Dịch giả:Vũ Kim Thư
- 15 -

     ùa viêm nhiệt đè nặng trên thành phố. Đồng Mỹ kim lại nhảy vọt lên hai trăm ngàn đồng Marks, nạn đói gia tăng. Vật giá lên thang với một tốc độ kinh hồn. Những người sống bằng đồng lương cố định bằng những lợi tức nhỏ nhoi càng ngày càng khốn đốn trong khi một thiểu số cứ phì nộn ra. Chánh phủ ngồi nhìn như một khán giả. Chẳng có gì đáng lo bởi lẽ nạn lạm phát giúp họ thoát nợ. Hãy cai trị trước đã!
Ngôi mộ phần của bà Niebuhr đặt đã làm xong. Thật là quái đảng: cả một guồng máy to lớn bằng đá với cửa kính, dây xích bằng đồng và lối đi lát sỏi. Bà ta cứ đòi làm theo ý mình và bây giờ cả khối đá đó đã thành hình, bà ta không chịu lấy. Với một cây dù sặc sỡ cầm tay, một chiếc nón rơm cài hoa trên đầu, một xâu chuỗi trân châu giả quanh cổ, bà ta đứng đợi chúng tôi ngoài vườn. Bên cạnh người góa phụ là một gã thô kệch cao lớn mặc quần áo ca-rô, có vẻ khó chịu vì phải đứng đợi ở một nơi đầy mộ bia, niệm tháp. Vậy là vĩnh biệt những ngày tang chế, bà Niebuhr đã tái đính hôn. Ông chủ lò bánh mì qua cố không còn một chút bóng dáng nào. Người may mắn được chọn là Ralph Lehmann có một chức vị mơ hồ nhưng hấp dẫn là cố vấn kỹ thuật. Với một tiểu danh khá hay và một vị trí trong kỹ nghệ thế mà y phục của anh chàng lại tồi tàn, ngoại trừ cái cà-vạt mới tinh và đôi giầy màu da cam, có lẽ là quà tặng đầu tiên của bà Niebuhr.
Câu chuyện chẳng đầu đuôi. Lúc đầu bà ta bảo là không hề đặt làm và trắng trợn hỏi:
- Có giấy tờ gì không?
Georges kiên nhẫn giải thích là nếu bắt thân chủ ký giấy thì chẳng khác gì xúc phạm tới tang gia và cho nghề nghiệp nữa. Vả lại chúng tôi còn có khoảng một chục người làm nhân chứng. Chính bà Nieburh đã đòi hỏi phải làm này làm nọ đến nỗi muốn điếc tai cả lô thợ và anh chàng điêu khắc Kurt. Hơn thế, bà ta còn trả trước một phần.
Nghe tới đó, bà ta chộp ngay:
- Đó, tôi đang muốn nói tới chuyện đó. Phải trả tiền đó lại cho tôi.
- Như vậy chứng tỏ là bà có đặt làm.
- Không được đặt gì cả, chỉ có trả tiền trước vậy thôi.
Tôi hỏi anh chàng của giới kỹ thuật:
- Chẳng biết ông Lehmann nghĩ thế nào? Nhứt là với tư cách cố vấn kỹ thuật?
Anh chàng không do dự bênh vực bà cố chủ lò bánh mì ngay:
- Trả lời như thế là đúng. Các ông phải phân biệt...
Georges chận lời bằng cách cho hắn biết là vụ này cũng chẳng có giấy tờ gì cả. Anh chàng quay lại hỏi bà Niebuhr:
- Không có biên nhận hả?
Người góa phụ ấp úng:
- Em không biết... Họ không đưa rồi bây giờ nói ngược...
Georges thẳng thắn:
- Chúng tôi không hề bảo là bà chẳng trả trước. Chúng tôi chỉ muốn cho thấy là công việc giữa bà và chúng tôi chẳng có một giấy tờ nào cả. Ngay như việc đặt hàng cũng vậy.
Ralph chen vào:
- Vậy là rõ rồi.
Georges làm như không nghe, anh nói to:
- Chúng tôi sẵn sàng lấy lại cái mộ phần nếu ông bà muốn.
Ralph lại nói hớt:
- Nhưng còn tiền trả trước?
- Đương nhiên là không còn hiệu lực.
- Sao?
