Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
PHẦN XII

     au một giấc ngủ dài, tôi vẫn không can tâm.
Tôi lại đến tìm Trương Triều lần nữa. Nhưng lần này thì không có bất cứ một ai được phép gặp anh ta. Tôi có xin xỏ thế nào, quản giáo cũng không dám cho anh ta ra. Cuối cùng tôi đành đưa cho tay quản giáo kia hai trăm tệ, nhờ anh ta vào hỏi Trương Triều xem Âu Dương còn có thể đi đâu được nữa. Một lúc sau, anh ta đi ra nói với tôi:
- Cậu đi tìm người này, anh ta sẽ giúp cậu. Nếu cả người này mà cũng không có cách thì chắc không ai tìm được cô ta đâu.
Theo sự chỉ dẫn của Trương Triều, tôi gọi điện cho một người tên là Tôn Quốc Khánh. Tôi hẹn anh ta ra gặp mặt, nhưng anh ta không chịu, chỉ hỏi tôi muốn gì. Tôi nói:
- Trương Triều giới thiệu anh cho tôi, tôi muốn nhờ anh giúp tôi tìm em gái anh ta.
Tôn Quốc Khánh nói:
-Được rồi, nể mặt bạn cũ, tôi giúp cậu lần này, khi nào có tin tức, tôi sẽ cho cậu biết.
Tôi đành về nhà đợi. Tôi nghĩ người tên Tôn Quốc Khánh kia chắc chắn là một tay anh chị xã hội đen nên cũng không muốn qua lại quá nhiều với anh ta.
Ở nhà mãi cũng buồn, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện kiếm việc làm. Một hôm mẹ nói với tôi:
-Tử Kiệt, con thấy thế này được không? bây giờ con cứ đến đài truyền hình làm thử, nếu thấy không hợp thì bố mẹ lại tìm chỗ khác cho con.
Tôi chưa kịp trả lời thì bố đã nổi cáu, quát lên:
-Làm gì có chuyện đó chứ? đã làm thì phải làm cho tử tế, đừng tưởng rằng bây giờ dễ tìm việc. Chúng ta đã chiều nó quá rồi đấy!
Tôi không phản kháng gì,để mặc cho bố tiếp tục mắng.
Tối hôm sau Đại Vệ đến thăm chúng tôi. Cậu ta mang tới một thùng nước giải khát, bảo uống thứ này rất tốt. Bố tôi nhìn cậu ta với ánh mắt tán thưởng, rồi quay sang chế giễu tôi:
- Không biết Tử Kiệt bao giờ mới tự kiếm tiền mua được một chai bia nhỉ?
Sáng sớm hôm sau tôi nói với bố:
- Đài truyền hình vẫn còn chỗ cho con chứ ạ?
Ông quay sang nhìn tôi hỏi:
- Nghĩ thông rồi à?
- Chưa, nhưng con muốn đi làm.
Tôi ngoảnh mặt đi chỗ khác.
- Được. Để bố gọi điện cho chú giám đốc đài.
Một trong những nguyên nhân tôi đến làm ở đài truyền hình là vì phóng viên ở đài không phải ngồi trong văn phòng mà có thể đi khắp nơi. Lúc lên gặp, giám đốc có hỏi:
Được, cũng nên như vậy, ai cũng cần đi lên từ cơ bản.
Vậy là tôi được điều đến bộ phận phóng viên. Giám đốc đã nhờ Trưởng phòng đặc biệt chiếu cố đến tôi, thế nên tôi được đối xử rất chu đáo. Trưởng phòng nói:
- Thế này đi, trong hai tháng tới, cậu đi theo mọi người học tập kinh nghiệm, muốn theo người nào cũng được, không có nhiệm vụ cố định.
Trong đài có mấy biên tập nữ, bọn họ rất thích đi cùng với tôi, có người còn mời tôi làm dẫn chương trình nhưng tôi đều từ chối. Mỗi ngày tôi lại đi theo một người khác nhau, nhưng trong lòng lúc nào cũng chỉ nghĩ đến Âu Dương. Cứ ba ngày tôi lại gọi điện cho Tôn Quốc Khánh một lần, nhưng lần nào anh ta cũng nói vẫn chưa tìm được nàng.
Một hôm Tôn Quốc Khánh bỗng gọi điện cho tôi, nói người của anh ta nhìn thấy Âu Dương đang bán nhà giúp người ta ở một khu đô thị mới. Tôi hỏi rõ địa chỉ rồi lập tức tới đó. Đó là một khu nhà mới gần ngoại ô. Tôi đi về phía khu nhà đang rao bán, tìm kiếm khắp nơi mà không thấy bóng dáng Âu Dương đâu, liền gọi điện cho Tôn Quốc Khánh hỏi lại. Anh ta nói:
-Không thể nào, tôi đã hỏi rất kỹ người ở đó, cô ta vừa mới trở về mà, có lẽ đã xảy ra chuyện gì rồi cũng nên.
- Tôi tìm được một người trông giống như giám đốc, hỏi anh ta ở đây có cô gái nào tên là Âu Dương Lan làm việc không. Anh ta lắc đầu nói:
-Không.
Tôi lại hỏi:
-Cô ấy còn có một cái tên khác là Trương Lan.
Anh ta vẫn lắc đầu:
-Không có ai như vậy cả.
Tôi đành tả lại hình dáng của Âu Dương, người kai vừa nghe liền gật đầu lia lịa, nói:
-Có, có, nhưng cô ấy nói mình tên là Mộng Tú cơ mà. Lúc đó tôi cứ băn khoăn về cái họ kỳ lạ đó mãi. Nhưng mà giờ thì không có ở đây, cô ấy nói trong người không được khỏe nên đã xin về sớm rồi.
Tôi nôn nóng hỏi:
-Anh có biết cô ấy ở đâu không?
Người kia lắc đầu:
-Không biết. Nghe nói cô ấy ở gần nhà máy ô tô.
Tôi lại hỏi tiếp:
Âu Dương có để lại phương thức liên lạc gì không?
Anh ta nói:
-Cô ấy không có điện thoại di động nhưng lúc đăng ký tuyển người thì có để lại số điện thoại cố định, anh tìm cô ấy làm gì?
-Tôi là bạn cô ấy, rất có thể cô ấy đang mắc bệnh nặng, cần phải được điều trị ngay.
Người kia liền gật đầu:
-Được, anh đi theo tôi.
Người kia tìm kiếm một lúc lâu, cuối cùng cũng thấy số điện thoại của Âu Dương. Theo phân tích của anh ta, có lẽ chỗ ở của Âu Dương cách đây không xa lắm. Tôi vừa cầm số điện thoại là gọi ngay, đây là số công cộng. Tôi hỏi người đàn bà có giọng nói thô lỗ bên kia đầu dây xem địa chỉ cụ thể chỗ đó thế nào. Bà ta trả lời với vẻ rất bực tức.
Một lát sau thì tôi đã tới đó. Người đàn bà vừa nghe điện thoại chừng bốn năm chục tuổi, béo ú, mặt mày dữ tợn. Bà ta có một tiệm bán đồ tạp hóa. Để lấy lòng, tôi mua của bà ta trời số đồ linh tinh, rồi mới hỏi xem gần đây có cô gái nào tên là Mộng Tú hay không.
Bà ta liền gật đầu nói:
-Có đấy, ở tầng bốn tòa nhà kia kìa, cô ấy vừa lên nhà xong.
Tôi liền chạy lên tầng bốn, gõ cửa căn nhà bên trái. Một người đàn ông bước ra, hỏi tôi tìm ai. Tôi hỏi ở đây có cô gái nào tên là Mộng Tú không, thì anh ta chỉ nói một tiếng không rồi đóng sầm cửa lại. Tôi lại gõ cửa nhà bên phải, bên trong hình như không có người. Tôi lại gõ thêm mấy lần nữa mới nghe thấy có tiếng bước chân. Sau đó thì cửa mở ra.
