Chương 9

     iữa lúc ấy còi ô-tô rú lên ở cổng, rồi người tài xế chạy vào nói:
- Bà lớn đã về, cô lấy cho hai cái áo tơi đưa ra xe để đón bà lớn vào.
Một lát sau có tiếng huyên náo bên phòng khách lớn. Cả bọn liền kéo sang. Bỗng Cảnh kinh ngạc kêu:
- Kìa thầy!
Thanh Đức đi cùng với chủ nhân vừa vào cũng sửng sốt:
- Con! Con đến đây bao giờ?
Không thấy con trả lời, ông lại hỏi:
- Con quen...
Rồi ông ngập ngừng im lặng. Cảnh nói giọng tự nhiên:
- Bẩm thầy không, con không quen. Ban nãy ông này - Cảnh trỏ Hoằng - tìm đến... Lần đầu con đến đây.
Ông Thiện căm tức nhìn Hoằng, Hảo phân trần:
- Không phải đâu. Đầu đuôi thế này, ông Thanh Đức ạ, chả chúng tôi phụ đồng chén, anh Luyện ngồi đồng, hồn ông Lộc ấp vào và cho mời ông Cảnh đến nói chuyện. Tôi mới nhờ ông Hoằng đi tìm ông Cảnh.
Thanh Đức mỉa mai nhìn ông Luyện.
Ông vẫn thừa biết Luyện thầm yêu Hảo và đấy chỉ là một mưu sâu của nhà văn nham hiểm để tỏ với Hảo rằng ông đã có một thằng con lớn tuổi hơn nàng, và ông tự phụ nghĩ tiếp: “Ai ta còn sợ chứ anh văn sĩ tép này thì ta coi vào đâu. Không thèm so sánh tiền của vội, đến cái tráng kiện tôi cũng không kém ngài, dù ngài chỉ bằng nửa tuổi tôi”. Tự nhiên ông đứng thẳng lên, ép bụng thở phồng ngực.
Quả thực Luyện đã có tâm ấy; tối hôm nay chàng đã bày ra cuộc phụ đồng chén, và chính chàng đã mượn hồn ông Lộc để tìm đến Cảnh. Nhưng khi thấy Hảo và Cảnh như bắt đầu có tình với nhau thì chàng hối hận ngay. Chàng chỉ có một chủ ý là đem cha con Thanh Đức ra làm trò cười trong lúc hai người chạm trán nhau ở trước mặt Hảo.
Chàng có ngờ đâu rằng người con lại sẽ có thể trở nên một tình địch nguy hiểm gấp mười, gấp trăm. Nhưng cái ý hay của chàng vẫn làm cho chàng sung sướng trong chốc lát: chàng đã cho kẻ tình địch già một cái “đá móc khá đau”.
Thấy ai nấy ngây người nhìn hai cha con Thanh Đức, và cả mẹ cũng như im lìm hẳn vì nỗi bất ngờ, Hảo cố lấy giọng vui vẻ hỏi:
- Lạ! Hai người là...
Ông Thiện tiếp luôn:
- Là cha con.
- Thực à! Thế mà trông như anh em ấy nhỉ!
Câu bình phẩm mở cờ trong lòng Thanh Đức. Và ông đắc thắng nhìn Luyện. Rồi ông quay ra nói với bà Án:
- Xin bà lớn lên gác nghỉ, dễ hơn mười hai giờ rồi. Tôi cũng xin phép về thôi.
Hảo đon đả mời:
- Ấy, ông ở chơi xơi nước đã, nếm thử xem trà mạn mới ướp sen năm nay có ngon không, ở lại nhé?
Và nàng mỉm cười đứng chờ.
- Vâng thì ở lại.
- Ừ có thế chứ. Từ chối thì tôi giận ngay.
Nàng âu yếm nũng nịu từ lời nói cho chí bộ dạng trong khi Thanh Đức đứng sát cạnh nàng ghé gần tai nàng thì thầm trò chuyện. Mắt ông sáng lên, mặt ông đỏ lên. Hình như chuyện phim hôm nay đã làm ông trẻ hẳn lại vài chục tuổi. Cảnh đứng sững nhìn Hảo, tự nghĩ:
“Người ta đồn cha ta tục huyền, vậy dễ thường người này chăng? Phải... kêu người mẹ là bà lớn, đích thị bà Án và con gái bà ta rồi!... Sao lại vô lý thế này!” Và chàng chẳng hiểu mình cho điều gì là vô lý.
