Nhóm dịch thuật Song Ngư
Chương 35
Phiên tòa – Ngày thứ nhì, buổi chiều

     ác sĩ Forrest Lundeen là một hải quân trung tá Quân y, người mập mạp, mặt mũi hồng hào với đôi kính gọng vàng, mái tóc vàng đang ngả màu sang bạc. Ông là trưởng khoa khoa tâm lý trị liệu trong bệnh viện hải quân và là trưởng ban y khoa khám nghiệm cho Queeg. Ông ngồi thoải mái trong ghế nhân chứng, trả lời những câu hỏi của Challee một cách dí dỏm và khôn lanh.
-  Cuộc khám nghiệm kéo dài bao lâu vậy, thưa bác sĩ?
-  Chúng tôi quan sát liên tục và thử nghiệm trong ba tuần lễ.
-  Ban y khoa gồm có những ai, thưa bác sĩ?
-  Tôi, bác sĩ Bird và bác sĩ Manella.
-  Tất cả các bác sĩ đều hiện đang hành nghề phải không?
-  Bác sĩ Bird và bác sĩ Manella là bác sĩ tâm thần dân sự. Họ hiện trong lực lượng hải quân trừ bị. Tôi chuyên khoa về tâm thần trong hải quân trên 15 năm.
-  Ban khám nghiệm cho biết kết quả như thế nào?
-  Sức khỏe của thiếu tá Queeg hoàn toàn tốt.
-  Ban y khoa không kiếm thấy một sự kiện nào về sự mất trí?
-  Hoàn toàn không thấy.
-  Như vậy có nghĩa là thiếu tá Queeg tuyệt đối hoàn toàn bình thường phải không?
-  A.. bình thường, như anh biết, trong tâm thần học thì chỉ là chuyện giả tưởng. Tất cả mọi chuyện chỉ là tương đối mà thôi. Không có một người lớn nào mà không có vấn đề gì ở đời, ngoại trừ những đứa sinh ra là đứa khờ lúc nào cũng được hạnh phúc an tồn mà thôi. Thiếu tá Queeg là một người rất quân bình, và thích hợp dễ dàng được với hoàn cảnh.
-  Bác sĩ có nghĩ rằng hai tuần trước khi bác sĩ khám nghiệm, thiếu tá Queeg có thể là một người mất trí không?
-  Chắc chắn trăm phần trăm không thể xảy ra được. Ông hạm trưởng hiện giờ là một người bình thường, và luôn luôn là một người bình thường. Một trường hợp bị loạn trí lúc nào cũng để lại dấu vết thương tích rất dễ nhận ra.
-  Bác sĩ không nhận thấy một dấu vết nào nơi thiếu tá Queeg?
-  Không một chút nào.
-  Vào ngày 18 tháng 12 năm 1944, thiếu tá Queeg đã bị hạm phó của ông tự nhận quyền chỉ huy chiến hạm của ông. Ông hạm phó lấy cớ rằng ông hạm trưởng đang bị bệnh tâm thần. Bác sĩ có nghĩ rằng vào ngày đó thiếu tá Queeg bị loạn trí cho nên hành động của ông hạm phó có thể được coi là chính đáng không?
-  Hoàn toàn không thể có được.
-  Có thể nào một người bình thường lại có những hành vi hung hãn, khó chịu, hay dại dột xuẩn ngốc không?
-  Lúc nào mà chẳng có.
-  Bây giờ mình giả thử - chỉ là giả thử mà thôi – rằng trong suốt thời gian hạm trưởng Queeg giữ quyền chỉ huy, hạm trưởng Queeg là một người khắc nghiệt, nóng nảy, xấu tính, hay áp bức nhân viên và thường có những quyết định không sáng suốt. Những cái như vậy có đi ngược với những điều ban y khoa kiếm thấy không?
-  Không. Chúng tôi không kết luận rằng thiếu tá Queeg là một sĩ quan hoàn hảo. Chúng tôi kiếm thấy là ông ta không có bị bệnh tâm thần.
-  Theo những gì bác sĩ biết về thiếu tá Queeg, ông có thể nào nói rằng thiếu tá Queeg có thể nóng nảy hay cục cằn không?
-  Có chứ. Cái đó nằm trong dự liệu mà.
-  Biết điều đó như vậy rồi, bác sĩ vẫn kết luận rằng việc hạm phó lấy quyền chỉ huy là một việc không chính đáng sao?
-  Đứng về phương diện tâm thần, chuyện đó không thể biện minh được. Đó là kết luận đồng thuận của toàn ban.
-  Xin bác sĩ cho biết quá trình của các đồng nghiệp của bác sĩ.
-  Bác sĩ Bird đã được huấn luyện đặc biệt về phương pháp nhận bệnh của Freud, bác sĩ Bird mới tốt nghiệp ưu hạng của trường y khoa Harvard. Bác sĩ Manella là một trong những bác sĩ nổi tiếng nhất về sức khỏe tâm thần tại miền tây.
-  Xin cho biết bây giờ họ đang ở đâu?
-  Bác sĩ Bird hiện đang phục vụ trong cơ quan tôi. Bác sĩ Manella đã được thuyên chuyển tuần trước và trên đường tới Phi Luật Tân.
-  Chúng tôi sẽ xếp báo cáo của bác sĩ vào hồ sơ các bằng chứng, và sẽ hỏi bác sĩ Bird. Xin cảm ơn bác sĩ.
Người sĩ quan phụ tá quân pháp thong thả nhìn thẳng vào Greenwald với một chút thỏa mãn và một cái cười nhỏ, cao ngạo lạnh lẽo.
Greenwald lê chân về phía bàn nhân chứng, lấy mu bàn tay quẹt mũi, mắt nhìn xuống mũi giày, chứng tỏ vẻ thật tình bối rối vô cùng này.
-  Thưa bác sĩ, tôi chỉ được học về luật và không biết chút gì về y khoa. Tôi mong bác sĩ kiên nhẫn với tôi một chút về các từ kỹ thuật. Chắc tôi phải xin hỏi những câu hỏi hết sức sơ đẳng.
-  Không có sao hết!
-  Lúc nãy bác sĩ nói, thiếu tá Queeg như mọi người trưởng thành khác, có những vấn đề và ông đã điều chỉnh thích nghi. Xin bác sĩ cho biết đó là những vấn đề gì?
-  Những chuyện đó năm trong lãnh vực được giữ kín trong phòng bệnh lý.
-  Bỏ qua những gì cần giữ bí mật trong phòng bệnh lý, xin bác sĩ cho biết một cách tổng quát những vấn đề đó.
Challee kêu lên:
-  Tôi phản đối. Thiếu tá Queeg không phải là bị cáo. Đại úy Maryk mới là bị cáo. Câu hỏi này về những điều tọc mạch cá nhân bí mật về hồ sơ y lý không liên hệ gì đến vụ xử.
Blakely nhìn về phía Greenwald, chờ. Viên phi công nhún vai:
-  Cái đò còn tùy nơi nhận xét của quý tòa. Những chứng cớ về tình trạng tâm thần của hạm trưởng Queeg hiển nhiên là hết sức quan trọng cho việc xét xử này.
Nhìn vị sĩ quan phụ tá quân pháp một cách khó chịu, Blakely ra lệnh cho mọi người ra ngoài. Chưa đầy một phút, mọi người được lệnh trở lại. Blakely nói:
-  Câu hỏi này có căn cứ cụ thể. Bác bỏ sự phản đối. Bác sĩ được quyền tùy tiện trả lời theo tinh thần thực hành y khoa.
Challee đỏ mặt gieo mình xuống ghế. Nhân viên tốc ký lập lại câu hỏi.
