Dịch giả: Nguyễn Xuân Minh
Phần V

     húng tôi cứ nói lan man như vậy mà chẳng ai hỏi tên đối phương. Tôi cảm thấy như vậy rất hay.
Hai tiếng sau, nàng nói phải đi làm. Tôi nhìn đồng hồ, mới có bốn giờ chiều. Tôi đứng dậy, lấy ra một trăm đồng đưa cho chủ quán, đòi thanh toán hết. Nàng không chịu, nằng nặc đòi trả tiền. Hai chúng tôi đang tranh cãi thì chủ quán lên tiếng:
- Thôi, hôm nay để tôi mời khách, được không?
Tôi cương quyết lắc đầu:
 - Không được, hôm nay chúng ta mới gặp nhau lần đầu, phải để tôi mời mới đúng!
Cuối cùng nàng cũng phải đồng ý:
- Ngày mai, nếu ngày mai cậu còn đến đây, tôi sẽ mời.
Tôi gật đầu:
- Được, nếu ngày mai còn sống, tôi sẽ đến đây và nói tiếp câu chuyện của chúng ta.
Tôi về đến nhà thì ông ngoại gọi điện bảo bà ngoại bị ốm, không ai chăm sóc, nhắn tôi đến. Tôi là thằng nhàn rỗi nhất nhà, đương nhiên là gọi tôi rồi. Thật ra tôi không muốn đi cho lắm, một là vì đã hẹn với nàng, hai là vì tôi cũng chẳng thích bà ngoại. Lúc mẹ sinh tôi, muốn nhờ bà ngoại đến chăm cho một thời gian, nhưng lúc ấy bà còn đang làm Trưởng phòng ở một cơ quan, vẫn chưa nghỉ hưu, nên đã tìm đủ mọi cớ để từ chối. Thực tế thì nguyên nhân chỉ có một, chính là bà cho rằng bà nội ở dưới quê nhàn rỗi hơn, phải để bà nội chăm sóc con dâu và cháu nội mới đúng. Chuyện này làm mẹ tôi rất giận. Về sau bà ngoại cũng cảm thấy thế là không đúng, liền tìm đủ mọi cách để bù đắp lại. Bà thường gọi điện rủ tôi đi chơi, lần nào cũng cho tiền. Nhưng bị ảnh hưởng bởi mẹ nên tôi cũng có thành kiến với bà, không chịu lấy tiền. Ông ngoại biết chuyện thì mắng tôi một trận:
 - Con có phải mẹ con đâu? Biết cái gì mà giận với dỗi? tiền này không cho con tiêu thì biết cho đứa nào? lúc ông bà chết rồi thì tiền này không phải cũng cho con hay sao?
Phải rồi, tôi biết gì mà giận với dỗi chứ? vậy là tôi lấy tiền. Mấy quyển sách của bố tôi cũng bán được khá nhiều tiền. Vậy nên mẹ mới nói:
 - Bảo thực cho mà biết, cho dù cả đời không đi làm, tiền trong nhà cũng đủ cho con tiêu cả đời.
Bố tôi cứ bắt tôi đi bằng được nên tôi đành gật đầu đồng ý. Thực ra thì bà ngoại cũng rất đáng thương. Nghe nói, nhà cụ ngoại cũng rất danh giá, hình như là hậu duệ của dòng họ Ái Tân Giác La thì phải. Người nhà của bà giờ đã chuyển sang Australia định cư hết, trong nước không còn ai nữa. Bà có bốn người con thì ba người đã ở nước ngoài, chỉ có mình mẹ tôi ở lại chăm sóc ông bà, nhưng bà lại không biết trân trọng, làm mẹ tôi cũng chẳng muốn gặp bà nữa. Ông ngoại dạy học cả đời, công việc rất nhiều, nhưng bà ngoại thì thực sự nhàn rỗi. Cả ngày bà cứ gọi điện cho tôi, hỏi tôi hôm nay làm gì, ăn gì, mặc gì, chắc là rỗi đến mức chẳng biết làm gì nên có cảm giác hụt hẫng. Xem ra thì tâm trạng của hai bà cháu tôi lúc này không khác nhau là mấy.