Là Âu Dương. Sắc mặt của nàng trắng bệch, hai tay ôm chặt bụng, vừa nhìn thấy tôi nàng ngã gục xuống.
Tôi vội đưa nàng đến bệnh viện, sau khi kiểm tra bác sĩ nói:
- Cậu là gì của cô ấy?
- Tôi là bạn.
Tôi cũng không biết trả lời như vậy có thích hợp không nữa.
- Người nhà cô ấy đâu?
Bác sĩ hỏi tôi
- Người nhà cô ấy đều không ở đây, có chuyện gì bác sĩ cứ nói với tôi cũng được. Tôi là bạn trai của cô ấy.
- Thôi được. Tình hình bệnh nhân rất nguy kịch, thời gian có lẽ cũng không còn nhiều lắm đâu
Tôi ngây người ra, bác sĩ lại hỏi:
- Cô ấy có biết mình bị ung thư không?
Tôi gật đầu nói:
- Biết.
Bác sĩ hỏi tiếp:
- Lúc phát bệnh cô ấy đang làm gì?
Đang làm việc.
Tay bác sĩ liền chế giễu:
- Bệnh đến thế rồi còn có thể đi làm sao? Các người có coi cô ấy là người nữa không hả? cô ấy chẳng còn mấy ngày nữa đâu, mau chuẩn bị hậu sự đi là vừa!
Không ngờ lúc ấy tôi lại bình tĩnh được. Tôi chậm rãi đẩy cửa bước vào phòng bệnh. âu Dương đã tỉnh. Nàng thấy tôi ánh mắt hết sức bối rối. Tôi nắm chặt tay nàng nói:
- Tại sao em phải trốn tránh anh? em có bệnh, không thể làm việc, em biết điều đó mà?
- Em không thể liên lụy với anh được nữa, em biết mình không còn được bao lâu nữa, nhưng em cần tiền để sống nốt thời gian ngắn ngủi còn lại của mình.
Nàng cúi đầu nói với vẻ rất đau khổ.
- Đáng lẽ em nên gọi điện cho anh.
Tôi trách móc.
- Em mang lại cho…
Nói tới đây, nàng ngập ngừng nhìn tôi rồi mới nói tiếp:
- Em mang lại cho nhà anh quá nhiều phiền phức rồi, em không thể tiếp tục làm như vậy được nữa.
- Em có biết anh tìm em vất vả như thế nào không? anh đã đến nhà em, gặp bố mẹ em, lại còn đến tìm anh trai em mấy lần, là anh trai em bảo anh đi tìm Tôn Quốc Khánh nhờ anh ta giúp. Anh đã tìm em hơn hai mươi ngày rồi, đến tận hôm nay anh ta mới gọi điện bảo với anh rằng người của anh ta đã tìm thấy em ở đây.
- Bác sĩ nói thế nào?
Bác sĩ nói em không sao, chỉ là mệt quá thôi, nằm viện nghỉ ngơi mấy hôm là không sao hết – tôi cố làm ra vẻ ung dung đáp.
- Anh đừng gạt em nữa. Em biết mình đã bị ung thư, sống chẳng được mấy ngày nữa, biết thế này, thà em chết trong tù còn hơn.
Nàng vừa nói vừa bật khóc.
Tôi vòng tay định ôm nàng vào lòng, nhưng nàng vùng vẫy thoát ra.
- Anh mau về nhà đi, chắc bố mẹ anh đang đợi đấy.
- Không, anh phải ở lại đây với em, cho đến khi nào em khỏi bệnh anh mới đi.
Tôi nghĩ có lẽ bố sẽ hiểu tôi. Tôi đi đến góc cầu thang, lần đầu tiên gọi điện cho ông.
- Bố, con tìm được cô ấy rồi.
ở đầu bên kia, bố tôi im lặng một lúc rồi nói:
- Vậy sao?
- Vâng, nhưng bệnh tình cô ấy rất nguy kịch, con đã đưa cô ấy đến  bệnh viện, có điều bây giờ cô ấy không có người thân nào ở bên cạnh cả. Con cũng không mang theo nhiều tiền, mà bệnh viện thì đang đòi tiền thế chấp.
- Con đang ở bệnh viện nào, bố mẹ sẽ đến đấy ngay.
Tôi nói địa chỉ bệnh viện cho bố rồi trở về phòng bệnh của Âu Dương bảo với nàng:
Bố mẹ anh sắp đến đây rồi. Em cứ yên tâm ở đây dưỡng bệnh nhé!
Âu Dương vừa nghe thấy có bố mẹ tôi đến thì hết sức bối rối. Tôi vội nói:
- Em không cần lo lắng, bố anh là người rất tốt. Lần này ông rất ủng hộ anh. Còn mẹ anh thì khẩu xà tâm Phật, ngoài miệng nói vậy chứ rất dễ mềm lòng. Với lại, nếu bố mẹ không ủng hộ thì anh vẫn có thể đi tìm ông ngoại.
Âu Dương lại hôn mê. Tôi vội chạy đi gọi bác sĩ. Họ nói có lẽ nàng bị kích động cũng có thể là tại nói chuyện quá nhiều nên mệt mỏi.
Chừng một tiếng sau thì bố mẹ tôi tới nơi. Vừa vào cửa, hai người đã thấy Âu Dương đang hôn mê nằm đó, liền hỏi tôi tình hình của nàng thế nào rồi. Sau khi nghe tôi kể hết mọi chuyện, bố tôi thở dài một tiếng rồi cùng tôi đi làm thủ tục cho nàng. Mẹ tôi thì ở lại bên cạnh Âu Dương. Trên đường bố nói với tôi:
-Bố mẹ đã bàn bạc và  quyết định mời một y tá chăm sóc riêng cho cô ấy. Còn con thì phải về đi làm.
Tôi vừa nghe đã giãy nảy người lên nói:
-Vậy làm sao được chứ? giờ đây cô ấy rất cần người thân và bạn bè bên cạnh, cô ấy có còn được mấy ngày nữa đâu?
Mắt tôi ngân ngấn lệ. Bố tôi thấy vậy thì ngẩn người ra nói:
-Chỉ còn mấy ngày nữa thôi ư?
Cuối cùng  thì tôi cũng khóc nấc lên, nghẹn ngào nói:
-Chính miệng bác sĩ đã nói với con, bảo con chuẩn bị hậu sự cho cô ấy.
Bố tôi không nói thêm tiếng nào nữa. Sau khi làm xong thủ tục chúng tôi cùng trở về phòng bệnh. Vừa vào cửa, tôi đã thấy mẹ và Âu Dương đang nói gì đó. Thấy chúng tôi vào, hai người liền im bặt. Mẹ quay sang nói với tôi:
-Tử Kiệt, công việc của con gần đây rất bận rộn. Bố mẹ đã bàn bạc và thống nhất là tìm cho Âu Dương một y tá riêng rồi. Còn con thì hãy trở về với bố mẹ đi!
-Không được, con phải ở bên cô ấy.
-Không, Tử Kiệt, cô nói đúng đấy. Anh về đi!
Âu Dương yếu ớt lên tiếng.
-Không, anh không thể đi.
Tôi vừa nói vừa đưa mắt nhìn bố. Bố liền bước tới cầm tay mẹ kéo ra ngoài. Âu Dương dùng ánh mắt mệt mỏi của mình nhìn tôi sau đó lại hôn mê. Tôi vội chạy ra gọi bác sĩ. Bác sĩ vừa đến đã hỏi:
-Vừa rồi có phải đã nói chuyện gì với cô ấy không?
