Nhóm dịch thuật Song Ngư
Chương 40
Vị hạm trưởng cuối cùng của chiếc Caine

     illie dọn đồ đạc qua phòng của Queeg (anh không thể nghĩ là có thể gọi bằng cái tên nào khác) và nằm dài trên giường. Anh có một cảm giác lạ lùng hết sức. Lúc anh 16 tuổi anh được mẹ dẫn đi qua Pháp, hai mẹ con đi thăm viếng lâu đài Versailles có người hướng dẫn. Willie đứng nán lại ở phía sau của đám đông du khách nơi phòng ngủ nhà vua, anh nhảy qua sợi dây rào bằng lụa, vào bên trong và leo lên nằm trên cái giường của Napoléon. Anh nhớ lại kỷ niệm này khi anh đang nằm trên giường của Queeg. Anh mỉm cười khi nối kết hai chuyện này với nhau, nhưng anh hiểu rõ chuyện đó. Queeg là một khuôn mặt lịch sử to lớn trong đời anh. Không phải Hitler, cũng chả phải Tojo, mà là Queeg.
Tâm trí anh quay cuồng giữa cái quyền hành của người hạm trưởng và cái u buồn lây lất do May im lặng quá lâu. Anh háo hức muốn cho nàng biết cái tin quan trọng này. Anh thừa hiểu chiếc Caine chỉ là một xác tàu cũ rích nhưng cũng không ngăn cản anh xúc động vì lòng tự hào của mình. Từ những bước đầu tập tễnh rị mọ của một sinh viên sĩ quan Keith, anh đã leo lên tới nấc thang danh vọng của một người được chỉ huy một chiến hạm hải quân Hoa kỳ. đó là một sự thật không thể chối cãi được.
Cái may mắn và tài năng cả hai đã góp phần vào trong đó. Nó sẽ tồn tại mãi mãi trong hồ sơ lưu trữ của hải quân chừng nào quân chủng này còn hiện hữu.
Một lát sau, anh qua bàn viết biên vài chữ cho May.
“Em yêu quý,
Đã ba tháng trôi qua, anh có viết cho em một lá thư dài mà không thấy hồi âm. Anh không đủ can đảm để lặp lại những gì anh đã viết trong bức thư đó, bởi vì anh không tin rằng em đã không nhận được thư. Mà nếu có một ngẫu nhiên đặc biệt xảy ra thật, thì anh năn nỉ em, xin em cho anh biết gấp – em gửi ngay cho anh một điện tín – anh sẽ viết cho em một thư khác…cuồng nhiệt hơn nữa. nhưng nếu em đã nhận được thư – anh bắt buộc nghĩ là như vậy- thì sự im lặng của em đã nói lên tất cả những gì phải nói. anh sẽ cố tìm gặp em khi anh trở về. anh muốn giáp mặt và nói chuyện với em.
Anh đang ở Okinawa. Hôm nay anh thay thế Keefer làm hạm trưởng chiếc Caine. Anh đã qua cuộc chiến tranh này mà không bị một vết trầy trụa nào và giỏi giắn hơn một chút xíu, anh tin chắc như vậy, vì lần đầu tiên trong đời, anh đã làm được một cái gì có phần hữu ích.
Yêu em nhiều,
Willie”
Sau đó anh viết thư cho mẹ anh.
Ngay cả lúc đang neo, trên một chiếc tàu cũ kỹ nhàn rỗi và bị lãng quên này, Willie cũng thấy nhiều cảm giác mới lạ ở những ngày đầu tiên trong đời làm hạm trưởng của mình. Anh chợt nhận ra những cá tính kín đáo riêng tư của anh bị thu hẹp lại dần, nhưng tâm trí của anh trải rộng khắp nơi từ mũi tới lái, anh như bị xô đẩy như là những nanh vuốt phẫn nộ của một thủy quái bám sâu vào các đáy hầm và phòng máy chiến hạm. Anh không còn rảnh rỗi như trước. Đôi tai anh lắng nghe những ưu phiền kẻ khác như những bà mẹ trẻ nuôi con, ngay trong giấc ngủ thính giác anh vẫn còn hoạt động, như là anh chả ngủ bao giờ, hay đúng ra anh không ngủ như trước nữa. Anh cảm thấy mình không còn là con người riêng rẽ, nhưng là khối óc của một con vật bao gồm thủy thủ đoàn và chiến hạm nhập lại. Phần thưởng của tất cả những bất tiện này thể hiện khi anh leo lên leo xuống boong tàu. Anh thấy cái uy lực đang tràn trề lai láng lan truyền từ những miếng vỉ sắt lên đến tận thân thể anh. Thái độ kính phục của sĩ quan và thủy thủ đã dồn anh vào một cô đơn chưa từng thấy, nhưng cũng không phải là cái cô đơn lạnh lùng băng giá. Anh cảm nhận rằng đàng sau cái ngăn cách rõ ràng của quân kỷ, thủy thủ đoàn đều yêu mến và tin cậy anh.
Chỉ sau một tuần lễ nắm quyền chỉ huy, anh đã cho họ đầy đủ lý do nóng bỏng để xác nhận việc họ làm là đúng. Một đêm nọ, một trận cuồng phong đã thổi dữ dội qua cửa biển Okinawa. Trong suốt ba mươi tiếng đồng hồ, Willie không rời đài chỉ huy, phối hợp hai máy và tay lái thật đẹp để giữ cho chiếc Caine khỏi bị tróc neo. Một đêm đầy ác mộng. dân mới của chiến hạm lo lắng nhiều, rủ nhau đọc kinh cầu nguyện, các nhân viên khác, đã từng trải qua biến cố ngày 18 tháng mười hai, thì ít sợ hãi hơn. Rồi khi hừng đông xám xịt hiện rõ trước một cửa biển nhấp nhô những lượn sóng, người ta thấy hàng chục chiếc tàu đứt dây neo chạy lên mắc cạn ngay bãi tàu hay trên những đá ngầm, vài chiếc khác thì nằm ngang trên những cồn cát. Một trong những chiếc đó cùng một loại tàu như chiếc Caine. Khung cảnh của những chiếc tàu hư hại kia đã mang lại cho thủy thủ đoàn cảm thấy khoái trá và mãn nguyện và hạm trưởng Keith từ bấy giờ chính thức trở thành vị anh hùng.
Chiếc Caine không ngớt nhận được tin bão. Thời tiết lúc đó ở phía Nam Thái Bình Dương cho biết là cứ hai cơn bão thì có một trận thổi qua Okinawa. Đến khi sóng gió trong hải cảng đã êm, Willie qua chiến hạm Moulton. Phân đội trục lôi sau vụ rà mìn ở Tokyo trở về đều neo trong vịnh này. Anh nhảy ngay vào phòng Keggs.
-  Ed, sẵn sàng khởi hành chứ?
-  Chào Willie! Mà làm sao đi được? tôi phải có dầu, thực phẩm, tiếp liệu đã, nhưng mà…
-  Tôi muốn đi cho rồi. Bộ chỉ huy trục lôi Thái Bình Dương chả biết dùng tôi vào đâu. Họ sợ ra lệnh tôi khởi hành rồi sẽ bị hư máy. Anh đi với tôi qua  chiếc Terror. Tụi mình có thể thuyết phục mấy sếp cho mình khởi hành cả hai. Anh có thể yểm trợ tôi được.
Keggs trông có vẻ lo lắng, ngần ngại:
-  Willie à, đâu phải tụi mình chỉ huy cái phân đội này đâu?
-  Anh nghe tôi đây, tất cả đều tán loạn hết cả. Các quan lớn chả biết phải làm gì nữa. Chiến tranh đã kết thúc. Mọi việc đều đã đổi thay hết rồi.
-  Ừ, thì chắc như vậy đó, nhưng cũng còn…
-  Nhưng còn kẹt cái gì hả Ed? Anh muốn khởi hành về nhà vào 9 giờ sáng mai không hả?
-  Muốn à..trời ơi, còn cái gì hay hơn được nữa?
-  Vậy thì đi với tôi!
Họ đi lùng kiếm vị chỉ huy trưởng hành quân. Cuối cùng họ gặp ông ta đang ngồi uống cà phê một mình trong phòng ăn sĩ quan của chiếc Terror. Ông ta đón Willie với nụ cười thân thiện.
-  Làm sao mà anh giữ nguyên vẹn chiếc xán cũ kỹ đó qua cơn bão hả Keith? Một kỳ công đó. Uống cà phê đi. Cả Keggs nữa.
Hai vị hạm trưởng ngồi hai bên vị chỉ huy trưởng hành quân. Willie vô đề ngay:
-  Chỉ huy trưởng, tôi đem chiếc Caine trở lại Hoa Kỳ ngay bây giờ. Ngay ngày hôm nay. Tôi không muốn phải hứng thêm vài cơn bão sắp tới nữa, với tình trạng máy móc tầu của tôi hiện nay.