Thực ra thì bà ngoại cũng không bệnh tật gì, chỉ là nhớ tôi quá mà thôi. Tôi biết nói đùa với bà, điểm này thì bà rất thích. Cũng có lúc tôi đùa hơi quá đáng, nhưng chẳng những bà không giận mà còn tỏ ra thích thú mới lạ. Đương nhiên, tôi còn mua cho bà những món ăn nổi tiếng, trình bày đẹp mắt. Cái này thì rất hợp ý bà, nó làm bà nhớ lại quá khứ vàng tử của tổ tiên. Tôi ở lại với bà một tuần, trong suốt thời gian đó, lúc nào tôi cũng nhớ đến cô gái xinh đẹp kia. Tôi nghĩ, nàng mê mình rồi thì sao? Mà rốt cuộc thì ai mê ai? Cứ nghĩ như vậy, cuối cùng tôi cũng nghĩ thông, cứ để cô nàng đợi mấy ngày, như vậy nàng sẽ càng nhớ tôi hơn.
Quả nhiên là vậy, chiều hôm tôi đưa bà ngoại từ viện về nhà, vừa ra quán bia thì chủ quán đã chạy đến sốt ruột hỏi:
- Cậu biến đi đàng nào vậy? làm con bé kia ngày nào cũng đến đây ngẩn ngơ ngồi đợi. Chúng tôi đều tưởng rằng cậu không đến nữa chứ?
Tôi cười cười nói:
 - Bà ngoại tôi bệnh, tôi phải đến chăm sóc bà.
Tôi ngồi vào chỗ của mình. Hôm ấy trời mưa, thời tiết không nóng lắm. Tôi nhớ nàng hay uống cà phê nên cũng gọi một ly. Chủ quán nói:
 - Hôm qua nó không đến. Không biết hôm nay có đến không nữa.
Bốn giờ hơn mà vẫn không thấy nàng xuất hiện. Tôi trả tiền rồi ra cửa Bách Lạc Môn đợi. Gần bốn rưỡi thì thấy một cô gái xinh đẹp mặc đồ viên chức đi từ phía Đông tới. Tôi nấp sau một gốc cây. Đợi nàng đi qua thì bất ngờ bước ra, mỉm cười nói:
 - Chào chị!
Nàng mừng rỡ, đưa tay thúc tôi một cái như bạn bè lâu ngày không gặp, rồi trách móc:
 - Cậu đi đâu vậy? không phải đã hẹn rồi sao?
Nói xong, nét mặt lộ vẻ giận dỗi. Tôi vội vàng giải thích, nghe xong nàng lại cười. Bây giờ tôi mới nhận ra nàng rất cao, ít nhất cũng phải 1m70 trở lên. Nàng cúi nhìn đồng hồ rồi nói:
 - Đến giờ làm, tôi phải đi rồi!
 - Tôi cũng đi với chị. Chị đi làm, tôi đến đó ngồi xem.
- Không được, chỗ chúng tôi không hoan nghênh những người đến ngồi không, trừ phi cậu là khách thì khác – nàng cười cười.
 - Vậy thì tôi đến đấy làm khách.
- Cái này… - nàng có vẻ do dự.
- Nếu không thì, chỗ chị có cần nhân viên phục vụ không? tôi đến làm nhân viên phục vụ cũng được.
Tôi cũng không biết tại sao mình lại có ý nghĩ quỷ quái này.
- Cậu á? Tôi cũng định mời cậu làm nhân viên tiếp tân đấy nhưng giờ thì không được rồi – nàng nói.
 - Tại sao? – tôi tò mò hỏi.
