Dịch giả:Vũ Kim Thư
- 13 -

     scar Fuchs tự là “Oscar mắt treo cờ tang” ngồi trong văn phòng. Tôi hỏi hắn:
- Có gì hay không? Dịch cúm đã lan tràn tới mày làng rồi?
- Không ăn thua gì cả. Dân quê vẫn mạnh như thần. Dân thành phố thì khác. Tôi vừa kiếm được mấy mối cho hãng Hollmann và Klotz. Một cái tháp bằng đá hoa cương đỏ mài nhẵn một mặt, một tấm bia thường, hai cái bề cao khoảng một thước năm giả làm bờ tường, giá triệu hai trăm ngàn Marks, một cái nhỏ cao một thước mốt, giá một triệu ba trăm ngàn. Vậy là được giá cao. Nếu các ông bớt cho một trăm ngàn, tôi nhường mối lại cho. Phần hoa hồng của tôi là hai chục phần trăm.
Tôi nói ngay:
- Mười lăm.
Oscar lắc đầu:
- Hai mươi. Bên Hollmann và Klotz họ cũng cho tôi mười lăm. Nếu chỉ lấy mười lăm thì tội gì phản chủ?
Tôi biết hắn nói láo. Bên ấy họ chỉ cho hắn mười phần cộng với tiền sở phí:
- Họ trả tiền mặt chớ?
- Cái đó là việc của các ông. Đây là những người có tiền.
- Bạn Fuchs, tại sao bạn không qua hẳn bên chúng tôi. Chúng tôi trả cao hơn bên đó lại đang cần một đại diện có tài như bạn.
Oscar nheo mắt:
- Thú thật, tôi là người thích những tình trạng lờ mờ, không ưa sáng tỏ hẳn vì bản tính hay hờn giận. Bởi vậy, hễ mỗi lần có chuyện gây gổ với lão Hollmann là tôi lại luồn một mối đặt hàng qua bên này để trả thù. Nếu tôi làm việc hẳn cho các ông thì tôi lại cũng như thế.
- Bạn có thấy nghề của bọn mình là phiền toái không? Nhứt là đối với bạn, người đóng kịch như thật.
Oscar cười như cái cười của một kép chánh vai hoàng tử rồi ra điệu vô cùng khiêm nhượng:
- Mình chỉ làm điều gì có thể làm được, vậy thôi.
- Nhưng nhờ đó mà bạn gặt hái nhiều kết quả kỳ lạ. Bạn có nhờ tới vật gì không hay hễ cứ muốn là khóc được ngay?
Trước đây, mỗi khi sắp vào một nhà có đám tang để kiếm mối bán mộ bia hay tháp tưởng niệm, hắn phải dùng một vài khoanh củ hành tây sát vào mắt cho nước mắt chảy ra. Vậy mà mấy lúc sau này nghe nói hắn đi vào với đôi mắt ráo hoảnh, rồi nhân câu chuyện nói về người chết, hắn khóc như mưa với những giọt mắt thật sự. Có thể bảo đó là sự khác biệt giữa loại trân châu thiên nhiên và loại trân châu cấy vào sò. Nhờ khóc đúng lúc mà chẳng những nhận được mối hàng còn lại được tang chủ đãi ăn.
Georges Kroll từ trong phòng riêng bước ra với điếu xì-gà Havan trên miệng. Đó là dấu hiệu yêu đời. Y đi thẳng vào đề:
- Ông bạn Fuchs, có thật là bạn muốn khóc lúc nào cũng được không? Hay là người ta đồn nhảm để làm thối chí bọn này?
Thay vì trả lời, Oscar nhìn sững Georges. Thấy lạ, Georges hỏi:
- Sao, bạn làm gì vậy?
- Khoan, xin đợi một chút. Để tôi dựng ngoại cảnh đã.
Hắn nhắm mắt lại vài giây. Lúc mở ra, mắt hắn đã ươn ướt. Hắn lại tiếp tục nhìn sững vào Georges, và rồi những giọt nước mắt no tròn bắt đầu đọng trên mi. Một lúc sau nước mắt lăn trên má. Oscar rút khăn tay chặm mắt và nhìn đồng hồ:
- Các ông nhận thấy thế nào? Không đầy hai phút. Có khi chỉ mất một phút thôi nếu tôi đứng trước thi thể người chết.
