Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
PHẦN XI

     ng gật đầu, nét mặt bắt đầu trở nên nghiêm túc. Tôi kể sơ qua mọi chuyện cho ông nghe, tất nhiên là không nói đến quá khứ của Âu Dương. Sau đó tôi nói:
- Bây giờ không phải chuyện chúng cháu yêu nhau hay không mà là không còn ai giúp được cô ấy nữa. Anh trai cô ấy ở trong tù đã nhờ người ra cầu xin cháu cứu giúp cô ấy, cô ấy là người vô tội.
Ông ngoại đứng dậy, do dự đi đi lại lại trong phòng. Tôi lại nói:
- Ông ngoại, người nào cũng có lúc khó khăn, nếu như lần này cháu không cứu được cô ấy, cháu sẽ áy náy suốt đời mất, còn nếu cứu được, những chuyện sau này, để sau này nói. Với lại giữa chúng cháu đã xảy ra quá nhiều chuyện, chắc không còn gì để tiếp tục nữa đâu.
Ông ngoại nghe tôi nói thế liền bảo:
- Cháu phải hứa với ông một chuyện trước đã.
Tôi vội gật đầu:
- Ông cứ nói đi ạ.
- Cháu phải hứa với ông, sau khi cứu cô gái đó ra khỏi nhà tù và trị bệnh xong, cháu không được tiếp tục qua lại với cô ta nữa. Chỉ cần cháu hứa với ông chuyện này, ông sẽ giúp cháu.
Để cứu Âu Dương, tôi đành gật đầu hứa với ông. Nhưng tôi cũng nói với ông:
- Cháu xin ông đừng nói chuyện này với bố mẹ cháu.
Ông cũng đồng ý, còn đưa tôi một ngàn tệ bảo mua thứ gì đó cho Âu Dương.
Sáng sớm ngày hôm sau, tôi lại lái chiếc xe của ông ngoại đi. Cha tôi thấy vậy thì hỏi tôi đi đâu. Tôi liền nói:
- Đi tìm việc.
Ông nghe thế thì chỉ tức giận hừ một tiếng, rồi không thèm để ý đến tôi nữa.tôi mua cho Âu Dương rất nhiều đồ dinh dưỡng và mỹ phẩm, còn nhờ một vị chuyên gia tư vấn cho rất nhiều loại thuốc sau đó mới đến nhà tù thăm nàng.
Nhưng hôm nay nhà tù không cho vào thăm phạm nhân, tôi đành phải để lại túi đồ, nhờ người quản giáo đưa lại cho Âu Dương và viết nhanh mấy chữ, nói cho nàng biết, ông ngoại tôi đã đồng ý giúp nàng, đã tìm luật sư và liên lạc với tòa án, viện kiểm sát rồi.
Ba ngay sau, ông ngoại tôi nói, không cần tìm luật sư làm gì nữa. Tôi vừa kinh ngạc vừa nghi hoặc hỏi ông tại sao. Ông nói:
- Người ở tòa án và viện kiểm sát nói vụ án này thực ra rất rõ ràng. Tất cả mọi chuyện đều do Trương Triều làm hết, hoàn toàn không liên quan đến Âu Dương Lan. Vì vậy quyết định phóng thích sẽ có nay mai thôi.
Tôi liền phóng xe đến tìm Âu Dương. Hôm nay thì có thể gặp được nàng. Nhờ ông ngoại nên quản giáo trong trại đối với tôi rất khách khí, đặc biệt còn sắp xếp một phòng riêng để tôi và Âu Dương gặp mặt.
Tôi ngồi trong gian phòng đó, toàn thân run lên khe khẽ. Cứ nghĩ đến chuyện sắp được gặp lại Âu Dương mà tôi ngày nhớ đêm mong là tôi lại vô cùng kích động và hồi hộp. Nàng bước vào rồi. Hôm nay nàng có trang điểm, mái tóc cũng sửa sang lại, nhìn có sức sống hơn lần trước cả trăm lần, cả đôi mắt cũng đã có thần trở lại.
 Nàng ngồi xuống phía đối diện với tôi, tôi chầm chậm đưa tay ra, định nắm lấy tay nàng. Bàn tay nàng không ngừng run rẩy, khi tay tôi sắp chạm đến tay nàng, thì đột nhiên nàng rụt tay lại. Tôi thất vọng ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt nàng. Nàng cúi đầu cười đau khổ giải thích:
- Em có bệnh, anh đừng như vậy.
Tôi chồm người lên phía trước nắm chặt tay nàng.
- Anh mặc kệ, có chết thì cùng chết chung.
