đã coi Đại Vệ là con ruột của mình. Mẹ tôi cũng rất tốt với cậu ta. Bọn họ chủ động liên hệ công việc giúp Đại Vệ, hy vọng cậu ta có thể ở lại thành phố này.
Tôi ghét đọc báo. Tôi cảm thấy rất nhiều thứ viết trên báo, nếu không giả dối thì cũng vô vị. Ngày nào báo chí cũng chỉ đăng tin về những vụ án giết người và thanh niên tự sát, hoặc đầy rẫy những quảng cáo nhà đất và chữa bệnh yếu sinh lý.
Còn Đại Vệ thì đã tập được thói quen đọc báo ở nhà tôi, cậu ta ngồi trên chiếc sofa nhỏ, còn bố thì ngồi trên chiếc ghế bành to, mẹ cầm điều khiển tivi. Tôi ngược lại, trở thành người ngoại cuộc. Mẹ tôi đã xin cho tôi và Đại Vệ nghỉ một tháng. Mẹ cũng không thích đọc báo giống tôi, cả hai mẹ con chỉ thích xem tivi.
- Tử Kiệt, cậu xem này, cậu xem cái này.... – Đại Vệ đột nhiên thốt lên.
Tôi liếc thử, lại là vụ án giết người, nhưng khi xem kỹ lại thì tôi mới ngớ người ra. Theo báo viết thì mười một giờ đêm hôm qua, ở nhà 70 tòa nhà số 8 khu nhà của công ty Quảng cáo gần đại học Nam Kinh đã xảy ra một vụ giết người. Trời ơi, đó là nơi ở bên ngoài của tôi mà?
Hoa Tiên Tử đã chết. Theo phán đoán của cảnh sát, cô bị cưỡng hiếp trước khi bị giết.
 Sắc mặt tôi trắng bệch ra. Đại Vệ nhìn tôi nói:
- Cậu đừng quá lo, biết đâu lại lầm lẫn thì sao?
Điện thoại của tôi đang sạc pin, tối hôm qua hơn mười một giờ mới sạc. Lúc ấy tôi vừa gửi tin nhắn cuối cùng cho Hoa Tiên Tử, nói máy của tôi hết pin, cần phải sạc. Tôi vội vàng lấy điện thoại gọi cho Hoa Tiên Tử, cô tắt máy. Mẹ thấy dáng vẻ lo lắng của tôi liền hỏi có chuyện gì xảy ra. Đại Vệ đưa mắt nhìn tôi. Tôi chỉ biết dùng ánh mắt bất lực đáp lại cái nhìn của cậu ta. Cả bố tôi cũng hỏi có chuyện gì. Tôi đành kể hết mọi chuyện. Lúc ấy bố tôi giận lắm, suýt chút nữa đã lao tới ném tôi bay ra ngoài cửa sổ. Mẹ tôi thì chỉ ngồi im lặng, không nói câu nào. Tôi đứng vụt dậy, định lao ra cửa. Bố liền lừ mắt quát:
- Mày định làm gì nữa?
Tôi gần như hét:
- Con phải đi xem sao, vì con nên cô ấy mới tới đây.
Dứt lời nước mắt của tôi trào ra. Bố tôi nói:
- Đợi đấy, để bố đi với mày.
Mẹ tôi cũng muốn đi, căn nhà rộng chỉ còn lại một mình Đại Vệ.
Theo bài báo đó thì tất cả những đồ đáng tiền trong nhà tôi đều đã  bị kẻ ác thú cướp sạch. Trên đường đi, chủ nhà gọi điện cho tôi qua sao bây giờ mới mở máy. Anh ta chứng thực cái chết của Hoa Tiên Tử. Tôi phóng xe lao như bay trên đường, mẹ tôi vội vàng nói:
- Đi chầm chậm thôi con, dù sao thì người cũng đã chết rồi.
Bây giờ tôi đã không còn nước mắt nữa. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy.
Khi tôi và bố mẹ đến, cảnh sát đã đợi ở đó từ trước. Tôi thấy những vết máu vương vãi khắp phòng, trên giường và trên sofa đều có vết máu của Hoa Tiên Tử, còn cô thì nằm trên mặt đất, máu thịt bầy nhầy. Tôi lao tới định ôm cô lên thì ngất đi. Lúc tỉnh lại, nước mắt cứ trào ra, ngồi bệt dưới đất không muốn đứng lên. Tôi nhớ lại hình bóng cô và từng tin nhắn cô gởi cho tôi, tất cả những thứ đó đều làm tôi cảm thấy đau nhói. Cảnh sát đã dựa vào vé máy bay và chứng minh thư của Hoa Tiên Tử điều tra ra được tên ttt, đông thời liên hệ với người nhà của cô. Cho đến lúc ấy tôi mới biết tên thật của cô là Hoa Hương. Đúng là cô họ Hoa thật.