Vừa hỏi anh chàng cố vấn kỹ thuật vừa lột áo ngoài ra. Bây giờ tôi mới để ý cái quần của hắn hơi ngắn. Hắn nói tiếp:
- Đối với chúng tôi không thể có chuyện đó.
Georges tỉnh bơ:
- Với chúng tôi cũng vậy.
Cuộc cãi vã kéo dài thêm mười lăm phút nữa trước khi đi tới một thỏa hiệp: chúng tôi trả ngay phân nửa số tiền cọc. Phần còn lại sẽ trả trong vòng hai tuần. Thế là chúng tôi có lợi nhờ vào nạn lạm phát bởi luật pháp không hề trù liệu đến chuyện này. Nếu họ kiện, việc xét xử có thể kéo dài tới một năm và chừng đó chúng tôi cũng chỉ trả cho y số tiền cũ.
Khi cặp vợ chồng sắp cưới quay lưng, tôi hỏi Georges:
- Bây giờ anh định làm gì với cái lăng tẩm kỳ quái đó? Hay là đặt nó trong vườn để làm một tiểu giáo đường?
- Đừng nóng, chú em! Trước hết là sửa lại cái mái rồi nhờ Kurt Bach cho thêm một cái gì bình thường vào đó chẳng hạn như một con sư tử chịu tang, một người lính xung phong... Tôi sẽ cho bít hai cái cửa sổ lại bằng hai tấm cẩm thạch để làm mộ chí và nó sẽ biến thành...
- Biến thành một cái đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong cỡ nhỏ. Anh biết là Kurt không đủ khả năng tạc một thiên thần, một chiến sĩ xung phong hay một phụ nữ Đức đang than khóc. Tài của hắn chỉ tới mức chạm nổi thôi.
Chúng tôi lại bàn thêm một lúc nữa nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy. Cuối cùng, Georges bảo:
- Thôi bỏ đi. Để tôi mời chú một chai ở quán của Knoblock.
Như thường lệ, mỗi khi thấy chúng tôi là mặt của Edouard như bị che phủ bởi một lớp mây mờ. Georges móc một nắm bạc ra:
- Yên tâm, ông Knoblock. Hôm nay hãng Kroll trả bằng tiền mặt.
- Thật không? Phải tới hồi kết cuộc của những cái phiếu đó chớ. Ngồi gần cửa sổ đi!
Tôi nhìn vào phòng ăn dành riêng. Gerda đang ngồi trước một ly rượu chát. Tôi đay nghiến:
- Này, cô không rời nổi cái quán ăn này hả?
Con bé cười lớn, không một chút ngượng:
- Anh biết là tôi có việc làm ở đây chưa?
- Hả?
- Dạ, như vậy đó, thưa ngài Dự thẩm.
Georges thúc nhẹ cùi chõ vào tôi rồi nói với Gerda:
- Trong trường hợp đó xin phép cho chúng tôi được mời cô.
Gerda nhìn cả hai chúng tôi:
- Các anh tưởng là tôi không có quyền mời như bữa trước sao?
Tôi lại không dằn được:
- Không là cái chắc. Sợ Edouard từ hôn.
Gerda chỉ cười, không nói. Hôm nay con bé mặc một cái áo quá đẹp bằng tơ sống, màu thuốc lá.
Edouard trở ra và mặt hắn lại bị mây mờ che phủ khi thấy bọn tôi đang nói chuyện với Gerda. Có lẽ hắn nghĩ chúng tôi định đánh lừa hắn để khỏi trả tiền ăn lần nữa. Georges đoán biết ngay:
- Chúng tôi mời cô Schneider để ăn mừng sự xác nhận của người bạn Louis đây. Người thanh niên này cuối cùng đã nhìn nhận rằng quả đất vẫn tròn dù không có anh ta.
Chủ nhà hàng Walhalla tin lời Georges. Hắn đề nghị:
- Hôm nay có món gà giò tuyệt diệu.
Tôi lắc đầu:
- Không cần. Cứ mang thực đơn thường lệ ra đây. Và đừng dài dòng nữa, đi tìm ngay một chai Reinhasdt 1921.
Gerda ngẩng đầu lên:
- Rượu chát miền Nam? Bộ các anh trúng số phải không? Tại sao không thấy tới Moulin Rouge?
- Như vậy có nghĩa là bọn này chưa trúng lớn. Còn cô, vẫn có mặt thường xuyên, phải không?