Nước mắt Âu Dương lại rơi lã chã, nàng vẫn không ngẩng đầu lên.
- Thực ra em luôn dối gạt anh, anh có biết…
- Anh biết, chuyện của em anh đã biết hết rồi, cả chuyện giữa em và người đàn ông kia anh cũng biết hết rồi. Anh không ngại.
- Nhưng em không sạch sẽ. Em không thể….
Nàng giằng tay khỏi tay tôi.
- Vậy thì có sao đâu? Anh không để ý chuyện đó.
Tôi nói rồi đưa tay nắm chặt tay nàng lần nữa.
- Nhưng em đang có bệnh, bác sĩ bảo em không thể tiếp xúc với người khác.
Nàng khóc vô cùng thương tâm.
- Anh mặc kệ. Đưa tay cho anh, đưa tay đây.
Nước mắt tôi cũng chảy ra lúc nào không biết.
Nàng chầm chậm đưa tay ra, sau đó nhìn tôi với ánh mắt buồn bã. Trái tim tôi như vỡ tan thành trăm ngàn mảnh. Tôi nói:
- Anh đến để nói cho em một tin tốt lành.
Nàng nhìn tôi im lặng. Tôi nói tiếp:
- Ông ngoại anh nói em sẽ được thả trong nay mai. Chúng ta không cần tìm luật sư nữa. Ông ngoại quen rất nhiều lãnh đạo trên tỉnh, ông nói đã tìm đến cả Viện trưởng viện kiểm sát và Chánh án tòa án tỉnh. Người ta bảo em vô tội, bây giờ chỉ cần làm xong một số thủ tục là sẽ được ra ngoài thôi.
Nàng nghe xong thì cũng rất vui mừng, hỏi lại tôi:
- Thật sao?
Tôi gật đầu mỉm cười đáp:
- Tất nhiên là thật.
- Chẳng trách mà mấy hôm nay họ đối xử với em rất tốt. Nhưng mà, anh trai em..
Giọng của nàng lại bắt đầu nấc nghẹn.
- Anh trai em thì đã hết cách cứu rồi.
Tôi cũng cảm thấy buồn thaycho nàng.
- Thực ra anh ấy là một người con có hiếu, một người chồng, người cha tốt.
Chúng tôi nói chuyện thêm một lúc nữa, đến khi thấy nàng vui trở lại, tôi mới đứng dậy ra về.
Một tuần sau thì tôi tốt nghiệp. Ngoại trừ mấy người chưa tìm được việc làm, còn hầu hết cả lớp đã đi làm hết. Lưu Hảo cũng về nhà. Trước hôm cô về, tôi mời cô ăn một bữa cơm. Hôm đó, cô đã uống say khướt, ngã gục vào lòng tôi. Tôi đỡ Lưu Hảo về ký túc xá, vừa đi cô vừa nôn thốc nôn tháo. Sau khi đỡ cô lên giường, chờ cô ngủ say rồi tôi mới rời khỏi đó.
Tôi biết vì sao Lưu Hảo say, từ đầu tới cuối, cô chưa hề nói một câu “em yêu anh” với tôi. Tôi không muốn nghe những câu nói như vậy, chắc cô cũng biết được điều đó nên cho dù uống say, cô cũng không chịu nói ra. Cả hai chúng tôi đều không muốn làm tổn hại đến tình cảm thuần khiết này. Ngày hôm sau, tôi đưa cô ra ga xe lửa. Trước lúc tàu chuyển bánh, cô khóc. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của cô bay ra ngoài cửa sổ, rơi trên đường ray.
Cùng ngày hôm ấy, ông ngoại gọi điện cho tôi, nói hôm sau có thể đi đón Âu Dương được rồi, sau đó nhắc lại điều kiện giữa chúng tôi một lần nữa. Tôi mừng rỡ nói:
Cháu biết rồi.
Hôm sau tôi lái xe đến trước cửa nhà tù. Tôi không muốn vào đó, tôi muốn cho nàng một niềm vui bất ngờ. Tôi còn mang đến một bó hoa thật lớn. Trong bó hoa đó, tôi  còn gài một bài thơ của Yates có tên là Khi em đã già. Ngồi trong xe đợi cô, tôi đọc lên khe khẽ:
“Khi em đã già, tóc đã bạc, giấc ngủ thiêm thiếp
Bên bếp lửa, em hãy lấy bài thơ này ra
Đọc chầm chậm, nhớ lại ánh mắt dịu dàng trong quá khứ
Nhớ lại những chuyện của ngày xưa
Khi mà biết bao người yêu em
Ái mộ vẻ đẹp của em, dù giả dối hay thật lòng
Chỉ có một người yêu tâm hồn thánh thiện của em
Yêu những nếp nhăn trên gương mặt đã già cỗi của em”
Tôi như nhìn thấy nước mắt và ánh mắt dạt dào tình cảm của nàng khi nghe tôi đọc bài thơ này, rồi nàng dịu dàng nép mình vào người tôi. Đúng vậy, trên đời này chỉ có mình tôi yêu tâm hồn của nàng, yêu những nếp nhăn và thân hình bệnh tật kia. Tôi yêu nàng còn hơn cả chính bản thân mình.
