Dịch giả: Văn Hòa
Chương III

     hris đợi Laura và bé Kim tại phi trường Los Angeles. Chàng xinh trai biết bao! Laura thầm nghĩ. Không phải bà đã quên điều đó, nhưng vì bà đã quen nhìn một loại đàn ông xinh trai khác mà ông Chu là tiêu biểu. Bây giờ bà có cảm tưởng rằng thế giới này chia thành hai loại đàn ông và đàn bà mà Kim Christopher thì đứng một mình ở giữa cô độc. Không, nó không cô độc vì bà đã chấp nhận nó kể từ khi nó cất tiếng đầu tiên gọi bà bằng mẹ.
Nó đã dứt bỏ mọi quá khứ để theo bà, Sương là một người đàn bà tế nhị và có giáo dục: cái chi phiếu mà bà đã đưa cho nàng, khoảng năm Rgàn đô la, nàng chỉ liếc mắt trông qua và để xuống bàn mà không gấp lại bỏ ngay vào túi. Tại phi trường, nàng đã dặn dò bé Kim từng li từng tí, chẳng sót điều gì.
Nàng nói:
- Con hãy vâng lời cha con. Con cũng phải vâng lời bà Winters bởi vì bà là vợ yêu quý của cha con. Con ráng nhớ lời mẹ dặn. Khi cha con bước vào phòng, con phải lễ phép đứng dậy. Con hãy chăm lo học hành hằng ngày để cha con được vui lòng. Ban sáng, con hãy mang trà lại cho cha con trước tiên. Trong bữa ăn, con phải đợi cha con bắt đầu ăn trước. Con hãy nhớ tất cả những gì mẹ đã dặn con nhé!
Nàng tỏ cho Laura biết, nàng là một người khéo dạy con. Kim Christopher chăm chú nghe, không nói gi. Hơn nữa nó đã lẳng lặng mãi cho đến khi phi cơ cất cánh. Chi khi đó mới quay sang Laura và cất tiếng gọi “Mẹ!”.
Bà đã mỉm cười cùng nó, nhưng hai mắt bà rưng rưng ngấn lệ.
Bây giờ đã về đến Mỹ quốc, Kim Christopher nhìn cha nó. Nó nghiêng mình chào và im lặng chờ đợi.
Cha nó nói:
- À con.
Có vẻ ngượng nghịu, ông ngắm nhìn đứa bé - đích thực là con trai của ông, không nghi ngờ gì nữa - với những đường nét giống nhau đến thế thì làm sao chối cãi được? Tim ông bắt đầu đập mạnh hơn.
Ông ngắm nhìn Kim Christopher và thương yêu nói:
- Con cao lớn lắm!
Hai cha con lai nhìn nhau không chớp mắt. Laura cầm tay đứa bé, bà cố lấy một giọng hết sức tự nhiên để hỏi ông:
- Nào, chúng ta sẽ làm gì bây giờ nào?
- Anh đã mướn một khu phòng tại một khách sạn bên bờ bể, ở Laguna. Chúng ta có thể nói chuyện. Anh nghỉ vài hôm để tìm hiểu, ngay cả với em. Các bức thư của em chẳng thiếu đủ vào đâu cả. Chúng ta có nhiều chuyện để nói cùng nhau, ơ nhà, dạo này rộn ràng lắm; ngay cả ở đây anh cũng phải lẩn tránh các nhà báo. Anh đã nhờ Berman đi theo để lo lắng công việc giúp anh. Trong giai đoạn này, chỉ một chút sơ hở để cho thiên hạ biết cũng là một điều bất hạnh. Chúng ta đi ngay đi. Berman sẽ lo nhận hành lý. Em đưa mấy cái vé cho anh.
Laura buông bàn tay của đứa trẻ, nó đã bất đầu rịn ướt mồ hôi trong tay bà. Chồng bà vừa nói chuyện, vừa sãi những bước dài.
Bà bảo đứa trẻ:
- Nhanh lên con, Kim Christopher.
Nó vâng lời bà và vội rảo bước cho kịp hai người. Laura đã quen với bước chân sãi dài của chồng bà, nhưng đứa bé thì theo một cách vất vả và dường như Chris đã không biết có nó theo sau. Berman đang đứng đợi họ ờ cửa, ông ta bắt tay Laura và liếc nhìn đứa trẻ mà không nói gì.
Chris hỏi vợ:
- Nó có biết tiếng Anh không?
