NẮNG ẤM CUỐI CHIỀU XUÂN (tt)

     rên đường lên các vườn tiêu, tôi dự tính cái ngày vui vẻ đó sẽ làm gì? Đối với người đàn ông độc thân và một đứa trẻ côi cút, ngần ấy thời gian cũng đủ vẽ ra biết bao niềm hy vọng: Buổi sáng mình sẽ dắt con bé vào trong xóm ăn cơm với ông già Năm chủ tịch xã, ở đấy có nhiều cây trái và trẻ nhỏ. Ly tha hồ chơi. Lúc về, hai bác cháu sẽ dừng lại suối, tắm giặt rồi ngủ trưa dưới vườn đào lộn hột của nông trường. Hẳn bé Ly thích lắm. Nó sẽ được nhìn thấy những cỗ xe thổ mộ gõ lóc cóc trên đường. Con ngựa cắm túm lông ngũ sắc trên đầu bước đi đầy kiêu hãnh. Chùm lục lạc đeo dưới cổ lắc leng keng. Nó cũng sẽ được thấy những chuyến xe Lambro phóng vụt qua, cuốn theo làn bụi đỏ. Trên nóc xe, ngất nghểu những quang thúng, lồ sọt của đám dân buôn. Và các bà các cô đứng bám sau thùng xe áo đỏ, áo tím bay phất phới. Tuy chỉ cách vài cây số, nhưng con lộ lớn với các xóm dân là một thế giới khác biệt. Bé Ly kể với tôi rằng từ ngày tới đảo, má nó mới cho xuống huyện chơi một lần. Mà lần đó hai má con phải ngồi rơ-moóc chở thực phẩm của nông trường, hôi mùi cá mắm.
- Mình sẽ có một ngày thú vị. Miễn là kịp đem bé Ly trở lại nông trường trước khi mẹ nó ở huyện về...
Nhưng mọi tính toán của tôi đều sai lệch. Chưa tới ngày chủ nhật, tai ương đã xảy ra. Hôm đó là thứ sáu, sau buổi sáng tôi gặp bé Ly bảy mươi hai giờ. Đảo lặng gió, đến nỗi mới chưa đầy chín giờ mà không khí ngột ngạt như đang trưa. Trời cao chót vót không vẩn một gợn mây. Ngay cả những đám mây xốp thường đùn từ mạn biển phía đông lên tối ngày cũng tan biến. Mặt trời sáng đến nhúc mắt. Và cỏ cây ngùn ngụt bốc hơi. Đám cây dày đặc dưới khe nước, không một tiếng chim kêu, không mảy gió xao động. Trong những vũng nước còn lại của trận mưa hôm trước, những con nhái nhảy choanh choách. Chúng không sao thoát được cơn nóng hiếm hoi.
Tôi ngồi làm việc với Quắc và nhân viên tài vụ của nông trường. Còn Vọp đã đánh xe vào nhà chủ tịch Năm trong xóm để lấy ít hạt hoa cúc, hạt chè và cà phê ông già hứa cho tôi. Vọp đi từ sớm. Hẳn anh chàng la cà tán tỉnh đám con gái trong xóm hoặc tạt qua các vườn tiêu chơi nên chua thấy về. Càng ngày tôi càng yêu mến chàng trai đó. Trong cách cư xử của cậu ta vua có sự tinh khôn của một người hiểu biết lại vừa giữ được nét chất phác của những ai đã sinh ra và lớn lên dưới bóng lá của miệt vườn.
Anh chàng nhân viên tài vụ cùng Quắc đang chụm đầu trên những cột số dài đặc. Thỉnh thoảng lại kéo chiếc bàn tính cổ lỗ gảy tanh tách. Tôi đã mua máy tính điện tử nhưng anh chàng tài vụ này chưa học đươc cách sử dụng. Họ vẫn cứ làm việc như mấy anh thư ký riêng của nhà buôn thời Pháp. Ô cửa trước mặt nhìn thẳng ra sân. Và phía sân bên kia là con đường cát dẫn thẳng tới lộ. Ánh nắng trắng lóa khiến con đường uốn lượn như dải lụa bị gió lồng. Những búi cỏ ven sân rung rinh theo. Từng làn hơi trong suốt bốc lên cao rồi tan dần trên các ngọn soài, ngọn mít. Chợt một con bướm đen từ vùng cỏ tranh bay tới. Nó vượt qua đường, len giữa những vòm cây, đến khoảng trống giữa sân. Tôi choàng mắt nhìn. Đúng là con bướm tôi đã thấy vào buổi chiều từ xóm dân trở về. Chính nó đã lượn lờ trước mặt tôi hồi lâu trên đồi cỏ xước. Nơi tôi bắt gặp Huệ lai say rượu nằm lăn trong đám cỏ với vết thương còn rỉ máu. Giờ đây con vật không to lớn dị thường như bữa trước. Nhưng nó vẫn khác biệt những con bướm tôi gặp ngày ngày. Đôi cánh đen óng ánh tụ quanh một vòng hào quang hư ảo. Và khi con bướm lượn từ ngọn cây soài sang cây đu đủ hoặc bay vọt từ những bụi lóc tiên lên những bông hướng dương, quầng sáng hư ảo đó di động theo. Tôi nheo mắt lại: phía sau cánh bướm chập chờn, xuất hiện một chấm đen. Chấm đen trượt theo viền cỏ, kéo lê cái đuôi hồng của đất bụi. Tôi nhận ra chiếc Dép của nông trường. Vọp đã về. Nhưng cậu ta đùa giỡn với ai mà lái xe với tốc độ khủng khiếp như vậy? Tôi không kịp nghĩ, chiếc Dép đã cua một vòng gắt trước sân rồi dừng lại trong tiếng phanh nghiến ghê rợn. Cái tiếng động hốt hoảng ấy làm Quắc và nhân viên tài vụ buông bút ngẩng lên. Cửa xe vừa bật ra, Vọp đã nhảy xuống đất. Rồi không kịp đóng cửa, cậu chạy thẳng vào nơi chúng tôi ngồi:
- Chú Hưởng!
Ngay tiếng kêu đầu tiên của chàng trai, tôi đã thấy tim đập mạnh. Những phỏng đoán mù mờ cùng một lúc sổ tung ra như hàng trăm mối chỉ. Vọp đặt hai tay lên bàn. Tôi liếc thấy những dòng mồ hôi chảy nhễ nhại trên lớp da cháy nắng.
- Ngồi xuống cho bình tĩnh. Rồi hãy kể xem có chuyện gì? - Tôi bảo.
Nhưng Vọp không ngồi. Cậu ta cứ đứng như vậy và bắt đầu nói:
- Họ sắp sửa tới đây bây giờ, chú Hưởng à. Cả hai đội sản xuất, và còn có thêm một số người bên chăn nuôi nữa...
Quắc hỏi cắt ngang:
- Kéo tới làm gì? Biểu tình hả?
Vọp quay mặt đi:
- Cháu không biết!
Ánh mắt chàng trai ẩn giấu mối ác cảm và khinh thị. Nhưng Quắc không hiểu nổi điều đó. Anh đập tay xuống bàn quát:
- Nổi loạn à? Điện xuống huyện gọi công an lên tóm cổ chúng nó lại. Cho vô tù. Vào trong đó mà đếm rệp.
Mắt Quắc long lên. Hai gò má càng nhô cao hơn và gương mặt anh biểu thị quyền uy của một ông chúa đất. Thứ quyền uy sung mãn và u tối.
Khi ngẩng lên, tôi bắt gặp Vọp cùng đang nhìn Quắc. Trong cái nhìn của chàng trai có ngọn lửa thù hận lẫn niềm sung sướng hả hê. Dường như một chung cục bi thảm sẽ tới. Nó đang tới. Con thú tai ương từ cánh rừng đi xuống các ngọn đồi... Nhờ vào ánh mắt của Vọp mà tôi đoán định được một phần sự việc xảy ra. Tôi đứng lên lạnh lùng bảo Quắc:
- Tôi yêu cầu đồng chí im lặng. Người chỉ huy cao nhất ở đây là tôi. - Rồi tôi đặt bàn tay lên vai chàng trai - Cháu ngồi xuống. Và nói cho chú biết.
Vọp ngồi xuống ghế kể:
- Từ nhà ông già đi lui, cháu ghé qua các lò tiêu chưa được mươi phút nghe có người la: “Tư lao chết rồi! Tư lao bị đánh chết...”. Ai nấy đều bỏ việc chạy tới. Rồi những người tới đầu tiên lại chạy khắp các vườn kêu gọi. Cả khu đồi náo động, dân trong xóm qua lại với tổ chăn nuôi cũng xúm đến xem. Tư lao nằm dưới rạch tiêu mặt cắt không còn hột máu, cả tấm áo vải Lào huyết thổ đầm đìa. Hắn không nói được. Nhưng cậu Duệ cùng làm với Tư lao kể rằng mấy bữa nay hắn biếng ăn. Đội trưởng Phức không cho nghỉ nên lên tới vườn tiêu hắn đã thở như bò rống, mồ hôi vã ròng ròng. Lần nào cũng vậy, vừa đứng lên hắn lại tối tăm mặt mũi té xuống. Sau rốt hắn rục đầu dưới gốc tiêu mà ngủ. Ông Phức đi tua một vòng quay về la hắn nhác. Tư lao không trả lời chỉ giương mắt nhìn. Ông Phức nghĩ hắn dám láo với mình nên túm cổ áo dựng Tư lao dậy thoi cho một đấm. Sau cú đấm Tư lao rụng liền. Hắn ngã vùi xuống gốc tiêu, huyết thổ ra ồng ộc như suối tưới... Vọp khẽ rùng mình giơ tay che mắt - Cả cần cổ, cả ngực, và bụng hắn ướt nhẫy máu tươi...