Tôi kêu lên:
- Thật là vĩ đại!
Georges rót cognac vào ly của khách:
- Bạn Fuchs, đúng lý bạn phải sống bằng kịch nghệ.
- Tôi cũng có nghĩ tới nhưng dường như không có vai trò nào thích hợp cả. Dĩ nhiên là còn Othello nhưng ngoài ra thì...
- Nhưng bạn làm thế nào? Có quỷ thuật gì không?
- Chỉ cần đôi chút tưởng tượng. Hình dung sự việc với một số chi tiết.
- Như mới đây bạn tưởng tượng gì?
Oscar uống cạn ly:
- Tôi nói thật mong ông Georges đừng giận. Tôi tưởng tượng ông bị mảnh trái phá nát bấy người, và một đàn chuột tới gặm mũi ông trong khi ông còn thoi thóp cố dùng tay đuổi chúng đi nhưng không đủ sức cựa quậy. Xin lỗi, trong trường hợp cần phải mau nước mắt tôi tưởng tượng tới những hình ảnh khủng khiếp.
Georges đưa tay sờ mắt. Cái mũi vẫn còn. Tôi hỏi dò:
- Có khi nào bạn tưởng tượng mấy người chủ của bạn trong tình trạng tương tự không?
Oscar gật đầu:
- Tôi thường hình dung họ giàu có, sống tới trăm tuổi, tay mắt lành lặn rồi một hôm nọ bị chứng huyết tắc và chết ngon lành không đau đớn. Thế là nước mắt tôi trào ra nhưng đó chỉ là những giọt nước mắt căm thù.
Georges lấy tiền hoa hồng trả cho Oscar. Nhận tiền xong hắn có vẻ cảm hứng:
- Tôi mới nghiên cứu được một cách nấc nghẹn. Có hiệu quả lắm.
Tôi lợi dụng thời cơ:
- Bạn Oscar hãy qua bên này đi. Bạn nên nhớ là chúng tôi luôn luôn nâng đỡ những người biết yêu nghệ thuật chớ không giống như tay nhà quê kia.
“Oscar mắt treo cờ tang” lắc đầu cười:
- Chưa được đâu. Nếu không có một chút phản bội trong người đời tôi cũng chỉ hơn một tấm giẻ rách. Có phản bội mới giữ được quân bình. Xin thông cảm...
Oscar đi rồi, tôi mang mảnh giấy ghi địa chỉ ra trao cho Henri Kroll đang bơm bánh xe đạp ngoài sân. Ông ta nhìn mảnh giấy với vẻ khỉnh bỉ. Lúc nào ông ta cũng tự coi mình là một tay chuyên nghiệp còn Oscar chỉ là hạng buôn thúng bán mẹt, không đáng cho lão ta dòm ngó.
Henri lầm bầm trước khi lấy giấy cho vào túi. Tới trước nhà tôi chợt thấy ống máng và mưa trận đêm trước đã làm cho sút ra. Georges đã thay cho ống mới. Người đốc công hỏi:
- Còn ống cũ, có làm gì không? Bị lủng bấy bá rồi, cho chúng tôi đi.
Georges gật đầu:
- Thì lấy đi.
Ống nước đang dựng dựa vào cái tháp đen mà Knopf hay tới đái. Ống dài khoảng vài thước và đầu ống bẻ gập lại thành một góc vuông. Một ý nghĩ chợt lóe sáng trong đầu, tôi cản lại:
- Để đó cho tôi.
Reorges hơi ngạc nhiên:
- Còn dùng được việc gì đâu?
- Rồi anh xem. Tôi sẽ trình diễn một màn ngoạn mục với sự cộng tác của lão thượng sĩ Knopf.
Henri đạp xe đi. Tôi và Georges đứng ở cửa uống ly bia của bà Kroll vừa đưa qua từ của sổ nhà bếp. Trời nóng bức. Gã đóng hòm Wilke đi qua sân với mấy chai rượu, chuẩn bị cho giấc ngủ trưa trong một cái hòm lót dâm bào. Bướm lượn quanh những cây thánh giá. Tôi hỏi Georges:
- Giá đô-la tới đâu rồi?
