Dịch giả:Vũ Kim Thư
- 5 -

     ột thiếu phụ mặc đồ tang đi qua cổng và dừng lại trong sân như lạc lối. Chắc là một khách hàng. Tôi bước ra:
- Bà muốn xem hàng mẫu?
Bà ta gật đầu rồi bỗng nói mau:
- Không, không, không gấp lắm... chút nữa...
- Bà cứ tự nhiên xem. Nếu bà muốn, xin bà cứ xem một mình.
- Không, không. Nghĩa là... Tôi muốn...
Tôi bình thản đợi bà ta nói tiếp. Nghề chúng tôi là không được hối khách hàng. Một lúc lâu, bà ta nói thêm:
- Cho chồng tôi...
Tôi gật đầu và đi về phía các mộ bia nhập cảng từ Bỉ:
- Bà xem, đây là những tấm bia khá xinh.
- Vàng, xinh lắm, nhưng...
Bà ta ngừng nói, nhìn tôi như van lơn và nói tiếp:
- Chỉ có điều là không biết tôi có được quyền...
- Thưa, quyền gì? Quyền đặt bia trước mộ? Có ai dám từ chối đâu?
- Nhưng không phải ở nghĩa địa.
- Bà nói sao?
- Linh mục không cho phép chôn chồng tôi ở đó.
Bà ta hạ thấp giọng và nhìn tránh đi nơi khác. Tôi không hiểu:
- Thưa bà, có thể cho biết tại sao?
- Chồng tôi... tự vận.
Nói xong bà ta nhìn tôi với vẻ đầy sợ sệt như vừa tiết lộ một bí mật tày trời.
- Bà muốn nói là người ta từ chối làm lễ đạo?
- Vâng. Người ta không cho chôn trong đất thánh.
- Vô lý! Có ai tự vận mà không có lý do. Bà có hỏi ý kiến linh mục chưa?
- Hỏi rồi. Chính linh mục cho biết là không được.
- Ông ta định cho chôn ở đâu?
- Ngoài nghĩa địa. Bên kia tường. Hoặc trong nghĩa trang thị xã. Nhưng ở đó hỗn tạp lắm.
Tôi trấn an:
- Nghĩa trang thành phố còn đẹp hơn nhiều. Ở đó cũng có mả của người trong đạo
- Sợ không thích hợp. Chồng tôi rất mộ đạo. Cần phải...
Nước mắt người thiếu phụ bỗng ràn rụa:
- Ảnh không nghĩ tới chuyện khó dễ này.
- Chắc ông nhà không nghĩ tới chi tiết này đâu. Nhưng bà đừng bận tâm nhiều. Tôi biết có tới hàng vạn tín đồ không được an nghỉ trong đất thánh.
Bà ta sáng mắt lên:
- Ở đâu?
- Ở chiến trường. Trên đất Nga, đất Pháp. Họ cùng an nghỉ trong những hố tập thể. Công giáo, Do Thái, Tin Lành và tôi nghĩ là Chúa cũng không thấy có trở ngại gì.
- Nhưng đây là chuyện khác. Họ chết vì chiến tranh, còn chồng tôi thì...
Người quả phụ lại khóc. Với chúng tôi, nỗi buồn là một phần trong nghề nghiệp. Nhưng thiếu phụ này không khóc như bao nhiêu người khác. Trông bà ta như một cọng rơm mà gió sắp mang đi. Tôi cố gắng nói để quên buồn cho cả hai:
- Biết đâu tới phút chót, ông nhà hối hận. Như thế là không có tội.
Người đàn bà nín khóc:
- Có đúng vậy không?
- Dĩ nhiên! Nhưng có lẽ linh mục không biết. Chỉ có mình ông ấy biết mà không nói được.
- Linh mục nói, mọi cái chết tội lỗi...
-Thưa bà. Chúa còn từ ái gấp bội lần linh mục, bà có thể tin tôi.
Tới lúc này, tôi mới khám phá ra, bà ta không lo nhiều về nơi chôn cất mà chỉ sợ chồng sẽ xuống địa ngục và bị đốt cháy trong ngọn lửa đời đời. Cũng có thể bà ta đã nghĩ nếu được chôn trong đất thánh thì không chừng vài ba ngàn năm chồng bà sẽ được xá tội.
