Dịch giả:Vũ Kim Thư
- 20 -

     ôi vừa vào tới. Georges xổ ra ngay một tràng dài khiến tôi ngơ ngác:
- Lại đây, lại đây, lại xem một phép lạ. Còn lạ hơn là bắt gặp một kiệt tác của Rembrandt nằm trong tiệm cầm đồ! Đừng xúc động mạnh! Ôm chặt lấy trái tim!
- Thật không?
- Coi đây! Một, hai, ba!
Y lấy từ trong khăn tay ra một vật tròn và ném xuống bàn. Tôi phải nhìn một lúc khá lâu mới nhận ra: một đồng hai mươi Đức kim đồng vàng. Tôi hoàn toàn không tin ở mắt mình. Một đồng tiền thế này... một đồng tiền mà tôi đã nhìn thấy. A! Đúng rồi! Trước khi có chiến tranh!
Tôi nói với Georges:
- Anh cho phép tôi hôn nó. Đây là vật biểu trưng của một thời đại vàng son.
Tôi cầm lấy đồng tiền, nâng niu trong bàn tay. Đồng tiền vàng có chạm hình Hoàng đế Guillaume đệ nhị, giờ đây đang cưa gỗ ở Hòa Lan.
- Anh làm sao có được, Georges?
- Của một góa phụ vừa hưởng được cả một chôn giấu.
- Trị giá bao nhiêu?
Georges lim dim mắt như để tính nhẩm rồi nói luôn một hơi:
- Bốn tỷ Đức kim giấy bạc giấy. Một ngôi nhà nho nhỏ. Hay mười hai ả điếm hạng sang. Một tuần lễ tới Moulin Rouge. Còn gì nữa? À, tám tháng tiền cấp dưỡng một phế binh có mức độ tàn phế trăm phần trăm...
- Xin can...
Henri Kroll đi vào, ống quần bó chặt bằng hai cái kẹp. Tôi tung đồng tiền vàng xoáy lốc trên không:
- Xem đây! Ông anh sẽ hài lòng với tinh thần tôi Chúa!
Henri chụp lấy, dán mắt vào đồng tiền vàng rồi kêu lên:
- Trời! Đức Hoàng thượng! Thời đó, chúng ta còn cả một quân đội!
Tôi chen vào:
- Với màu sắc rực rỡ..
Henri quắc mắt:
- Nhưng chú mầy vẫn phải nhìn nhận rằng thời đại đó vẫn hơn cái chế độ dân chủ xã hội này.
- Có thể.
- Không phải có thể, mà là chắc chắn. Thời đó, chúng ta có đủ cả: tiền tệ vững chắc, không một người thất nghiệp... và cả thế giới ngưỡng mộ nước ta. Tôi có nói dối không?
- Chắc là không.
- Lâu lắm mới nói một câu nghe được. Và chế độ này, chúng ta có được gì?
- Rối loạn, năm triệu người thất nghiệp và thua trân.
Hai tiếng sau cùng của tôi là Henri sững sờ. Ông ta rống lên:
- Đừng nói tới chuyện thua trận. Tôi có bảo chú mày nói vậy đâu. Phải nhớ là trước kia chúng ta được bọc trong nhung lụa. Và bây giờ thì hỗn loạn khắp nơi.
- Tại ông hỏi...
- Bỏ đi, chuyện cần kíp là phải có một vị Hoàng đế mới và được chánh phù quốc gia, vậy thôi!
- Khoan! Ông còn quên một chi tiết, một từ ngữ rất quan trọng, một liên từ: bởi vì. Trí nhớ ông hơi kém, ông Kroll.
- Sao? Chú mày muốn nói gì?
- Bởi vì, tôi muốn nhấn mạnh ở hai tiếng bởi vì. Hiện chúng ta đang có năm triệu ngưởi thất nghiệp, nạn lạm phát và thua trận bởi vì chúng ta đã có một chính phủ theo kiểu của ông. Bởi vì chánh phủ đó, có thực hiện giấc mộng xâm lăng, đã mở một cuộc chiến. Bởi vì, cuộc chiến đó, đưa đất nước tới bại trận. Vả chính vì vậy mà tất cả chúng ta phải gánh lấy cái hậu quả thảm bại mà ông vừa nhắc tới. Ông và các bạn của ông, những người cùng lý tưởng với ông đều nói: trước đây là thời kỳ vàng son và bây giờ tất cả đều tệ hại, và kết luận là chế độc cũ cần phải đặt lại. Trên thực tế, đúng hơn là phải nói thế này: ngày nay tất cả đều tệ hại bởi vì trước đó là một chế độ tệ hại. Ông hiểu tôi muốn nói gì chưa?
