Dịch giả: Đinh Đắc Phú
Chương 4

     gày sinh nhật của Klara Olsufievna, ái nữ của nghị viên Olsufy Ivanovich Berendeyev, một thời là ân nhân của Golyadkin, được đánh dấu bằng một bữa tối sang trọng huy hoàng lâu lắm chưa từng thấy trong các nhà quyền quý sống gần cầu Izmailovsky. Nói là bữa tiệc có lẽ đúng hơn. Nghi lễ xa hoa của bữa tiệc, và các thứ như sâm-banh Veuve Cliquot, sò huyết, trái cây mua ở hiệu Eliseyev và Milyutin, các thứ thịt mỡ khác, khiến bữa tiệc có một sắc thái như của Babylone [1]. Cả giai cấp thượng lưu đều có mặt. Bữa tiệc sang trọng còn có thêm một buổi khiên vũ nói là khiêm nhường, chỉ có tính cách gia đình nhưng rất huy hoàng và văn minh lịch sự. Dĩ nhiên không phải là không bao giờ có những cuộc khiêu vũ như vậy, nhưng rất hiếm. Giống một cuộc vui gia đình hơn, và chỉ có thể có được ở nhà những người như nghị viên Olsufy Ivanovich. Hơn nữa, đã chắc gì nghị viên nào cũng có thể tổ chức được một buổi khiêu vũ như vậy đâu. Chà, nếu tôi mà là thi sĩ - dĩ nhiên phải là cỡ Homer hoặc Pushkin, vì nếu không phải cỡ đó thì bỏ đi - thì thưa quý độc giả thân mến, tôi đã có thể tả lại buổi tối sang trọng huy hoàng đó với ngòi bút phóng túng đầy màu sắc rồi. Tôi có thể khởi đầu bài thơ bằng bữa tiệc. Nhấn mạnh đến giây phút đáng ghi khi ly rượu đầu tiên được nâng lên chúc mừng nữ hoàng của dạ hội. Tôi đã có thể tả lại cái im lặng của các tân khách vào lúc đầu, một sự im lặng chờ đợi đầy tôn kính như cái im lặng của Demosthenes [2] hơn sự im lặng thông thường. Rồi Andrei Filipovich, một vị khách đáng kính với chức vụ, với lối sửa soạn hợp với mái tóc đã bạc, nâng ly rượu được mang từ một vương quốc xa xôi nào đó để dùng vào những dịp như vậy, một loại tiên tửu hơn là rượu thường. Tôi cũng đã có thể tả lại cảnh ông bà thân sinh của nữ hoàng dạ hội và các khách khứa, với đôi mắt đợi chờ, cùng nâng ly với Andrei Filipovich. Rồi Andrei Filipovich, rơi lệ vào ly, chúc nữ hoàng hạnh phúc và uống mừng sức khỏe nàng.
Nhưng chắc chắn là tôi không thể tả nối giờ phút huy hoàng lúc Klara Olsufievna, nữ hoàng của dạ hội, mặt tươi như hoa xuân trong niềm sung sướng, vì quá xúc động đã ngả vào lòng mẹ bật khóc khiến cho chính ngài lão nghị viên đáng kính cũng phải sụt sùi. Olsufy Ivanovich, người đã khiếm dụng một chân sau thời gian phục vụ lâu dài và đã được tưởng thưởng cho lòng nhiệt thành phục vụ đó một lợi tức nhỏ gồm một ngôi nhà, một sở đất đông người ở và cô con gái xinh đẹp, phải nói là ông đã khỏe như một đứa trẻ, và trong tiếng nức nở nghẹn ngào đó ông vẫn cố nói là ngài Bộ trưởng là người khoan hậu nhân từ.
Và tôi cũng không tả được sự theo dõi say sưa của những người có mặt hôm đó khi Andrei Filipovich nói. Chẳng hạn, một viên chức trẻ tuổi sở Đăng Ký (lúc đó trông giống một nghị viên hơn là viên chức đăng ký) đã bật khóc khi nghe Andrei Filipovich.