Tôi nhìn thấy nàng ôm bó hoa, mỉm cười hạnh phúc. Rồi tôi nói với nàng, tôi cũng đã có một chiếc xe riêng của mình. Sau đó, tôi đưa nàng đi hóng gió, ăn cơm trưa ở một thị trấn nhỏ ngoại ô và chúng tôi cùng đi thong thả tản bộ trong thị trấn lạ. Trên con đường nhỏ a, chúng tôi tay nắm chặt tay, cùng nhau lấp đầy sự trống trải của mấy năm ròng không gặp mặt. Rồi chúng tôi cùng nằm dài trên một triền dốc, khuất lẩn sau đám cỏ cây rậm rạp. Ở đó, nàng sẽ gối đầu lên cánh tay tôi, mệt mỏi ngủ thiếp đi. Còn tôi thì chăm chú ngắm gương mặt của nàng lúc ngủ, một lúc lại không kìm lòng được mà khẽ hôn lên đó.
 Những cơn gió tinh nghịch khẽ phất nhẹ qua người chúng tôi, trên trời mây trôi lờ lững, không ai làm phiền, không có chuyện gì phải lo nghĩ. Sau đó tôi cũng thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh lại, tôi nhận ra Âu Dương đang chăm chú nhìn mình, nhoẻn miệng cười dịu dàng. Chúng tôi ngồi ôm nhau trên bãi cỏ, không nói một câu nào, chỉ lặng lẽ nhìn gió thổi qua. Tôi và nàng ngồi đó đến khi mặt trời lặn, rồi cùng lặng người ngắm khoảnh khắc huy hoàng đó. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi mới trở về thành phố, vừa đi vừa nghe khúc nhạc Bài Ca chim ưng.
Tôi còn nhìn thấy chúng tôi có một căn nah` rất lớn ở ngoại ô,  xung quanh có suối nước, có cầu nhỏ bắc qua, có rất nhiều cây và những thảm cỏ mượt như nhung. Chúng tôi còn sinh rất nhiều con, con trai thì giống tôi, con gái thì giống nàng, đứa nào cũng rất xinh đẹp. Cả nhà chúng tôi phóng xe chạy như bay trên đường, trên đầu có một con chim ưng đang bay lượn….
Thật là hạnh phúc! Và tất cả những điều ấy sắp thành hiện thực…
Một tiếng đồng hồ đã qua, vẫn không thấy bóng nàng đâu. Tôi thầm nhủ, có lẽ nàng sợ gặp mình. Tôi liền lái xe ra một chỗ kín đáo hơn chờ đợi.
Lại một tiếng nữa trôi qua, vẫn không thấy nàng đâu. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Lẽ nào bệnh của nàng lại tái phát? Hay là nàng lại gặp vấn đề gì rồi? vào hỏi thử tôi mới biết Âu Dương đã đi từ một tiếng trước. Một tiếng trước? tại sao tôi không nhìn thấy nàng? tôi vội vàng hỏi xem có ai đến đón nàng không. Quản giáo lắc đầu nói:
- Không, cô ấy tự đi một mình.
Tôi lại hỏi tiếp:
- Tại sao tôi đợi ở cổng mà không thấy cô ấy ra?
Quản giáo đáp:
- Cô ấy ra đến cổng rồi, sau đó quay lại, đi  cổng sau.
Tôi nghe vậy liền chạy ngay ra xe.
Tôi đi khắp nơi kiếm nàng như một thằng điên, nhưng tìm mãi mà cũng không thấy bóng người. Tôi biết nàng cố ý tránh mặt tôi. Tôi dừng xe lại bên đường, nước mắt lã chã rơi xuống sàn xe. Tôi ngồi lặng đi một lúc, rồi quay về nhà.
Cả buổi chiều hôm ấy, tôi cứ nghĩ mãi xem nàng có thể đi đâu, cuối cùng đành đến tìm tay chủ quán bia. Anh ta nói tốt nhất cậu nên đi tìm Trương  Triều mà hỏi. Đúng rồi, tại sao tôi lại quên mất Trương Triều nhỉ?