-  Coi nào, đại úy! Có ai cần các anh cho ý kiến để ra lệnh công tác đâu nào?
-  Tôi hành động vì an toàn cho chiến hạm của tôi.
-  Anh đâu có thể hải hành được.
-  Bây giờ thì tôi đi được mà. Thủy thủ đoàn đã sửa bơm rồi. Nhưng nếu tôi phải hứng chịu vài ba cơn bão nữa thì khả năng hải hành đâu có khá hơn….
-  Chiến hạm có thể được giám định ở đây mà. Vả lại ủy ban cũng sắp tới rồi. Họ đã lên đường.
-  Nhưng tôi có thể đem chiếc Caine về lại Hoa kỳ. chiếc tàu cũng có thể bán làm sắt  vụn được, nhưng nếu cứ để nó ở lại đây rỉ sét mục nát cả, thì có được ích lợi gì đâu.
-  Anh nghe đây, tôi không cản trở ý định anh muốn trở về Mỹ. chúng ta ai cũng muốn như vậy đó. Nhưng tôi sợ rằng….
-  Chỉ huy trưởng, đô đốc có vui mừng lúc thấy chiếc Caine nằm lật ngửa ở Tsuken Shima hay không? Cố để thêm một chiến hạm cho lật ngang lật dọc thì đâu có tăng thêm uy tín của bộ chỉ huy trục lôi Thái Bình Dương chút nào đâu. Chiếc Caine trong tình trạng không thể nào ở lại đây, phương cách hay nhất là để cho chúng tôi rời khỏi cái vùng đầy phong ba bão táp này ngay. Tôi cũng phải có trách nhiệm với cả một thủy thủ đoàn.
-  Và nếu tàu của anh hư máy giữa đại dương thì sao?
-  Chỉ huy trưởng cho Keggs cùng đi với tôi. Cả hai chúng tôi đều hiểu rõ công việc để cho tàu giải giới. Những cuộc rà mìn cần tàu vận tốc nhanh đã hoàn tất. Vả lại, tàu của tôi sẽ không hư đâu. Nhân viên của tôi sẽ hết sức bảo trì, gìn giữ máy móc dù phải bằng chewing gum hay bằng dây dừa, tôi thề với chỉ huy trưởng là như vậy, miễn là chúng tôi được phép trở về Hoa Kỳ ngay.
-  
Ramsbeck quậy muỗng trong tách cà phê, tưởng thưởng Willie bằng nụ cười thông cảm:
-  Thật ra, anh đã thuyết phục được tôi rồi đó. Hãy vui đi! Ở đây chúng ta ai cũng ngớ ngẩn cả, và cũng chẳng ai có thể nghĩ ra hết mọi việc được…Tôi sẽ trình lại với Đô đốc.
Hai ngày sau thủy thủ đoàn hai chiếc Caine và Moulton đều mừng khấp khởi. Họ nhận được lệnh khởi hành tới kho tiếp liệu hải quân ở Bayonne, New Jersey, qua ngõ Trân Châu Cảng và kinh đào Panama, để làm thủ tục giải giới.
Willie bất ngờ thấy buồn buồn khi rời vịnh Okinawa. Anh ở luôn trên đài chỉ huy, đôi mắt còn quay lại nhìn bóng dáng của hòn đảo cho tới lúc mỏm đất cuối cùng chìm dần trong đại dương. Những khoảnh khắc như vậy cho anh biết rõ là chiến tranh đã chấm dứt. Rời nhà ba năm trước, anh đã đi nửa vòng trái đất, tới tận cái hòn đảo xa lạ này, và bây giờ từ nơi đây anh lại quay trở về.
Anh chưa quen hải hành ban đêm mà khỏi phải tắt đèn. Cứ mỗi lần đưa mắt nhìn qua bên kia chiếc Moulton anh thấy những cửa sổ với ánh đèn vàng, đèn xanh đỏ hai bên hữu tả hạm, với ngọn đèn sáng chói trên cột cờ chính, anh lại giật mình. theo bản năng, anh vẫn còn tôn trọng những tiêu lệnh hải hành không để lộ ánh sáng, anh dụi bỏ điếu thuốc trước khi ra khỏi phòng, anh chui nhẹ qua những tấm màn vào phòng hải đồ làm sao cho ánh sáng khỏi lọt ra ngoài, anh lấy ngón tay che ngọn đèn bấm..Anh cảm thấy bất an, khó chịu  khi ở trên đài chỉ huy trong đêm tối mà không nghe những tiếng “ping” đều đặn của máy dò tàu ngầm. Những ổ súng không có xạ thủ, chĩa tuốt lên trời và bao kín bằng vải bao bố làm anh cảm thấy băn khoăn. Trước kia anh vẫn nghĩ bọn Nhật và biển cả chỉ là một kẻ thù mà thôi. Anh phải cố gắng tự nhắc nhở mình rằng cái đại dương mênh mông này không đẻ ra những chiếc tàu ngầm nhưng chỉ sinh ra đầy những con cá chuồn mà thôi.
Anh thức mãi những đêm dài trên đài chỉ huy mà thực sự ra chẳng có chuyện gì phải cần hạm trưởng có mặt. Trăng sao, biển cả và chiến hạm đang dần bước ra khỏi cuộc đời của anh. Vài năm nữa đây, anh cũng sẽ không còn có thể biết giờ theo vị trí chòm Đại Hùng Tinh. Anh cũng chẳng còn biết được độ giạt của chiếc Caine lúc vượt đại dương là bao nhiêu nữa. Tất cả những cơ hành in đậm trong bắp thịt của anh như khả năng tìm thấy được cái nút chỉ vận tốc trong bóng đêm mờ mịt, sẽ biến mất đi hết. Cái phòng lái này, rất thân thiết như chính cơ thể của anh, cũng sẽ không còn hiện hữu nữa. Anh đang hành trình đến một cái chết nhỏ nhoi tầm thường.
Khi cả hai chiến hạm đã cặp cầu tại Trân Châu Cảng, việc đầu tiên của Willie là đi tới phòng điện thoại của hải xưởng để gọi về tiệm bánh mứt ở Bronx. Anh đợi mất hai tiếng đồng hồ, ngồi uể oải trên một đi văng đã bẹp dúm, dở ra đọc mấy cuốn tạp chí hình ảnh rách tả tơi (một trong các tạp chí này ngay trang đầu đã giải thích là Nhật sẽ bị xâm chiếm ra sao và cũng tiên đoán là chiến tranh sẽ kết thúc vào năm 1948).
Cuối cùng, điện thoại viên tới ra dấu cho anh và cho hay rằng May Wynn đã không còn ở đó nữa, người đàn ông bên kia đầu dây nói là không biết cách nào để kiếm nàng được.
-  Để tôi nói chuyện với ông ta.
Người chủ tiệm bánh mứt lặp bặp:
-  Anh gọi tôi từ Trân Châu Cảng hả? Trân Châu Cảng! Anh có đùa không đó?
-  Ông nghe tôi nói nè, ông Fine. Tôi là Willie Keith, bạn của May. Chúng tôi gọi điện thoại với nhau thường xuyên lắm. Bây giờ cô ấy ở đâu? Cha mẹ cô ấy đi đâu ông có biết hay không?
-  Họ đã dọn nhà, đi nơi khác. Tôi không biết ở đâu. Đã gần nửa năm nay rồi. Đã từ lâu…Chúng bay có im đi không mấy đứa này! Tao đang nói chuyện với Trân Châu Cảng!
-  Cô ta không để lại số điện thoại mới hả?
-  Chả có số điện thoại. Không có gì hết, ông Keith. Cô ta đi như vậy thôi!
-  Cảm ơn ông. Tạm biệt ông.
Willie gác ống nói và trả mười một đô la cho điện thoại viên.
Trở về tàu anh thấy một đống thư từ chồng chất trên bàn giấy của mình, toàn là những văn thư hành chánh ứ đọng tại Trân Châu Cảng. anh hối hả xé đọc từng lá thư một. Nhưng chả có thư của May. Một phong bì lớn dày cộm của phòng nhân viên làm chú ý và mở ra đọc liền. Phong bì gồm một lá thư và một hộp nhỏ xinh xắn màu đỏ. Trong cái hộp này có một sợi dây băng và một huy chương – ngôi sao đồng. bức thư là một bản tuyên dương công trạng do bộ trưởng hải quân ký, khen ngợi Willie đã dẹp tắt đám cháy sau cuộc tấn công của phi cơ cảm tử, bức thư kết thúc đúng theo công thức như sau “Sự anh hùng của đại úy Keith đã vượt trội khuôn khổ bổn phận của mình theo đúng truyền thống cao đẹp của hải quân”.