- Không. - Laura đáp.
- Biết chút ít thôi. - Kim Christopher mỉm cười chữa lại.
Động lòng trước sự can đảm của đứa trẻ, Chris mỉm cười nói với nó:
- Rồi con sẽ học thêm. Ở trong trường, học chẳng mày chốc.
Laura sửng sốt:
- Ở trong trường?
- Anh sẽ giải thích với em sau.

*

Hai giờ sau, họ ngồi bên nhau trong phòng riêng tại khách sạn. Sau khi ăn uống và tắm rửa, đứa trẻ đã đi ngủ.
Chris nói:
- Thế là xong, mọi việc đã được thu xếp, ngôi trường tốt lắm.
- Nếu em biết trước, anh không chịu đưa nó về nhà, thì em đã để nó ở lại với mẹ nó. Ít ra, bề ngoài nó cũng còn có một gia đình.
Bà vừa tắm gội xong, lộng lẫy và tươi mát trong chiếc áo màu hồng bằng hàng mỏng, tuy vậy bà chẳng lộ vẻ gì là mềm yếu, phục tòng. Ông đã thử ôm lấy bà vào lòng nhưng bà đã cưỡng lại, một sự đối kháng tuy dịu dàng nhưng cương quyết.
Bà nói:
- Anh quyết định ra sao về đứa trẻ?
Như vậy một cuộc thảo luận bắt đầu và có thể trở thành cãi vã, nhưng đó là tình yêu hỗ tương của hai người. Sau đó, Laura lại biểu lộ tình yêu và chồng bà chỉ có việc khuất phục, dĩ nhiên là ông có giận dỗi đôi chút nhưng đồng thời cũng thích thú nhiều.
- Kìa, không phải là em đã làm cao với anh sao? Cưng ơi, em yêu sách anh để đòi hỏi anh làm theo ý em chớ gì? Song hạng người như em đâu cần phải làm thế!
Tuy nói vậy, Chris vẫn thấy Laura thật là hấp dẫn, thật là tươi mát.
Tức giận, bà liền nói:
- Chris, anh nói những điều như vậy mà không hổ thẹn sao? Đó chỉ vì em không muốn nghĩ đến... đến...
- Trước khi giải quyết xong cái vấn đề mà em đã bận lòng, em muốn nghĩ sao thì nghĩ. Anh biết, anh biết.
Cuộc tranh chấp lại tiếp tục trong cái khung cảnh thơ mộng của bãi bể California, mà Chris đã dày công chọn lựa để làm nơi tái ngộ của hai người. Từ hàng hiên họ nhìn ra bãi cắt trắng mịn mà sóng bể Thái Bình Dương yên tĩnh đuổi nhau xô vào và tan ra thành bọt. Giữa cái màu xanh đồng nhất của chân trời và mặt nước, sóng bể tạo thành những đường rãnh có bọt trắng. Hai đầu vịnh? Những mõm đá cao mọc ra ngoài biển. Khung cảnh đã làm cho chàng ưa thích: sự vắng vẻ thơ mộng này rất thích hợp cho cuộc tái ngộ của hai vợ chồng sau bao ngày xa cách; ông mong nhớ bà kinh khủng.
Hai vợ chồng ngồi duỗi chân trên hai cái ghế dựa dài, nhìn ra bể.
Ông cầm bàn tay bà và nói:
- Hãy nghe anh, mình. Nếu mình để đứa bé xen vào giữa chúng ta...
Bà phản đối:
- Không có gì xen vào giữa chúng ta hết. Nó là “nó”, chỉ có thế, chúng ta sẽ làm gì nó đây?
- Gởi nó vào trường.
- Rồi sao nữa?
- Tới đâu hay đây!
- Thôi được đi. Nhưng gởi nó vào trường nào, ở đâu?
- Gởi nó vào trường trung học Waite tại New Hampshire. Đó là ngôi thường Trung học tư thục nổi tiếng nhất trong vùng.
- Nhưng bây giờ đang độ nghỉ hè mà?
- Tuy đang hè nhưng vẫn còn nhiều học sinh trọ học ở lại, những đứa trẻ có cha mẹ ở Âu châu chẳng hạn... Thằng bé sẽ phải học rút trong thời gian này để đến ngày tựu trường bắt cho kịp những đứa khác.
- Thật chẳng khác nào một đứa trẻ mồ côi!
- Đâu có phải vậy.