Và Andrei Filipovich lúc đó cũng không còn giống một viên chức hay một chi sở trưởng của Nhà nước nữa - nhưng như một ai khác hẳn... Tôi không thể nói chính xác được, nhưng chắc chắn không giống một viên chức chính phủ. Ông có vẻ vĩ đại hơn... Ồ, tại sao tôi lại không có được ngòi bút mạnh mẽ, quý phái để có thể nói lên cái toàn chân, toàn mỹ của con người, lúc con người như là một bằng chứng của đạo đức thắng phá hoại, phóng đãng, xấu xa ghen tị nhỉ?
Vậy, tôi sẽ không nói gì về việc đó nữa, nhưng trong cái im lặng của tôi - cái im lặng xác đáng hơn bất kỳ lời biện thuyết nào - tôi sẽ hướng về môt người trẻ tuổi sung sướng vừa được 26 mùa xuân là Vladimir Semyonovich, cháu của Andrei Filipovich khi chàng nâng ly trước đôi mắt rưng lệ của vị thân sinh nữ hoàng, cặp mắt tự hào của Andrei Filipovich và tia nhìn e lệ của chính nữ hoàng, trước mọi con mắt ngưỡng phục của khách khứa và cả một vài ánh mắt ganh tị của vài đồng sự trẻ tuổi khác. Như vậy dù tôi sẽ không nói gì, tôi cũng không thể không lưu ý rằng tất cả mọi thứ thuộc về con người trẻ tuổi này (mà theo một nghĩa nào đó có vẻ là người đã già dặn hơn là một cậu trẻ), tất cả, từ đôi má đỏ hây hây đến tước vị, đều nói lên trong giờ phút vinh quang này thái độ đúng đắn nhất của một người.
Tôi cũng sẽ không tả lại cái lúc Anton Antonovich Setochkin, thư ký trưởng của sở, bạn đồng sự của Andrei Filipovich, có lần cũng là của Olsufy Ivanovich và đồng thời là bạn xưa của mọi người trong gia đình và cũng là cha đỡ đầu của Klara Olsufievna, một người nhỏ con trắng trẻo, khi đến lượt nâng ly chúc mừng đã bất ngờ kêu quang quác như gà rồi ngâm vài câu thơ thật vui nhộn, và với việc làm trái nghi lễ đó, nếu chúng ta có thể cho là thế, ông đã khiến mọi người cười đến chảy nước mắt và Klara Olsufievna, nghe lệnh cha mẹ, đã hôn ông để thưởng cho sự thân ái và vui vẻ đó của ông.
Tôi sẽ chỉ nói một điều là sau khi đã nảy sanh những cảm tình huynh đệ thắm thiết sau một bữa tiệc như vậv, các vị khách đứng dậy rời bàn. Các vị đứng tuổi sau khi đã nói chuyện thân mật, thậm chí có người còn thủ thỉ nữa, đã rủ nhau lặng lẽ qua phòng khác và không để mất thì giờ chia ngay thành từng nhóm rồi kiêu hãnh ngồi chung quanh những dãy bàn bọc nỉ xanh. Các bà còn ở lại trong phòng khách bỗng trở nên thân nhau và nói chuyện thật nhiều. Và sau cùng vị gia chủ đáng kính. Người đã bị một chân khiếm dụng vì lòng trung thành và sự hăng say phục vụ tổ quốc và đã được tưởng thưởng như đã nói phần trên, cũng cầm lấy nạng và bước đi giữa đám khách, với sự giúp đỡ của con gái và của Vladimir Semvonovich. Ông cũng tự dưng thành tử tế và quyết định tổ chức một buổi khiêu vũ khiêm nhường, không ngại tốn kém. Chàng thanh niên nhanh nhẩu, người mà tự nãy giờ trông giống một vị nghị viên hơn là một người trẻ tuổi, được lệnh đi tìm thuê ban nhạc. Chàng vội vã đi liền và trở lại với một ban nhạc không dưới mười một nhạc sĩ. Và đúng tám giờ ba mươi phút, những tiếng nhạc mở đầu của một điệu Quadrille Pháp [3] vang lên, rồi sau đó lẫn với các điệu vũ khác.