-  A, mình có thể coi tổng quát là một mặc cảm tự ti, do sự thua kém hồi thiếu thời và khi lớn lên phải trải qua một vài chuyện làm cho trầm trọng hơn.
-  Hồi thiếu thời, sự thua kém như thế nào?
-  Có nhiều lộn xộn. Cha mẹ ly dị, tài chánh khó khăn, học hành khó khăn.
-  Và những chuyện khi lớn lên làm trầm trọng hơn là những chuyện gì?
-  A, tôi không thể nói nhiều về chuyện đó. Một cách tổng quát, thiếu tá Queeg hơi không vui vì hơi nhỏ thó, vì thứ hạng kém trong lớp và đại loại những chuyện như vậy. Hình như là thời huấn phục trong học viện hải quân để lại một nỗi sợ hãi khó phai – Lundeen ngừng lại – tôi chi có thể nói được đến thế.
-  Đời sống gia đình hiện tại như thế nào?
Bác sĩ Lundeen ngần ngại nói:
-  A, anh bắt đầu lần mò vào lãnh vực đời tư của bệnh nhân đây.
-  Nhưng có thể có những căng thẳng không, bác sĩ không cần phải kể chi tiết?
-  Tôi không thể trả lời thêm những câu hỏi theo chiều hướng đó. Như tôi đã nói, thiếu tá Queeg là một người có khả năng thích ứng với những chuyện đó.
-  Bác sĩ có thể nói rõ về tính chất của sự thích ứng đó không?
-  Được. Địa vị là sĩ quan hải quân là một yếu tố quân bình đáng kể. Đó là điểm then chốt trong tự hào cá nhân, do đó ông ta sẽ cố gắng hết sức mình để bảo vệ vị trí đó. Những cái nóng nảy và khắc nghiệt mà tôi nói lúc nãy chính là cho mục tiêu này.
-  Có thể nào ông ta không thấy dễ chịu nhận lỗi lầm không?
-  A, có khuynh hướng như vậy. Thiếu tá Queeg có định kiến về việc bảo vệ địa vị của ông. Dĩ nhiên là những việc như vậy không có gì là bất thường cả.
-  Có thể ông ta là một người cầu toàn không?
-  Với những cá tính đó, ông ta rất có thể là một người cầu toàn.
-  Có khuynh hướng bắt bẻ nhân viên về những chi tiết nhỏ nhặt không?
-  Ông ta rất tự hào về tính cẩn thận tỉ mỉ của ông ta. Lỗi của thuộc hạ dù nhỏ tới đâu cũng không thể bỏ qua được vì ông ta nghĩ rgz cái đó sẽ tạo nguy hiểm cho ông.
-  Có thể nào những người như vậy, với quyết tâm cầu toàn sẽ cố gắng tránh làm các điều lầm lỗi không?
-  A, mình cũng biết rằng thực tế không bao giờ hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của bất cứ người nào…
-  Thế mà ông ta không bao giờ nhận một phần lỗi nào về mình. ông ta có nói dối không?
-  Chắc chắn là không! ông ta.. anh có thể nói là ông ta sửa đổi thực tế trong tâm tư của ông ta để cho ông ta vẫn luôn là một người không bao giờ bị lầm lỗi. ông ta có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác…
-  Thưa bác sĩ, có phải bóp méo sự thực là triệu chứng của bệnh tâm thần không?
-  Tự nó thì không phải. Đó chỉ là vấn đề về mức độ của sự bóp méo. Không một ai trong chúng ta phải trực diện với thực tế một cách toàn bộ.
-  Nhưng ông thiếu tá có bóp méo sự thực nhiều hơn a..thí dụ như hơn là  bác sĩ hay những người nào khác không bị cùng áp lực như ông thiếu tá?
-  Đó chính là nhược điểm của ông ta. Những người khác có những nhược điểm khác. nhưng hiển nhiên đó không phải là bệnh hoạn.
-  Có thể nào những người như vậy thường cảm thấy người khác chống đối hay ác cảm với họ không?
-  Những tính chất đó chính là đặc tính của những người như vậy. Bản tính của những người như vậy là luôn cảnh giác để bảo vệ bản ngã tự cao của họ.
-  Ông ta có hay ngờ vực thuộc hạ và nghi ngờ lòng trung thành và khả năng chuyên môn của thuộc hạ không?
-  Có thể là một phần nào đó. Đó là một phần trong việc lo âu để được hoàn hảo.
-  Nếu cấp trên chỉ trích, ông ta  có thể nghĩ là bị ngược đãi không công bằng không?
-  A, như tôi nói, tất cả những cái đó đều theo một mô hình, bắt nguồn từ một tiền đề căn bản, đó là ông phải được coi là hoàn hảo.
-  Có thể nào ông ta trở nên bướng bỉnh, ngoan cố không?
-  A, anh sẽ thấy một mức độ cứng rắn trong những con người như vậy. cái sự bất an trong thâm tâm của ông ta không cho ông ta có thể chấp nhận được rằng những người có ý kiến khác với ông ta mà có thể người đó đúng được.
Greenwald bỗng nhiên thay đổi từ cái lối nói lúng túng mơ hồ, trở nên chính xác chi li:
-  Thưa bác sĩ, bác sĩ đã chứng thực thiếu tá Queeg có những triệu chứng như thế này: cứng rắn, cảm thấy bị cấp trên ngược đãi, nghi ngờ quá đáng, trốn tránh thực tế, và một ám ảnh để bảo toàn hình ảnh của mình là một người lúc nào cũng đúng.
Bác sĩ Lundeen lộ vẻ ngỡ ngàng:
-  Tất cả đều nhẹ, thưa luật sư. Tất cả đều được thích ứng quân bình.
-  Đúng như vậy, bác sĩ. Có phải có một từ trong tâm thần học, một cái tên gọi cho hội chứng này không?
-  Hội chứng? ai nói gì về hội chứng bao giờ? Anh đã dùng sai chữ rồi. không có hội chứng vì không có bệnh hoạn gì.
-  Cảm ơn bác sĩ đã sửa cho đúng. Tôi xin nói cách khác. Những triệu chứng trên nằm trong một mô hình đặc biệt của sự rối loạn thần   kinh. Một lớp loại thông thường trong tâm lý học?
-  Dĩ nhiên là tôi biết anh muốn dẫn tới đâu. Đó là tính chất hoang tưởng, dĩ nhiên, nhưng đó không phải là bệnh hoạn gì.
-  Bác sĩ nói tính chất gì?
-  Hoang tưởng.
-  Hoang tưởng hả bác sĩ?
-  Đúng vậy, hoang tưởng.
Greenwald ngó Challee rồi chậm rãi nhìn quanh các người xử án từng người một. Anh bước về bàn của anh. Challee nhổm dậy. Viên phi công nói:
-  Tôi chưa hỏi xong. Tôi muốn coi lại tài liệu của tôi.
Challee ngồi xuống trở lại. Trong tòa, rất yên lặng. Greenwald lật các giấy tờ trên bàn của anh. Cái tiếng “hoang tưởng” treo nặng trong không khí.
-  Thưa bác sĩ, trong trường hợp hoang tưởng như thiếu tá Queeg, làm sao mình phân biệt được đó là bệnh hoạn hay chỉ là sự thích ứng?
-  Như tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần – giọng nói của bác sĩ Lundeen có vẻ mệt nhọc – Đó là tùy theo mức độ. Không có ai hoàn toàn bình thường. Ngay  chính anh, có lẽ anh cũng là một trường hợp suy nhược nhẹ không chừng. Có thể tôi là trường hợp phân sinh nhẹ. Hàng triệu người sống một cuộc đời bình thường với những tình trạng được bù qua sớt lại bởi những ưu điểm khác. Tương tự như về thân thể mình, một cái lưng còng, hay một trái tim có tiếng rì rào, những chuyện chỉ có là những phiền toái, khó khăn nhưng không phải đến nỗi là yếu tố trở ngại sinh hoạt.