Anh ngồi xuống lại, ngắm nghía cái huy chương với vẻ thờ ơ một lúc thật lâu. Sau đó anh bắt đầu xé đọc những văn thư hành chính. Toàn là những mớ tài liệu giấy má quay rô nê ô hay được in cẩn thận. Anh lại gặp một văn thư khác, đánh máy:
Nơi gởi: trưởng phòng nhân viên hải quân
Nơi nhận: hải quân đại úy Willis Seward Keith, khối trừ bị hải quân.
Đề mục: không chu toàn trọng trách được giao phó.
Khiển trách:
 Tham chiếu: (a) án lệnh tòa quân sự #7-1945
 Đính kèm: (A) bảnsao của tham chiếu (a)
1.  Theo bản tham chiếu (a) đính kèm, phòng nhân viên thẩm định rằng hành động của đại úy đối với sự truất quyền trái phép hải quân thiếu tá Phlip F. Queeg trong chức vụ hạm trưởng USS Caine, ngày 18 tháng mười hai, 1944, đã cấu thành lỗi không chu toàn trọng trách được giao phó.
2.  Phòng nhân viên chỉ thị anh phải lưu ý về những bình phẩm của giới chức thẩm quyền, gồm phòng nhân viên, trưởng phòng quân pháp và bộ trưởng bộ hải quân. Dó những bình phẩm này, anh bị khiển trách.
3.  Bản sao của văn thư này sẽ được lưu giữ trong hồ sơ thăng thưởng của anh.
Willie nói thầm “Một huy chương cùng lúc với một giấy khiển trách. Sáng hôm nay mình trúng số rồi”.
Anh đọc kỹ bản án của tòa quân sự in chữ nhỏ. Có một trang rưỡi bài bình phẩm của giới chức đề nghị phạt, phòng Quân pháp của bộ tư lệnh hải quân hải khu 12. Anh chắc là bài bình phẩm này do Breakstone soạn thảo và được đô đốc ký. Ở đây người ta không chấp nhận tha bổng. Willie hiểu rằng như vậy Maryk không còn bị nguy hiểm gì nữa,  Bởi vì bản án sẽ không thể đem xử lại, nhưng thế cũng đủ làm tiêu ma hải nghiệp của anh ta rồi.
“Ủy ban y khoa đã đề nghị hải quân thiếu tá Queeg trở lại phục vụ trong đơn vị chiến đấu. Người ta không tìm thấy một dấu hiệu nào về nhiễu loạn thần kinh. Phải kết luận rằng những hành động của bị cáo biểu lộ sự thiếu hiểu biết sâu xa những sự kiện y khoa và thiếu một xét đoán đầy đủ rõ ràng chỉ dựa trên kiến thức rời rạc để phạm phải một hành vi thô bạo đem tới những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Những bình phẩm trên đây cũng áp dụng thích đáng – cho dù có được giảm khinh đôi chút – cho thái độ của nhân chứng trung úy Keith, là sĩ quan đương phiên. Lời khai của trung úy Keith cho biết rõ ràng là không phải là đương sự không phục tòng trái với ý của mình, nhưng ngược lại đương sự đã ủng hộ quyết định của bị cáo. Phòng Quân pháp thẩm định rằng các điều khoản quy định đã được minh chứng xác thực vượt ngoài phạm vi nghi ngờ hợp lý….
Vụ án này đã bị xử sai lầm, nhờ đó một sĩ quan đã tránh khỏi sự trừng phạt xứng đáng với trọng tội đã vi phạm, và do đó một tiền lệ đã được đặt ra một cách nguy hiểm.
Sự kiện chiến hạm đang ở trong một tình thế nguy hiểm, không có thể làm bớt đi mà chỉ làm tăng thêm trách nhiệm của bị cáo. Chính trong những tình trạng khó khăn này, nhất là một sĩ quan thâm niên nhất trên chiến hạm sau hạm trưởng, kỷ luật sắt thép của hải quân phải được áp dụng triệt để.
Mỗi chiến hạm chỉ có một hạm trưởng, do chính phủ bổ nhiệm và việc truất quyền hạm trưởng trong những điều kiện bất thường mà không trình xin ý kiến của thượng cấp, là một hành động đi quá quyền hạn của một người hạm phó. Luận cứ này củng cố và làm vững chắc, chứ không phải làm yếu đi các điều 184, 185 và 186, quy định những trường hợp thật hết sức hiếm hoi mà trong đó những biệt lệ có thể áp dụng được, và những ý định của bộ hải quân đề cập trong các bản văn này đã được diễn đạt thật rõ ràng, minh bạch”.
Phần dưới của những trang này, các thẩm quyền cao hơn đều dứt khoát đồng tình chấp thuận những quyết định của phòng Quân pháp bộ tư lệnh hải khu 12.
Willie nói thầm “Tôi…cũng chấp nhận vậy. như thế là có sự đồng thuận về trường hợp của trung úy Keith..Chỉ tội nghiệp cho Steve”.
Anh lấy ra từ hộc tủ một hồ sơ bằng các tông màu đó đựng các tài liệu hải nghiệp của mình. Chính trong hồ sơ này anh thấy lại được giấy gọi tới trình diện ở trại tuyển mộ hải quân Furnald Hall. Kế đó là lệnh thuyên chuyển xuống chiếc Caine, những quyết định thăng cấp cũng những những đơn xin thuyên chuyển xuống các tiềm thủy đĩnh, các tàu tiếp tế đạn dược, toán người nhái tháo gỡ chất nổ, tàu thả mìn, những toán công tác đặc biệt, tu nghiệp tại một đã dạy tiếng Nga…Tất cả những đơn xin thuyên chuyển này anh đã thảo ra trong lúc đầy tuyệt vọng dưới thời hạm trưởng Queeg, mà ông ta luôn luôn từ chối. Anh cẩn thận cất bản tuyên dương và văn thư khiển trách kế cận bên nhau, rồi đóng xấp hồ sơ lại, nghĩ rằng con cháu chắt chít sau này sẽ thư thả khám phá ra được cái tiền hậu bất nhất của hải quân.
Ba tuần lễ sau đó, vào một buổi sáng của ngày 27 tháng mười, Willie đang ngồi trong phòng, cuốn người trong chiếc áo khoác đi ca, đọc quyển “Tư tưởng (Les Pensées) của Pascal, quyển sách mà anh tình cờ lôi từ một trong những vali chất đống dưới chân anh. Willie thở ra hơi khói. Một luồng khí ẩm ướt giá buốt lọt vào phòng qua cửa sổ để hở. Bên ngoài là các kho vật liệu dơ dáy và gớm ghiếc. Chiếc Caine đã cặp bến ba ngày nay, các ổ súng đã tháo dỡ xuống, đạn dược trong kho đem khỏi tàu và mấy hầm dầu bơm cạn thẳng. Phía sau là những bồn chứa nhiên liệu trên bãi bùn màu xám của Bayonne. Tất cả thủ tục giấy tờ đã xong xuôi. Mọi người sẵn sàng lên đường. Buổi lễ giải giới sẽ được cử hành trong nửa tiếng đồng hồ nữa.
Willie lục trong túi, lấy ra cây bút và gạch dưới hàng chữ trong sách: “Đời sống là một giấc mơ, ít nhiều mạch lạc hơn phần lớn những gì khác”.
Từ lúc rời Trân Châu Cảng, anh có một cảm tưởng rất mạnh mẽ là mình đang sống trong mơ. Anh không bao giờ ngờ được là chính mình lại có thể lái chiến hạm đi ngang qua các cửa đập khổng lồ và những hố sâu thẳm xanh rêu của kinh đào Panama, anh không thể tin rằng chính mình đã hải hành dọc theo bờ biển Florida, nhìn qua ống dòm thấy cái biệt thự  xây bằng hồ giả cẩm thạch màu hồng ở Palm Beach, nơi anh đã tới cư ngụ bảy mùa đông lúc còn thơ ấu, anh cũng chẳng tưởng được rằng mình lại có khả năng chỉ huy dẫn dắt một chiến hạm của hải quân qua những hải lộ nhỏ hẹp, vào đến tận hải cảng New York, len lỏi giữa những tiếng còi hụ của các tàu hành khách hay các thương thuyền du lịch, và nhìn thấy ở chân trời lố nhố những tòa nhà cao ngất và tượng nữ thần Tự Do từ trên đài chỉ huy chiến hạm của riêng anh, hạm trưởng Keith của chiếc Caine.