Tôi không cần phải nói là ngòi bút của tôi quá vụng, quá chậm chạp, quá ngớ ngẩn để tả lại hình ảnh độc đáo của buổi khiêu vũ do vị chủ nhân tóc bạc tổ chức trong cái ấm áp kỳ lạ đó. Làm sao mà tôi, kẻ thuật lại câu chuyện, không, phải nói là thuật lại những cuộc phiêu lưu của chàng Golyadkin, làm sao mà tôi có thễ nói lên được sự hòa hợp giữa sắc đẹp, tao nhã, lịch sự, vui nhộn, cái thân ái đầy lễ độ và cái lễ độ đầy thân ái, các trò chơi vui của các vị phu nhân trông như các vị tiên (nói theo nghĩa đẹp) với những bờ vai trắng như huệ, má đỏ hây hây, dáng vẻ thanh tao, vui tươi nhí nhảnh, với những đôi chân xoắn xuýt? Làm sao tôi tả được những hiệp sĩ quyền quý, những chàng trẻ tuổi vui tươi, và những vị điềm đạm và sung sưởng, tất cả như ở trong một màn sương, phì phà ống điếu giữa mỗi điệu nhảy trong căn phòng màu xanh nhỏ và biệt lập, tất cả đều mang những tên thật hay và những địa vị cao sang, đều có đầu óc thầm mỹ cũng như sự tự trọng, những người chỉ thưa chuyện với các bà các cô phần lớn bằng tiếng Pháp, và nếu có lúc nào phải dùng tiếng Nga thì cũng nói với giọng hay nhất, cho những lời ca ngợi và những câu có ý nghĩa sâu xa - chỉ trừ trong phòng hút thuốc mới có những câu nói thân mật trong nhà, chẳng hạn “Ê Peter, bạn nhảy thật hết mình trong điệu Polka đó” hoặc “Này, cậu nhỏ Vaska, cứ như là hễ cậu muốn cô ấy là cậu được liền!”.
Những điều này, như tôi đã thưa với quý vị độc giả thân mến, thật quá sức đối với ngòi bút của tôi, vậy thì tôi giữ yên lặng. Chúng ta nên trở về với ông Golyadkin, nhân vật chính rất thật trong câu chuyện rất thật của chúng ta.
Lúc đó, nói thật, chàng ở trong một tình trạng hết sức kỳ cục. Chàng cũng có ở đấy. Tôi không nói ở ngay nơi khiêu vũ nhưng cũng gần như vậy. Chàng cũng không có sao hết, và dầu chàng đang bận nghĩ đẽn chuyện riêng, cũng không thể nói là chàng đang ở trên con đường ngay thẳng tuyệt đối được. Chàng đang đứng ở - nói điều này cũng kỳ nữa - ở lối vào phía sau nhà Olsufy Ivanovich. Vậy đó. Chàng đứng đấy, nấp vào một xó có lẽ không phải ấm áp nhất mà là tăm tối nhất, giữa tấm bình phong đã cũ và một tủ chén dĩa lớn, giữa những thứ đồ thừa thãi bỏ phế. Chàng đứng đợi đến giờ hành động, và trong lúc chờ đợi chàng nhìn mọi sự như một kẻ bàng quan.
