Chương 7

     au bốn tháng, biết bao sự thay đổi trong đời thể chất cũng như trong đời tinh thần của Cảnh. Hai sự rõ rệt nhất là hai cái kết quả bất ngờ. Một là Cảnh sắp lấy vợ và vị hôn thê của chàng là Lan Hương. Hai là Cảnh đã thi đậu xong bằng cử nhân. Chàng hầu như thề suốt đời theo chủ nghĩa độc thân, thì nay chàng lập gia đình. Chàng nhất định làm sinh viên mãi mãi thì nay chàng đã tốt nghiệp và từ giã trường Luật.
Nhưng sự thay đổi lớn nhất là sự thay đổi tính tình. Lười biếng bề bộn, Cảnh trở nên chăm chỉ, ngăn nắp. Nhẹ dạ, chàng trở nên thận trọng, trang nghiêm, và chàng cho ngay rằng ái tình đã dấy một cuộc cách mệnh quyết liệt trong người chàng. Từ nay với một tâm hồn mới, chàng sẽ sống một đời mới cùng một người vợ yêu mến với đàn con ngoan ngoãn, nết na mà sau này, chàng sẽ có và sẽ đem hết cả kinh nghiệm ra nuôi nấng, dạy dỗ. Đời phải đâu chỉ có một mục đích chơi bời ồ ạt như chàng vẫn tưởng. Cảnh cảm thấy mình sung sướng hơn trước nhiều. Trước kia chàng cũng sung sướng nhưng đó là sự sung sướng huyên náo, không một chút trật tự, trái hẳn với sự sung sướng bình tĩnh, có nghĩa lý, có suy xét, nhất là không bợn vẩn đục của cuộc đời giả dối.
Có được những tính tình trong trẻo ấy và cái quan niệm lành mạnh ấy về đời sống, vẫn biết đó là công của ái tình. Nhưng chí khí không phải đã không dự vào một phần lớn, chí khí tiềm tàng chưa mất hẳn.
Khi thấy không quyến rũ Lan Hương được bằng sự trẻ trai, bằng sự xa hoa và lịch thiệp, Cảnh đã đổi chiến lược, đem ái tình lãng mạn thay vào ái tình vật chất. Chàng nghĩ thầm:
“Dẫu đi đường nào rồi cũng đến chỗ kết cục, là cuộc gặp gỡ của bao cặp môi, của hai xác thịt”.
Và chàng bắt đầu thi hành cái chương trình giảo quyệt của chàng: viết cho Lan Hương những bức thư đi từ sự kính trọng lễ phép tới sự yêu đương nồng nàn. Lan Hương đáp lại bằng những lời trước còn lãnh đạm, sau dần dần trở nên thân mật tuy vẫn đoan chính và có khi đạo đức nữa, điều mà thoạt tiên Cảnh không thể tha thức cho Lan Hương được. “Ai lại mới mười tám tuổi đầu mà đi thuyết đạo đức bao giờ!” Song những bức phúc thư của chàng lại có những lời đạo đức gấp bội. Đọc lại thư trước khi gửi đi, chàng cười lớn nghĩ thầm: “Cần gì đạo đức hay giả đạo đức, quý hồ được Lan Hương”.
Chính sự đùa nghịch ấy, chính cái mưu cơ ấy đã đưa Cảnh đến một kết quả bất ngờ: chàng đã thành thực yêu Lan Hương, yêu một tâm hồn đẹp đẽ như chàng đã yêu một thân thể đẹp đẽ. Rồi để tỏ với Lan Hương rằng mình không phải là người như Lan Hương tưởng lầm, chàng đã quả quyết trở lại với đời sống thanh khiết và có trật tự mấy năm trước.
Nhớ lại những tháng vừa qua, Cảnh còn tưởng đó là một giấc mộng: xưa nay chàng vẫn có thói quen chiêm bao như thế: hễ ban ngày chàng làm một điều xấu, một điều ác thì ngay đêm hôm ấy, trong một giấc chiêm bao trái ngược, chàng trở nên một người phi thường, chuyên làm điều thiện. Một lần chàng lừa dối một thiếu nữ ngây thơ quá tin những lời khéo léo của chàng, tức thì chàng mộng thấy mình vì muốn cứu thoát một thiếu nữ mà phải đánh nhau với mười tên du đãng; kết cuộc chàng thắng và đem được người bị nạn đến trả cha mẹ nàng.