Henri Kroll gầm lên:
- Đồ phản bội!
Georges cười vang:
- Đối với Henri thì bất cứ ai không chịu đứng nghiêm đều là phản bội.
Henri ưỡn ngực tới chuẩn bị một câu trả lời nảy lửa. Hình ảnh đức vua mà ông ta vửa nhìn thấy trên đồng tiền vàng lúc nãy làm cho ông ta tin tưởng thêm hơn. Nhưng giữa lúc đó, Kun Bach đi vào.
- Ông Kroll, cái tháp có khắc “Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của chủ hiệu buôn đồ sắt Tây Quartz” nên chạm hình thiên thần bên phải hay bên trái.
Henri quay phắt lại:
- Cái gì?
- Hình thiên thần trên tháp tưởng niệm ông Quartz.
- Bên phải. Thiên thần luôn luôn ở bên phải.
Trở về thật mau với tinh thần nghề nghiệp, ông ta bảo Kurt:
- Được rồi, để tôi cùng đi.
Và ông ta ném trả đồng tiền vàng lên mặt bàn. Kurt Bach vừa thoáng thấy, vội cầm lên, ngắm nghía:
- Một thời kỳ đã trôi qua!
Georges nghiêng đầu:
- Theo ý bạn thì đó là thời kỳ gì?
Thời kỳ của nghệ thuật tự do. Bánh mì chỉ có mấy xu, một ly rượu mạnh năm xu chẵn. Chỉ cần vài miếng tròn thế này là đã đủ xuất ngoại, sang Ý chẳng hạn.
Kurt hôn đồng tiền và đặt trở lại trên mặt bàn. Mặt hắn đăm chiu như vừa già thêm mười tuổi. Rồi hắn lặng lẽ đi ra. Trước khi theo Kurt, Henri còn quay lại lườm chúng tôi:
- Để rồi xem, sẽ còn nhiều cái đầu rời khỏi cổ.
Tôi vểnh tai lên hỏi Georges:
- Anh có nghe rõ không? Có phải đó là một khẩu hiệu của Watzek? Con đường Arquebusiers nhỏ hẹp này coi bộ đã là một ổ rắn của Quốc Xã rồi.
Georges lơ mơ nhìn ra cửa:
- Có thể. Coi bộ không khá mấy. Vậy mà những người như Henri năm 1918 lại là những kẻ ong óng chống quân địch. Từ đó tới nay họ quên hết cả, chiến tranh đối với họ là một cuộc phiêu lưu hấp dẫn.
Nhét đồng tiền vào túi áo gilet, Georges nói tiếp:
- Khi đã thoát nạn rồi, người ta thường chỉ thấy đó là một cuộc phiêu lưu vô hại. Thật đáng buồn nôn. Chỉ có những người chết mới có được ý niệm chính xác về chiến tranh. Buồn thay! Họ chỉ là thiểu số...
Georges đội nón lên:
- Thôi, mình đi ăn. Để xem anh chàng Edouard Knoblock nghĩ gì về đồng tiền con ó.
Nàng ngồi trên thềm, trước trại những người chưa lành bệnh. Ở nàng không còn sót lại một chút gì về điên loạn như hôm trước. Mắt trong và sáng, mặt hiền hòa, nàng trông đẹp hơn bao giờ hết.
Cơn mưa chiều làm khu vườn chiếu ngời ánh nắng và ẩm ướt. Từng tảng mây xanh đục lướt trên thành phố. Bất cần hòa hợp với thời tiết, Isabelle mặc dạ phục và mang giầy vàng chói. Một chiếc vòng ngọc bích trị giá hơn cả vốn liếng của hãng chúng tôi, kể cả bàn ghế, tháp tưởng niệm và lợi tức năm năm tới khoanh tròn ở cổ tay trắng nuột của nàng. Đây là lần đầu tiên, tôi trông thấy chiếc vòng đó của Isabelle. Chắc chắn là phải có một cái gì trọng đại hôm nay - lúc nãy là đồng tiền vàng của vua Guillaume đệ nhị và bây giở là chiềc vòng ngọc bích.
Isabelle chợt hỏi tôi:
- Anh có thấy họ không? Chúng đã uống quá nhiều bây giờ chúng ngồi yên, no đủ và thỏa mãn. Chúng phát ra tiếng vù vù như hằng vạn con ong.
- Cô nói ai?
- Cây cỏ chớ còn ai. Hôm qua, trời nắng cháy, chúng kêu la mãi.
- Cây cỏ mà cũng kêu la được sao?
