Dịch giả:Vũ Kim Thư
- 11 -

     ưa như thác đổ. Mùa hè ngập lụt gây nên lạnh và đô-la trị giá một trăm hai mươi ngàn Đức kim. Một khúc ống máng bỗng sút ra rơi phịch xuống, nước tuôn xối xả sát cửa sổ như một suối mảnh vụn thủy tinh. Tôi đang bận bán hai bức tượng thiên sứ bằng sành và một vòng hoa bất tử cho một thiếu phụ mảnh khảnh vừa mất hai đứa con nhỏ vì bịnh cúm. Phòng bên cạnh, Georges ho khúc khắc. Y cũng bị cúm nhưng tôi đã chữa cấp tốc bằng một bình rượu chát nóng. Chung quanh ly là khoảng nửa chục tạp chí nói về các cuộc hôn nhân, ly dị và những vụ ô nhục trong giới thượng lựu ở Cannes, Bá Linh và Ba Lê. Henri Kroll thì vẫn cứ quần sọc kẹp ở ống và áo đi mưa sậm màu. Ông ta bước vào, lại nói với giọng khinh khỉnh:
- Nêu tôi đọc vài món hàng được đặt mua, có làm phiền gì ai không?
- Không bao giờ. Vẫn hoạt động đều à?
Ông ta thản nhiên dở sổ đọc lớn:
- Bia cỡ trung bình bằng đá đỏ, một tấm đan bằng cẩm thạch. Chẳng có gì đặc biệt.
Ông ta còn đứng một lúc quan sát những mẫu đá đã có từ trên hai mươi năm ở các kệ hàng mẫu.
Tôi hỏi:
- Vụ Wutringen, có bắt được bọn giết anh chàng thợ mộc không?
- Ai bảo thế? Ai bảo là án mạng. Đó chỉ là tai nạn. Còn các người, tại sao lại tặng cho vợ chàng thợ mộc đó một tấm bia? Bô dư giả lắm sao?
Tôi quay mặt ra cửa sổ nhìn mưa. Henri Kroll thuộc về hạng người không bao giờ đặt nghi vấn, đó là hạng người nguy hiểm khó giao địch. Trên nước Đức chúng tôi, họ hợp thành một khối sắt đá mà người ta có thể tin cậy mở một cuộc chiến mới. Những đại họa không làm họ thức tỉnh, họ là những kẻ vừa lọt lòng đã đặt ngón tay út ở nạp quần và hãnh diện khi được đứng nghiêm.
Ông ta lải nhải kể là đã nói chuyện thật lâu với viên Chủ tịch xã Wustringen và cuối cùng lão Dobbeling đồng ý để cho chúng tôi tiếp tục bán mộ bia cho xã lão ta.
Tôi phát cáu:
- Vậy phải cảm ơn thằng cha ấy chớ gì? Có cần đưa đít ra không?
Henri trợn mắt:
- Coi chừng! Đừng quá trớn!
- Thế nào là quá trớn?
- Nên nhớ chú mày là nhân viên.
- Xin lỗi, tôi quên mất. Nhưng ông quên trả cho tôi ba phần tiền lương: họa sĩ, trưởng văn phòng và trưởng ban quảng cáo. Và tôi cũng nhắc lại, ở đây không phải là quân đội, không phải cấp trên ra lệnh cho cấp dưới. Và còn nói giọng đó nữa là tôi bỏ qua làm cho hãng Hollmann và Klozt ngay. Họ đang cạnh tranh, chắc chắn tôi sẽ được tiếp đón niềm nở hơn.
Thình lình cửa bật mở và Georges hiện ra trong bộ đồ ngủ đỏ:
- Henri, phải anh nói chuyện Wustringen không?
- Rồi sao?
- Vậy, anh nên đi tìm một cái bàn nào ở quán rượu để trốn đi. Ở Wustringen họ đã giết chết một người. Một mạng sống bị cưỡng đoạt. Đối với bọn mình, vậy là hết. Mỗi một vụ giết người đều là một vụ sát nhân đầu tiên trên thế giới Cain và Abel, lịch sử muôn đời. Nếu anh và các đồng lõa của anh hiểu được điều đó thì trên quê hương này, không có tiếng kêu thương của chiến tranh.
- Bọn liếm giày trước hiệp ước ô nhục Versailles!