Tại Okinawa được lên làm hạm trưởng cũng đủ làm anh ngạc nhiên, nhưng ít nhất là ở đó cái nhân dạng của một sĩ quan hải quân cùng còn có cái vị thế áp đảo. Nhưng bây giờ anh đang trở lại với cái bờ biển Đại Tây Dương, tới gần nhà mình, nhìn thấy cảnh vật cũng như xưa, anh nhìn thấy tư  cách quân nhân đã tan biến đi, bay đi xa vào gió biển như hơi nước, và chỉ để lại một chút dư thừa, đó là Willie Keith.
Chính cái biến đổi này nó làm cho Willie ngày đêm sống trong khung cảnh mộng mị. Anh không còn là một sĩ quan hải quân mà anh cũng chẳng phải là Willie Keith. Cái nhân cách ngày xưa không còn thích hợp với anh, nó như là một chiếc áo lỗi thời….
Có tiếng gõ cửa:
-  Cứ vào!
Viên hạm phó đứng trước khung cửa và giơ tay chào:
-  Thưa hạm trưởng, nhân viên đã tề tựu đông đủ trên boong chánh.
Willie để quyển sách xuống, đi ra về phía boong trước. Anh chào lại cái chào tập thể của thủy thủ đoàn, đứng trước mặt tất cả trong một khoảnh tròn trống trải sát mũi tàu, tại đây suốt 30 năm trời là nơi đặt ổ súng số một của chiếc Caine. Một cơn gió mạnh làm rát nhẹ làn da, thổi trên boong tàu mang theo cái mùi nặng trĩu của dầu cặn, và đập phần phật trên áo khoác của thủy thủ. Mặt trời tỏa ra một thứ ánh sáng yếu ớt vàng nhạt đàng sau những luồng khói chen giữa lớp sương mù trên hải cảng. Willie đã chuẩn bị một bài diễn văn dài, tràn đầy tình cảm. Nhưng khi nhìn qua những bộ mặt của mọi người, anh đâm ra mất hứng. Anh không có gì để nói với các sĩ quan trẻ tuổi xa lạ này. Anh tự hỏi giờ này Keefer ở đâu? Rồi Maryk, Harding, Jorgensen, Rabbitt nữa? Còn Ducely? Và Queeg? Các thủy thủ đoàn rời rạc này không còn thân thiết gì với anh. Tất cả nhân viên khác giải ngũ theo hệ thống tính điểm đã không còn ở đây. Chỉ còn lại vài khuôn mặt quen thuộc: Budge dày dạn với cái bụng phì, có mặt trên chiến hạm từ buổi đầu, Urban và Winston cũng thế. Phần lớn nhân viên khác là những tân binh quân dịch, những người có gia đình con cái, bị động viên trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến.
Willie lấy lệnh giải giới ráng đọc thật lớn để tiếng của anh lấn áp được tiếng gió vù vù thổi. anh xếp lại tờ giấy, nhìn lướt qua đám nhân viên tả tơi ít ỏi ấy, mà nói thầm “Một kết cuộc buồn thảm!” một chiếc cam nhông đi ngang qua làm rung chuyển cầu tàu, bên cạnh đó một cần trục nhả ra từng tiếng rầm rầm khó chịu. Cơn gió lạnh làm Willie xốn cặp mắt. Anh thấy có bổn phận phải nói lên một điều gì đó:
-  Phần lớn các anh đều mới thuyên chuyển xuống chiếc Caine này, một chiến hạm cũ kỹ lỗi thời. Nó đã tham gia cuộc chiến bốn năm trời, không được một ân thưởng đặc biệt, vì cũng không có một chiến công rực rỡ nào. Được gọi là trục lôi hạm nhưng trong suốt thời gian chiến tranh nó chỉ có rà vớt được sáu quả mìn. Chiến hạm đã đảm nhiệm những công tác tạp dịch linh tinh, nhất là đã vượt qua cả ngàn hải lý trong các cuộc hộ tống. Giờ đây chỉ là một vỏ tàu rỉ sét chờ gởi đi làm sắt vụn.Mỗi giờ phút trên chiếc Caine này là những khoảnh khắc quan trọng lớn lao nhất trong đời của mọi chúng ta: mà nếu những điều tôi nói đây không phải là quan điểm của các anh trong hiện tại thì mai sau các anh cũng sẽ đồng ý với tôi. Chúng ta đã làm bổn phận của mỗi người để bảo vệ giữ gìn xứ sở chúng ta an lành, không hơn lúc trước, mà chỉ là cái quê hương xưa cũ chúng ta hàng thương mến. Chúng ta toàn  là những thủy thủ tài tử đã chiến đấu hết mình với biển cả sóng gió, với kẻ thù, đã hoàn thành nhiệm vụ giao phó. Những giờ phút chúng ta sống trên chiếc Caine này là những giờ phút vinh quang. Nay đã hết rồi. Chúng ta sẽ phân tán đi khắp nơi, trên các toa xe lửa, những chuyến xe bus, và hầu hết đều trở về với mái ấm gia đình, nhưng chúng ta sẽ nhớ mãi mãi chiếc Caine chiến hạm xưa cũ này, trên đó chúng ta đã đóng góp vào sự chiến thắng. Trách nhiệm chiếc Caine là những trách nhiệm thuộc vào hạng đáng kể, ảnh hướng sâu đậm vào kết quả của cuộc chiến. Giới chức thẩm quyền cao cấp chỉ là những người chỉ định ngày tháng và nơi chốn của những chiến thắng đoạt được do những chiến hạm như chiếc Caine.
-  Hạ kỳ!
Viên hạm phó trao cho anh cái phần tả tơi còn lại của lá cờ chiến kỳ. Willie lá cờ bỏ gọn vào túi.
-  Tôi muốn lá quốc kỳ luôn nữa bằng cuộn vào một hộp bưu phẩm và mang vào phòng cho tôi.
-  Vâng, hạm trưởng.
-  Anh cho lệnh tan hàng.
Viên trưởng toán phụ trách thủ tục giải giới chờ anh ngoài cửa phòng. Trong lúc Willie đưa cho anh ta các chìa khóa và hồ sơ lưu trữ, thủy thủ bí thư đem đến cho anh những sổ sách cuối cùng để duyệt ký.
Nhân viên tiếp viên chạy ra chạy vào xách vali cho anh ra khỏi ụ. Một thủy thủ vô phòng đem tới cho anh cái hộp đựng lá quốc kỳ. Willie viết địa chỉ của cha mẹ Horrible và bảo anh ta mang ra gửi bưu điện. Cuối cùng tất cả đều xong xuôi. Willie bước đi xuống trên hạm kiều không người trực gác – không có một cái chào giã biệt. Không còn cờ xí gì để mà chào. Không có luôn sĩ quan trực. Chiếc Caine chỉ còn là một khối sắt vụn.
Một chiếc xe jeep đưa anh ra tận cổng hải quân công xưởng, mẹ anh đã chờ sẵn trong một chiếc Cadillac màu mỡ gà mới tinh. Từ khi chiếc Caine trở về đây ngày nào bà Keith cũng tới Bayonne. Lẽ dĩ nhiên là bà tới rước con về nhà. Nhưng Willie hơi khó chịu.
-  Mẹ đã chở mình tới ngưỡng cửa của hải quân. Rồi bây giờ bà lại tới chở mình về nhà. Cậu con trai đã chơi xong trò chơi thủy thủ rồi.
Anh hoàn toàn không tìm ra dấu vết của May. Nàng như đã tan biến mất trên cõi đời này. Anh đã điện thoại hơn chục lần tới văn phòng di diện của Marty Rubin, nhưng ông ta không có ở New York. Mẹ của anh chẳng hề nhắc nhở đến May, việc này làm Willie thêm đau xót. Anh coi việc đó như là bà đã nghĩ rằng bà tự coi là đã thắng một ván cờ, một bàn thắng chung kết.
Thật ra anh đã lầm lớn. Bởi lo sợ mà bà Keith tránh không đề cập đến vấn đề này. Đứa con đã làm cho bà không được thoải mái. Ngay cả từ khi đi thăm hồi tháng hai, anh đã có vẻ thay đổi, từ ánh mắt, dáng điệu, bước đi, cho tới âm sắc của giọng nói tiếng cười. Từ một thiếu niên vô tư buông thả cách đây có ba năm, anh đã trở thành một người đàn ông dày dạn nhưng khó hiểu. Mẹ anh chỉ muốn một điều duy nhất là anh trở về sống với bà trong ngôi nhà rộng lớn và vắng lặng. Bà nghĩ thầm “chừng nào về nhà nó sẽ bớt lạnh nhạt và trở lại bình thường”.
Bà rất đỗi lo sợ khi nói ra điều gì khiến con mình lấy cớ đòi ra sống một mình, độc lập. Bà khơi chuyện:
-  Phải rời chiếc tàu thân thuộc sau bao nhiêu năm tháng sống ở đó chắc con phải buồn lắm nhỉ?
