Dịch giả:Vũ Kim Thư
- 3 -

     áng Chúa Nhật, tất cả nhà thờ đều đổ chuông, đồng đô-la vẫn còn ở giá ba mươi sáu ngàn Đức kim, tôi cảm thấy vui và sẵn sàng tha thứ cho toàn thể loài người trên trái đất.
Tôi từ từ thay quần áo. Một làn gió nhẹ đi qua cửa, én liệng ngoài cổng ngõ. Phòng tôi có hai cửa sổ, một nhìn vào sân, một mở ra vườn. Tôi nghiêng mình trên bệ cửa nhìn vào sân để ngắm khu vườn. Thình lình có tiếng ú ớ tiếp theo là tiếng rọc rạch như nước đổ trong máng xối và tiếng rên rỉ sau cùng. Henri Kroll ở chái bên cạnh lại gặp ác mộng. Năm 1918 ông ta đã bị chôn sống, bây giờ năm năm sau, ông ta vẫn còn thấy trong giấc ngủ.
Tôi nấu cà-phê trên một cái đèn cồn và thêm vào đó một chút rượu anh đào theo kiểu uống mới của người Pháp vừa học được. Mặc dầu có lạm phát, tôi vẫn luôn luôn có một ít tiền để dành.
Tôi điểm tâm bằng bánh mì trét bơ trái cây và mứt mơ. Món mứt khá ngon tuy hơi khét, nhưng mặc! Trong thời chiến người ta đã cho chúng tôi ăn những thứ tồi tệ hơn nhiều. Tôi nhìn qua tủ áo hai bộ quân phục may lại thành đồ dân sự, một màu xanh, một màu đen. Ngoài ra còn một bộ com-plê, quá ngắn, nhưng không bị sửa đổi nên khá thích hợp với một Chúa Nhật, nhất là xứng hợp với cà vạt vừa mua hôm qua để làm dáng với Isabelle.
Tôi đi thơ thẩn qua các con đường trong thị xã. Werdenbruck là một thị trấn xưa cũ với sáu chục ngàn dân và những ngôi nhà bằng gỗ cùng một vài khu phố tân thời xấu xí đến hiếm có. Ra khỏi hẻm cây dẻ, tôi đi lên một ngọn đồi nho nhỏ trên đó là viện Tâm Trí xây giữa một vườn cây. Khu vực chữa trị những người điên bình lặng và an nghỉ, tiếng chim ríu rít trong những tàng cây. Tôi đi thẳng tới ngôi tiểu giáo đường, nơi mà tôi có nhiệm vụ đệm phong cầm vào ngày lễ Chúa Nhật. Tôi đã từng học loại đàn ống trong khi chuẩn bị thi sư phạm. Đây là một trong những nghề phụ để kiếm sống của tôi. Ngoài ra, mỗi thứ Năm, tôi còn dạy dương cầm cho mấy đứa con của anh chủ nhiệm giày Kral Brill để có chút ít tiền xài vặt và để lợp đế mới cho mấy đôi giày quá cũ của tôi mà khỏi phải trả tiền công. Mỗi tuần hai lần tôi còn phải dạy kèm cho thằng con trai ông chủ nhà sách Bauer, một tai họa thực sự để đổi lấy vài trăm Mark. Thêm vào món tiền chẳng đáng vào đâu này, Bauer có “nhã ý” cho tôi đọc không một số sách mới xuất bản và trừ hết vài chục phần trăm khi tôi mua sách. Tôi đã lợi dụng phần huê hồng đặc biệt để mua sách cho thi đoàn, và mỗi khi cần tới tôi về chuyện sách vở Edouard Knobloch không ngần ngại gợi lại tình bằng hữu giữa tôi và hắn trước kia.
Chín giờ sáng, buỗi lễ bắt đầu. Ngồi từ chỗ đánh đàn, tôi nhìn những người bệnh sau cũng đi vào, chung quanh họ là những người gác bệnh và dì phước. Họ đi thật êm, không có tiếng guốc khua như ở nhà thờ miền quê tôi dạy học.