 - Thôi, không nói nhiều với cậu nữa. Nếu sau này có thời gian, chúng ta đi uống bia nhé. Giờ tôi phải đi trước đã!
Hình như nàng rất vội.
Tôi gật gật đầu. Nàng đi rồi, tôi mới chợt nhớ mình vẫn chưa biết tên nàng là gì.
  -  Này, chị tên là gì thế?
  -  Tôi à? Âu Dương Lan.
 - Có danh thiếp không?
 - Không, chúng ta gặp nhau ở quán bia nhé.
Nàng đi thật rồi, tôi đứng ngây ra như kẻ mất hồn. Một lát sau tôi lại đi vòng vòng trước cửa Bách Lạc Môn. Hôm nay, tôi không thể không gặp nàng. Vào đến cửa Bách Lạc Môn, thì một nhân viên bước tới hỏi tôi cần loại phục vụ nào, tôi làm sao biết được mình cần cái quái gì, mục đích của tôi đến đây chỉ là để gặp Âu Dương Lan mà thôi. Ngước mắt lên lầu hai, tôi thấy một đám gái ăn mặc lòe loẹt đang đứng trước cửa các phòng karaoke, trong lòng cảm thấy rất khó chịu. Nhân viên lại hỏi lần nữa:
- Thưa anh, anh cần gì? Tầng một là sàn nhảy, tầng hai là phòng karaoké, tầng ba có sauna, tầng bốn massage, tầng năm chiếu phim, tầng sáu có các loại hình vui chơi khác, anh…
Trời ơi, tôi mới vào đây lần đầu, lại chỉ có mười tám tuổi, tôi làm sao biết được mình cần cái gì chứ?
 - Lên tầng năm, xem phim..
Nhân viên vừa đi trước dẫn đường, vừa hỏi:
- Anh có cần gọi cô nào đến xem cùng không?
 - Tạm thời không cần, lên đó hãy hay.
Tôi làm ra vẻ thành thạo.
Tầng năm là một phòng nghỉ rất lớn, có sofa, có giường, đều bị ngăn cách bởi những tấm bình phong lớn. Tôi thấy có mấy đôi nam nữ đang ngồi trên sofa, một cánh tay của cô gái đặt lên cặp đùi đã trần trụi của người đàn ông, xem ra chỗ này đã mở cửa trước bốn giờ rồi. Tôi tùy tiện ngồi xuống một chỗ, bắt đầu chọn phim. Hầu hết đều là phim đoạt giải Oscar hoặc mấy phim sex rẻ tiền, tiếng rất nhỏ, ánh sáng mờ nhạt. Tay nhân viên hỏi tôi có muốn uống gì không. Tôi gọi một chai bia nhỏ, rồi chọn phim “Bản Năng”. Phim này tôi xem từ lâu rồi, mục đích của tôi không phải là xem phim. Tay nhân viên vừa bỏ đi là tôi đứng dậy đi tìm Âu Dương Lan, nhưng nhân viên phục vụ đòi thanh toán trước. Anh ta cầm đến một hóa đơn, tôi liếc qua, thấy ghi năm mươi đồng. Xem phim không mất tiền, năm mươi đồng là giá của chai bia kia. Tôi không nói gì, lấy một tờ một trăm đưa cho anh ta. Anh ta lại hỏi tôi có cần phục vụ gì nữa không. Tôi nói để đi xem thử trước đã, từ từ tính sau.
Giờ thì thoải mái hơn nhiều. Tôi đi lên tầng sáu trước, trên tầng này có bàn bi da, phòng tập thể dục, sâu trong nữa thì không vào được. Bằng trực giác, tôi có thể khẳng định bên trong nhất định là sòng bạc. Tôi cũng không muốn vào đấy làm gì, bèn đi xuống dưới, tìm từng tầng một. Ở tầng bốn và tầng hai, tôi nhìn thấy rất nhiều nhân viên nữ trẻ đẹp, nhưng không lấy gì làm hứng thú. Xuống đến tầng một thì tôi chợt nhận ra một bóng người quen thuộc đang đứng bên bàn thu ngân, dặn dò nhân viên điều gì đó. Tôi hỏi một nhân viên phục vụ:
- Cô gái mặc đồ viên chức kia làm gì trong Bách Lạc Môn này vậy?