- Em muốn nói rằng nó phải sống cảnh côi cút. Nếu biết thế thì thà em để nó lại cho cô Sương cho rồi.
- Cưng ơi, em đừng quá bi quan. Em hãy nghĩ tới cảnh sống của nó ở Triều Tiên ngày trước, ổ đây nó sẽ được tiếp nhận một nền giáo dục tốt đẹp nhất.
- Phải, nhưng nó không có được một gia đình, một người cha...
Ông bật đứng dậy, tức giận:
- Thôi được rồi, tôi không màng nữa. Tôi sẽ rút đơn ứng cử lại và chúng ta sẽ ở chung cùng đứa bé, bất cứ nơi nào. Nhưng đó phải là cái nơi mà mọi người không biết tôi là ai và là nơi mà tôi có thể làm lại cuộc đời khởi sự bằng một con số không.
Bà đề nghị:
- Hay là em gởi thằng bé về với mẹ nó.
Ông đứng tựa cùi tay vào lan can nhô ra mặt bể lấp lánh. Rồi quay về phía bà, ông nói:
- Không, không thể được.
- Tại sao?
- Tại vì việc em đi Triều Tiên là điều rất hợp lý. Anh biết rõ cái bổn phận và nghĩa vụ của một kẻ làm cha. Anh biết rằng anh còn mắc nó một món nợ. Nhưng anh không nghĩ rằng vì nó mà anh buộc lòng phải hy sinh cả cuộc đời của anh, những tham vọng của anh và tất cả những gì anh có thể thực hiện được cho bao nhiêu người nếu anh đắc cử. Đối với anh bây giờ không còn là lúc phải dừng bước vì số phận của một cá nhân nữa. Laura ạ, dẫu cá nhân ấy là con trai của chúng ta. Như thế là đòi hỏi ở anh quá nhiều.
Bà trả lời với một vẻ bình tĩnh cố ý:
- Em không đòi hỏi gì mình hết Chris ạ, nếu không là để biết các kế hoạch của mình. Bây giờ anh đã nói ra những diều đó khiến em hối hận vô cùng. Thà em đừng có bao giờ biết đến đứa trẻ ấy. Thà anh giữ lấy cái bí mật ấy cho mình mà hơn.
Đột nhiên bà òa khóc khiến ông bối rối hết sức, vì xưa nay ít khi bà khóc như vậy. Chỉ bây giờ ông mới biết được cái tầm quan trọng của hành động ngày xưa. Phân tách một cách kỹ lưỡng thì đây chỉ là cái tội mà người thanh niên đã trót phạm vì quá cô đơn và vì sự thúc bách của cái nhu cầu tự nhiên của con người. Ông lập tức đứng dậy và ôm lấy bà vào lòng. Bà đang khóc rấm rứt. Tim ông như thắt lại, ông lắp bắp:
- Mình tha lỗi cho anh, tha lỗi cho anh...
Bà ngước nhìn ông, hai má ướt lệ:
- Em không nghĩ gì về anh hết. Em biết rõ hoàn cảnh của anh, em không có chỉ trích gì hành động của anh trong quá khứ cả. Em hiểu biết lắm và chẳng có quan tâm gì đến những điều đó. Chỉ có điều là giá như không có đứa bé thì chẳng sao. Nhưng bây giờ đã có nó. Nó phải ở cùng chúng ta bao lâu chúng ta còn sống. Chúng ta sống ở đâu, nó phải ở đấy.
Bà gục đầu vào vai chồng. Ông dịu dàng siết chặt vợ vào lòng, nhưng ông không có thể nói lời nào, chẳng biết nói gì vì quả thật, thằng bé còn đấy.

*

Họ trở về ngôi nhà của họ ở thành phố Philadelphia, ngôi nhà đang ngập chìm trong một sự thanh vắng hoàn toàn. Nhưng giữa đêm khuya có gì lạ không? Bà vào trước, trong khi ông trả tiền taxi và lấy hành lý. Bà bật đèn trong phòng khách và nhận thấy Greta đã giữ gìn nhà cửa thật tươm tất. Gian phòng sạch như chùi nhưng trống rỗng, không có hoa. Chris không có bảo trước cho cô ta biết ngày nào hai vợ chồng sẽ trở về, mà chính ông cũng không biết chắc điều đó. Ngay sáng hôm ấy, hai ông bà đã gởi Kim Christopher vào một trường tư thục Waite. Ông đã mướn một chiếc phi cơ nhỏ để trở về nhà liền sau đó. Bà ngồi xuống ghế cất mũ và cởi găng tay. Đây là nhà của bà, là gia đình, là tổ ấm của bà, nhưng bà trở về nơi đây không một chút vui nào trong lòng. Bà cảm thấy thiếu thốn lạ lùng, nếu không nói là bồi hồi trong dạ.