-  Yếu tố trở ngại sinh hoạt là tương đối hay tuyệt đối, thưa bác sĩ?
-  Ý anh muốn nói là gì?
-  A, một người có thể có bệnh hoang tưởng nhưng không trở ngại cho anh ta làm một công việc ít nặng nề hơn trong vị trí một nhân viên thuộc hạ, nhưng sẽ là trở ngại trong chức vụ chỉ huy trưởng?
-  Điều đó có thể hợp lý.
-  Như vậy, khi là sĩ quan truyền tin thì đó không phải là một bệnh, nhưng khi làm hạm trưởng thì cái đó có thể coi là một thứ bệnh, phải không bác sĩ?
-  Anh trộn lộn các từ y khoa rồi dùng một cách bừa bãi – bác sĩ Lundeen cáu kỉnh.
-  Xin lỗi bác sĩ.
-  Trong trường hợp thiếu tá Queeg, ủy ban của tôi không thấy thiếu tá Queeg không đủ năng lực chỉ huy chiến hạm.
-  Tôi có nhớ là bác sĩ làm chứng như vậy, thưa bác sĩ. Bác sĩ có thể cho biết đến lúc nào thì hoang tưởng trở nên một thứ bệnh làm bệnh nhân không còn đủ khả năng hoạt động được nữa?
-  Khi nào người đó mất tự chủ và không điều khiển được thực tại xung quanh anh ta.
-  Triệu chứng gì cho mình biết lúc người bị hoang tưởng thấy rằng thực tại đã vượt quá mức với anh ta?
-  A, có nhiều phản ứng có thể cho mình thấy điều đó. Bị mê mệt, hay làm náo loạn lên, hay lo lắng quá mức…tùy trường hợp.
-  Có thể nào trạng thái bất lực hiện ra trong buổi thăm bệnh không?
-  Với những bác sĩ giỏi, có thể lắm.
-  Bác sĩ muốn nói là bệnh nhân sẽ tỏ ra mệt mỏi hay điên cuồng lên?
-  Không phải. Tôi muốn nói là bác sĩ sẽ nhìn thấy những triệu chứng của sự bất lực, những sự cứng ngắc, ngoan cố, bướng bỉnh, cảm giác bị cấp trên bạc đãi vân vân.
-  Tại sao mình lại phải cần một bác sĩ tâm thần để khám phá ra một người bị bệnh hoang tưởng, thưa bác sĩ. Có thể nào một người thông minh, học thức, như tôi, hoặc như vị sĩ quan phụ tá pháp luật, hay như các quan tòa có thể nhận ra một người bị mắc bệnh hoang tưởng hay không?
Bác sĩ châm biếm nói:
-  Lẽ dĩ nhiên là vì anh không quen nhận dạng mô hình. Cái dấu hiệu rõ ràng của chứng loạn thần kinh này bề ngoài trông rất bình thường, rất hợp lý. Nhất là việc tự bào chữa cho mình.
Greenwald nhìn xuống sàn hàng nửa phút. Có tiếng xào xạc trên ghế ngồi của các thành viên của tòa án cùng một lúc đổi thế ngồi.
-  Chỉ là một câu hỏi giả thử thôi về một vị hạm trưởng có chứng hoang tưởng, thưa bác sĩ…Giả thử người ấy có các đặc tính như thế này: ông ta trở nên khiếp hãi, hoảng hốt khi bị địch bắn, rồi bỏ chạy, ông ta làm hư hại tài sản của công, rồi chối điều đó, ông ta giả mạo giấy tờ, ông ta làm tiền thuộc hạ, ông ta ra hình phạt quá nặng nề cho các lỗi lầm rất nhỏ. Vậy ông ta có còn khả năng chỉ huy hay không?
Sau một lúc suy nghĩ thật lâu, các thành viên của tòa án hải quân nhìn ông lom lom, Lundeen nói:
-  Đó là một câu hỏi chưa đủ yếu tố để trả lời. Vậy, ngoài các việc đó ra, ông ta có thi hành đàng hoàng các nhiệm vụ khác không?
-  Đặt giả thiết là có.
-  A, nếu vậy thì, ông ta …ông ta không nhất thiết phải là bị bất lực, không, không phải. Hiển nhiên là ông ta không thích hợp vào nhiệm vụ đó. Cái đó còn tùy theo khả năng mình có thể cung cấp sĩ quan tới đâu. Nếu mình có sĩ quan khác có đủ tư cách chỉ huy như ông ta, thì, a … cái đó là điều mong mỏi nhất. Nếu anh đang lâm trận và cấp chỉ huy không có đủ, thì anh đành phải dùng người đó vậy. Đó là cái mạo hiểm rủi ro của chiến tranh.
-  Thưa bác sĩ, là một nhân chứng về chuyên môn, bác sĩ có thể nào nói là thiếu tá Queeg nên được làm hạm trưởng để chỉ huy một chiến hạm của hải quân Hoa kỳ không?
-  A, tôi ….Câu hỏi này vô nghĩa, bởi vì nó thuộc quyền của phòng tổng quản trị. Thiếu tá Queeg không mắc bệnh tâm thần. tôi đã lặp lại nhiều lần rằng rối loạn hoang tưởng, dù nhẹ tới đâu chăng nữa, là một điều kiện rất khó khăn, và cực kỳ khó chịu cho nhân viên dưới quyền. trong thời chiến, mình có gì xài nấy thôi. Thiếu tá Queeg không có bệnh tật gì.
-  Bác sĩ có sẵn lòng cho con mình phục vụ dưới quyền thiếu tá Queeg trong một trận chiến không?
Lundeen khổ sở nhìn người sĩ quan phụ tá pháp luật. ông này nhảy chồm dậy:
-  Tôi phản đối. Bên bị cáo hỏi câu hỏi liên quan đến tình cảm cá nhân chứ không phải hỏi ý kiến chuyên môn.
-  Tôi xin rút lại câu hỏi – Greenwald nói – Xin cảm ơn bác sĩ Lundeen. Bên bị cáo xin chấm dứt.
Đại tá Blakely nói:
-  Tòa muốn làm sáng tỏ một điều – mọi thành viên chăm chú nhìn ông – thưa bác sĩ, có thể nào có thể xảy ra là – một sự bất lực tạm thời dưới áp lực mà không phải bị suy sụp hoàn toàn? Hay là như thế này, nói một cách khác. Thí dụ mình có một người có tình trạng hoang tưởng nhẹ không hề hấn gì trong những khẩn trương thường có của một chức vụ chỉ huy. Thế nhưng thí dụ như nếu có những khẩn trương dồn dập đến mức nguy hiểm nhất, thì người đó có bị mất khả năng hoạt động không? Người đó có khuynh hướng bị rối loạn và rúng động đến nỗi đưa ra những quyết định sai lầm không?
-  A, có thể lắm. Những khẩn trương cùng cực làm cho ai cũng có thể như vậy cả, thưa đại tá.
-  Nhưng một hạm trưởng thì không thể bị như vậy.
-  Dĩ nhiên là không, nhưng trên thực tế, thưa đại tá, các vị đó cũng chỉ là những con người như những người khác thôi.
-  Tôi chỉ muốn biết như vậy thôi. Cảm ơn bác sĩ.
Challee tiếp tục hỏi nhân chứng và hướng các câu hỏi bác sĩ Lundeen đến việc phải xác nhận rằng Queeg không bị bất lực và chưa bao giờ bị bất lực. Challee khiến bác sĩ Lundeen phải xác nhận điều đó nhiều lần và dưới nhiều hình thức khác nhau. Vị bác sĩ xác nhận rõ ràng những điều đó, thỉnh thoảng liếc qua phía bên luật sư biện hộ.