Tôi liếc mắt nhìn mẹ rồi đáp:
-Không.
-Tình hình rất nghiêm trọng, anh nhìn xem, cô ấy chảy máu mũi rồi kìa.
Mẹ tôi nhìn thấy Âu Dương, sắc mặt trắng bệch. Sau đó mẹ lại quay sang nhìn tôi. Tôi cũng nhìn mẹ. Trừ mẹ ra, không có người nào nói chuyện với Âu Dương hết.
Bố tôi trừng mắt lên với mẹ:
- Đều tại cô cả đấy!
Mẹ tôi ngân ngấn nước mắt, nói:
- Em chỉ nói là không phải cô ấy đã hứa không gặp Tử Kiệt của chúng ta nữa hay sao? Tại sao lại để Tử Kiệt tìm được? em không biết cô ấy sắp chết, nếu mà em biết thì đâu có nói vậy chứ?
- Mẹ nói gì? hai người đã gặp nhau hả?
Tôi kinh ngạc thốt lên.
- Thôi, tốt nhất chúng ta nên nói rõ mọi chuyện cho Tử Kiệt biết thì hơn.
Bố tôi nói.
Sáng sớm hôm Âu Dương ra tù, mẹ con đã đến đó, bảo cô ấy đừng bao giờ tìm gặp con nữa. Mẹ con còn đưa tiền, nhưng cô ấy nhất quyết không chịu nhận.
Tôi vừa nghe tới đây thì đã phẫn nộ hét lên với mẹ:
-Tại sao mẹ lại làm vậy?
-Không phải con đã nói sau khi cứu ra rồi thì không gặp cô ta nữa hay sao? Con còn nói cô ta bị bệnh gan rất nặng nên mẹ mới đưa tiền để cô ta chữa bệnh. Chúng ta đối xử với cô ta như vậy đã là quá tốt rồi, còn có thể làm gì được nữa?
Mẹ tôi nói mà như khóc.
Tôi không nói gì nữa, lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh Âu Dương, nhìn máu từ trong mũi và tai nàng chảy ra, tôi không thể nào ngăn được nước mắt của mình chảy dài trên má.
Tôi lập tức chạy đi gọi điện cho bố mẹ Âu Dương nói cho họ biết nàng bị bệnh rất nặng, nếu có thể thì họ hãy đến bệnh viện ngay. Nhưng Âu Dương đã vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại.
Ngày hỏa thiêu cũng chính là ngày anh trai nàng bị xử bắn. Mẹ nàng đã phát điên, bị dì và cha mẹ nuôi nàng kéo đi. Tôi nhìn theo bọn họ, cảm thấy dường như mình cũng sắp điên tới nơi. Sau đó tôi lại ngẩn ra nhìn quầng lửa khổng lồ nuốt chửng lấy thi thể Âu Dương.
Tôi mới sống được chừng này năm, ấy vậy mà tôi đã hai lần phải nói câu vĩnh biệt với người con gái tôi yêu hoặc yêu tôi. Chuyện này quả thật là vô cùng kinh khủng.
Tôi trở về nhà trong trạng thái ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Ba ngày liền tôi chỉ ở lì trong nhà, không thèm nhìn mẹ lấy một cái. Chính mẹ đã tự ý quyết định cắt đứt sợi dây sinh mạng của Âu Dương.
Ngày thứ tư, tôi nhặt một bài thơ ở bên cạnh mình lên đọc, là bài Trên Cầu Westminster của William Wordsworth.
“Thế gian có nơi nào đẹp hơn đây
Nếu có ai, đứng trước cảnh vật này
Mà không hề cảm động
Thì tâm hồn người ấy đã tê dại
Hãy nhìn thành phố này
Như đang khoác lên một tấm áo mới
Khoác lên ánh mặt trời rực rỡ, chiếu sáng khắp nơi
Thuyền bè, tháp cao, nhà hát, giáo đường, biệt thự
Đều yên lặng, thản nhiên, trần truồng trước thiên nhiên vĩ đại
Dưới ánh nắng tinh khiết chưa nhuốm mùi khói bụi
Những hạt nắng rực rỡ rải xuống thung lũng và núi đồi
Cũng không đẹp bằng cảnh sớm mai nơi này
Tôi cảm nhận được sự yên tĩnh trầm sâu ấy
Dòng sông lững lờ trôi nhè nhẹ
Thượng đế ơi! Tất cả mọi người vẫn còn đang say ngủ
Trái tim vĩ đ.ai này vẫn  còn đang nghỉ ngơi”
Trước đây tôi rất thích bài thơ này. Tình yêu của tôi đối với thành phố cũng hệt như William đã viết vậy, nhưng bây giờ thì tôi căm ghép nó vô cùng. Một ngọn lửa phẫn nộ bùng cháy trong đầu tôi, tôi xé nát bài thơ ra hàng trăm mảnh. Tôi hiểu rồi. Giờ thì tôi đã hiểu. Chính cái gia đình này đã nuôi dưỡng tôi, nhưng cũng chính cái gia đình này đã đẩy tôi xuống vực thẳm. Chính cái thành phố này đã tạo ra “tôi” của ngày hôm nay nhưng cũng chính nó đã phá nát giấc mơ của tôi.
Ông ngoại đến thăm, tôi đành phải ra tiếp. Mẹ đã lên tiếng nhận lỗi với tôi trước mặt ông:
- Lúc ấy mẹ cũng cho là bệnh của Âu Dương có lẽ không chữa được, nhưng cũng chưa đến mức đó, vì vậy mới nói với cô ta bảo cô ta đừng gặp con nữa. Cô ta đã lừa gạt con, vậy mà chúng ta vẫn cứu cô ta ra khỏi nhà tù, như vậy là đã hết tình, hết nghĩa rồi. Chính Âu Dương cũng nghĩ vậy nên đã nhận lời với mẹ, đi xa khỏi nơi này. Mẹ nghĩ nếu con không tìm được cô ta, dần dần rồi sẽ quên đi. Ai ngờ đâu cô ta vẫn còn ở trong thành phố này, lại còn để cho con tìm thấy nữa. Ôi, nếu lúc đó cô ta chịu cầm tiền thì đâu đến nỗi này cơ chứ!
Tôi im lặng không nói gì. Tôi hiểu, là một người mẹ thì cần phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ con mình khỏi bất cứ thứ gì mà bà cho là sẽ nguy hại đến nó. Nhìn dáng vẻ đáng thương ấy tôi biết trong lòng mẹ rất áy náy và bất an.
Bà ngoại nghe thế liền nói:
- Mẹ cảm thấy con làm như thế là không sai. Nếu cô ta không rời khỏi đây, Tử Kiệt nhất định sẽ đi tìm cô ta. Còn cô ta thì sao chứ, bệnh ung thư cơ đấy, chẳng những không thể chữa khỏi mà còn kéo Tử Kiệt của chúng ta suy sụp theo nữa ấy chứ. Chúng ta không làm chủ cho Tử Kiệt thì ai làm chủ cho nó bây giờ. Cô ta chết chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.
Lời của bà ngoại thật lạnh lùng, xưa nay tôi vốn không hiểu tại sao mẹ không thích bà ngoại, giờ thì đã rõ như ban ngày. Bà quá lạnh lùng và tàn khốc. Người đàn bà còn lại của dòng họ Ái Tân Giác La này luôn tự cho mình là một mệnh phụ quý tộc, sinh được bốn người con, trong đó, đối xử với mẹ tồi tệ nhất, cuối cùng những người khác đều cao bay xa chạy, không ai muốn sống chung với bà, chỉ có một mình mẹ tôi ở lại. Kết quả này là do bà tự gây nên.