Thưa quý vị, chàng đang đứng quan sát. Nhưng nếu vào được thì chàng - nếu được chọn - sẽ vào ngay. Vậy sao chàng không bước vào cho rồi? Chỉ việc tiến tới, quá dễ. Bây giờ đứng trong xó tối lạnh lẽo, giữa những rơm rác thừa thãi chàng cố tạo can đảm cho mình bằng cách thì thầm một câu của Tổng trưởng Pháp Villèle “mọi việc sẽ tới với kẻ nào biết chờ đợi”. [4]
Golyadkin đã tìm được câu đó trong một quyển sách thật ra chẳng ăn nhập gì đến lúc này nhưng chàng lại thấy rất hữu ích và hợp thời cho mình. Đối với một kẻ ngót ba tiếng đồng hồ đứng trong xó tối lạnh lẽo để chờ một kết cuộc như ý thì có gì lại không nảy ra trong đầu? Sau khi đã tìm ra câu của Villèle, chàng cũng nhớ lại quốc lão Martsimaris của Thổ Nhĩ Kỳ, người đẹp Margravine Louise, những nhân vật chàng đã đọc đâu đó. Chàng cũng nhớ ra những người Thiên Chúa Jesuits [5] cũng dùng mọi phương tiện miễn sao đạt mục tiêu. Nhưng khi đã rút can đảm từ lịch sử, Golyadkin lại tự hỏi: “Những thứ đó thì sao?”, “Jesuits là những người nào vậy?” Họ chỉ là bọn điên, chàng có thể hơn họ nhiều.
Khi bọn gia nhân rời phòng nhỏ dẫn đến lối vào đằng sau, nơi Golyadkin đang đứng, không cần biết gì Jesuits này nọ, chàng cũng có thể rời phòng đó để đi vào phòng uống trà, rồi vào phòng đánh bài, rồi thẳng đến phòng khách nơi mọi người đang nhảy Polka.
Vâng, chàng có thể đi, đi qua thật nhanh mà không ai kịp thấy, và đến đó chàng có thể biết sẽ làm gì.
Thưa quý vị, đây là chỗ đứng của người hùng của câu chuyện thật của chúng ta, dầu thật khó giải thích trạng thái chàng lúc đó. Đó là chàng thành công trong việc đi đến thang lầu, vào lối sau bởi vì không có gì ở đó cả và ai muốn đi như vậy cũng được. Nhưng rõ ràng là chàng không dám đi xa hơn, nói vậy nghĩa là dầu chàng đếch sợ gì, chàng cũng không muốn vào làm chi, và thấy tốt hơn nên âm thầm. Và thưa quý vị, tại sao chàng không thể chờ thêm khi đã âm thầm chờ đúng hai giờ ba mươi phút?
“Villèle có ăn nhập quái gì đến mình? Tại sao phải để ý đến Villèle? Vào đó có gì đâu? Đồ vô dụng!” Chàng ấn hai ngón tay tê cóng vào đôi má lạnh giá. “Golyadkin, đồ ngu, đồ điên, ngớ ngẩn”. Nhưng câu nhận xét này chỉ thoáng qua với chàng.
Rồi chàng lại quyết định tiến tới. Hình như đã đến lúc rồi. Phòng nhỏ đã vắng người - đến lúc rồi. Golyadkin thấy điều đó khi nhìn qua cửa sổ. Nhảy vài bước, chàng đến trước cửa, xoay chốt.
“Đi hay không? Nên vào hay không? Được rồi, cứ vào, sao lại không? Người quyết chí thì làm gì cũng được”.
Nhưng dầu đã tự nói vậy, người hùng của chúng ta lại vẫn vội vàng lùi về sau tấm bình phong lần nữa.