Các thứ đáng tiền như máy tính xách tay, CD, đàn guitar đều đã mất hết. Các phóng viên còn lẽo đẽo bám theo săn tin tức nhưng đã bị cha tôi cản lại. Ông gọi điện cho Tổng biên tập các báo quen biết, dặn họ đừng xào xáo chuyện này lên nữa. Ông không còn mặt mũi nào đối diện với các lãnh đạo của viện Văn học trường đại học Nam Kinh, nhưng vẫn phải mặt dày mà cười xã giao với họ.
Tôi kiên quyết đòi ở lại với Hoa Tiên Tử song mẹ tôi không chịu. Mẹ nói vết thương của tôi mới lành, không thể để xảy ra chuyện gì nữa. Phía cảnh sát cũng muốn tôi về nhà nghỉ ngơi cho khỏe, để cung cấp cho họ những đầu mối quan trọng hơn. Tôi chỉ cầm theo tập thơ vẫn còn đang đóng dở kia trở về. Ở đó đã không còn thứ gì có thể cầm theo được nữa rồi. Mà mẹ tôi cũng không cho tôi cầm theo thứ gì cả.
Trên đường về, tôi cứ ôm chặt tập thơ đóng dở kia mà khóc. Thực sự thì không có nước mắt, chỉ là tôi cảm thấy mình đang khóc. Trang đầu tiên của tập thơ có vết máu của  Hoa Tiên Tử, đó là một bài thơ của William Wordsworth, tên là Bóng tối u ám che phủ tâm hồn tôi, bài thơ này tôi đã in ra khi chia tay với Âu Dương. Nói thực lòng, tôi không thích nó lắm, nhưng Hoa Tiên Tử lại đặt nó ở trang đầu tiên. Tôi đọc:
“Bóng tối u ám che phủ tâm hồn tôi
Tôi không có nỗi sợ của nhân gian
Dường như
Em đã không còn cảm giác
Với sự thay đổi của thế gian
Em bất động, không còn sinh lực
Không nhìn thấy và cũng không nghe thấy
Chỉ giống như cây rừng và đá núi
Mỗi ngày đều cùng xoay chuyển với địa cầu”
Tôi vô cùng ngạc nhiên. Lẽ nào tất cả chuyện này đều là xảo hợp? giấc mơ của cô? Bài thơ này? Mẹ thấy vết máu trên tập thơ tôi đang cầm, liền bảo tôi vứt nó đi. Tôi trợn mắt đầy những tia máu lên nhìn mẹ, không nói gì. Sau đó, tôi kể cho mẹ nghe. Mẹ cho rằng nếu Hoa Tiên Tử không gạt tôi, nghĩa là cô đã mơ giấc mơ đó, thì tất cả đều đã được an bài bởi số phận, không ai có thể thay đổi được.
Cha tôi không tin những chuyện này. Tôi ngồi nghe ông la mắng trong trạng thái ngẩn ngẩn, ngơ ngơ. Ông bảo tôi không có tiền đồ, là thằng lưu manh, thằng công tử bất tài đúng nghĩa. Gia đình tôi chìm trong không khí u ám. Ngày thứ ba, bố mẹ của Hoa Tiên Tử đến. Họ ngồi xe lửa từ Thanh Đảo tới đây. Bọn họ không tin vào chuyện này. Con gái họ không phải đang học đại học ở Thiên Tân sao? Tại sao lại tới đây? Lúc họ nhìn thấy tôi, chỉ hận không thể băm vằm tôi ra làm trăm mảnh. Nhưng sau khi nghe bố tôi giải thích mọi chuyện, thù hận đó dường như đã hóa giải đi phần nào. Chúng tôi đều là con một, khi người làm cha làm mẹ mất đi đứa con duy nhất của mình, hy vọng và lòng tin để tiếp tục sống cũng không còn nữa. Nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi cúi gằm mặt, không muốn nghĩ tới bất cứ ai hay bất cứ điều gì nữa. Lúc này, tôi chỉ mong bố mẹ của Hoa Tiên Tử đập cho mình một nhát chết tươi cho xong.
Hoa Tiên Tử được hỏa táng vào ngày thứ tư sau khi gặp nạn. Mẹ kiên quyết không cho tôi đi, nhưng tôi vẫn đòi đi bằng được. Cho tới tận lúc đó, tôi vẫn không thể chấp nhận chuyện mình và Hoa Tiên Tử đã từng yêu nhau. Tôi chỉ cảm thấy, từ đầu đến cuối mình luôn gạt cô, đó chỉ là hứng thú nhất thời của tôi mà thôi.
