Dịch giả:Vũ Kim Thư
- 9 -

     uả phụ Nieburh gay gắt:
- Tôi nói mộ phần là mộ phần. Không làm gì khác.
- Được rồi, chúng tôi sẽ xây mộ phần, thưa bà.
Sau ngày chồng chết ít lâu, bà ta bỗng đổi tánh. Từ một người đàn bà nhút nhát, bà ta trở nên lắm chuyện và hay gay gổ. Lắm người tỏ ra khả ái khi gặp vận xui nhưng đến lúc tình trạng khả quan hơn thì họ đâm ra khả ố, đặc biệt là trên nước Đức yêu quý của chúng tôi. Tên lính hay luôn cúi nhứt rồi sẽ trở thành một hạ sĩ quan bỉ ổi nhứt.
Bà Nieburh lại gay gắt:
- Cứ làm đúng như tôi nói.
- Thưa bà, muốn làm mộ phần phải có kích thước như may áo dạ hội cho một nữ hoàng. Chúng tôi có sẵn vài kiểu nhưng đối với bà có lẽ phải vẽ một kiểu khác.
- Tự nhiên. Tôi không muốn giống với của người ta. Nếu không được tôi sẽ nhờ hãng Hollmann và Klotz.
Và bà ta lên giọng như một nữ bá tước:
- Đâu, đưa mấy hình vẽ thử coi.
Tôi tìm một vài kiểu phác họa bằng phấn màu cho bà ta xem. Bà ta bảo:
- Đúng rồi. Một con sư tử. Nhưng phải là một con sư tử phóng tới chứ không phải sư tử nằm.
- Hay là bà mặt con ngựa phóng tới, có lẽ hay hơn.
Bà ta lắc đầu, nói giọng ao ước:
- Một con chim ưng...
Tôi ngắt lời:
- Một mộ phần thực sự cũng gần giông một giáo đường nhỏ. Phải có cửa kính, quan tài giả có vòng hoa bằng đồng, chung quanh trồng trắc bá, có lối đi lót sỏi, có cửa sắt và phải có chỗ đặt bảng hiệu của lò bánh mì hoạc huy hiệu của gia đình.
Bà ta lắng nghe với bộ điệu của Maurice Rosenthal lúc chơi Dạ khúc của Chopin. Nghe xong, bà ta bảo:
- Được lắm. Nhưng còn gì đặc sắc hơn không?
Tôi lại mô tả những cảnh trí vĩ đại với những pho tượng điêu khắc bậc thầy với dụng ý làm cho bà ta thấy chán nản vì quá tốn kém và quá khó khăn nhưng cuối cùng bà ta vẫn giữ cái giọng điệu cao kỳ:
- Còn gì nữa không? Nếu không thì tôi phải tới hãng Hollmann và Klotz.
Bà ta dở tấm mạn che mặt lên nhìn tôi với đôi mắt của loại chuồn chuồn, dường như đợi tôi phát cáu để xem. Tôi vẫn phớt tỉnh. Bà ta buông tấm mạng tang xuống như sân khấu hạ màn.
Tôi đưa Gerda tới nhà hàng Walhalla. Phiếu khẩu phần chỉ có giá trị cho các bữa ăn trưa, tuy nhiên, thấy tôi cùng đi với một cô gái khá xinh, Edouard không từ chối khi tôi ngõ ý dùng bữa tối. Chẳng những thế, hắn còn cứ lẩn quẩn bên bàn. Một lúc sau, hắn mở hơi:
- Giới thiệu được không?
Hắn đã chấp nhận cho ăn tối chẳng lẽ tôi lại hẹp hòi. Tôi hững hờ nói:
- Đây, ông Edouard Knoblock chủ quán kiêm thi sĩ, tỉ phú mà vẫn tham lam. Và đây là cô Gerda Schneider.
Edouard nghiêng mình; nửa hài lòng, nửa cáu kỉnh:
- Xin cô đừng tin như thế.
Gerda cười:
- Ông là tỉ phú à? Hay quá!
Edouard làm bộ thở ra:
- Có gì đâu. Chỉ là chủ quán tầm thường thôi, luôn luôn bận tâm mọi thứ. Cô đừng nghe anh chàng phá bỉnh này. Còn cô? Quả là khuôn mặt trời cho, vô tư như cánh chuồn chuồn nhởn nhơ trên ao hồ...
Tôi tưởng mình nghe lầm nên nhìn kỹ Edouard trước khi làm hắn cụt hứng:
- Thôi dẹp cái trò chấp vá vần điệu đó đi. Cô Gerda cũng là nghệ sĩ. Món goulash đâu?
Gerda nhìn hắn với tất cả sự ngây thơ ra mặt:
- Ông Knoblock ứng khẩu thành thơ ngay. Làm thế nào ông có thì giờ để trở thành thi sĩ với tất cả những công việc bề bộn trong một nhà hàng to lớn như thế này? Chắc ông sống hoàn toàn hạnh phúc. Vừa giàu lại vừa có tài.