Xa bé Kim, bà không ngờ bà lại khổ tâm đến thế. Đối với bà, nó không còn là một bổn phận bà phải chu toàn mà bây giờ nó là một thành phần của đời bà, lệ thuộc bà. Nhưng bà đang ở vào một thế kẹt, vì bà đã cảm thấy những điều đó hơn chồng bà - luôn luôn tỏ vẻ thận trọng đã vội vã đem... giấu đứa bé đi... mà không minh định rõ địa vị của nó trong gia đình.
Bà nghe tiếng ông khóa cửa rồi bước vào, đến bên bà:
- Được trở về nhà, lại được có em ở bên cạnh, thì thật là yên chí.
Ông cúi xuống nâng cằm bà lên để hôn. Bà đáp lại chiếc hôn nồng ấm của chồng. Bà biết, bà không thể hành động một mình. Bà không thể để mất đĩ sự hòa thuận của gia đình, cũng không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ sống mà không có ông. Bà cũng không biết làm gì hơn cho đứa bé. Trong mấy ngày, ông đã thuyết phục được bà, không phải bằng lời nói mà bằng thái độ của một người cha đối với con trai mình, mà chỉ người cha là có tư cách quyết định lối sống cho nó. Sau phút bỡ ngỡ ban đầu. Chris đã chinh phục được vợ bằng những cử chỉ nồng nhiệt bề ngoài đối với Kim Christopher. Cuối cùng, hai vợ chồng đã cùng nhau cười thích thú vì những câu nói bập bẹ của đứa trẻ.
“Và cái này, ba là cái gì?”
Đứa trẻ hỏi liên miên, bất cứ gì nó thấy và muốn biết, lẫn lộn nào thức ăn, xe cộ nhà cửa và những chứ in, chữ viết, nói tóm lại tất cả những gì tạo thành cái thế giới mới của nó. Họ ở lại Waite một ngày để mua sắm các vật dụng cho một học sinh nội trú gặp bác sĩ Barilet, giám đốc trường và thảo luận việc dạy Anh ngữ cho bé Kim. Họ cũng đã biết mặt cậu học sinh sẽ là bạn tương lai ở chung phòng với Kim Christopher, một đứa trẻ tóc vàng người Nữu Ước, cha mẹ nó đã ly dị nhau ở Ba Lê.
Laura có cảm tình ngay với bác sĩ Bartiet vì ông ta chấp nhận lời giải thích của bà một cách tự nhiên, dẫu ông có thấy đứa bé giống hệt chồng bà, ông cũng không nói gì. Bà nói với bác sĩ Bartlet rằng trong một cuộc du hành sang Triều Tiên, bà nhìn thấy đứa bé khôn khổ quá, bà xúc động nên đã quyết định nuôi nó và mang nó về Mỹ và bà thêm, đứa trẻ xem vợ chồng bà như cha mẹ ruột, nhưng bà muốn gởi nó ở đây để nó học tiếng Anh được nhanh hơn ở nhà, vì họ không có con.
Bác sĩ Bartiet, giám đốc nhà trường nói:
- Vâng thưa bà, việc đó chỉ cần trong vài tuần. Trường chúng tôi có một cậu học sinh từ Rio đến trọ học, lúc mới vào không biết nói tiếng Anh, nhưng bây giờ thì...
Ông cất tiếng gọi, một cậu bé chạy đến, da rám nắng, hai mắt xanh ngơ ngác. Bác sĩ Bartlet xoa vào đầu tóc nâu quăn và ngắn của cậu và nói:
- Thầy vừa nói với ông bà đây rằng con học tiếng Anh mau lắm. Con phải giúp cậu Christopher đây đừng nản chí.
- Dạ vâng.
Đứa trẻ nhã nhặn đáp và cầm lấy tay Christopher kéo đi. Chỉ vài phút sau, hai đứa đã chơi đá cầu rồi.