Chắc hẳn cảnh tượng vừa chứng kiến còn làm chàng trai xúc động. Tôi rót nước đưa cho Vọp:
- Cháu uống nước rồi nói tiếp cho chú nghe.
Vọp nhìn chén trà tươi sóng sánh, đẩy sang một bên, kể tiếp:
- Tư lao xưa nay là đứa hiền lành nhất nông trường. Cả đời hắn không dám to tiếng với ai. Hắn bị lao truyền, quanh năm rúm ró như con gà mắc dịch. Quê hắn tận Biên Hòa. Cha chết trận từ năm hắn chưa đầy tuổi, còn mẹ lấy chồng sang tận Căm-pốt làm ăn. Bà bác bán cơm trong đất liền nuôi hắn cho đến ngày hắn xin ra đảo. - Chàng trai ngừng lại vài giây - Đám nông trường viên ở đây là dân tứ xứ, tốt xấu, lành dữ có đủ. Nhưng chưa ai nỡ một lần giơ tay đánh hắn. Kể cả cái thằng quỷ Bép xoăn...
Tôi đã hiểu sự tình. Vọp nói tiếp:
- Họ sẽ tới bây giờ chú à. Khi thấy Tư lao ngã, Phức bỏ chạy. Mọi người rượt đuổi không được sẽ kéo tới đây.
Chàng trai ngừng lời chưa được bao lâu, chúng tôi đã nghe tiếng chân chạy thình thịch. Rồi Phức nhảy qua cửa sổ vào. Mặt anh ta tái mét không còn chút sinh khí. Với màu da đỏ, sống mũi gãy càng lộ rõ. Chưa bao giờ tôi nhìn kỹ mặt Phức bằng lúc ấy. Nó giống hệt như mặt một tên ác ôn chúng tôi bắt dược. Cũng cặp mắt láo liên trắng dã. Cũng nỗi sợ hãi của con thú bị bẻ hết nanh. Cũng bóng tối bạc nhược rơi rớt lại khi cơn hung bạo đã no nê. Phút chốc, tôi thấy như chiến tranh chưa đi qua. Có lẽ nó không đi qua mà chỉ núp vào những ngõ sâu. Nó trú ngụ trong các tâm hồn cuồng dại.
Thấy tôi đứng im, chòng chọc nhìn vào mặt Phức, Quắc không giữ nổi bình tĩnh. Dẫu sao, Phức cũng là kẻ giúp việc đắc lực cho anh. Và chính nhờ anh mà hắn còn được giữ chức đội trưởng sản xuất lẫn đội phó đội tự vệ nông trường. Muốn hay không, Quắc cũng phải chịu trách nhiệm về hắn. Quắc đưa mắt nhìn tôi thăm dò. Thấy tôi im lặng, anh hỏi Phức:
- Thế nào?
Phức nhìn Quắc. Và trên gương mặt anh ta, tôi lại thấy vẻ quỵ lụy ghê tởm như bộ mặt của tên ác ôn khi y quỳ xuống ôm gối tôi xin tha tội chết.
- Dạ thưa…. Dạ... báo cáo đồng chí phó giám đốc, mấy thằng lưu manh lười nhác lắm. Chúng nó không chịu làm, không chịu thi hành mệnh lệnh sản xuất của đồng chí. Tôi đã cảnh cáo nhiều lần nhưng chúng không nghe. Dạ thưa… đồng chí, đối với lũ người vô kỷ luật đó cần thẳng tay trừng trị... Để... đảm bảo năng suất lao động, để xây dựng nông trường, để...
Phức còn lảm nhảm hồi lâu những điều anh ta đã học được như một con vẹt. Nhưng cặp mắt láo liên vẫn không ngừng liếc ra ngoài. Tôi cũng nghe thấy tiếng lao xao của đám đông ở xa. Chắc hẳn họ đi qua lối đồng tranh. Tiếng người nói đứt quãng. Những tiếng hét chốc lát lại ré lên. Vọp ra cửa nhìn rồi quay lại bảo:
- Họ tới đồng cỏ rồi chú à.
Tôi gật đầu.
Đang lảm nhảm nói, Phức chợt im bặt, anh ta nhìn quanh như để tìm nơi ẩn nấp. Nhưng văn phòng bốn bề trổ cửa, ngoài ra chỉ có mấy chiếc tủ lớn đựng công văn tài liệu, bộ bàn ghế, giường của tôi và Quắc cùng những thứ đồ sinh hoại lặt vặt khác. Biết moi đâu ra một chỗ kín đáo mà trốn bây giờ. Mắt Phức ngả sang màu chì. Anh ta nhìn ra ngoài. Bên ngoài, các vườn cây non chưa kết trái. Không một mô đất, không một bụi rậm. Khoảng sân rộng nắng chiếu trắng lóa như tráng thuỷ ngân. Còn phía sau các khu vườn lại là đồng vắng. Ở đó dù con thỏ chạy qua cũng không lọt được mắt đám người. Nhất là khi họ có non một chục cây súng trong tay.
Tôi lẳng lặng nhìn Phức. Mỗi lúc hắn mỗi cuống cuồng sợ hãi. Hệt như con gà nuốt phải bọ xít. Kể ra đối với tôi cái trò ấy không vui gì nhưng cũng đáng xem. Quắc thấy được sự ghẻ lạnh của tôi. Anh đứng đậy tới sát một bên hạ giọng:
- Anh Hưởng. Mọi chuyện chúng ta sẽ giải quyết nội bộ.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy anh nhún nhường. Không những thế anh còn nhìn tôi như nài nỉ. Dẫu sao Phức cũng thông minh. Hắn đã biết cách trói buộc Quắc vào với mình bằng sợi dây chắc nhất.
Đám đông đã tiến đến sân nông trường bộ. Tôi thấy họ qua khuôn cửa mở. Họ đã đi thẳng từ các vườn tiêu, các đội trồng thơm, trồng mì về. Người nào người nấy lấm lem đất bụi và lễ loại mỏ hòi. Giá ngày thường chắc tôi không chú ý nhiều lắm tới các gương mặt ấy. Nhưng vào khoảnh khắc họ bị nung nấu bởi ý chí hận thù, tôi chợt nhìn rõ những dấu vết đau khổ hằn lên. Những dấu vết không dễ xóa. Có lẽ chính điều đó khiến tôi đủ kiên trì chịu đựng cơn cuồng nộ của họ. Họ đã bao vây ngôi nhà, súng ống lăm lăm, la hét:
- Bắn bỏ thằng Phức!
- Giám đốc phải nộp mạng thằng Phức. Đem con chó độc đó ra đây bắn bỏ!
Tất cả các khuôn cửa đều lấp đầy bởi những bộ mặt thù hằn, đằng đằng sát khí và những ngọn súng. Hẳn là họ đã bàn bạc trước lúc đến nên phân bổ các tay súng thành nhóm một cách đều đặn. “Đấu tranh có tổ chức và kế hoạch” - Ý nghĩ đó khiến tôi muốn mỉm cười.
- Máu phải trả bằng máu.
- Đem thằng Phức ra cho chúng tôi...
Đám người vẫn gào thét bên ngoài. Có cả tiếng lên đạn lách cách nghe khô đanh. Lúc đó Quắc bỗng cau mày bảo tôi:
- Anh đứng im nghe chúng nó la hét đấy à? Để tôi gọi công an huyện.
Rồi anh nhào tới chụp ổ điện thoại. Tôi không kịp phản ứng nhưng một ý nghĩ vụt lóe lên: Tai họa! Bộ mặt Quắc đã trở lại vẻ chai sạn thường ngày. Anh cầm ống nghe, quai hàm bạnh ra tự mãn.
- Bỏ ra!
Tôi quát lên, nhoài người giật lấy chiếc ống nghe trong tay Quắc. Lúc đó đúng như tôi linh cảm một tiếng kêu ghê rợn xé không gian:
- Họ bán rẻ chúng ta cho nhà đá rồi. Anh em ơi, chỉ còn đường chết thôi.
Khi tiếng kêu vừa dứt, làn sóng lạnh buốt trùm phủ lên tất cả. Đám đông im lặng như hóa đá. Nhưng trăm nghìn cặp mắt dọi về phía chúng tôi. Chỉ cần bảng số điện thoại xoay tới vòng thứ hai là hết. Những họng súng sẽ nhả đạn. Những xác người đổ xuống. Và khi xe mô-tô ba bánh của công an huyện tới đây, chỉ còn lại những thây ma, những vũng máu khô quánh và lũ ruồi vo vc trong im lặng. Những kẻ sống sót sẽ bỏ chạy toán loạn khắp nơi hoặc trở thành phỉ trong rừng Bắc đảo hoặc chui nhủi ở xó xỉnh nào đó qua ngày, qua tháng, hoặc gặm móng tay trong tù… Trong giây phút, tất cả đều hiển hiện trước mắt tôi. Tôi bảo Quắc:
- Yêu cầu ngồi im. Tôi là giám đốc. Chính tôi sẽ giải quyết mọi việc.