Chàng lại nghĩ:
- “Không được, nếu bước vào thì đã sao cơ chứ? Người ta đã vào rồi. Tại sao mình cứ chần chờ khi không thấy có người? Mình có thể vào được rồi kia mà. Bây giờ làm sao vào thật tỉnh? Mình sao có ý hướng gì đâu không. Mình thật không có can đảm. Thiếu can đảm - họ nói vậy. Còn dám bị nói là làm lộn xộn hết mọi sự nữa là khác. Thôi khỏi lo, cứ đứng đây như một kẻ vô sự, không biết gì hết. Phải như ở nhà lúc này cũng được tách trà. Nếu bây giờ có một tách thì tuyệt biết mấy. Mình về trễ chắc Petrushka sẽ cằn nhằn. Có nên trở về không? Ôi, mặc kệ, mình về nhà đây”.
Giải quyết xong tình thế nan giải, Golyadkin bật ra trước như lò xo. Chỉ hai bước chàng đã đến phòng nhỏ đó, ném áo ngoài, cất nón, dồn cả vào một góc, kéo thẳng quần áo, vuốt tóc và... và đi lên phòng uống trà, từ đó chàng lủi qua một phòng khác, len lỏi giữa những con bạc vì đang sát phạt nên không kịp nhận ra chàng. Chàng cũng như quên hết mọi chuyện chung quanh và bất thần bước vào phòng khiêu vũ.
Lúc đó mọi người đang đưa nhau trong tiếng nhạc. Các bà theo từng nhóm màu sắc đang tha thướt, và các ông đứng theo vòng tròn hay đi quanh mời các bà ở vũ điệu tiếp. Nhưng Golyadkin không thấy những cái đó, chỉ thấy Klara, với Andrei Filipovich rồi Vladimir Semyonovich và ba bốn cậu trẻ khác, những kẻ tương lai đầy hứa hẹn và chỉ mới nhìn thôi cũng thấy là đã thực hiện được những gì người khác trông mong. Chàng cũng có thấy vài người khác. Ồ, không, chắc không phải, chàng không thấy ai khác. Chàng chỉ bị đẩy bật đi như bởi một lò xo, đưa chàng bất thình lình vào giữa phòng nhảy. Và chàng tiếp tục di động, chạm một vị nghị viên, đạp lên chân ai đó, dẫm phải áo một bà mệnh phụ đáng kính làm rách mất một mảng, xô một người hầu bàn đang bưng khay, xô vài người nữa mà không biết, đúng hơn, biết mà chẳng cần. Chàng tiến tới, không nhìn - nhìn thì được ích lợi gì đâu? - tiến mãi cho đến lúc thấy mình đã ở trước mặt Klara Olsufievna.
Chắc chắn là nếu chui được xuống đất chàng cũng vui lòng, nhưng điều gì làm đã làm rồi, và không thể không làm được. Vậy chàng phải làm gì? “Nếu tôi thất bại tôi cũng không mất can đảm, nếu tôi thành công tôi nhẫn nhịn... Golyadkin không, âm mưu, không lấy giày đánh bóng sàn...”
Và thật, những cái đó đã được chứng minh. Hơn nữa, người đạo Jesuits cũng có trong đó nữa... nhưng làm sao Golyadkin còn nhớ đến họ được. Mọi người đang đi đứng, đang cười nói ồn ầo bỗng trở nên yên lặng và từ từ vây lấy Golyadkin. Nhưng chàng như không nghe, không nhìn thấy gì cả. Cũng không có gì bắt chàng phải nhìn. Chàng cúi mặt, đứng thầm thì những lời giúp chàng thêm can đảm. Rồi chàng nói với mình: “Nào” và trong sự kinh ngạc của chính mình, chàng bắt đầu nói.
Chàng bắt đầu với những lời ca tụng chúc mừng. Phần ca tụng trôi qua êm thắm nhưng khi đến phần chúc tụng, chàng lại luống cuống dầu biết trước là nếu luống cuống thì mọi sự sẽ lộn xộn hết. Vì vậy chàng đỏ mặt, không tự kiểm soát được, ngửng đầu lên nhìn quanh. Và chàng sững sờ. Mọi người đang vây quanh chàng. Nhích xa hơn một chút, họ xầm xì, rồi nhích lại, họ cười.