Ánh sáng từ bên ngoài rảy qua cửa kính trộn lẫn ánh nến trước bàn thờ, làm thành những tia xanh, vàng trên người vị giáo sĩ mặc tế gấm và những đồng nhi đang lặng lẽ quỳ chờ hát trong những chiếc áo đỏ nẹp trắng.
Tôi bắt đầu nhấn phím. Ngay tức khắc, tại các dãy ghế trên cùng, đầu của những người điên cùng quay về một lúc như bị điều khiển bởi một sợi dây kéo vô hình. Những khuôn mặt xanh mét với những đôi mắt lõm sâu củng hướng về chiếc phong cầm như không một dấu hiệu cảm xúc nào hiện ra. Dưới ánh sáng óng ả vàng, trông họ như những con vật tế thần đợi giờ dâng hiên. Càng lúc, âm nhạc càng làm lạc hướng con bệnh: tiếng sáo, tiếng vĩ cầm và tiếng hạ âm của thất huyền cầm xuyên qua cân não họ như những hòa âm luôn luôn mới lạ và bất ngờ. Rồi lễ thánh cử hành.
Không phải tất cả những người điên đều cùng hành lễ. Một số lớn ngồi ở những dãy ghế sau cùng không động đậy như chìm đằm trong tang chế nếu không phải là họ đang ở trong một thế giới khác của Đấng Cứu Thế. Dường như họ đang nghe một thứ âm nhạc tuyệt vời hơn tiếng phong cầm. Mà cũng có thể chẳng nghĩ tới gì cả... dửng dưng, như biển lớn, như thiên nhiên và cõi chết. Những cái đầu đó có lẽ đang hiểu được điều gì, đang nhìn thấy hay đang nghĩ ngợi tới nhưng không thể tiết lộ thiên cơ. Phải chăng họ là những người cuối cùng trên tháp Babel, không thể truyền thông cảm nghĩ cho nhau giữa những cơn bão tổ?
Tôi nhìn hàng ghế đầu. Bên phải, tôi nhận ra bóng dáng mảnh khảnh của Isabelle đang quỳ gối, người giữ thẳng, đầu hơi nghiêng qua một bên vai như pho tượng Gô-tích. Chúng tôi bắt đầu giờ của phép lạ. Bánh và rượu sắp biến thành máu và thịt của đấng Chirst. Cũng giống như phép lạ biến bụi đất thành con người. Tuy nhiên, theo Riesenfield thì phép lạ thứ ba chính là con người biết chắc chắn là sẽ chết. nhưng trước khi tới đó, họ đã phí thì giờ, mưu mô và sức lực để khai thác đồng loại đến tận xương tủy, loại trừ những kẻ họ không ưa thích, làm như họ sẽ sống đời đời. Đó là lời của Riesenfield, đại điện của hãng “đá hoa cương Odenwald”, một trong nhũng tổ chức hút máu nhiều nhứt của nghề làm mộ bia, dựng tháp cho người chết.
Sau buỗi lễ, các dì phước dọn cho tôi một bữa lót dạ theo giao ước: canh, trứng, thịt, bánh và mật. Nhờ bữa ăn này tôi có thể khỏi ăn trưa vì phiếu khẩu phần ăn của nhà hàng Edouard không có giá trị vào ngày Chúa Nhật. Ngoài ra, tôi còn được lãnh một ngàn Đức kim, vừa đủ để trả tiền di chuyển bằng xe điện. Tôi không bao giờ đòi thêm. Tại sao? Tôi vẫn chưa rõ lắm. Thế mà đối với lão chủ tiệm giày Karl Brill và nhà sách Bauer, tôi hung hăng như quỷ.
Lót dạ xong, tôi đi một vòng trong khu vườn rộng lớn, đầy cây cối hoa thơm và băng đá. Nếu không có
những bờ tường cao bao bọc và cửa sổ không song sắt, người ta có thể cho rằng đây là một trung tâm an dưỡng chớ không phải là một nhà thương điên. Ở đây, thế giới bên ngoài dừng lại. Người ta có thể yên tĩnh ngồi trên ghế nghe gió thổi, chim hót và nhìn ánh nắng xuyên qua kẽ lá.