Ông Thiện nói rất cao giọng sau cái nhìn lãnh đạm và kín đáo của Hảo.
- Rõ đáng tiếc cho cô! Một phim hay quá mà cô không chịu đi coi. Có phải không, bà lớn nhỉ, phim hay lắm.
- Nhưng hơi bậy.
Bà Án vừa mỏi mệt vừa khó chịu, vì bà yên trí rằng con trai Thanh Đức đã từ lâu là một người bạn của Hảo, mà Hảo vẫn giấu diếm bà, nay nhân dịp đi vắng chàng mới đến chơi. Bà không vui bảo con:
- Con cũng đi ngủ thôi, khuya rồi.
Hảo cười đáp:
- Mẹ cứ đi nghỉ trước để mặc con. Con đưa mẹ lên gác nhé?
Rồi nàng quay lại nói với mọi người:
- Xin phép các anh, em đưa mẹ em lên phòng ngủ. Em sẽ xin xuống ngay bây giờ.
Nàng dìu mẹ lên thang, vừa đi vừa nói chuyện.
Thấy mọi người vẫn đứng, Thanh Đức giơ tay nói:
- Mời các ông ngồi chơi.
Một lát, Hảo vào phòng tay cầm một hộp bích quy đưa cho Giáp:
- Thi sĩ mở hộp nhé?
Hoàng văn Giáp một người đẫy đà, tóc dài và uốn quăn, rơi từng món xuống trán xuống tai khiến chàng có vẻ ngây thơ và mơ mộng.
- Xin phụng mạng.
Trong khi Giáp loay hoay mở hộp bánh, Hảo quay ra hỏi Cảnh:
- Ông có biết thi sĩ Hoàng văn Giáp không nhỉ?
Cảnh ngần ngừ một giây:
- Không... nhưng tôi có biết tiếng.
Luyện mỉm cười:
- Phải, tiếng thi sĩ còn ai không biết.
Thi sĩ nổi tiếng nhất vì những bài thơ tặng Bạch Ngọc, mà Bạch Ngọc thì không một người Hà Thành nào không biết là mỹ nhân.
Nhà địa chủ thấp béo mà từ nãy không ai lưu ý tới, có vẻ thành thực nói:
- Xin thi sĩ tha lỗi cho, chứ thơ của các ngài tôi chẳng hiểu mô tê chi hết. Có bài tôi đọc đến ba lượt mà vẫn không rõ các ngài muốn nói gì.
Hảo cười:
- Vì ông không thích thơ đấy.
Hoằng chêm:
- Vâng có thể. Ông chủ đồn điền chỉ thích văn xuôi. Nhất là thứ văn xuôi đem phơi khô cho vào cối.
Ai nấy cười vui thú. Kiên giọng nhạt nhẽo:
- Các ngài cứ chế nhạo nhà nông chúng tôi, nhưng thiết tưởng có thực mới vực được đạo chứ. Và tôi nói tôi không hiểu thơ của các ngài, chứ có phải tôi không hiểu thơ đâu. Chẳng hạn thơ của các cụ Tam Nguyên, Tú Xương thì sao tôi lại không hiểu?
Thanh Đức vẫn còn vẻ hằn học ban nãy, tiếp luôn:
- Ngài nói chí lý lắm. Dù thơ hay văn gì đi nữa thì ý nghĩa cũng phải sáng sủa; có đâu lại tối mò mò, đọc như những câu thai ấy.
Thi sĩ ngừng tay mở hộp bánh, ngửng lên mát mẻ:
- Thưa cụ, thí dụ tối mò mò như bài thơ nào chẳng hạn?
- Tôi chẳng nhớ một bài thơ nào, cả đến tên bài thơ cũng vậy, nhưng quả thực tôi đã đọc qua.
- Và cụ chẳng hiểu gì hết.