- Hơn hồi sáng mười lăm ngàn. Nếu cứ giữ đà này thì tới chừng trả hối phiếu cho Riesenfield, trị giá chỉ còn bằng một tấm bia nhỏ.
Georges cưỡi vang:
- Thờ buổi này, không tính được chuyện gì đàng hoàng cả. Tối nay chú định làm gì?
- Lên đồi. Tới Wernicke. Nên cố quên vật giá. Nếu có thể sống chung đụng với những người điên một thời gian thì cái chuyện chạy đua với cuộc sống sẽ trở thành ngu đần.
- Hoan hô. Ngôn ngữ ngu si khả ái đó đáng được thưởng một ly bia ướp lạnh thứ hai.
Y lấy cả hai ly đặt lên bệ cửa sổ nhà bếp:
- Xin cho thêm hai ly nữa.
Georges đưa ly rượu vừa rót đẩy sang tôi:
- Chú có mắc bệnh thời đại không?
- Một thằng con trai biết tự trọng càng bị nặng hơn. Đó là quyền của tuổi trẻ.
- Đúng lắm. Từ sau đình chiến, tôi luôn luôn đi tìm một cái gì đắp vá. Và trong tình trạng đó, tôi mắc bệnh thời đại gấp đôi. Giống như một cái chân bị cưa đau gấp đôi cái chân lành lặn.
Bia mát lạnh. Nắng chiếu thẳng vào trán chúng tôi và thình lình mặc dầu đang mắc bệnh thời đại, tôi chợt cảm thấy mình đồng lõa vơi định mệnh. Tôi uống bia, uống cả chất mát của tâm hồn và hăng hái bảo:
- Bọn mình thường quên rằng mình chỉ là những kẻ ở thuê trên hành tinh này. Do đó, mặc cảm chung ta đối với thế cuộc thường hay sai lạc. Anh có nghĩ tới điều đó chưa?
- Có chớ. Đó là cái tội đáng chết của nhân loại. Bởi  thế có lắm người luôn chủ trương hợp lý đã để cho hằng triệu bạc nằm chết một chỗ tới ngày mất giá thay vì tiêu xài trước khi chết.
- Phải. Nhưng anh sẽ làm gì nếu anh biết ngày mai sẽ chết.
- Chưa biết.
- Không à? Một ngày có lẽ quá ngắn. Nhưng nếu anh biết trước sẽ phải chết sau một tuần?
- Vẫn không có ý gì.
- Anh phải làm một cái gì chớ! Nhưng nếu biết trước một tháng?
- Có lẽ tôi cứ tiếp tục sống như trước. Nếu làm khác đi thì trong tháng đó, mình luôn luôn bị ám ảnh...
- Nhưng mình có tới một tháng để thay đổi.
Georges lắc đầu:
- Và đó là một tháng dài hối tiếc.
- Anh có thể bán hết các dụng cụ tang chế này cho Hollmann và Klotz, đi Bá Linh và suốt một tháng đó,
đùa với các cô đào, các bà bá tước và tất cả các con điếm hạng sang.
- Trong tám ngày thì còn được chớ sau đó thì sang đến mấy cũng giống như nhau. Vả lại, tôi thích đọc các cuộc phiêu lưu loại đó hơn là phải nhập cuộc. Tưởng tượng không làm cho người ta thất vọng. À, còn chú, chú nghĩ gì nếu biết một tháng là sẽ chết.
Tôi bối rối:
- Tôi hả?
- Chớ còn ai.
Tôi nhìn quanh. Kia là khu vườn, xanh thẫm và ấm với cảnh sắc mùa hè, có chim én, bầu trời xanh...
- Để suy nghĩ đã. Chưa trả lời ngay được. Tôi cảm thấy như sắp nổ tung ra.
- Thôi, vừa phải thôi, nếu không lại phải gởi chú vào Wernicke.