Bố mẹ cô đi được ba ngày thì vụ án cũng phá xong. Thủ phạm là mấy tên công nhân đến từ Sơn Đông, Thái Nguyên, có một tên đã có tiền án từ trước. Theo lời khai của chúng thì bọn chúng đã chú ý đến Hoa Tiên Tử từ ngày thứ tư cô đến đây, sau khi quan sát mấy ngày thì mới ra tay. Tối hôm đó cô ra ngoài mua mì ăn liền, bọn chúng liền đi theo về. Chúng gõ cửa nói là người thân của chủ nhà, đến tìm anh ta. Thế là bất hạnh đã ập xuống đầu Hoa Tiên Tử đáng thương.
Nghe nói bọn chúng đã bán cây đàn guitar của tôi cho một sinh viên với giá hai mươi tệ. Còn chiếc máy tính, vì chúng đòi giá quá cao người kia không mua được nên chúng giữ lại, nhưng bộ sạc pin thì đã đánh rơi đâu mất, pin trong máy cũng đã dùng hết sạch.
Tôi phải đến trường. Đại Vệ ngại nên không muốn ở lại nhà chúng tôi nữa mà cứ đòi về nhà. Cậu ta nói giờ đã có thể về nhà được rồi. Me tôi cương quyết không chịu nhưng Đại Vệ nói:
-Cháu cứ ở đây mãi thì bác làm sao đi làm được?
Bà ngoại tôi bèn nói:
-Vừa hay, nhà bà rộng lắm, bà lại không có việc gì, cháu có đến đấy ở cũng được. Đợi khỏe hẳn rồi hãy về nhà.
Đại Vệ không chịu, cứ đòi về nhà bằng được.
Tôi liền lên tiếng khuyên cậu ta:
-Hay là chúng ta về ký túc xá đi, dù sao mọi người cũng đi thực tập hết rồi, chẳng còn ai đâu.
Đại Vệ nói:
-Vậy cũng được.
Sau khi về ký túc xá, Lưu Hảo và Tô Kiệt thường tới thăm chúng tôi. Có lúc bốn người ngồi đánh bài rất vui vẻ. Lưu Hảo đã thi nghiên cứu sinh chuyên ngành Văn học thế giới ở viện Văn học trường đại học Nam Kinh. Cô nói mấy năm trời mượn sách cho tôi đã làm cô nảy sinh tình yêu với văn học thế giới. Còn Tô Kiệt thì đi làm, vì không muốn đi học nữa.
Về trường được một tuần thì tôi tìm được bộ sạc điện mới, vội vàng mở máy tính lên. Tôi nhớ Hoa Tiên Tử từng nói là đang viết truyện, bèn tìm thử.
 Trong My Document không thấy, trong các thư mục khác cũng không có. Tôi đoán chắc cô chỉ nói đùa, bèn bật gam lên chơi. Chơi mãi, chơi mãi tôi bắt đầu cảm thấy chán ghét máy tính, bèn tắt máy đi, xếp vào một góc. Một buổi hoàng hôn buồn tẻ, Đại Vệ được Tô Kiệt đỡ ra ngoài đi tản bộ, ở trong phòng một mình, tôi lại bật máy tính lên. Tôi vẫn cảm thấy chắc chắn Hoa Tiên Tử đã viết thứ gì đó, bèn tìm lại một lượt, nhưng tìm hết tất cả các ổ đĩa mà vẫn không thấy đâu. Tối hôm ấy tôi nằm mơ thấy Hoa Tiên Tử, cô kể hồi sáu tuổi đã nằm mơ thấy tôi. Lúc tỉnh lại, tôi đột nhiên nhớ ra tên thật của cô, rồi chợt nghĩ ra một chuyện. Nửa đêm, tôi mò dậy mở máy tính, vào mục search đánh chữ potpourri. Cuối cùng tôi cũng tìm được những gì Hoa Tiên Tử đã viết.
Một file được đặt tên là potpourri-9, cũng là file cuối cùng mà cô viết trước khi gặp nạn, viết rất đơn giản.
“Tiêu Dao nói anh ấy sắp khỏe lại rồi, mình cảm thấy thật mâu thuẫn. Những ngày này, mình luôn mong chờ anh khỏe lại, mình và anh vẫn còn chưa ôm nhau, chưa hôn nhau mà. Mình đã bỏ học khá lâu, mọi người cũng bao giờ đi tìm rồi. Nhưng mà, mình nhận ra càng lúc mình càng yêu anh ấy hơn. Có lẽ là vì ngày nào mình cũng nói với anh rằng em yêu anh, ngày nào mình cũng nghĩ đến anh. Vì vậy mình rất sợ anh đến, sợ anh đột nhiên coi thường mình, đuổi mình đi, vậy thì mình phải làm sao? Vốn chỉ định đùa chơi thử, ai ngờ lại thành thật chứ!
Ngày mai anh ấy đến rồi, mình phải thu dọn lại nhà mới được”.