Một số người bệnh đi qua trước mặt tôi, cãi cọ thật hăng theo sau họ là những thân nhân và nhân viên của Viện. Nhưng phần lớn đều ngồi bất động trong một góc, đầu nghiêng một bên như sợ hãi ánh nắng mặt trời và đang trông đợi dẫn về các phòng giam.
Phải mất một thời gian khá lâu tôi mới quen được cảnh tượng này, và đôi khi lại nhìn người điên với con mắt mới lạ. Cũng giống như cảm giác nửa tò mò, nửa kinh khiếp lúc tôi thấy người chết lần đầu. Thuở đó, tôi mới mười hai tuổi, kẻ chết là Georges Hellmann một tuần trước còn đùa nghịch với tôi, bỗng lăn đùng ra, nằm giữa những bó hoa, những vòng hoa, như một thân hình bằng sáp vàng, vừa xa lạ vừa hiện hữu. Về sau, trên trận địa, tôi gặp nhiều xác chết và chỉ thấy buồn nôn thật tự nhiên khi đi vào một lò sát sanh. Nhưng cái xác chết không đầu tiên đó, tôi không bao giờ quên được. Đó là cái chết đôi khi quan sát tôi qua ánh mắt tắt lịm của người điên.
Isabelle từ trại phụ nữ đi ra, mặc áo lụa vàng tay cầm một mũ rơm rộng vành. Tôi đứng dậy để đi ngược lại đón nàng. Trông khuôn mặt thon thon đó người ta có thể bảo chẳng khác gì hơn là đôi mắt xanh lục sáng ngời và một vành môi đỏ thắm. Nhưng màu mắt có thể đột ngột lợt lạt đi và vành môi mín lại như một cô gái già. Những lúc đó nàng tự cho mình là Jennie, một nhân vật đa nghi khó tánh. Phần lớn thời gian nàng vẫn là Isabelle. Sự thật tên của nàng là Geneviève Terhoven. Theo các nhà y học thì nàng bị mắc chứng nhị hóa nhân cách, nghĩa là lúc cho mình là người này, lúc là người kia. Trong bệnh viện, Isabelle là người trẻ nhất. Mẹ nàng đang ở một nơi nào đó tại Alsace, khá giàu nhưng dường như chẳng mấy quan tâm đến con. Luôn sáu tuần tôi biết Isabelle, bà ta vẫn chưa lần nào tới đây.
Hôm nay, Isabelle vẫn là Isabelle. Nàng sống trong cõi mộng thoát khỏi tất cả mọi trọng lực và tôi chẳng có gì ngạc nhiên khi nhìn thấy một vài con bướm đậu ở vai nàng. Nàng reo vui:
- Anh đây rồi! May lúc sau này anh đi đâu?
Lúc nào Isabelle, nàng vẫn gọi tôi bằng anh. Tôi chưa kịp trả lời, nàng đã hỏi tiếp:
- Anh ở đâu?
Tôi làm một cử chỉ mơ hồ về phía cổng vào:
- Ở ngoài kia...
- Sao vậy? Ở ngoài đó làm gì?
- Anh cũng không biết.
Isabelle cười:
- Rolf anh nên biết là đứng phí công vô ích. Không tìm được gì ở đó đâu.
Hỡi ơi! Ngay với người quen biết nhiều như tôi nàng cũng thấy khác đi. Lúc thì nàng gọi là Rolf, lúc thì gọi là Rudolf, không chừng có ngày nàng còn là Raoul. Cái tên Raoul có vẻ lôi cuốn nhưng tôi thích được gọi là Rudolf hơn. Mỗi lần gọi tôi là Rudolf nàng tỏ ra hiền dịu và lãng mạn. Tên thật của tôi là Louis Bodmer tôi đã nhắc lại nhiều lần, nhưng nàng vẫn không hiểu tôi muốn nói tới ai.
Những tuần đầu tiên, tôi khó chịu và nghĩ rằng tất cả những người điên đều nói nhảm, có những toan tính và đầu óc đần độn. Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên sau khi đã biết khá rõ về Geneviève. Chẳng những thế tôi còn thích thú khi thấy nàng thay đổi luôn nhân cách.
Isabelle kéo tay tôi:
- Lại đằng này, Rolf.