- Hiểu thì cũng hiểu. Nhưng hay ở chỗ nào thì tìm mãi không thấy. Sao các ngài không viết giản dị như các cụ ta. Giản dị mà vẫn hay chứ. Thực tôi chưa thấy một thi sĩ mới nào viết được những câu tình tứ tuy giản dị như câu ca dao này chẳng hạn:
Ai về sông Đông tỉnh Xuân Cầu, để thương để nhớ để sầu cho ai.
Hay câu này nữa:
Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non,
Cò ơi, ở lại nuôi con,
Để anh đi tráy nước non Cao Bằng.
Bốn câu sau thì thực là cả một tập thơ, một tập thơ tình âu yếm biết bao!
Luyện mỉa mai chêm luôn:
- Mà ai ai cũng hiểu, rõ ràng, minh bạch biết bao!
Thanh Đức được thể:
- Có phải không, chứ đâu lại như những câu thơ của các thi sĩ hiện thời. Mà hay ho gì cho cam.
Giáp ngừng tay mở hộp, mỉm cười nói:
- Nhưng các ông có hiểu thơ là gì không đã? Làm thơ có phải là kể lể hay than vãn hay triết lý đâu. Thơ là âm nhạc và chỉ là âm nhạc, cũng như tranh là màu và chỉ là màu. Tìm ở trong những ý tưởng thứ tự, ngăn nắp như câu chuyện đàn bà thì có khác chi tìm một đầu đề luân lý giáo khoa trong một bức họa.
- Vậy lấy cây đàn bầu ra mà gảy, còn làm thơ làm gì, và hình cầu vồng in trên nền da trời còn đẹp hơn môt bức tranh.
- Chính thế. Riêng tôi, tôi cho chỉ có họa sĩ Hồng Hải là vẽ đẹp. Vẽ, phải vẽ những người đẹp như thế chứ. Nhiều họa sĩ khác hình như chỉ chọn người xấu để vẽ. Đến hôm nào mời các ngài về ấp tôi mà xem, bày toàn tranh Hồng Hải. Phòng khách cứ sáng rực lên vì cảnh các mỹ nữ mặc áo màu tuơi sáng.
Thanh Đức chừng như không muốn kéo dài mãi câu chuyện, nên làm thinh ngồi cười mát.
Cảnh yên lặng lảng ra phía cửa sổ đứng nhìn mưa từ nãy. Không ai để ý tới chàng, trừ Hảo ra. Nàng đương bứt rứt về cuộc gặp gỡ của hai cha con mà nàng chưa rõ thái độ đối với nhau sẽ như thế nào. Vì thế, nàng lơ đãng nói chuyện và luôn luôn tự thầm hỏi: “Sự gặp mặt ngẫu nhiên hay chính Luyện đã xếp đặt? Ông Thiện đến chơi nhà này đã nữa năm nay, mà không thấy nói chuyện gia đình nhất là không thấy đả động tới người con này? Hai cha con liệu có hòa thuận với nhau không?”
Nàng nhìn theo Cảnh, và nàng như đọc được trên vẻ mặt người con sự phật ý trong cuộc gặp gỡ đột ngột.
Giáp đã mở xong hộp bánh. Hảo quay ra phía cửa sổ gọi:
- Ông Cảnh, mời ông vào xơi nước.
- Cám ơn cô.
Cảnh quay vào.
- Ông khó chịu về trời mưa phải không?
- Cũng không khó chịu lắm.
Giáp nhắc đến câu thơ cổ:
- Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách.
Ông Thiện như chưa hết cáu kỉnh đối với Giáp, nhà đại biểu trong cuộc hội họp này của các thi sĩ hiện thời mà ông cho là đã thổi mơ màng vào tâm hồn các cô thiếu nữ:
- Câu ấy ngày xưa có lẽ đúng đấy, chứ bây giờ thì chẳng còn nghĩa lý gì. Đã có áo tơi và xe ô-tô. Vậy uống nước xong, tôi sẽ đưa các ông ai về nhà nấy, mưa kiềm tỏa nổi sao được. Vả cô Hảo đã mệt lắm rồi, phải để cô đi nghỉ chứ.
Ông thân mật hỏi Hảo:
- Phải không cô Hảo?
Hảo tỉnh táo vui vẻ:
- Thưa ông, chưa ạ, em thì em thức suốt đêm cũng được.