Bà Kroll từ cửa sổ nhà bếp thò đầu ra:
- Có cần một ly bia nữa không? Có mứt phúc bồn tử đây.
Tôi kêu lớn:
- Thoát nạn rồi! Bà đã cứu tôi đúng lúc! Mới đây tôi còn là mũi tên phóng tới mặt trời và nhà thương điên Wernicke. Bây giờ cám ơn Thượng đế, cả thế giới đây. Cuộc sống đang nhởn nhơ trên cánh bướm bay quanh. Nhưng ăn mứt uống bia thì cho con xin. Một miếng phô-mai Harz thì tốt hơn. Chào ông Knopf. Trời đẹp quá. Ông nghĩ thế nào về cuộc sống?
Lão Knopf bỡ ngỡ nhìn tôi. Mặt lão tái xanh, mắt có quầng. Lão làm một cử chỉ bực tức rồi khép cửa sổ lại. Georger hỏi:
- Chú định phá ông ấy à?
- Chớ sao! Chờ tới tối đã!
Chúng tôi vào quán Walhalla. Tôi dửng sững lại như vừa dụng phải một thân cây:
- Coi kìa! Vậy là hết nói rồi!
Trong buồng ăn dành riêng, Gerda đang ngồi trước một bình hoa huệ và một dĩa thịt đùi mang to tướng. Tôi bấm tay Georges:
- Sao, có phải là phản bội chưa?
- Phản bội gì?
- Chớ không phải là bội tín à?
- Có phải là bội tín không? Hơi lạ đó.
- Đừng làm ra vẻ Socrate nữa. Bộ anh không thấy cái bóng chập chờn phía sau là Edouard sao?
- Biết rồi. Nhưng ai bội tín? Gerda hay Edouara?
- Gerda còn chớ ai? Đàn ông không có lỗi trong mấy vụ này.
- Đàn bà cũng vậy!
- Vậy thì ai?
- Chính chú mầy. Còn ai vào đây nữa?
- Nói như anh dễ nghe quá! Anh không bị phản bội và tự hài lòng về chuyện cằm sừng kẻ khác.
Georges hãnh diện:
- Yêu là vấn đề thuộc tình cảm. Đừng để đạo đức chen vào. Hơn thế, tình cảm chẳng biết gì về phản bội cả. Nó chỉ biết chấp nhận, thay đổi hoặc biến mất... không có dấu vết của sự lừa đảo trong đó. Tình yêu không phải là một hợp đồng. Như vậy đừng than van gì cả. Hoặc từ bỏ hay hành động. Chỉ có một con đường.
Chúng tôi ngồi vào một bàn trống. Gã hầu bàn Freidank tới đưa khăn lau tay. Tôi hỏi dò:
- Ông Knoblock đâu?
Freidank nhìn khắp phòng:
- Không hiểu. Ông ấy vẫn thường ngồi với cô đằng kia.
Tôi nhìn Georges:
- Thấy chưa. Tôi là nạn nhân chỉ định của sự lạm phát tiền tệ. Hết Erna bây giờ tới Gerda. Bộ số tôi là số mọc sừng sao?
- Chiến đấu. Chưa phải thua trận đâu. Tới gặp Gerda đi.
- Nhưng chiến đấu bằng võ khí gì? Bằng những tấm mộ bia sao? Edouard cho nó đùi mang lại làm thơ để tặng. Về thơ phú thì con bé cóc biết về thực phẩm thì rành lắm. Ngu quá! Cũng đáng kiếp chính tôi đã dẫn ả tới đây.
- Vậy thì bỏ cuộc, cần gì phải chiến đấu? Vả lại, trên lãnh vực tình cảm có chiến đấu cũng vô ích. Kìa, Edouard tới, chà! Hắn mặc lễ phục lại có bông hồng cài túi. Vậy là chú đi đứt rồi!
Edouard giựt mình khi vừa nhìn thấy bọn tôi. Hắn liếc sang Gerda và chào chúng tôi với tư cách của kẻ chiến thắng. Georges hỏi hắn:
- Ông Knoblock, có phải sự trung tín là dấu hiệu của danh dự như vị Thống chế yêu quý của chúng ta từng xác định không?