Có lẽ vào lúc ấy tư chất người lính trong tôi đã lấn lướt và buộc Quắc phải khuất phục. Nhìn vào mặt anh, tôi chắc anh không hiểu những hành động của tôi. Nhưng anh đã ngồi xuống ghế, cúi gầm mặt, nhìn những viên sỏi trên nền nhà. Phức lùi vào xó tường, tay thu trước bụng. Chỉ còn Vọp là vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, trước chén nước trà đã nguội tanh, tôi hước ra cửa:
- Mọi người bình tĩnh. Nghe tôi nói!
Tôi bảo đám đông như vậy. Có lẽ, tôi sẽ tiếp tục giảng giải khuyên can họ. Nhưng tôi đã nhìn thấy Tư lao. Đám đông đặt cậu ta ngay trước thềm nhà. Tôi sực nhớ tới câu chuyện của Vọp kể về kẻ tội nghiệp đến mức nguy cả thằng quỉ Bép xoăn cũng không nỡ giơ tay đánh. Tư lao mới chỉ mười bảy, mười tám tuổi. Trên mép còn phủ lượt lông tơ. Gương mặt nhát nhúa và cam chịu. Ngay cả lúc nằm phơi dưới ánh nắng, ngay trước hàng trăm con mắt của mọi người, cậu bé vẫn có dáng vẻ nhát nhúa và cam chịu đó. Con người này như một thứ hoa mỏng mảnh, chỉ cần ngón tay đụng tới cũng đủ rơi cánh. Vầng trán tái mét còn lấm tấm mồ hôi. Trong khi máu nhuộm đỏ từ cằm xuống cổ, thấm đẫm ngực và một vạt áo vải Lào. Những sợi tóc người bệnh dính bết trên trán. Tôi cúi xuống vén những sợi tóc đó lên. Một hơi gió mơ hồ lướt qua cổ tay tôi. Cảm giác ấy gần như hư ảo. Nhưng tôi thử đưa cánh tay lần nữa. Và lần này hơi gió yếu ớt kia vẫn lướt trên da thịt. Hồ nghi, tôi nhìn cặp mi xanh tím của Tư lao. Không có chút dấu hiệu nào của sự sống còn tồn tại dưới hai vành mi cứng lạnh như đá. Nhưng linh cảm ở trong tôi dai dẳng hơn. Tôi nhổ một sợi tóc trên đầu mình, khẽ đặt trước mũi kẻ khốn khổ. Sợi tóc rung rinh tí chút, yên lặng, rồi lại đung đưa. Giờ đây nó đung đưa đều đặn.
Tôi đứng lên:
- Cậu bé này còn sống, hãy đưa về bệnh viện huyện ngay. Vọp đâu rồi?
Chàng lái xe từ trong nhà bước ra.
- Cháu đây. Cháu mang Tư lao lên huyện ngay bây giờ.
Nói xong Vọp quỳ xuống loay hoay tìm cách bế người bệnh. Lúc đó, một giọng đàn bà hét lên:
- Khoan! Chưa cần đưa Tư lao xuống huyện. Đem thằng Phức ra hỏi tội trước đã....
Đó là tiếng của Huệ lai. Người đàn bà đứng ngay hàng đầu tiên. Vì chú ý tới Tư lao tôi đã không nhận ra. Hôm nay cô ta mặc bộ bà ba đen, đầu đội mũ cói rộng vành. Hai cánh tay gồng cứng đơ trong thế tấn. Vọp đã kể rằng Huệ lai giỏi võ, có thể quật ngã dăm bảy gã đàn ông một cách ngon lành. Hẳn vì vậy và cả vì sự cứng cỏi trong tính cách mà giờ đây cô ta nghiễm nhiên thành thủ lĩnh của đám đông. Phía sau Huệ lai là võ sĩ Hai. Còn bên trái là gã Bép xoăn xấu xí. Đám thanh niên tự vệ nông trường đứng rải rác thành hàng rào. Tất cả bọn họ đều lắng nghe cô. Dường như Huệ là linh hồn của cơn phẫn nộ. Mắt long lanh thù hận cô ta nhìn xói vào mặt tôi và nói tiếp:
- Ông đừng đóng trò nhân đức. Chúng tôi chưa cần đưa Tư lao đi đâu hết. Hãy tóm cổ thằng Phức ra đây!
Hai gò má Huệ đỏ phừng phừng. Thật lạ, càng cáu giận, trông cô ta càng quyến rũ. Tôi nhìn người đàn bà với một tâm trạng êm dịu bình thản. Suốt thời gian xảy ra cơn tai biến đó tôi đã hoàn toàn bình thản, không mảy may giận dữ, không mảy may lo âu và run sợ. Bây giờ tôi nói với cô ta bằng một giọng nhẹ nhàng lẫn chút buồn rầu:
- Cô Huệ... Tại sao là đàn bà mà cô hung bạo thế? Cô thích giết kẻ này hơn là cứu sống người kia? Chẳng lẽ mạng sống của Tư lao đối với cô rẻ rúng thế sao?
Huệ lai thừ ra trong giây lát. Gương mặt cô ta đang đỏ ửng hồng trắng bệch như vôi. Sau đó, lấy lại bình tĩnh Huệ lai cười nhạt:
- Ông nói nghe ngon lành thiệt. Nhưng nếu tụi tôi đưa Tư lao đi, liệu ông có rình rập mà đánh tháo cho thằng Phức chạy thoát thân không?
Cái lối vặn vẹo của người đàn bà vừa khôn ngoan vừa dại khờ như con trẻ. Tôi nhìn cô ta đáp ôn tồn:
- Được rồi. Hãy bình tĩnh nghe tôi nói!
Mắt Huệ lai chớp lia lịa. Hình như cô ta đã đoán được ý nghĩ của tôi và điều đó khiến cô ta lại rơi vào trạng thái rối loạn:
- Tụi tôi không nói chuyện chánh trị. Ông hãy đem thằng Phức ra đây. - Bất chợt Huệ lai vung lay, thét lớn thật to khiến đám đông nhớn nhác. Rồi vài giọng hưởng ứng, dóng dả theo:
- Đúng rồi đó, ông giám đốc đưa thằng Phức ra đây!
- Chúng tôi yêu cầu nộp mạng thằng Phức!
Tuy nhiên, những tiếng nói phía sau nghe chừng không được rành mạch. Và cũng không còn hừng hực bốc lửa như trước. Bà thủ lĩnh bối rối. Sau khi hét lên một cách đột ngột như vậy, hai gò má trắng như đá của Huệ lai lại đỏ ửng lên. Cô ta không nhìn vào mặt tôi nữa mà nhìn chằm chằm vào khoảng tường trên khuôn cửa. Tôi vẫn nói ôn tồn:
- Đây không có chuyện chính trị, đây là chuyện giữa tôi với các anh các chị. Chúng ta cùng ăn một bếp, cùng cày xới một mảnh đất...
Huệ lai bĩu môi nói trổng:
- Trời đất, phỉnh ngon lành vậy nhưng cho tay chân thả sức đánh đập ức hiếp dân lành.
Tôi thấy làn mi đen trên cặp mắt người đàn bà máy động liên hồi. Hẳn cô ta đang cố gắng để lấy lại thế chủ động. Tôi hỏi đám đông:
- Ở đây ai có bằng cớ chứng tỏ đội trưởng Phức là tay chân của tôi?
Người nọ đưa mắt nhìn người kia. Không ai dám trả lời. Tôi biết mình bắt đầu thắng. Cả nông trường đã bàn tán việc tôi hạ lệnh bãi bỏ hình thức kỷ luật phạt quỳ. Ngay việc tôi định cách chức Phức nhưng Quắc giữ lại cũng không giấu được ai. Vì vậy Huệ lai thất thế.
Mặt cô ta đỏ gay gắt như say rượu. Không chỉ có hai gò má mà cả trán, cả cằm cho đến từng chân tóc cũng bị nỗi hổ thẹn hơ lửa nóng. Hẳn người đàn bà ý thức được vai trò thủ lĩnh của mình nên cô ta bị đẩy vào nỗi bối rối, bức bách. Cô ta ngước nhìn tôi một thoáng rồi cúi xuống ngay. Tôi bỗng thấy thương Huệ lai. Nhưng tôi vẫn phải nói một cách nghiêm trang và quyết liệt.
- Ở đây không có ai là tay chân tôi cả. Trước mắt tôi, tất cả các anh và anh Phức như nhau. Ai có hành động sai trái người đó phải chịu. Còn tôi, tôi đã có điều gì sai trái với mọi người?
Đám đông lặng tờ cúi đầu xuống. Tôi nhìn rõ ngón chân họ sục đất xoay thành những lỗ tròn. Những giọt mồ hôi lăn từ chân tóc xuống cằm rồi từ cằm xuống ngực. Bóng những vành nón phân cắt gương mặt họ thành hai phần. Và những cặp mắt lấp trong bóng râm kéo sụp vành mi xuống một cách bẽn lẽn... Huệ lai nhìn quanh, có lẽ cô ta thấy con thú dữ trong đám đông bắt đầu lười biếng khép mắt lại. Có lẽ cô cũng thấy sự thảm bại sẽ tới. Đôi mắt đẹp của người đàn bà loáng vụt lên những tia sáng. Cô ta bước lên một bước rồi quay lại đám đông kêu gọi:
- Anh em! Ông giám đốc khéo bày vẽ chuyện mình để tránh tội cho thằng Phức. Lâu nay có trù úm ức hiếp mọi người. Bây giờ đừng nói chính trị lôi thôi. Cứ lôi thằng Phức ra đây xử theo luật đời. Bắn bể sọ thằng chó đẻ đó ra rửa hận!