-  Thưa quý tòa, bác sĩ Bird sẽ là nhân chứng sau chót của chúng tôi.
Challee nói trong lúc tùy phái kêu người bác sĩ tâm thần thứ hai này.
Blakely liếc nhìn đồng hồ. Hai giờ năm phút. Viên đại úy y sĩ mới bước vào là một người ốm tong ốm teo, trông rất trẻ, mái tóc đen xậm, nước da tai tái, và một vẻ lanh lợi mẫn cảm. Mắt anh màu nâu, to, sâu và một cái nhìn sâu sắc. Có một vẻ gì nồng nhiệt trong cái nhìn của anh. Anh chàng cũng khá đẹp trai.
Dưới sự thẩm vấn của Challee, anh xác nhận tất cả những gì bác sĩ Lundeen đã nói về hạm trưởng Queeg. Với một giọng rắn rỏi, rành rẽ, anh khẳng định rằng thiếu tá Queeg đầy đủ khả năng trong chức vụ hạm trưởng, và chưa bao giờ thiếu khả năng. Challee nói:
-  Bác sĩ Manella có đồng ý kiến với anh và bác sĩ Lundeen về kết luận này không?
-  Bác sĩ Manella cũng cùng ý kiến như vậy.
Challee ngừng một chút rồi nói:
-  Anh có thấy dấu hiệu nào chứng tỏ thiếu tá Queeg có cái gọi là một nhân tính hoang tưởng không?
-  A, đúng hơn có lẽ tôi muốn gọi đó là một nhân tính với mức ám ảnh quá độ có những nét dáng của chứng hoang tưởng.
-  Nhưng điều này không chứng tỏ thiếu năng lực về tâm thần phải không?
-  Đúng như vậy. Nó không chứng tỏ như vậy.
-  Những từ “nhân tính hoang tưởng” hay “nhân tính bị ám ảnh” có được đề cập tới trong báo cáo không?
-  Không.
-  Tại sao, thưa bác sĩ?
-  A, trong tâm thần học, thuật ngữ không được chính xác lắm. Cùng một từ có thể chỉ nhiều chuyện khác nhau cho dù đối với các chuyên viên cùng một trường phái. “Nhân tính hoang tưởng” nghe có vẻ là một bệnh trầm trọng, nhưng thật ra nó không phải vậy, ít nhất cũng là theo tôi hay theo bác sĩ Lundeen hay theo bác sĩ Manella.
-  Như vậy thiếu tá Queeg được coi như là có đầy đủ khả năng theo ba quan điểm khác nhau về tâm thần học phải không?
-  Phải.
-  Quý vị bác sĩ tất cả đều đồng ý rằng thiếu tá Queeg có đầy đủ năng lực tâm thần bây giờ và chắc chắn là có đầy đủ năng lực vào ngày 18 tháng chạp lúc thiếu tá Queeg bị thay thể với lý do là bị bệnh tâm thần phải không?
-  Đó là kết luận được toàn thể đồng ý.
-  Chúng tôi không có câu hỏi gì khác.
Greenwald đến gần nhân chứng.
-  Thưa bác sĩ, trong phân tâm học của Freud có từ nào gọi là bệnh tâm thần không?
-  A, có những người bị rối loạn và có những người thích ứng được để quân bình.
-  Nhưng có phải rối loạn và thích ứng có phải là tương đương với tiếng bệnh và khỏe mà bình dân chúng tôi vẫn xài không?
-  Một cách thô thiển, có thể coi là tương đương được.
-  Bác sĩ có thể kết luận là thiếu tá Queeg bị khổ sở vì mặc cảm tự ti không?
-  Có.
-  Dựa trên bằng chứng gì?
-  Vì những đau đớn tâm thần ác nghiệt thuở thiếu thời. nhưng đã được bù đắp thích đáng.
-  Có gì khác nhau giữa bù đắp và thích ứng không?
-  Lẽ dĩ nhiên là khác.
-  Bác sĩ có thể giải thích được không?
-  A – Bird mỉm cười, và ngồi sát vào lưng ghế - Thí dụ như có một người có một rối loạn về   tinh thần dấu thật kín trong vô thức. Cái rối loạn này khiến anh ta làm những chuyện khác thường mà anh ta không bao giờ có thể hiểu được lý do tại sao. Người đó có thể bù đắp bằng cách kiếm những lối thoát cho những phát động kỳ dị đó, bằng sức mạnh tinh thần, bằng mơ ngày, bằng một trong hàng ngàn cách trong tâm thức. Người đó không bao giờ có thể thích ứng điều chỉnh được nếu không được phân tâm và mang những rối loạn đó từ vô thức ra ánh sáng của ý thức.
-  Thiếu tá Queeg đã có bao giờ được trị liệu theo phân tâm học chưa?
-  Không.
-  Như thế ông ta là một người bị rối loạn.
-  Đúng như vậy. Nhưng không phải bị mất năng lực do sự rối loạn đó.
-  Bác sĩ Lundeen làm chứng rằng thiếu tá Queeg đã thích ứng điều chỉnh được.
Bác sĩ Bird mỉm cười:
-  Rồi, luật sư lại vướng vào thuật ngữ rồi! Thích ứng có một nghĩa đặc biệt trong kỹ thuật của Freud. Bác sĩ Lundeen dùng từ đó một cách lỏng lẻo để diễn tả rằng bệnh nhân đã bù đắp được cho những rối loạn tâm thần của họ.
-  Xin bác sĩ nói rõ về những rối loạn của thiếu tá Queeg.
-  Không có bản phân tích đầy đủ, tôi không thể nói chính xác về những rối loạn đó được.
-  Bác sĩ hoàn toàn không biết những chuyện đó à?
-  Dĩ nhiên là hình ảnh bên ngoài thì rất rõ ràng. Trong vô thức, thiếu tá Queeg nghĩ rằng ông ta bị ghét là vì ông ta nham hiểm, ngu dốt, và cá nhân ông không có một chút nghĩa lý gì. Cái mặc cảm phạm tội này và tính chất hung bạo này có thể truy nguyên về thuở còn bé.
-  Làm cách nào ông ta có thể bù đắp được?
-  Có hai cách chính. Cái khuynh hướng hoang tưởng, vốn vô dụng và không đáng được cổ võ, và sự nghiệp hải quân, rất hữu dụng và được quý trọng.
-  Bác sĩ muốn nói là binh nghiệp là hậu quả của những rối loạn tâm thần sao?
-  Phần lớn những quân nhân chuyên nghiệp là như vậy.
Greenwald lén nhìn lên đại tá Blakely.
-  Xin bác sĩ giải thích điều đó.
-  Tôi chỉ đơn giản muốn nói là nó tượng trưng cho một cách thoát, một cơ hội để về bụng mẹ và tái sinh với một bản thân hoàn hảo, trong trắng, vô tội.
Challee đứng dậy.
-  Cái cuộc thảo luận kỹ thuật chẳng dính dấp gì tới công chuyện này rồi sẽ đi tới đâu đây?
-  Có phải anh muốn phản đối câu hỏi này không? – Blakely quắc mắt hỏi.
-  Tôi thỉnh cầu tòa đặt giới hạn cho những việc làm mất thì giờ về những chuyện của bên biện hộ lộn xộn và không liên quan gì tới vụ án.
-  Tòa ghi nhận lời thỉnh cầu. Tiếp tục tiến hành.
-  Thưa bác sĩ. Bác sĩ có nhận thấy một thói quen khác thường của thiếu tá Queeg. Ông ta hay dùng với tay của ông ta?