- Cái đó còn tùy. Hôm nay thực đơn nhà hàng có món thịt bò viên Konigsberg có sốt và khoai tây. Tuyệt hảo!
Georges vẫn thản nhiên:
- Một chiến sĩ có quyền đâm sau lưng đồng đội hay không? Và một nhà thơ?...
- Các nhà thơ cũng thường hay khích bác nhau.
- Nhưng chiến đấu công khai, không được quyền đánh lén.
Edouard cười thật tươi:
- Khốn thay cho kẻ bại, bạn Louis thân mến, người ta buộc lòng phải tranh đấu bằng mọi phương tiện. Phần tôi, tôi có vui vẻ gì khi các bạn cứ đưa mãi vào mặt tôi mấy cái phiếu ăn mất giá.
Tôi nổi sùng:
- Nè, đừng có gân cổ! Muốn gì?
Đúng ngay lúc đó, một bàn tay nhỏ nhắn đẩy Edouard sang một bên. Và Gerda nói với chúng tôi:
- Các bồ đó hả? Vậy chúng mình ăn chung. Tôi luôn luôn mong các bồ tới.
Tôi đay nghiến:
- Cô ngồi ở phòng dành riêng mà. Còn tụi này chỉ uống bia thôi.
- Tôi cũng uống bia vậy. Tôi sẽ qua bàn các bạn.
Tôi hầm hầm nhìn Edouard:
- Sao, Edouard? Mình chiến đấu bằng mọi cách mà.
Gerda chen vào:
- Edouard không có quyền gì cả. Ông ấy rất thích thấy tôi ăn ngon với bạn bè. Phải không, Edouard?
Con rắn độc nhỏ này đã gọi hắn bằng tiểu danh rồi. Edouard ấp úng:
- Dĩ nhiên... chẳng... có gì... rất hân... hạnh.
Mặt hắn đỏ chín nhưng hắn cố cười, trong vô cùng quái dị. Tôi tiếp tục tấn công:
- Hoa hồng trên áo đẹp quá. Tình yêu thiên nhiên hay định hỏi cưới?
Gerda trả lời thay:
- Edouard rất tế nhị trong lãnh vực thẩm mỹ. Edouard, hãy tỏ ra hào phóng. Hãy kêu cho họ...
Edouard hô lớn:
- Cho thịt bò viên Konigsberg! Được rồi, tôi sẽ đích thân chỉ bảo họ làm.
Gerda gọi:
- Cho đùi mang.
Edouard bỗng giống như một động cơ đang chạy sút dây trân:
- Mấy người này không phải là bạn tôi.
- Sao?
Tôi không bỏ lỡ cơ hội:
- Bọn mình cũng gần là bạn với nhau, như Valentin vậy. Bạn có nhớ lần gặp mới đây ở câu lạc bộ thi văn không? Có cần tôi lặp lại lớn tiếng những lời lẽ của bạn hôm đó không? Lúc này bạn đang sáng tác thể thơ nào?
Gerda sững sờ:
- Các ngươi nói gì tôi không hiểu.
Edouard chận ngay:
- Chẳng có gì cả. Mấy người này chẳng bao giờ nói chuyện trang nghiêm. Toàn là những thằng hề vô duyên. Nên cố tập cách xử sự đúng đắn.
Tôi trả đũa:
- Ngoài những người phu đào huyệt và nhũng anh thợ đóng hòm ra, chưa chắc ai hiểu hơn bọn này về ý nghĩa cuộc sống.
Đột nhiên, Gerda kêu lên:
- A! A! Khôi hài ma quái! Càng khinh mạn cái chết bao nhiêu thì ý nghĩa trung thực của cuộc sống càng
vượt khỏi tầm tay.
 Tôi và Georges sửng sốt nhìn nhau. Thì ra con bé đã học lối nói chuyện lạc hậu của Edouard từng chữ một. Tôi cảm thấy mình đang chiến đấu trên một vũng lầy nhưng chưa chịu bỏ cuộc:
- Cô học được công thức đó ở đâu?