Một file đặt tên là potpourri-3, có tiêu đề là Cổ tích lễ tình nhân, tôi mở ra xem thử, thấy rất dài, có lẽ phải mấy chục ngàn chữ. Đây chính là câu chuyện cổ tích về tôi và cô mà cô đã nói tới? chính là tiểu thuyết của cô? Tôi cẩn thận đọc từng chữ. Đúng là hồi ức của cô về câu chuyện của chúng tôi, từ lúc bắt đầu quen nhau trên mạng đến lúc gặp nhau. Qua những dòng chữ đó, tôi cảm nhận được một trái tim thuần khiết đang đập mạnh vì tôi. Văn của cô rất đẹp, hoàn toàn trái ngược với cách nói chuyện và nhắn tin của cô. Tôi còn phát hiện một im lặng rất quan trọng, cô đã biết tên thật của tôi, thậm chí còn
biết cả bố tôi nữa. Thì ra mùa xuân năm nay, bố tôi đã đến trường cô giảng bài, vô ý nói ra một số đặc điểm của tôi. Vừa hay lúc đó tôi bắt đầu quen cô trên mạng. Tôi đã từng nói với cô, tôi học năm thứ tư ở khoa Trung thuộc viện văn học trường đại học Nam Kinh, còn bố tôi là một tác gia, có tham gia dạy một số môn ở trường, vì vậy tôi luôn cảm thấy bị áp chế, nhưng tôi không nói cho cô biết bố tôi là ại khi làm báo cáo cho bố tôi, cô có tranh thủ hỏi xem con trai ông hiện đang học ở đâu, có sở thích gì. Lúc ấy bố tôi đã nói với vẻ vô cùng tự hào, con trai ông là Hồ Tử Kiệt, chơi guitar rất giỏi, đã làm rất nhiều người phải rơi lệ, thậm chí có nhà thơ còn gọi đó là âm nhạc sát nhân nữa. Điều này thì tôi đã khoe khoang với cô từ lâu. Cô đến gặp tôi, tò mò muốn xem thử mặt mũi tôi thế nào, chủ yếu là vì tôi đã kể cho cô nghe chuyện của tôi và Âu Dương và rất nhiều chuyện khác nữa. Chỉ sau khi chúng tôi gặp nhau, cô mới yêu tôi, nói một cách chính xác là sau khi tôi đánh cô. Trong gần nửa tháng đợi chờ, tình yêu của cô với tôi ngày một sâu đậm hơn, đặc biệt là khi ngắm nhìn và dùng những đồ vật của tôi, cô thấy có một cảm giác sở hữu. Sau khi gặp Hàn Yên Thu, Ngô Tịnh Di, Lưu Hảo và Uông Ngọc Hàm, cô lại càng yêu tôi hơn. Cô nói, bọn họ đều chỉ là khách qua đường, chỉ có cô mới là tình yêu vĩnh cửu trong cuộc đời tôi. Cô còn khoe khoang, cô đẹp hơn Ngô Tịnh Di và Lưu Hảo, dũng cảm hơn Uông Ngọc Hàm, biết kiềm chế hơn Hàn Yên Thu, đàn bà hơn cả Âu Dương nữa. Còn có giấc mộgn hồi cô năm sáu tuổi, đó là duyên phận do trời cao định sẵn. Tóm lai, chỉ có cô là người hoàn mỹ nhất, thích hợp với tôi nhất.
Có lẽ rất nhiều người chưa từng gặp những chuyện mà tôi đã trải qua ở tuổi tôi, khi một người mà bạn yêu, hoặc một người yêu bạn đột nhiên vĩnh viễn rời khỏi thế gian này vì bạn, cái chết sẽ mang cho bạn một cảm giác cắt da cắt thịt. Khi tôi đọc những gì Hoa Tiên Tử để lại, một sức mạnh khổng lồ của bánh xe số phận cuốn bay hết mọi suy nghĩ của tôi. Tôi cảm nhận một cách sâu sắc sự bất lực của con người, rồi đột nhiên hiểu ra điều gì đó. Hoa Tiên Tử viết lên câu chuyện này, cô luôn hoài nghi quan hệ và những gì xảy ra giữa chúng tôi có phải là thật hay không. Cô viết, tôi chưa từng hỏi xem tên thật của cô là gì, cũng chưa từng nói ba chữ “anh yêu em”, chuyện này làm cô đau lòng, có điều, cô mang tất cả hy vọng của mình gửi vào tương lai, vậy mà cô lại không có tương lai! Cô đã ở đây, chịu đựng sự đau đớn và sỉ nhục nhất trên đời, sau đó vĩnh viễn ra đi. Hễ cứ nghĩ tới đây là tôi lại hận không thể làm nổ tung cả thế giới này, hận không thể lập tức lao đến nhà tù băm vằm mấy tên đó ra làm trăm ngàn mảnh.