Tôi vẫn im lặng. Ông ngoại bèn lên tiếng:
- Tử Kiệt, người chết thì cũng đã chết rồi, cháu không thể như vậy mãi được, hãy phấn chấn lên, nếu có thể đi làm thì cháu đi làm đi!
- Không được, nhìn nó thế này, sao có thể đi làm chứ? – mẹ tôi phản đối.
- Để nó tự quyết định đi, cũng đã đến lúc nó phải tự quyết định rồi. Nó muốn đi làm thì đi làm, muốn ở nhà thì ở nhà. Dù sao thì tôi cũng cảm thấy nó là người đau khổ nhất, mới có vài tháng mà trước sau đã có hai cô gái như vậy. Thử hỏi có ai chịu đựng nổi chứ?
Đây là lần đầu tiên bố tôi nói như vậy.
Cả nhà không khuyên giải tôi, cũng không nhắc đến chuyện công việc của tôi nữa. Lòng tôi đã rất mệt mỏi, dường như cũng rất già nua. Có lúc tôi nằm ngủ cả ngày trời, khi tỉnh lại thì toàn thân rã rời không một chút sức lực. Có lúc tôi ngồi trên sofa xem tivi suốt nửa ngày, nhưng thực sự thì lại  chẳng xem gì. Tôi nhìn vào tivi trước mặt, nhưng thực tế lại đang xem chiếc tivi trong lòng mình. Từng cô gái hiện lên trong đầu tôi và bắt đầu diễn vai của họ. Điều làm tôi đau lòng khôn tả là tất cả bọn họ cuối cùng đều có một kết cục không ra gì. Âu Dương đã chết, Hoa Tiên Tử đã chết còn thảm hơn. Ngô Tịnh Di bị điên, Hàn Yên Thu rơi vào vực thẳm trụy lac, Lãng Sa bị danh lợi và dục vọng lôi kéo, còn Ngọc Hàm thì phải ngậm đau khổ mà sống nơi đất khách. Kể cả Lưu Hảo, lúcdn thành phố này, trái tim cô thuần khiết và trong sáng, vậy mà khi ra đi, nó đã là một trái tim mệt mỏi và vô cùng đau khổ.
Bố khuyên tôi nên đi hít thở không khí trong lành. Mỗi buổi sáng tôi đều đi  bộ rất lâu, cuối cùng thì dừng lại ở công viên Lỗ Tấn. Tôi vào ngồi trong đó, nhớ lại cuộc đời đầy phong ba nhưng vĩ đại cô Lỗ Tấn. Trong suốt cuộc đời, Lỗ Tấn vẫn luôn bế tắc. Ông không biết khi già mình sẽ đi con đường nào, lại càng không biết con đường của mình sau khi chết ra sao. Vĩ nhân thì sao chứ? vẫn chỉ là một đời người ngắn ngủi. Tôi nghĩ đến ông nội, ông là một nông dân nghèo, quanh năm ngày tháng đầu tắt mặt tối, không làm được chuyện gì kinh thiên động địa nhưng lại không hề bế tắc và phẫn nộ. Cuộc sống của ông rất bình yên, rất vui vẻ. Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ ta có thể làm nhiều việc hay không, mà là ta sống có vui vẻ hay không, sống có thực với lòng mình hay không. Nói như vậy thì dường như ông nội tôi còn sống chân thực và vui vẻ hơn Lỗ Tấn nhiều. Nhìn xa hơn nữa, trong dòng sông lịch sử dài vô tận ấy, sự vĩ đại của con người so với đấng sáng tạo thật nhỏ nhoi và tầm thường biết bao!
Có một hôm tôi vừa đến cổng công viên thì gặp một cô gái dẫn một đám trẻ lớn nhỏ lố nhố muốn vào trong xem tượng đài Lỗ Tấn, nhưng dường như cô gái không có tiền mua vé cho lũ trẻ nên đang đứng xin xỏ người quản lý, còn người quản lý thì dù có nói thế nào cũng cương quyết không chịu. Tôi liền đi tới, mua vé cho cô gái và đám trẻ. Cô gái lạ mặt nhìn tôi với ánh mắt cảm kích, không ngừng nói “cảm ơn! Cảm ơn!” Tôi nghe khẩu âm của cô ta, biết ngay là người ở vùng núi. Đám trẻ kia, đứa nào cũng mặt mày đen đúa, cổ đen, quần áo rách rưới bẩn thỉu, trông như một đám trẻ ăn xin vậy, buồn cười nhất là trên cổ đứa nào cũng quàng một chiếc khăn bẩn đến kinh người. Mười mấy đứa trẻ đều tròn mắt kinh ngạc nhìn tôi, một đứa hỏi cô gái kia:
- Cô giáo Trịnh, chú ấy là người thân của cô ở đây ạ?
Cô gái họ Trịnh kia đỏ mặt đáp:
- Không phải, cô không biết chú ấy. Chú ấy là một người tốt bụng thôi
Cô gái và lũ trẻ vào được công viên nhưng lại không biết đi đâu. Tôi bèn đi tới nói:
Cô giáo Trịnh, để tôi dẫn cô và các cháu đi.
Cô gái ngẩn người, cặp mắt mở lớn, dùng một giọng thổ âm rất nồng hiểu lại tôi:
- Làm sao anh biết tôi họ Trịnh?
- Vừa rồi không phải có đứa nhỏ gọi cô là cô giáo Trịnh sao?
Cô gái bẽn lẽn, cúi mặt cười khúc khích. Tôi đi phía trước, cô gái lặng lẽ theo sau. Sau lưng hai chúng tôi, mười mấy đứa trẻ đang thì thầm, rủ rì gì đó, thỉnh thoảng lại cười ré lên. Cô gái họ Trịnh ngượng nghịu, lớn tiếng quát lũ trẻ im lặng. Tôi lên tiếng bắt chuyện:
- Cô ở vùng nào đến đây vậy?
- Chúng tôi ở vùng núi.
Cô gái ngại ngùng nói.
- Đây là học sinh của cô à?- tôi lại hỏi.
- Đúng vậy.
- Lớp mấy rồi?
Tôi quay lưng lại nhìn những học sinh không cùng độ tuổi của cô gái họ Trịnh.
-Lớp mấy cũng có hết.
-Lớp mấy cũng có hết là thế nào?
-Tất cả lũ trẻ này chỉ có một giáo viên duy nhất, chính là tôi. Ở chỗ chúng tôi nghèo lắm, không mời được giáo viên. Mươi người đến đấy thì đã đi cả mười, tôi là người thứ mười một. Người ở đó cũng không coi trọng giáo dục cho lắm, đa phần đều không muốn cho con cái đến lớp.
Cô gái nói.
-Cô dẫn lũ trẻ đi chơi xa?
Tôi vừa hiếu kỳ vừa kính phục hỏi.
-Chúng tôi lấy tiền đâu mà đi chơi chứ. Tôi dẫn bọn trẻ đi cho chúng mở rộng tầm mắt, đây là lần thứ hai tôi dẫn chúng tới đây. Lần đầu tiên thì chỉ có năm học sinh, lúc trở về, đứa nào đứa nấy cũng học hành rất chăm chỉ, để mong thoát khỏi nơi nghèo khổ đó. Rất nhiều đứa trẻ khác được mấy đứa đã lên thành phố kể chuyện, nên cũng chủ động đi hoc. Chúng tôi không có tiền, dọc đường hầu như toàn phải đi nhờ xe tải, vì vậy mà trông bọn trẻ đều rất  bẩn thỉu, làm ai cũng tưởng rằng chúng tôi là một đám ăn mày.
Cô gái ngượng ngùng biện hộ.  