Tôi liền đến ngay nhà tù, biếu người quản giáo mới quen một bao me, nhờ anh ta dẫn Trương Triều ra. Trương Triều vừa nhìn thấy tôi liền quỳ sụp xuống, làm tôi giật mình đánh thót, vội vàng chạy tới đỡ anh ta dậy. Anh ta nắm chặt tay tôi nói:
Tử Kiệt, cả đời này tôi có lỗi với cậu, cũng không có cách gì báo đáp cho cậu được, để kiếp sau tôi sẽ trả nợ cho cậu được không?
Tôi lắc đầu nói:
- Anh đừng nói những chuyện này nữa, tôi muốn hỏi anh một chuyện, Âu Dương bây giờ đi đâu rồi?
Anh ta kinh ngạc hỏi:
- Không phải cậu đến đón nó rồi sao?
Tôi buồn bã lắc đầu:
- Tôi không đón được, cô ấy đã lặng lẽ  bỏ đi một mình rồi. Giờ tôi không biết cô ấy đi đâu, tôi cần phải tìm được cô ấy để giúp cô ấy chữa bệnh.
Trương Triều liền cho tôi địa chỉ nhà bố mẹ anh ta, bảo tôi tới đó tìm thử. Lúc tôi đứng lên định đi, đột nhiên anh ta nói:
- Tử Kiệt, tôi có thể nhờ anh một chuyện được không?
- Có chuyện gì anh cứ nói!
- Tôi biết chuyện của cậu và Lan Lan là không thể. Cậu đừng giận. Không phải Lan Lan không muốn mà là gia đình cậu sẽ phản đối. Đây  cũng chính là nguyên nhân mà hồi đó tôi ngăn cản hai người. Nhưng tôi cầu xin cậu hãy tìm nó, chữa bệnh cho nó. Tôi xin dập đầu cúi lạy cậu ở đây.
Nói xong anh ta lại quỳ xuống lần nữa.
Tôi lật đật đỡ anh ta dậy. Trương Triều nói:
- Tôi sắp đi gặp Diêm Vương rồi, không cần gì nữa, chỉ mong cậu có thể giúp tôi chuyện này thôi, xin cậu đấy.
Nhà Trương Triều cách xa thành phố gần một ngày đường. Sáng sớm hôm sau, tôi bảo mẹ rằng mình ra ngoài có việc, buổi trưa có thể không về. Mẹ hỏi tôi đi đâu. Tôi nói:
-Con đi tìm việc.
Mẹ tức giận gắt:
-Có thật là đi tìm việc không? con đi những đâu tìm việc rồi?
-Thì con đi khắp nơi tìm việc mà.
Lúc nào mẹ cũng bảo vệ con, nhưng mà càng lúc con càng quá đáng rồi đấy. Rõ ràng là con không đi tìm việc, tại sao phải gạt bố mẹ làm gì chứ?
Mẹ tôi bực tức nói.
-Sao mẹ biết con không đi tìm việc?
Tôi vẫn cãi.
-Ông ngoại con nói hết với bố mẹ rồi.
Tôi cứng họng, không biết phải nói sao. Mẹ tôi lại hỏi:
-Có phải con đi tìm cô ta không?
Tôi khẽ gật đầu nói:
- Tối qua con đã gặp anh trai cô ấy. Anh ta sắp bị xử bắn. Anh ta đã quỳ xuống trước mặt con, xin con giúp em gái mình chữa bệnh. Con làm sao từ chối được chứ?
- Có gì đâu mà không từ chối được? nó là cái quái gì? chúng ta đã cứu em gái nó ra rồi, còn muốn chúng ta làm gì nữa? con không được đi, con đã hứa với ông ngoại thế nào rồi hả?
- Con có hứa với ông ngoại, nhưng lúc ấy con cũng nói với ông nhất định phải chữa bệnh cho Âu Dương. Bây giờ con không lo cho cô ấy thì cô ấy chỉ có con đường chết mà thôi, so với ở trong tù còn thảm hơn gấp bội. Lúc ở trong tù, cô ấy ngã bệnh còn có người chăm sóc, còn bây giờ, bây giờ trên người cô ấy không có lấy một xu, mẹ bảo làm sao mà sống nổi đây? Làm sao chữa bệnh được đây? Đợi khi cô ấy khỏi bệnh, có thể tự lo cho mình, con sẽ lập tức rời khỏi cô ấy. Con đã nói được thì nhất định sẽ làm được, mẹ yên tâm.