Georges sấn tới một bước, mặt đỏ gay:
- Hiệp ước Versailles! Chớ sao? Nếu mình thắng trận có lẽ mình sẽ ôm kẻ thù hôn hít và còn tặng quà cho ho nữa phải không? Anh có nhớ là chính anh và những kẻ cùng một loại như anh định làm gì không? Các người định thôn tính Ukraine, Brie, Longwy và trọn vùng mỏ than của Pháp, có nhớ không? Họ có lấy vùng La Ruhr của mình đâu! Mình vẫn còn mà. Bộ anh cũng quên mất là các người cùng loại như anh muốn biến nước Pháp thành một loại quốc gia đứng vào hạng thứ ba sao? Các người bảo là phải nuốt gọn từng mảnh lớn của Nga, phải buộc những nước thù nghịch đổ máu ra để dâng hiến tất cả những nguyên liệu của họ cho Đức quốc. Vậy mà bây giờ anh vẫn có thể tru tréo như chó sói sao, Henri.
Lúc nào bọn các người cũng coi người khác là tội phạm trong khi chính bọn các người mới là những tên ngụy thiện.
Càng nói, Georges càng giận dữ hơn, mặt đỏ sậm như bộ quân áo ngủ của y. Henri lùi lại, quát lớn:
- Đừng tới gần tao! Bộ muốn lây bệnh cho tao hả? Mày muốn làm cho cả hãng này cúm hết để mạt rệp luôn sao?
Nhìn hai anh em phùng mang trợn mắt với nhau, tôi không khỏi vừa buồn cười vừa xẩu hổ. Lisa từ bên kkia đường, đứng ở cửa sổ chứng kiến màn hoạt cảnh của anh em nhà Kroll. Cửa phòng của lão Knopf cũng mở toang. Trời tiếp tục mưa to như một bức màn làm bằng hạt thủy tinh. Anh chàng thợ mộc Wilke chay ngang qua sân với tàng dù trông như một cái nâm khổng lồ biết đi.
Henri đã bỏ ra ngoài sân. Tôi nói với theo:
- Nhớ xúc miệng bằng acid chlorhydrique nghe không? Những người khỏe mạnh giả tạo dễ bị cúm cuỗm mất mạng như chơi.
Thình lình, Georges cười phá lên:
- Ngu ơi là ngu! Ai lại đi nới chuyện phải quấy với một kẻ đần độn đến tận cùng!
Tôi hỏi:
- Anh kiếm đâu ra bộ pyjama đỏ chói vậy?
Từ bên kia đường, Lisa hoan hô chúng tôi inh ỏi. Thị là ả đã vi phạm chủ nghĩa Quốc xã của người chồng đang nuôi mộng sẽ trở thành tổng giám đốc của tất cả những lò sát sinh. Một khi Hitler thành công. Georges nghiênh mình, một tay đặt vào chỗ trái tim. Tôi hơi ngại cho y:
- Anh trở vào ngủ một giấc đi. Mồ hôi ướt cả áo.
Georges lắc đầu:
- Đổ mồ hôi là tốt. Chính trời cũng đang đổ mồ hôi đó, có sao đâu. Nhưng vấn đề hiện tại là mình sống để làm gì đây? Tại sao mình không phải là đuôi sao chổi? Hay là một tên viết mướn ở Hollywood để thỉnh thoảng mò mẫm mấy cô đào hát? Tại sao cứ phải ở chết một xó mà không tổ chức một đoàn lữ hành băng sa mạc Phi châu? Tại sao không làm chủ một nhà chứa điếm ở Yokohama? Chú mày trả lời xem. Phải trả lời ngay. Chú mày có thích bơi trong các biển vùng nhiệt đới vào lúc mặt trời lặn với những đàn cá màu đỏ tía không?
Georges với lấy chai rượu mạnh. Tôi chận lại:
- Không được, còn rượu chút mà. Để tôi hâm một bình cho. Cúm không được uống rượu mạnh.
- Được, hâm rượu chát đi. Nhưng tại sao mình không ở trên quần đảo Esprérance để sống gần những người đàn ba hôi mùi quế, và hay đảo tròn lòng mắt mỗi khi nổi dâm tính? Đâu trả lời coi!
Lửa trong lò dầu cháy sáng xanh, bên ngoài trời mưa như tiếng sóng gầm trên biển cả. Tôi nốc vội một ngụm rượu mạnh để lấy nhiệt khí rồi hô lớn:
- Thưa thuyền trưởng, tàu đang bỏ neo trong vùng Santa Cruz Lisbonne và Côte d’Or. Bọn bị bắt sống ở Mohammed ben Hassan Watzek đang ra dấu hiệu. Đây, ống điếu bình.