Rồi nàng cầm hộp bích-quy mời từng người. Đến Cảnh, nàng rón một chiếc đưa cho chàng và tươi cười nói:
- Ông xơi chiếc bánh giấy thấm này.
Cảnh đáp sẽ:
- Cám ơn cô.
Câu chuyện đã rời rạc. Kiên phàn nàn:
- Giời nóng như tháng sáu tháng bảy. Trận mưa rào kia thì có khác gì một trận mưa hè không?
Thanh Đức tiếp:
- Mưa xuống thế này cũng hơi dễ chịu.
Câu nói nhiễm vẻ hậm hực, tựa hồ lòng ông đương không dễ chịu một chút nào.
- Chị Thúy Nga, mời chị xơi đi chứ.
Mọi người đều nhìn cả vẻ phía thiếu nữ ngồi khuất sau hàng ghế mà từ nãy hình như không một ai còn nhớ rằng có mặt trong phòng khách.
Thanh Đức hỏi nàng một câu vớ vẩn:
- Cô đã buồn ngủ chưa?
- Chưa ạ.
Nàng trả lời vắn tắt, một cách lạnh lùng. Nàng vẫn không ưa Thanh Đức, nhất từ ngày nàng nghe có tin đồn ông hỏi Hảo làm vợ. Nàng chơi thân với Hảo, yêu mến Hảo. Nàng không muốn bạn nàng lấy một người năm mươi tuổi. Đó chỉ là những lời đồn, chứ Hảo cũng chưa tỏ ý bằng lòng, hơn thế, chưa một lần nào nàng bàn tán hay đá động đến việc ấy, dù Nga gợi chuyện ra. Chẳng qua Nga chỉ đoán phỏng như mọi người vi thấy Thanh Đức loay hoay săn sóc chung quanh Hảo và bà Án.
Rồi lần lần, khi thấy chuyện hôn nhân của hai người trong bốn năm tháng nay đứng mãi một chỗ, không tiến cũng không lui, nàng sinh ra ngờ vực mà không tin nữa.
Nhưng dầu sao, nàng cũng không thể tha thức được người mà nàng cho rằng đã đem cái tài sản kếch xù ra để định quyến rũ bạn nàng.
- Kìa, mời ông Cảnh xơi nước, chẳng nguội.
- Cám ơn cô, tôi vẫn uống.
Hảo không thể rời hẳn được cái ý nghĩ “một thảm kịch đã từng xảy ra giữa hai cha con” này. Nàng đã đem hết thông minh ra suy xét tâm lý hai người. Nàng thấy họ phải cố gắng mới không để ý nhau. Hơn thế, họ như đứng hai vai trong một vở kịch. Thanh Đức mọi khi láu lắm, nay bỗng giữ gìn lời nói. Còn Cảnh lúc này khác hẳn lúc mới đến, khác hẳn như hai người vậy. Lạ nhất là thái độ đối với nàng: một khối than hồng nhúng vội vào chậu nước lạnh. Nàng dò ý tứ, quay sang bên cạnh hỏi nhỏ ông Thanh Đức:
- Ông Cảnh hình như học Cao đẳng?
Nàng đả động vào lòng tự phụ của người cha. Thanh Đức trả lời cho cả mọi người nghe rõ.
- Cảnh vừa đậu xong bằng cử nhân Luật.
Hảo nhìn Cảnh mỉm cười như để tán dương chàng:
- Vậy ông sẽ thi tri huyện chứ?
- Không.
Rồi chẳng hiểu nghĩ sao, Cảnh chữa:
- Nhưng nếu cần phải thi, thì cũng thi.
Hảo tự hỏi: “Cần phải thi? Sao lại cần phải thi?”
Thanh Đức cười ha hả, và như giải thích câu nói tối nghĩa của con:
- Phải, nếu vợ nó thúc giục.
Luyện hỏi:
- Sao cụ không thúc giục ông Cảnh ra thi tri huyện.
Thanh Đức giọng thành thật đáp:
- Không, tôi có thúc giục các con tôi bao giờ đâu? Tôi để các con tự do muốn làm gì thì làm.