-Phụ huynh của chúng không đóng góp chút gì à?
-Lấy đâu ra tiền mà đóng góp chứ! chỗ chúng tôi nghèo lắm, mỗi đứa chỉ có tiêu chuẩn năm tệ, ăn được vài bữa cơm thì đã hết rồi may mà tôi có một chút, nhưng cũng chỉ đủ ăn uống, lấy đâu ra tiền mà mua vé nữa chứ?
-Thế cha mẹ của lũ trẻ cũng chịu giao con mình cho cô dẫn đi chơi xa như vậy sao?
Tôi tò mò hỏi.
-Tất nhiên là không chịu rồi, tôi phải thuyết phục mất gần nửa năm mới dẫn chúng nó đi được đấy. Chỗ chúng tôi ấy à, thực ra thì rất tốt, khắp nơi đều là rừng cây, có điều đấy là vùng núi, giao thông không thuận tiện nên con người cũng hơi lạc hậu, không muốn giao tiếp với bên ngoài, vì vậy nên không ai biết gì về thế giới bên ngoài hết.
Khắp nơi đều là rừng cây? Nói như vậy thì chỗ của cô đẹp lắm, đúng không?
-Đúng vậy đó, chỗ chúng tôi đẹp lắm. Không bị ô nhiễm chút nào, khắp nơi đều là non xanh nước biếc, hoa cỏ rực rỡ….
Lúc nói về quê hương, hai mắt cô gái sáng rực lên, dáng vẻ rất tự hào.
Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện rất vui vẻ. Trên đường đi, tôi giải thích hết mọi thắc mắc của cô gái và đám trẻ. Một bé gái cứ nhìn tôi chăm chú, tôi quay sang mỉm cười với nó. Bé gái thấy tôi cười thì cũng cười khúc khích, cả mấy đứa bên cạnh cũng cười theo. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy, bèn cúi xuống hỏi cô bé. Nhưng cô bé nhất quyết không nói. Một đứa khác đứng bên cạnh liền láu táu lên tiếng:
-Nó nói chú xinh đẹp như diễn viên ấy.
Tôi giật mình đánh thót, rồi cười như nắc nẻ, suýt chút nữa là ngã  bổ người ra. Cô giáo Trịnh cũng bật cười khúc khích nói với lũ trẻ:
-Con trai thì không nói là xinh đẹp mà phải nói là đẹp trai.
Tất cả đều cười ồ lên. Đến trưa, tôi dẫn tất cả vào một nhà hàng gần đó. Cô giáo Trịnh nhìn thực đơn thì tròn mắt lên nói:
-Đắt quá!
Tôi cười:
-Đắt gì mà đắt. Hôm nay tôi mời, cô không cần lo!
Tôi nhìn đám trẻ ăn ngấu nghiến thì cũng cảm thấy ngon miệng, ăn nhiều hơn một chút. Ăn cơm xong, tôi đưa nốt hai trăm tệ còn lại cho cô giáo Trịnh, nhưng cô gái kiên quyết không nhận. Tôi bèn nói:
-Cô cầm số tiền này đưa lũ trẻ đi những nơi khác, nếu không đủ thì gọi điện cho tôi.
Tôi viết lại số di động và số điện thoại nhà cho cô giáo Trịnh. Cô gái hỏi tên, tôi bèn mỉm cười đáp:
-Cô  cứ gọi tôi là Tiểu Hồ là được rồi.
Ngày hôm ấy tôi rất  vui, tạm thời quên đi chuyện của Âu Dương.làm người thật không dễ dàng chút nào. Tôi và đám trẻ đó, hầu như là người của hai thế giới khác nhau, nhưng ai vui vẻ và hạnh phúc hơn? có trời mới biết được!
Cha tôi nhận được thông báo của Hiệp hội Tác gia Trung Quốc, nói do có người tài trợ nên năm nay hiệp hội tổ chức du lịch Tây Bắc, có thể dẫn người nhà theo. Cha nghĩ đến tôi bèn nhận lời mời của họ.chúng tôi khởi hành vào đầu tháng chín, khi thời tiết bắt đầu mát mẻ. Mẹ phải đi làm nên không thể đi. Chúng tôi ngồi máy bay đến Lan Châu, sau đó đi xe lửa đến Đôn Hoàng. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy sa mạc Gobi trải dài tám trăm dặm mà các nhà văn vẫn thường miêu tả trong tiểu thuyết, quả đúng là cát gió mênh mang. Ở đó, tôi đã nhìn thấy chim ưng, chim ưng đang bay lượn tự do trên bầu trời bao la. Chúng bay rất cao, tựa hồ như những chấm đen nhỏ, rồi đột nhiên chúng lao vút xuống, lướt qua đầu chúng tôi như những tia chớp đen, trong nháy mắt đã biến mất. Quay đầu lại tìm kiếm thì lại nhận ra trên bầu trời xanh thẳm có thêm một điểm đen nữa.
 Buổi trưa, khi đang ngồi trên xe, tôi còn thấy ảo ảnh. Trên sa mạc Gobi khô cằn, đột nhiên xuất hiện từng cơn sóng lớn tung bọt trắng xóa, thế nhưng khi đến gần thì vẫn chỉ toàn cát là cát. Trên một núi cát bị cái nắng nóng như đổ lửa thiêu đốt là một ốc đảo xanh ngắt, bên trong ốc đảo ấy là Thiên Phật Động. Một hướng dẫn viên say sưa kể cho chúng tôi nghe từng câu chuyện về Đức Phật. Lòng tôi không ngừng xao động, những điều Phật suy tư cũng chính là những điều tôi suy tư, những thứ Phật có thể vứt bỏ, tôi cũng sẵn sàng vứt bỏ, chỉ đáng tiếc là tôi không có ý nguyện và sự từ bi vĩ đại như Phật, cũng không có tinh thần hy sinh cao cả, bởi thế nên tôi chỉ có thể là một phàm nhân, một kẻ lang thang vô mục đích. Phật và một kẻ lang thang, chỉ cách nhau có một bức tường mà thôi.
Từ Đôn Hoàng, chúng tôi đi thẳng đến Tân Cương. Tân Cương tháng bảy quả là đẹp vô cùng. Thiên nhiên làm tôi mở rộng hết lòng mình, bao nhiêu  đau khổ cũng dần bị gió cuốn đi. Ở đây, tôi thường nhớ về Ngọc Hàm, nhưng tôi đã không còn đau khổ hay dằn vặt nữa, có lẽ giờ đây cô đang sống rất hạnh phúc, hy vọng là vậy!
Trên đường về, chúng tôi lại qua Lan Châu. Có người dẫn tôi đến chùa Lạp Bố Lăng và thảo nguyên Nam Cam Túc. Ở đó, một lần nữa tôi được biết đến Phật. Còn ở thảo nguyên Cam Túc, tôi lại được nhìn thấy chim ưng đang bay lượn trên bầu trời, giữa những rặng núi cao ngất của dãy Tung Sơn. Đó mới là chim ưng thật sự!
Sau hai mươi ngày, cha con chúng tôi trở về nhà. Xe vừa chạy vào thành phố nơi chúng tôi ở, tôi bỗng cảm thấy mình như bị một sức mạnh nào đó bẻ gãy. Nhìn dòng người và dòng xe cộ không ngừng chảy, tôi nhắm nghiền hai mắt lại. Một cơn đau quặn thắt dâng lên trong lòng. Tôi đã chán ghét thành phố lắm rồi.