Quả là người đàn bà đó có năng khiếu để làm thủ lĩnh. Lời nói của cô ta giống như con mòng chích vào hông con bò khiến con vật sắp lơ mơ ngủ nhảy chồm dậy. Những cặp mắt bẽn lẽn nấp dưới bóng vành mũ đều ngước lên nảy lửa. Những gương mặt đờ đẫn vì phân vân suy ngẫm bỗng rắn đanh lại, đằng đằng sát khí. Mặt trời đang trưa chiếu hừng hực. Thứ ánh sáng đó lại hun thêm cơn giận dữ cuồng bạo của đám người:
- Đúng rồi không nói chuyện. Đem thằng Phức ra đây.
- Bắn bể sợ thằng khốn quen áp chế dân chúng.
Tiếng la ó của họ chồng lên nhau dữ tợn, lộn xộn. Một người khác hẳn sẽ mất hết trí khôn và sự bình tĩnh trong tình cảnh ấy. Nhưng tôi thấy mình bình thản, khoan hòa. Có lẽ vì những chấn động khủng khiếp của chiến tranh đã làm tôi chai lỳ không còn biết sợ hãi và tức giận trong các cảnh huống khác. Có lẽ vì đám đông đang cuồng nộ kia gợi cho tôi lòng thương xót nhiều hơn là tức giận. Có lẽ vì họ chỉ là những hình ảnh phía sau Huệ lai. Giờ đây, tôi vẫn yêu người đàn bà ấy. Tôi vẫn thấy ân hận vì lỗi lầm của mình vì sự nhục mạ của Quắc đối với cô.
Người đàn bà đang nhìn tôi đăm đăm. Đôi mắt rực lên dưới viền mi đen thẫm. Những tia sáng đắc thắng rung rinh. Cả mặt trời lẫn những vòm lá cùng phản chiếu trong đôi mắt ấy. Chưa bao giờ tôi thấy mắt Huệ lai đẹp thế. Nó bùng cháy ngọn lửa phản kháng của tâm hồn bị chà đạp. Nó rực lên niềm kiêu hãnh thơ ngây.
Thấy tôi im lặng, Huệ lai nhếch mép cười:
- Sao? Ông trả lời tụi tôi đi chớ? Hay ông còn lo kiếm bài bản nào khác để phủ dụ đám dân chó má này?
Giọng lưỡi cô ta mài nhọn căm uất và cái nhìn ngạo nghễ chứng tỏ nước cờ đã thay đổi. Cô ta đang nắm phần ưu thế trong tay. Lúc đó, tôi chẳng cay cú cũng không hề bối rối. Tôi tính cách rút chân khỏi tình thế này. Đám người hằm hằm nhìn tôi chờ đợi. Những tay súng tự vệ lâu nay bị Phức quát nạt giờ lên súng rôm rốp chĩa về phía cửa. Tuy họ đã tránh tôi và Vọp ra nhưng tôi biết những họng súng đó không chỉ nhằm vào một mình Phức. Chỉ cần một tín hiệu nhỏ tất cả những họng súng sẽ nhả đạn, và hai người ngồi trong nhà biến thành những tấm bia. Vọp đưa mắt nhìn tôi thay cho câu hỏi. Tôi không đáp lời. Tôi nghĩ đến những đứa con của Quắc, đến người vợ quặt quẹo đau ốm của anh ta. Tôi hình dung lại cái lưng gù gù của anh ta đêm nào ngồi đánh trứng… Và con người đó bỗng phơi bày trước mắt tôi trần trụi như một trái đồi hoang, đất cằn cỏ lụi, không bóng mát cho ta trú náu, không bông hoa quyến rũ gọi mời. Tôi thấy ba cái đầu bé nhỏ chít khăn tang. Và lòng tôi bỏng rát...
Bước lên một bước, xáp gần những kẻ sừng sỏ nhất trong đám đông, nhìn vào mắt từng người tôi nói chậm rãi:
- Phức có súng.
Không hiểu sao lúc ấy tôi mới nhớ tới cử chỉ lạ lùng của Phức. Hắn cứ thu bàn tay trước bụng khư khư. Và thần may mắn đã bảo cho tôi biết đó là cây súng ngắn tối tân mà Phức luôn luôn mang trong mình. Một lý do thật chính xác để thuyết phục những tay súng khác.
Tôi nhắc lại lần nữa vì đám đông bắt đầu bị cuốn hút:
- Phức có súng. Nếu các anh bắn chết anh ta thì ít nhất anh ta cũng bắn đổ dăm bảy mạng người trong số các anh. Anh Phức không hiểu được sai lầm của mình mà các anh thì mắc thêm sai lầm mới. Anh ta không tốt lên được còn các anh lại xấu đi. Và cả hai bên đều sẽ chết. Có ích gì?
Tôi ngừng lại vì thấy đám người cúi đầu ngẫm nghĩ. Ai chẳng biết suy tính một khi cơn điên cuồng đã dịu đi? Những vành mũ lấp một nửa bóng râm trên các khuôn mặt đen đủi. Và bàn tay lấm lem của họ buông thõng bên đùi. Rồi ai đó cất tiếng:
- Nhưng thằng Phức làm phách quá xá. Vậy ông lãnh đạo bao che cho hắn ức hiếp tụi tôi.
Tôi không nhìn rõ mặt người đàn ông vừa lên liếng. Nhưng giọng diệu của anh ta chứng tỏ đó là tấm rào chắn cuối cùng. Tôi lắc đầu đáp:
- Điều đó không đúng. Trong chế độ này mọi người đều bình đẳng. Tôi, giám đốc nông trường, người nắm quyền cao nhất ở đây, cũng không thể ức hiếp các anh. Anh Phức sai lầm. Tôi sẽ có biện pháp cứng rắn hơn.
Không gian im ắng. Nghe rõ tiếng mấy con tò vò bay vo ve quanh cậy cột rui nhà. Trời nắng đến nhức mắt. Những làn hơi bốc lên không ngừng từ mặt đất còn sũng nước của trận mưa chiều qua. Tôi bỗng thấy ngây ngất vì hơi nóng và cả vì những làn phản quang không ngừng rọi tới. Đám người vẫn đứng yên lặng trước mặt tôi. Chắc hẳn họ đã chùng gân cốt. Giờ đây, người ta cần một cốc nước mát, một bữa cơm và một giấc ngủ để nguôi đi cảm giác căng thẳng mệt mỏi sau những khoảnh khắc hủy hoại của cơn cuồng nộ. Nhưng họ đã trót giương những nòng súng lên, họ đã trót leo lên vũ đài. Bao giờ bước lên vũ đài cũng dễ dàng hơn là rút xuống. Cần phải giúp họ:
- Bây giờ tất cả các anh hãy hạ vũ khí xuống. Nhà nước trao vũ khí cho chúng ta để tiêu diệt kẻ thù bảo vệ thành quả của cách mạng chứ không phải đe sát phạt lẫn nhau.
Từ nãy Huệ lai vẫn đứng yên lặng chờ. Tôi vừa nói tới đó cô ta chợt kêu lên:
- Đùng tin. Nộp súng là họ tống vô nhà đá. Hết đường cựa.
Đám người sửng sốt nhìn tôi. Mắt họ vằn lên những tia máu nghi kị và đau đớn. Tôi nhìn thẳng vào người đàn bà. Nhưng cô ta đã quay sang thì thào với Bép xoăn:
- Đừng có khờ mà tin ba thằng cha Cộng sản. Nó thịt mình liền...
Gà béo đần độn liền chộp cây súng trong tay một cậu tự vệ đứng gần gã:
- Vậy thì lia cho lão ấy một băng.
Nháy mắt, gã móc tay vào cò súng. Chưa đủ thời gian một con bướm vỗ cánh bay. Bằng phản xạ tinh nhạy của người lính, tôi đẩy Vọp ngã chúi xuống. Viên đạn găm vào cánh tay tôi, thay vì lồng ngực săn chắc của chàng trai. Đám người đứng lặng, giương mắt nhìn tôi. Bấy giờ, tôi không cảm thấy đau đớn. Dòng máu nóng hôi hổi bò qua cùi tay, nhỏ xuống nền đất. Nhưng tôi vẫn cử động được bình thường vì vết thương phần mềm. Vả chăng, lúc ấy tình thế buộc tôi phải bình tĩnh: “Điều quan trọng nhất là không được rời bỏ mục tiêu”. Bằng kinh nghiệm, tôi hiểu rằng chỉ cần tỏ ra nao núng chút ít, hoảng hốt chút ít, là mọi sự sẽ đổ vỡ. Và sự thắng bại của con người đôi khi cách nhau chỉ một sợi tơ. Máu vẫn cứ nhỏ đều, đã thành vũng trên nền đất rắn. Tôi quên nó đi, tiếp tục nhìn đám đông nói lạnh lùng:
- Tất cả hạ súng! Tôi sẽ thu súng anh Phức trước rồi thu súng các anh sau.