- Ảnh chết là tại khoản tiền hồi môn của đứa con gái đời chồng trước của tôi. Ảnh bỏ vào quỹ tiết kiệm với định kỳ năm năm, không thể lấy ra trước. Ảnh là giám hộ của nó. Cách nay mười lăm ngày, vừa hết hạn chúng tôi rút ra liền tiền và so với thời giá chẳng ra gì nữa. Chồng sắp cưới của nó hủy bỏ hôn ước. Con gái tôi chỉ còn có khóc. Chồng tôi cho là lỗi của mình. Vậy là ảnh chết.
- Thưa bà, ông nhà không có trách nhiệm gì về vụ đó. Vả lại chuyện cũng không phải chỉ mới xảy ra cho gia đình bà.
- Tôi biết, nhưng còn mấy người láng giềng...
- Đừng nên để ý tới họ. Toàn là thêu dệt và ác độc. Tất cả chỉ cần biết có Thượng đế.
Tôi biết là mình không đủ giọng quả quyết, nhưng biết làm sao hơn?
Người quả phụ lau nước mắt:
- Xin lỗi ông, tôi đã làm phiền... Thật ra, tôi chẳng biết nói với ai.
- Không sao. Người nào tới đây cũng mang theo chuyện buồn mất thân nhân.
- Nhưng có lẽ không giống trường hợp tôi.
- Có chớ. Trong thời đại đau buồn này, thiếu gì những trường hợp tương tự. Chỉ tội cho những người tuyệt vọng. Toàn là trong sạch cả. Riêng những người khác thì luôn luôn có lối thoát.
- Ông có chắc chắn là mình được quyền dựng mộ bia ở một nơi chẳng phải là đất thánh không?
- Nếu chôn ở ngoài nghĩa trang thị xã thì tôi chắc chắn là được. Bây giờ bà cứ tự do chọn.
Bà ta nhìn quanh một lúc rồi chỉ vào một tấm bia ở hàng thứ ba:
- Cái này bao nhiêu?
Lại vẫn như thế. Những người nghèo bao giờ cũng hết lòng với người chết nên chẳng có bao giờ chọn ngay những mộ bia rẻ tiền. Tôi đành phải cho biết giá một trăm ngàn Đức kim. Bà ta trố mắt:
- Dữ vậy sao? Chúng tôi không có...
Tôi chỉ ngay một tấm khác:
- Theo tôi thi bà nên lấy cái nho nhỏ ở kia. Xinh lắm mà chỉ có ba mươi ngàn thôi. Hay là lấy cái tấm đá sỏi...
Người đàn bà gật đầu nhưng còn do dự.
- Chúng tôi sẽ khắc tên mạ vàng. Vậy là xứng đáng ngay.
- Nhưng khắc tên có tốn tiền không?
- Không, chúng tôi đã tính luôn trong giá.
Thật ra thì không phải vậy song tôi không dám nói thẳng ra. Nếu bà ta lại đòi khắc nguyên một câu trong kinh thánh là chắc nguy lớn cho tôi. Cuối cùng, bà ta đồng ý khắc họ tên và thời gian: 1857-1923. Thế là xong!
Bà ta móc ra một lô giấy bạc xưa đã nhầu nát, được vuốt thẳng bằng tay. Thế là có tiền trả trước! Thật bất ngờ! Đếm bạc xong người đàn bà chẳng còn lại bao nhiêu:
- Ba chục ngàn! Ông cần đếm lại?
- Thôi khỏi.
Chẳng phải là tôi hào phóng nhưng tôi đoán chằc là những bó bạc đã được đếm đi đếm lại ở nhà rất nhiều lần rồi.
- Chúng tôi sẽ bao quanh một lớp xi-măng để mộ của ông cách biệt với các mồ mả khác.
Thấy bà ta e ngại, tôi nói ngay:
- Chỉ làm giúp bà thôi!
Người đàn bà cười gượng gạo:
- Lẩn đầu tiên mới có một người tử tế với tôi kể từ khi chồng tôi chết, ông biết không... ngay cả con gái tôi cũng cho đó là nhục nhã.
Bà ta đi rồi tôi trở vào rót đầy một ly rượu mạnh. Tôi chợt nhớ tới Georges đang còn ở ngân hàng với Riesenfield. Tôi nghĩ miên man thế nào lại rót thêm ly nữa.
Tôi chán nản:
- Chỉ sáu tuần thôi sao?
Georges cười lớn:
- Một hối phiếu được trả trong sáu tuần không phải là chuyện dễ. Làm sao biết được từ đây tới đó, hối suất sẽ tăng bao nhiêu. Riesenfield hứa sẽ trở lại tháng tới. Chừng đó, mình sẽ thừa cơ hội yêu cầu gia hạn.