Mẹ thiên nhiên chính là bác sĩ tâm lý tốt nhất trên đời này. Những vết thương trong lòng tôi đã được trái tim nhân hậu và vĩ đại của người chữa trị, giờ đây, tôi hầu như không còn cảm thấy dằn vặt vì những chuyện đã qua nữa. Sau mấy ngày nghỉ ngơi, tôi lại đi làm. Tôi vẫn đi theo các phóng viên khác, vẫn không có việc gì khác để làm. Họ dẫn tôi theo, đơn giản chỉ vì tôi là người của giám đốc đài. Họ cũng đối xử rất tốt với tôi, mỗi khi nhận phong  bì, nhất định họ sẽ cho tôi một cái. Đâu đâu cũng là những kẻ nịnh hót và được nịnh hót, người người đều thích hư vinh. Những lúc như vậy, tôi tiếng nhớ lại câu chuyện về Đức Phật. Phật nói, thế gian có thiện có ác, cái ác thường hay ẩn giấu trong nội tâm con người. Nhưng nội tâm của tôi chỉ toàn là đau khổ. Tôi không thể phân biệt được trong đó là thiện hay ác.
 Mỗi ngày đều đi lại trong thành phố phù hoa này, đi lại giữa danh và lợi, tất cả những gì tôi nhìn thấy đều biến thành hư vô, văn minh chỉ là ảo ảnh, cuộc sống chỉ là ảo ảnh, vậy còn gì là chân thực? Phật nói sinh mệnh có luân hồi, vũ trụ có luân hồi. Nhưng tôi không thể nào tin, nội tâm của tôi chỉ có thế giới vật chất hư vô, không có gì là thiện cũng chẳng có gì là ác, chính vì vậy nên tôi mới đau khổ. Tôi đau khổ bởi vì tôi không thể vững tin vào bất cứ sự vật gì trên đời này. Tất cả đều đã thành phế tích, đâu đâu cũng chỉ có bức tường thành đổ nát, đâu đâu cũng chỉ là “cái chết của Agamenon”, đâu đâu cũng bị “khói nồng” của dục vọng che phủ, đâu đâu cũng là những cánh đồng hoang vu, dường như căn bản không có thế giới bên kia. Phật ơi, xin Người hãy cất cánh tay vĩ đại của Người, mở đứa hé cánh cửa dẫn đến Thiên quốc ra thêm chút nữa! xin hãy thức tinh con! Xin hãy kéo con lên khỏi vực sâu tăm tối này!
Trời đang đổ mưa. Đó là nước mắt của tôi. Không phải nước mắt hối hận. Mà là những giọt nước mắt đau khổ. Tôi đau khổ vì mình không thể tin tưởng vào bất cứ điều gì. Tôi hoài nghi, triệt để hoài nghi mọi thứ trên đời này.
Hoài nghi, đó là kẻ thù lớn nhất của con người, nhưng đồng thời cũng là người bạn tốt nhất. Hoài nghi khiến tôi mất đi tất cả, ngay cả những thưởng thức cơ bản nhất cũng không còn nữa.
Mẹ tôi nói “Ăn cơm đi!” tôi liền thầm nhủ “Tại sao phải ăn cơm?” Ăn cơm, ăn cơm, tôi càng nghĩ lại càng thấy bế tắc. ăn là để sống,nhưng con người đâu thể sống mãi, rồi cũng sẽ có một ngày phải chết đi. Đàng nào cũng chết, vậy thì còn cố chấp làm gì? nhưng nếu Phật không cố chấp, thử hỏi còn đâu ra Phật nữa?
Cha tôi nói hôm nay nên dậy sớm một chút, đừng đi làm muộn. Trên đường đi, tôi thầm nghĩ “Đi làm là vì cái gì chứ? chẳng phải là vì muốn kiếm bữa cơm hay sao? Nhưng tôi thì đâu cần phải kiếm cơm. Tôi đi làm là để tiêu tốn thời gian, là để làm giảm bớt nỗi đau trong lòng. Nhưng muốn xua đuổi nỗi đau ấy thì chỉ có một cách, đó là đi về với tự nhiên, về với đạo. Cha tôi từng bảo, lẽ tiếng chính là đạo. Tôi không hiểu lắm. Liệu cha tôi có biết đạo là gì? nếu đã biết, vậy sao ông còn phải cố ép mình viết văn làm gì nữa? đối với ông, từ lâu, viết văn đã trở thành một công việc, một công vừa để sống tạm qua ngày, một thứ để tích lũy danh lợi. Tôi còn nhớ ông đã từng viết một bài văn, nói mình viết văn là để tìm kiếm chân lý, là để nắm bắt thế giới. Nhưng sau khi ông thành danh, tất cả đều đã thay đổi. Đạo trong ông, dường như đã biến mất, đã bị diệt vong bởi danh và lợi.
Ông ngoại nói, ông mới đề xuất một đề án mới trong kỳ họp Hội đồng nhân dân vừa rồi. Đó là đê` án cấm không cho nuôi chó mèo và các động vật khác trong thành phố, nghe nói đã được thông qua và bắt đầu thực hiện rồi. Lúc kể chuyện này với tôi, ông rất hưng phấn. Lý do của ông là, chúng đều là những vậy truyền nhiễm, gây đủ mọi thứ bệnh tật nguy hiểm cho con người, vì thế cần phải giết hết. Giết hết đi! tiêu diệt hết tất cả mọi thứ trên đời này đi, chỉ để lại con người thôi. Ông nội từng tiếc nuối than thở với tôi rằng, ông rất muốn nuôi chó hoặc mèo, nhưng ở quê giờ đây không thể nào nuôi được nữa. Mấy năm gần đây, không biết ở đâu xuất hiện một loại chuột lớn mà người ở quê chưa bao giờ thấy, đuôi dài thườn thượt, con nào con nấy còn to hơn con mèo, vì vậy khắp cả làng đều rải thuốc chuột.
 Hồi tôi về quê, ngày nào cũng nghe người ta rao bán thuốc chuột trên các con đường lớn nhỏ. Thuốc chuột đã giết chết tất cả chó mèo. Chỉ có ở thành phố là chúng được an toàn. Vậy mà giờ đây ông ngoại muốn giết hết những sinh linh bé nhỏ, tội nghiệp đó. Ông chỉ cảm thấy cao hứng, vui mừng, chứ dường như không hề có một chút nuối tiếc nào giống như ông nội. Tôi đột nhiêm cảm thấy ông ngoại giống một con sói đang đội lốt cừu mà bao năm nay tôi vẫn không nhận ra. Giết đi! giết hết những sinh linh không vừa mắt các người đi! đừng tưởng rằng các người đang vì nhân loại, rồi sẽ có một ngày, những sinh linh đó sẽ tố cáo các người trước mặt Phật, rồi các người sẽ biện hộ như thế nào? tôi cảm thấy suy nghĩ của mình thật nực cười. Bọn họ đâu có tin Phật, họ chỉ tin vào bản thân mình. Đối với họ, bản thân chính là chân lý. Tôi không còn gì để nói nữa, phảng phất như nhìn thấy mình đang rơi lệ.
Bệnh của bà ngoại lại tái phát. Bà suốt ngày cằn nhằn, oán trách, bởi vì căn bệnh đó là do năm ấy bà sinh mẹ và cậu tôi nên mới mắc phải. Lúc nào bà cũng nói:
-Việc gì mà phải đẻ nhiều thế chứ? cháu xem đấy, có về thăm ông bà mà cũng không ai chịu về, thật đúng là uổng công dưỡng dục.
Mẹ tôi nghe thế lại hết sức mừng rỡ, bởi vì như thế thì tài sản của ông bà sẽ thuộc về mẹ hết. Người nào cũng có ý đồ cả, ngay cả giữa người thân với nhau cũng vậy. Tôi không khỏi nhớ đến bài Hảo Liễu ca trong Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần. Cần gì phải oán trách chứ? cớ gì phải tham lam chứ?