Có lẽ thái độ bình thản của tôi đã biến tôi trở thành một người anh hùng trước mắt họ. Như bị thôi miên, hơn một chục tay súng vây thành một hàng rào hạ xuống. Tiếng lách cách khua bầu không khí im ắng nặng nề. Tôi không hề liếc qua mặt đám người vừa buông súng với thái độ khiếp sợ và nghi ngại, quay lưng bước vào nhà. Phức vẫn ngồi bên Quắc, tay giấu dưới vạt áo sơ mi, mắt ngước nhìn tôi dè chừng. Hai chân anh ta thu dưới đất như sẵn sàng nhún một bước lấy đà để nhảy vọt qua cửa sổ, biến vào đồi cỏ tranh. Bỗng dưng, tôi hình dung anh ta dưới hình dạng của con chồn. Một con chồn tinh ranh đã hóa thành người nhưng vẫn mang lòng ruột của loài thú rừng sâu. Tôi bảo:
- Anh nghe tôi nói chưa? Anh không có quyền sử dụng súng trong lúc này.
Phức rúm người lại:
- Để ông nộp mạng tôi cho mấy thằng lưu manh sao?
Tôi mỉm cười:
- Đừng run rẩy lên như thế. Ngoài kia có hơn mười cây súng. Nếu tôi không đứng ra bảo vệ, anh đã bị nghiền thành cám.
Phức đảo mắt nhìn bên ngoài rồi lại cúi xuống. Nhìn từ trên xuống, mặt Phức ngắn và nhọn, vừa láu lỉnh độc ác lại vừa có những nét ngu độn. Tôi cao giọng bảo anh ta:
- Muốn đảm bảo cho tính mạng anh và không khí hòa hảo trong nông trường, tôi yêu cầu anh nộp ngay súng.
Phức cúi thấp hơn nữa cái gáy dẹt. Tôi nhìn vào đó và nảy ra một ý nghĩ lạ lùng: Nếu ta chỉ nhìn vào gáy, tất thảy mọi người đều bình dị và lương thiện như nhau, một tên đao phủ và một kẻ tu hành, cả Hít-le lẫn thánh Găng-đi. Phức im lặng một lát rồi móc khẩu súng khỏi lưng quần đặt lên bàn ngay sát cạnh tôi. Khẩu súng ngắn của anh ta không thể trộn lẫn với bất kỳ khẩu súng nào khác. Nơi hộp đạn có treo đám đồ trang sức: một chiếc mỏ neo bằng đồng đánh bóng, một bông hồng tết bằng sợi ni-lông, một trái tim bằng nhựa đổ. Tất cả được cột chung vào một vòng khóa bạc và buộc sợi dây chuyền. Tôi cầm khẩu súng của Phức ra ngoài cửa, trước những cặp mắt riết róng của đám đông. Sát vách có một chiếc bàn gỗ thô chưa đánh véc-ni kê tạm làm nơi úp mũ nón. Tôi đặt khẩu súng của Phức lên đó một cách lặng lẽ. Rồi tôi lùi lại vài bước nhìn mọi người. Tang vật mạnh hơn lời nói. Từng người một sau khi nhìn rõ khẩu súng với đám đồ trang sức lòe loẹt kia liền xách súng ngoan ngoãn đặt lên bàn. Từ người đầu tiên cho tới người cuối cùng chẳng một lời ồn ào bàn tán. Không khí bỗng dưng trang nghiêm như không khí của một buổi mặc niệm. Đống vũ khí trên chiếc bàn gỗ mộc cứ đầy lên.
- Thưa chú hết rồi đó.
Vọp nói với tôi khi chàng tự vệ thứ mười lăm nộp cây súng thứ mười lăm. Thấy tôi im lặng Vọp nói tiếp:
- Chú băng vết thương đi. Mọi chuyện ổn rồi.
Bây giờ tôi mới có cảm giác đau đớn nơi thớ thịt bị xé rách. Vì tay cử động được, tôi biết xương còn nguyên vẹn. Đạn chỉ vào phần mềm. Nhưng vết thương cũng khá sâu nên máu chảy mãi. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng, chưa tới lúc mình được phép lo cho bản thân. Ván cờ chưa thể kết thúc vội vã như thế. Đám đông đứng nhấp nhô quanh nhà. Tấm thân đẫm máu của người bệnh còn nằm phơi dưới ánh trời. Mà thứ mặt trời gay gắt dễ làm cho con người bước từ cơn cuồng nộ đến trạng thái mệt mỏi lười biếng và quên lãng. Họ không được phép quên lãng... Tôi gạt chàng trai sang một bên nói:
- Trong thời gian gây chuyện cãi vã với tôi, cậu Tư lao có thể chết oan uổng. Và các anh chị sẽ hối hận mãi mãi vì chuyện đó. Nếu có một trái tim, nếu là một con người...
Đám đông đứng rũ xuống như những tàu lá héo. Nhất là Huệ lai. Gương mặt kiêu hãnh và hiếu thắng của người đàn bà giờ đây chỉ còn lại vẻ bồn chồn mỏi mệt. Hẳn cô ta biết trong những lời lẽ tôi nói có nửa phần riêng ám chỉ mình. Hàng mi dày sập xuống che đôi mắt long lanh. Những giọt mồ hôi lăn tăn đọng trên cánh mũi. Cô ta sẽ khóc chăng? Tôi tự hỏi. Và bỗng nhiên tôi mong muốn nhìn thấy người đàn bà đó khóc, rồi gằn giọng nói tiếp:
- Tôi mong rằng các anh các chị sẽ ghi nhận bài học ngày hôm nay. Phản kháng lại thói áp bức là đúng, những để lòng thù hận lôi kéo đến mất trí khôn bước qua tình thương và lòng nhân ái là sai lạc. Bây giờ cử người đưa ngay Tư lao đến bệnh viện huyện. Còn các đội trưởng dẫn quân về tiếp tục công việc.
Hai thanh niên lực lưỡng xốc Tư lao lên xe. Còn những người khác lục tục kéo nhau về lán. Vọp nói với tôi:
- Chú xuống viện luôn đi.
Cậu bé cho xe nổ máy xăng xái lấy mũ, lấy cặp mang lên trước. Tôi đứng lại dưới hiên. Khoảnh khắc đó tôi chờ đợi người đàn bà. Tự nhiên cô ta cũng đưa mắt nhìn tôi. Huệ lai không khóc. Cô ta cứng rắn hơn là tôi tưởng. Trong đôi mắt mênh mông ấy, tôi không đọc được điều gì. Nó chói sáng như hai vì sao. Có lẽ vì mất máu tôi thấy người choáng váng. Tôi lảo đảo bước lên xe vừa lúc Vọp vội vàng giơ tay đỡ. Chiếc ghế da phơi nắng quá lâu bỏng rát lên khiến tôi thấy như mình ngồi trên lò than. Nhưng ngay cả cảm giác ấy đối với tôi cũng lơ mơ. Tôi gục xuống tấm chắn phía trước chỗ ngồi. Thấy mặt trời rọi vào da thịt mình một thứ ánh nắng chói chang tàn nhẫn, thấy buồn đến nỗi nước mắt muốn ràn rụa qua mi:
- Cô ta tàn nhẫn quá. Con người này tàn nhẫn quá...
Xe cua một vòng quanh sân nông trường rồi rẽ ra đường chính. Gió lướt ào ào bên tai. Qua làn nước mỏng chập chờn tôi thấy những mái lán, những vườn cây, những bờ cỏ trôi vút về phía sau. Cảm giác ấy giống như lần đầu tiên bị thương. Hai chiến sĩ khiêng tôi trở lại trạm phẫu vùng trung tuyến. Nhưng bây giờ nó diễn ra với tốc độ mãnh liệt hơn. “Cô ta không hề nhỏ một giọt nước mắt. Cô ta tàn nhẫn quá”. Tôi ôm lấy cánh tay bị thương máu đã khô quánh trên làn vải. Và tôi chợt thấy tôi đã yêu người đàn bà đó đến nỗi sự dửng dưng của cô ta khiến tôi đau đớn, bơ vơ như một đứa bé bị ruồng rẫy. Một đứa bé yếu ớt gục mái tóc điểm bạc lên tấm chắn xe mà vụng trộm khóc thầm.