- Có chắc không?
Georges nhún vai:
- Sao không? Lisa sẽ giúp mình.
- Rất may là hắn không nhìn gần ban ngày.
- May đủ thứ...
Vừa nói tới đó, Georges bỗng ngưng lại, nhìn tôi:
- Chú nói gì, Lisa đâu có tệ lắm.
- Ban ngày, mắt ả có quầng. Vả lại, ả cũng không có tâm hồn mơ mộng.
Goerges trề môi:
- Mơ mộng! Mơ mộng là cái quái gì? Có nhiều cách để trở thành mơ mộng. Một người đàn bà bằng xương bằng thịt bao giờ cũng hơn.
Tôi nhìn Georges đăm đăm. Hay là anh ta cũng trồng cây si trước cửa Lisa? Về đời tư, Georges luôn luôn kín đáo. Tôi nói tiếp:
- Với Riesenfield thì sợ là không thích hợp. Hắn sẽ không chịu bắt bồ với một cô vợ tên đồ tể.
Georges nổi sùng:
- Có gì khác đâu? Thời đại chúng mình, ở phòng khách cũng như ở lò sát sinh, mọi người đều hành động như nhau.
Phải nhìn nhận Georges sành thế giới trưởng giả hơn bọn tôi. Hắn cũng mua dài hạn tờ Berliner Tageblatt. Lúc nào cũng biết đủ tin tức. Không một cô đào nào ly dị mà y không biết, tất cả những gì xảy ra trong giới thượng lưu về các chuyện lăng nhăng y đều nhớ thuộc lòng, nhớ từng li từng tí như máy ghi âm. Y nói vanh vách lên các nữ minh tinh, các cô đào chánh. Ngoài ra, y còn thuộc tên các nữ hoàng trên thế giới dầu rằng từ nhỏ tới lớn chưa hề đặt chân tới Bá Linh và sự hiểu biết nước ngoài của y chỉ đóng khung trên đất Pháp trong thời chiến. Sau khi người cha qua đời, y buộc lòng phải gánh lấy trách nhiệm của hãng. Henri tuy lớn tuổi hơn nhưng vì đầu óc thiển cận nên không được giao phó. Những hình ảnh sang trọng và xinh đẹp trong tạp chí cũng làm cho Georges quên đi được phần nào những thực tế phũ phàng của một nghề nghiệp mà y chán ghét.
Bỗng nhiên, y đề nghị:
- Mình nên gởi tặng Lisa một bó hoa, nhân danh Riesenfield.
Tôi cảm thấy không hứng thú:
- Thì anh cứ làm lấy. À này, Riesenfield có ghi trong toa đặt hàng một cái tháp tưởng niệm bằng đá hoa cương mài nhẵn tất cả các mặt không?
- Hai cái! Cái thứ hai dành cho Lisa. Tôi hứa với hắn là sẽ đặt nó thế nào để cho Lisa có thể từ cửa sổ kia nhìn thấy.
- Mình có thể đặt ở đây, ngay trong văn phòng. Sáng dậy cô nàng sẽ nhìn sang. Nếu cần, tôi sẽ khắc mấy chữ vàng Memento mori. Bữa nay, đằng Edouard có móm gì đặc biệt không?
- Bifteck Đức.
- Hay gọi cách khác là thịt bằm. Tại sao thịt bằm lại được coi là món đặc biệt của Đức?
- Vì chúng ta một dân lộc hiếu chiến, và ngay cả trong thời bình, chúng ta còn choảng nhau bằng kiếm trong đại học. Chú mày hôi rượu quá. Có phải tại Erna không?
- Không đâu. Chính vì tôi quá hiểu là con người sinh ra để chết.
- Tùy chú. Nhưng chú có biết tôi thích được làm gì không?
- Biết chớ! Thích làm thủy thủ trên tàu câu cá voi, làm nhà buôn cái dừa ở Tahiti, làm nhà thám hiểm vùng Bắc cực và làm vua Ai Cập với một hậu cung, chứa đầy ba trăm mỹ nữ nhiều quốc tịch khác nhau và luôn luôn nóng hổi đến phải mang giáp thạch-ma khi ôm lấy.
- Đúng lắm, bé con! Nhưng nên nhớ là tương lai bao giờ cũng thuộc về những đứa ngu. Cho nên tôi thích làm thằng ngu. Ngu một cách thầm lặng và nên thơ.