Anh lầm bầm trong miệng “giây phút hạnh phúc nhất đời con” rồi chợt nhớ ra là anh đã lập lại câu nói của De Vriess hai năm trước đó. Anh ngồi kế bên mẹ, mặt mày ủ dột, suốt gần cả tiếng đồng hồ chạy xe không ai nói tiếng nào. Lúc xe đang vượt cái cầu Troborough, Willie chợt nói:
-  Con cố tìm May, người ta nói cô ta đã biến mất. Mẹ có tình cờ nghe ai nói về cô ấy không?
-  Không có Willie à, mẹ chẳng nghe gì cả.
-  Con có biên thư cho May hồi tháng sáu để xin cưới cô ấy. Mà không thấy cô ấy trả lời gì hết.
-  Vậy à?
Bà Keith vẫn chăm chú lái xe, nhìn thẳng vào con đường trước mặt.
-  Vậy mẹ có ngạc nhiên không?
-  Không nhiều lắm. Con đã gặp cô ta trong đêm cuối cùng hồi tháng ha, con nhớ mà?
-  Riêng con thì con ngạc nhiên. Con đã dứt tình với cô ấy, không biên thư cả năm sáu tháng. Và sau đó, con lại viết trở lại – anh nhìn mặt bà mẹ dò xét – như vậy làm cho mẹ buồn phải không?
-  Những chuyện con vừa kể thì mẹ chẳng có gì để mà phải buồn.
-  Nếu con cưới May thì mẹ có buồn không? Nếu May thuận thì con sẽ cưới của ấy. Con đã nghĩ kỹ rồi.
Bà Keith đưa mắt liếc nhìn qua đứa con của mình. Thoáng trong một giây phút, anh có cảm giác là mẹ mình như một bà cụ già rụt rè, Willie thực tình tội nghiệp cho mẹ. Rồi bàKeith quay trở lại lái xe mặt nhìn thẳng về phía trước, gương mặt bà trở lại mạnh dạn, quả quyết như hình ảnh của bà từ trước đến giờ. Đợi một lúc lâu sau bà trả lời:
-  Con nay đã trưởng thành. Những gì mẹ có thể nói cho con nghe thì con đã đều biết cả rồi. Nếu con vẫn tìm cách gặp lại May, chắc hẳn cô ta có những đức tính mà mẹ chưa được biết rõ. Hy vọng rằng cô ấy không thù ghét mẹ.
-  Chắc chắn là không rồi, mẹ à….
-  Mẹ không muốn bị ngăn chia hẳn khỏi cuộc sống của con, cho dù con có làm gì chăng nữa. Mẹ có phần hiếm hoi về đường con trai.
Anh nghiêng qua hôn trên trán bà. Bà nói giọng cảm xúc:
-  Tại sao mãi tới bây giờ? Con chưa hề hôn mẹ từ ngày con trở về.
-  Tại vì con vẫn còn bối rối hoang mang, tâm trí chưa được sáng sủa mẹ à. Chừng nào gặp lại May, có thể con trở lại bình thường….
-  Con ráng đem May về nhà cho mẹ được dịp quen với cô ấy. Con có xử sự công bằng với mẹ không nhỉ? con đã dấu kỹ và coi đó là một cuộc tình phiêu lưu không mấy quan trọng. Willie à, con đánh giá cô ấy ra sao thì mẹ coi cô ấy như vậy. sự thật là thế đó.
“Mẹ nói giỏi lắm” anh nghĩ thầm “nhưng chỉ đúng một phần, bởi vì cái tính khư khư chiếm giữ của mẹ tự nó không bao giờ có thể thay đổi được. nhưng mẹ đã phê phán mình rất công bằng”. Sự khứng chịu của mẹ làm anh nhẹ nhõm.
-  Con sẽ đem May về nhà, ngay khi con tìm ra được cô ấy.
Hành lý vừa đem ra khỏi xe, anh gọi điện thoại ngay cho văn phòng đại diện Rubin. Lần này thì ông ta trả lời:
-  Willie, anh gọi tôi đúng lúc. Đã hai tháng nay tôi chờ tin tức của anh.
-  May ở đâu, Marty?
-  Anh đang làm gì bây giờ? Đang ở đâu?
-  Tại nhà tôi ở Manhasset. Hỏi làm gì vậy?
-  Anh có thể xuống phố không? tôi muốn nói chuyện với anh
-  May ở đâu? Cô ấy có mạnh khỏe không? Sao anh bí mật quá vậy? Cô ấy đi lấy chồng rồi à?
-  Không, cô ấy chưa lấy chồng. Anh nghe đây, có thể tới gặp tôi không? quan trọng lắm…
-  Dĩ nhiên là được. Tôi sẽ tới anh trong vòng một tiếng. Mà chuyện gì vậy?
-  Anh tới đây, ngay văn phòng tôi. Brill Building. Tôi chờ anh.
Văn phòng của Rubin chỉ có cái bàn duy nhất trong một căn phòng chung với bốn cái bàn của những đại diện khác. Rubin đứng dậy ngay lúc Willie vừa tới cửa, cầm áo khoác quàng trên ghế.
-  Chào đại úy. Chúng mình đi tới nơi nào đó có thể nói chuyện được.
Họ đi xuống con đường 47 rồi quẹo ở phía góc đường qua bên đại lộ số 7, Marty chưa hở một câu nào đả động tới May. Ông ta đặt ra một tràng câu hỏi về các phi công cảm tử, việc rà mìn …Willie chặn ông ta:
-  Marty, tôi chỉ muốn biết…
-  Tôi hiểu anh muốn biết cái gì. Chúng mình tới nơi rồi.
Hai người đi qua cái cửa kính xoay, tiến vào phòng tiếp khách đầy nhóc người của một khách sạn du lịch bình dân. Willie biết rõ khách sạn này. Mặc dù sau ba năm vắng bóng, anh nhận ra ngay được mùi thơm đặc biệt của chất làm bớt mùi hôi. Khách sạn nào ở New York cũng có một mùi riêng không thay đổi. Marty đưa anh tới một tấm quảng cáo lớn lồng kính ngay giữa phòng và nói:
-  Đây này. Cô May của anh. Cô ấy trình diễn ở đây.
 Chương trình tối nay:
 Trong khung cảnh quyến rũ của phòng thổ dân Aztec
 Âm nhạc thần sầu lôi cuốn  
 Walter Feather
 Và ban nhạc Heaven In A Horn
 Cùng giọng ca của
 Mary Minotti  
 Tài tử khả ái nổi sóng gió của Broadway
Một tấm ảnh chụp May và nhạc sĩ saxophone trước máy vi âm. Rubin nói:
-  Bây giờ là anh biết rồi.
-  Tôi biết cái gì? Tại sao cô ấy lại đổi tên?
-  Cô ấy nói rằng cái tên trước xui xẻo. Cô ấy bắt đầu hát với Feather hai tuần lễ sau ngày anh đi.. Cô ấy …cô ấy ở với hắn.
Những lời và giọng này làm Willie khó chịu. Anh ngắm kỹ tấm ảnh của người nhạc sĩ thổi kèn saxophone. Hắn mang kính không có gọng, nụ cười miễn cưỡng và có cái mũi cao.
Willie nói:
-  Tuy nhiên hắn không có vẻ…
-  Đúng là một tên vô tích sự. Có vợ rồi ly dị hai lần..tôi đã làm tất cả để ngăn cản May, cô ta giận tôi, rồi vậy thôi.
-  Trời ơi! May có đầu óc hơn thế chứ…
-  Hắn chụp cô ấy đúng lúc, Willie. Anh đã bỏ rơi cô ấy thật phũ phàng. Hắn là một nhạc sĩ khá, khá nhiều tiền, và về phương diện phụ nữ, hắn sành sõi cũng không kém gì Einstein. Hắn như là ông trời trong đám đệ tử của hắn. Và May.cô ấy hơi ngây thơ. Willie, trước một tên sành đời như vậy.
-  Nhưng sự thật ra sao? Hai người có đính hôn chưa?
-  Hình như..theo lời hắn nói với May..lần ly dị thứ hai chưa ngã ngũ. Có thể hắn thật sự có ý định cưới May…tôi cũng không biết nữa…chúng tôi không còn nói chuyện với nhau nhiều.
-  Tệ đến vậy sao?
-  A, mà cô ta vẫn cho tôi mười phần trăm. Cô ta không bị bắt buộc phải tả như vậy vì thật ra chúng tôi làm ăn chả bao giờ có giấy tờ văn tự gì. Tôi biết thật sự rằng Feather khuyên cô ta chẳng thèm chi cho tôi nữa. Nhưng cô ta vẫn tiếp tục trả cho tôi. Mà tôi có đòi hỏi gì đâu. Cô ta và tôi cãi nhau dữ dội về cái thư của anh. Tôi xin lỗi chen vào câu chuyện của anh, Willie…nhưng tôi cũng đau khổ mà nói rằng Feather là một tên trốn quân dịch và về điểm này May không muốn ai chế giễu hắn ta cả.