Tôi trao cho Georges một điếu xì-gà. Y đốt hút ngay và phun ra nhiều vòng khói tròn vo, rồi hạ lệnh:
- Nhổ neo! Chắc gần tới nơi rồi!
- Khoan, Thuyền trưởng! Chúng ta kể như luôn luôn đã tới nơi và tới bất cứ lúc nào. Thời gian chỉ là một định kiến. Rất tiếc là không có cách nào hiểu được bí mật của sự sống. Con người cứ phải vùng vẫy để tới một nơi nào đó mà mình không biết.
- Tại sao không biết?
- Thời gian, không gian và thuyết nhân quả đều là những tấm băng bịt mắt.
- Tại sao?
- Đó là nhũng ngọn roi mà Thượng Đế giơ ra để con người tự hiểu mình không thể bằng Trời. Đấng Tối cao già cỗi đó đưa chúng ta đi trên một ảo cảnh đầy ảo giác và thảm trạng nhị nguyên.
- Sao gọi là nhị nguyên?
- Nhị nguyên của ta và thế giới, của con người và thế giới của chủ thể và đối tượng. Và hậu quả là sanh ra và chết đi.
Rượu bắt đầu sôi. Hương vị hải đảo tràn ngập văn phòng với mùi đinh hương và mùi chanh. Tôi cho đường vào ly, rót rượu cho cả hai. Lại có tiếng hoan hô từ cửa sổ của Lisa. Chúng tôi cùng nghiêng mình rồi đặt ly xuống. Georges vẫn thắc mắc:
- Nhưng tại sao con người không bất tử?
- Xin lỗi thuyền trưởng. Bất tử là phản nghĩa của sự chết. Muốn được vậy trước hết những tấm băng che mắt phải được lột bỏ đi. Lúc đó không còn vấn đề nhị nguyên nữa vì cả hai đã là một.
- Cũng chưa đủ.
- Anh muốn thế nào?
- Hiện hữu, chỉ có vậy thôi.
- Hiện hữu hay không hiện hữu. Thưa Đô đốc, vấn đề lại lẩn quẩn. Dầu vậy, mình vẫn tìm lối thoát.
- Không được đâu. Cứ cái đà này thì mỗi lần miệng buông ra một tiếng nào đó là lại nghĩ ngay tới một tiếng phản nghĩa của nó. Không được, chỉ có lặng câm cho tới khi xuống mồ là xong. Có phải không, thủy thủ?
Tôi không trả lời, nâng ly rượu lên. Tư nhiên, tôi lấy một mẩu đá bày trên kệ. Tôi chỉ Lisa, chỉ màu rượu trong ly và hòn đá rồi đặt tất cả xuống và nhắm mắt lại.
Lại có tiếng vỗ tay náo nhiệt của Lisa. Ả đưa về phía chúng tôi một lọ cacao. Ngay lúc ấy có tiếng chuông reo ở cửa. Chúng tôi ra dấu cho Lisa và khép cửa sổ lại. Trước khi Georges kịp chuồn về phòng, lão Liebermann, gác dan của nghĩa địa thị xã đã vào tới. Ông ta nhìn bếp dầu, bình rượu chát nóng và bộ pyjama của Georges rồi cất giọng rượu nhừa nhựa:
- Sinh nhật hả?
- Cúm.
- Chúc mừng.
- Sao lại chúc mừng?
- Cúm, tốt lắm. Tốt cho mộ bia.
Tôi làm ra vẻ đứng đắn:
- Ông Liebermann, đừng nên nói chuyện nghề nghiệp như vậy. Ông Kroll đây bị cúm nặng nên chúng tôi phải dùng tất cả những phương tiện kinh khủng để giải trừ. Có dùng một ly thuốc với lụi này không?
- Khoan đã! Tôi chỉ uống rượu mạnh thôi, khi nào uống rượu chát vào tức là để giã rượu.
- Thưa nhà thầu xác chết, bọn này cũng có cả rượu mạnh..
Tôi rót cho ông ta một ly đầy. Ông ta uống một hơi và tuột cái bao trên vai xuống, trút ra bốn con cá hương bọc kỹ trong lá xanh.