- Cái dở của bọn mình là không hoàn toàn dại cũng không đủ tinh ranh. Lúc nào cũng ở giữa như con khỉ trong lùm cây. Tối đi nghe hòa tấu không? Họ chơi Mozart.
Georges lắc đầu:
- Đêm nay cần ngủ sớm. Đó cũng là Mozart.
Buổi chiều, tôi lục soát các nhựt báo để cắt những phó cáo. Công việc này đưa tôi tới gần nhân loại hơn, nhứt là sau những đêm uống say sưa với các nhân viên của hãng và những nhà thầu cung cấp. Nếu cứ tin vào những phân ưu, ai cũng tin rằng con người chí ư toàn hảo: những người cha gương mẫu, những ông chồng đức hạnh, những đứa con hiếu thảo, những bà mẹ suốt dời hy sinh, những nội ngoại tổ chí kính, những nhà doanh thương hiền như thánh, những tướng lãnh đầy lòng bác ái, những ông Tòa đầy dạ từ bi, những nhà sản xuất súng đạn vô tư; tóm lại, trên mặt đất này chỉ chẳng có ai khác hơn là các thiên thần mà đôi cánh chỉ mọc ra sau khi chết. Và tất cả những lời chia buồn đều đáng kể: vô cũng thương tiếc... đau đớn được tin. Thật là hãnh diện được làm một phần tử trong cái chủng tộc hoàn toàn cao quý ấy!
Tôi cắt cái cáo phó của chủ lò bánh mì Nierbuhr “người chồng gương mẫu và người cha tận tụy”! Chính tôi đã từng chứng kiến bà Nierbuhr, tóc tai sút sổ, chạy trối chết ra khỏi nhà, phía sau là ông chồng gương mẫu đuổi theo với chiếc dây nịt da trên tay. Và tôi đã từng thấy người cha tận tụy đó, trong một cơn giận dữ đã ném bay thằng con ra ngoài cửa sổ. Tuy nhiên, bà Nierbuhr đã quên dĩ vãng, cái chết xóa nhòa tất cả. Và lão chủ lò bánh mì biến thành một nhân vật lý tưởng. Con người quả đã có biệt tài nói dối và tự gây ảo giác!
Chúng ta đã từng thấy nhà ảo thuật từng bỏ con chuột vào trong nón và bắt ra một con thỏ trắng. Góa phụ Nierbuhr còn vượt xa hơn. Bà ta chỉ cần làm vài cử chỉ là ông chồng vô lại bỗng được phủ kín hào quang. Từ ngày chồng chết, mắt bà ta không hề ráo, mọi tội lỗi của chồng đều được coi là đáng tha thứ, nhứt là khi người ta phải hứng chịu mãi sức nóng của lò nướng bánh.
Tôi xếp cái cáo phó của lão chủ lò bánh cùng bảy cái khác mới cắt ra. Những hôm thứ Hai và thứ Ba, cáo phó và phân ưu có hơi nhiều hơn thường lệ. Có lẽ là do hậu quả đêm thứ Bảy: tiệc tùng, rượu chè, ẩu đả, dâm dật... để rồi trái tim, khối óc và mạch máu nổ tung ra. Tôi bỏ tất cả những cáo phó vào hộc tủ của Henri để ông ta lo.
Công việc một ngày của tôi kể như kết thúc. Georges đã rút vào phòng của y để đọc những số báo mới ra Berliner TageblattMonde Elégant. Bức họa đài tưởng niệm bằng phấn màu, tôi dời lại hôm sau. Đậy nắp máy chữ xong, tôi tới bên cửa sổ. Từ căn nhà đối diện vọng ra tiếng khèn khẹt của một máy đĩa hát. Lisa hiện ra, y phục chỉnh tề, vẫy vẫy một bó hoa hồng to tổ bố rồi gởi sang tôi một cái hôn bằng tay trái. Tôi nghĩ ngay, chính Georges! Mà y làm như không để ý. Tôi chỉ vào phòng y. Lisa nghiêng mình ra, hét the the qua đường:
- Cám ơn đã tặng hoa! Mấy chú chim cú mồ mả coi vậy mà cũng điệu!
Ả cười nhe cả hàm răng chó sói ra rồi trở vào lấy một lá thơ đọc oang oang “một kẻ ngưỡng mộ nhan sắc xin được đặt những đóa hồng này dưới chân người đẹp”. Địa chỉ: Circé, hẻm Arquebusier số 5
- Circé là ai vậy?
- Là một người đàn bà biến đàn ông ra lợn.