Nhân viên trả lời:
- Đấy là phó tổng của chúng tôi.
Tôi ngồi nép trong một góc tối, lặng lẽ ngắm nhìn nàng. Trông nàng rất ra dáng một phó tổng giám đốc, một lúc lại nói cái này, một lúc lại nói cái kia, rất oai vệ.
Tôi vừa ngồi xuống, một nhân viên đã bước lại hỏi tôi cần gì. Tôi lại tốn năm mươi đồng nữa. Hình như có rất nhiều khách quen biết nàng, họ chào hỏi, cười đùa vồn vã. Tôi uống hết chai bia rồi ra về. Mục đích của chuyến đi này coi như đã đạt được.
Lúc đi ngủ, thấy cuốn Tuyển tập thơ Âu Mỹ hiện đại vẫn để trên đầu giường, tôi liền mở ra xem lại bài thơ Leda và thiên nga, xem đi xem lại, đột nhiên tôi cảm thấy mình biến thành Leda, còn Âu Dương Lan hóa thành thiên nga. Làm sao lại thế được? trong mơ, tôi rất sung sướng, khát khao được đảo lộn thành Leda. Tôi tình nguyện để cho nàng cưỡng đoạt, mà ngoài đời thực, dường như nàng cũng đã “cưỡng đoạt” trái tim tôi mất rồi. Trong khoảnh khắc hoán đổi đó, hình như tôi đã mơ hồ ngộ ra được điều gì đó từ bài thơ này.
Tại sao Yeats lại cho rằng thiên nga cưỡng đoạt Leda? Mà không phải là hai bên cùng hoan hỉ đến với nhau? Xem ra cả Yeats và Leonardo Da Vinci đều đồng tình với bọn họ, chứ không giống tôi, chỉ có cảm giác sợ hãi và tội lỗi.
Chiều hôm sau, tôi đến quán bia thì thấy nàng đã ngồi ở đó. Rất cao hứng, tôi bước đến chào hỏi:
- Phó tổng Âu, xin chào!
Nàng ngẩn ra trong giây lát, như cười mà không phải cười, nói:
 - Sao cậu lại gọi tôi như thế?
 - Tôi có đến Bách Lạc Môn tìm chị, hai chai bia tốn mất một trăm đồng – tôi cười cười đáp.
Nàng có vẻ không vui:
- Sao cậu lại đến đấy? đó đâu phải là chỗ cậu nên đến?
- Tôi không có việc gì làm mà, muốn làm nhân viên phục vụ thì chị lại không cần, đành phải đến đó xem thử thôi. Thấy chị rất bận nên tôi không dám làm phiền.
Hình như nàng phật ý. Tôi vốn tưởng rằng nàng sẽ rất vui, không ngờ lại thành ra như vậy, bèn nói:
 - Nói ra cũng thật buồn cười. Bảo chúng ta là bạn mà tên đối phương là gì cũng không biết, nếu tôi không hỏi, chắc chị cũng không nói, còn chị nữa, đã biết tôi tên là gì đâu. Nếu không phải là bạn, sao chúng ta lại ngồi đây, cùng uống cà phê, uống bia, nói chuyện phiếm mấy ngày liền? chị nói xem, có phải rất thú vị không?
 - Cậu tên Hồ Tử Kiệt, cha cậu là Cố Nguyệt, ông ngoại cậu là…
Nàng biết rất rõ về tôi.
Tôi giật mình, gượng cười hỏi:
-  Chị là xã hội đen à?