- Tặng cho mấy người đây. Nấu canh là ngon tuyệt. Nhứt là cho ông Kroll. Đang bệnh cần ăn loại thịt dễ tiêu.
Tôi mang cá vào bếp giao cho bà Kroll.
Bà ta ngắm nghia mấy con cá còn tươi và gật gù:
- Một mớ bơ tươi, khoai luộc và xà lách.
Tôi nhìn quanh. Những cái soong bóng láng, một cái chảo đang xèo lửa trên lò... tất cả những nhà bêp đều là hình ảnh của một sự an ủi. Tôi lại nhìn mấy con cá. Chắc chúng chẳng trách móc gì. Dầu sao chúng cũng chỉ là một thứ thức ăn. Nước miếng trong miệng tôi sắp chảy ra. Vậy là tinh thần bác ái nhượng bộ sự thèm muốn của dạ dày quá sớm.
Liebermann có mang theo một vài địa chỉ. Bệnh cúm đã lan rộng. Nhiều người chết vì không còn đủ sức để chịu đựng, trong thời chiến họ đã phải đói khát quá lâu. Tôi chợt nảy ý đổi nghề. Georges đã mặc áo tắm màu xanh thẩm. Ở nhà, hắn thích mặc những màu thật đậm. Thình lình, một cảm nghĩ của Isabelle trở lại với tôi. Tôi không nhớ rõ được ngôn ngữ nhưng biết đó là một ảo ảnh về sự vật. Phải chăng lúc nãy tôi đã là nạn nhận của ảo ảnh? Hay là chỉ trong khoảnh khắc tôi đã trở về cùng Thượng đế?
Căn phòng tại nhà hàng Walhalla dành cho thi đoàn hội họp là một cái buồng nhỏ bọc gỗ quanh tường: một pho tượng bán thân của Goethe ngồi chễm chệ trên một kệ sách, trên tường treo những tượng chạm và hình ảnh. Đây là nơi tụ họp hàng tuần của giới trí thức trong thị xã Werdenbruck. Ngay đến ông trưởng ban biên tập của tờ báo địa phương cũng thỉnh thoảng góp mặt. Sự hiện diện của ông ta được mọi người đón tiếp long trọng nhưng khi ông ta vắng mặt thì không tránh được những lời nguyền rủa của những kẻ gởi bài không được đăng.
Ngoài ông ta còn có một vài cố vấn tòa án và một số công chức hồi hưu tự coi mình là trí thức. Thêm vào đó còn có Arthur Bauer cùng vài một người bạn, một số thi sĩ của thành phố, các nhạc sĩ và đôi khi có cả khách danh dự.
Arthur Bauer vừa tới là được Matthias Grund tới tấp nịnh bợ với hậu ý sẽ được giúp đỡ để xuất bản quyển “Luận đề về sự chết”. Edouard Knoblock, người sáng lập thi đoàn, hiện ra. Hắn nhìn quanh, nhận diện từng người và mặt sáng rỡ ra. Những kẻ thường chỉ trích, phê bình hắn, không có mặt. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi hắn tới ngồi gần bên tôi. Hắn chào hỏi với giọng thân mật, dĩ nhiên là không phải với cái giọng chủ nhà hàng:
- Mạnh giỏi chớ, Louis?
Tôi vẫn không ưa được:
- Mạnh lắm, mạnh đến nỗi có thể làm bồ thối chí.
- Mình đang chuẩn bị sáng tác một loại thơ mười bốn câu. Bạn có ý kiến gì không?
- Chẳng có ý kiến gì cả. Chỉ mong được hợp vần hợp điệu.
Tôi vẫn tự liệt mình vào hạng trên Edouard vì đã có hai bài thơ đăng báo. Edouard không nản, hắn vẫn giữ giọng trầm trầm:
- Mình định đặt tựa là GERDA.
- Muốn đặt gì thì đặt... Ủa! Gerda à? Sao lại Gerda? Gerda Schneider hả?
- Không, chỉ lấy Gerda vắn tắt thôi.
Tôi trợn mắt nhìn cái túi mỡ đang đối điện:
- Bồ muốn đùa gì đây?
Edoarad cười gượng:
- Không phải đâu. Hồn thơ mà. Trong thơ có một vài đoạn liên quan tới gánh xiệc nên mình liên tưởng đến Gerda để nuôi dưỡng ý và hồn.
- Thôi cho xin. Người bạn giả dối ơi, bạn thật sự muốn gì?