- Anh không biết là đáng xấu hổ. Hỏi Edouard thì biết. Tôi xin nghỉ mười lăm hôm. Đầu tháng tới tái ký hợp đồng.
Georges quyết định:
- Tới lúc đó chúng tôi sẽ đi xem.
Gerda nói nhỏ vào tai tôi:
- Cô bạn của anh hôm qua lại tới đó.
- Erna hả? Không phải là bạn của tôi. Đi với ai?
- Nếu không phải là bạn thì đi với ai mặc người ta.
Rượu Reinhardt thì không chê vào đâu được. Edouard mang tới và tự tay khui lấy. Hắn không muốn rượu ngon bị hôi mùi nút chai đồng thời cũng thừa cơ hội để rót cho mình một ly. Hắn hớp một ngụm rượu, rồi tròn mắt, khen:
- Tuyệt hảo!
Hắn nói bằng tiếng Pháp cố giữ thật đúng giọng. Tôi phá ngang:
- Mấy tay tay sành ném rượu chỉ cần một vài giọt là đủ.
- Với tôi thì không. Nhứt là với loại rượu chát miền Nam này. Không thể bỏ qua.
Hắn trả lời quá đúng làm cho chúng tôi nghẹn luôn. Tuy nhiên, chúng tôi hãy còn con bài bí hiểm cuối cùng: sẽ trả tiền ăn bằng phiều.
Edouard rót đầy ly cho bọn tôi:
- Georges, bạn đãi tôi một ly, phải không?
Tôi phản đối:
- Chưa được. Chủ tôi và tôi có ý định uống hơn một chai. Bọn này sắp ăn đừng đứng nhìn miệng như thế.
- Được rồi. Nhưng coi chừng, lần này trả bằng phiếu thì sẽ biết.
Hắn lởn vởn vài bước quanh chỗ ngồi của Gerda như một người đang múa điệu polka.
Gerda cố nhịn để khỏi cười. Tôi chạm vào gối Georges dưới bàn để báo hiệu sắp có trò vui.
- Knoblock!
Một tiếng quát rền vang giọng nhà binh.
Edouard nhảy dựng lên rồi quay nhìn qua vai. Renée de la Tourterelle cười vô tư. Thấy bộ mặt hầm hừ của Edouard, tôi cho hắn phát ân huệ:
- Đừng giận ông chủ quán thân yêu. Đó là lỗi của dòng máu Đức quốc. Hàng thế kỷ bị đô hộ. Nghỉ, trung sĩ Knoblock!
Hai phụ nữ chào nhau và bắt ngay vào chuyện thời trang.
Một lúc sau, Willy xuất hiện, ăn mặc như một ông hoàng. Nó kêu lớn:
- Rượu chát à? Bọn đào huyệt định dìm nỗi buồn của những tang gia vào rượu! Có cho khách uống không?
Tôi không chịu lép vế:
- Bọn này không phải mua rượu với tiền kiếm được ở thị trường chứng khoán đâu. Tuy nhiên, vẫn hân hạnh được mời Renée. Bất cứ kẻ nào làm cho Edouard sợ đều đáng được tiếp đón niềm nở.
Gerda phì cười và dùng mũi giày đá nhẹ vào chân tôi. Và gối con bé cọ vào gối tôi rồi giữ yên ở đó. Một luồng nhiệt lực chạy dài theo xương sống tôi. Đột nhiên hai đứa tôi trở thành đồng lõa.
Sau bữa ăn khá náo nhiệt, chúng tôi bảo Edouard mang giấy tính tiền tới, một cho Georges và một cho Willy.
Gerda chờ đợi một sự bùng nổ. Tôi và Georges mỗi người lẳng lặng rút phiếu khẩu phần đặt trên bàn. Nhưng, Edouard không bủng nổ. Hắn cười:
- Lần này thì đặc miễn cũng không sao vì các bạn dùng rượu chát khá nhiều.
Hắn có lý vì Willy đã trả tiền rượu phần nó và phần của chúng tôi. Phiếu khẩu phần không hề kể thức uống. Một lần nữa, Gerda nói nhỏ vào tai tôi:
- Mình đi...
Cửa sổ mở toang. Bên ngoài lá nho tươi chờn vờn trong gió. Âm thanh đương cầm từ dưới lầu vọng lên. Thỉnh thoảng điệu luân vũ dành cho người đi giày bánh xe lại bị dứt quãng bởi những tiếng uỳnh uỵch của nữ lực sĩ đấu vật đang biểu diễn.