-  Marty à, tôi phải nói chuyện với cô ấy….
-  Được rồi. chúng ta coi xem. Họ đang tập dượt cũng nên.
Hai người đi tới phòng Aztec và nghe tiếng nhạc vang lên đàng sau những cánh cửa trang trí với những con rắn xanh lè, vàng úa. Ban nhạc đang chơi bản “Nhổ Neo”.
Marty thốt lên:
-  Ái chà, bản nhạc này chắc chắn là để dành đặc biệt chào mừng anh. chúng mình vô đi.
Họ lách qua cửa.
Căn phòng lớn sặc sỡ có vô số bàn ghế trống sắp chung quanh một sàn nhảy rộng bóng loáng. Mấy tàu dừa xanh bằng giấy che rũ trước cửa. Xuyên qua những lá dừa Willie thấy May đang đứng hát trên bục của ban nhạc. Anh thấy choáng váng. Mái tóc của cô màu vàng chói. Ruby nói:
-  Chúng ta chờ ở đây một lát.
Ông ta đứng dựa người vào tường, hai tay bỏ vào túi áo choàng ngoài, nhìn chăm chú lên sân khấu của ban nhạc sau cặp kính dày và lợt màu của ông. Rubin quay qua hỏi:
-  Anh thấy cô ta thế nào?
-  Ghê quá.
-  Feather thích ca sĩ để tóc vàng.
Tiếng nhạc bất chợt ngừng ngang nửa chừng. Người nhạc trưởng nhịp nhịp bằng chĩa đũa điều khiển:
-  Ơ này cưng ơi – hắn lớn giọng – câu này có gì khó đâu. Mình bắt đầu lại từ nốt đó…
May mất kiên nhẫn, lắc đầu:
-  Walter này, em không thích bài ca này. Tại sao lại phải hát bài này, mà không bài nào khác? Cái bài này không đáng một xu!
-  Hãy nghe đây, em bé, khi cuộc diễn hành chấm dứt, sẽ có đầy thủy thủ ở đây. Sẽ phải hát bài ca này suốt chương trình đêm nay.
-  Vậy thì anh hát bài đó đi. Em thì  chịu chết không thể hát được.
Willie hỏi nhỏ:
-  Diễn hành nào?
Người đại diện cười:
-  Anh vô tâm thế à? Anh không biết hôm nay là người hải quân hay sao?
Ban nhạc chơi trở lại. May hát thêm vài câu rồi lại ngừng, nhìn Feather với cặp mắt thách thức. Hắn nhún vai ra dấu cho  ban nhạc ngừng  chơi.
-  Marie, uống cà phê không?
-  Gì cũng được!
Feather quay sang phía ban nhạc:
-  Nghỉ nửa tiếng đông hồ.
Giữa tiếng ồn ào của bàn ghế bị xô đẩy, các nhạc sĩ đi xuống khỏi cái bục, nói chuyện với nhau. May quàng trên vai mình một áo khoác lông lạc đà. Feather với cô ấy đi ra tới cửa, với dáng điệu thân mật tự nhiên khiến Willie phát điên. Anh tiến ra từ đàng sau mấy tàu dừa, biết rõ mình đang mặc chiếc áo khoác đi phiên, với khăn quàng cổ màu trắng và cái mũ cát két đã phai màu.
-  Chào May.
Cô gái sửng sốt, lùi lại một bước và níu lấy cánh tay của Feather. Miệng há hốc, cô lắp bắp:
-  Chúa ơi! Willie, anh muốn em chết đứng hay sao? Anh đến đây từ..từ bao lâu rồi?
-  Anh chỉ mới tới. Anh không muốn cắt ngang buổi tập dượt của em.
-  Em..Walter, em giới thiệu anh Willie Keith. Hạm trưởng Keith hay đại úy Keith, em quên mất rồi. Anh vẫn làm hạm trưởng của chiếc tàu rà mìn đó hả?
-  Anh đã giải giới nó sáng nay rồi.
Feather đưa tay ra:
-  Rất vui được gặp anh, Willie. Marie có nói chuyện về anh…
Hai người bắt tay. Feather cũng không đến nỗi nào, tấm hình của anh ta trong phòng tiếp khách thật là tệ quá. Hắn ta có gương mặt vui vẻ và sắc sảo. Đôi mắt có nếp nhăn và quầng thâm, và đầu tóc nâu dày đã đầy những sợi bạc. Cái bắt tay của hắn chắc nịch và hắn có một giọng nói đầy âm sắc, mạnh và hấp dẫn. May lạnh lùng chào người đại diện:
-  Chào Marty.
Người nhạc trưởng mời:
-  Hai anh cùng đi với chúng tôi chứ? Tụi này sắp sửa kiếm cái gì ăn qua loa thôi.
Willie nói:
-  May, anh muốn nói chuyện với em.
Feather xen vào:
-  Vậy thì tất cả đi vô bar đi.
Willie lặp lại, giọng trầm buồn:
-  May, anh muốn nói chuyện với em.
Cô đưa mắt nhìn Feather, e dè. Cô có vẻ khó xử. Feather hiểu ý:
-  Tùy em, sao cũng được. Mình không có thì giờ nhiều…
Cô vuốt bàn tay người nhạc sĩ:
-  Em không có lâu đâu, Walter. Anh đi trước đi.
Feather chớp mắt. Hắn gật đầu và mỉm cười với Willie:
-  Đại úy đã sẵn sàng diễn hành chứ?
-  Tôi không dự cuộc diễn hành.
-  Tiếc thật. A, anh tới tối nay nhé. Đem theo một người bạn, tôi mời cả hai đó.
-  Cảm ơn anh.
Feather nói tiếp:
-  Này Marty, chúng ta đi uống cà phê.
Chỉ còn May và Willie trong căn phòng khiêu vũ rộng lớn với các vách chung quanh trang trí theo kiểu thổ dân. Các bàn ghế được sắp xếp hàng ngay ngắn một cách buồn hiu. Willie bắt đầu, tiếng anh vang lên cả căn phòng:
-  Tại sao em đi nhuộm tóc vậy?
-  Anh không thích à?
Hai người đối đầu nhau, người này cách người kia khoảng chừng nửa thước, như hai võ sĩ.
-  Không, anh thấy nó rẻ tiền và thô kệch thế nào ấy.
-  Cảm ơn anh yêu. Tất cả những tay phê bình ở hộp đêm ở thành phố này đều khen em đổi màu tóc như vậy cả.
-  Những tên đó là một lũ quái dị.
-  Anh trở về tính tình trở nên dễ thương.
-  Em muốn ăn chút gì không?
-  Gì cũng được. Anh đã bảo là muốn nói chuyện với em. Nếu anh muốn kín đáo thì chỗ này được đó.
Hai người đi tới ngồi ở một cái bàn gần nhất. Willie cởi áo khoác, và bỏ cái khăn quấn cổ ra. May cuốn áo choàng chung quanh mình. Anh nghĩ rằng cô đang run rẩy. May nói:
-  Anh đã hoàn toàn thay đổi. Thực sự thay đổi.
-  Sao em không trả lời thư anh?
-  Marty đã nói với anh những gì?
-  Đừng để ý tới Marty.
-  Anh luôn luôn ghét ông ta. Anh chẳng bao giờ nghĩ rằng ông ta là một người bạn quý của anh. Có trời mới biết tại sao ông ta mến anh dường ấy.
-  Em không nghĩ là anh có quyền được một câu trả lời chứ? chỉ cần một tiếng “không, cảm ơn” là anh sẽ trở thành một nhạc trưởng, và tóc anh biến thành ra màu vàng liền sao?
-  Em không muốn nghe những lời cáu kỉnh của anh. Anh yêu quý của em ơi, anh nên nhớ rằng chính anh đã liệng em xuống cống mà? Nếu có một kẻ nào cứu vớt em, thì liệu anh có làm gì được chứ?
-  May à, tất cả những gì anh đã viết trong thư thì vẫn y như thế.
Anh muốn thêm “anh yêu em” nhưng thốt không ra lời. Chung quanh trên vách tường lại đầy những mặt nạ nhăn nhó của thổ dân Aztec
May dịu giọng:
-  Một bức thư tuyệt vời, Willie. Em đã khóc vì nó và còn giữ một bức mãi mãi bên em. Nhưng anh đã viết bức thư trễ mất bốn tháng.
-  Tại sao? Em đã đính hôn, có chồng? Chuyện gì đã xảy ra?
May quay mặt đi nơi khác.