Vết thương của tôi không có gì nguy hiểm. Người ta yêu cầu nằm lại viện chừng mười hôm nhưng tôi kiên quyết trở về. Từ nhỏ tôi đã ghét bệnh viện. Tất cả những khu nhà mang dấu thập đỏ phía trước đều gợi cho tôi cảm giác sợ hãi bí ẩn. Những bệnh nhân mặc bộ quần áo trắng có in số hiệu làm tôi liên tưởng đến những người tù. Những tù nhân của bệnh tật. Hình ảnh họ in trong óc não tôi dấu ấn của tai họa, của sự rủi ro không thể tránh né. Bởi thế trong chiến tranh khi nào bước được vững trên đôi chân là tôi tìm cách rời bỏ bệnh viện trở lại tiền duyên. Còn giờ đây nằm trong bốn bức tường, ngửi mùi phê-nôn và nghe những tiếng kêu rên than vãn đối với tôi là một hình phạt. Cử người ở lại chăm sóc Tư lao xong, tôi gọi điện cho Vọp tới đón mình. Dẫu sao tôi cũng không thể giao toàn bộ công việc cho Quắc. Nhất là khi cơn tai biến còn nóng hổi sau lưng. Tính cách Quắc hầu như bất biến. Ngay lúc lên viện báo cáo tình hình công việc với tôi, anh ta đã lại mang bộ mặt chai sạn lì lợm, ẩn giấu một ý thức tự thị đáng kinh hoàng. Nhìn anh tôi bị ám ảnh bởi cặp cánh đen của con bướm tai ương. Giống như bóng đêm nó trùm lên những giấc mơ chập chờn của tôi nỗi lo âu dài dặc. Cô văn thư ở nông trường báo cho tôi qua điện thoại rằng Vọp đã đi lấy thực phẩm cách đây ba giờ. Chừng nửa giờ nữa xe về cô ta sẽ bảo chàng lái đi đón tôi ngay. Trong thời gian đó, tôi lững thững rời bệnh viện ra chợ. Mặc dù qua lại thị trấn luôn luôn nhưng chưa lần nào tôi rảnh rỗi vào chợ được lâu lâu. Lần thì gấp về vì công việc, lần lại bận đưa bé Ly vào tiệm ăn kem hoặc mua kẹo. Tôi vẫn nghe người qua lại trầm trồ nhắc nhở khu chợ này. Cho dù khách tha phương là công tử bột hay dân buôn, người thành phố hay dân miệt đồng, trẻ trai hay già lão cũng vậy... Giống như các chợ vùng biển, chợ này nằm sát bến cá, có thể bốc dỡ dễ dàng những thuyền cá còn tươi ròng nước biển. Bến cá thông với một dòng sông nước mặn. Khi thủy triều rút, sông xanh như lá rừng vì các nguồn suối đổ về hòa tan lớp muối bùn đen quánh nơi cửa sông. Thủy triều lên, con sông trở lại nhơ nhớp, đen như mực Tàu. Bùn tanh bốc lên cùng mùi rác rến, mùi hoen rỉ của các sà-lan, các thuyền máy ăn gió mặn. Để đánh bạt thứ mùi đó các quán ăn hai bên bờ sông thi nhau nướng khô mực, khô cá thiều, thịt lợn ướp tiêu xanh, thịt bò trộn ớt sả... Hai dãy quán ăn đó chỉ chiếm một phần ba chợ nhưng lại thâu tóm linh hồn của cả khu chợ. Bất kì người nào tới đây, dù giàu nứt đố đổ vách hay nghèo xơ rơ cũng đều mài đũng quần trên những chiếc ghế thấp, to thù lù, nhẵn bỏng vì mồ hôi người. Dân bán cá, dân bán hồ tiêu, dân buôn đồ la-ghim, dân bán dầu cù là, tăm ngoáy tai, hộp đựng vôi ăn trầu... từ trong đất liền ra. Dân làm và buôn nước mắm. Người trồng thơm, trồng mì trên vùng núi Bắc đảo và cả khách tha phương ghé tới… tất thảy đều túm tụm quanh chiếc chảo gang lớn, lò lửa cháy bùng bùng bên dưới, mỡ xèo xèo và những chiếc bàn sản bóng loáng múa qua đảo lại nhoang nhoáng như làm xiếc. Ở đây, người ta không ăn ban đêm như ở trong đất liền mà ăn ban ngày. Và khách có thể ngồi từ lúc mặt trời mọc cho tới hoàng hôn. Ở đây, người ta hóng đón mọi tin tức từ đất liền đem ra, khảo giá phân cá, phân hóa học, xăng nhớt, chạy máy, bò sữa, bò nuôi. Ở đây, người ta có thể được nghe nhiều câu chuyện ly kỳ cho thỏa những chuỗi ngày cặm cụi giữa vườn tiêu, vườn mì hoặc phai lưng giữa biển. Nào là chuyện một thằng gù ngớ ngẩn nhảy tàu theo người khác vượt biển sang Ca-na-đa, giờ trở thành triệu phú. Y gửi về tấm hình chụp y đứng giữa hai chiếc ô tô. Nào là chuyện ở Châu Đốc người ta tìm được một tên ác ôn giả làm sư trong chùa. Tên này trước đây đã giết một trăm linh ba cán bộ Cách mạng xâu một trăm linh ba cái tai phơi khô bằng một sợi dây thép. Hắn cũng tự nhận là ăn ngót sáu mươi bộ gan người nên có sức khỏe phi thường như Hạng Võ. Nào là chuyện mấy cô gái Thái Bình, Hưng Yên vô trong này vỡ đất làm lúa, cô nào cô nấy mập mạp như khúc giò, ăn bận kỳ hết chỗ nói...
Tôi lắng nghe tất cả những thứ chuyện trên trời dưới biển ấy, dạo quanh các dãy quán. Tiếng chào mời của các cô bán hàng ríu rít như tiếng chim. Màu áo họ mặc cũng chói chang như những loài hoa dại. Chợt tôi nhận ra tiếng còi xe quen thuộc của chiếc Dép ngoài đường. Lách đám người, tôi rẽ về phía xe đó. Vọp đang nhớn nhác chạy theo một cô gái nào đó đưa cho cô ta chiếc túi. Thấy tôi, cậu vội dúi nó vào tay người con gái kia rồi hấp tấp quay lại:
- Chú Hưởng, chú lành chưa?
Tôi gật đầu:
- Ít nhất cũng ngồi được lên chiếc Dép cà khổ của cậu. Cô bạn mới nào thế?
Chàng trai sửng sốt:
- Đâu có? Đó là... - tới đây, cậu ta dừng lại, nhảy lên ghế ngồi nổ máy và bảo tôi: - Về thôi chú. Trời nắng quá mà.
Mắt chàng trai nhìn tôi ẩn chứa một hàm ý nào đó mà tôi không đoán ra. Suốt dọc đường về Vọp không chuyện trò ròn rã như mọi bận, chỉ huýt sáo mãi một giai điệu quen thuộc. Chúng tôi phải dừng lại bên một cây cầu mất nửa giờ vì sặc xăng. Khi về tới nông trường trời vừa đứng nắng. Tất cả các dãy nhà im phắc. Đám bà già con nít đang ngủ trưa. Còn hầu hết các đội sản xuất đi làm ở các lô tiêu xa nên mang võng ngủ trưa tại chỗ. Đón tôi chỉ có mấy nhân viên hành chính và một cô cấp dưỡng dưới bếp ăn lên. Họ đang đánh bài để chống đỡ cơn buồn mệt mỏi:
- Chú Hưởng, chú về muộn chút nữa tụi cháu ngả mâm cơm phần ra ăn mất. Thứ gió này đói bụng thấy ông nội luôn.
- Vắng chú buồn quá hà. Khu văn phòng lảng vào trong xóm dân chơi hết. Mỗi một thiếu tướng Quắc giữ mấy cây đèn thôi.
Đám nhân viên văn phòng vốn sợ Quắc. Họ lén phong cho anh chức thiếu tướng để châm biếm vì vẻ uy quyền khe khắt của anh. Tôi mỉm cười lảng sang chuyện khác. Cô cấp dưỡng lật chiếc lồng bàn nhựa, đặt mâm cơm trước mặt tôi. Đúng là một bữa cỗ sang trọng ở vùng đất hẻo lánh này. Từ gà luộc chặt miếng, gà xé phay tới chả rán, chả kẹp đều có đủ. Duy có điều đáng tiếc là món nào món nấy nguội tanh. Chúng tôi vừa ăn uống vừa tán dóc hồi lâu. Mãi tới hai giờ chiều mọi người mới rủ nhau về.
Buồn, vắng lặng, tôi chợt nhớ tới đất liền. Cái thánh phố biển mà tôi đã sống trong một thời gian quá ngắn ngủi. Những dãy nhà dưới nắng. Những khu vườn kín đáo có hàng rào quét vôi chạy quanh và có những vòm hoa chìa ra đường rắc bóng râm lên đầu khách hộ hành. Tiếng xe lôi chạy lọc xọc xen lẫn tiếng còi ô-tô và hon-da. Tiếng lục lạc reo dưới cổ chú ngựa kéo xe thổ mộ. Giá tôi cứ nhận công việc ở Ban khai hoang cũng được. Đó là khả năng thứ hai mà người ta đã nêu ra. Dẫu sao tôi cũng sẽ có một thành phố nhiều kỳ thú. Tuy khu chợ ồn ào, mùi bùn thối rữa từ các bến sông tanh sặc cá chết bốc lên tối ngày nhưng cuộc sống vui nhộn liên tục. Cuộc sống ấy thích hợp với một người đàn ông lẻ loi như tôi. Thiếu một bát cháo nóng, một tô phở, một cây kem chỉ cần lên tiếng gọi là có. Muốn xem phim, xem hát chỉ cần tốn vài ba đồng là thỏa mãn ngay. Và trong đám đông của thành phố biết đâu tôi chẳng gặp được một người đàn bà có khả năng yêu thương mình? Nhưng tôi đã lãnh nhiệm vụ ra đảo một cách nhiệt nồng và đơn giản quá. Tôi chưa kịp suy tính... Nằm nghĩ lan man mãi tới chiều, nghe tiếng Quắc tôi nhỏm dậy:
- Thế nào, thuận buồm xuôi gió chứ? - Tôi hỏi anh với nỗi vui mừng của một kẻ đồng sự vừa xa cách và niềm sung sướng của một người đàn ông muốn chạy thoát sự cô đơn đang ám ảnh mình.