Golyadkin nhìn Andrei Filipovich với vẻ cầu hòa nhưng Andrei Filipovich nhìn lại với cặp mắt nếu không giết được người hùng của chúng ta ở lần thứ nhất thì ở lần thứ nhì cũng giết được. Sự im lặng kéo dài.
Rồi Golyadkin nói, giọng thật khó nghe:
- Việc này chỉ liên quan đến đời sống riêng, của tôi thôi, Andrei Filipovich. Không can gì đến việc làm của một viên chức nhà nước cả...
- Thưa ông, ông phải tự lấy làm xấu hổ.
Andrei Filipovich thấp giọng, như bị sỉ nhục, và cầm tay Klara quay đi.
- Không có gì phải xấu hổ với tôi cả.
Golyadkin cũng hạ giọng, nhìn quanh một cách thảm hại như cố tìm giữa đám người ngớ ngẩn quanh chàng một lối thoát cho mình.
- Thế nào, thưa quý vị? Việc này có thể xảy đến cho bất cứ ai.
Golyadkin nói nhỏ, lùi sau một chút cố thoát ra vòng người.
Họ để chàng đi, chàng đã bị định mệnh xô đẩy, và chính định mệnh đang đẩy chàng ra, chàng nghĩ vậy. Điều chắc chắn là nếu bây giờ chàng được đứng ở chỗ nấp phía sau lúc nãy thì tốn bao nhiêu chàng cũng chịu. Nhưng vì không thể được, chàng cố trốn vào một góc nào đó, hy vọng được đứng đó yên lặng khiêm tốn, không phiền đến ai, không cần ai chú ý, nhưng lúc chàng nhận thấy cái vẻ lượng thứ của chủ nhà và khách khứa, chàng thấy đất dưới chân như rung chuyển và chỉ muốn ngã.
Chàng tìm cách đến một góc phòng, đứng như một người bàng quan, đặt tay lên hai chiếc ghế (nhờ vậy chàng chiếm hữu luôn) và cố nhìn khách khứa của Olsufy Ivanovich, những kẻ vừa bu quanh chàng một cách vui vẻ. Người gần chàng nhất là một sĩ quan lục quân cao lớn đẹp trai, đứng gần ông ta Golyadkin thấy nhỏ bé như con rệp.
Golyadkin nhìn ông ta khẩn khoản:
- Thưa trung úy, hai ghế này dành cho Klara Olsufievna và công chúa Chevchekhanov. Họ đang khiêu vũ. Tôi giữ ghế cho họ.
Vị sĩ quan không nói gì, quay đi với nụ cười khó chịu.
Thất bại với viên sĩ quan, Golyadkin thử thời vận với một nghị viên quan trọng, có ngôi sao trên cổ áo, nhưng người này đáp lại với cái nhìn lạnh lùng khiến Golyadkin tưởng như bị gáo nước lạnh dội lên đầu. Chàng im luôn.
Chàng thấy tốt hơn là đừng nên nói gì cả, để chứng tỏ là chàng cũng như người khác, không có gì phải thắc mắc, và địa vị của chàng cũng được chấp nhận. Chàng nhìn xuống tay áo mình, và khi ngẩng đầu lên, mắt chàng lại dán vào một người trông rất đáng kính.
- “Vị đó đang đội tóc giả” Golyadkin nghĩ thầm “nếu tóc giả rơi xuống, đầu ông ta cũng trơ trụi như lòng bàn tay mình”.
Khám phá ra điều quan trọng đó, Golyadkin nhớ lại là các vị tộc trưởng Ả Rập dưới những cái khăn buộc đầu để chỉ liên hệ gia đình với tiên tri Mohammed cũng có những cái đầu trọc lóc, lấy khăn ra là thấy liền. Rồi chìm đắm trong suy tưởng, Golyadkin đi từ người Ả Rập sang người Thổ, rồi từ người Thổ qua dép Thổ, khiến chàng thấy giày Andrei Filipovich mang trông giống dép hơn là giày.