Cảnh cho đó là việc làm của tiềm giác. Nhưng lần này, chẳng lẽ những việc xảy ra trong bốn tháng vừa qua đều đã do tiềm giác chỉ huy, và chẳng lẽ mình mộng liên miên như thế, và như thế mãi. Cảnh chợt như tỉnh trong một giây và lo lắng nghĩ thầm:
“Nếu Lan Hương đã không cương quyết, nếu Lan Hương đã dễ dàng... thì... trời ơi!”
Chàng không dám nghĩ tiếp, sợ xúc phạm đến người yêu đáng kính. Tâm trí chàng rời Lan Hương ra để tự giải phẫu bản năng của chàng, và chàng tự phụ kết luận: “Chẳng lẽ bản ngã mình lại kém cỏi đến nỗi một sự kích thích của ngoại vật đã có thể biến cải được. Không, quyết không, sao ta lại không có thể có một căn bản tốt đẹp, một chí khí vững vàng; chính thế, chính nhờ về chí mạnh mẽ mà ta đã thành công được trong cuộc cách mệnh khó khăn của tâm hồn ta”.
Để chứng thực điều đó, Cảnh nhớ lại buổi đi thăm trại thanh niên. Đêm hôm trước chàng thức suốt sáng, lòng băn khoăn ngờ vực, khổ sở. Chàng ngờ vực tất cả những hành vi và những ý định tốt đẹp của chàng. Chàng tự cho mình là giả dối, hơn thế, là tự lừa dối mình. Người ta chỉ thành thực khi nào người ta vâng theo mệnh lệnh của xác thịt. Người ta tự kìm lại? Không, người ta không thể thành thực tự kìm lại bao giờ. Người ta giả dối. Mà giả dối như thế để làm gì? Để rồi tự phụ rằng mình đã làm nổi một việc phi thường. Thì bao nhiêu sự phi thường chỉ toàn là những sự giả dối cả. Giả dối như thế để ăn mày lấy một tiếng khen, của người và của chính mình. Mình tự khen mình tức mình đã giả dối, lừa đảo mình.
Trong phút ấy, Cảnh thấy rõ rệt rằng giả dối để được tiếng khen không bằng cứ để bản ngã tự phô diễn ra, nó xấu thì tự nhiên nó xấu, mà nó tốt thì tự nhiên nó tốt, che đậy mà làm gì? Và Cảnh cho ở đời không có cái gì tốt và xấu, chẳng qua chỉ ở sự xét đoán cố hữu và sai lầm của loài người từ mấy nghìn năm nay. Cảnh nhẩm lại những tư tưởng của Lão Tử, nhất là nhớ lại từng trang của Anatole France và sau hết quay về với tình nhục dục của con người.
Vì sao lại cho nó là xấu xa. - Chàng thầm luận lý - nó là căn bản của vạn vật, nó là điều kiện cốt yếu của nhân loại; không có nó thì loài người đã bị tiêu diệt từ lâu rồi. Sao lại bài xích nó, coi nó là xấu xa. Không, trái lại, nó rất đẹp đẽ, và ở đời chỉ có nó là thật, là ái tình chân thật, là ái tình như Anatole France đã nói.
Thì ra chỉ vì sự giả dối mà chàng đã sống xa cái đời “thực tế” của chàng, sống xa cái tính nhục thể trong bấy lâu nay. Chàng chợt nghĩ tới câu cách ngôn Âu Tây khuyên người ta nên luôn luôn “bắt con vật phải câm mồm”.
Chàng thấy việc ấy rất khó khăn. Khi người ta khát thì người ta phải uống. Sao, khi con vật nó đòi thỏa mãn, người ta lại không cho nó thỏa mãn?