Gerda cười rộ lên:
- Đối với các bạn, đời sống luôn luôn giống với một tấm bia. Người khác thì không đi mau như vậy. Chẳng hạn như Edouard, một con chim họa mi. Edouard tươi rói như một thân cây vừa trổ đầy hoa.
Gerda hỏi hắn:
- Còn thịt đùi mang đâu?
- À, quên mất... được rồi.
Edouard đi vào bếp. Tôi nhìn con bé quỷ quyệt:
- Hoan hô! Tuyệt điệu!
- Đừng làm vậy, người ta tưởng là chồng. Cứ vui sống trước đã.
- Nhưng sống là gì?
- Là những gì đang diễn ra.
Georges kêu lên:
- Hoan hô người đẹp. Và cám ơn đã mời ăn. Cô biết là chúng tôi cũng rất mến Edouard nhưng y không chịu hiểu.
Tôi mở cuộc điều tra:
- Còn cô, Gerda, cô cũng yêu hắn phải không?
Gerda cười và nhìn Georges:
- Trẻ con quá! Sao ông không mở mắt cho y sáng ra và bảo cho ông biết rằng tất cả đều không phải là vật sở hữu của riêng y.
- Tôi cũng tiếp tế cho hắn nhiều nguồn sáng nhưng hắn cứ lay quay mãi với một đống mặc cảm mà hắn gọi là tư tưởng. Chừng nào hiểu được, lớn mới có thể kôn ra.
Gerda ngồi đối diện với tôi, dáng dấp tự tin, con dao cầm trên tay, đang đợi phần thịt mang thứ hai. Mặt con bé bầu bĩnh hơn lúc trước có lẽ nhờ sự dinh dưỡng của Edouard. Con bé nhìn tôi không một chút ngượng ngịu. Nhưng tại sao phải ngượng? Tôi có quyền hạn gì với nó? Và ngay lúc này, ai mới thực sự lừa dối nhau?
Thịt được mang tới. Cuộc đối thoại tạm ngưng, Edouard theo dõi chúng tôi như gà mẹ. Đây là lần đầu tiên hắn trả một bữa ăn cho bọn tôi. Tôi chợt để ý nụ cười khó hiểu của hắn khi thỉnh thoảng láy mắt với Gerda. Phần con bé, nó vẫn giữ nụ cười vô tư. Gerda còn trẻ hơn tôi, nhưng tôi phải nhìn nhận rằng về kinh nghiệm nó hơn tôi chừng bốn tuổi. Gerda nhắc:
- Ăn đi, em bé.
Món thịt mang trứ danh thế mà đối với tôi chẳng có mùi vị gì đặc biệt. Edouard hỏi tôi:
- Thêm một ít nữa chớ?
Tôi chưng hửng tưởng chừng như viên cựu hạ sĩ quan huấn luyện viên của tôi ra lịnh cho tôi hôn ông ấy. Georges cũng hơi lo ngại. Nhưng sau khi phân tách tình hình, tôi biết là hắn định thấu cáy bọn tôi, làm ra vẻ như đã chiếm trọn cả hồn lẫn xác Gerda. Chắc chắn là chưa. Vì chưa, nên con bé được ăn các món sang chớ nếu đã trao thân cho hắn vài lần thì chỉ được ăn thịt vò viên Konigsberg là cùng. Con bé cũng không phải tay vừa.
Đêm hoàn toàn yên tịnh với cả một trời sao trên thành phố. Tôi ngồi suy tư bên cửa sổ để chờ lão Knopf. Tôi đã gắn ống nước cũ bắt dài từ cửa sổ quanh queo ra tới sân, để đầu ống có góc vuông hướng về cái tháp đen. Tuy nhiên, đứng từ chỗ đó, không thể nào khám phá ra quỷ kể của tôi.