-  Anh muốn nói là lăn các viên bi, phải không?
-  Đúng vậy. Ông ta có làm trước mặt các bác sĩ không?
-  Hơn một tuần đầu, ông ta không có làm. Sau đó, ông ta nói cho tôi nghe và tôi đề nghị ông ta cứ làm nếu ông ta thấy thoải mái như vậy. Và ông ta đã làm như vậy.
-  Xin nói rõ về thói quen này.
-  A, đó là rung lạch cạch hay là lăn không ngừng hai viên bi trong bàn tay, không cứ là tay nào.
-  Ông ta có nói tại sao ông ta lại làm như vậy không?
-  Tay ông ta run lẩy bẩy. Ông ta làm như vậy để bớt run tay và để dấu việc tay bị run.
-  Tại sao tay ông ta bị run?
-  Do sự căng thẳng. Đó là một trong những triệu chứng ngoài mặt.
-  Trong phân tâm học Freud, việc lăn các viên bi có ý nghĩa gì quan trọng không?
Bird nhìn các người xử án không thoải mái.
-  Bây giờ anh lại đi vào mấy tiếng lóng kỹ thuật đấy.
-  Xin bác sĩ làm sao cho bớt nặng kỹ thuật càng tốt.
-  Không có bảng phân tích của người đó, mình chỉ có thể đoán một cách tượng trưng mà thôi. Đó có thể là một sự đè nén về tình dục. Đó cũng có thể là sự mân mê những cục phân. Hoàn toàn tùy thuộc vào…
-  Phân ư?
-  Trong thế giới của trẻ con, phân là một chất độc chí tử và như vậy có thể dùng làm một khí cụ để trả thù. Lúc đó nó trở thành một cách biểu hiện sự giận dữ và thù ghét thế giới bên ngoài.
Đoàn xử án nhìn nhau nửa ngạc nhiên nửa hãi hùng. Challee một lần nữa phản đối việc làm mất thì giờ này. Lại thêm một lần nữa Blakely lại bác bỏ. Blakely nheo mắt nhìn về phía viên bác sĩ giống như anh chàng là một con quái vật lạ lùng.
-  Bác sĩ – Greenwald hỏi tiếp – bác sĩ đã xác quyết rằng thiếu tá Queeg là một người bị rối loạn tâm thần, không phải là một người đã thích ứng điều chỉnh.
-  Đúng vậy.
-  Với cách nói của người bình dân, ông ta là một người bệnh.
Bird mỉm cười:
-  Tôi nhớ đã đồng ý về việc hai từ rối loạn và đau bệnh có phần hơi giống nhau. Nhưng theo hai từ đó thì có vô số người đau bệnh…
-  Nhưng trong phiên tòa này chúng tôi chỉ chú ý tới bệnh của thiếu tá Queeg mà thôi. Nếu ông ta bị bệnh, tại sao ủy ban Y khoa lại cho là ông ta khỏe mạnh?
-  Tôi ngợ là anh đang chơi chữ rồi. Chúng tôi chỉ kiểm tra rằng ông ta không có bệnh.
-  Có thể nào cái bệnh của ông ta khi bị thật trầm trọng trở nên làm cho ông ta bị bất lực, mất khả năng chỉ huy không?
-  Thật là trầm trọng thì có thể bị.
Giọng đột nhiên trở nên sắc bén, Greenwald hỏi:
-  Có thể có một trường hợp nào khác không?
-  Anh muốn nói cái gì?
-  Giả thử rằng những đòi hỏi ở vị chỉ huy trưởng thật ra rất nhiều lần nặng nề hơn là bác sĩ nghĩ, thì một người bị bệnh nhẹ như Queeg cũng trở nên mất khả năng chỉ huy, phải không?
-  Cái giả thiết đó hết sức là phi lý, bởi vì….
-  Thật sao? Anh đã phục vụ trong hải lực, thưa bác sĩ?
-  Chưa.
-  Anh đã có lần nào đi biển chưa?
-  Chưa – Bird bắt đầu mất vẻ tự tin.
-  Anh ở trong hải quân được bao lâu rồi?
-  Năm tháng, không, sáu tháng kể tới ngày hôm nay.
-  Anh đã có ca nào về các hạm trưởng trước ca này không?
-  Không.
-  Vậy thì dựa vào yếu tố nào anh ước lượng sự căng thẳng của một hạm trưởng phải đương đầu?
-  A, dựa trên hiểu biết thông thường….
-  Anh có nghĩ rằng chức vụ hạm trưởng đòi hỏi một người rất tài trí và giỏi giang hơn người không?
-  A, không.
-  Không hả?
-  Không phải thật là hơn người. Phản ứng bình thường, khá thông minh, và được huấn luyện đầy đủ, và đủ kinh nghiệm, nhưng….
-  Như vậy là đủ điều kiện cho, thí dụ như là để làm một nhà tâm lý học giỏi không?
-  A, không hẳn như vậy, cái đó là vì ở một lãnh vực khác…
-  Nói một cách khác, anh cho rằng cần phải có nhiều khả năng mới làm được tâm lý gia hơn là hạm trưởng một chiến hạm hải quân phải không? – Viên luật sư nhìn đại tá Blakely.
-  Cần, cần …nghĩa là mỗi ngành cần một khả năng khác nhau. Chính anh đưa ra sự so sánh làm xúc phạm chứ không phải tôi.
-  Bác sĩ, ông đã nhận rằng thiếu tá Queeg bệnh, đó là đã nhiều hơn bác sĩ Lundeen rồi. Câu hỏi còn lại chỉ là ông ta bệnh nặng tới đâu. Anh nghĩ rằng ông thiếu tá không bệnh nặng đến nỗi không chỉ huy được chiến hạm. Tôi nghĩ rằng vì hiển nhiên là anh chẳng biết gì về trách nhiệm của một hạm trưởng, do đó lời kết luận của anh có thể sai lầm.
-  Tôi bác bỏ nhận xét của luật sư – Bird trông giống như một đứa trẻ bị mắng. Giọng anh run lên – Anh tự tiện thay thế chữ bệnh là một chữ có nghĩa bóng bảy, cho chữ đúng….
-  Xin lỗi, anh nói chữ gì?
-  Chữ có nghĩa bóng bảy – đầy ẩn ý, xúc phạm – tôi không bao giờ dùng chữ bệnh. Sức hiểu biết của tôi về gánh nặng của người hạm trưởng là đúng mức, nhưng không tôi đã tự xin ra khỏi ban điều tra y khoa…
-  Lẽ ra anh nên xin ra mới phải.
Challee hét lên:
-  Nhân chứng bị khiêu khích!
-  Tôi rút lại câu sau cùng. Chúng tôi không còn câu hỏi nào khác – Greenwald bước nhanh về bàn mình.
Trong suốt mười phút đồng hồ, Challee cố gắng thuyết phục Bird rút lại chữ  bệnh. Người y sĩ trẻ tuổi thấy khó chịu. Anh trở nên cáu kỉnh và cứng rắn, xổ cả một trời mây mù đầy thuật ngữ về phân tâm học. anh nhất định không chịu bỏ chữ đó. Cuối cùng Challee đành phải cho người bác sĩ bất lợi và hung hãn này nghỉ. Ông nộp làm bằng chứng bản báo cáo của ủy ban điều tra y khoa, bản báo cáo của bác sĩ ở Ulithi và những số sách và nhật ký lặt vặt của chiếc Caine. Phần trình bày của Challee đến đây coi như  xong.
-  Bây giờ là 3 giờ. Bên biện hộ có sẵn sàng để trình bày vụ án không?
-  Thưa đại tá, tôi chỉ có hai nhân chứng thôi. Nhân chứng đầu tiên là bị cáo.