Ý nghĩ ấy làm Cảnh rùng mình tưởng tới cái di sản tinh thần của chàng. Ông chàng thủa xưa lấy tới sáu vợ và ngoài sáu mươi tuổi còn say mê một cô gái quê mười tám. Cha chàng thì có một vợ thôi, và tuy góa lúc còn trẻ mà vẫn không tục huyền nhưng đó là những cớ của một đời sống khoái lạc. Không tục huyền không phải là không đi sâu vào con đường tình dục. Trái lại thế; vậy thì luồng máu phóng đãng đương cháy, đương bồng bột chảy trong huyết quản của mình, ngừng lại làm gì, mà ngừng lại sao được?
Nghĩ đến cha, Cảnh cảm thấy mình yêu cha lắm, vẫn biết cha có hai cái tính cách biệt hẳn nhau, trái ngược hẳn nhau, có thể nói cha là hai người không giống nhau một chút nào; một người làm giàu và một người chơi bời. Nhưng Cảnh chỉ biết có người sau mà không bao giờ gần người trước. Thoáng thấy cha bàn bạc, gắt gỏng bọn làm công, hay tính toán tiền nong với bọn khách hàng là Cảnh lảng xa ngay; cũng có lần Cảnh giúp đở cha hay nhân dịp đi Sầm Sơn nghỉ mát, chàng rẽ vào một vùng xem hộ cha cái đồn điền dạm bán. Thế thôi! Chàng tịnh không tha thiết để ý đến công việc làm ăn của cha bao giờ. Chỉ một lần vì thấy cứ phải chìa tay xin cha từng chục từng trăm để tiêu vặt, chàng với em gái yêu cầu cha chia của cho các con để được sống riêng, sống một cách tự do hơn. Người cha cười bảo con trai:
- Để chờ khi nào anh có vợ đã. Nay thì tôi cứ cho anh mỗi tháng một trăm, tùy ý muốn tiêu gì thì tiêu mà không tiêu thì để dành cũng được. Tiền ấy tôi sẽ trừ vào phần gia tài của anh sau này.
Cảnh cho thế cũng tiện, và đã ba năm nay chàng sống với số tiền tháng ấy, không kể những món tiêu lớn bất thường mà chàng xin cha.
Đó là người cha căn cơ, cần kiệm mà chàng thấy hơi bủn xỉn vì đã từng mè nheo với chàng vài ba chục bạc. Chàng cho cử chỉ ấy không thể tha thứ được, nhất là khi người ta lại thu lợi đồng niên có tới ba, bốn vạn, và gần đây, nhờ về sự đầu cơ, lãi tới vài chục vạn trong vòng dăm sáu tháng. Cảnh cũng không oán trách cha: Chàng chưa hề bị thiếu thốn bao giờ.
Đó là điều chính, ngoài ra, không có chi đáng kể.
Cảnh thấy mình nghĩ lan man xa quá, lại quay về với sự băn khoăn đã nhóm lên và đã âm ỷ cháy, sự băn khoăn của quãng đời quá khứ, hồi chàng muốn tự sát, nay bỗng trở về với chàng, trong một đêm mất ngủ, sự băn khoăn về ý nghĩa đời người. Nếu sống, chỉ là sống, chỉ là thỏa mãn tình dục, thì việc làm mà chàng đương tự bắt buộc theo đuổi không phải là sống. Và chàng cảm thấy toàn thể chất bồng bột nổi lên, và hình ảnh Lan Hương mờ dần trong ký ức.
Chính sau một đêm huyên náo ấy - sự huyên náo của lòng chàng đã che lấp sự huyên náo của biển cả, nước trào dâng, - chính sau một đêm dữ dội ấy, chàng nhớ tới câu hỏi của Lan Hương: “Anh đi xem trại thanh niên chưa?” Cái trại thanh niên mà chàng đã nghe nhiều người nói đến, và chàng đã hầu quên nhãng, chợt gợi tính tò mò của chàng trong khi chàng đương băn khoăn về đời sống của mình và có lẽ đương thực hành một cuộc thí nghiệm. Hay đó lại cũng là một sự khoa trương, một sự giả dối.