- Tại sao không? Anh chẳng nghe gì cả hay sao?
- Không.
Chiếc vòng ngọc bích như thao láo nhìn tôi với những con mắt biếc.
Isabelle cười:
- Vậy là anh ít khi nghe thấy gì cả, Rudopf. Tai anh to mà anh lại chẳng biết nghe, anh chỉ làm ồn ào thôi.
- Tôi à?
- Anh làm ồn ào lắm, Rudopf. Nhiều lúc người ta không chịu nổi. Còn tệ hại hơn những đóa hoa khi khát nước.
Tôi cố giữ giọng thật tự nhiên:
- Isabelle, đừng đùa nữa.
Nàng hôn tôi thật mau:
- Đừng đùa à? À này, Rudopf, dường như tên thật của anh không phải vậy. Anh tên gì?
Tôi ngạc nhiên và chưa bao giờ nàng đặt câu hỏi đó. Tuy nhiên tôi vẫn phải nói thật:
- Tôi là Louis.
- Louis. Anh có bao giờ mệt mỏi với cái tên Louis không?
- Có chớ. Và mệt mỏi với chính mình.
Nàng gật đầu như cho đó là một điều rất tự nhiên:
- Vậy thì đổi tên đi. Sao không lấy tên là Rudopf? Hay một tên nào khác. Và nên đi xa. Đi tới một nước khác.
- Đổi để làm gì? Mọi người ở đây đều đã biết tôi là Louis.
Isabelle dường như không nghe tôi nói. Nàng lẩm bẩm:
- Cả tôi nữa, tôi cũng sắp đi xa. Tôi có cảm giác như vậy. Tôi đã quá mệt mỏi và chán chường vị sự mệt mỏi của tôi. Tất cả đều gần như có một chút trống không và đầy ý vĩnh biệt, buồn thảm và chờ đợi.
Tôi nhìn nàng và đột nhiên lo sợ. Chuyện gì đã xảy ra trong đầu nàng.
- Mỗi người chúng ta có phải luôn luôn đang biến đổi hay không?
Mắt Isabelle hướng về phía thành phố:
- Tôi không muốn nói tới vấn đề đó. Rudopf Tôi là còn có một sự biến đổi khác hơn. Một sự biến đổi to lớn. Gần giống như sự chết. Hay là sự chết cũng nên.
- Isabelle!
Nàng lắc đầu nhưng không nhìn tôi:
- Ở đâu cũng có một cái gì phân hóa. Ngay cả trong cây cối và sương mù. Bóng tối cũng dầy đặc sự phân hóa. Và sự một mỏi lướt dài qua xương xẩu của tôi. Tôi không thích đi vơ vẩn nữa Rudopf. Dầu là có anh tôi cũng không thích. Dầu vậy, tôi vẫn cảm thấy mến anh. Anh có hiểu được tôi hay không cũng mặc. Ít ra thì anh cũng có mặt ở đây. Nêu không thì tôi chỉ sống có một mình.
Tôi không hiểu nàng muốn nói gì. Đây là những giây phút khác thường. Tất cả bỗng hoàn toàn im lặng, không một cành lá động đậy, chỉ có những ngón tay của Isabelle ngọ quậy trên viền ghế mây với sự hiện diện của màu ngọc bích. Nắng chiều làm khuôn mặt nàng đầy sinh khi hoàn toàn trái ngược với ý nghĩ chết chóc mà nàng vừa nêu ra. Dầu vậy, tôi vẫn không khỏi ngầm lo sợ. Isabelle sẽ ngã quỵ theo cơn gió? Không, gió mới nổi lên và lướt qua những tàng cây. Nàng đứng lên và cười thật tự nhiên:
- Có rất nhiều cách để chết. Nhưng anh, anh chỉ biết có một cách. Thôi, chúng mình vào trong.
Tôi bỗng nghe mình nói:
- Anh yêu em, Isabelle.
Nàng cười lớn và hôn tôi rồi thì thầm:
- Âm nhạc... và ánh nắng trong sương mù. Tuổi trẻ của mình rồi sẽ ra sao, Rudopf?
Thình lình, tôi thấy cay ở mắt mình mà không biết tại sao:
- Rồi sẽ ra sao? Nhưng bọn mình đã có một tuổi trẻ nào chưa?
- Làm sao biết.