Edouard lại cười:
- Giả dối? Chính bạn mới xứng đáng với danh hiệu đó. Bạn làm tôi lầm tưởng cô ấy cũng là ca sĩ cũng giống như cô bạn của Willy.
- Không bao giờ. Chính bạn tưởng tượng ra thì có. Bạn không nhớ tôi bảo là cô ta ở trong gánh xiệc sao?
- Có. Nhưng bạn nói cong queo, quanh co để tôi hiểu khác đi. Tôi không tin nên mới đích thân điều tra.
- Ai nói cho biết?
- Tôi tình cờ gặp cô Schneider ngoài đường. Có quyền chớ?
- Hừ, đừng tưởng là cô ấy sẽ mê.
Edouard cười dễ ghét:
- Không ai tưởng như vậy đâu. Đó là hạng người không bao giờ bị mê hoặc bởi thi văn.
Không chịu nổi nữa, tôi hét vào tai hắn:
- Đồ đểu! Đừng mất thời giờ vô ích! Con bé đó chỉ còn ở có vài ngày nữa thôi.
Lần đầu tiên tôi được thấy hắn nhe răng ra:
- Cô ta chưa đi đâu. Mới gia hạn giao kèo hôm nay.
Tôi nhìn hắn đăm đăm. Vậy là tên xỏ lá này biết rành hơn tôi.
- Hôm nay bạn cũng gặp Gerda nữa hả?
Edouard luống cuống:
- À... chỉ tình cờ ngẫu nhiên.
Tôi biết ngay là hắn nói dối. Tôi tìm cách phản công:
- Hừ, bạn đối xử với khách hàng như vậy à?
- Khách hàng như bạn thì tôi cũng lạy luôn cả nón...
Tôi ngắt lời hắn:
- Đồ ba que, cái thứ làm thơ như vậy mà cũng định đem đi tặng. Trả ơn bằng cách đó phải không? Ai đã dạy bồ làm thơ mười bốn câu. Quân ma cô, đồ điếm vườn! Nhưng, không cần. Cứ tặng đi thế nào rồi Gerda cũng đưa cho thằng này coi, và thằng này sẽ làm ơn diễn dịch cho rõ ràng hơn.
Eduoard trợn mắt:
- Bỉ ổi!
- Bỉ ổi nhưng thông thường. Đàn bà nào cũng vậy. Này, tôi bảo cho bồ biết là Gerda có một ông anh khổng lồ sẵn sàng bảo vệ danh tiết gia đình. Anh ta đã đấm vỡ mặt ba đứa muốn tằng tiu với Gerda. Bồ nên đề phòng là vừa.
- Cóc sợ!
Hắn làm ra vẻ bất cần nhưng tôi thấy rõ là hắn hơi lo. Kể cũng lạ khi người ta đã nhứt quyết tin tưởng vào một việc gì, không dễ dàng gì đánh lạc được lòng tin đó. Tư tưởng Quốc Xã của gã đồ tể Watzek là một bằng chứng rõ ràng.
Anh chàng nhà thơ Hans Hugermann tới ngồi gần chỗ chúng tôi. Hắn mở hơi bất bình của con người yêu văn nghệ:
- Chẳng biết thi văn rồi sẽ đi tới đâu? Bạn xem thằng Otto Bambuss mà cũng gởi tác phẩm đồ bỏ tới nhà báo. Chẳng biết rồi họ có đăng cái thứ phân chuồng đó lên không?
Otto là người sáng chói nhứt thị xã mà cũng là một thứ trang sức của thi đoàn bọn tôi. Hắn thích loại thơ tả thắng cảnh, tả những vùng quê xinh đẹp, những góc phố vào khi nắng tắt. Nhiều người ghét hắn, nhưng tôi thì ngược lại. Hắn thích đi nhà thổ nhưng không dám. Hắn cho rằng có vào đó một lần thì hồn thơ của hắn mới có thể lai láng ra chớ không thì mỗi ngày nó một tàn lụi.
Vừa thấy tôi, hắn tới hỏi ngay:
- Nghe nói mày có quen một cô đào trong gánh xiệc phải không?
- Quen biết gì đâu. Chính thằng cha Edouard dồn như vậy. Tao chỉ biệt một cô bán vé ở gánh xiệc cách nay ba năm.
- Bán vé à? Cũng không sao. Họ cũng đi đó đi đây. Tự nhiên họ phải có một cái gì gợi hứng. Thí dụ như mùi dã thú. Giới thiệu với tao được không?