Tất cả những điều họ làm đều đáng để tôi phải nghi ngờ. Đây tuyệt đối không phải là chủ nghĩa hậu hiện đại. Tôi chẳng theo chủ nghĩa nào hết. Tôi chỉ là tôi mà thôi. Thậm chí có nói tôi chẳng là cái gì cũng được.
Nghi ngờ khiến bệnh đau đầu của tôi càng thêm nghiêm trọng. Tôi không thích ăn diện, tỉa tót như trước, cũng không thích nói chuyện với ai cả. Đối với tôi, tất cả đều không còn ý nghĩa gì nữa. Tất cả những tình cảm trong quá khứ mà tôi từng muốn lưu giữ lại cũng dần dần biến mất. Biến mất thì cứ biến mất đi. Tất cả cũng chỉ là ảo mộng mà thôi.
Tôi trở nên trầm mặc một cách đáng sợ.
Đặc biệt là về đêm, tôi không thể nào ngủ được, sức khỏe mỗi lúc một kém đi. Khó chịu nhất là những người ở đài truyền hình, ai cũng muốn giới thiệu bạn gái cho tôi. Mẹ tôi nói, đồng nghiệp của mẹ cũng muốn giới thiệu bạn gái cho tôi. Mỗi lần nghe tới chuyện đó là tôi lại cảm thấy đầu váng mắt hoa. Có bạn gái rồi sẽ phải kết hôn, kết hôn rồi thì sao? Chẳng lẽ ai cũng phải kết hôn hay sao? Kết hôn là để thỏa mãn nhu cầu tình dục và sinh con đẻ cái thôi chứ gì? tình dục, đâu nhất thiết phải kết hôn thì mới được thỏa mãn? Sinh con đẻ cái là thiên chức của sự sống, vậy mà con người đang dần trở thành kẻ thù của sự sống, vậy thử hỏi thực hiện thiên chức của sự sống phỏng có ý nghĩa gì nữa?
Ở đài truyền hình có một MC nữ hình như rất thích tôi. Cô ta mới được chuyển về đây năm ngoái. Mỗi khi có thời gian rảnh là cô ta lại gọi điện hay trực tiếp đến tìm tôi. Nói thực lòng, tôi cảm thấy rất phiền phức. Có người nói, cô ta, sau khi không ngại chuyện này, nhưng tôi không thích sự nhiệt tình quá đáng của cô ta.
Ngày nào cũng đi lại giữa dòng người ồn ào, náo nhiệt làm tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi ghét công việc này. Tôi không muốn ngày nào cũng phải nhìn thấy rất nhiều người đi đi, lại lại trước mắt mình. Tôi chỉ muốn được yên tĩnh.
Một hôm, tôi bất ngờ nhận được một cú điện thoại. Là của một cô gái. Còn là điện thoại đường dài nữa. Tôi chưa từng nhìn thấy số điện thoại này bao giờ, cũng không hiểu cô gái nói gì, bèn nói:
-Cô nói từ từ được không? nói rõ xem mình là ai nào?
Cô gái bên kia đầu dây liền nói chậm lại:
-Anh còn nhớ tôi không, tôi họ Trịnh, anh còn gọi tôi là cô giáo Trịnh ấy!
Vừa nghe tôi đã nhớ ra ngay cô gái đến từ vùng núi và đám trẻ lấm lem, liền hỏi giờ cô đang ở đâu. Cô bảo, mình đã về đến nhà rồi, còn nói hai trăm tệ mà tôi đưa cho đã giúp cô rất nhiều. Hôm ấy, sau khi tôi mời cô và lũ trẻ ăn cơm, một đứa ăn nhiều quá nên bị đau bụng, nếu không có số tiền đó của tôi, có lẽ nó không về được nhà rồi, còn cô thì cũng không biết phải ăn nói thế nào với bố mẹ nó nữa.
Hình như cô còn định nói thêm gì nữa, mà tôi cũng muốn tìm hiểu tình hình chỗ đó, bèn bảo cô gác máy để mình gọi lại. Cô gái họ Trịnh giãy nảy người lên, nói:
-Tôi chưa gác máy được, tôi vẫn còn chuyện chưa nói với anh mà, gác máy làm sao anh gọi lại được?
Tôi bật cười nói:
-Điện thoại của tôi có hiện số của cô rồi, cứ gác máy đi!
Tôi gọi lại và câu chuyện tiếp tục. Cô gái bên kia đầu dây cố gắng dùng tiếng phổ thông để nói chuyện với tôi, mỗi câu đều phải nhắc đi nhắc lại hai ba lần. Cô nói hôm nay phải đi một quãng đường rất dài mới lên được bưu điện huyện để gọi cho tôi. Điều này làm tôi rất cảm động. Cô nói, lúc trở về thì đã hết sạch tiền nên không dám gọi điện cho tôi, đành đi nhờ xe tải một đoạn, sau đó lại nhờ hết người này đến người khác,  cuối cùng cũng về được đến nơi. Tôi  vô cùng xúc động. Cô gái này thật chất phác.
Cô nói sau khi trở về, cô kể lại chuyện ở thành phố cho người ở đó nghe, mọi người đều rất cảm kích, muốn viết thư cảm ơn nên đã nhờ cô lên huyện gọi điện hỏi tôi làm việc ở đâu, viết thư thì gửi về đâu. Tôi cười bảo:
- Không cần đâu, tôi cũng không làm ở đó lâu nữa.
Cô vẫn cứ nằng  nặc hỏi xem tôi đang làm ở đâu. Tôi đành nói mình đang làm ở đài truyền hình. Cô nghe xong thì thốt lên:
- Công việc tốt như vậy, anh còn muốn đi đâu nữa?
Tôi cười đáp:
- Tôi cũng không biết là mình muốn đi đâu nữa, nhưng tóm lại là tôi đã chán ghét cái thành phố này đến tận cổ rồi.
- Vậy thì anh lên chỗ chúng tôi đi! – cô chợt nói.
- Hay đấy, tôi lên đó làm giáo viên, còn cô lên làm hiệu trưởng.
- Tôi đùa đấy, ở tỉnh có bao nhiêu nơi tốt cho anh làm, còn chỗ này thì khỉ ho cò gáy, có ai thèm tới đâu chứ.
- Tôi nói thật đấy.
- Tôi không tin.
- Vậy cô cho tôi địa chỉ chính xác, một tuần sau tôi có mặt ở đó.
- Đừng đùa nữa, chỗ chúng tôi đến cả tiền lương cho giáo viên  cũng không có mà trả, anh đến đây chắc chắn không kiếm được người yêu đâu.
Cô nói với giọng rất nghiêm túc.
- Tôi không quan tâm những chuyện này, tôi chỉ cần tìm được giá trị và ý nghĩa của cuộc sống.
 Chúng tôi lại nói chuyện thêm một lúc nữa. Cô nói, tiền điện thoại đắt thật, nhưng nếu sau này có dịp lên huyện, nhất định cô sẽ gọi điện cho tôi nữa, sau đó lại nói rất nhiều câu cảm ơn. Tôi cười nói vài câu khách sáo rồi tắt máy, đi về nhà.
Chỉ có mình bố tôi ở nhà. Tôi nói:
- Con muốn rời khỏi nơi này.
Bố tôi ngẩng đầu lên, hoang mang nhìn tôi rồi hỏi lại:
- Con nói gì?
- Con muốn rời khỏi nơi này – tôi nhắc lại.
- Con định đi đâu?
Ông đứng dậy, hai hàng lông mày nhíu chặt lại.
- Bố còn nhớ cô gái và lũ trẻ lần trước con kể cho bố không, con muốn đến chỗ của chúng làm thầy giáo.