Gương mặt Willie nhăn nhó đau khổ. Anh hỏi thẳng thừng:
-  Em là tình nhân của hắn?
-  Một chữ nghĩa lỗi thời. Người ta đã hết nói về tình nhân từ hồi thời Dickens rồi.
-  May, có phải không?
May nhìn thẳng vào mặt anh. Gương mặt cô xanh xao đến nỗi làm lộ ra những phấn son giả tạo.
-  Cuối cùng, anh tưởng sao? Bộ những người lớn sống chung với nhau, ngày cũng đêm, như Walter và em, là để chơi…bắn bi như con nít hay sao? Thiên hạ ai cũng biết hết. Sao anh lại đặt ra câu hỏi cổ lỗ sĩ và ngu xuẩn như vậy hả?
Mắt nàng ngấn lệ.
Willie nói một cách khó khăn. Cổ họng anh thắt chặt:
-  Anh … thôi được, thôi được…
-  Như thế em nghĩ là đã trả lời câu hỏi rồi phải không?
-  Không hẳn như vậy, anh.. – anh gục đầu vào hai tay – cho anh mươi giây đồng hồ để anh quen đi.
May cay đắng:
-  Chỉ cần mười giây thôi sao? Anh thật phóng khoáng.
Willie nhìn nàng gật đầu:
-  Được, xong rồi, anh thấm rồi. Anh muốn xin cưới em.
-  Anh đóng vai cao thượng, đó là sở trường của anh. Sáng ngày mai anh sẽ suy nghĩ kỹ và anh sẽ rút lui êm thắm…
-  May à, em nghe đây. Anh yêu em và yêu em mãi mãi. Anh đáng để cho em gán cho đủ mọi danh từ. Tất cả những gì đã xảy ra là do lỗi nơi anh. Chúng ta hẳn phải có một tình yêu tuyệt hảo, đẹp như chuyện mùa xuân mà người ta ưa kể trong sách vở. Anh đã hủy hoại nó. Nhưng anh biết mình thuộc về nhau, anh biết chắc như vậy – anh nắm lấy tay cô – nếu em yêu anh, May, hãy nhận làm vợ anh.
May không rút bàn tay của nàng ra. Anh thấy tay mình được ấn nhè nhẹ. Những sợi tóc màu vàng làm anh ngỡ ngàng hoàn toàn. Anh cố không nhìn mái tóc nữa.
May nhỏ nhẹ:
-  Cái gì đã làm anh thay đổi vậy Willie? Anh biết không, anh đã thay đổi nhiều, thực là thay đổi.
-  Anh đã thoát chết trong tơ tóc và anh nhận ra rằng điều anh hối tiếc chính là em.
Anh biết rằng câu nói đó có hiệu quả, nhưng anh lại tự hỏi không biết rằng trong tâm khảm mình anh có thực sự muốn nàng không. Nhưng anh chẳng ngăn được cái đà cảm xúc đang lên của mình. May đang ở nơi nào đó trong con người này, chính May đó mới là người mà anh muốn đi tìm. May nói giọng mệt mỏi:
-  Willie, anh muốn em làm gì? Em đưa đón anh đi học ở đại học, với tiền hưu bổng cựu chiến binh, nướng thịt sườn trên lò điện, vừa giặt giũ tã lót cho con vừa nói chuyện văn chương thi phú? Bây giờ em làm được một trăm năm mươi đô la một tuần lễ.
-  
Anh nghiêng qua và ôm hôn. Đôi môi của May nở nụ cười tươi tắn dưới cái hôn của người yêu. Anh đứng ngay dậy, ôm nàng trong tay, đặt một cái hôn say đắm, và lần này nàng cũng hưởng ứng tương tự như ngày xưa. May tựa mình trong đôi tay của anh, nói bằng một giọng khàn khàn:
-  Thật kỳ diệu. Cũng ngon lành như lúc nào.
-  Rồi, vậy thì mình…
-  Chưa đâu. Ngồi xuống đây, chàng thủy thủ đẹp trai của tôi …
Nàng đẩy anh xuống thế rồi ngồi xuống theo, đặt một tay lên đôi mắt:
-  Tuy nhiên, em phải nói việc này làm em bối rối. Em cũng bị bất ngờ…
-  Em có yêu tên Feather này không?
-  Nếu anh bảo là tình yêu như của anh và em, thì chẳng có cái đó lần thứ hai. Em nghĩ em phải cảm ơn thượng đế đã ban ơn cho em.
-  Anh ta có vẻ già.
-  Anh thì anh còn trẻ. Trên nhiều phương diện, điều đó còn tệ hơn.
-  Em không thể ôm hôn hai người đàn ông như em vừa hôn anh. Em không có yêu hắn đâu.
-  Thật ra việc chăn gối chỉ chiếm một thời gian nhỏ trong đời sống hàng ngày.
-  Như vậy khiến cho những thì giờ còn lại trong ngày để sống có nhiều ý nghĩa xứng đáng hơn.
-  Anh lúc nào cũng lanh miệng. Nói cái gì trả lời cái nấy. Thật tình mà nói, Willie à, trở lại như vậy, để làm gì? Tất cả đều bị bôi bẩn, nát tan, và không còn gì nữa. Lúc trước rất huy hoàng, tuyệt diệu, nhưng anh đã làm hỏng tất cả…
-  Không phải chỉ toàn là vấn đề nhục thể. Mình luôn luôn suy nghĩ giống nhau. Chúng ta nói y như là chúng ta đã nói với nhau. Những việc khó khăn đau đớn mà chúng ta đề cập vẫn rất sống động và đáng để cùng nghe và phấn khởi, bởi vì mình luôn chia xẻ với nhau..
-  Em đã hái ra tiền, nên giờ em thích tiền.
-  Thì anh sẽ cho em tiền…
-  Của mẹ anh..
-  Không phải vậy đâu. Anh sẽ vào nghề kinh doanh, nếu thật sự em muốn vậy. Anh có thể thành công bất cứ việc gì anh nhúng tay vào….
-  Em tưởng anh thích dạy học.
-  Không có sai, nhưng anh nghĩ rằng em đương nói huênh hoang về chuyện tiền bạc. Em đang tính câu giờ phải không?
May có vẻ bối rối và tuyệt vọng:
-  Anh không hiểu nổi là em đã vì anh mà phải chịu biết bao cực hình kinh khủng hay sao? Em đã tưởng rằng cuộc tình hai đứa mình đã chết hoàn toàn rồi. em đã an phận như vậy rồi
-  Không có chết đâu..Đó là đời sống của chúng ta và nó vẫn…
Nàng nhìn thẳng vào mặt anh, lạnh lùng:
-  Được, vì anh tỏ ra quý phái cao thượng, em muốn nói với anh vài điều. cũng chẳng quan trọng gì nếu anh chẳng tin em, và em cũng không nói ra để mong thay đổi một cái gì. Chỉ một việc rất giản dị để cho anh biết rằng trong câu chuyện này có hai tấm lòng cao cả. Em không có ngủ với Walter. Vậy không có vấn đề cứu vớt em, một kẻ đáng thương hại như một xác tàu trôi giạt, hư hao.
May mỉm cười chua cay thấy vẻ mặt sửng sốt của anh.
-  Dĩ nhiên là anh nuốt không trôi hả? Nhưng đã nói với anh là em không bận tâm…
-  Trời ơi, May, dĩ nhiên là anh tin em..
-  Không là ông ta không kiếm dịp tấn công, hay không còn tiếp tục tìm cách tấn công theo cách riêng của ông ta. Chỉ là có một cái trục trặc. Ông ta thực sự muốn cưới em. Nhưng ông ta đâu có phải là một cậu nhỏ mới ra đời. Hình như ông ta chưa ly dị xong. Và em luôn luôn có một định kiến của đạo công giáo nó ngăn cản em ăn nằm với một người đàn ông có vợ. Chả có ai lại tin những chuyện như thế, vậy không có lý do gì mà anh lại tin.
-  May à, anh có thể gặp lại em đêm nay sau buổi trình diễn không?
-  Không được, Walter tổ chức dạ vũ.
-  Sáng mai có được không?
-  Trời đất, buổi sáng hả?
-  Thế thì buổi chiều vậy?
-  Anh vẫn suy nghĩ như một người thủy thủ vậy. Những kẻ văn minh có thể làm cái gì vào buổi chiều?
-  Làm tình.
Nàng hắt lên một nụ cười nắc nẻ, chân thành và sâu sắc:
-  Anh điên hả? Em nói những kẻ văn minh chứ không phải là bọn Tây.
May nhìn anh ánh mắt thoáng vẻ thấy vui như họ vẫn từng như vậy khi gần nhau.
-  Anh biết không, anh luôn luôn là Willie. Hồi nãy cái bộ mặt của anh thật là khó thương.