Trong ánh sáng đỏ rực buổi chiều, tôi chợt nhận ra một vết phân chim trên áo, ngang chỗ trái tim. Isabelle cũng nhìn thấy và cưỡi rũ rượi. Tôi dùng khăn tay chùi sạch vết bẩn, cố quay lại câu chuyện đang bỏ lửng:
- Em là tuổi trẻ của anh, Isabelle, bây giờ anh mới nhận ra. Cái tuổi trẻ mà người ta bắt đầu nói tới khi nó vuột khỏi tầm tay...
Tôi dừng lại, hơi sững sờ về điều vừa nói ra, tôi đang tưởng tượng gì đây? Sự thật, tôi đã có một tuổi trẻ hay không? Và tại sao nó lại vuột thoát? Bởi vì cô gái điên này đã nói thế? Hay là cơn sợ mới mẻ và thầm lặng vừa hiện tới? “Anh yêu em, Isabelle” Anh yêu em còn hơn là anh có tưởng về tình yêu đó. Cũng giống như một đợt gió nổi lên, người ta tưởng nó chỉ làm cho mát mẻ, nhưng rồi trái tim bất ngờ bị bẻ gập như cành liễu trong cơn bão. Anh yêu em vì em nghe thấy tiếng kêu của hoa lá khi chúng khát, em biết được buổi chiều tự nó có điều mệt mỏi. Một cánh cửa vừa mở ra những khu vườn xa lạ, anh chưa biết rõ là gì, anh ngạc nhiên, anh xấu hổ vì đã đại ngôn, nhưng những từ ngữ to lớn đó cứ thoát ra ngoài ý muốn, chúng âm vang mà không nêu một nghi vấn nào với anh. Một người nào đó đã nói với giọng nói của anh mà anh không nhận ra.
Isabelle dừng sững lại. Chúng tôi đang bước vào lối đi mà cách nay vài hôm, trong cơn loạn trí, Isabelle đã thoát y. Nhưng hôm nay tất cả đều đổi khác. Con đường nhỏ chói chang ánh nắng chiều, tràn ngập màu tươi trẻ xa lạ vừa ưu tư vừa khoan khoái.
Isabelle nói như gió thoảng:
- Anh có yêu em không?
- Yêu nhiều lắm. Và anh biết sẽ không còn một người nào nữa để anh yêu như vậy, bởi vì anh sẽ không còn là anh nữa và anh sẵn sàng giữ lấy tình yêu đó dù rằng phải đánh đổi bằng sinh mạng.
Mắt nàng chiếu rực nắng hồng:
- Vậy là cuối cùng anh đã hiểu. Anh đã hiểu tất cả... hạnh phúc không tên, tang chế, giấc mơ, khuôn mặt đôi. Mong trời, Rudopf, mình có thể vượt qua, nhưng một niềm tin mình sẽ rơi xuống. Anh có tin thế không?
Tôi đáp nhỏ:
- Anh phải tin.
Ánh nắng cuối ngày vẫn còn gay gắt nhưng đã trộn lẫn màu xám đục càng lúc càng lan rộng trên nền trời. Sự huyền bí vừa đi ngang qua tôi, phớt nhẹ vào người tôi: tôi vẫn mang một tên và tôi sẽ kéo nó theo suốt cả cuộc đời. Tôi không phải là loài phượng hoàng. Tôi không thể phục sinh từ xác thân mục rữa của tôi. Tôi cố bay bổng lên và rơi xuống đất như một con gà mái vụng về bỡ ngỡ.
Isabelle làm tôi giật mình:
- Đừng buồn, anh!
- Isabelle, anh không thể đi trên những cầu vồng, nhưng anh muốn được đi trên đó. Ai có thể đi trên đó?
- Không ai cả.
- Không à? Cả em cũng không đi được?
Nàng lắc đầu:
- Không một ai. Chúng mình chỉ cố thử thôi, cũng không đến nỗi tệ lắm.
Nắng tắt trong vườn cây, tất cả đều nhuộm xám. Tôi đã sống một buổi chiều tương tư hôm nay nhưng tôi không thể nhớ rõ là lúc nào. Tôi ôm Isabelle kéo sát vào. Chúng tôi hôn nhau như những kẻ khốn nạn và tuyệt vọng, như hai kẻ sắp xa rời nhau vĩnh viễn, tôi bỗng thấy như nghẹt thở:
- Anh gần như mất cả. Isabelle. Anh yêu em.
Isabelle thì thầm:
- Đừng nói gì cả, Rudopf.
Chúng tôi bước chậm về phía cổng vườn. Mặt trời đã lặn mất, những cánh đồng như chìm khuất, một vùng sáng đỏ còn đọng lại trên chóp vườn, các con đường lớn dưới phố như rực lửa.