-  Bị cáo có thỉnh nguyện để được khai trước tòa không?
Sau khi Greenwald gật đầu, Maryk đứng dậy nói:
-  Tôi xin phép như vậy.
-  Tốc ký viên ghi vào sổ xác nhận lời thỉnh cầu theo luật định được chấp thuận…Bên biện hộ tiến hành trình bày phần biện hộ.
Maryk kể lại câu chuyện buổi sáng ngày 18 tháng chạp. Chỉ là lặp lại lời khai của Willie. Greenwald nói:
-  Có phải chiến hạm đã đến mức cùng cực khi đại úy lấy quyền chỉ huy không?
-  Đúng vậy.
-  Dựa vào sự kiện nào mà đại úy cho là như vậy?
Maryk liếm môi.
-  A…Có nhiều chuyện, giống như là, là chúng tôi không thể lái đúng hướng muốn đi. Chúng tôi bị sóng ngang, gió ngang một giờ hơn ba lần. Chúng tôi bị lắc ngang đến nỗi mà kim chỉ độ nghiêng vượt ra ngoài mức tối đa. Phòng lái ngập nước. Máy điện không xử dụng được. đèn đuốc và la bàn điện đều bị lúc sáng lúc tắt. Chiến hạm không ăn tay lái kể cả dùng tổng hợp sức máy và tay lái. Radar không nhìn thấy gì vì bị sóng quá cao. Chúng tôi không kiểm soát được chiến hạm và không biết được vị trí.
-  Anh có vạch rõ những điều này cho hạm trưởng biết không?
-  Liên tục trong một giờ đồng hồ. tôi xin hạm trưởng cho dằn tàu và quay đầu để đi ngược gió.
-  Hạm trưởng trả lời như thế nào?
-  Phần lớn là chỉ nhìn đờ đẫn hay lặp lại ý muốn của hạm trưởng mà thôi.
-  Ý muốn gì?
-  Tôi nghĩ là phải giữ đúng hướng theo lệnh hạm đội cho đến khi bị chìm.
-  Anh bắt đầu giữ một sổ y khoa về hạm trưởng?
-  Một ít lâu sau vụ tấn công Kwajalein.
-  Tại sao anh lại giữ sổ đó?
-  Tại tôi nghĩ là có thể hạm trưởng bị bệnh tâm thần.
-  Tại sao vậy?
-  Vụ hạm trưởng thả khói ở Kwajalein, rồi vụ cúp nước, và vụ đưa Stilwell ra tòa án quân sự.
-  Xin tả chi tiết ba vụ này.
Blakely chặn viên hạm phó trong vụ Kawajalein để hỏi kỹ về hướng đi và khoảng cách, và khoảng xa giữa chiếc Caine và tàu đổ bộ. ông ghi chép lại các câu trả lời.
-  Sau ba vụ này – Greenwald tiếp tục – tại sao anh không trình thẳng với thượng cấp?
-  Tôi không chắc lắm về lý luận của tôi. Đó là lý do tại sao tôi muốn giữ một sổ ghi. Tôi tự nghĩ lúc nào tôi thấy tôi sai, tôi sẽ đốt cuốn sổ đi. Nếu tôi đúng thì đó là những dữ kiện cần thiết.
-  Lúc nào thì anh đưa cho đại úy Keefer coi?
-  Sau vụ trái dâu, mấy tháng sau.
-  Xin kể vụ trái dâu.
Maryk kể lại chuyện trái dâu, không màu mè gì.
-  Bây giờ, đại úy, sau khi trận bão đã qua khỏi, thiếu tá Queeg có làm gì để lấy lại quyền chỉ huy không?
-  Có. Vào buổi sáng ngày 19. Chúng tôi tìm thấy hạm đội và nhập đoàn trở về Ulithi.
-  Xin kể lại chuyện đã xảy ra như thế nào.
-  Tôi đang ở trong phòng hải đồ thảo công điện cho chỉ huy trưởng hành quân để báo cáo về việc giữ quyền chỉ huy. Hạm trưởng đi vào và nhìn thấy. Ông nói “Xuống phòng tôi nói chuyện trước khi anh gửi được không?” Tôi nói được và chúng tôi nói chuyện ở phòng hạm trưởng. Cũng là những chuyện cũ nói về việc tôi sẽ phải ra tòa án quân sự như thế nào. Ông nói “Anh đã nộp đơn xin qua hiện dịch. Anh có hiểu thế này nghĩa là chấm dứt tất cả không?” Rồi ông nói dông dài về việc ông yêu thích hải quân như thế nào và ông không còn có một ý muốn gì khác ngoài hải quân, và dù cho ông không bị sai sót gì trong vụ này, thì vụ này vẫn làm tan nát thành tích của ông. Tôi nói tôi rất lấy làm buồn cho ông và thực sự tôi thấy buồn cho ông ấy. Và ông nói là ông sắp chuyển giao quyền chỉ huy trong vài tuần tới, cho nên tôi làm như vậy đâu có ích lợi gì đâu. Sau cùng ông đề nghị là ông sẽ quên hết mọi chuyện và sẽ không bao giờ báo cáo tôi. Ông sẽ lấy lại quyền chỉ huy và mọi chuyện sẽ chìm đi và không ai còn nhớ tới nữa…giống như một chuyện nóng nảy trong cơn bão thôi.
-  Anh trả lời đề nghị đó như thế nào?
-  Tôi rất kinh ngạc. Tôi nói “Hạm trưởng, cả tàu biết hết chuyện mà. Sự kiện được ghi vào sổ trực giám lộ và nhật ký hải hành. Tôi đã ký tên trong sổ nhật ký hải hành với danh nghĩa hạm trưởng rồi”. Rồi hạm trưởng ngắc ngứ một lúc và cuối cùng ông nói những cái đó chỉ là những sổ ghi tạm bằng bút chì và nhiều lắm cũng chỉ vài dòng thôi, và nếu có sửa thì cũng không phải là lần đầu tiên mấy sổ ghi tạm đó được sửa và chỉnh lại cho đúng với sự thật.
-  Anh có nhắc cho hạm trưởng biết luật cấm tẩy xóa không?
-  Có, tôi có nhắc, nhưng hạm trưởng cười cười nói có đủ mọi loại lệ loại luật, và trong đó cũng có luật sinh tồn nữa. Hạm trưởng nói tôi phải làm vậy, hoặc ra tòa án quân sự, phần tôi là tội nổi loạn, còn ông phải bị một vết đen trong quân bạ mà ông ta vô tội, và hạm trưởng nói mà vì vài dòng bút chì nguệch ngoạc thì không đáng phải chịu như vậy.
-  Anh có giữ vững lập trường từ chối không?
-  Có.
-  Rồi sau đó ra sao?
-  Hạm trưởng bắt đầu năn nỉ. ông tiếp tục kèo nài như vậy rất lâu và rất khó chịu.
-  Ông ta có làm chuyện gì quá đáng không?
-  Không. Hạm trưởng…hạm trưởng có một lúc bật khóc, nhưng ông nói năng hành động rất chừng mực. Nhưng cuối cùng thì hạm trưởng trở nên giận dữ khác thường và bảo tôi cứ tự tiện đi treo cổ mình đi rồi ra lệnh cho tôi đi ra khỏi phòng. Sau đó, tôi gởi công điện.
-  Tại sao anh không nhận lời đề nghị của hạm trưởng?
-  Làm sao tôi có thể nhận được? Tôi chịu thua không thể nghĩ ra làm sao tôi có thể nhận lời làm như vậy được.
-  Nhưng mà bây giờ nguy hiểm bão tố đã qua rồi, anh không nghĩ rằng thiếu tá Queeg có thể dẫn tàu về Ulithi được à?