Mắt Edouard sáng rỡ ra:
- Thưa không dám. A, cô cũng là nghệ sĩ, có phải...
Tôi hiểu ngay là hắn đang lo ngại gặp phải một ca sĩ hai giọng như kiểu Renée de la Tourterelle. Hắn lắp bắp tiếp:
-... Một nghệ sĩ chân chánh, tôi tin như thế.
- Còn chân chánh hơn cả bạn. Cô Gerda không phát là ca sĩ mà là người trị sư tử và hổ báo. Thôi, bây giờ cho ăn đi chớ.
- Sao? Cọp và sư tử à?
Hắn trố mắt, nói tiếp:
- Có thật không, thưa người đẹp? Tên này nói láo dễ như hắn thở.
Tôi chạm vào đầu gối Gerda. Cô ta không biết gì nhưng vẫn trả lời phân hai:
- Trước kia tôi làm trong gánh xiệc và bây giờ đang có ý định trở lại.
Tôi không chịu nổi nữa:
- Edouard có gì ăn thì cho dọn ngay đi. Bộ còn chờ làm kiến nghị nữa sao?
Hắn cười lấy lòng Gerdạ:
- Tối nay tôi sẽ đích thân lo lấy. Cô đừng chấp nhứt anh chàng thô lỗ Bodmer làm chi. Trong chiến tranh hắn chỉ biết sống quanh quẩn trong hầm núp.
Hắn đi vào bếp, vừa đi vừa nhún nhảy. Gerda hỏi:
- Ông ta có vợ chưa?
- Có rồi. Nhưng hà tiện đến nỗi bà vợ phải bỏ trốn.
Gerda mơ màng:
- Có lẽ bà ấy không sáng suốt. Tôi thì tôi thích những người biết tiết kiệm. Không lo thiếu hụt.
- Ở thời buổi lạm phát này, để dành tiền là nguy.
Gerda ngắm bộ đồ ăn nạm bạc:
- Còn tùy vào cách giữ. Tôi tin là ông bạn của ông rất khéo về khoa giữ tiền thế nào để cho không mất giá mặc dầu ông ta là thi sĩ.
Tôi nhìn cô ta, hơi ngạc nhiên:
- Có thể lắm. Nhưng nhiều người không tán thành, trong số đó có bà vợ của hắn. Hắn bắt làm việc quần quật từ sáng đến tối. Đối với hắn, vợ là người làm không công.
Gerda cười, khó hiểu như pho tượng Joconde.
- Mỗi tủ sắt đều có số riêng ổ khóa. Bộ cưng không biết chuyện đó sao?
Tôi không tin ở tai mình. Chuyện gì đã xảy ra? Cô gái ngồi trước mặt tôi có phải là người mới hôm qua cùng tôi ăn bánh mì thịt nguội và phô-mai trắng để ca ngợi cuộc sống giản dị không? Tôi nhấn mạnh:
- Edouard vừa mập, vừa bẩn lại mắc bênh cùi di truyền.
Đó là ba thứ có thể làm chán nản bất cứ một phụ nữ nào, thế mà Gerda dường như không thuộc về đa số. Cô ta ngắm những chùm đèn thủy tinh treo trên trần nhà:
- Chắc ông ta cũng cần có một người để săn sóc mình. Không phải là một người đẻ như gà mà là một kẻ chấp nhận được những đức tính tốt của ông ta.
Lần này, tôi lo ngại thật sự. Vậy là hai tuần lễ hạnh phúc có sẵn trong đầu sắp bị cướp đoạt. Khốn nạn! Tại sao lại đưa con bé tới chỗ này để nó trở chứng khi thấy chùm đèn thủy tinh và những bộ đồ ăn nạm bạc?
Tôi chống khuỷu tay lên bệ cửa sổ ngắm trăng, quanh tôi phảng phất hương vị tử đinh hương từ dưới vườn xông lên. Từ lúc rời Gerda ở khách sạn để về nhà đã có hơn một giờ rồi. Một cặp nhân tình men dọc bờ tường ngõ hẻm rồi biến mất vào khoảnh vườn của chúng tôi. Tôi không bao giờ chống đối những cuộc viếng thăm đó, những kẻ đang còn khát không bao giờ khó khăn với những người đang khát. Để tránh những tai nạn, tôi cho treo lên hai cái tháp quý một tấm bảng báo hiệu: “Coi chừng, nặng lắm, có thể dập ngón chân”.