Chúng tôi đứng bên nhau, im lặng, một lúc lâu, Isabelle nói:
- Bảo rằng sự hiện hữu có một điểm phát xuất và một điểm kết tận có lẽ không đúng lắm.
Tôi không hiểu ngay nàng muốn nói gì. Sau lưng chúng tôi, vườn cây bắt đầu trở mình để vào đêm. Phía trước, cảnh vật như đang bị nung nấu trong một lò đúc hợp kim. Một điểm phát xuất và một điểm kết tận? Tôi chợt hiểu ra. Tội gì phải trích ra từ cuộc sống một định mệnh nho nhỏ, chia cắt từng đoạn một rồi đặt lương tâm mình vào đó để dày vò?
- Isabelle, anh tin là đã tìm được tình yêu. Đó là bến bờ cao vọi hướng lên ngàn trùng tinh tú... một toan tính luôn luôn vô hiệu,từ cõi chết đến với cõi bất diệt... một sự gặp gỡ giữa chân trời và sóng biển. Isabelle, lúc nói, anh không suy nghĩ nhiều, ngôn ngữ tự nó cứ tuôn ra, có thể trong đó có một vài lời nói dối, nhưng anh nghĩ rằng em vẫn có thể hiểu anh mà không cần anh phải nói.
- Vâng.
- Em hiểu anh rồi phải không?
Mắt nàng sáng lên:
- Rudopf, em thường lo ngại cho anh.
- Lo ngại? Tại sao?
Nàng lặp lại:
- Lo ngại. Mà không, bây giờ hết rồi. Vĩnh biệt Rudopf!
Tôi siết chặt hai bàn tay Isabelle:
- Em đi sao? Anh có làm gì buồn lòng không?
Nàng cố gỡ tay ra. Tôi nói mau:
- Isabelle, anh xin lỗi. Đó chỉ là tiếng nói, những lời vô nghĩa.
- Rudopf, tại sao anh cứ muốn hủy diệt những gì anh có?
- Anh cũng không biết tại sao.
- Ngọn lửa không khói và cũng chẳng có dấu vết tro than, đừng dập tắt nó, Rudopf. Vĩnh biệt!
Chuyện gì nữa đây? Phải chăng tôi đang ở trên sân khấu? Phải chăng đây là lần vĩnh biệt thật sự? Tôi ôm nàng vào lòng:
- Mình ở bên nhau, phải không em?
Nàng ngả đầu vào vai tôi và khóc.
- Tại sao em khóc? Thế này không phải là hạnh phúc sao?
Nàng diu dàng hôn tôi rồi nhẹ lùi ra:
- Vĩnh biệt, Rudopf!
- Tại sao em cứ nói vĩnh biệt mãi? Mình có xa rời nhau vĩnh viễn đâu? Mai anh sẽ trở lại.
Nàng nhìn tôi:
- Rudopf! Làm thế nào để chết được nếu không nói với nhau lời vĩnh biệt?
- Phải, làm thế nào?
Chúng tôi dừng lại trước trại bịnh. Phòng ngoài không một bóng người. Một mảnh vải màu bị bỏ quên trên một chiếc ghế mây.
Thình lình, Isabelle bảo:
- Đi với em!
Tỏi thoáng do dự nhưng biết là không thể từ chối nên bước tới. Tôi theo nàng lên làu. Không một lần nhìn lại phía sau, nàng đi thẳng vào phòng riêng. Tôi dừng lại ở ngưỡng cửa. Nàng tháo đôi giày vàng chói ra rồi nằm dài trên giường, vẫy tay:
- Lại đây, lại đây, Rudopf!
Tôi bước vào tới ngồi ở mép giường, cố tránh làm cho nàng thất vọng như lần trước, nhưng tim tôi đập mạnh vì chẳng biết phải làm gì hay giải thích ra sao khi một nữ tu hoặc Wernicke bất chợt vào đây.
Isabelle lại bảo:
- Nằm xuống với em.
Tôi lùi ra một chút nhưng nàng đã nhanh hơn, rướn dậy và ngả đại vào lòng tôi. Nàng kêu lên nho nhỏ:
- Đây rồi, Rudopf!
Và sau phút thở dồn dập, nàng ngủ thiếp đi.
Trời đã tối hẳn trong phòng. Khung cửa sổ làm thành một hình chữ nhựt đục mờ. Tôi ngồi yên, lắng nghe hơi thở của Isabelle và những tiếng động của các phòng kế cận. Thình lình nàng mở mắt ra, gần như không thở nữa và đẩy tôi ra. Tôi vội vàng bảo:
- Chính anh đây. Rudopf.
- Ai?
- Rudopf, anh vẫn ở bên em.