- Tôi không phải là Rolf mà là Rudolf.
- Sao cũng được! Thật ra anh không phải là Rudolf
cũng không phải là Rolf, lại cũng không là cái gì mà anh nghĩ ra. Thôi, lại đằng này, Rolf.
Tôi nhìn nàng với ý nghĩ là nàng giả vờ điên.
- Thôi đi, đừng làm khó dễ mà. Anh với ông bác sĩ luôn luôn làm tình làm tội người ta.
- Bác sĩ?
- Phải chính ông ta tự cho như thế. Anh có biết ông đòi hỏi tôi nhiều thứ lắm không? Toàn là chuyện ngu đần! Ông ta còn không biết nổi ban đêm cỏ màu gì khi người ta không nhìn nó.
Nàng cười dòn khi nghe tôi nói câu:
- Màu xám hay màu đen. Hay bạc ngời khi có ánh trăng.
- Tôi đoán đúng mà. Anh cũng chẳng biết gì cả. Cũng ngu như ông bác sĩ.
Nàng hỏi tiếp:
- Vậy thì nó màu gì?
Nàng dừng lại. Một ngọn gió vụt qua làm những con ong rời khỏi các nhụy hoa và mang tới hương thơm mùa nảy lộc. Tà áo vàng căng phồng lên như một cánh bướm.
- Dễ quá, cỏ không có ở đó, chỉ có vậy thôi.
Chúng tôi tiếp tục đi. Một người đàn bà có tuổi đi ngược qua mặc quần áo của cơ quan cứu tế. Mặt bà ta đỏ bừng và đầy nước mắt.
- Nếu cỏ không có ở đó thì cái gì thay vào chỗ của nó, Isabelle?
- Không có gì cả. Nó có ở đó khi mình nhìn tới. Đôi khi, mình quay lại thật mau mình có thể bắt gặp.
- Bắt gặp gì? Bắt gặp nó không còn ở đó?
- Không... nhưng mà ta thấy nó chạy mau về chỗ cũ. Cỏ cũng giống với những gì ở phía sau anh. Như những người giúp việc nhà bỏ đi chơi. Mình phải quay người lại thật mau để bắt gặp, nếu không kịp thì đâu vào đấy, dường như không hề có biến đi.
- Rudolf, chúng nó chỉ chờ anh quay đi là biến mất
- Nếu vậy thì khi cô quay lưng lại thì tôi cũng biến đi.
- Cố nhiên.
- Cô lại nói quá rồi. Dầu cô có quay người nhanh hay chậm thì tôi vẫn cứ còn ở đây. Và nếu tôi quay lưng lại thì cô biến mất?
Nàng nhìn tôi và cười lơ đãng:
- Tôi hả? Tôi đâu còn...
- Này, tôi vẫn biết cô còn ở đây mà, cô vẫn có đối với tôi.
Nét mặt Isabelle biến đổi:
- Thật vậy không? Tại sao anh không nói như thế với tôi?
- Thì tôi đã nói rồi đó.
- Nói một lần chưa đủ.
Nàng ngả người sang tôi ngực căng đầy dưới làn áo mỏng. Nàng thở dài:
- Không đủ. Tôi phải nói rõ cho anh hiểu.
Tôi nhìn Isabelle. Nàng đẹp hơn, mỹ miều hơn lúc khác, nhưng chỉ có điên mời dám yêu một người điên. Tôi, ít ra, cũng chưa điên.
Trước mắt chúng tôi là những bụi uất kim hương nằm trong nắng. Tôi bảo Isabelle:
- Cô nên đội nón vào. Bác sĩ dặn không được phơi đầu dưới nắng.
Nàng ném cái nón ra xa:
- Bác sĩ! Ông ta luôn kiếm chuyện. Tôi biết là ông ta muốn cưới tôi.
Nàng vừa nói vừa nhún nhảy đi vào luống uất kim hương rồi buông mình ngồi lên cỏ:
- Anh có nghe không?
Tôi bỗng thấy nhẹ người:
- Nghe chớ. Mọi người đều nghe. Đó là tiếng chuông nhà thờ đổ theo cung fa thăng trưởng.