- Con nói cái gì? – bố tôi kinh ngạc thốt lên.
- Ở đây con cảm thấy rất ức chế, con không thích thành phố, hơn nữa, nơi này làm con không thể quên được những chuyện buồn đã qua. Con mùi ndn một nơi nào yên tĩnh
- Thế con định đi bao lâu?
- Có lẽ vài năm, mà cũng có lẽ là mãi mãi.
Bố tôi mệt mỏi ngồi xuống ghế, định nói gì đó, nhưng dường như lại không biết nên bắt đầu từ đâu, cứ cất tay lên rồi lại hạ xuống. Một lát sau thì mẹ tôi đi làm về. Sau khi nghe bố nói ý định của tôi, mẹ cơ hồ như không thể nào tin vào tai mình, quay sang nhìn tôi hỏi:
- Tử Kiệt, con ghét mẹ lắm phải không?
Tôi lắc đầu:
- Không, một chút cũng không.
- Vậy tại sao con phải đến nơi đó?
- Con muốn được yên tĩnh
- Vậy con có thể về quê cũng được mà? – bố tôi lên tiếng.
- Không, con muốn rời xa người thân một thời gian
- Có phải con muốn tự rèn luyện bản thân không? – mẹ tôi cẩn thận hỏi.
- Không, đơn giản là vì con muốn sống ở đó.
- Con định kết hôn và sống ở đó? – mẹ tôi kinh hãi thốt lên.
- Con vẫn còn chưa nghĩ đến chuyện kết hôn.
- Có phải con yêu  cô gái ấy rồi không? – mẹ lại hỏi.
- Không. Con mới gặp cô ta có một lần, làm sao mà yêu hay không yêu được?
Một lát sau thì ông bà ngoại của tôi đến. Họ càng không hiểu tôi. Hai người đem một đống đạo lý ra giảng giải, nói cha tôi phải khó khăn, vất vả thế nào mới vượt qua được cánh cổng làng, đến thành phố sinh sống, gây dựng được sự nghiệp, rồi hỏi tại sao tôi lại muốn trở về nông thôn? Về đó thì làm được gì chứ?
Cuối cùng tôi chỉ nói:
- Cháu chỉ muốn tới đó sống một thời gian thôi. Mọi người đừng nói gì nữa. Ở đây, cháu chỉ nghĩ đến cái chết, còn ở đó, có lẽ cháu sẽ nghĩ đến sự sống nhiều hơn.
- Cũng tốt, đi một thời gian cũng tốt – bố tôi thở dài nói.
Đại Vệ cũng tới. Dường như mẹ tôi đã gọi hết tất cả những người có thể thuyết phục tôi đến đây rồi. Cậu ta nói:
- Cậu định đi giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học đấy hả?
- Không, tớ chỉ vì bản thân mình mà thôi.
Một tuần sau, tôi ngồi xe khách đường dài lên vùng núi xa xôi. Ông ngoại đã nhờ người lái xe đưa tôi tới đó nhưng tôi chỉ cảm ơn rồi từ chối. Mẹ tôi cứ khóc mãi. Tôi dỗ dành:
- Mẹ đừng khóc nữa, con lớn rồi.
Nhưng càng nói mẹ lại càng khóc dữ hơn.
- Tử Kiệt, con đi rồi về ngay với mẹ nhé.
Bà ngoại tôi cũng khóc. Tôi nắm chặt tay Đại Vệ nói:
- Mỗi tuần, ít nhất cậu phải đến thăm bố mẹ mình một lần đấy. Nếu có thời gian thì đến chơi với ông bà ngoại nữa.
Cậu ta cũng rưng rưng nước mắt.
Xe ra khỏi thành phố đi về phía Nam. Tôi lặng lẽ quay đầu lại nhìn nơi mình đã từng sống hơn hai mươi năm, trong lòng tự nhủ:
- Tạm biệt, tạm biệt quá khứ, tạm biệt thành phố, tạm biệt những ảo tưởng.
Tôi thấy rất nhiều người và xe đang đi về phía đó bèn nhắm mắt lại. Tôi thiếp đi khá lâu. Khi mở mắt ra, đã thấy mình đến một vùng rừng núi phong cảnh thơ mộng, chưa từng bị khai phá. Tôi đi một mình trên  con đường nhỏ, hai bên là rừng núi trùng trùng điệp điệp, tưởng chừng như kéo dài ra vô tận. Khi tôi vào trong ngôi trường nhỏ, lẻ loi giữa rừng đó, cô gái mà tôi vẫn gọi là cô giáo Trịnh vô cùng ngạc nhiên. Cô tròn mắt nhìn tôi, cuốn sách và viên phấn tuột khỏi tay rơi xuống đất. Sau đó cô và đám trẻ cùng chạy ùa ra ngoài, vây lấy tôi, nói cười vui vẻ
Khu rừng rộng lớn phía sau cô như cũng mỉm cười hồn hậu đón chào lữ khách phương xa. Một cánh chim ưng chao liệng giữa tầng không, giống như một vị chúa tể đang đi tuần hành trên lãnh địa của mình.
Câu chuyện dừng lại ở đây là tốt nhất, giống như Giả Bảo Ngọc đi tu là một kết cục tất nhiên vậy. Kết cục của tôi cũng nên như vậy. Thời cổ đại, dựa dẫm vào cửa Phật là lối thoát cuối cùng của con người. Đó không phải là một bi kịch mà là một cách để tìm lại giá trị. Thế nhưng, đối với tôi, cho dù cửa Phật có rộng mở, tôi cũng không thể bước vào.
 Đây là xã hội hiện đại.
 Trong lòng tôi không có Phật. Vì vậy  tôi chỉ có thể về với tự nhiên. Dường như làm vậy còn có tính người hơn, Trung Quốc hơn là việc đi tu. Tôi đoán, đọc tới đây, chắc có rất nhiều người đã muốn gấp quyển sách này lại để nhắm mắt nghỉ ngơi.
Thế nhưng tôi không thể dừng bút ở đây, tôi thật sự nhìn thấy mình rời bỏ gia đình và thành phố mà tôi đã chán ghét đến tận cùng, nhìn thấy mình bay lượn giữa bầu trời xanh, tự do như một cánh chim ưng mạnh mẽ, nhưng thực tế thì tất cả những điều đó chỉ là ảo tưởng của tôi mà thôi.
Tôi không đi đâu hết. Ngày ngày tôi vẫn đi giữa biển người mênh mông, vẫn suy nghĩ xem mình nên làm gì. Vấn đề này làm tôi đau khổ, làm tôi phẫn nộ. Tôi đã nói rồi, đây có lẽ không phải là một vấn đề, thế nhưng nó lại trở thành một vấn đề lớn của tôi, một vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng tôi lại không thể nào tìm ra được đáp án.
Có lẽ sau nhiều năm nữa tôi vẫn như vậy. Có lẽ lúc ấy tôi sẽ không còn nghe bài ca chim ưng. Tôi cũng không chơi đàn nữa. Thậm chí tôi còn quên hết cả quá khứ. Chuyện này là hoàn toàn có thể. Trí nhớ của tôi vẫn mỗi ngày một kém đi. Tôi không biết mình còn nhớ nổi những gì, cũng không biết cái đồ bỏ đi như mình còn lại giá trị gì.
Tóm lại là tôi vô cùng đau khổ khi nói cho các bạn biết một sự thật: tôi không đi đâu hết. Tôi là một thằng hèn, một thằng hèn mãi mãi chỉ biết tự chế giễu mình mà thôi.
Các bạn cứ chế giễu tôi đi. Tôi đã không còn nước mắt nữa rồi.
Hết

Xem Tiếp: ----