- Anh ngủ ở đây à?
Giọng nàng đã đổi khác. Tôi nhắc lại:
- Anh vẫn ở bên em.
- Anh ra mau đi. Ra ngay!
Tôi nghĩ là nàng không nhận ra tôi!
- Chỗ mờ đèn ở đâu, Isabelle?
- Đừng mở đèn. Đi ra đi, ra mau!
Tôi bàng hoàng nhưng đành phải đứng lên, mò mẫm ra cửa. Isabelle động trên giường như kéo mềm để đắp.
- Ra ngay đi! Ra mau. Ralph! Coi chửng bà ta thấy!
Giọng nàng đã trở nên chát chúa, hoàn toàn khác lạ.
Tôi khép cửa lại và lẳng lặng xuống lầu. Người nữ tu gác bệnh ngồi ở tiền đình biết tôi được phép thăm nữ bệnh nhân Terhoven, hỏi:
- Cô ấy có bình tĩnh không?
Tôi trả lời bằng cái gật đầu và đi thẳng ra khu vườn dành cho những người điên nhưng không loạn dạo mát ban đêm. Chuyện vừa xảy ra là gì? Tại sao nàng gọi tôi là Ralph? Nhân vật đó là ai? Chưa bao giờ nàng gọi tôi như thế cả. Và tại sao nàng sợ tôi bị bắt gặp?
Trên đường xuống đồi, tôi không khỏi hoang mang. Tình yêu và những ngôn ngữ kiêu kỳ của tôi tan tác trong gió đêm. Một cơn buồn khó chịu kéo tới, một nỗi sợ mơ hồ khiến tôi bước mau hơn, tôi muốn trở lại thành phố thật mau để được nhìn ánh sáng, để hòa mình trong nhịp độ của cuộc sống chung.
Giữa đêm, tôi giật mình thức giấc vì những tiếng ồn ào khác lạ. Mở cửa sổ ra, tôi nhìn thấy lão Knopf đang được dìu về. Đây là lần đầu tiên lão ta không trở về một mình. Thường lệ, dầu say bí tỉ, lão vẫn mò được về nhà. Lão ta rên như bò rống. Một vài cửa sổ gần đó mở ra.
- Thằng già say khốn kiếp!
Tiếng chửi mắng nghe như quỷ khóc giữa đêm. Tác giả của câu rủa xả vừa rồi là bà Konersmann, một góa phụ. Suốt ngày, bà ta chẳng làm gì khác hơn là kêu réo như chim ác là. Từ lâu, tôi có ý nghĩ là bà ta đã rình mò sự đi lại vụng trộm giữa Lisa và Georges.
Trong bóng tối, một giọng đàn ông ra vẻ người hùng, quát to:
- Câm miệng, con mẹ già hỗn láo!
Tôi nín thở, biết là sắp có giông tố nổi lên. Và đúng vậy, không đầy một giây chờ đợi, từ cửa sổ người đàn bà góa đó, một tràng chửi rủa không tiếc lời tuôn xuống. Dĩ nhiên, nạn nhân hứng chịu chẳng ai khác hơn là lão Knopf và người đàn ông trong bóng tối. Nhưng rồi cuối cùng, mụ quỷ ám cũng phải ngưng lại vì thở không ra hơi. Những câu hỏi sau cùng của bà ta là sẽ thưa lên Đức Giám mục, sẽ báo cho cảnh sát biết và cho cả chủ nhân anh chàng dám bảo bà ta câm miệng. Người đàn ông dường như vẫn được yên lành nhờ bóng tối nên lại cất giọng oang oang:
- Câm miệng, đồ xác chết sình! Ông Knopf bịnh nặng
gần chết còn ong óng miệng để chửi hả? Đồ quỷ cái!
Cuộc phản công lại ác liệt hơn lần trước. Tất cả những ngôn ngữ tệ hại, ác độc nhất của Đức tuôn ra xối xả. Bà ta vừa chửi vừa rọi đèn bám để tìm xem kẻ nào đã dám vô lễ với mình. Nhưng ánh đèn quá yếu khiến bà ta chẳng nhận ra cái gì cả. Tuy nhiên, bà ta vẫn tru tréo:
- Tao biết mầy là ai rồi! Thằng bất lương Henri Bruggemann hả? Mầy sẽ ở tù về tội đám chửi một người đàn bà góa. Quân giết người, bọn hôi thúi! Mẹ mày...
Từ những cửa sổ hai bên đường, tiếng hoan hô đả đảo vang lên.