Cảnh muốn gặp mặt bọn họ ngay, muốn nói chuyện với họ để biết ý tưởng và quan niệm của họ về cuộc đời, và xem họ có quả thực là hạng người chí khí như những lời đồn đại không. Buổi sáng hôm ấy trời mát; nhưng vì đêm trước không chợp mắt nên Cảnh ra đi với lòng chán nản và chân tay mỏi mệt. Chàng phải đem hết ý chí ra mới thắng nổi được lòng do dự và tới được đích sau hơn hai giờ cuốc bộ.
Bọn cắm trại tất cả hai mươi người, hai mươi tấm thân hùng tráng đầy những bắp thịt rắn chắc dưới lớp da rám nắng màu nâu già, hai mươi pho tượng đồng mắt cua. Người đoàn trưởng, Cảnh mới quen biết trong kỳ thi luật hồi tháng bảy vừa rồi, đến bắt tay Cảnh, dắt chàng đi xem bảy cái lều vải căng thẳng một dãy trên bãi cỏ, dưới bóng rặng phi lao, rồi đưa chàng tới trường luyện tập thân thể. Trường mới lập được có một tuần lễ thành một trường tập có đủ các khí cụ tự các học viên chế tạo ra để luyện tập thân thể và có một con đường giải cát chạy vòng quanh ngăn từng đoạn bởi những ụ đất, những hào nước, những hàng rào bằng gỗ, để các lực sĩ nhảy qua. Lần lượt mỗi người chạy một vòng, và trong số, có bốn năm người không vượt qua được một vài hàng rào chắn ngang.
Lòng tự phụ của Cảnh bị kích thích, và tuy còn mệt mỏi, chàng cũng nỗ lực chạy hết một vòng. Khi chàng dừng lại, mặt chàng tái mét, chân chàng run lẩy bẩy, và chàng nằm sóng soài ra đất thở hổn hển.
Lúc rời trường tập về trại, Tuyên - tên người đoàn trưởng - đi bên Cảnh và bảo chàng: “Luyện thân thể là việc phụ, việc chính là luyện chí khí. Tập trôi lọt được hết các môn thể thao phỏng có khó khăn gì, ai rồi cũng tới được. Nhưng ít người có thể bắt thân thể, tự bắt mình phải luôn luôn làm việc theo mệnh lệnh khắc nghiệt của mình, mà mình đã tuyên lên như một lời thề. Sống chỉ là tuân theo mệnh lệnh của chính mình hay bạn mình. Sống chỉ là thi hành một chương trình mà chính mình hay bạn mình đã vạch sẵn”.
Cảnh mỉm cười hỏi: “Còn sống theo lòng dục vọng, sống theo sự ham muốn của xác thịt”.
Tuyên dõng dạc và trang nghiêm trả lời:
- Thế không phải là sống, thế là chết, là đi tới truy lạc, đi tới chỗ diệt vong của thân mình, và của nòi giống.
 Chính để chống lại sự sống giả dối ấy, sự sống lười biếng và ích kỷ của bọn chỉ nghĩ tận hưởng khoái lạc, mà chúng tôi họp nhau lại để sống dưới kỷ luật nghiêm khắc, trong những công việc nặng nề.
Chiều hôm ấy, Cảnh từ biệt bọn cắm trại trở về nhà, trí giác ngộ, lòng sung sướng.
Chàng bắt đầu nhận định sáng suốt và tự nhủ thầm: “Phải, nếu sống theo dục vọng thì có khác gì sống như con vật. Sự sống của con người phải cao hơn thế một bậc”.