- Cũng gần gần như vậy. Thế nên tôi mới bảo tốt nhất cậu không nên đến những nơi như Bách Lạc Môn làm gì.
- Vậy tại sao chị còn làm việc ở đó?
Tôi không vừa ý nói.
  -  Bất đắc dĩ thôi, tôi cũng đang thất nghiệp, hơn nữa sau này chắc chắn tôi sẽ rời khỏi nơi đó. Cậu thì khác, cậu còn trẻ, đừng để những thói xấu làm hại mình.
Có thói xấu gì hại được tôi chứ? Ở trường tôi đã nổi tiếng là thằng lông bông, chỉ có điều tôi học cũng được, mà mẹ tôi lại dạy trong trường nên chẳng ai dám làm gì mà thôi. Bố tôi cũng cho rằng tôi là thằng hết thuốc chữa. Còn có thói xấu gì hại được tôi nữa chứ? thật là buồn cười! – tôi xổ ra một tràng dài.
 - Đây là chuyện khác, những thói xấu mà tôi nói không giống như cậu nghĩ đâu – nàng lườm tôi một cái.
- Không phải cũng chỉ là đàn bà với đánh bạc thôi sao?
Tôi thấy nàng đã tròn mắt lên nhì nmi`nh thì khoái chí nói tiếp:
  -  Nói cho chị biết, tôi không có hứng thú lắm với mấy thứ đó.
Nàng lại cúi đầu ngoáy cà phê trong tách, lẩm bẩm như tự nói với mình:
  -  Tóm lại, nếu coi tôi là bạn thì từ nay cậu đừng đến đó nữa. Chúng ta có thể ngồi đây uống bia, uống cà phê hay ra phố đi dạo cũng được.
Chúng tôi lại nói chuyện phiếm nhưng không còn được ăn ý như lần trước. Cả hai đều cảm thấy như có thứ gì đó chặn ngay đầu lưỡi, rất khó mở lời. Tôi chợt nghĩ đến một vấn đề, bèn hỏi:
 - Bạn trai của chị có đồng ý cho chị làm việc ở đó không?
Nàng cười lắc đầu.
  -  Tôi không có bạn trai.
  -  Chị mà không có bạn trai, ai tin được chứ? vừa xinh đẹp, vừa trẻ trung như chị, sao lại không có? Có phải chị kén quá không đấy?
  -  Có lẽ vậy, chủ yếu là tôi không tin được người nào. Biết nói làm sao nhỉ, lúc nào tôi cũng nghi ngờ đàn ông hết. Ôi, thôi không nói nữa, chuyện này cậu không hiểu được đâu.
Tôi cảm thấy như bị hạ nhục.
- Chị đừng tưởng lúc nào các chị cũng đúng. Nói cho chị biết, tuy tôi chưa yêu ai bao giờ nhưng những cô gái theo đuổi tôi cũng không ít đâu. Cảm giác của tôi đối với họ, có lẽ cũng giống như của chị với đám đàn ông kia vậy.
Nàng nhìn tôi cười. Tôi lại hỏi:
- Trước đây chị có bạn trai không?
 - Hồi đại học cũng có mấy người, nhưng chẳng ai ra hồn cả - nàng có vẻ buồn buồn.
Chúng ta không nói chuyện này nữa được không? không phải cậu muốn hỏi tôi sinh năm nào, nhà có bao nhiêu người nữa đấy chứ, muốn điều tra dân số hả?
Tôi cười.
 - Đúng đó, con người tôi rất lạ, hễ có thiện cảm với ai là phải điều tra lý lịch cho bằng được. Chị làm gì được tôi nào?
- Giờ thì coi như đã nhìn rõ cậu rồi. Cậu không hề đơn giản như tôi tưởng tượng.
 - Tất nhiên rồi – tôi tự hào nói.
 - Cậu biết tại sao tôi lại chú ý đến cậu không?