- Fa thăng trưởng là gì?
- Một thể thức của âm nhạc. Nghe êm dịu...
Isabelle trải tả váy lên cỏ, ngắt một đóa uất kim hương, ngắm nghía.
- Và bây giờ thì hết ngọt ngào rồi.
- Vì bây giờ là cung đô trưởng.
- Bộ cái gì cũng phải trưởng hết sao?
- Có thể dùng cung thứ.
- Tại sao không dùng cả hai một lúc?
- Không thể được. Âm nhạc có nguyên tắc riêng của nó. Hoặc cung này hay cung kia hoặc cung này trước, cung kia sau.
Isabelle nhìn tôi không tin tưởng:
- Rolf, tại sao anh phải quanh co như vậy?
- Tôi có làm gì được đâu. Không phải tôi là người sáng chế âm nhạc.
Đột nhiên nàng đứng lên, ném cái bông tới trước rồi nhảy ra xa. Phủi bụi xong, nàng vén tà váy lên xem xét đôi chân. Tôi ngạc nhiên:
- Chuyện gì vậy?
Isabelle chỉ vào bụi hoa:
- Rắn...
Tôi nhìn những đóa uất kim hương:
- Không phải rắn đâu, Isabelle.
- Phải mà... Anh không thấy chúng nó định làm gì sao? Tôi đã đoán được chúng nó muốn làm gì. Chúng nó cọ vào tôi.
Tôi nắm tay và xoay người nàng sang phía khác:
- Đó, cô quay lưng rồi. Chúng nó không còn ở đó.
Isabelle thở gấp:
- Đừng để chúng nó giở trò. Giẫm nát chúng nó đi Rudolf.
- Không sao đâu. Chúng đã biến mất khi cô quay lưng lại. Cũng như loài cỏ trong đêm.
Nàng dựa vào tôi. Tôi không phải là Rolf nữa. Má nàng chạm vào vai tôi. Tôi đã là Rudolf, tôi biết vậy. Tim nàng đập mạnh trong lòng bàn tay tôi.
- Anh có chắc không?
- Chắc chắn. Chúng biến mất... như những người làm hôm Chúa Nhật.
Isabelle bình tĩnh lại. Chúng tôi đi trở về đường cũ. Một dì phước mang giày thật to tới gần chúng tôi:
- Tới giờ ăn rồi.
- Ăn. Tại sao lúc nào cũng ăn, Rudolf?
- Ăn để khỏi chết.
Nàng hờn dỗi với giọng điệu của những đứa bé bất trị:
- Anh lại nói láo rồi.
- Không, lần này tôi nói thật.
- Có thật không?
Người nữ tu nắm tay Isabelle:
- Nón cô đâu? Khoan, để tôi đi lấy lại.
Bà ta chạy vào lối giữa hai luống hoa. Isabelle nắm chặt tay tôi:
- Đừng bỏ tôi, Rudolf.
- Tôi không bỏ cô đâu.
- Anh thấy không, người ta tới tìm, tôi phải đi với họ. Nhưng anh đừng rời xa tôi.
- Tôi vẫn ở bên cô, Isabelle.
Người nữ tu đã tìm thấy cái nón và đi trở lại, nghiêm trang và lạnh lùng như định mệnh. Isabelle đứng lại, nhìn tôi. Lần nào trước khi chia tay nàng cũng nhìn tôi như thế. Nhưng biết đâu mai này khi gặp lại, nàng chẳng còn nhìn ra tôi nữa...
- Cô nên đội nón vào.
Isabelle lấy nón cầm tay rồi lủi thủi về trại, không một lần nhìn lại.