Tuy vậy, sáng hôm ấy không dễ gì mà giải thích cho Kim Christopher hiểu rõ hoàn cảnh này. Nó chưa biết rằng việc gởi nó vào trường liên quan đến việc nó phải xa cách cha mẹ nó. Khi vợ chồng ông ra về, nó giữ chặt cánh tay bà không muốn rời, nó giữ chặt lấy, Chris đã phải trấn an nói:
- Này con, con cứ an tâm ở lại học hành. Ba má sẽ đến thăm con luôn.
Bây giờ Kim Christopher buông tay bà Laura để chộp lấy cánh tay cha nó và im lặng nhìn ông với hai mắt đầy lệ:
- Chris, em không thể... chịu nổi cảnh này - Laura năn nỉ với một giọng đứt quãng - Nó từ Triều Tiên sang đây để tìm cha tìm mẹ và bây giờ nó phải ở một mình. Anh muốn nó hiểu, hiểu thế nào được chứ? Em cảm thấy em có trách nhiệm...
Bác sĩ Bartlet xen vào:
- Tôi khuyên ông bà nên đi ngay đừng chần chờ. Chúng tôi sẽ giải thích cho cậu bé hiểu dần. Chỉ vài ngày thôi.
Hai ông bà đã phải nghe theo lời khuyên của bác sĩ giám đốc, họ gỡ tay đứa trẻ và bước nhanh ra khỏi trường như chạy trốn để nó lại cho bác sĩ Barllet.
Bây giờ đây, trong phòng khách trống rỗng không hoa, Laura như sống lại cái cảnh ấy. Bà đột ngột đứng dậy và bước đến phía cầu thang. Chris bước theo vợ sau khi đã vặn tắt đèn. Hai vợ chồng dìu nhau bước lên lầu.
Bà thở dài:
- Em ân hận đã không để cho nó được nhìn em ít ra là một lần cuối.
- Kìa, em...
- Tội nghiệp, nó còn quá bé.
- Em phải biết điều một chút mới được.
- Vâng em biết, em biết. Bà lại thở dài thườn thượt.
Cái điều mà bà biết là phải quên đứa trẻ đi, nhưng bà cảm thấy khó lòng quên được nó. Bà phải sống trở lại cuộc sống bình lặng ngày xưa cùng chồng, nhưng điều này cũng thật là khó khăn. Trao trả chàng quả tim nguyên vẹn ngày trước? Không, bà không thể! Có giá trị gì một con tim tan nát? Ồ, bà phải cố gắng hết sức để duy trì cuộc sống thường nhật. Bao lâu cuộc vận động tranh cử còn đang tiếp diễn, bấy lâu bà con phải giữ đúng vai trò của một người vợ.

*

Kim Christopher đã nhìn thấy hai ông bà Winters ra đi nhưng nó không tin vào mắt mình. Nó tin tưởng vào họ, nó thuộc về họ, nhưng bây giờ họ để nó ở lại một mình giữa những kẻ xa lạ. Không thể tin được... nhưng đó là sự thật. Nó nhìn thấy hai ông bà bước lên taxi, nó muốn chạy theo nhưng một bàn tay cứng như thép đã giữ nó lại.
Người đàn ông giữ nó, bảo:
- Christopher hãy bình tĩnh.
Nó chẳng biết gì về người đàn ông này hết, chỉ biết tên ông ta là bác sĩ Barilet. Dáng người ông ta cao lớn, mảnh khảnh, đã đứng tuổi, có vẻ tốt bụng. Nhưng ông Chu không phải là một người tốt bụng đấy là gì? Thế mà ông ta cũng như tất cả mọi người khác không còn ở bên nó nữa. Nó nghĩ đến mẹ và bà ngoại nó, người đã đẩy nó ra khỏi cửa vào phút chót và hét lên:
“Đi đi, đi đi. Đi về với cái thằng cha Mỹ của mày đi!”
Chính vì bà cụ ấy, vào phút chót nó mới quyết định ra đi. Đã được mấy lần bà cụ không đánh mắng nó là đồ ăn hại! Còn mẹ nó, bà mẹ thật là xinh đẹp của nó, đã không cho nó được phép gọi bà bằng mẹ...