 - Không phải chị muốn mời tôi đến Bách Lạc Môn làm nhân viên tiếp tân sao? Lúc ấy tôi không nghĩ gì, nhưng về sau thì bực mình lắm. Tôi còn nghĩ chắc chị muốn tôi đến đấy để dụ khách nữ nữa cơ đấy.
Cứ nghĩ đến chuyện này là tôi lại bực mình. Nàng coi tôi là hạng người nào chứ?
- Đấy là tôi vui miệng nói bừa thôi. Thực tế thì vừa nhìn cậu tôi đã thấy cậu rất giống em trai tôi.
Giọng nàng có vẻ rầu rầu.
Tôi không thích vậy, thà nàng cứ nói tôi giống người đàn ông đầu tiên của mình, tôi còn dễ chịu hơn.
- Thật sao? Bây giờ cậu ấy làm gì?
- Nó đã mất được ba bốn năm nay rồi- mắt nàng ngấn lệ.
 - Hả?
Tôi thật sự thông cảm với nàng. Nhìn kỹ lại thì ngoại trừ đôi mắt ra, chúng tôi cũng có vài điểm giống nhau. Quả nhiên nàng nói:
- Chỉ có đôi mắt là không giống lắm, còn những điểm khác thì thật sự rất giống. Nó chắc cũng cao như cậu. Lần đầu tiên nhìn thấy cậu, tôi thật không thể ngờ trên đời này lại có người giống nhau như vậy.
  -  Cậu ấy bị sao vậy?
  -  Nó bị máu trắng. Lúc ấy, nó cũng mới vào đại học, còn tôi thì với mới tốt nghiệp. Cả nhà chúng tôi đã hy sinh quá nhiều vì nó. Cậu biết vì sao chúng tôi lại tốt với nó như vậy không? nó là em út trong nhà. Sau khi sinh tôi, theo chính sách kế hoạch gia đình, thì mẹ tôi không được phép có thêm con nữa, nhưng bố mẹ lại cứ khăng khăng đòi sinh thêm nó. Kết quả là bố mẹ sợ mất việc nên phải đưa nó về quê cho chú tôi nuôi. Cả nhà chúng tôi đều cảm thấy nợ nó nên đã tìm đủ mọi cách để bù đắp. Lên cấp hai thì nó lên thành phố học, về cơ bản, đã có thể đến sống chung với chúng tôi. Người khác cũng không nói gì nữa. Nó học rất giỏi, lại rất hiểu chuyện, không ngờ mắc phải chứng bệnh quái ác đó. Tôi định làm giáo viên, nhưng lương giáo viên quá thấp, nên đành phải đi làm cho công ty nước ngoài. Anh trai tôi đang làm việc trong cơ quan nhà nước, nhưng cũng vì thu nhập thấp nên phải chuyển qua làm kinh doanh. Chúng tôi đã mượn rất nhiều tiền, nhưng nó chỉ sống được một thời gian ngắn rồi vĩnh viễn bỏ chúng tôi ra đi. Những món nợ đó đổ hết lên đầu anh em tôi. Cũng may, mấy năm nay, chẳng những chúng tôi trả được hết nợ, mà công việc làm ăn của anh tôi càng ngày càng phát triển. Anh ấy không muốn tôi tìm việc nữa mà chỉ khuyên tôi kết hôn sớm.
Tôi nghe xong thì chỉ im lặng, một lúc lâu sau mới nói:
- Thực ra, tôi cảm thấy cậu ấy cũng rất hạnh phúc, có được người anh, người chị tốt như thế, chết cũng không hối hận gì nữa. Tôi mới là kẻ bất hạnh, chị xem xem, không có anh chị em, thui thủi một mình, đến một người tâm sự cũng chẳng tìm đâu ra,chỉ đành ngồi đây uống bia một mình để gặm nhấm nỗi buồn mà thôi.