Lão Knopf đã được dìu tới trước cửa nhà bởi hai bợm rượu. Mặt lão ta tái mét, mồ hôi từ trên trán nhỏ giọt làm ướt ngập cả bộ râu đang trễ xuông hai bên khóe miệng. Đột nhiên, lão ta vùng mạnh khiến hai người kia lảo đảo, rồi loạng choạng đi tới cái tháp đen. Hai tay ôm lấy khối đá, lão ta kêu gào thảm thiết.
Tôi nhìn quanh. Trong số khản giả có nhiều bộ mặt quen thuộc. Georges trong bộ đồ ngủ đỏ ối, bà Kroll với chiếc áo ngủ xanh và cả Henri nữa. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông ta cũng mặc đồ ngủ chớ không đeo huy chương và đội nón chóp. Điều đáng nói là bộ quần áo ngủ của ông ta được may bằng loại vải có sọc đen trắng như màu quốc kỳ nước Phổ.
Georges lên tiếng:
- Chuyện gì vậy? Lại say đến loạn trí rồi à?
Đây không phải là lần thứ nhất lão Knopf say. Người trong bóng tối lúc nãy bây giờ đã đứng đó. Đúng là Henri Bruggemann. Hắn ra điều sành sõi:
- Nguy lắm rồi! Lần này thì cả gan và thận đều hư cả.
Một người khác hỏi:
- Vậy sao không đưa vào nhà thương luôn?
- Ông ta không chịu.
Gia đình lão Knopf xuất hiện, bà Knopf ra trước theo sau là ba cô con gái, cả bốn đều đầu bù tóc rối và hốt hoảng. Lão Knopf lại kêu gào đến rợn người. Georges hỏi:
- Có điện thoại gọi bác sĩ chưa?
- Chưa. Đem được ông ta về là gần chết rồi. Ông ta cứ muốn nhảy xuống sông.
Bà Knopf và ba cô con gái đứng vây quanh cái tháp đen. Henri đi tới. Ông ta lấy tư cách chiến hữu để khuyên lão thượng sĩ hồi hưu buông tay ra vì dường như cái tháp đang lung lay. Sự ngụy hiểm đối với lão sẽ tăng gấp đôi. Nếu cái tháp đổ xuống, đầu lão ta nhứt định chẳng an toàn, đã thế lại còn phải đền tiền vì đã làm vỡ khối đá hoa cương đó.
Nhưng lão Knopf nhứt định không nghe. Bây giờ lão ta hí một tràng dài như ngựa gặp ma. Tôi nghe tiếng Georges gọi bác sĩ bằng điện thoại. Từ bên kia đường, Lisa mạc áo ngủ bang sa tanh trắng băng qua và tới gần tôi:
- Cô Gerda hỏi thăm cậu.
Ngay lúc đó, một cặp tình nhân từ sau các thánh giá bằng đá phóng vội ra và biến mất vào bóng đêm. Wilke mặc áo mưa và Kurt Bach trong bộ đồ ngủ đen lần lượt tới. Lão Knopf lại kêu rống.
Rất may là bệnh viện ở gần nên bác sĩ chỉ mất có vài phút để tới nơi. Không thể nào gỡ tay Knopf ra khỏi khối đá nên người ta dành phải kéo quần lão xuống để có chỗ chích thuốc. Đã quá quen nghề trong chiến tranh, ông bác sĩ đưa cho Georges chiếc đèn bấm rồi lụi vào mông lão già say một mũi thuốc.
Knopf ngất ngưởng ngoái nhìn lại rồi lả người vào cái tháp đen. Sức kháng cự không còn, lão bị khiêng vào nhà như một xác chết.
Georges hỏi Bruggemann:
- Sao quá vậy?
Bruggemann lắc đầu:
- Co biết gì đâu. Ông ta thắng cá khi đánh cuộc với một người ở Munster về hai thứ rượu. Họ bảo tôi làm trọng tài. Và khi anh chàng kia thua, móc bóp trả tiền thì mặt Knopf bỗng trắng nhợt rồi ông ta mửa thọc mửa tháo ra. Mửa xong ông ta kêu hú khiến cả quán hỗn loạn lên. Và ông biết chuyện gì xảy ra không? Thừa cơ hôi đó, thằng cha thua cuộc trốn mất, không trả một đông.
- Thật là kinh khủng!
Bruggeemann nhũn vai:
- Biết làm sao, đời mà!
- Đúng vậy, nhưng nếu ông bạn không muốn đời tàn thì nên tranh con hẻm Arquebusiers này. Bà Konersmann đang kiểm soát lưu thông với một cái đèn bấm và một chai bia tổ bố. Thử hỏi Lisa xem.