Thình lình tôi thoáng thấy một bóng người to lớn đi dưới ánh trăng: gã đồ tể Watzek trở về sớm hơn thường lệ. Bộ trong lò sát sanh đã hết ngựa già để hắn giết rồi sao? Tôi quan sát các cửa sổ. Bóng của Walzek di chuyển sau những tấm màn. Tôi tự hỏi chẳng biết có cần báo động cho Georges hay không: quấy rày một cuộc tình tự là điều tôi không thích. Vả lại có thể anh chàng Watzek chẳng nghi ngờ gì cả và bình thản đi ngủ một mình vì tưởng vợ còn làm việc ở phỏng gởi đồ tại Moulin Rouge. Nhưng, khổ chưa! Tôi thấy hắn mở cửa sổ ra nhìn quanh quất xuống đường. Một lúc sau hắn khép cửa lại rồi ra phía trước với mọt cái ghế trên tay và một con dao thịt cắm ở cổ giày ống. Hắn ngồi ngay trước cửa dường như có ý đợi Lisa. Tôi nhìn đồng hồ mười một giờ rưỡi. Trời nóng nực, hắn có thể ngồi luôn tại đó hằng mấy giờ liền.
Tôi rón rén xuống lầu và gõ nhè nhẹ vào cửa buồng của Georges theo nhịp điệu hành khúc Hohenfriedberg. Cái đầu sói của Georges thò ra. Tôi báo cáo gọn với y. Georges kêu lên nho nhỏ:
- Chết rồi! Tìm cách dụ nó đi.
- Đi đâu? Biết mấy giờ rồi không?
- Làm cách gì cũng được. Đi bất cứ đâu. Sử dụng võ khí nặng hay trổ tài tâm lý chiến.
Tôi băng qua hẻm, giữ dáng điệu ung dung:
- Đêm đẹp quá!
Watzek không cắn câu. Hắn đớp chát:
- Đẹp cái con khỉ!
- Tùy bạn.
Hắn bỗng hùng hổ:
- Không thể để như vậy được.
- Chuyện gì?
- Hử? Bạn biết mà. Bọn con heo!
Tôi trố mắt:
- Bọn con heo! Cái gì vậy?
- A! A! Bạn không đồng ý hả?
Tôi liếc mau vào chỗ cán dao thò ra dưới cổ giày và hình dung Georges nằm sóng soài giữa các mộ bia, cổ bị thủng một lỗ to. Lisa thì không sao... đàn ông thường ngu như vậy. Tôi cố dùng giọng êm ả:
- Cái đó còn tùy.
Watzek vẫn hầm hừ:
- Tình trạng nhứt định phải đổi khác. Máu sẽ đổ và những kẻ gây nên tội sẽ đền tội.
Tôi quan sát hắn: hai cánh tay hộ pháp, thân thể chắc nịch và to lớn như khỉ đột. Tôi có thể thúc một gối vào cằm hắn rồi nhận lúc hắn lảo đảo, tôi sẽ phóng mũi giầy vào đùi, hoặc nếu hắn tránh được, tôi sẽ móc chân cho hắn ngã rồi nện đầu hắn xuống thềm. Nhưng rồi sau đó?
Hắn làm tôi giựt mình:
- Bạn có nghe ông ấy không?
- Ai?
- Biết rồi sao còn hỏi? Ngay bây giờ đang có thiếu gì người nghe.
Tôi lắng tai. Con đường hoàn toàn yên lặng. Cửa sổ buồng Georges vừa khép lại nhẹ nhàng.
- Bạn muốn tôi nghe ai?
- Ông ấy chớ ai. Đảng trưởng! Adolf Hitler!
Tôi nhẹ cả người:
- A! Adolf Hitler! Cái...
- Sao, cái gì? Bộ không thích ông ấy hả?
Tôi vội vàng đáp mau:
- Hỏi gì lạ vậy? Làm sao bạn biết là tôi đối với ông ta tới mức độ nào!
- Vậy, tại sao không nghe ông ấy nói?
- Ông ta đâu có ở đây.
- Không, nói trong ra-dô. Bọn này nghe ở đằng lò sát sanh. Máy sáu đèn. Một bài diễn văn không thể tưởng. Hay lắm. Phải thay đổi tất cả...
Thì ra đường lối mị dân nào cũng bắt đầu với câu “Phải thay đổi tất cả...”. Tôi đưa đà:
- Dĩ nhiên! Cần phải thay đổi. Người anh em có rảnh không? Mình đi làm một chầu bia cho mát. Bia nâu.
- Bia? Ở đâu?
- Ở quán Blume, ngay góc đường.
- Tôi đang đợi vợ.
- Lại đó đợi cũng được. À, đồng chí đảng trưởng Hitler nói gì? Máy của tôi hư thành ra chẳng biết gì cả.
Gã đồ tể vừa đứng lên, vừa đáp:
- Nói nhiều lắm. Adolf, ông ta sẽ tiến xa. Bọn mình cũng vậy.
Watzek đem ghế để vào trong hành lang. Vài phút sau chúng tôi cùng sánh vai trên đường ra quán của Blume.