Tôi đọc vớ vẩn một vài tin trên báo. Đô-la: lại tăng thêm mười ngàn Đức kim. Chỉ có một vụ tự tử nhưng có hai cuộc đình công. Phần công chức, sau nhiều cuộc thảo luận, chánh phủ chấp thuận tăng lương nhưng đồng Marks đã mất giá đến nỗi khoản tiền tăng đó chỉ vừa đủ mua được một lít dầu cho tuần trước. Tới tuần sau, có lẽ chỉ còn mua nổi một cái hộp quẹt. Số người thất nghiệp gia tăng đến một trăm năm chục ngàn. Đâu đâu cũng có những xáo trộn. Rác rến được nghiên cứu để dùng vào viêc công ích. Dịch cúm lan tràn, vấn đề nuôi dưỡng những người già lão được đặt ra. Nhưng trong thời gian chờ đợi có thông cáo chánh thức, những người tàn tật và già lão chỉ còn có cách là đi xin hay sống bám vào bạn bè, thân quyến.
Có tiếng bước chân nhè nhẹ vào ngõ hẻm. Tôi cẩn thận nhìn ra. Không phải Knopf. Đó là một cặp nhân tình rón rén đi vào khu vườn của hãng chúng tôi. Wilke có lý: họ còn có thể đi đâu được nếu không vào khu vườn này? Nếu ở trong phòng trọ thì mụ chủ nhà sẽ rình ngoài cửa với cái chổi trong tay, sẵn sàng nhân đanh đạo đức để tống cổ ra. Trong những công viên, họ luôn luôn bị những cặp mắt sáng quắc của cảnh sát chiếu vào. Đi khách sạn? Tiền đâu? Như vậy chỉ còn có ở đây là yên tịnh nhứt. Những tấm bia lớn sẽ ngăn cặp này với những cặp kia. Những tấm bảng báo động của tôi coi chừng giập chân chẳng có hiệu lực nào. Ai còn có thể nghĩ tới ngón chân của mình khi tất cả máu trong người đều trên ba mươi bảy độ?
Cuối cùng tôi nhận ra tiếng bước nhịp nhàng của lão Knopf. Tôi nhìn đồng hồ: hai giờ rưỡi khuya. Nhà cựu huấn luyện tân binh quân dịch này chắc đã say nhừ. Không cần nhắm hướng, lão đi thẳng tới cái tháp đen. Tôi kê miệng vào đầu ống nước đằng này và quát lớn:
- Knopf!
Tiếng nói qua tới đầu ống bên kia sẽ vang âm phía sau lưng lão như tiếng gọi dưới đáy mồ. Lão thượng sĩ hồi hưu giụi mắt, nhìn quanh quất. Tôi lấy giọng nhà binh:
- Knopf, chú không biết xấu hổ sao? Lúc nào say rượu về cũng đái bậy vào các vật linh thiêng đó hả? Con bò?
Lão quay đầu khắp mọi hướng và ấp úng:
- Cái gì?... Ai đó?
- Khốn khiếp! Còn dám hỏi lại à? Thượng cấp nói chuyện phải đứng nghiêm.
Lão nhìn về phía nhà lão vì tiếng nói dường như từ đó phát thanh ra. Không một ánh đèn, cửa nẻo đóng kín. Cái ống gắn ở tường, lão không làm sao phân biệt nổi.
- Đứng nghiêm!
Knopf lập tức đứng thẳng người, tay đặt ở nẹp quần. Ánh trăng chiếu vào đôi mắt mở to của lão.
- Knopf! Nếu bị bắt gặp lần nữa, chú sẽ bị giáng chức xuống làm binh nhì. Tội làm ô danh quân đội Đức và bôi lọ hiệp hội những thượng sĩ hồi hưu.
Knopf nghiêng đầu lắng tai nghe. Giữa đêm khuya vắng lặng, tôi nghe lão ta lẩm bẩm:
- Trời! Đức Thượng đế!
Giọng nói ma quái nhái theo cấp trên ngoài mặt trận của tôi tiếp tục lần cuối:
- Nhớ kỹ là còn vi phạm lần nữa, chú sẽ bị giáng chức và bị hoạn. Bị hoạn, nghe rõ chưa! Nghỉ! Nghiêm! Bên phải! Quay! Tan hàng!
Ngẩn người, lão Knopf làm theo khẩu lệnh, đưa tay lên chào rồi lảo đảo đi về nhà. Ngay sau đó, cặp tình nhân lúc nãy chạy vọt ra ngoài hẻm như hai con mang. Tôi có muốn làm cho họ sợ hãi đâu!