Lisa gật đầu:
- Chai rượu còn này. Nếu bị ném trúng đầu thế nào cũng bị cảm lạnh.
Bruggemann nhớn nhác:
- Chết cha! Làm sao về đây? Chỗ này là cùng đường rồi.
- Không sao. Ông bạn có thể băng qua khu vườn này rồi thoát ra đường, Bleibtreu. Mau đi, trời sắp sáng rồi.
Không kịp nói cám ơn Bruggemann chạy biến. Henri Kroll quan sát cái tháp xem có bị sức mẻ gì không rồi trở vào nhà. Wilke hất hàm về phía nhà lão Knopf vào khu vườn mà Bruggemann vừa chạy trốn, trong khi nói với giọng triết lý rẻ tiền:
- Loài người là thế đó.
Rồi hắn trở lên xưởng mộc để tiếp tục ngủ trong cái hòm của gã khổng lồ. Bà Kroll chợt nhớ là quên gắn hàm răng giả vội vàng chạy biến vào nhà. Kurt Bach ngắm nghía bờ vai tròn lẵn Lisa với tất cả sự thèm muốn nhưng cô ả vẫn lạnh lùng. Thất vọng, hắn bỏ đi.
Lisa bỗng hỏi:
- Lão Knopf chắc sụm luôn.
Georges trả lời:
- Chắc vậy. Chưa chết ngay là còn khá.
Ông thầy thuốc từ cửa nhà Knopf ra. Georges hỏi mau:
- Đỡ không?
- Nguy lắm. Gan hư từ lâu. Chín nhừ cả rồi. Một hoặc nhiều lắm là hai ngày nữa là vĩnh biệt!
Bà Knopf đi ra. Ông bác sĩ nghiêm mặt:
- Nhớ kỹ là chỉ một giọt rượu nữa thôi là hết cứu. Bà có lục trong phòng của ông ấy xem...
- Thưa, có coi kỹ rồi, bác sĩ. Tôi và mấy đứa nhỏ lục không chừa một chỗ. Bắt gặp được hai chai. Đây, bác sĩ xem.
Bà ta vừa nói vừa mở nút định trút rượu xuống đất. Tôi chòm tới:
- Khoan, bà Knopf! Điều cốt yếu là không cho ông Knopf uống rượu, phải vậy không, bác sĩ?
- Cố nhiên.
Mùi rượu thơm lừng trong không khí ẩm mát ban đêm. Tôi đề nghị:
- Nếu bà sợ để ở nhà không cấm nổi ông thì để chúng tôi đỡ lấy gánh nặng đó cho.
Bà Knopf thế mà thông minh. Bà trao cho hai chai rượu bọn tôi. Ông bác sĩ nhìn tôi. Trước khi ra về, ông ta không quên kết luận:
- Sự bất hạnh của người này là một điều may cho kẻ khác.
Bà Knopf quay vào, đóng cửa. Bên ngoài chỉ còn Georges, Lisa và tôi. Lisa lại lo ngại cho lão già say:
- Bác sĩ cũng nói lão ta sắp chết, phải không?
Georges gật đầu. Trong đêm tối, bộ đồ ngủ màu đỏ của y trông như đen lợt. Lisa rùng mình nhưng vẫn đứng yên một chỗ.
- Chào!
Tôi vừa nói vừa bỏ đi.
Từ cửa sổ trên gác, tôi nhìn thấy Konersmann qua lại trước nhà bà ta, chờ đợi Bruggemann. Tôi nghĩ tới lão Knopf và liên tưởng tới Isabelle.
Lúc cảm thấy mi mắt bắt đầu nằng nặng, tôi bỗng để ý đến bóng đèn trong sân. Người đàn bà góa dữ như con cọp cái đó đang đi săn con mồi Bruggemann. Trước mắt tôi là cái ống nước cũ gắn dài theo tường dùng để dọa lão Knopf. Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã đùa dai với một người già nua. Nhưng ánh đèn bấm vẫn tiếp tục rọi qua rọi lại trên tường khiến tôi không dằn nổi. Kê miệng vào ống nước cũ tôi dùng giọng ma quái, gầm gừ:
- Kẻ nào dám quấy rối ta?
Bà Konersmann sửng sốt đứng phắt lại. Bà ta nhìn quanh và khi chẳng thấy một ai quanh đó, bà ta rón rén đi ra, ánh đèn bấm lướt dài trên ngõ hẻm và dừng lại trước một cánh cửa. Người đàn bà góa ác độc bỗng hức lên như mắc nghẹn. Rồi tất cả chìm vào đêm đen.