Còn lại một mình tôi bỗng nhớ tới ngày gặp nhau lần đầu tiên một Chúa Nhật tháng Ba, tôi đang đi dạo trong vườn thì Geneviève từ đâu chợt hiện ra và bắt chuyện như những người quen tôi. Điều đó chẳng có gì khiếm nhã: trong một bệnh viện người điên, những công thức xã giao chỉ là thừa. Muốn nói gì, họ cứ đi thẳng vào câu chuyện, họ nói toạc những gì đang chất chứa trong đầu, người nghe có hiểu hay không cũng mặc. Người này muốn nói gì thì nói, người kia muốn nói gì cũng cứ nói cùng một lúc nhưng rồi cả hai đều hoàn toàn thỏa mãn vì chẳng ai đã nghe ai. Chẳng hạn như trường hợp của hai người tự xưng là Đức Giáo hoàng VII và Hoàng đế Henri VI. Cung cách và ngôn ngữ của họ đúng y như những gì họ đã biết tới về hai nhân vật. Hễ ra tới vườn cây là hai người lại đấu lý với nhau, mạnh ai nấy nói và nói không ngừng. Lại một người điên khác tự cho mình là người thủy tinh, luôn luôn sợ va chạm. Nhờ biết thế nên hôm ấy, khi Geneviève đột nhiên tới bắt chuyện, tôi chẳng ngạc nhiên mà chỉ thấy nàng quá đep vì hôm ấy nàng tự cho là Isabelle chớ không phải Jennie.
Nàng mặc áo khoác lông cừu trị giá bằng mười hoặc hai mươi tháp bia bằng đá hoa cương của chúng tôi. Một cái áo như thế dĩ nhiên tôi không thích hợp được với mười một giờ trưa. Genevlève nói huyên thuyên vấn đề nào cũng vượt ra ngoài định luật đến nỗi tôi theo không kịp. Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng qua những lời nói đó, nàng đã chứng tỏ được một sự khôn ngoan khác thường khiến tôi xúc động.
Ngày đầu tiên, nàng hôn tôi. Tôi không lấy gì làm lạ vì nàng đã thực hiện cử chỉ ấy một cách đột ngột. Nhưng rồi tôi hiểu ra: con người trước mặt nàng lúc đó chính là nhân vật do đầu óc bệnh hoạn tạo ra.
Kể từ lần gặp gỡ đó, cứ mỗi Chúa Nhật nàng đều ra vườn, và nếu trời mưa thì ở trong giáo dường, nơi mà bà Viện trưởng cho phép tôi dượt đàn sau buổi lễ. Những lúc đó Isabelle ngồi trong chỗ tranh tối tranh sáng lắng nghe. Tiếng mưa va chạm vào cửa kính và tiếng phong cầm hòa điệu làm thành một thanh khí lạ kỳ. Và sự hiện diện đơn độc của chúng tôi giữa lòng giáo đường hiu quạnh có một chút gì êm ảm. Tại sao nàng đến với tôi? Từ ngày gặp Genevieve, một cái gì dó không thể định nghĩa quấy rộn tôi, có lúc tôi cảm thấy hân hoan, có lúc nghe khổ sở hoàn toàn không một lý do.
Một nữ tu sĩ nhỏ bé nói với tôi:
- Bà Viện trưởng muốn gặp ông.
Tôi đứng lên đi theo, không mấy hãnh diện với ý nghĩ là đã bị theo dõi nhiều lần và có thể bị cho nghỉ việc. Tuy nhiên, tôi cũng thấy yên lòng đôi chút khi nhớ ra là bác sĩ đã có lần nhìn nhận sự hiện diện của tôi đã giúp Isabelle được phần nào.
Bà Viện trưởng ốm yếu nhưng cương nghị tiếp tôi tại văn phòng một cách niềm nở. Bà coi tôi là người ngoan đạo, yêu thương Chúa và sùng bái nhà thờ. Bà nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Sắp tới tháng Năm rồi.
- Vâng.
Tôi vừa trả lời vừa nhìn những tám màn tinh khiết và sàn gỗ bóng như gương.
- Chúng tôi đang nghĩ tới một buổi lễ vinh danh ngắn vào buổi tối. Các giáo đường trong thị xã, trong tháng Marie đều có lễ tối vào khoảng tám giờ.
Tôi gật đầu. Những buổi lễ tối trong tháng Marie! Khói hương nghi ngút giữa giáo đường, bình thánh thể ngời chiếu trong tay linh mục, và sau đó những người trẻ thường đi lang thang dưới những tàng cây. Những năm chưa là lính, tôi đã từng giống họ, cũng quen biết một vài cô gái, toàn là những chuyện vô tư nhưng rộn rã và bí mật trong lòng. Bây giờ, tôi không mấy thích cứ mỗi đêm phải tới để đàn trước những người điên.