Chính cuộc thám trại thanh niên đã rèn luyện chí khí Cảnh và đã giúp một phần vào sự biến cải tâm hồn chàng. Sự biến cải ấy, ái tình của Lan Hương chỉ gợi ra, nhưng nếu không có một chí khí mãnh liệt thì chàng từ giã sao được cái đời truy lạc mà chàng đã dấn thân vào khá sâu; thì chàng phá sao nổi cái vỏ dầy những dục vọng, những ích kỷ nó bọc kín mít lấy cái tôi rỗng tuếch, cái tôi nghèo nàn; thì bao giờ tâm hồn chàng thoát ra được ngoài vòng cương tỏa mà thênh thang bay lên không trung gõ cùng một nhịp, ca cùng một điệu với thiên nhiên. Ôi! Điệu ca khải hoàn! Ý nghĩ ấy làm Cảnh vui sướng và bồng bột yêu đời, cái đời mới vừa bắt đầu ở ngoài và ở trong chàng, một đời thanh cao đáng sống, và lòng chàng rung động, xao xuyến về sự biết ơn. Chàng cảm ơn bọn thanh niên, cảm ơn Lan Hương, tự cám ơn mình.
Cảnh thấy người nhẹ nhõm như dương cánh bay lên thinh không, và chàng tự hứa ngay hôm sau sẽ bắt đầu một chương trình “sống” nghiêm khắc hơn nữa. “Bây giờ thì viết cho Lan Hương một bức thơ để đánh dấu cái phút sung sướng này”.
Cảnh lấy giấy bút viết:
“Hà Nội, ngày...
Em Lan Hương yêu quý.
Anh đã tìm thấy lẽ sống của anh! Lẽ sống của anh là em...”
Vừa viết đến đây thì có tiếng chuông điện gọi cổng. Tưởng cha về, Cảnh ra cửa sổ nhìn xuống. Trong ánh đèn ngoài đường, chàng nhận thấy một người đầu trần, mặc áo quần trắng dài và có vẻ vội vàng hấp tấp lắm, vì có chừng vài chục giây đã bấm tới ba hồi chuông.
Cảnh yên lặng đứng chờ đợi, tim đập hơi mạnh và mau, lạ lùng quá! Chàng đoán như có việc gì quan hệ sắp xảy ra cho chàng. Một lát, người đày tớ thong thả đi ra cổng, sỏi kêu ràc rạo dưới bước chân uể oải. Người lạ hình như sốt ruột lắm, cất tiếng gọi: “Mau tôi nhờ một tý, cậu!”
Cảnh mong đầy tớ mở cổng đưa người kia lên, nhưng chàng thất vọng khi thấy nó quay vào một mình. Chàng gắt gỏng thét lớn:
- Tý? Sao mày không mở cổng cho người ta?
Tý luống cuống đáp:
- Con định hỏi xem cậu có tiếp không đã.
- Có, đưa ngay người ta lên đây.
Một lúc sau, người lạ theo Tý lên gác, vào phòng; Cảnh nhớn nhác hỏi:
- Có việc gì thế... ông?
Người kia mỉm cười, khiến Cảnh hơi yên lòng:
- Thưa ông, ông là ông Cảnh, ông Nguyễn văn Cảnh?
- Phải, chính tôi, ông muốn hỏi gì tôi?
- Vậy mời ông đi ngay, ông Lộc cho tìm ông.
Cảnh ngơ ngác:
- Ông Lộc! Ông Lộc! Tôi chỉ quen có ông Trí Lộc. Nhưng ông ấy qua đời rồi.
- Vâng chính đấy, chúng tôi có biết ông đâu. Chúng tôi phụ đồng chén kiều ông Lộc lên. Ông ấy bảo tìm ông đến nói chuyện ngay, lại cho biết cả phố và số nhà ông ở. Vì thế tôi mới đến được đây.
Cảnh cố nhịn cười hỏi:
- Đến ngay bây giờ?
- Vâng xin ông đến ngay cho, vì ông Trí Lộc có vẻ khẩn khoản mời ông lắm.
Cảnh nhìn đồng hồ. Gần mười giờ khuya. Người kia lại thúc giục:
- Ông đi ngay chẳng trời sắp mưa.
Thực vậy, từ nãy Cảnh đã nghe từng hồi tiếng sấm kéo dài ầm ỹ.
Chàng thấy sự mời đi dự phụ đồng đột ngột, hay hay, bí mật nữa, lặng mở cửa phòng cùng người lạ đi ra phố.