Cũng có thể nói được rằng Golyadkin đã phần nào hòa mình vào hoàn cảnh.
Chàng lại nghĩ:
“Nếu cái đèn treo lớn trên kia rơi xuống đầu mọi người, mình sẽ xô đến cứu Klara, cứu nàng rồi sẽ nói với nàng: Đừng lo lắng, không sao đâu. Tôi là người cứu cô đây”.
Đến đây Golyadkin quay đầu tìm Klara Olsufievna, và bắt gặp cái nhìn nghiêm khắc của Gerasimovich đang bước lại phía chàng. Golyadkin rùng mình nhăn mặt, thấy khó chịu. Chàng nhìn quanh, nghĩ rằng tốt hơn nên lờ đi, làm như không can dự đến chàng. Tuy nhiên trước khi chàng có đủ thì giờ quyết định, Gerasimovich đã đứng trước mặt chàng.
Golyadkin nhe răng cười:
- Nhìn cây đèn kìa, Gerasimovich. Nơi giá đèn đó. Nó gần rớt xuống rồi. Ông nên cho sửa ngay đi.
- Cây đèn? Không, thưa ngài, cây đèn ngay rồi. Nhưng có người đang hỏi ngài.
- Ai hỏi tôi?
- Tôi không nói chắc được, thưa ngài, hình như gia nhân của ai đó. Anh ta đến và hỏi: “Có ông Yakov Petrovich Golyadkin đây không? Làm ơn cho ông ấy biết có việc cần ông ấy”. Vậy, thưa ngài...
- Không, Gerasimovich, không ai hỏi tôi hết. Chắc ông lầm đó.
- Không thể được, thưa ngài, vô lý.
- Không, Gerasimovich ạ. Không có gì vô lý khi ông lộn, không có gì vô lý, không thể được hết. Không ai hỏi tôi. Thật sự không ai hỏi tôi được cả.
Golyadkin hít vào một hơi dài, nhìn quanh. Chính thế! Mọi người trong phòng khách đang chú tâm nghe chàng và nghiêm trang nhìn chàng. Các ông gần chàng đang lắng tai nghe, các bà đang xầm xì như cảnh giác. Gia chủ cũng không ở xa đó lắm, và dầu ông ta không cho thấy là mình đang nắm trực tiếp vận mạng của Golyadkin trong tay, người hùng của chúng ta vẫn thấy đã đến giây phút quyết định, đến lúc tạo sóng gió khiến kẻ thù phải ê mặt. Chàng bị kích thích mạnh, nói với Gerasimovich bằng giọng nghiêm trang nhưng run rẩy:
- Không, ông bạn, không ai hỏi tôi hết. Ông lầm rồi. Tôi cũng cho ông hay là sáng nay ông cũng lầm khi bảo với tôi là... tôi muốn nói khi ông đoan chắc với tôi là - Golyadkin cao giọng - là Olsufy Ivanovich, ân nhân lâu đời của tôi, người tôi xem như cha, đã không cho tôi vào dự một buổi lễ nghiêm trang trong gia đình, một cuộc lễ như một niềm vui của bậc cha mẹ.
Có hơi xúc động nhưng thật tự tin, mắt ngấn lệ, Golyadkin nhìn các khuôn mặt chung quanh. Chàng kết luận:
- Ông bạn, tôi nhắc lại là ông đã mắc phải một lỗi lớn, không thể tha thứ được.
Một giây phút trang nghiêm. Golyadkin thấy việc làm của mình đã có hiệu quả. Chàng cúi đầu, chờ Olsufy Ivanovich chạy tới ôm lấy chàng. Đám đông như bị xúc động. Ngay cả lão Gerasimovich đáng ghét cũng lắp bắp như cố nói “... không thể được...”