 - Nếu cậu thích thì cứ coi tôi như chị cậu đi, có gì cứ tâm sự với tôi là được rồi.
Nàng xúc động nói.
 - Hay lắm, nào chúng ta cạn ly nào! – tôi cao hứng nói.
Bốn giờ nàng phải đi làm.
 - Cậu đi về nhà đi.
 - Không, tôi đến đấy xem chị làm việc – tôi năn nỉ.
Nàng lắc đầu.
  - Nghe lời tôi đi, nơi đó không thích hợp với cậu đâu. Nếu cậu thích đi nơi nào khác, tôi sẽ đi cùng cậu, thế được chứ? để tôi cho cậu số điện thoại của tôi.
Nàng lấy bút ra, nhưng không có giấy. Tôi liền bảo:
 - Cứ viết lên tay cũng được.
Nàng không chịu nhưng tôi cứ khăng khăng giơ tay ra. Nàng đành nắm lấy tay tôi, viết lên lòng bàn tay một dãy số. Khi tay nàng chạm vào tay tôi, tim tôi đập dồn dập như gõ trống, hình như nàng cũng cảm nhận được điều đó nên tay nàng run run.
Nàng đi rồi. Tôi cứ đi được năm, sáu bước lại quay đầu nhìn về phía Bách Lạc Môn. Trên đường về nhà, đột nhiên tôi nghĩ đã đến lúc cần có điện thoại di động rồi, bèn bắt xe đến nhà ông ngoại, thấy ông đang có khách, tôi vào tìm bà ngoại. Bà đang ở một phòng khác xem tivi. Các bạn đoán xem bà đang xem gì? Phim hoạt hình đấy! Mỗi lần có phim hoạt hình là bà lại xem say sưa, không dứt ra nổi. Bà ngoại thấy tôi đến chơi thì vui lắm, nói bệnh đã khỏi rồi, sau đó lại hỏi tôi ăn cơm chưa. Tôi bảo chưa. Bà liền nói:
Đợi một lát, ông ngoại tiếp khách xong, chúng ta xuống dưới ăn cơm tiệm.
Tôi liền nói:
 - Được ạ, cũng nên chúc mừng bà khỏi bệnh mới phải. Để cháu gọi cho bố mẹ.
Tôi đi được mấy bước thì ra vẻ do dự, dừng lại nói:
 - Người khách kia bao giờ mới đi đây, muốn gọi điện cũng ngại quá.
Bà ngoại nghe vậy liền nói:
 - Để bà lấy điện thoại của ông cho mày.
Tôi gọi điện cho bố mẹ, cả hai đều vui vẻ nhận lời, đặc biệt là mẹ. Trời nóng thế này, ở nhà làm cơm chẳng khác gì cực hình, ở tiệm thì có điều hòa, lại không cần đụng tay, đụng chân, đương nhiên là thích rồi. Gọi điện xong, tôi nói:
 - Có di động đúng là tiện lợi thật!
Bà ngoại liền quay đầu lại nói:
 - Thở dài cái gì mà thở dài! Muốn có một cái rồi phải không?
 - Thôi ạ, để vào đại học xong hãy tính!
 - Cần gì phải đợi? nhà chúng ta đâu phải không thể mua mấy thứ đó. Cần bao nhiêu tiền cứ nói, bà cho. Lên đại học rồi, bà cũng phải tặng quà gì đó cho thằng cháu cưng chứ.
Sáng hôm sau, mẹ với tôi đi ra cửa hàng mua điện thoại. Mẹ bảo:
 - Muốn mua thì mua cái xịn nhất ấy.
Tôi chọn một cái hiệu Samsung, tốn hơn bốn nghìn đồng. Mẹ cười cười bảo:
 - Bà ngoại cho con năm nghìn cơ, chúng ta còn tiết kiệm chán.
Tôi cũng cười:
 - Hay lắm, số còn lại để con mời mẹ đi ăn Kentucky.