Ngừng một giây, ông lại tiếp:
- Cũng như các con tôi không bao giờ nhìn đến việc tôi làm cả. Cha có tự do cha, con có tự do con.
Rồi thích chí về câu nói ấy, ông cất tiếng cười lớn. Giáp như chưa quên những lời Thanh Đức phê bình thơ ban nãy, mát mẻ hỏi:
- Thế nào ông Cảnh, ông để cụ được hoàn toàn tự do hành động?
Cảnh không đáp, trân trân nhìn Giáp. Hảo nhận thấy vẻ mặt lạnh lùng và dữ tợn của Cảnh, liền cắt đứt câu chuyện bằng cách đứng dậy cầm hộp bánh đi mời một vòng; đến Cảnh nàng mời khẽ:
- Mời ông cứ chiếu cố.
Cảnh vẫn giữ vẻ trang nghiêm lãnh đạm:
- Cám ơn cô, tôi xin đủ.
Nàng mỉm cười khẩn khoản:
- Một chiếc nữa thôi mà, lần cuối cùng.
Cảnh nhặt vội lấy chiếc bánh nói:
- Cám ơn cô.
Uống cạn chén nước thứ ba, ông Thiện quả quyết đứng dậy bảo Cảnh:
- Bây giờ đi về thôi chứ.
Cảnh đáp khẽ:
- Vâng.
Rồi cũng đứng dậy. Ông Thiện quay ra nói với mọi người:
- Tôi xin đưa các ông ai về nhà nấy... Cả cô nữa.
Thúy Nga lạnh lùng:
- Cám ơn cụ tôi ở lại đây với chị Hảo.
- Vậy mời các ngài ra xe...
Ông cúi chào Hảo, nói tiếp:
- Cô đi nghỉ chẳng khuya rồi.
- Chưa khuya đâu ạ.
Thanh Đức nhìn đồng hồ bày trên tủ trà:
- Hơn hai giờ rồi còn chưa khuya.
Hảo nói dối một câu thông thường:
- Đồng hồ nhanh đấy ạ.
Nhưng bọn khách vẫn tiến ra hiên, rồi dừng lại ở đó đứng nhìn như lắng tai nghe mưa. Hảo bàn:
- Nhà có một ô và một dù vậy đi làm ba chuyến... Anh bếp! Cầm ô che ông ra xe rồi lại mang ô trở lại đón ông khác nhé.
- Tôi thì tôi đã có waterproof (loại kh ông thấm nước)
Cảnh vừa nói vừa rảo bước đi dưới mưa. Hảo kêu:
- Ấy! Ướt hết. Kìa anh bếp, chạy ra che cho ông.
Nhưng người bếp giương được ô thì Cảnh đã ra gần tới cổng: Thanh Đức lấy địa vị là chủ ô-tô đi sau hết mọi người. Lúc còn đứng lại một mình với Hảo ông khẽ bảo nàng:
- Việc đồn điền xong rồi.
Hảo đáp rụt rè:
- Thế à?
- Tôi đã nói với cụ trả trước ít nhiều hay không trả trước cũng được. Trả dần cũng được Cái đồn điền ấy của tôi đồng niên thu hơn một vạn. Ăn tiêu thuế má rồi cũng để ra được bốn năm nghìn là ít. Vậy số tiền để ra ấy cụ có thể trả dần tôi, mấy chốc mà hết nợ.
- Như thế thiệt thòi cho ông.
- Ồ! Có làm gì cái đó. Chỗ thân tình với nhau thì làm gì một chút nhỏ mọn. Cụ thích ở đồn điền mà tôi thì có những ba cái, để lại cho cụ một là phải lắm rồi...
Hảo nhìn trời mưa:
- Giá có đủ tiền mà trả ông ngay một chuyến...
- Trả trước trả sau cũng thế. Trả sau thì tôi có tiền để dành chứ sao.
- Nhỡ sau túng bấn không trả được.
Thanh Đức cười vui vẻ, sung sướng:
- Cô đến hay lo xa. Nhưng cô yên tâm, không trả được thì chịu lại... chịu mãi cũng được.
Ông toan nói thêm: “Chịu lại mãi mãi càng hay” thì người nhà đem ô đến, ông đành phải cúi chào từ biệt Hảo, để ra xe.