Vậy là Gerda quả cô duyên với văn nghệ. Tôi quan sát Otto. Hắn cao lông ngông, mặt xìu như người ăn chay, cằm lẹm. Tôi đáp:
- Cô ta làm chung với mấy người huấn luyện bò chét.
Otto chán nản:
- Vậy là không được. Tao cần thứ khác. Phải có cái gì có tính chất thần kinh hoặc dính líu tới máu me.
Là giáo học ở một làng hẻo lánh, Otto chỉ nhìn thấy toàn những cảnh vật trầm buồn, không làm sao gợi được nguồn thi hứng như hắn tưởng. Hắn tuyên bố:
- Một nhà thơ phải sống với hồn thơ. Phiền một điều tao không làm sao nhập được hai thứ tình yêu thiên đường và hạ giới. Tình yêu đối với tao là sự dịu dàng, tinh thần phụng sự, ý lực hy sinh và lòng tốt. Bản năng tình dục cũng rất đáng kể. Rất tiếc là cuộc sống của tao chán ngấy. Tao đang cần một chút lửa.
Tôi nhìn Otto, không khỏi cảm thấy thích thú. Cả thằng này cũng nói tới tình yêu thiên đình và hạ giới. Con vi khuẩn đó không ngờ lại sanh sôi nảy nở nhang chóng hơn tôi tưởng.
Otto hỏi tôi với giọng bi thiết:
- Chừng nào dẫn tao đi phạm tội? Mày hứa rồi mà.
- Yên chí! Tao sẽ đưa đi.
- Chỉ còn hai tuần nghỉ hè nữa thôi. Sau đó tao lại trở về làng và vĩnh biệt nhà thổ.
- Được, tao sẽ đưa đi trước đó. Mình đi cả đám được chớ, Hungermann cũng muốn đi để lấy hứng cho tác phẩm Casanova.
- Làm cách nào đừng để người quen thấy mặt. Họ thấy là tao chết. Một thầy giáo làng...
- Mình càng đông, cuộc đi chơi càng có vẻ vô hại. Dưới nhà có một quán rượu, ai cũng có quyền tới.
Hungermann ngồi phía sau tôi, phụ họa:
- Chắc chắn là phải đi. Đi một đám. Đi thám hiểm, sưu tầm khoa học, chẳng có gì đáng ngại, cả Edouard cũng đi.
Tôi quay lại, định đổ thêm dấm chua vào hắn, nhưng một tay tứ chiếng vừa xuất hiện làm gã kinh hoàng như gặp rắn. Người kia vỗ mạnh vào vai hắn:
- Edouard, lúc này ra sao? Vẫn còn sống, phải không thằng ngốc?
Edouard nhìn lấm lét vào người ốm nhom nói như nghẹn:
- Lúc này...
Hắn chỉ nói được bao nhiêu đó rồi lặng thinh, má chảy xệ xuống, môi hắn, tóc hắn và cả cái bụng hắn cũng chảy xệ xuống. Chỉ trong phút chốc hắn thành cây liễu rũ.
Nhân vật chịu trách nhiệm và sự biến thể đó là Valentin Busch. Cùng với Georges và tôi, hắn là tai họa thứ ba của Edouard. Hắn vẫn thản nhiên thân mật chết người với Edouard.
- Coi bộ khỏe mạnh lắm, phải không con heo?
Edouard cười gượng:
- Đừng có nhìn bề ngoài. Chết rã ra vì đủ thứ: thuế má tùm lum lại còn bị lường gạt.
Hắn nói dối. Thuế má trong thời kỳ lạm phát chẳng nghĩa lý gì cả so với lợi tức thâu vào với khoản tiền có thể trả dần trong một năm. Còn chuyện lường gạt là hắn muốn ám chỉ vào tôi.
Valentin vẫn cười:
- Đối với bồ thì có sao đâu. Hễ đói thì cứ lấy mỡ thừa trong người ra ăn. Chính bọn nó cũng muốn làm như vậy khi bồ bị thương ở vùng Flandres.
Edouard vặn người:
- Valentin, bạn đứng nói bóng gió nữa. Có cần uống bia không? Trời nóng thế này dùng bia là tốt nhất.
- Cám ơn, không thấy nóng. Và cám ơn Trời đã để cho bồ còn sống. Cho một chai Johannisberg Langenberg được không?
- Bán hết rồi.