Tôi đang ở trong phòng trọ của Gerda...
Gần giường có hai chai bia còn mát lạnh. Tôi vói lấy một đưa cho Gerda:
- Biến thành da nâu hồi nào vậy.
- Phơi nắng. Trời mùa này, còn nắng nào hơn. Dường như anh chẳng biết nắng là gì.
- Có chớ. Nhưng ngồi ở văn phòng chả lẽ mặc quần đùi.
Gerda cười:
- Làm việc cho hộp đêm thì ban ngày dĩ nhiên là quá rỗi rảnh. Mấy lúc sau này, anh ở đâu?
- Đi vơ vẩn.
Vừa trả lời tôi vừa nhớ tới Isabelle vẫn thường hỏi tôi câu đó. Tôi hỏi lại:
- Có ở với Edouard thường không?
- Này, đừng có viện cớ làm tình làm tội người ta.
Gerda vươn vai và uống một ngụm bia. Tôi nhìn căn phòng:
- Ở đây cũng đẹp chớ. Có cảm tưởng như đang ở trên thượng từng của một đại tửu quán nào đó trong vùng biển Phi Châu. Và em thì nâu sậm như các thiếu nữ ở đó.
- Còn anh thì là một nhà buôn da trắng chở theo hàng khối bông vải, trân châu giả, kinh thánh và rượu mạnh.
- Đúng vậy. Đúng như anh đã ước mơ từ năm mười sáu tuổi.
- Và sau đó?
- Sau đó, thôi mộng mơ!
Tôi nằm dài trên giường, bình lặng và thoải mái cạnh Gerda. Sương chiều nhè nhẹ len vào. Tôi không nghĩ gì cả, không cần gì cả cũng không dám tự đặt một câu hỏi nào. Phần thể xác lênh đênh cuộc đời giản dị, thời gian chậm chạp trôi qua, duờng như thiên thần đã tới ở tầm tay, tôi lặng lẽ uống từng ngụm bia tươi mát, nghe chất hốt bố tan loãng trên đầu lưỡi.
một lúc khá lâu, Gerda bỗng lên tiếng:
- Anh có tin là Renée sẽ được tặng áo lông không?
- Tại sao không? Willy bây giờ đã là tỷ phú mà.
- Em muốn hỏi chị ấy xem Willy hứa loại gì. Hải ly, có lẽ.
Tôi ậm ừ:
- Có lẽ là chồn, hay báo. Chắc là báo.
- Áo lông báo không đủ ấm trong mùa Đông. Loại hải cẩu thì xưa rồi. Lý tưởng nhất là hồ cừu.
- Hừm!
- Áo hồ cừu. Đó là cả một cuộc sống. Chỉ có một điều trở ngại là đắt kinh khủng.
Tôi đặt vỏ chai lên sân ván dưới chân giường. Câu chuyện đã bắt đầu gay cấn.
- Tất cả các thứ đó đều vượt quá sức anh. Ngay đến một cái khăn quấn cổ bằng lông thỏ cũng không mua nổi.
Gerda ngạc nhiên:
- Anh hả? Em đâu có nói anh.
- Chớ còn ai? Trong hoàn cảnh này dù khờ khạo thế mấy, anh cũng thừa tế nhị để hiểu. Buồn thay, ở thời đại chúng ta, sự tế nhị đã trở thành vô dụng.
Gerda cười ngặt nghẻo:
- Cưng ơi! Sao đa nghi vậy! Không phải là cưng đâu!
- Vậy chớ ai?
- Còn ai nữa ngoài Edouard?
Tôi ngồi phắt lên:
- Em định bảo Edouard mua cho áo lông, phải không?
- Chớ còn gì nữa. Chưa chắc là có được không, nhưng nếu Renée có thì em hy vọng. Đàn ông... anh biết không, họ hay tự ái vặt. Em không nói anh đâu.
- Em dám nói ra điều đó trong khi chúng mình chung giường gối với nhau à?
- Sao lại không? Em không bao giờ có ẩn ý.
Tôi sững sờ đến không biết phải nói gì. Gerda nhìn tôi:
- Bộ giận hả?
- Không bao giờ. Chỉ hơi chán nản thôi.