-  Tôi đã thi hành một công vụ và tôi không nghĩ rằng bôi xóa sổ sách có thể thay đổi tình trạng của tôi được. Ngoài ra tôi vẫn tin rằng hạm trưởng đã bị bệnh.
-  Nhưng anh vừa nói là hạm trưởng hành vi rất chừng mực mà?
-  Hạm trưởng Queeg bình thường rất được, chỉ khi nào bị áp lực căng thẳng, lúc đó ông ấy mới lộ vẻ bệnh hoạn và trở nên bất lực.
-  Như vậy nghĩa là anh có cơ hội xóa bỏ mọi sổ sách liên quan tới biến động đó với sự đồng thuận của hạm trưởng phải không?
-  Đúng vậy.
-  Đại úy Maryk, ông có bị hoảng sợ bất cứ lúc nào trong khi bị bão không?
-  Không có.
-  Làm sao anh có thể chứng minh cụ thể chuyện ấy?
-  A…tôi, a…bằng những sự kiện đã xảy ra. Sau khi lấy quyền chỉ huy, tôi đã cứu được 5 người từ chiến hạm George Black giữa khi bão đang trong cao độ. Tôi không nghĩ rằng một sĩ quan đang hoảng sợ có thể hoàn tất việc cứu nạn trong trường hợp khó khăn đó.
-  Tự anh đã lấy quyền chỉ huy của hạm trưởng Queeg phải không?
-  Đúng vậy, tôi biết rõ những gì tôi làm.
-  Anh lấy quyền chỉ huy mà không được lệnh trên phải không?
-  Không có lệnh của thượng cấp. Tôi hành xử quyền hạn trong điều 184, 185, 186 hải quy.
-  Anh lấy quyền chỉ huy mà không có lý do chính đáng phải không?
-  Không phải. Tôi có lý do chính đáng khi hạm trưởng bị suy sụp tâm thần trong lúc sự an toàn của chiến hạm bị đe dọa.
-  Chúng tôi không còn câu hỏi nào khác.
Challee tiến đến Maryk, nói bằng một giọng rõ ràng thù nghịch:
-  Hãy bắt đầu như vầy, đại úy Maryk, hạm trưởng không có mặt trên đài chỉ huy khi ông cứu người trên tàu đắm phải không?
-  Hạm trưởng có mặt trên đài chỉ huy.
-  Có phải ông ra lệnh cho anh đi kiếm người không?
-  Sau khi tôi đã quay đầu để kiếm, ông nói ông ra lệnh cho tôi làm như vậỵ
-  Hạm trưởng có hướng dẫn anh trong toàn thể cuộc tiếp cứu không?
-  Hạm trưởng tiếp tục bình luận các lệnh của tôi.
-  Liệu anh có thể chỉ huy cuộc tiếp cứu nếu không có những lệnh của hạm trưởng Queeg, những lệnh mà anh gọi là những lời bình luận?
-  Tôi muốn giữ phép lịch sự. Hạm trưởng dẫu sao cũng là sĩ quan thâm niên hiện diện. Nhưng tôi đang lo cuộc tiếp cứu và không có thì giờ để ý tới lời bình luận của ông. Tôi không nhớ ông đã bình luận thế nào.
-  Không phải là hạm trưởng phải nhắc anh đến cả việc sơ đẳng như là thả lưới kéo hàng xuống sao?
-  Tôi chờ đến phút chót mới thả lưới. Tôi không muốn nó bị sóng đánh trôi mất. Hạm trưởng có nhắc tôi, nhưng ông không cần phải nhắc như vậy.
-  Đại úy Maryk, về vấn đề trung thành với hạm trưởng của anh, anh nghĩ anh xếp hạng anh như thế nào?
-  Cái đó thật khó trả lời.
-  Dĩ nhiên là khó rồi. Bốn điểm? Hai điểm rưỡi? Zéro?
-  Tôi nghĩ tôi là một sĩ quan trung nghĩa.
-  Anh có ký giấy phép 72 tiếng cho Stilwell vào tháng 12 năm 1943 ngược lại với chính lệnh rõ ràng của hạm trưởng không?
-  Có, tôi có ký.
-  Anh có cho đó là một hành vi trung thành không?
-  Không. Đó là một việc làm không trung thành.
Challee bị hụt cẳng. Ông ngó Maryk:
-  Anh thú nhận đã làm một việc không trung thành ngay vào cái ngày đầu tiên anh làm hạm phó hả?
-  Sự thật là như vậy.
-  Cũng hay nhỉ. tại sao anh lại phạm vào lỗi không trung thành như vậy?
-  Tôi không có gì để bào chữa. tôi không phạm vào những chuyện đó nữa.
-  Nhưng anh thú nhận vào ngày đầu trong chức vụ hạm phó cũng như ngày chót anh cũng phạm lỗi không trung thành mà?
-  Tôi không nhận lỗi chấm dứt nhiệm vụ của tôi một cách không trung thành.
-  Anh có nghe những lời các sĩ quan mỉa mai và nhạo báng hạm trưởng không?
-  Tôi có nghe.
-  Rồi anh trừng phạt họ ra sao?
-  Tôi không có trừng phạt họ. Tôi luôn nhắc họ phải chấm dứt những việc đó, và trong khi tôi có mặt tôi không cho phép ai làm như vậy.
-  Nhưng anh không trừng phạt việc bất tuân lệnh trắng trợn này. Tại sao anh không làm như vậy?
-  Có những giới hạn những gì mình có thể làm được trong mỗi trường hợp cá biệt.
Challee móc hết chuyện của Maryk về trận bão, bắt chộp anh được mấy chuyện nhỏ vì không thống nhất trước sau và những chuyện anh quên. Nhưng người hạm phó, với vẻ lạnh lùng, tẻ nhạt, nhận những lỗi đó và những sự khác biệt, nhưng giữ nguyên câu chuyện của mình. Sau đó vị phụ tá luật pháp chuyển qua về quá trình của Maryk, đem ra những chuyện về điểm học rất dở của anh ở trung học cũng như ở đại học, và rằng anh không bao giờ học về tâm lý học hay các khoa học tâm thần khác.
-  Vậy anh kiếm ở đâu ra được những tư tưởng trác tuyệt về bệnh hoang tưởng vậy hả?
-  Từ sách vở.
-  Sách nào? Kể tên sách ra.
-  Những sách y khoa về các bệnh tâm thần.
-  Anh có phải là những bậc tri thức tìm đọc nghiên cứu về tâm thần học không?
-  Không. Tôi mượn sách của các bác sĩ trên chiến hạm này chiến hạm nọ, sau khi tôi nghĩ là ông hạm trưởng bị bệnh.
-  Và anh, với trình độ của anh, anh nghĩ rằng anh hiểu được những lý thuyết cao sâu thâm thúy của những công trình nghiên cứu khoa học sao?
-  Nhưng tôi cũng biết được chút đỉnh từ những sách vở đó.
-  Anh có nghe người ta nói “Kiến thức chỉ có một tí là một điều nguy hiểm” không?
-  Có.
-  Có một đống những từ kỹ thuật mà anh chẳng biết tí nào, rồi dựa vào đó anh dám cả gan truất quyền một vị chỉ huy căn cứ vào việc ông ta bị bệnh. Phải vậy không?
-  Tôi không có truất quyền hạm trưởng, dựa theo những gì sách vở nói. Chiến hạm đang bị nguy hiểm…
-  Đừng nói chuyện tàu bè, mình đang nói về những hiểu biết của anh về tâm thần học, đại úy.
Challee nện cho anh một trận về các loạt từ về tâm thần học, hỏi anh về định nghĩa và những giải thích từng trường hợp. Ông ép viên hạm phó ủ rũ trả lời tiếng một và thường phải lặp đi lặp lại câu “tôi không biết”.