Lisa chợt ưỡn ẹo với vẻ hài lòng trâng tráo. Tôi chợt hiểu, người tặng hoa không phải là Goerges. Y không bao giờ điên cỡ đó. Tôi hỏi to:
- Thơ của ai?
- Alexandre Riesenfield.
Ả cười khèn khẹt, hỏi:
- Phải thằng cha cà mèng bé nhỏ ngồi cùng bàn ở Moulin Rouge không?
- Hắn không bé nhỏ mà cũng chả cà mèng chút nào. Cứng cựa lắm. Hắn làm việc hết mình đến nỗi đít chai cứng. Coi chừng đó, không phải tay vừa đâu. Có điều hắn là tỉ phủ.
Lisa bỗng đâm ra mơ màng... Ả đưa tay ra dấu rồi biến vào trong. Tôi đóng cửa sổ lại. Và, tự nhiên, tôi chợt nhớ tới Erna. Để xua đuổi những ý nghĩ cay đắng đó, tôi vừa hút gió vừa đi xuống phòng anh chàng điêu khắc.
Kurt Bach ngồi ở cửa với chiếc tây ban cầm. Phía sau hắn là một con sư tử bằng sa thạch.
- Kurt nếu có ai cho bạn một điều ước ngay lúc này, bạn sẽ ước gì?
- Một ngàn Mỹ kim.
Hắn vửa trả lời vừa búng một hòa âm.
- Tư tưởng gia, hả?
- Chớ sao. Vì vậy mới ước có một ngàn Mỹ kim.
- Dùng tiền đó để làm gì?
- Mua một lô nhà cho mướn lấy tiền phố.
- Tồi lắm! Không sống nổi với tiền cho mướn phố đâu, giá thuê rất thấp mà bạn cũng không được quyền tăng. Chỉ đủ để sửa chữa và chẳng mấy lúc là phải bán lại.
- Không đâu, tôi sẽ giữ cho tới khi hết lạm phát. Tới lúc đó chỉ còn hốt bạc thôi.
Kurt lại búng một hòa âm, đầu ngẩng lên, mơ mộng:
- Một lô nhà! Bây giờ với một trăm đô-la mình có thể mua được một ngôi nhà mới đây trị giá bốn mươi ngàn Đức kim vàng. Thử tính coi lời bao nhiêu! Ước gì mình có một người chủ Mỹ!
- Ngáy lắm! Chỉ mới có một đêm mà bạn trở thành một nhà duy vật bỉ ổi rồi.
Trên đầu chúng tôi, gã thợ mộc Wilke gõ nhịp bằng búa. Hắn đang đóng một cái hòm trẻ con với giá biểu giờ phụ trội. Kurt lại đánh tiếp một loạt hòa âm:
- Lúc đó tôi không còn phải đẽo gọt cho mấy người những con sư tử cảm lạnh và những con ó xòe cánh này nữa. Không đẽo gọt thú vật! Không bao giờ! Thú vật chỉ để ăn hoặc để làm bạc chớ không phải lấy đá đục đẽo ra. Vậy là tối nay tôi chằng còn ai để nói chuyện đứng đắn nữa, để quên mọi sự phản bội của con bé Erna. Đành vuốt theo cho đỡ buồn.
- Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Thưa giáo sư Bach?
- Là ăn, ngủ và dâm dật.
Dừng lại ở cổng vào, Lisa ôm trên tay bó hoa hồng, nói với tôi:
- Lấy đi! Loại rau cỏ này không hợp với tôi đâu.
- Ủa! Cũng không biết thưởng thức cái đẹp thiên nhiên nữa sao?
- Thưởng thức để làm gì? Bộ coi tôi là bò cái hả?
Ả cười khả ố và nói tiếp:
- Thằng cha Riesenfield... bảo hắn biết rằng tôi không phải là người để tặng hoa.
- Vậy chớ muốn gì?
- Đồ trang sức, nghe rõ chưa cưng?
- Không cần áo?
- Chừng nào thân lắm mới nói chuyện áo.
Ả nhìn tôi lom lom:
- Sao vậy? Sao bí xị như đưa đám vậy. Có cần lấy lại tinh thần không?
- Không phải chuyện Moulin Rouge. Dạo này còn chơi đờn cho mấy người điên nữa không?
Tôi ngạc nhiên:
- Còn. Sao biết?
- Nhiều người nói. Hôm nào phải tới đó một lần với cưng coi ra sao.
- Đừng lo, rồi có ngày sẽ tới đó một mình.
- Thật sao? Để coi đứa nào vào trước.