Bà Viện trưởng nói tiếp:
- Chúng tôi muốn tổ chức ít lắm mỗi tuần có một lễ tối có đờn ống và đồng ca bản Te Deum. Những bữa khác cũng có lễ đêm nhưng chỉ dành riêng cho nữ tu, không cần nhạc và đồng ca.
Tôi suy nghĩ. Đêm Chúa Nhật, thành phố buồn thiu và nhiều lắm là lễ chỉ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ.
Người nữ tu già khả kính nói tới điều tôi đang nghĩ:
- Chúng tôi không thể đền công nhiều cho con. Chỉ có thể trả bằng lễ sáng. Có hơi ít, phải không?
- Vâng, nhứt là trong thời buổi lạm phát.
- Tôi biết... nhưng chúng ta làm việc cho Chúa chớ không phải vì tiền, có đúng không?
- Nhưng làm việc cho cả hai cũng không có gì nguy hại.
- Rất tiếc là chúng tôi bó buộc phải chi tiêu đúng theo ngân sách đã quy định từ đầu năm.
Tôi tìm một lối thoát:
- Nhưng đêm nay con lỡ hẹn về công việc làm ăn.
- Chưa mà. Chúng ta đang ở trong tháng Tư. Tôi muốn nói về Chúa Nhật tuần tới. Hay nếu thấy bất tiện thì cứ chọn một ngày nào khác trong tuần cũng được.
- Thật ra thì chẳng có gì bất tiện, chỉ có điều hơi khó xử là bữa ăn tối. Tám giờ, mẹ thấy không? Trễ quá...
- Ồ! Chẳng sao cả. Con có thể ăn ở đây. Vị giáo sĩ tử tế của chúng tôi luôn luôn dùng bữa ở đây.
Vậy là đúng như tôi mong ước. Thực phẩm ở đây cũng tương đương với nhà hàng Walhalla. Và nếu ăn chung với vị giáo sĩ kia, chắc chắn thế nào cũng có một chai rượu chát.
- Được rồi, thưa mẹ, con sẽ cố thu xếp về phần tiền bạc, không cần bàn tới nữa.
Bà Viện trưởng thở phào ra:
- Con yêu quý, Chúa giúp con!
Tôi rời Viện. Các lối đi trong vườn trống vắng. Chuông đổ nửa trưa nhưng đối với Isabelle thì đây là giờ ngủ rồi tới giờ bác sĩ, không thể gặp lại nàng trước 4 giờ. Tôi xuống đồi. Dưới chân tôi, thành phố trải dài với những bức tường xanh lục và những ống khói. Hai bên lối đi dài xuống triền đồi là những cánh đồng dành cho người điên không nguy hiểm làm việc. Đây là một viện Tâm Trí bán công. Những con bệnh có trả tiền dĩ nhiên là khỏi phải làm tạp dịch. Qua khỏi các cánh đồng là những quãng rừng thưa có suối và ao vũng mà cách nay khoảng mười năm tôi đã từng đi mót hạt cà-phê, bắt ếch nhái và bươm bướm. Bây giờ cũng cảnh vật đó nhưng tôi đã thấy khác đi vì từ thời thơ ấu đến tuổi thanh niên không có được một đường ráp mối. Trong chiến tranh đã làm ra như thế. Kể từ năm 1914 trở đi, bọn trẻ chúng tôi chỉ sống với những mảnh vụn ký ức không thể nào nối ráp được nhau. Chính vì vậy mà tôi cảm thông dễ dàng với tâm bệnh của Isabelle. Cuộc sống của những người trẻ có nhiều giai đoạn trộn lẫn vào nhau chiến tranh tước đoạt tuổi ẩu thơ, rồi trưởng thành trong hầm trú ẩn và kế đó là những năm đói khổ. Tất cả những thứ đó bắt buộc chúng tôi phải ưu tư và nghi ngại như những cây trụ cụt đầu, tìm kiếm mãi tuổi xanh đã mất, để chỉ thấy những chua cay đến mãi với mình quá sớm.