-  Tại vì cái màu tóc của em, May. Nó làm cho anh hoàn toàn mất bình tĩnh. Mái tóc của em khi xưa là đẹp nhất trần đời..
-  Em biết anh thích mái tóc đó. Vụ này là do ý Walter. Ông ta nhìn đầu tóc em với quan điểm của một con buôn. Ông ta nhờ người ta làm những cuộc thăm dò dư luận, mới biết ra là phần đông thiên hạ thích ca sĩ tóc màu vàng, chỉ có vậy.
Nàng đưa hai tay lên vuốt tóc:
-  Bộ gớm ghiếc lắm sao? Trông em có vẻ là một người đàn bà hạ cấp, hay là gì hả anh?
-  Em yêu quý, cứ giữ cái mái tóc này suốt đời cũng được, anh cũng không biết em hình dáng ra sao, anh yêu em.
-  Willie, tại sao anh lại suýt chết? chuyện gì đã xảy ra?
Anh kể lại chuyện phi cơ cảm tử, từ đầu đến cuối, cũng vừa nhìn chăm chú vào cặp mắt của cô. Thấy đôi mắt cô sáng lên, anh cảm thấy con người đích thực của May vừa thoáng nhìn ra bằng những cửa sổ tâm hồn của người ca sĩ. Cô ấy vẫn còn ở đây, như thưở nào.
-  Và vì vậy nên anh mới viết bức thư đó hả?
-  Ngay trong đêm đó.
-  Và sáng ra anh có hối hận muốn lấy lại không?
-  Anh bây giờ có mặt ở đây em thấy không? Anh cũng đã cố gắng gọi cho em từ Trân Châu Cảng.
-  Nghe anh gọi em bằng May, em thấy làm sao ấy. Em quen được người ta gọi bằng Marie.
-  Anh được cái này vì sự dũng cảm vĩ đại của anh – anh lôi chiếc anh dũng bội tinh và đưa cho May coi. May mắt sáng lên đầy vẻ thán phục – Em giữ lấy đi.
-  Ai? Cho em hả? Anh có điên không?
-  Anh muốn em giữ. Đó là giá trị duy nhất của cái huy chương đối với anh.
-  Không, Willie, không.
-  Anh năn nỉ em.
-  Lúc khác đi anh. Anh cất lại đi. Có thể vào khi khác…Đó là….cảm ơn anh, anh bỏ lại vào túi đi.
Willie nghe lời, và hai người nhìn nhau. Một lúc sau May mới nói:
-  Anh không biết em đang nghĩ gì đâu.
-  Anh hy vọng nhiều tốt lành.
-  Chúng ta có thể hôn nhau lần nữa. Vì anh là một anh hùng.
Nàng đừng dậy, vén cái áo khoác của anh ra một bên, và ôm chặt lấy anh, hôn anh nồng cháy. Mặt nàng ép vào vai Willie, nàng thỏ thẻ:
-  Em vẫn nghỉ rằng rất thích có con với anh..lúc trước. Em.. với Walter, không giống như vậy. Willie, em không có trái tim sắt đá…Và rồi em không hiểu nữa…Anh sẽ chẳng bao giờ quên Walter, và em cũng vậy, thật tình mà nói, anh làm khó em nhiều lắm. Mọi chuyện đâu đã vào đấy yên ổn rồi, cho đến một giờ đồng hồ trước đây.
-  Em được hạnh phúc không?
-  Hạnh phúc? Có chứ, hạnh phúc đối với em là không bị cụt chân.
Rồi nàng bắt đầu khóc thổn thức.
-  Anh đoán chắc là em lầm rồi, May…
Bất chợt May đẩy anh ra, lấy một cái gương nhỏ từ trong túi áo khoác:
-  Chúa tôi! Tốt hơn hết là Walter không nên thấy em trong tình trạng này.
Nàng trang điểm lại một cách vội vã:
-  Willie! Anh chỉ đem tới cho em toàn là những phiền phức. Anh là con quỷ ám của em.
Bụi phấn tung ra như những cụm mây nhỏ màu hồng nhạt.
-  Cái ý định của anh muốn nuôi con theo đạo Thiên Chúa! Đọc những những chữ này làm em khóc. Thật là buồn cười khi nói về con cái. Mà con cái nào mới được chứ? Anh nhìn đôi mắt này đi. sâu thẳm và đã thui cháy….
Các nhạc sĩ bắt đầu đi vô phòng từ sau tấm màn nhung sân khấu.
May thoáng liếc họ qua vai của Willie, nụ cười tắt ngấm và nàng trở lại với bộ mặt chuyên nghiệp. Nàng cất tử và phấn. Willie hỏi nhanh:
-  Anh gặp em ngày mai được chứ?
-  Ô chắc chắn rồi, tại sao không? Em sẽ ăn trưa với anh, nhưng em sẽ trở về thu thanh lúc ba giờ rưỡi.
-  Và tối mai?
-  Willie, anh đừng có gấp gáp nhiều quá. Và cũng đừng có vôi xây lâu đài trên cát. Cuộc nói chuyện này thật là lung tung quá đi, em như say rượu..chả có gì rõ ràng cả. anh chịu khó chùi sạch cái vết son đi….
Nàng lại e ngại nhìn các nhạc sĩ bên cạnh đó. Anh tiến tới gần cô, thì thào:
-  Anh yêu em. Chúng ta sẽ có hạnh phúc. Không phải là thoải mái mà là hạnh phúc. Không phải hai trăm năm chục đô la một tuần. hạnh phúc. Hạnh phúc trong tình yêu.
-  Anh tưởng như vậy thôi. Em sẽ gặp anh ngày mai.
-  Anh yêu cặp mắt của em – Willie tiếp tục – và khuôn mặt, và giọng nói, và cái miệng của em. Anh không muốn rời em. Chúng ta hẹn nhau ăn sáng thay vì ăn trưa, lúc 7 giờ sáng đi. Anh sẽ thuê một phòng cùng một khách sạn này với em, để chỉ cách xa em có vài tầng lầu….
-  Không, không đâu. Không có ăn sáng. Đừng có thuê khách sạn chỗ em ở. Anh đừng có điên khùng như vậy. Chiến tranh đã chấm dứt, chúng ta có dư thì giờ, rất nhiều thì giờ. Willie, anh đừng có nhìn em như vậy và anh đi đi. Chúa ơi, thương cho con nhờ. Em còn phải làm việc…
Nàng quay đi vội vã, run rẩy, đi về hướng sân khấu, quấn chặt chiếc áo khoác quanh người.
Cánh cửa mở ra và Feather đi vào:
-  Chào đại úy. Nếu anh muốn xem cuộc diễn hành hải quân, thì đi tới đại lộ số năm, ở đây người ta cũng nghe được tiếng trống.
Hai người nhìn nhau một lúc và Willie nhận thấy bộ điệu của người nhạc trưởng này có một cái gì đó không thể tả ra được làm anh liên tưởng đến Tom Keefer, có thể đó cùng là một sự nhượng bộ giả vờ, hay cũng có thể là một sự ương hèn dưới một lớp vỏ phù phiếm. Anh cảm thấy dạn dĩ. Anh đã từng chế ngự được Keefer.
-  Cảm ơn Feather, chắc tôi phải tới đó xem một tí.
Anh quay lại nhìn cái sân khấu lần cuối. May từ đàng xa đứng quan sát cả hai người, tay cầm một bản nhạc.
Anh đưa tay vẫy  từ biệt. Nàng đáp lại bằng một cái gật đầu nhẹ. anh bước ra đường.
Ngoài đuờng phố vang dội tiếng kèn đồng của ban quân nhạc. Willie đi vội đến đại lộ thứ Năm, len vào hàng đầu nhìn cuộc diễn hành của hải quân với đồng phục xanh thẫm. Nghe tiếng nhạc anh đứng ngay người lên trong cái áo khoác đi phiên hải hành của mình. Nhưng anh cũng chẳng hối tiếc gì việc mình đang đứng ở đây như là một khán giả bình thường. Tâm trí của anh đang mải lo nghĩ về một cuộc xung đột đang chờ anh. Anh sẽ lấy May, anh cũng chẳng hiểu anh và nàng sẽ sống ra sao, cũng không biết là hai người sau này sẽ có hạnh phúc hay không và ngay bây giờ anh cũng chẳng hề nghĩ tới nữa. Nhưng anh phải cưới May làm vợ.
Cả trăm ngàn miếng giấy nhỏ li ti đủ màu sắc rơi xuống như mưa trên những chiến sĩ oai hùng, và đôi khi một vài miếng lạc lõng ra ngoài, lơ lửng bay tới phớt nhẹ vào mặt vị hạm trưởng cuối cùng của chiếc Caine.

Hết

Xem Tiếp: ----