Lisa đặt bó hoa trên một tấm bia:
- Lấy đi. Tôi để đồ quỷ này trong nhà không được đâu. Thằng chả ghen lắm.
- Hả?
- Ghen như dao cạo. Có quyền mà.
Tôi không tìm ra sự liên hệ giữa dao cạo và ghen tương, nhưng phải nhìn nhận là Lisa đã ví von thật bạo.
- Chồng ghen sao còn đi đêm được?
- Ban đêm hắn bận ở lò sát sinh. Tôi thu xếp...
- Còn đêm nào hắn không đi?
- Bộ quên tôi làm công ở phòng gởi đồ tại Moulin Rouge sao?
- Có làm việc thật không?
- Thôi cưng! Điều tra gì dữ vậy.
- Còn áo mới và đồ nữ trang?
- Nó là đồ giả. Thằng chồng nào cũng ngốc. Thôi lấy bó củi này đi. Gởi cho con bò cái tơ nào đó cũng được.
Lỉsa ném sang tôi một cái nhìn khó hiểu rồi băng sang đường. Đôi chân đẹp không chối cãi!
Bó hồng làm thành một đám mờ trong bóng tối. Đối với gái Riesenfield quả là tay hào phóng. Bó hoa ít lắm cũng trị giá năm mươi ngàn Mark, cẩn thận, tôi nhìn quanh trước khi lấy bó hoa lên rồi len lén trở về phòng.
Hoàng hôn mặc áo khoác xanh ngoài cửa sổ. Gian phòng mờ tối khiến tôi bỗng thấy cô đơn. Không hiểu sao, tôi chợt nghĩ mình đã có phần nóng nảy với Erna đêm trước. Con bé nổi giận chắc vì ghen. Mà kẻ nào đã ghen thì phải yêu, giản dị vô cùng! Vậy mà tôi không biết.
Thật ra, tôi cũng có chút nghi ngờ khi sát nhập Ghen vào Yêu nhưng cũng chẳng sao. Hương hoa làm tôi ngây ngất. Không chần chờ, tôi làm mấy câu thơ, bỏ vào phong bì, đi sang văn phòng lấy tờ giấy bóng dùng để gói các thiên thần bằng sứ, bọc lấy bó hoa. Tôi gọi Fritz, thằng con út của dòng họ Kroll:
- Fritz, có muốn được hai ngàn đồng không?
Thằng bé mới mười hai nhưng đã lõi đời:
- Gì đây? Tới đia chỉ cũ phải không?
- Đúng rồi.
Nó chạy biến ra cửa với bó hoa. Nhìn theo nó, bỗng dưng tôi nhận thấy mình phạm phải một sai lầm nữa. Nhưng đã trễ rồi. Mặc! Cứ đi nghe hòa nhạc Mozart cái đã.
Mãi gần khuya tôi mới trở về. Tôi vội vàng mở cửa văn phòng bật đèn lên và dừng sững lại. Bó hoa hồng nằm bên cạnh máy phóng ảnh “Presto” với bức thơ còn dán kín của tôi với mảnh giấy có mấy chữ của Frit? “Cô ta bảo mang trả về cho anh để làm gì thì làm. Fritz”.
Con quỷ cái đó đã thẳng thừng cự tuyệt. Tôi đứng bất động với tất cả cơn say bị hạ nhục và giận dữ, Tôi ném mảnh giấy của Fritz vào lò sưởi lạnh tanh. Ngồi xuống ghế một lúc lâu tôi mới tỉnh ra. Một ý nghĩ chợt tới. Tôi viết mấy dòng bỏ vào bao thơ mới và ôm hoa đi thẳng tới ca vũ trường Moulin Rouge. Tôi bảo gã gác cửa:
- Đem bó hoa này cho cô Gerda Schneider.
Gã nhìn tôi bất bình, rồi dùng ngón tay cái chỉ qua vai:
- Vào nói với mấy đứa xếp chỗ.
Gặp một gã xếp chỗ, tôi trao bó hoa và dặn mang tặng Gerda ngay trong khi cô ta trình diễn.
Về tới sân nhà, tôi nghe có tiếng róc rách. Nhìn kỹ thì ra lão thượng nghi sĩ đang tiểu ngay trên cái tháp đen. Không lên tiếng, tôi lấy một cái thau múc nước và đổ vào chân lão ta. Knopf đã say nhừ thình lình bị ước chân, càu nhàu:
- Trời mưa mà mình không hay.
Và lão ta khập khiễng đi vào nhà.