Nhưng Quắc đáp lại bằng cái giọng chủng chẳng:
- Thường thường.
Tôi tưởng anh có điều gi đó giận dỗi nên nói:
- Mình sốt ruột quá mà chẳng sao báo tin cho cậu được. Sáng gọi điện thoại về chỉ gặp văn thư. Cô ấy nói cậu đã lên vườn tiêu từ sớm.
Quắc lẳng lặng cởi áo, rút khăn lau mồ hôi. Tôi hỏi liếp:
- Công việc ra sao rồi?
Người bạn đồng sự hất hàm:
- Đó. Vô số thứ còn chờ anh.
Nói xong Quắc cầm chậu thau xuống khe rửa ráy. Tôi nhìn chồng công văn, thư từ đặt dưới hòn đá chặn bỗng thấy ngao ngán.
Có lẽ mình đã lầm. Thật sự lầm...
Tôi tự nghĩ. Trên mái nhà chiếc làn nhựa treo tòng teng bị gió lắc. Làn bánh soài Quắc vừa đổ trong thời gian tôi nằm viện. Anh ta đã chuẩn bị cho kỳ nghĩ phép sắp tới.
- Một con người kỳ quặc. Giống như một chiếc hòm. Bên trong nó có thể chứa đựng rất nhiều thứ nhưng cũng có thể không chứa đựng gì hơn ít bụi mốc. Nhưng dù có hay không, sống với một cái hòm cũng thật khổ tâm.
Quắc đi từ khe nước lên, cất cái chậu thau vào góc nhà. Anh lục túi tìm ra chiếc lược cẩn thận chải tóc trước một mảnh gương vỡ. Bếp ăn bưng cơm lên. Đồng thời tiếng kẻng chiều cũng vang lên từng hồi dóng dả. Tôi bảo Quắc là ngang dạ không muốn ăn cơm nữa. Rồi tôi lấy võng ra sau vườn. Ở đó có hai cây soài đứng cách nhau vừa đủ tầm mắc một chiếc võng. Vòm lá tươi xanh thơm hăng hắc mùi nhựa lẫn mùi nắng rất dễ chịu. Tôi nằm, ngắm những đốm nắng cuối cùng của hoàng hôn in trên ngọn cây. Rồi trời tối mịt. Những con dơi bay chập choạng trong bóng đêm tìm muỗi. Lác đác đã có những vì sao hiện lên cùng với sao Hôm. Gió từ dưới khe nước thổi tới xua làn khí nóng còn lưu lại. Không gian dần êm dịu và mát mẻ hơn. Tôi lơ mơ ngủ.
Lát sau, chợt có bàn tay ai đặt nhẹ trên lớp băng cuộn vết thương. Bàn tay mơ hồ lướt trên cánh tay tôi, biến mất trong khoảnh khắc rồi lại máy động trên lớp vải áo. Tôi choàng mắt dậy:
- Cô Huệ!
Không hiểu sao bằng linh cảm tôi đã gọi đúng tên người đàn bà ấy. Cô chỉ là một cái bóng kề sát bên tôi, trong khoảng tối thẫm của khu vườn. Gọi xong, tim tôi đập thình thịch vì hồi hộp và vì sợ lầm lạc. Người đàn bà đứng lặng hồi lâu, rồi cô cất tiếng:
- Vết thương của ông đã lành chưa?
Đúng là tiếng nói của cô, không thể trộn lẫn bất kỳ tiếng ai khác. Một giọng nói nhiều biến đổi, lúc bổng lúc trầm, lúc trong như nước mưa, lúc rối ren như cỏ rậm. Người tôi chợt nóng ra vì vui mừng. Chính tôi cũng không hiểu tại sao mình lại sung sướng như đứa bé được nhận quà. Tôi đáp:
- Sắp lành rồi. Chỉ vài ngày nữa thôi.
Nói xong tôi im bặt chờ đợi tiếng người đàn bà. Mắt đã quen với bóng tối, tôi nhìn rõ dáng hình cô: cả đường nét cơ thể, cả gò trán bướng, cả những lọn tóc buông xuống bên vai, cả mùi hương riêng biệt khó gọi được tên. Huệ lai đứng im lặng như lẫn vào cây vườn. Tôi chờ mãi đâm hốt hoảng “Sao bỗng dưng cô ta im bặt thế nhỉ?”. Tôi tự hỏi. Đúng lúc ấy Huệ lai thì thầm:
- Ông Hưởng, ông có giận tôi không?
- Không! Không!
Tôi hấp tấp đáp lời. Lúc đó, tôi có một thèm muốn rõ rệt là nghe Huệ lai nói. Dường như sự im lặng thật khắc khoải, nặng nề và bóp nghẹt trái tim tôi. Tôi đón nhận những âm thanh hiếm hoi từ miệng cô phát ra với lòng hân hoan của một thiếu niên thơ ngây, nồng nhiệt. Có lẽ những giây phút lẻ loi vừa qua khiến tôi rơi vào trạng thái ấy.
Người đàn bà vẫn đứng im trầm ngâm suy nghĩ. Tôi hình dung rõ hai làn má trắng mịn như đá phấn của cô, cả đôi mắt mênh mông dưới bóng vườn tối thẫm. Một con chồn vụt chạy qua khiến Huệ lai giật mình. Tiếng sột soạt tắt trong bụi rậm. Người đàn bà suy ngẫm chút nữa rồi lại hỏi:
- Ông có thù tôi không?
- Không!
Tôi đáp rành mạch. Câu trả lời ấy có lẽ đã gây xao xuyến trong người đàn bà sắt đá và táo tợn. Tôi cảm thấy cô ta rùng mình và hai thái dương đỏ lựng lên. Hình như cô ta đã phải kìm giữ để khỏi thốt lên một lời nào đó. Lời nói đó chắc sẽ vô cùng trọng đại đối với cuộc đời tôi. Điều phỏng đoán khiến tôi run rẩy. Tôi thấy hơi thở nóng hổi của chính mình. Tôi cũng thấy hai bàn tay tôi chợt nắm cứng đơ. Chắc hẳn Huệ lai cũng cảm nhận được phần nào. Cô ta cúi đầu khe khẽ thở dài. Sau đó ít phút, cô ta cao giọng hỏi:
- Thế theo ông tôi là người như thế nào?
Tiếng nói của Huệ lai vói lên cao ngạo và căng thẳng. Nhưng tôi biết được sau câu hỏi ấy là sự phấp phỏng, xao xuyến như chính bản thân tôi. Tôi bỗng thấy thương người đàn bà trơ trọi đó. Giây phút ấy tình thương còn mạnh mẽ và lấn át sự say mê. Tôi đặt tay lên vai Huệ thong thả đáp:
- Cô là một người đàn bà... - Ngừng lại vài giây đắn đo chọn lời, tôi tiếp: - Một người đàn bà đã từng đau khổ và cần được yêu thương dìu đỡ…
Một ngọn lửa vô hình phóng rọi từ trái tim người đàn bà sang tôi, thiêu đốt những rơm rác cuối cùng che phủ trên đồng ruộng. Rồi sau đó đất đai tươi rói phơi bày. Huệ lai òa khóc, lao đến ôm choàng lấy tôi. Cả một triền sóng ấm nồng xa lạ trùm phủ thân xác và tâm hồn tôi, khiến tôi sững sờ kinh hoảng. Nhưng sau giây phút ban đầu tôi nghe rõ tiếng nức nở rất đàn bà, tôi cảm nhận được những giọt nước mắt thấm trên vai mình bị gió thổi ướt lạnh, tôi ngửi thấy hương thơm nhẹ nhàng trong mái tóc cô tỏa ra mùi cỏ mần trầu lẫn mùi hoa hương nhu và một thứ dầu thơm nội hóa… Tôi chợt bình tĩnh cứng cỏi hẳn lên. Dù còn ngây ngất vì những cảm xúc mới lạ nhưng tôi đã biết mình là một người đàn ông đích thực. Niềm kiêu hành ngấm ngầm lan tỏa trong tôi, hòa lẫn những khát khao đã trú ngụ qua nhiều năm tháng. Mùi thơm trong mái tóc Huệ lai trở thành lớp khí trời vây bọc lấy tôi, nhào nặn tôi theo hình dáng niềm hoan lạc. Và những con sóng từ lâu ngủ vùi dưới đáy nước bỗng trồi lên, cuộn xoáy và gào thét... Hạnh phúc đã tới với tôi, đột ngột quá, mãnh liệt quá. Tôi không sao ngủ được. Khi Huệ lai đã trở về lán, tôi còn trăn trở mãi trên võng nhìn những ngôi sao lọt qua kẽ lá, lắng nghe tiếng biển ầm ì gào thét, bước chân sột soạt của bày chồn ăn đêm và thỉnh thoảng con cú rúc trong các vòm cây rậm.
- Có lẽ nào mình cô đơn mãi sao? Cuối cùng cuộc sống đã công bằng... - Tôi thầm nói với niềm mãn nguyện. Gần sáng tôi ngủ thiếp đi...