- Nhưng cô ta đi rồi, con làm sao mà tìm được?
- Con về quê cô ấy tìm.
- Không được, con không thể đi. Con là cái gì của cô ta hả? cứ như vậy, cuối cùng cả con lẫn cô ta đều không có kết quả tốt đâu.
- Con phải đi, nếu không cả đời này con cũng không thể sống yên được. Đợi khi nào cô ấy khỏi bệnh, con sẽ rời khỏi cô ấy ngay lập tức.
- Mẹ không thể tin con được nữa rồi. Tóm lại là hôm nay con không được đi!
Lúc này bố tôi từ trong phòng sách bước ra. Ông nhìn tôi, chỉ nói một câu mà cả mẹ lẫn tôi đều không dám tin đó là do ông nói:
- Để cho nó đi, nhưng phải chú ý an toàn, mang thêm một ít tiền nữa.
- Không được! nó không thể đi! – mẹ tôi gắt lên.
- Bỏ đi, chuyện này không thể cản được nó đâu. Để nó đi đi.
Cha tôi lắc đầu nói.
 Cuối cùng tôi cũng ra được khỏi nhà. Tuy không biết cha tôi nghĩ gì, nhưng kể từ lúc ấy, tôi bắt đầu cảm thấy ông làm một người cha thực sự hiểu con.
Bố mẹ Âu Dương sống ở một thành phố nhỏ, tôi tốn rất nhiều công sức mới tìm được họ. Nửa năm trước họ đã bán căn nhà Trương Triều mua cho, sau khi trả nợ, số tiền còn lại cũng không chỉ đủ để để sống qua ngày.
Bây giờ họ sống trong một căn nhà nhỏ chưa đầy bốn mươi mét vuông, lại ở tầng một, hai thân già sống hết sức khó khăn, nghe nói lại còn mắc bệnh nữa. Tôi nói mình là bạn của Âu Dương, tới tìm nàng, nhưng họ đều không tin, tưởng rằng tôi đến để đòi nợ. Cuối cùng tôi phải nói cho họ biết là mình đã cứu Âu Dương thoát khỏi nhà tù, họ mới cho tôi vào nhà. Nói chuyện một lúc, tôi mới biết Âu Dương không hề về đây. Họ còn cho tôi biết, sau khi Trương Triều bị bắt, vợ của anh ta đã bỏ đi nơi khác, có lẽ đã lấy chồng khác rồi cũng nên. Trương Triều còn một người em nữa, chưa lấy vợ, bây giờ đang đi làm thuê ở tỉnh ngoài. Tôi hỏi họ có phải từ nhỏ Âu Dương đã bị cho đi làm con nuôi không. Nói đến chuyện này họ đều có vẻ rất đau lòng và áy náy. Tôi lại hỏi, có phải Âu Dương có một người em trai bị bệnh máu trắng không thì bọn họ đều kinh ngạc lắc đầu, thốt lên:
- Làm gì có!
Bọn họ không hề biết bất kỳ tin tức gì của Âu Dương nên tôi cũng không nói chuyện Âu Dương bị bệnh cho họ nghe. Hai ông bà còn gọi điện cho bố mẹ nuôi của Âu Dương nhưng bên đó cũng không có tin tức gì của nàng.
Họ muốn giữ tôi ở lại, nhưng tôi từ chối. Tôi lái xe chầm chậm đi quanh thành phố nhỏ, ảo tưởng tình cờ gặp được nàng ở một góc phố vắng nào đó. Mười hai giờ đêm tôi mới vào một khách sạn ven đường. Cả đêm ấy tôi không chợp mắt.
Sáng sớm hôm sau, tôi lại đến nhà bố mẹ Âu Dương. Họ nói họ đã liên lạc với tất cả những nơi Âu Dương có thể tới rồi, nhưng không hề có tin tức gì. Xem ra thì Âu Dương không trở lại nơi này.
Tôi thất vọng trở về. Về đến nhà thì đã gần mười giờ tối. Mẹ vẫn để phần cơm cho tôi. Tôi vừa ăn vừa kể sơ qua kết quả chuyến đi cho bố mẹ nghe. Mẹ tôi nói:
- Thôi bỏ đi, xem như người ta không muốn gặp con nữa rồi. Con có tìm thế nào cũng chẳng thấy được đâu.
Cha tôi chỉ im lặng.
Thế này là con đã tận tình, tận nghĩa lắm rồi  - mẹ tôi nói thêm.
Tôi cũng im lặng. Khi một người đàn ông trưởng thành, cũng chính là lúc anh ta học được cách im lặng.