Nhưng bỗng nhiên giàn nhạc tàn nhẫn chơi một bản Polka. Tất cả đều thay đổi, như một luồng gió thổi tan cái hiệu quả của Golyadkin đi. Chàng run lên. Gerasimovich bước về phía sau. Cả phòng chuyển động như nổi sóng. Vladimir Semyonovich lại bay nhảy trên sàn với Klara, và viên trung úy đẹp trai với công chúa Chevchekhanov. Những người khác, tò mò và khích động nhìn điệu vũ thời trang đang lôi cuốn mọi người. Lúc đó không còn ai nhớ đến chàng Golyadkin nữa.
Rồi mọi người lại bị xúc động. Nhạc ngưng... một việc lạ xảy ra. Klara Olsufievna, quá mệt vì nhảy nhiều, má đỏ bừng, ngực phập phồng buông mình xuống ghế. Tất cả đều đổ xô đến nàng như muốn chứng tỏ sự quan tâm của mình, và ơ kìa, Golyadkin cũng đang ở bên nàng. Mặt chàng xanh tái, khẩn trương. Giống nàng, chàng cũng như bị hụt hơi, kiệt sức, không cử động nổi. Chàng cười lạ lùng, cố vươn tay về phía nàng. Ngạc nhiên quá đỗi, Klara không có thì giờ quyết định rút tay lại. Nàng vô tình đứng dậy theo Golyadkin. Golyadkin xoay người, nghiêng ra trước, một bước, hai bước, rồi nhấc một chân, đập gót vào nhau, dậm xuống sàn, nhưng lại vấp... Chàng cũng muốn được nhảy với Klara.
Nàng la lên. Mọi người đổ xô đến gỡ nàng ra khỏi Golyadkin và chàng thấy mình bỗng cách nàng ít nhất mười bước. Một vòng người bao quanh chàng. Hai bà đứng tuổi hầu như chàng muốn hất văng khi bị xô đẩy lúc nãy đang kêu la om xòm. Lộn xộn không thể tả được, tất cả như náo loạn lên, người ta hỏi han, la hét, phê phán. Ban nhạc đã ngừng chơi. Đứng giữa vòng người. Golyadkin cười lãng xẹt, tự hỏi: “Sao thế nhỉ?...” Chàng thấy điệu Polka là điệu nhảy mới và thật hào hứng để làm vui các bà, không hiểu sao chàng lại... nhưng vì nó là như vậy, chàng đành vui lòng mà chịu. Nhưng hình như không ai cần hỏi xem chàng có vui lòng không. Chàng thấy một bàn tay nắm lấy cánh tay mình, rồi một bàn tay khác đẩy từ sau lưng và chàng được âu yếm dẫn đi nơi khác. Chàng thấy mình đang đi thẳng đến cửa, và cố cười bỏ qua. Rồi chàng được choàng áo vào, chụp nón lên đầu và nhận ra mình đứng ở cầu thang, trong tăm tối lạnh lẽo. Chàng vấp ngã, tưởng như mình rơi vào vực thẳm, định la thất thanh thì đã thấy mình đang đứng ngoài sân. Không khí mát mẻ ngăn tiếng la của chàng lại, và chàng thoảng nghe ban nhạc chơi một điệu khác. Chàng bỗng nhớ lại mọi việc, và sức mạnh tưởng như đã bỏ chàng nay bỗng trở lại. Đang đứng như dính chặt vào đất, chàng vùng chạy, chạy thẳng như thằng điên, chạy tìm chỗ nào mát mẻ, tự do, chạy mãi.
Chú thích:
[1] Một vương quốc cổ xưa ở Tây nam Á Châu.
[2] Nhà hùng biện Hy Lạp (384-322 trướcT.L.)
[3] Điệu nhảy gồm bốn cặp.
[4] Thật ra là một câu trong tác phẩm Gargantua của Rabelais.
[5] Thuộc Thiên Chúa giáo La Mã, thành lập do Ignatius of Loyale.