Khi tôi sực tỉnh, mặt trời đã mọc. Tia sáng của nó xuyên qua đám lá soài rọi thẳng vào mắt tôi. Vọp từ khe nước đi lên gọi:
- Chú Hưởng, ngủ đêm ngoài trời như vậy dễ bịnh lắm đó. Hôm nay chú có rảnh vào rừng săn gà lôi với tụi cháu?
Tôi lắc đầu:
- Còn một chồng công văn, thư từ đang đợi. Các cậu cứ đi với nhau cho vui.
Chàng trai nài nỉ:
- Tụi cháu nghe nói chú bắn khá lắm. Bữa nay chủ nhật, nghỉ đã. Làm việc ngày nào mà không được? Cháu chỉ ngại vết thương chưa lành...
Trông cậu bé thật dễ thương, nhưng tôi cương quyết chối từ. Kể ra vết thương chưa lành hẳn ở cánh tay trái không hề ảnh hưởng tới đường đạn. Nhất là thứ đạn bắn gà lôi. Nhưng tôi phải làm bản báo cáo gửi về đất liền. Tuần sau, Quắc sẽ làm nhiệm vụ ấy. Anh ta nhắc từ lúc tôi còn ở trong bệnh viện.
Đám trai độc thân trong nông trường rủ nhau vào rừng hết. Sáng nay Quắc đáp xe Lambro xuống chợ mua sắm cho kỳ nghỉ tới. Nếu Quắc ở nhà không đánh bột đổ bánh, anh cũng đục đẽo cái này, sửa sang cái kia ầm ầm như xưởng rèn hay xưởng mộc. Tôi mở cửa sổ hết cỡ cho gió sớm ùa vào rồi ngồi xuống ghế lật chồng công văn. Chợt hai con mắt đen láy thập thò ngoài khuôn cửa. Rồi sau đó bé Ly thận trọng bước vào nhìn trước, nhìn sau, thì thào nói:
- Bác Hưởng, má con gởi cho bác nè!
Nó đặt lên bàn một chiếc làn tre nhỏ có nắp. Tôi lật chiếc nắp lên. Trong làn có một tô miến gà bốc khói và một gói lớn bọc lá chuối:
- Bánh bột lọc nhân thịt gà tiêu đỗ đấy bác hà. Ngon lắm cơ. Hôm qua má con xuống chợ mua về để bác ăn cho khỏi bịnh.
Như vậy, tôi vỡ lẽ. Hóa ra cô gái mà Vọp nhớn nhác chạy theo dúi cho chiếc túi là Huệ lai. Hẳn cô ta đã nói cho cậu lái xe biết nên suốt dọc đường đi cậu ta cứ huýt sáo tràn và thầm vụng nhìn tôi bằng con mắt đầy hàm ý. Một cảm giác sượng sùng, nửa như lo âu, nửa như bực bõ gợn lên trong tôi.
-Không hiểu cậu ta nghĩ thế nào về chuyện này? -Tôi tự hỏi. Dẫu sao tôi cũng muốn đừng ai biết, đừng ai chõ mũi vào đời mình. Thấy tôi thẫn thờ, con bé Ly ngước mắt nhìn:
- Sao vậy bác?
Tôi lắc đầu:
- Bác có sao đâu?
Con bé cầm tay tôi ân cần:
- Thế bác ăn đi cho nóng. Má con bảo phải ăn miến trước rồi ăn bánh sau.
Sự chu tất của người đàn bà với đứa bé khiến tôi cảm động. Tôi quên đi ý nghĩ vừa thoáng qua:
- Bé Ly ngoan lắm. Bác ăn ngay đây. Cháu về bảo với má là bác Hưởng khen ngon.
Tôi bảo đứa bé như vậy. Nó gật đầu, lon ton chạy về. Tô canh miến thịt gà xé vẫn bốc khói nghi ngút. Tôi lật tấm lá chuối hơ mềm bóng loáng mỡ ra xem: Có tới gần hai chục chiếc bánh lọc. Bột trong suốt nhìn rõ lớp thịt gà vằm lẫn tiêu xanh và đỏ nghiền nhỏ bên trong. Huệ lai quả là một người đàn bà khéo léo. Tôi hình dung lại buổi trưa cô ta đóng vai thủ lĩnh cầm đầu đám đông lên gặp tôi chất vấn đòi nộp mạng Phức. Không ai nghĩ được rằng vị thủ lĩnh đó lại có thể nặn được những chiếc bánh tròn trặn khéo léo này. Đàn bà thật bí ẩn, và sung sướng thay khi ta nắm giữ được người đàn bà bí ẩn đó. Tôi mỉm cười. Trên bàn, một cốc nước sóng sánh mặt trời, phản chiếu ánh sáng của nó vào mắt tôi...
Chiều hôm đó, lúc đám trai tráng ở rừng về đang nhóm lửa quay gà, tôi đem chiếc làn tre và bát xuống lán trả Huệ lai. Một đám đàn bà con gái trong đó có cả bà trăn tinh Kiều Nga đang xúm quanh Huệ chuyện tào lao cười rũ rượi. Tôi đi loanh quanh lúc lâu họ cũng không chịu giải tán. Mãi sau, con bé Ly bỏ ra ngoài tôi mới gặp được nó, đưa chiếc làn cho đứa trẻ, tôi khẽ bảo:
- Nói với má con rằng lên gặp bác có việc nhé.
Dứt lời hai mang tai tôi nóng lên. Niềm hoan lạc, những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi đêm qua bừng bừng thức dậy. Tôi chợt thấy hoảng sợ vì chính sự táo tợn của mình. Rất có thể Huệ lai sẽ cho tôi là một kẻ khả ố và quê mùa. Ở vào tuổi tôi và địa vị của mình, tôi không nên có những hành động bồng bột rồ dại như vậy.
Tuy thế, buổi tối tôi vẫn mắc võng dưới vườn soài chờ đợi. May sao lũ thanh niên trong văn phòng mải chơi cờ nên không để ý tới tôi. Tôi nằm võng chơi chừng nửa giờ, người đàn bà đi đến. Tiếng chân bước trên lá khô sột soạt như chân chồn. Nhưng mùi hương từ mái tóc và mồ hôi trộn vào nhau tỏa trong không gian khiến tôi nhận được cô ngay. Tôi ngồi nhỏm dậy:
- Huệ!
Tiếng gọi của tôi vừa thắc thỏm vừa sung sướng. Huệ lai đã đến sát bên võng đáp lại bằng một giọng êm nhẹ:
- Ông kêu em có việc gì vậy, nói cho em biết để em còn về tắm?
Tiếng người đàn bà rơi từng giọt, ngọt ngào. Dáng vẻ cô nhu mì quá. Và những đường cong mềm trên thân cô khắc trên bóng vườn tối thẫm những niềm khao khát đang thức tỉnh. Khoảnh khắc đó, hạnh phúc dâng lên, tràn ngập. Mọi thứ lùi về phía xa: cả quá khứ, cả những cách biệt, cả những định kiến và những niềm tin. Mọi thứ đều ở ngoài chân trời của chúng tôi. Tôi ôm người đàn bà vào ngực, ghì riết đến nỗi vết thương trên cánh tay trái đau nhói. Nhưng cả nỗi đau cũng không còn hiệu lực trong lúc này:
- Tôi yêu em, Huệ ạ... Yêu em rất nhiều.- Tôi lắp bắp.
Người đàn bà trả lời tôi trong hơi thở dồn dập và nóng hổi:
- Em cũng vậy. Em thương ông.
Nụ hôn của cô dài và nồng nhiệt. Mái tóc cô lấp hết khoảng trời sao trước mắt tôi. Tôi chỉ còn thấy những ngôi sao nhỏ và giả tạo như đá trên mặt nhẫn qua những sợi tóc thơm mùi cỏ mần trầu. Chút mồ hôi đọng dưới gáy tỏa ra một thứ mùi thơm của da thịt và đời sống. Mùi thơm đó xóa đi khoảng cách cuối cùng còn lại giữa hai con người, dắt tôi tới niềm hoan lạc của ái ân. Đã bảy năm nay, từ ngày vợ chết, hạnh phúc đó mới trở lại tim tôi. Buổi tối hôm trước, vì tiếng khóc nức nở của Huệ lai, vì vòng tay ôm cuồng nhiệt và đột ngột của cô, niềm ái ân đến với tôi bàng hoàng như cảm giác của một giấc mơ. Giờ đây, nó đến với tôi với thịt da nóng ấm của đời thường. Tôi yêu người đàn bà đó. Bên ngoài ánh mắt cô, những ngôi sao lùi xuống đường chân trời, nhợt nhạt bất động.
- Đừng giận em nữa nghen...
Cô nói với tôi bằng một giọng cầu khẩn nhún nhường. Dù là Huệ lai, khi yêu cũng trở nên dịu hiền như con thỏ. Cô khiến tôi cảm động. Tôi vuốt ve bàn tay cô và trả lời:
- Chưa bao giờ tôi giận em hết.
Lúc người đàn bà ra về, trong nụ hôn tạm biệt, tôi thì thầm:
- Đến với tôi nhé.
- Dạ!
Huệ đáp. Rồi cô lẹ làng bước khỏi vườn soài, mềm dẻo như con hươu bước trên  những sườn non...
Hết 

Xem Tiếp: ----