-  Thật ra thì anh chẳng hiểu gì cả khi anh nói về bệnh tâm thần, phải vậy không?
-  Tôi đâu có nói là tôi hiểu biết nhiều đâu.
-  Vậy mà anh nghĩ anh hiểu rõ đủ để phạm tội nổi loạn dựa vào những gì anh hiểu về định bệnh tâm lý hả?
-  Tôi chỉ muốn cứu chiến hạm.
-  Anh có quyền gì mà nổi lên cướp trách nhiệm lo việc an toàn chiến hạm của hạm trưởng nếu không nói đến những thông thái của anh về tâm thần học hả?
-  a.. tôi … - Maryk sững sờ.
-  Xin vui lòng trả lời câu hỏi. Một là việc làm của anh được bào chữa bằng nhận định đúng về bệnh trạng của thiếu tá Queeg, hoặc đó là vi phạm kỷ luật trầm trọng nhât trong hải quân mà anh phải gánh chịu trách nhiệm. Phải như vậy không?
-  Nếu hạm trưởng không bị bệnh thì làm gì có chuyện nổi loạn. Hạm trưởng bị bệnh thật sự.
-  Anh có nghe lời chứng của các nhà chuyên môn phân tâm học định bệnh chưa?
-  Có.
-  Họ nói thế nào? Hạm trưởng hôm 18 tháng 12 bị bệnh hay không bị bệnh?
-  Họ nói hạm trưởng không bị bệnh.
-  Đại úy Maryk, anh nghĩ anh có khả năng vận chuyển tàu hay hơn khả năng vận chuyển của hạm trưởng, phải không?
-  Trong khi bình thường, hạm trưởng có thể vận chuyển tàu. nếu bị áp lực căng thẳng, hạm trưởng trở nên loạng choang.
-  Ngược lại có thể đúng không, trong trường hợp bị áp lực, anh trở nên loạng choạng, và không thể hiểu được lệnh hợp lý của hạm trưởng không?
-  Có thể lắm, nhưng…
-  Giữa hạm trưởng và hạm phó, hải quân coi ai là người có khả năng điều khiển tàu giỏi hơn?
-  Hạm trưởng.
-  Coi này, đại úy, có phải là lý luận để bào chữa cho anh dựa trên hai điểm – một là hạm trưởng bị bệnh, và hai là chiến hạm dang ở trong tình trạng nguy hiểm, phải không?
-  Phải.
-  Bác sĩ đã tìm hiểu được là hạm trưởng không có bị bệnh, phải không?
-  Phải. Nhưng đó chỉ là ý kiến của mấy bác sĩ thôi.
-  Như vậy thì tòa phải coi như xét đoán của hạm trưởng phải đúng và xét đoán của anh là sai, phải không?
Maryk nói:
-  Đúng vậy, ngoại trừ - xin đừng quên là các bác sĩ có thể sai. Họ đâu có mặt lúc đó đâu.
-  Như vậy, tất cả việc bào chữa của anh rút lại là như vầy: cái định bệnh tại chỗ của anh – mặc dù anh thú nhận dốt đặc về phân tâm học – lại đúng hơn là các xét đoán của ba nhà phân tâm học sau 3 tháng tìm tòi. Đó là cái bào chữa của anh phải không?
Maryk im lặng một lúc lâu, rồi run giọng nói:
-  Tôi chỉ có thể nói được là họ không nhìn thấy ông hạm trưởng lúc tàu đang gặp nguy hiểm.
Challee quay lại và nhăn mặt với tòa án không cần giấu diếm. Ông tiếp tục hỏi:
-  Sĩ quan đệ tam trên tàu của anh là ai vậy?
-  Đại úy Keefer.
-  Anh ta có khá không?
-  Anh ta rất khá.
-  Ngoài dân sự anh là làm gì?
-  Anh ta là nhà văn.
-  Anh có nghĩ về trí thức anh ta có giỏi bằng anh không? hay là giỏi hơn?
-  Có lẽ anh ấy giỏi hơn.
-  Anh có cho anh ta coi cuốn sổ ghi tình trạng y khoa anh vẫn ghi không?
-  Có.
-  Anh ta có thấy những sự kiện ghi trong đó chứng tỏ được là hạm trưởng bị bệnh không?
-  Không.
-  Anh ta có ngăn anh đừng có tìm cách cướp quyền hạm trưởng, hai tuần trước trận bão không?
-  Có.
-  Vậy mà hai tuần sau đó, mặc dù biết hình phạt nặng nề của kỷ luật hải quân, mặc dù có lời khuyên can của sĩ quan thâm niên kế anh là một có học thức hơn anh theo như anh nhận, lời khuyên can rằng sự xét đoán bệnh lý của anh là sai, vậy mà anh vẫn cứ thực hiện cái việc giựt quyền chỉ huy chiến hạm.
-  Tôi lấy quyền chỉ huy bởi vì hạm trưởng bị bệnh trong lúc bão.
-  Anh có nghĩ rằng việc khăng khăng giữ cái nhận xét dốt nát của anh ngược lại với nhận định của cả ba nhà phân tâm học là một việc làm phi lý hay là một thứ kiêu ngạo kỳ quái không?
Maryk khổ sở nhìn quanh về Greenwald đang cúi nhìn xuống bàn. Trán người hạm phó nhăn lại. Anh lúc lắc cái đầu về phía trước rồi ra sau, giống như một con bò húc bị chọc giận.
-  A. có lẽ là như vậy … tôi không biết.
-  Vậy được. Bây giờ này. Cái cuộc nói chuyện kỳ lạ giữa anh và hạm trưởng trong đó hạm trưởng đề nghị sửa đổi sổ sách, vậy chứ có ai làm chứng không?
-  Không, chỉ có hạm trưởng và tôi ở trong phòng hạm trưởng thôi.
-  Thế có tẩy xóa gì không? Có một chứng cớ thực tế nhỏ nhoi nào có thể chứng thực cho câu chuyện của anh không?
-  Ông hạm trưởng biết chuyện đó có xảy ra.
-  Anh tính trông cậy vào chính vị sĩ quan bị anh bôi lọ xác nhận những lời phỉ báng của anh sao?
-  Tôi đâu biết ông ấy sẽ nói thế nào đâu.
-  Anh có tiên đoán là thiếu tá Queeg sẽ tự kết tội mình trước tòa sao?
-  Tôi không dám tiên đoán gì cả.
-  Có thể nào anh đã bịa ra cái chuyện này mà không ai có thể chứng minh hay phản bác lại được ngoại trừ chính cái người liên can tới nó. Anh làm vậy để vững thêm cái lập luận vĩ đại bào chữa cho anh rằng anh giỏi về phân tâm học hơn cả mấy ông phân tâm học nhà nghề phải không?
-  Tôi không có bịa ra chuyện đó.
-  Nhưng anh vẫn tưởng tượng là anh định bệnh cho thiếu tá Queeg là hay hơn các bác sĩ phải không?
-  Chỉ…chỉ có vào buổi sáng, lúc trời bị bão mà thôi – Maryk lắp bắp, mồ hôi nhỏ giọt trên trán xạm nắng của anh.
-  Chúng tôi không có câu hỏi nào khác – Challee cáu kỉnh nói.
Maryk nhìn người luật sư của mình. greenwald lắc đầu nhè nhẹ và nói:
-  Chúng tôi không hỏi gì thêm
Viên hạm phó về chỗ ngồi, vẻ ngạc nhiên. Blakely ngừng buổi xử sau khi Greenwald thông báo rằng nhân chứng cuối cùng của bên bị cáo, hạm trưởng Queeg, sẽ khai trước tòa vào sáng hôm sau.