- Đừng láo! Tao hỏi thằng quản lý rồi. Bồ còn hơn trăm chai. Nên nhớ đó là loại rượu chát quý nhứt đối với tao.
Tôi cười lớn. Edouard phát cáu:
- Cười gì? Cười không phải chỗ! Bọn hút máu người! Tất cả các người đều là loại hút máu tươi. Mày, thằng bán mộ bia và mày. Valentin, cứ ỷ vào công cứu tao thoát chết! Toàn là thứ ăn hại!
Valentin nháy mắt với tôi và vẫn giữ giọng phớt tỉnh:
- Hay quá, đó là cách bồ trả ơn sao? Còn lời hứa cũ đâu? Nếu biết vậy, lúc đó tao cứ để...
Hắn vén tay áo phải lên quá khuỷu tay để lộ một vết thẹo dài sọc, nhăn nheo như răng cưa. Năm 1917, cứu mạng cho hạ sĩ quan quân nhu Edouard Knoblock. Trong một cuộc hành quân tiền sát, Edouard bị một mảnh trái pháo ghim vào bắp chân rồi một trái thứ hai nổ tiếp theo làm máu tuôn như suối. Valentin băng tạm cho hắn rồi dìu hắn tới hầm núp. Trong khi cứu đồng đội Valentin bị mảnh đạn đại bác ghim vào tay. Dầu vậy, hắn đã kịp thời cứu Edouard khỏi chết vì mất máu. Quá cảm động, Edouard hứa là sẽ đãi ăn, đãi uống trọn đời cho Valenlin tại nhà hàng của hắn. Sau đó, cánh tay phải của Valentin bất động luôn, và tôi cùng Georges đã chứng kiến nội vụ.
Năm 1917, những lời nói gần như vô nghĩa vì thành phố Werdenbruck ở xa trong khi chiến tranh đang sát nách, làm thế nào để biết được là Valentin và Edouard còn có ngày gặp được nhau tại nhà hàng Walhalla?
Nhưng rồi cả hai đều trở về. Lúc đầu, Edouard hết sức nhiệt thành, có khi hắn còn đãi cả sâm banh cho người ơn. Nhưng rồi lần lần, tình nghĩa nhạt phai đi trước thời buổi khó khăn. Đã vậy Valentin lại còn là một tay sành rượu nên càng ngày Edouard càng có ý nghĩ coi vị cứu tinh của mình là một tên lường gạt.
Nhìn thấy vết thẹo của Valentin, Edouard hắng giọng:
- Được rồi, nhưng chuyện ăn uống phải có giờ giấc. Hồi đó không có chuyện hứa ngoài những bữa ăn.
Hắn gọi gã hầu bàn:
- Cho nửa chai Moselle.
Valentin cãi lại ngay:
- Không được, phải có Johannisberg Langenberg mới được. Và phải nguyên chai. Uống với tao chớ, Louis.
Tôi cười:
- Sao cũng được.
Edouard kêu lên:
- Không. Điều này không có trong giao ước. Chai rượu là của riêng một mình Valentin. Phần thằng Louis, nó phá hại không biết bao nhiêu với mấy cái phiếu ăn mất giá của nó rồi.
Tôi trả đũa tức khắc:
- Im đi là vừa! Bạn xạ kích tôi bằng cách định tặng thơ cho Gerda thì tôi phải lau các vết thương lòng trong dòng sông rượu của bạn chớ. Hay là bạn muốn tôi gởi cho cô ta hai bài tứ cú để diễn tả sự phản bội đối với kẻ đã cứu mạng sống của mình.
Edouard làm như nghẹt thở:
- Quân đểu cáng, bọn lưu manh, ma cô ma cạo!
Và hắn bỏ đi ra. Otto lại tới chỗ chúng tôi. Valentin vừa rót rượu vừa hỏi:
- Tại sao người ta thích uống rượu giữa lúc trời mưa?
- Bản năng kết đoàn mà. Nước này kêu gọi thứ nước kia cũng như tội lỗi kéo theo tội lỗi.
- Có lý. Nhưng mà mình cũng đi tiểu hơi nhiều vào những ngày mưa.
- Đi tiểu là tại uống vào nhiều. Có gì đáng ngạc nhiên đâu.
Valentin gật gù:
- Rất đúng. Nhưng còn chiến tranh thì sao? Có cần gây thêm chiến tranh chỉ vì con người sanh đẻ quá nhiều không?