- Quả đúng anh là một quái tượng. Dường như bất cứ lúc nào anh cũng có sẵn một số lý do để bất mãn. Và nếu em đòi anh mua cho một cái áo khoác thôi, anh lại cũng bất mãn.
- Chẳng lẽ anh phủi tay khi nghe em nói vậy?
- Phải như thế mới được. Anh không thuộc về hạng người cầu cạnh.
- Người gì?
- Người cầu cạnh. Những kẻ dùng tiền để kiếm tình yêu. Như Edouard chẳng hạn.
- Còn Willy thì sao?
- Cũng gần như thế.
Tôi ngồi lặng thinh, chợt thấy mình quá dốt.
- Bộ em không có lý sao?
- Có lý cái gì?
Gerda lại cười:
- Lại giận nữa rồi. Đúng là trẻ con!
- Phải, và tôi cứ như thế mãi, nếu không...
- Nếu không thì sao?
- Thì...
Tôi suy nghĩ. Dù không biết rõ muốn nói gì tôi vẫn cố nói cho hết câu:
- Nếu không, tôi có cảm tưởng mình là một thằng ma cô.
Lần này thì Gerda cười đến gần nghẹt thở... Một lúc sau, nàng nói với tôi, nửa thương hại, nửa đùa cợt:
- Bé con ơi rồi sẽ có ngày cưng bị phản bội cho coi.
Khốn nạn! Tôi đang tưởng tượng sống ở một hải đảo vùng nhiệt đới, bỗng nhiên con bé lôi tôi ra khỏi giấc mơ. Bây giờ tôi có cảm tưởng như đang bị một lũ khỉ tới tấp ném xương rồng vào người.
- Thôi không nói chuyện ma cô, mọc sừng nữa. Còn thiếu gì chuyện khác.
Gerda nhìn tôi:
- Đúng vậy. Dường như chúng mình chưa nói đến chuyện đó.
- Chuyện gì?
- Yêu đương chớ chuyện gì. Đó là chuyện đáng nói. Chả lẽ bây giờ anh lại muốn làm thơ?
Chạm tự ái, tôi vừa toan sừng sộ thì Gerda đã hôn tôi, một cái hôn của bọt bia nhưng đủ sức kéo tôi trở về bãi biển vùng nhiệt đới, chẳng có một con khỉ nào ở chung quanh.
- Anh có biết tại sao em thích anh không? Vì anh là một đứa bé có quá nhiều định kiến. Anh đi vào tình yêu với bước chân của một anh chàng sinh viên Heidellberg cứ lẫn lộn điệu luân vũ là một hành khúc. Anh đúng là đứa con của Đức quốc.
- Lại chửi bới nữa, phải không?
- Không đâu. Em chỉ nhận định. Chỉ có những kẻ ngu đần mới tin rằng có quốc gia này hơn quốc gia khác.
- Còn em, em không phải là con của Đức quốc?
- Mẹ em người Tiệp Khắc. Nhờ vậy mà em không thiên vị.
Tôi nhìn suốt cả thân hình nhỏ nhắn của Gerda và bỗng thích có một hoặc hai bà ngoại tổ người Tiệp Khắc. Không hiểu sao tôi buột miệng:
- Theo em thì anh có thể làm ma cô không?
- Không. Anh không có cái mà người ta gọi là quyền uy. Như vậy không thể sai khiến được ai bán thân để nuôi anh. Nhưng không sao, điều chánh yếu là họ vẫn ở với anh. Thôi, hãy ngủ một giấc nữa rồi em sẽ làm món thịt trừu hầm với tỏi... thật nhiều tỏi...
- Bộ có đủ đồ nấu ăn ở đây à?
Gerda chỉ một cái bếp nấu bằng hơi:
- Chỉ cần bao nhiêu đó là em có thể làm được một bữa ăn cho sáu người. Làm bếp theo lối Tiệp. Trong lúc em làm bếp, anh kể chuyện em nghe. Rồi chúng mình đi mua bia về. Chương trình có phù hợp với ý niệm của anh không? Nên nhớ là đứng để bóng dáng Edouard xuất trong đầu, kẻo rồi lại ăn mất ngon.
- Không bao giờ.
Tôi chỉ có thể nói thế thôi, ngôn ngữ biến đi đâu mất cả, hồn tôi nhẹ lâng lâng.