Cuối cùng, Kim Christopher nghĩ rằng nó đã lầm lẫn khi phải rời bỏ cái xứ mà ít ra nó cũng hiểu được ngôn ngữ của mọi người chung quanh. Bỗng nhiên mọi can đảm trong lòng nó biến mất, cái can đảm đã giúp nó ăn miếng trả miếng, đối đáp lại những lời lăng nhục của lũ trẻ Triều Tiên, đã cho nó yêu thương mẹ nó. Đã làm nó yên lòng rời bỏ xứ sở để đi đến một miền xa lạ với bà vợ của cha nó. Trong khi tìm lại được cha nó, nó nghĩ rằng từ đây cuộc đời nó sẽ được an toàn. Nhưng không... Chẳng có gì là an toàn cả. Nó lại phải sống một mình, đơn côi.
Bé Kim vụt quay lại, gục đầu vào ngực người đàn ông xa lạ này và khóc lớn, tiếng khóc như vò xé nát tâm can nó. Nó buộc mồm nói một tràng tiếng Triều Tiên, thứ tiếng mà không ai có ở đây có thể hiểu được.
- Ta chỉ có một mình... một mình. - Nó vừa khóc vừa nói.
Bác sĩ cúi xuống đứa bé. Ông không hiểu nó đã nói lắp bắp những gì dĩ nhiên, nhưng nếu trời đã không cho ông có được một đứa con để săn sóc thì ông chấp nhận mọi đứa trẻ, con của thiên hạ những người mà ông chẳng một mảy may quen biết. Ông chỉ biết có một điều: người ta mang lại giao cho ông những cậu bé nhỏ dại. Tại sao người ta có thể hành động như vậy? Ông không biết, người ta đã giao nhờ ông và phải săn sóc chúng. Để giáo dục chúng, nuôi dưỡng chúng, ông phải dùng các nhân viên có kinh nghiệm, và buộc họ phải có lòng thành thật và nhân ái.
Ông khẽ vuốt ve đầu tóc cứng của đứa trẻ đang rung rung vì thổn thức và dịu dàng dỗ dành nó:
- Thôi nín đi con. Cha mẹ con sẽ trở lại thăm. Các ông các bà ấy hễ có dịp là đến thăm con cái luôn đây mà. Con hãy ở lại đây chơi với các cậu bé, nín. Trong vài hôm, con sẽ quen dần. Chắc con cũng đã đói rồi. Đi, đi với thầy, thầy kiếm cho con cái gì để ăn.
Cái liều thuốc hiệu nghiệm nhất của ông để xoa dịu các nỗi buồn khổ đang giày vò tâm can trẻ thơ là một bữa ăn ngon và một cậu bé để làm bạn chơi đùa chuyện vãn. Ông có được một bà quản gia rất giỏi, đó là bà Battle, sành sõi việc bếp núc biết nấu những món ăn thích hợp với khẩu vị của các cậu bé. Ông dẫn Kim Christopher xuống bếp ngay vào lúc bà quản gia đang uống trà.
Bác sĩ Bartlet nói:
- Bà Battle, đây là cậu học trò mới. Hoàn cảnh như thường lệ, nhưng cậu ta nói tiếng Anh chưa sõi. Cậu được ông bà Winters mang từ Triều Tiên về. Ông bà ấy ở tại Philadelphie và để cậu bé trọ học lại đây, dĩ nhiên là vì một lý do nào đó không tiện nói ra nhưng trong số học trò trọ học tại trường ta đứa nào mà chẳng vì lý do này hay lý do khác? Cậu bé đã đói rồi đây bà Battle ạ, mang cho cậu chút gì ăn đi. Cậu tên là Christopher.
- May thay tôi vừa làm xong một ít bánh nhỏ! Bác sĩ để cậu ấy đây cho tôi.
Bà đặt một cái tách ra bàn; rót đầy trà và mang lại một dĩa bánh. Bà nói:
- Đến đây cậu Christopher. Ngồi xuống ăn bánh đi.
Đứa trẻ vâng lời bà, đưa tay chùi miệng. Bà Battle cười với nó trong khi bác sĩ giám đốc nhà trường rón rén rút lui. Hai người ngồi uống trà, thinh lặng vì không đồng ngôn ngữ. Bà mời nó ăn bánh, nó có vẻ thích loại bánh ấy và tách trà đậm nóng như vậy. Tội nghiệp thằng bé! Nó không còn khóc nữa. Nó đã bình tĩnh trở lại, dễ chịu hơn và có vẻ buồn ngủ.
Bà quản gia đứng dậy:
- Đến đây con, con đến nằm xuống cái “đi văng” này đi. - Vừa nói bà vừa vỗ vỗ vào lớp nệm dày trên một cái “đi văng” có lò xo đã cũ, xập xệ vì lâu ngày chịu đựng sức nặng của bà - Con nằm nghỉ ở đây, bà sẽ đi kiếm chăn đắp cho. Ngủ đi một lát, khi con trở dậy mọi sự sẽ tốt đẹp ngay đây mà!
Thằng bé nhìn cử chỉ và nghe giọng nói của bà ta nó liền hiểu bà muốn bảo gì. Nó làm theo ý bà. Khi nó nằm xuống, bà quản gia liền lấy một cái khăn dệt bằng chỉ màu sặc sỡ đắp cho nó. Mệt lã người vì cuộc hành trình vì nỗi buồn khổ trong lòng, nó ngủ thiếp đi.

*

Cách đây rất xa, tại “Vạn Hoa Đình” Kim Sương đang chuẩn bị dọn đi nơi khác. Nàng sẽ ra đi một cách kín đáo và điều đó đã trở thành nhất định. Ông Chu đã tỏ ra là một người rất đứng đắn. Cuộc dạm hỏi đã được thực hiện qua trung gian của ông Đỗ Bách, bạn ông, một kỹ nghệ gia giàu có. Kể từ ngày Triều Tiên thiết lập giao thương cùng Nhật Bản, cái ông bạn tinh ranh này đã ký kết với người Nhật những hợp đồng thương mãi mà ông ta đã viện nhiều lý do khác nhau để rút lui nơi người Mỹ. Ông ta không thích những người Mỹ lương thiện vì khó mua chuộc và khinh bỉ những người Mỹ bất lương vì mua chuộc họ quá dễ dàng. Tại Triều Tiên, hai hạng người này ở sát bên nhau. Đối với người Nhật Bản, không có việc mua chuộc, hối lộ, chỉ công việc quyết định. Ông Bách là một trong những người Triều Tiên cảm thấy nhục nhã vì sự ngu ngốc của những người lính Mỹ trẻ tuổi đã gieo vãi mầm giống của họ một cách quá dễ dàng trên khắp các quốc gia mà họ chiếm đóng và để lại tại các quốc gia này hàng đàn trẻ con lai. Ông thường cổ xúy trong đám bạn hữu thân tình và trong số những người đáng tin cậy rằng đối với lũ con lai ấy nên bóp chết chúng đi, ngay từ hồi còn trứng nước, hoặc, ít ra lũ con trai phải được thiến đi. Dòng máu nguyên ròng của dân tộc Triều Tiên không thể để bị nhơ nhuốc vì những đứa con lai bất hợp thời hợp cảnh như thế. Mặc dầu nước ông đã từng bị lệ thuộc người Trung Hoa và Nhật Bản hàng bao thế kỷ dài nhưng dòng máu ấy vẫn được bảo toàn nguyên vẹn, bây giờ chẳng lẽ lại để cho nó hủ hóa vì sự lỗi lầm của những tên Mỹ mất dạy này?
Trong một cuộc đàm thoại cởi mở cùng ông Chu, ông Bách đã nói:
- Phải quét sạch những đứa trẻ ấy ra khỏi nước chúng ta; chỉ có việc quẳng chúng xuống biển là yên chuyện.
Ông Chu không tỏ ra có những định kiến cố chấp như vậy, những năm du học tại Mỹ quốc đã khiến ông mềm dẻo đôi chút. Nhưng ông cũng nhận thấy rằng người ta nên đưa lũ con lai về Mỹ, quê hương của cha chúng nó. Người Mỹ chẳng bận tâm gì nhiều về sự tinh tuyền huyết thống của họ. Họ đã nhìn thấy khá đủ các sự đa tạp về màu tóc, màu mắt và ngay cả màu da trong nước họ.
Trước khi nhờ bạn giúp đỡ, ông Chu buộc lòng kể cho bạn ông nghe câu chuyện ông đã góp phần vào việc đưa về Mỹ một đứa trẻ con lai mà mẹ nó đang hành nghề trong một “nhà Hoa”. Rồi ông ngỏ ý muốn ông Đỗ Bách giúp ông đứng mai mối hỏi Kim Sương làm vợ. Ông Bách vui vẻ nhận lời, bởi vì - ăn miếng chả, trả miếng nem - ông Chu có nhiều nhà máy sản xuất hóa phẩm mà ông đang muốn ký kết một giao kèo thương mãi.